Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 92/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2023

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG ĐOÀN KHỞI KIỆN VÀ THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN LAO ĐỘNG, VIỆC LAO ĐỘNG TẠI TÒA ÁN

Căn cứ Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Bộ luật Lao động năm 2019;

Căn cứ Luật Công đoàn năm 2012;

Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội năm 2014;

Căn cứ Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015;

Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết số 04/NQ-QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật tố tụng hành chính;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự;

Căn cứ Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án;

Căn cứ Nghị quyết số 04/2018/NQ-HĐTP ngày 09/8/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành một số biểu mẫu trong giải quyết việc dân sự;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐTP ngày 24/9/2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định về các biện pháp khẩn cấp tạm thời của Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam;

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn công đoàn cơ sở (CĐCS), công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (sau đây gọi tắt là Công đoàn) khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án như sau:

Phần I

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG CẦN LƯU Ý KHI CÔNG ĐOÀN KHỞI KIỆN VÀ THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN LAO ĐỘNG, VIỆC LAO ĐỘNG TẠI TÒA ÁN

1. TRANH CHẤP VỀ LAO ĐỘNG, TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN LAO ĐỘNG, YÊU CẦU VỀ LAO ĐỘNG MÀ CÔNG ĐOÀN THAM GIA GIẢI QUYẾT

Những tranh chấp về lao động (TCLĐ), tranh chấp liên quan đến lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 32 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS), được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ). Những yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 33 BLTTDS.

Văn bản này chỉ hướng dẫn Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết các TCLĐ, tranh chấp liên quan đến lao động và các yêu cầu về lao động sau đây:

1. Tranh chấp về lao động và tranh chấp liên quan đến lao động

- TCLĐ cá nhân giữa người lao động (NLĐ) với người sử dụng lao động (NSDLĐ);

- TCLĐ tập thể về quyền theo quy định của pháp luật lao động;

- Tranh chấp về kinh phí công đoàn;

- Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do đình công bất hợp pháp[1];

- Các tranh chấp khác về lao động, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu về lao động

- Yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động (HĐLĐ), thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) vô hiệu;

- Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

II. VAI TRÒ CỦA CÔNG ĐOÀN KHI KHỞI KIỆN VÀ THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN LAO ĐỘNG, VIỆC LAO ĐỘNG TẠI TÒA ÁN

Vai trò của Công đoàn khi khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án được quy tại điểm c khoản 2 Điều 75; Điều 88 và điểm d khoản 1 Điều 209; khoản 2 Điều 187; khoản 1 Điều 401; khoản 1 Điều 403 BLTTDS. Theo các điều luật này, vai trò của công đoàn các cấp được thể hiện cụ thể như sau:

1. Công đoàn cơ sở

- Khởi kiện và tham gia giải quyết vụ án tranh chấp về kinh phí công đoàn tại Tòa án.

- Khởi kiện và tham gia giải quyết TCLĐ cá nhân tại Tòa án nếu được NLĐ ủy quyền.

- Khởi kiện và tham gia giải quyết TCLĐ tập thể về quyền tại Tòa án.

- Yêu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

- Cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.

- Cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động theo chỉ định của Tòa án.

- Cử đại diện tham gia vào phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo yêu cầu của NLĐ.

2. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở

- Khởi kiện và tham gia giải quyết vụ án tranh chấp về kinh phí công đoàn tại Tòa án.

- Khởi kiện và tham gia giải quyết TCLĐ cá nhân tại Tòa án nếu được NLĐ ủy quyền.

- Khởi kiện và tham gia giải quyết TCLĐ tập thể về quyền nếu được CĐCS ủy quyền.

- Yêu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

- Cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, CĐCS nếu được NLĐ, CĐCS đề nghị.

- Cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động theo chỉ định của Tòa án.

- Cử đại diện tham gia vào phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo yêu cầu của NLĐ. Nếu không tham gia được, phải có ý kiến bằng văn bản.

3. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Khởi kiện và tham gia giải quyết vụ án tranh chấp về kinh phí công đoàn tại Tòa án.

- Khởi kiện và tham gia giải quyết TCLĐ cá nhân tại Tòa án nếu được NLĐ ủy quyền.

- Khởi kiện và tham gia giải quyết các TCLĐ tập thể về quyền tại Tòa án nếu được CĐCS ủy quyền.

- Yêu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

- Cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, CĐCS, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nếu được NLĐ, CĐCS, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đề nghị.

- Cử đại diện tham gia vào quá trình giải quyết các vụ án lao động, việc lao động theo chỉ định của Tòa án.

- Cử đại diện tham gia vào phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải theo yêu cầu của NLĐ. Nếu không tham gia được, phải có ý kiến bằng văn bản.

III. TƯ CÁCH CỦA CÔNG ĐOÀN KHI THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN LAO ĐỘNG, VIỆC LAO ĐỘNG TẠI TÒA ÁN

1. Đương sự

Công đoàn có thể tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án với tư cách đương sự trong vụ án lao động (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) và đương sự trong việc lao động (người yêu cầu giải quyết việc lao động và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Khi tham gia với tư cách là đương sự trong vụ án lao động, việc lao động, Công đoàn có quyền, nghĩa vụ được quy định tại các Điều 70, 71, 72, 73 BLTTDS.

1.1. Đương sự trong vụ án lao động

- Nguyên đơn: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án với tư cách là nguyên đơn trong những vụ án lao động mà Công đoàn có quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật.

- Bị đơn: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án với tư cách bị đơn trong vụ án mà NSDLĐ khởi kiện Công đoàn (ví dụ: NSDLĐ kiện CĐCS tổ chức, lãnh đạo cuộc đình công đòi bồi thường thiệt hại do cuộc đình công bất hợp pháp).

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khi Công đoàn không khởi kiện, không bị kiện nhưng việc giải quyết vụ án lao động có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Công đoàn nên Công đoàn tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa Công đoàn tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

1.2. Đương sự trong việc lao động

- Người yêu cầu: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết việc lao động tại Tòa án với tư cách là người yêu cầu khi Công đoàn có đơn đề nghị Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu; yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết việc lao động tại Tòa án với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khi Công đoàn không yêu cầu giải quyết việc lao động nhưng việc giải quyết việc lao động có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của Công đoàn nên Công đoàn được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa Công đoàn vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

2. Người đại diện của đương sự

2.1. Người đại diện theo pháp luật

CĐCS là đại diện theo pháp luật cho tập thể lao động khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

2.2. Người đại diện theo ủy quyền

- Đại diện Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án với tư cách đại diện theo ủy quyền của đương sự khi được NLĐ, công đoàn cấp dưới là đương sự trong vụ án lao động, việc lao động ủy quyền.

- Khi tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện theo ủy quyền của đương sự, tùy tư cách của NLĐ, Công đoàn trong các vụ án lao động, việc lao động mà cán bộ công đoàn (CBCĐ) có các quyền và nghĩa vụ tương ứng của đương sự (nguyên đơn hoặc bị đơn hoặc người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan).

Lưu ý:

- Thủ tục ủy quyền:

+ Đối với NLĐ: NLĐ làm giấy ủy quyền cho Công đoàn thực hiện việc khởi kiện vụ án lao động (trực tiếp ký đơn khởi kiện) theo quy định tại khoản 2 Điều 187 BLTTDS và/hoặc tham gia tố tụng giải quyết TCLĐ cá nhân tại Tòa án các cấp (tham khảo Mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này); Công đoàn được ủy quyền cử cán bộ thực hiện nội dung được ủy quyền.

+ Trong trường hợp có nhiều NLĐ có cùng yêu cầu đối với NSDLĐ, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của Công đoàn thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 85 BLTTDS.

- Việc ủy quyền của NLĐ cho Công đoàn cần được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng (phòng công chứng và văn phòng công chứng). Giấy ủy quyền phải quy định rõ các nội dung ủy quyền, kể cả việc ủy quyền ký đơn khởi kiện, đơn khởi kiện bổ sung, ủy quyền tham gia quá trình giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án các cấp, bao gồm cả kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm.

Trường hợp NLĐ làm giấy ủy quyền cho CĐCS và CĐCS muốn ủy quyền lại cho công đoàn cấp trên tham gia tố tụng (nếu CĐCS không tham gia được) thì nội dung giấy ủy quyền cần ghi rõ người nhận ủy quyền được phép ủy quyền cho người thứ ba thực hiện các hoạt động đại diện cho NLĐ tham gia tố tụng.

Đối với tổ chức công đoàn: CĐCS làm giấy ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện và/hoặc tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tập thể về quyền, tham gia tố tụng dân sự giải quyết việc lao động tại các cấp Tòa án. Công đoàn cấp trên được ủy quyền cử cán bộ thực hiện nội dung được ủy quyền.

Công đoàn có quyền khởi kiện vụ tranh chấp về kinh phí công đoàn: sau khi khởi kiện thì công đoàn cấp dưới có quyền ủy quyền cho công đoàn cấp trên tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ tranh chấp tại các cấp Tòa án.

