Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 726/HD-TLĐ | Hà Nội, ngày 02 tháng 06 năm 2014 |
HƯỚNG DẪN
CÔNG ĐOÀN THỰC HIỆN GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 217-QĐ/TW CỦA BỘ CHÍNH TRỊ
Để thống nhất thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW trong hệ thống Công đoàn, quy định của Luật Công đoàn (năm 2012) và Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành hướng dẫn Công đoàn thực hiện giám sát và phản biện xã hội như sau:
A. Mục đích, tính chất của giám sát và phản biện xã hội
1- Giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
2- Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; phát huy dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội.
3- Giám sát và phản biện xã hội mang tính nhân dân, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính xây dựng, tính khoa học và thực tiễn.
B. Nguyên tắc giám sát và phản biện xã hội
Khi thực hiện giám sát và phản biện xã hội, các cấp công đoàn phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
1- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
2- Có sự phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội với các cơ quan, tổ chức có liên quan; không làm trở ngại các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát và phản biện xã hội.
3- Bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan và mang tính xây dựng.
4- Tôn trọng các ý kiến khác nhau, nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đoàn viên công đoàn và của Nhà nước.
C. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội
I. Hoạt động giám sát
1. Đối tượng giám sát
1.1. Đối với cơ quan, tổ chức:
a. Đối với tổ chức Đảng: Giám sát hoạt động các cơ quan của Đảng từ Trung ương đến chi bộ đảng;
b. Đối với các cơ quan Nhà nước: Giám sát hoạt động các cơ quan lập pháp (Quốc Hội, Hội đồng nhân dân các cấp), các cơ quan hành pháp (Chính phủ, Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp), các cơ quan tư pháp (Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp).
c. Đối với đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp: Các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
1.2. Đối với cá nhân: Là Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quy định tại Tiết 1.1 Điểm 1 này.
2. Nội dung và phạm vi giám sát
2.1. Đối với cơ quan, tổ chức:
Công đoàn từng cấp căn cứ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; chức năng, nhiệm vụ từng cấp Công đoàn để tổ chức giám sát cấp ủy Đảng, chính quyền đồng cấp về việc chỉ đạo triển khai, kiểm tra và kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phạm vi quản lý. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng cấp thực hiện giám sát đối với những nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.
Việc giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần tập trung vào các nội dung trọng tâm sau:
a. Phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc làm, bảo đảm việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, đào tạo lại nâng cao trình độ cho người lao động; thuế thu nhập cá nhân; thi đua khen thưởng; các dự án nhà ở, hạ tầng xã hội và thiết chế văn hóa cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế (KCN) và người thu nhập thấp ở đô thị; Giá dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý như giá điện sinh hoạt, giá nước sinh hoạt, giá nhiên liệu, giá viện phí, giá học phí...
b. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch và sử dụng quỹ đất đai để thực hiện dự án xây nhà ở xã hội.
c. Tiền lương, thu nhập; hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; Bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho người lao động.
d. Thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Công đoàn, Luật Việc làm và các luật khác có liên quan đến người lao động.
đ. Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; tổ chức hoạt động Ban thanh tra nhân dân và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công chức, viên chức và lao động.
e. Thực hiện các chính sách khác có liên quan đến người lao động, như chính sách