2.3. Người đại diện do Tòa án chỉ định

- Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án trong trường hợp NLĐ là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện thì Tòa án chỉ định Công đoàn là tổ chức đại diện cho NLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 88 BLTTDS.

- Thủ tục: Công đoàn được Tòa án chỉ định làm Giấy giới thiệu đại diện của Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án (tham khảo Mẫu số 04 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

3.1. Điều kiện

Đại diện Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là NLĐ, công đoàn cấp dưới trong vụ án lao động, việc lao động khi được NLĐ, công đoàn cấp dưới yêu cầu và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

3.2. Quyền và nghĩa vụ

Khi tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, công đoàn cấp dưới tại Tòa án, đại diện Công đoàn có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 76 BLTTDS.

3.3. Thủ tục

- NLĐ, công đoàn cấp dưới làm giấy đề nghị Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, công đoàn cấp dưới.

- Công đoàn được NLĐ, công đoàn cấp dưới đề nghị cử đại diện làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, công đoàn cấp dưới trong vụ án lao động, việc lao động theo quy định của pháp luật lao động, công đoàn.

- Đại diện Công đoàn xuất trình văn bản của Công đoàn giới thiệu người tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ, công đoàn cấp dưới.

- Công đoàn đề nghị Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự theo quy định tại khoản 4 Điều 75 BLTTDS. Tòa án phải vào số đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và xác nhận vào giấy yêu cầu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người đại diện Công đoàn. Trường hợp từ chối đăng ký thì Tòa án phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

IV. XÁC ĐỊNH TÒA ÁN CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP LAO ĐỘNG, CÁC YÊU CẦU VỀ LAO ĐỘNG THEO THỦ TỤC SƠ THẨM

1. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động theo thủ tục sơ thẩm

Khi xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết TCLĐ, CBCĐ cần xác định Tòa án theo cấp (Tòa án cấp huyện hay cấp tỉnh) và Tòa án theo lãnh thổ (Tòa án địa phương nào). Thẩm quyền của Tòa án các cấp trong việc giải quyết các TCLĐ được quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 35; khoản 1 Điều 36, điểm a khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 4 Điều 38, khoản 1 Điều 39 và khoản 1 Điều 40 BLTTDS. Cụ thể:

- Trường hợp các đương sự không có thỏa thuận về việc lựa chọn Tòa án:

+ TCLĐ có đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài: Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là Tòa án nhân dân cấp tỉnh, nơi bị đơn cư trú, làm việc (nếu bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức).

+ Các TCLĐ còn lại: Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là Tòa án cấp huyện nơi bị đơn cư trú, làm việc (nếu bị đơn là cá nhân) hoặc nơi bị đơn có trụ sở (nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức).

- Trường hợp các đương sự có thoả thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn (nếu nguyên đơn là cá nhân) hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn (nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức): Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các TCLĐ là Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn.

- Trường hợp nguyên đơn lựa chọn Tòa án giải quyết TCLĐ trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 40 BLTTDS: Tòa án theo sự lựa chọn của nguyên đơn có thẩm quyền giải quyết.

2. Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết các yêu cầu về lao động theo thủ tục sơ thẩm

Thẩm quyền của Tòa án các cấp trong việc giải quyết các yêu cầu về lao động được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 35; khoản 1 Điều 36, Điều 37, điểm a khoản 4 Điều 38, điểm v, x khoản 2 Điều 39 BLTTDS. Cụ thể:

- Yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi giao kết hoặc thực hiện HĐLĐ, TƯLĐTT có thẩm quyền giải quyết;

- Yêu cầu xét tính hợp pháp của cuộc đình công: Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi xảy ra cuộc đình công có thẩm quyền giải quyết.

V. THỜI HIỆU YÊU CẦU TÒA ÁN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG, YÊU CẦU VỀ LAO ĐỘNG

1. Quy định về thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động, yêu cầu về lao động

- Thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết TCLĐ cá nhân, TCLĐ tập thể về quyền là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm (khoản 3 Điều 190; khoản 3 Điều 194BLLĐ).

- Theo quy định tại khoản 2 Điều 184 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS), Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc. Khi có đương sự đề nghị áp dụng thời hiệu khởi kiện, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án lao động nếu thời hiệu khởi kiện đã hết theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS.

- Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện, việc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện được áp dụng theo quy định của BLLĐ và BLDS.

2. Một số vấn đề cần lưu ý liên quan đến thời hiệu yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động, yêu cầu về lao động

- Trường hợp NLĐ, Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động với tư cách nguyên đơn: mặc dù không phải là điều kiện khi Tòa án xem xét thụ lý nhưng khi tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động, CBCĐ cần xác định thời hiệu khởi kiện để tư vấn cho NLĐ, Công đoàn (là người khởi kiện/người yêu cầu) có nên khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết hay không.

- Trường hợp NLĐ, Công đoàn tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động với tư cách bị đơn: nếu tranh chấp đã hết thời hiệu khởi kiện, CBCĐ cần tư vấn cho NLĐ, Công đoàn (là bị đơn) đề nghị Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện quy định tại khoản 3 Điều 190 BLLĐ (TCLĐ cá nhân); khoản 3 Điều 194 BLLĐ (TCLĐ tập thể về quyền) để đình chỉ giải quyết vụ án lao động.

VI. ÁN PHÍ, LỆ PHÍ, CHI PHÍ TỐ TỤNG DÂN SỰ

Án phí, lệ phí, chi phí tố tụng dân sự được quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14). Công đoàn cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Án phí

- Các trường hợp được miễn án phí quy định tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, bao gồm: Công đoàn được NLĐ ủy quyền khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.

- Các trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, bao gồm: Công đoàn khởi kiện vụ án lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ, của tập thể lao động, của tổ chức Công đoàn.

2. Lệ phí tòa án, chi phí tố tụng dân sự

Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án nộp các chi phí tham gia tố tụng dân sự bằng ngân sách của cấp Công đoàn đó. Các chi phí này được tính vào chi phí hoạt động của Công đoàn, theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2.1. Lệ phí tòa án

- Theo quy định tại khoản 7, khoản 9 Điều 4; điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, khi tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án, các đương sự có thể có các loại lệ phí như sau:

+ Lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định và các giấy tờ khác của Tòa án: Lệ phí sao chụp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ việc do Tòa án thực hiện; lệ phí cấp bản sao bản án, quyết định của Tòa án; lệ phí cấp bản sao các giấy tờ khác của Tòa án.

+ Lệ phí thực hiện ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.

+ Lệ phí xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

- Công đoàn phải nộp lệ phí tòa án khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

2.2. Chi phí tố tụng

- Chi phí cho người làm chứng.

- Chi phí cho người phiên dịch, luật sư.

Các chi phí nêu trên thực hiện theo quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 và khoản 1 Điều 4 Quyết định số 4291/QĐ-TLĐ ngày 01/3/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc ban hành Quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu trong các cơ quan công đoàn.

VII. ĐỀ NGHỊ TÒA ÁN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP KHẨN CẤP TẠM THỜI

1. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng trong các vụ án lao động

Trong quá trình tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, CBCĐ hướng dẫn, hỗ trợ NLĐ hoặc trực tiếp đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sau:

- Buộc NSDLĐ tạm ứng tiền lương, tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí cứu chữa tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Biện pháp này được áp dụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ về tiền lương, tiền bảo hiểm, tiền bồi thường, tiền trợ cấp, chăm sóc sức khỏe theo quy định của pháp luật.

- Tạm đình chỉ thi hành quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ, quyết định sa thải NLĐ. Biện pháp này được áp dụng nếu việc giải quyết vụ án có liên quan đến đơn phương chấm dứt HĐLĐ, sa thải NLĐ thuộc trường hợp NSDLĐ không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc không được xử lý kỷ luật sa thải đối với NLĐ theo quy định của pháp luật về lao động.

2. Thủ tục đề nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

- Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải làm đơn gửi đến Tòa án có thẩm quyền. Đơn yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phải đủ nội dung quy định tại khoản 1 Điều 133 BLTTDS (tham khảo Mẫu số 07 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

- Tùy theo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà người yêu cầu phải cung cấp cho Tòa án chứng cứ để chứng minh cho sự cần thiết phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó.

Phần II

CÔNG ĐOÀN KHỞI KIỆN VÀ THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN LAO ĐỘNG TẠI TÒA ÁN

I. KHỞI KIỆN VÀ THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN LAO ĐỘNG TẠI TÒA ÁN CẤP SƠ THẨM

CBCĐ có thể trực tiếp tham gia tố tụng dân sự giải quyết TCLĐ tại Tòa án (với tư cách đương sự, người đại diện theo ủy quyền của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự) hoặc chỉ hướng dẫn, hỗ trợ để NLĐ tự tham gia. Khi trực tiếp tham gia hoặc hướng dẫn, hỗ trợ để NLĐ tự tham gia tố tụng dân sự giải quyết các vụ án lao động tại Tòa án cấp sơ thẩm, CBCĐ cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Khởi kiện tranh chấp lao động

1.1. Khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân

Để Tòa án thụ lý đơn khởi kiện, trước hết CBCĐ phải xác định được chính xác điều kiện khởi kiện TCLĐ cá nhân. BLTTDS không có điều luật quy định trực tiếp về điều kiện Tòa án thụ lý vụ tranh chấp. Do đó CBCĐ cần căn cứ vào Điều 192 BLTTDS (trả lại đơn khởi kiện, hậu quả của việc trả lại đơn khởi kiện) và Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án (Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP), để kiểm tra điều kiện khởi kiện cho NLĐ.

1.1.1. Điều kiện khởi kiện tranh chấp lao động cá nhân

- Điều kiện về chủ thể khởi kiện: thực hiện theo quy định tại khoản 5, khoản 6 Điều 69, Điều 187 BLTTDS; Điều 2 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP. Theo đó, NLĐ (từ đủ 15 tuổi trở lên) có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được tự mình khởi kiện hoặc ủy quyền cho Công đoàn khởi kiện vụ TCLĐ đến Tòa án.

- Vụ TCLĐ cá nhân đủ điều kiện khởi kiện là vụ tranh chấp thuộc một trong những trường hợp sau:

+ Các TCLĐ cá nhân giữa NLĐ với NSDLĐ phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc không hòa giải trong thời hạn do pháp luật quy định (trừ một số tranh chấp không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải theo quy định tại khoản 1 Điều 188 BLLĐ);

+ TCLĐ cá nhân mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết nhưng hết thời hạn 07 ngày làm việc mà Ban trọng tài lao động không được thành lập; hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động.

- Vụ TCLĐ cá nhân chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, hoặc quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng người khởi kiện có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.

- Vụ TCLĐ cá nhân phải thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ TCLĐ cá nhân đang do cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền giải quyết.

- Đơn khởi kiện phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 189 BLTTDS; kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

1.1.2. Xây dựng phương án khởi kiện

- Để có thể xây dựng được phương án khởi kiện, CBCĐ cần trao đổi với NLĐ để làm rõ những vấn đề có liên quan như: HĐLĐ ký giữa các bên; nội dung tranh chấp; yêu cầu, mong muốn của NLĐ khi khởi kiện; các thông tin có liên quan để làm cơ sở cho việc xác định điều kiện khởi kiện như việc giải quyết TCLĐ ở các chủ thể khác (nếu có); nơi cư trú của NLĐ; trụ sở của NSDLĐ...

- Trên cơ sở nội dung vụ TCLĐ, các tài liệu, chứng cứ mà NLĐ cung cấp, yêu cầu, mong muốn của NLĐ, cán bộ công đoàn xác định quan hệ pháp luật tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết; cơ sở pháp lý và chứng cứ có liên quan để tư vấn cho NLĐ quyết định khởi kiện hay không khởi kiện; nếu khởi kiện thì kiện ai, các yêu cầu khởi kiện cụ thể là gì, gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nào.

1.1.3. Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Hồ sơ khởi kiện gồm đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm.

- Đơn khởi kiện: soạn theo Mẫu số 23 ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/1/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự (Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP); đảm bảo quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều 189 BLTTDS (tham khảo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

- Các tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn khởi kiện:

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh tư cách pháp lý của người khởi kiện: căn cước công dân hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế của NLĐ (nếu NLĐ trực tiếp khởi kiện). Trường hợp NLĐ ủy quyền cho Công đoàn khởi kiện thì cần nộp thêm giấy ủy quyền hợp lệ (tham khảo Mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này); giấy giới thiệu của Công đoàn (tham khảo Mẫu số 04 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh có quan hệ lao động giữa NLĐ và NSDLĐ.

+ Giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ bị xâm phạm. Tùy từng vụ tranh chấp để hướng dẫn cho NLĐ nộp các tài liệu phù hợp.

Trường hợp vì lý do khách quan mà NLĐ, Công đoàn không thể nộp đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm thì Công đoàn hướng dẫn NLĐ hoặc trực tiếp nộp tài liệu, chứng cứ hiện có để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ bị xâm phạm. NLĐ, Công đoàn bổ sung hoặc giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ khác theo yêu cầu của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án.

1.1.4. Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án

- Lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết: CBCĐ căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành (được nêu tại Mục IV Phần I Hướng dẫn này) để hướng dẫn cho NLĐ hoặc trực tiếp lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ TCLĐ cá nhân.

- Phương thức gửi đơn khởi kiện: thực hiện theo Điều 190 BLTTDS, người khởi kiện có thể nộp trực tiếp tại Tòa án có thẩm quyền, gửi qua đường bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

1.1.5. Nộp tạm ứng án phí

- Nếu TCLĐ cá nhân khởi kiện đến Tòa án thuộc diện phải nộp tạm ứng án phí, Tòa án sẽ thông báo cho NLĐ, Công đoàn biết về số tiền tạm ứng án phí phải đóng.

- Công đoàn trực tiếp hoặc hướng dẫn NLĐ đóng tạm ứng án phí cho cơ quan thi hành án dân sự theo thời hạn trong thông báo của Tòa án và nộp lại cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí để Tòa án tiến hành thủ tục thụ lý vụ án.

1.1.6. Khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện

Khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện của Tòa án được thực hiện theo quy định tại Điều 194 BLTTDS, cụ thể:

- Nếu Tòa án trả lại đơn khởi kiện, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, Công đoàn trực tiếp hoặc tư vấn cho NLĐ thực hiện khiếu nại đối với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện (tham khảo Mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này);

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định trả lời khiếu nại về việc trả lại đơn khởi kiện của thẩm phán, Công đoàn trực tiếp hoặc tư vấn cho NLĐ khiếu nại với Chánh án Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án cấp trên có hiệu lực thi hành ngay;

- Trong trường hợp có căn cứ xác định quyết định giải quyết của Chánh án Tòa án cấp trên có vi phạm pháp luật, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định, Công đoàn trực tiếp hoặc tư vấn cho NLĐ khiếu nại với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao nếu quyết định bị khiếu nại là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nếu quyết định bị khiếu nại là của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao. Quyết định của Chánh án phải giải quyết là quyết định cuối cùng.

Lưu ý: Nếu NLĐ là người bị NSDLĐ khởi kiện (NLĐ là bị đơn) có đề nghị Công đoàn tham gia với tư cách người đại diện theo ủy quyền hoặc người bảo vệ quyền lợi thì cần lưu ý:

- CBCĐ cần trao đổi với NLĐ để nắm rõ nội dung vụ việc tranh chấp; yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là NSDLĐ.

- Trực tiếp hoặc hướng dẫn cho NLĐ soạn thảo và nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

- Nếu NLĐ có yêu cầu phản tố thì Công đoàn hướng dẫn NLĐ hoặc trực tiếp soạn thảo đơn phản tố và nộp cho Tòa án trong thời hạn theo quy định (trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hoà giải. Tham khảo Mẫu số 03 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

1.2. Khởi kiện tranh chấp lao động tập thể về quyền

1.2.1. Điều kiện khởi kiện tranh chấp lao động tập thể về quyền

- Điều kiện về chủ thể khởi kiện: chủ thể có quyền khởi kiện TCLĐ tập thể về quyền là CĐCS. CĐCS có quyền trực tiếp hoặc ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện vụ TCLĐ tập thể về quyền.

- TCLĐ tập thể về quyền đủ điều kiện khởi kiện là vụ tranh chấp thuộc một trong những trường hợp sau:

+ TCLĐ tập thể về quyền đã qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải không thành, hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện biên bản hòa giải thành;

+ TCLĐ tập thể về quyền mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết nhưng hết thời hạn 07 ngày làm việc mà Ban trọng tài lao động không được thành lập; hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động.

- Vụ TCLĐ tập thể về quyền chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án, hoặc quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhưng người khởi kiện có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật.

- Vụ TCLĐ tập thể về quyền thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện nếu vụ TCLĐ tập thể về quyền đang do cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền giải quyết.

- Điều kiện về đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn: Đơn khởi kiện phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 189 BLTTDS; kèm theo đơn khởi kiện là các tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động, CĐCS bị xâm phạm.

1.2.2. Xây dựng phương án khởi kiện

- Trên cơ sở nội dung vụ việc phát sinh tranh chấp, quy định của pháp luật có liên quan, Công đoàn xác định rõ có nên khởi kiện vụ TCLĐ tập thể về quyền không; nếu có thì yêu cầu khởi kiện cụ thể là gì; khởi kiện đến Tòa án nào.

- Trường hợp CĐCS ủy quyền cho công đoàn cấp trên khởi kiện: công đoàn cấp trên cần trao đổi với CĐCS về nội dung vụ việc tranh chấp để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp; mong muốn, yêu cầu của CĐCS khi khởi kiện; các thông tin có liên quan để làm cơ sở xác định điều kiện khởi kiện.

1.2.3. Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Hồ sơ khởi kiện vụ án TCLĐ tập thể về quyền gồm: Đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể lao động bị xâm phạm.

- Đơn khởi kiện: soạn theo Mẫu số 23 ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP; đảm bảo quy định tại Điều 189 BLTTDS (tham khảo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

- Các tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện:

+ Các tài liệu chứng minh tư cách khởi kiện của CĐCS, của người đại diện của CĐCS. Trường hợp CĐCS ủy quyền khởi kiện thì phải nộp thêm: giấy ủy quyền hợp lệ, giấy tờ chứng minh tư cách của người đại diện của công đoàn cấp trên được ủy quyền.

+ Tài liệu, chứng cứ là căn cứ xác lập quyền, nghĩa vụ có tranh chấp (TƯLĐTT, nội quy, quy chế hoặc các thỏa thuận hợp pháp giữa các bên).

+ Tài liệu, chứng cứ chứng minh quyền, lợi ích của tập thể lao động/CĐCS bị xâm phạm và các tài liệu, chứng cứ khác có liên quan.

Lưu ý: Nếu CĐCS là chủ thể bị NSDLĐ khởi kiện, CĐCS hoặc công đoàn cấp trên (nếu được CĐCS ủy quyền) cần thực hiện các công việc như trường hợp NLĐ là bị đơn, cụ thể: sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của Tòa án, phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án. Nếu CĐCS có yêu cầu phản tố thì cần soạn thảo đơn phản tố và nộp cho Tòa án trong thời hạn theo quy định (trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tham khảo Mẫu số 03 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

- Việc nộp hồ sơ khởi kiện và khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện thực hiện tương tự phần TCLĐ cá nhân (tham khảo Mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

1.3. Khởi kiện tranh chấp về kinh phí công đoàn

1.3.1. Điều kiện khởi kiện tranh chấp về kinh phí công đoàn

- Chủ thể có quyền khởi kiện tranh chấp về kinh phí công đoàn: là tổ chức công đoàn được nêu tại Mục II Phần I của Hướng dẫn này.

- Tranh chấp về kinh phí công đoàn có thể khởi kiện đến Tòa án mà không bắt buộc phải giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động.

- Các điều kiện khởi kiện khác (vụ tranh chấp chưa được giải quyết bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật; tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo đảm bảo đúng quy định của pháp luật): thực hiện theo quy định tại tiểu mục 1.2 Mục I Phần II của Hướng dẫn này.

1.3.2. Xây dựng phương án khởi kiện tranh chấp về kinh phí công đoàn

Trên cơ sở nội dung vụ việc phát sinh tranh chấp, quy định của pháp luật có liên quan, Công đoàn xác định có nên khởi kiện vụ tranh chấp về kinh phí công đoàn không; nếu có thì yêu cầu khởi kiện cụ thể là gì; khởi kiện đến Tòa án nào.

1.3.3. Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện tranh chấp về kinh phí công đoàn

Hồ sơ khởi kiện vụ tranh chấp về kinh phí công đoàn gồm: đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ để chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức công đoàn bị xâm phạm.

- Đơn khởi kiện: soạn theo Mẫu số 23 ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP; đảm bảo quy định tại Điều 189 BLTTDS (tham khảo Mẫu số 02 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

- Các tài liệu, chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện, bao gồm:

+ Các tài liệu chứng minh tư cách khởi kiện của Công đoàn, của người đại diện của Công đoàn.

+ Tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm của đơn vị sử dụng lao động (không đóng kinh phí công đoàn) như công văn của Công đoàn đề nghị, đôn đốc đơn vị sử dụng lao động phải đóng kinh phí công đoàn.

- Việc nộp hồ sơ khởi kiện và khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện thực hiện tương tự phần TCLĐ cá nhân (tham khảo Mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

2. Chuẩn bị tham gia phiên tòa lao động sơ thẩm

2.1. Thu thập, cung cấp và giao nộp chứng cứ cho Tòa án

2.1.1. Nghĩa vụ thu thập, cung cấp và giao nộp chứng cứ cho Tòa án

Thực hiện theo quy định tại Điều 6, Điều 91 BLTTDS, cụ thể:

- Về nguyên tắc, NLĐ, Công đoàn khởi kiện, yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:

+ NLĐ, Công đoàn không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do NSDLĐ quản lý, lưu giữ thì NSDLĐ có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án.

+ NLĐ khởi kiện hoặc ủy quyền cho CĐCS khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt HĐLĐ thuộc trường hợp NSDLĐ không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ (theo quy định tại Điều 37 BLLĐ) hoặc trường hợp NSDLĐ không được xử lý kỷ luật lao động đối với NLĐ (theo quy định tại khoản 4 Điều 122 BLLĐ) thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về NSDLĐ.

- NLĐ, Công đoàn phản đối yêu cầu của người khác đối với mình thì phải thể hiện bằng văn bản và phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho sự phản đối đó.

- Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ án lao động theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án.

2.1.2. Các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ

Để thu thập được tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án tranh chấp, Công đoàn có thể trực tiếp tiến hành hoặc hướng dẫn NLĐ tiến hành các biện pháp được quy định tại khoản 1 Điều 97 BLTTDS.

2.1.3. Cung cấp, giao nộp chứng cứ

Việc giao nộp các tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án cho Tòa án được quy định tại Điều 96 BLTTDS. Khi giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, CBCĐ cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Cách thức giao nộp:

+ Việc giao nộp chứng cứ cho Tòa án phải được lập biên bản (viết theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP).

+ Khi NLĐ, Công đoàn giao nộp cho Tòa án chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phải kèm theo bản dịch sang tiếng Việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp.

+ Khi NLĐ, Công đoàn giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chúng cứ đó cho đương sự khác có liên quan hoặc thông báo cho đương sự khác hoặc người đại diện của đương sự về việc họ đã giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án nêu các tài liệu, chứng cứ đó không thể sao gửi cho đương sự khác được.

- Thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án:

+ Thời gian giao nộp chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm.

+ Trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ việc ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, NLĐ, Công đoàn mới cung cấp, giao nộp chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng NLĐ, Công đoàn không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì NLĐ, Công đoàn phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp chứng cứ đó.

+ Đối với chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu NLĐ, Công đoàn giao nộp hoặc chứng cứ mà NLĐ, Công đoàn không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì NLĐ, Công đoàn có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ án dân sự.

2.2. Tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải

2.2.1. Chuẩn bị tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải

Trước khi tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải, CBCĐ cần nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và thực hiện một số công việc sau:

- Xác định các vấn đề các đương sự đã thống nhất, những vấn đề chưa thống nhất yêu cầu Tòa án giải quyết;

- Trao đổi với NLĐ, Công đoàn về việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện (nếu là nguyên đơn), yêu cầu phản tố (nếu là bị đơn), yêu cầu độc lập (nếu là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan);

- Hỗ trợ hoặc trực tiếp chuẩn bị tài liệu, chứng cứ để cung cấp bổ sung cho Tòa án (nếu có);

- Chuẩn bị ý kiến đề nghị Tòa án thu thập tài liệu, chúng cứ mà NLĐ, Công đoàn không thu thập được; yêu cầu Tòa án triệu tập đương sự khác, người làm chứng và người tham gia tố tụng khác tại phiên Tòa (nếu cần);

- Trao đổi với NLĐ, Công đoàn về các yêu cầu cần đạt được trong hòa giải, chuẩn bị phương án hòa giải và lựa chọn phương án tối ưu.

Lưu ý: nếu NLĐ có yêu cầu thì Tòa án sẽ triệu tập đại diện Công đoàn tham gia phiên họp (trừ vụ án lao động đã có tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tập thể lao động, NLĐ). Trường hợp đại diện Công đoàn không tham gia hòa giải thì phải có ý kiến bằng văn bản.

2.2.2. Tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải

- Phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ: khi tham gia phiên họp, NLĐ, CBCĐ thực hiện theo sự điều hành của Thẩm phán. Tùy từng vai trò tham gia, CBCĐ hướng dẫn cho NLĐ trình bày hoặc trực tiếp trình bày về việc sửa đổi, bổ sung, thay đổi, rút yêu cầu khởi kiện (nếu có; tham khảo Mẫu số 08 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này); yêu cầu phản tố (nếu có; tham khảo Mẫu số 03 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này); đề nghị Tòa án thu thập tài liệu, chứng cứ hay triệu tập đương sự khác, triệu tập người làm chứng (nếu có).

- Phiên hòa giải: khi tham gia phiên hòa giải, NLĐ, CBCĐ thực hiện theo sự điều hành của Thẩm phán. Tùy vai trò tham gia, CBCĐ hướng dẫn cho NLĐ hoặc trực tiếp thực hiện các công việc như trình bày nội dung tranh chấp, bổ sung yêu cầu khởi kiện/yêu cầu phản tố (nếu có); những căn cứ để bảo vệ yêu cầu khởi kiện/yêu cầu phản tố và đề xuất những quan điểm về vấn đề cần hòa giải, hướng giải quyết vụ án.

Trường hợp NLĐ, Công đoàn hòa giải được với NSDLĐ, Tòa án sẽ lập biên bản hòa giải thành. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, nếu có sự thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận, NLĐ, Công đoàn có quyền gửi văn bản đến Tòa án yêu cầu thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận (tham khảo Mẫu số 06 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này). Hết thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có đương sự nào thay đổi ý kiến về sự thoả thuận đó thì Tòa án sẽ ra quyết định công nhận sự thoả thuận của đương sự. Quyết định này sẽ có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm.

2.3. Xây dựng phương án bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tổ chức công đoàn

Trường hợp các bên không hòa giải được, CBCĐ nghiên cứu hồ sơ, đánh giá, sử dụng chứng cứ, xác định các văn bản pháp luật áp dụng, chuẩn bị kế hoạch tham gia phiên tòa sơ thẩm, trọng tâm là dự thảo kế hoạch hỏi và dự thảo bản luận cứ bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, Công đoàn tại phiên tòa; dự kiến phương án thỏa thuận, thương lượng, nếu NSDLĐ có yêu cầu thỏa thuận tại phiên tòa và NLĐ/ Công đoàn đồng ý.

3. Tham gia phiên tòa sơ thẩm

Tùy từng vai trò tham gia, CBCĐ có thể hướng dẫn cho NLĐ, Công đoàn hoặc trực tiếp thực hiện các công việc sau tại phiên tòa sơ thẩm theo sự điều hành của Hội đồng xét xử.

3.1. Tại phần thủ tục bắt đầu phiên tòa

- Thực hiện yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng (Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên), người giám định, người phiên dịch khi có những căn cứ được quy định tại các Điều 52, 53, 54, 60, 83 BLTTDS; đề nghị Hội đồng xét xử cho hoãn phiên tòa sơ thẩm nếu có căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 233 BLTTDS.

- Thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện (nếu NLĐ, Công đoàn là nguyên đơn); thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu phản tố (nếu NLĐ, Công đoàn là bị đơn, có yêu cầu phản tố).

- Thỏa thuận với NSDLĐ về việc giải quyết vụ TCLĐ tại phiên tòa sơ thẩm. Nếu hai bên thoả thuận được, Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự. Quyết định có hiệu lực pháp luật ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

3.2. Tại phần thủ tục tranh tụng tại phiên tòa

3.2.1. Trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự

Thực hiện theo quy định tại Điều 248 BLTTDS, thứ tự trình bày tùy thuộc tư cách tham gia tố tụng (người bảo vệ quyền lợi của đương sự hay đương sự trong vụ án), cụ thể:

- Nếu CBCĐ tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự là NLĐ, Công đoàn:

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: CBCĐ trình bày yêu cầu khởi kiện và chúng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.

+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: CBCĐ trình bày ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu phản tố (nếu có), đề nghị của bị đơn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp.

- Nếu CBCĐ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền của NLĐ, Công đoàn là nguyên đơn hoặc bị đơn:

+ Trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm có sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, Công đoàn: CBCĐ sẽ trình bày bổ sung sau khi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã trình bày.

+ Trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm không có sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, Công đoàn: CBCĐ tự trình bày yêu cầu và chứng cứ chứng minh theo quy định tại khoản 2 Điều 248 BLTTDS.

3.2.2. Hỏi tại phiên tòa

Hoạt động hỏi tại phiên tòa sơ thẩm được thực hiện theo quy định tại các Điều 249, 250, 251, 252, 253 BLTTDS. Thứ tự hỏi tại phiên tòa tùy thuộc tư cách tham gia tố tụng, cụ thể:

- Nếu tham gia phiên tòa với tư cách người đại diện theo ủy quyền của đương sự là NLĐ, Công đoàn: CBCĐ có quyền đặt câu hỏi với đương sự phía bên kia, đặt câu hỏi với người làm chứng, người giám định sau khi được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa và trả lời câu hỏi của các chủ thể có thẩm quyền.

- Nếu tham gia phiên tòa với tư cách người bảo vệ quyền lợi của đương sự là NLĐ, Công đoàn: CBCĐ có quyền đặt câu hỏi với các đương sự; đặt câu hỏi với người làm chứng, người giám định sau khi được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; hỗ trợ NLĐ, Công đoàn trả lời câu hỏi khó của Hội đồng xét xử, kiểm sát viên, người bảo vệ quyền lợi của NSDLĐ hoặc câu hỏi của NSDLĐ.

Lưu ý: Chỉ hỏi đương sự về những vấn đề mà người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ hoặc chính họ trình bày chưa rõ, có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó; chỉ hỏi người làm chứng về những điểm mà họ trình bày chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn với nhau, mâu thuẫn với lời khai của họ trước đó, mâu thuẫn với lời trình bày của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự; chỉ hỏi người giám định những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thuẫn trong kết luận giám định hoặc có mâu thuẫn với những tình tiết khác của vụ án.

3.2.3. Tranh luận tại phiên tòa

Việc tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm (gồm trình bày bản luận cứ và đối đáp) được thực hiện theo quy định tại Điều 260, 261 BLTTDS. Thứ tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa tùy thuộc vào tư cách tham gia tố tụng, được thực hiện tương tự phần trình bày của đương sự nêu tại mục 3.2.1. Cụ thể:

- Nếu CBCĐ tham gia phiên tòa sơ thẩm với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự là NLĐ, Công đoàn: trình bày luận cứ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Sau đó NLĐ, Công đoàn (tham gia với tư cách đương sự) bổ sung ý kiến.

- Nếu CBCĐ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện theo ủy quyền của đương sự (nguyên đơn, bị đơn):

+ Trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm có sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, Công đoàn: CBCĐ trình bày ý kiến bổ sung sau khi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đã trình bày.

+ Trường hợp tại phiên tòa sơ thẩm không có sự tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ, Công đoàn: CBCĐ tự trình bày quan điểm bảo vệ cho NLĐ, Công đoàn theo quy định tại khoản 2 Điều 260 BLTTDS.

Lưu ý: khi phát biểu về đánh giá chứng cứ, đề xuất quan điểm của mình về việc giải quyết vụ án, người tham gia tranh luận phải căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và đã được xem xét, kiểm tra tại phiên tòa cũng như kết quả việc hỏi tại phiên tòa. Người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác.

3.3. Tại phần thủ tục nghị án và tuyên án

NLĐ, Công đoàn cần nghe Hội đồng xét xử tuyên án để chuẩn bị phương án kháng cáo phúc thẩm (nếu không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm).

3.4. Công việc sau phiên tòa sơ thẩm

- Nhận bản án sơ thẩm; quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự (nếu hai bên thỏa thuận được về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm).

- Nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm, thực hiện thủ tục kháng cáo theo quy định.

II. THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT VỤ ÁN LAO ĐỘNG TRONG GIAI ĐOẠN PHÚC THẨM

1. Kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm

1.1. Xác định các điều kiện kháng cáo

Tương tự như việc xác định các điều kiện khởi kiện, BLTTDS không có điều luật quy định trực tiếp về điều kiện Tòa án thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm. Do đó CBCĐ cần căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 274 BLTTDS và quy định tại các điều luật khác có liên quan để hướng dẫn cho NLĐ, Công đoàn.

- Chủ thể kháng cáo: Tòa án chỉ thụ lý vụ án để xét xử phúc thẩm nếu người kháng cáo có quyền kháng cáo. Việc xác định người có quyền kháng cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 271 BLTTDS. CBCĐ cần lưu ý để xác định chính xác người có quyền kháng cáo trong từng vụ án tranh chấp, cụ thể:

+ Đối với kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án phát sinh từ TCLĐ cá nhân: NLĐ hoặc Công đoàn được NLĐ ủy quyền khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động (bao gồm cả ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm) có quyền kháng cáo.

+ Đối với kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án phát sinh từ TCLĐ tập thể về quyền: CĐCS hoặc công đoàn cấp trên được CĐCS ủy quyền khởi kiện và tham gia giải quyết vụ án (bao gồm cả ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm) có quyền kháng cáo.

+ Đối với kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án phát sinh từ tranh chấp về kinh phí công đoàn: Công đoàn có quyền khởi kiện vụ án tranh chấp về đòi kinh phí công đoàn hoặc Công đoàn được ủy quyền tham gia giải quyết vụ án (bao gồm cả ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định sơ thẩm) có quyền kháng cáo.

- Thời hạn kháng cáo: thời hạn kháng cáo được quy định tại Điều 273 BLTTDS, cụ thể:

+ Thời hạn kháng cáo bản án sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Trường hợp NLĐ, Công đoàn không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn 15 ngày được tính từ ngày NLĐ, Công đoàn nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

+ Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày NLĐ, Công đoàn nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của BLTTDS.

- Đơn kháng cáo: đơn kháng cáo phải thực hiện theo đúng quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 272 BLTTDS.

1.2. Xây dựng phương án kháng cáo

Việc xây dựng phương án kháng cáo chỉ thực hiện trong trường hợp Công đoàn không tham gia từ giai đoạn sơ thẩm. Cụ thể:

- Trao đối với NLĐ, CĐCS (nếu công đoàn cấp trên hỗ trợ việc kháng cáo phúc thẩm) về nội dung vụ việc; nghiên cứu nội dung bản án sơ thẩm, quyết định đình chỉ, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án.

- Xác định yêu cầu của NLĐ (TCLĐ cá nhân); xác định yêu cầu của CĐCS (nếu công đoàn cấp trên hỗ trợ việc kháng cáo phúc thẩm vụ TCLĐ tập thể về quyền).

1.3. Chuẩn bị hồ sơ kháng cáo

Hồ sơ kháng cáo gồm đơn kháng cáo và các tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo là có căn cứ và hợp pháp.

- Đơn kháng cáo: soạn theo Mẫu số 54 ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP và đảm bảo quy định tại Điều 272 BLTTDS (tham khảo Mẫu số 09 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

- Các tài liệu, chứng cứ nộp kèm theo đơn kháng cáo:

+ Bản sao bản án sơ thẩm (nếu kháng cáo bản án sơ thẩm), bản sao quyết định tạm đình chỉ hoặc quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm (nếu kháng cáo quyết định tạm đình chỉ hoặc quyết định đình chỉ giải quyết vụ án).

+ Tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo là có căn cứ và hợp pháp.

1.4. Thực hiện việc kháng cáo

- Nơi nộp đơn kháng cáo: nộp đơn kháng cáo đến Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo.

- Phương thức nộp: nộp trực tiếp, gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc bằng phương thức gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Trường hợp đơn kháng cáo được gửi qua dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo được xác định căn cứ vào ngày tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đóng dấu ở phong bì. Trường hợp người kháng cáo đang bị tạm giam thì ngày kháng cáo là ngày đơn kháng cáo được giám thị trại giam xác nhận.

- Tạm ứng án phí phúc thẩm: nếu Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn kháng cáo hợp lệ và thông báo về việc nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm (nếu NLĐ thuộc diện phải nộp) thì Công đoàn trực tiếp hoặc hướng dẫn NLĐ nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm tại cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án đã nhận đơn kháng cáo. Sau khi nộp tạm ứng án phí phúc thẩm thì nộp 01 biên lai thu tiền cho Tòa án cấp sơ thẩm.

2. Chuẩn bị tham gia phiên tòa phúc thẩm

- Nghiên cứu hồ sơ: tùy từng vai trò tham gia tố tụng, CBCĐ trực tiếp hoặc hướng dẫn NLĐ, Công đoàn nghiên cứu hồ sơ. Khi nghiên cứu hồ sơ ở giai đoạn phúc thẩm, cần lưu ý:

+ Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại nội dung của bản án, quyết định bị kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị. Do đó, khi nghiên cứu hồ sơ, cần bám sát những vấn đề được Tòa án cấp sơ thẩm nhận định, quyết định trong bản án.

+ Nếu NLĐ, Công đoàn kháng cáo: tập trung củng cố chứng cứ, căn cứ pháp lý để phản bác đối với quan điểm, nhận định, quyết định của bản án sơ thẩm có kháng cáo.

+ Nếu NSDLĐ kháng cáo: tập trung nghiên cứu nội dung và lý do kháng cáo ngay sau khi được Tòa án thông báo việc kháng cáo và củng cố chứng cứ, căn cứ pháp lý để bác bỏ nội dung và lý do kháng cáo.

+ Nếu Viện kiểm sát kháng nghị: tập trung nghiên cứu nội dung và lý do kháng nghị ngay sau khi được Tòa án thông báo việc kháng nghị và củng cố chúng cứ, căn cứ pháp lý để bác bỏ nội dung và lý do kháng nghị, nếu việc kháng nghị gây bất lợi cho NLĐ, Công đoàn.

- Trên cơ sở kết quả nghiên cứu hồ sơ, CBCĐ trực tiếp hoặc hướng dẫn NLĐ, Công đoàn:

+ Rút đơn khởi kiện, rút kháng cáo, thay đổi, bổ sung kháng cáo: thực hiện theo quy định tại Điều 284, khoản 1 Điều 299 BLTTDS.

+ Đề xuất Tòa án ra các quyết định sau, nếu có căn cứ: quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm, quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm.

- Thu thập và cung cấp các chứng cứ mới cho Tòa án: thực hiện theo quy định tại Điều 287 BLTTDS, cụ thể:

+ Những tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm đã yêu cầu giao nộp nhưng NLĐ, Công đoàn không cung cấp, giao nộp được vì có lý do chính đáng;

+ Những tài liệu, chứng cứ mà Tòa án cấp sơ thẩm không yêu cầu Công đoàn giao nộp hoặc NLĐ, Công đoàn không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm.

3. Tham gia phiên tòa phúc thẩm

3.1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa phúc thẩm

Thực hiện như thủ tục bắt đầu phiên tòa sơ thẩm.

3.2. Thủ tục tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm

3.2.1. Phần trình bày của đương sự, kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm

- Thực hiện theo quy định tại Điều 302 BLTTDS.

- Tùy thuộc vào tư cách tham gia tố tụng (đương sự hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự) cũng như việc NLĐ, Công đoàn là người kháng cáo hay không mà CBCĐ hướng dẫn NLĐ, Công đoàn trình bày hoặc trực tiếp thực hiện phần trình bày theo sự điều hành của Hội đồng xét xử.

3.2.2. Thủ tục hỏi tại phiên tòa phúc thẩm

- Thủ tục hỏi những người tham gia tố tụng và công bố tài liệu, chứng cứ, xem xét vật chứng tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện như tại phiên tòa sơ thẩm.

- Việc hỏi được thực hiện đối với những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm (phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến việc xem xét nội dung kháng cáo, kháng nghị).

3.2.3. Thủ tục tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm

- Thực hiện theo quy định tại Điều 305 BLTTDS. Chỉ tranh luận về những vấn đề thuộc phạm vi xét xử phúc thẩm và đã được hỏi tại phiên tòa phúc thẩm.

- Tùy thuộc vào tư cách tham gia tố tụng cũng như NLĐ, Công đoàn là người kháng cáo hay không, CBCĐ thực hiện tranh luận, đối đáp theo sự điều hành của Hội đồng xét xử, cụ thể:

+ Trình tự tranh luận đối với kháng cáo được thực hiện theo khoản 2 Điều 305 BLTTDS;

+ Trình tự tranh luận đối với kháng nghị được thực hiện theo khoản 3 Điều 305 BLTTDS.

III. YÊU CẦU XEM XÉT LẠI BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH THEO THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM

1. Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 326 BLTTDS.

2. Đề nghị, thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 327 BLTTDS, chủ thể có quyền làm đơn đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm là đương sự trong vụ án lao động. Do đó, đối với TCLĐ cá nhân thì NLĐ phải là người trực tiếp ký đơn. Đối với TCLĐ tập thể về quyền thì đại diện hợp pháp của CĐCS phải là người trực tiếp ký đơn.

- Công đoàn các cấp (không phải là đương sự trong vụ TCLĐ tập thể về quyền, đương sự trong vụ TCLĐ về đòi kinh phí công đoàn): có quyền làm văn bản thông báo gửi đến người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi phát hiện có vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định tại khoản 2 Điều 327 BLTTDS.

3. Thời hạn đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm

Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 327 BLTTDS: Trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định đó thì đương sự có quyền đề nghị bằng văn bản với người có thẩm quyền kháng nghị được quy định tại Điều 331 BLTTDS.

4. Đơn đề nghị xem xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật

- Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm được soạn theo Mẫu số 82-DS ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP, phải tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều 328 BLTTDS.

- Kèm theo đơn đề nghị, người đề nghị phải gửi bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho những yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.

- Đơn đề nghị và tài liệu, chứng cứ kèm theo được gửi cho người có thẩm quyền kháng nghị.

5. Cung cấp, bổ sung tài liệu, chứng cứ

Việc cung cấp, bổ sung tài liệu, chứng cứ được thực hiện theo quy định tại Điều 330 BLTTDS, Công đoàn cần lưu ý:

- Công đoàn trực tiếp hoặc hướng dẫn NLĐ cung cấp tài liệu, chứng cứ cho người có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm nếu những tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu đương sự giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng; hoặc những tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc.

- Công đoàn trực tiếp hoặc hướng dẫn NLĐ giao nộp bổ sung chứng cứ theo yêu cầu của người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

IV. YÊU CẦU XEM XÉT LẠI BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH THEO THỦ TỤC TÁI THẨM

1. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong những căn cứ được quy định tại Điều 352 BLTTDS.

2. Thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm

Thực hiện theo quy định tại Điều 353 BLTTDS: Khi phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà NLĐ, Công đoàn không thể biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó, NLĐ, Công đoàn có quyền thông báo bằng văn bản với những người có quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm được quy định tại Điều 354 BLTTDS để xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

3. Thời hạn kháng nghị

Thực hiện theo quy định tại Điều 355 BLTTDS: Thời hạn kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là 01 năm, kể từ ngày người có thẩm quyền kháng nghị biết được căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Lưu ý:

Các quy định về việc Công đoàn tham gia thủ tục tái thẩm được thực hiện như các quy định về thủ tục giám đốc thẩm quy định tại Mục III, Phần II của Hướng dẫn này.

Phần III

CÔNG ĐOÀN THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT VIỆC LAO ĐỘNG TẠI TÒA ÁN

I. YÊU CẦU TÒA ÁN TUYÊN BỐ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VÔ HIỆU, THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ VÔ HIỆU

1. Xác định điều kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

- Chủ thể yêu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu phải là chủ thể có thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 401 BLTTDS (NLĐ, NSDLĐ, tổ chức đại diện tập thể lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền); chủ thể này phải có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.

- Yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu chưa được Tòa án giải quyết bằng quyết định có hiệu lực pháp luật.

- Đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu và các tài liệu chứng cứ kèm theo phải đúng quy định tại Điều 362 BLTTDS.

2. Chuẩn bị và nộp hồ sơ yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

2.1. Hồ sơ yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

Hồ sơ yêu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu bao gồm đơn yêu cầu và các tài liệu, chứng cứ để chứng minh HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu.

- Đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu: soạn theo Mẫu số 92 ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đảm bảo các nội dung theo quy định tại Điều 362 BLTTDS (tham khảo Mẫu số 10 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

- Các tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu gồm:

+ Giấy tờ chứng minh chủ thể yêu cầu có quyền yêu cầu: Chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân (nếu NLĐ là người yêu cầu); Giấy ủy quyền có công chứng, giấy giới thiệu CBCĐ tham gia tố tụng tại Tòa án (nếu Công đoàn là người yêu cầu);

+ HĐLĐ, phụ lục HĐLĐ (nếu yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu); TƯLĐTT, phụ lục TƯLĐTT (nếu yêu cầu tuyên bố TƯLĐTT vô hiệu);

+ Tài liệu, chứng cứ khác (nếu có) để chứng minh HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu.

2.2. Gửi hồ sơ yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

- Xác định Toà án có thẩm quyền giải quyết: Thực hiện theo tiểu mục 2 mục IV Phần I của Hướng dẫn này.

- Phương thức gửi đơn yêu cầu: thực hiện theo Điều 190 BLTTDS, người yêu cầu có thể nộp trực tiếp tại Tòa án có thẩm quyền, gửi qua đường bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

3. Khiếu nại việc trả lại đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn yêu cầu được thực hiện theo quy định tại tiểu mục 1.1.6, Mục I, Phần II của Hướng dẫn này (tham khảo Mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

4. Chuẩn bị tham gia phiên họp giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 402 BLTTDS, thời hạn chuẩn bị xét yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu là 10 ngày, TƯLĐTT vô hiệu là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu. Hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét đơn yêu cầu.

- Trong thời gian này, NLĐ, Công đoàn tiếp tục thu thập tài liệu, chứng cứ để bổ sung tài liệu, chứng cứ nếu Tòa án yêu cầu; chuẩn bị các tài liệu liên quan, chuẩn bị phần nội dung trình bày tại phiên họp để chứng minh cho yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu là có căn cứ.

Lưu ý: Trong giai đoạn này, nếu NLĐ, Công đoàn và NSDLĐ thỏa thuận được với nhau liên quan đến yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu (Ví dụ: NSDLĐ và NLĐ, tập thể lao động thỏa thuận sửa HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT bị vô hiệu...) thì NLĐ, Công đoàn phối hợp với NSDLĐ lập biên bản ghi nhận nội dung thỏa thuận. NLĐ, Công đoàn gửi văn bản rút đơn yêu cầu tới Tòa án để Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu[2].

5. Tham gia phiên họp giải quyết yêu cầu tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

- Tại phiên họp giải quyết yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu, NLĐ, Công đoàn trình bày về những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết, lý do, mục đích và căn cứ, lập luận để chứng minh cho yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu của NLĐ, Công đoàn là có căn cứ và hợp pháp (nếu là người yêu cầu Tòa án tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu); NLĐ, Công đoàn trình bày ý kiến về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình trong việc giải quyết yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu (nếu là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).

- Khi xét đơn yêu cầu, Thẩm phán có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu. Trường hợp chấp nhận yêu cầu thì Thẩm phán ra quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu. Trong quyết định này, Tòa án phải giải quyết hậu quả pháp lý của việc tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu.

6. Kháng cáo quyết định tuyên bố hợp đồng lao động vô hiệu, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu

Thực hiện theo quy định tại Điều 371, Điều 372 BLTTDS. Theo đó, NLĐ, Công đoàn có quyền kháng cáo quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu để yêu cầu Tòa án trên một cấp trực tiếp giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Trường hợp NLĐ, Công đoàn không có mặt tại phiên họp xét yêu cầu tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, phiên họp xét yêu cầu tuyên bố TƯLĐTT vô hiệu thì thời hạn đó được tính từ ngày nhận được quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, TƯLĐTT vô hiệu hoặc kể từ ngày quyết định đó được thông báo, niêm yết.

II. YÊU CẦU TÒA ÁN XÉT TÍNH HỢP PHÁP CỦA CUỘC ĐÌNH CÔNG

1. Xác định điều kiện yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công

- Chủ thể yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công: căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 403 BLLĐ, trong quá trình đình công hoặc trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt đình công, CĐCS tổ chức và lãnh đạo đình công; Công đoàn cấp trên được CĐCS ủy quyền có quyền yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

- Yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công chưa được Tòa án giải quyết bằng quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

- Đơn yêu cầu và các tài liệu chứng cứ kèm theo phải đúng quy định tại Điều 362 BLTTDS (tham khảo Mẫu số 10 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

2. Chuẩn bị và nộp hồ sơ yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công

2.1. Hồ sơ yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công

Hồ sơ bao gồm đơn yêu cầu và các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của Công đoàn là có căn cứ và hợp pháp.

- Đơn yêu cầu phải đảm bảo các nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều 362 BLTTDS và phải có tên, địa chỉ của CĐCS tổ chức và lãnh đạo cuộc đình công; tên, địa chỉ của NSDLĐ nơi tập thể lao động đình công.

- Tài liệu gửi kèm theo đơn yêu cầu:

+ Các giấy tờ chứng minh tư cách của người yêu cầu: giấy ủy quyền có công chứng, giấy giới thiệu CBCĐ tham gia tố tụng tại Tòa án.

+ Bản sao quyết định đình công, quyết định hoặc biên bản hòa giải, giải quyết TCLĐ của hòa giải viên lao động, Ban trọng tài lao động (nếu yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp), tài liệu, chứng cứ khác có liên quan đến việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

2.2. Gửi đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công

- Xác định Tòa án có thẩm quyền giải quyết: Thực hiện theo tiểu mục 2 mục IV Phần I của Hướng dẫn này.

- Phương thức gửi đơn yêu cầu: thực hiện theo Điều 190 BLTTDS, người yêu cầu có thể nộp trực tiếp tại Tòa án có thẩm quyền, gửi qua đường bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

3. Khiếu nại việc trả lại đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công

Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại việc trả lại đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công được thực hiện theo quy định tại tiểu mục 1.1.6 Mục I Phần II của Hướng dẫn này (tham khảo Mẫu số 05 Phụ lục kèm theo Hướng dẫn này).

4. Chuẩn bị tham gia phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 402 BLTTDS, thời hạn chuẩn bị xét tính hợp pháp cuộc đình công là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án nhận được đơn yêu cầu. Hết thời hạn này, Tòa án phải ra quyết định mở phiên họp để xét tính hợp pháp của cuộc đình công. Trong thời gian này, Công đoàn tiếp tục thu thập tài liệu chứng cứ để bổ sung tài liệu, chứng cứ nếu Tòa án yêu cầu; chuẩn bị các tài liệu liên quan cho phiên họp và tiến hành thương lượng, hòa giải với NSDLĐ, khi có cơ hội.

- Nếu phía NSDLĐ đề xuất nội dung thương lượng hoặc đưa ra phương án hòa giải đề nghị Công đoàn xem xét, thì Công đoàn cần phải tổ chức việc lấy ý kiến của tập thể lao động về nội dung hoặc phương án do NSDLĐ đưa ra.

- Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết cuộc đình công: Công đoàn phối hợp với NSDLĐ tiến hành lập biên bản ghi nhận nội dung thỏa thuận, sau đó gửi đơn yêu cầu Tòa án không giải quyết hoặc có văn bản rút đơn yêu cầu để Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 409 BLTTDS.

- Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được về việc giải quyết cuộc đình công và Tòa án có quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công: Công đoàn cần chuẩn bị phần nội dung trình bày tại phiên họp; trong đó chú ý chuẩn bị các quan điểm pháp lý, chuẩn bị đầy đủ các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cuộc đình công là hợp pháp.

5. Tham gia phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công

- Theo quy định tại Điều 410 BLTTDS, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Hội đồng xét tính hợp pháp của cuộc đình công phải mở phiên họp xét tính hợp pháp của cuộc đình công.

- Tại phiên họp, CBCĐ tập trung trình bày các nội dung sau để chứng minh cuộc đình công là hợp pháp: căn cứ, lý do đình công (nội dung TCLĐ tập thể về lợi ích; chứng cứ và căn cứ pháp lý chứng minh cho yêu cầu của tập thể lao động; quá trình thương lượng, hòa giải, giải quyết tại Hội đồng trọng tài lao động và lý do đình công); trình tự, thủ tục tiến hành đình công.

6. Kháng cáo quyết định xét tính hợp pháp của cuộc đình công

- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của Tòa án về việc xét tính hợp pháp của cuộc đình công, Công đoàn có quyền gửi đơn kháng cáo lên Tòa án nhân dân cấp cao về quyết định đó.

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Tòa án nhân dân cấp cao nhận được hồ sơ vụ việc, Hội đồng phúc thẩm phải tiến hành xét kháng cáo, kháng nghị đối với quyết định về tính hợp pháp của cuộc đình công.

- Quyết định của Hội đồng phúc thẩm xét tính hợp pháp của cuộc đình công của Tòa án nhân dân cấp cao là quyết định cuối cùng.

7. Thi hành quyết định của Tòa án

- Quyết định của Hội đồng phúc thẩm về xét tính hợp pháp của cuộc đình công có hiệu lực thi hành ngay; các bên có nghĩa vụ thi hành quyết định của Tòa án.

- Trong trường hợp Tòa án tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp, tập thể lao động phải trở lại làm việc ngay, nếu đang đình công.

- Trường hợp Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp, quyền lợi của NLĐ được giải quyết theo quy định tại Điều 207 BLLĐ.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

1. Tổ chức phổ biến, quán triệt đến các cấp công đoàn về BLTTDS và các quy định pháp luật khác liên quan đến hoạt động khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án của các cấp công đoàn.

2. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho CBCĐ, triển khai kế hoạch đào tạo nghề luật sư cho CBCĐ, hình thành đội ngũ CBCĐ có đủ năng lực khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án. Biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cho các cấp công đoàn.

3. Tổ chức trao đổi kinh nghiệm, chuyên môn, theo dõi cập nhật, tổng hợp tình hình công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án giữa các địa phương, đơn vị, CBCĐ các cấp.

4. Tham gia, kiến nghị, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến quyền và trách nhiệm của Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

5. Phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn, Tòa án đồng cấp phối hợp triển khai các hoạt động liên quan đến quyền và trách nhiệm của công đoàn; phối hợp với Hội luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam hỗ trợ tổ chức công đoàn thực hiện khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

6. Định kỳ kiểm tra, giám sát các cấp công đoàn triển khai thực hiện khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án; sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả, kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt việc khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

II. LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH, THÀNH PHỐ, CÔNG ĐOÀN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VÀ TƯƠNG ĐƯƠNG, CÔNG ĐOÀN TỔNG CÔNG TY TRỰC THUỘC TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

1. Có trách nhiệm chính thực hiện khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án theo Hướng dẫn này. Trong trường hợp công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có điều kiện và năng lực thì Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao nhiệm vụ cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện.

2. Xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật, cán bộ công đoàn có trình độ tương đương luật sư tại địa phương, đơn vị; củng cố hệ thống các trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật, thành lập trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ NLĐ của địa phương, đơn vị (nếu đủ điều kiện) để triển khai hiệu quả hoạt động công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

3. Tổ chức tập huấn cho CBCĐ cấp dưới về nội dung, quy trình nghiệp vụ, kỹ năng Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết án vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

4. Chủ động đề xuất và ký kết chương trình phối hợp công tác với Tòa án nhân dân, Hội luật gia, Liên đoàn Luật sư cùng cấp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

5. Bố trí, phân cấp, hướng dẫn về kinh phí để các cấp công đoàn chủ động thực hiện khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

6. Chỉ đạo, hướng dẫn, phân công nhiệm vụ, hỗ trợ công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ NLĐ thực hiện khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án; kiểm tra, giám sát công đoàn cấp dưới thực hiện nhiệm vụ theo Hướng dẫn này.

7. Kịp thời báo cáo với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam các vụ việc phức tạp, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhiều NLĐ để được chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết.

III. CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN TRỰC TIẾP CƠ SỞ

1. Thực hiện khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án theo sự phân công của Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hướng dẫn này.

2. Tổ chức tập huấn cho cán bộ CĐCS về khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

3. Hướng dẫn, hỗ trợ hoặc đại diện CĐCS khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án theo quy định.

4. Chủ động đề xuất và ký kết chương trình phối hợp công tác với Tòa án nhân dân, Hội luật gia, Liên đoàn Luật sư cùng cấp để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

5. Định kỳ đánh giá, báo cáo công đoàn cấp trên kết quả thực hiện khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

IV. TRUNG TÂM, VĂN PHÒNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT, TRUNG TÂM TƯ VẤN PHÁP LUẬT VÀ HỖ TRỢ NGƯỜI LAO ĐỘNG

1. Thực hiện khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án khi được NLĐ, tập thể lao động, CĐCS, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ủy quyền, đề nghị; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ theo sự phân công của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

2. Chủ động đề xuất với Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kế hoạch đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng của cán bộ tư vấn pháp luật, hình thành đội ngũ cán bộ có đủ năng lực thực hiện khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án.

3. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ NLĐ để đoàn viên, NLĐ biết, đề nghị tư vấn, hỗ trợ khi có nhu cầu.

V. CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ

1. Thực hiện khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án theo Hướng dẫn này. Trường hợp CĐCS không đủ điều kiện, khả năng hoặc trong các trường hợp khó, phức tạp thì ủy quyền cho trung tâm, văn phòng tư vấn pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật và hỗ trợ NLĐ, công đoàn cấp trên đại diện thực hiện.

2. Phối hợp chặt chẽ và kịp thời báo cáo với công đoàn cấp trên tình hình giải quyết TCLĐ cá nhân và TCLĐ tập thể; cung cấp các thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ án lao động, việc lao động cho công đoàn cấp trên.

3. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quyền, nghĩa vụ tham gia khởi kiện, yêu cầu giải quyết vụ án lao động, việc lao động khi được Tòa án triệu tập.

Trên đây là Hướng dẫn Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án. Hướng dẫn này có hiệu lực thi hành từ ngày ký, thay thế Hướng dẫn số 995/HD-TLĐ ngày 30/6/2016 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng giải quyết các vụ án TCLĐ cá nhân, TCLĐ tập thể.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các địa phương, đơn vị phản ánh về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (qua Ban Quan hệ Lao động) để nghiên cứu, xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

 


Nơi nhận:
- Các đ/c Ủy viên ĐCT;
- Các LĐLĐ tỉnh, thành phố;
- Công đoàn ngành trung ương; Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc TLĐ;
- Các ban, Văn phòng, Văn phòng UBKT, Các đơn vị trực thuộc TLĐ;
- Lưu: VT, QHLĐ.

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Văn Anh

 

CÁC BIỂU MẪU CÓ LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN KHỞI KIỆN, THAM GIA TỐ TỤNG DÂN SỰ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG, YÊU CẦU VỀ LAO ĐỘNG

(Kèm theo Hướng dẫn số 92/HD-TLĐ ngày 31 tháng 8 năm 2023)

Mẫu số 1: Giấy ủy quyền

Mẫu số 2: Đơn khởi kiện

Mẫu số 3: Đơn phản tố

Mẫu số 4: Giấy giới thiệu cán bộ công đoàn tham gia tố tụng tại Tòa án

Mẫu số 5: Khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện/đơn yêu cầu giải quyết việc lao động

Mẫu số 6: Văn bản gửi Tòa án yêu cầu thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận

Mẫu số 7: Yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Mẫu số 8: Đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện/yêu cầu phản tố; rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện/yêu cầu phản tố ở giai đoạn chuẩn bị xét xử

Mẫu số 9: Đơn kháng cáo

Mẫu số 10: Đơn yêu cầu giải quyết việc lao động

 



[1] CĐCS sẽ tham gia với tư cách bị đơn trong trường hợp CĐCS tổ chức và lãnh đạo cuộc đình công.

[2] Đây không phải là thủ tục bắt buộc.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 92/HD-TLĐ năm 2023 về Công đoàn khởi kiện và tham gia tố tụng dân sự giải quyết vụ án lao động, việc lao động tại Tòa án do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 92/HD-TLĐ
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 31/08/2023
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Phan Văn Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/08/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản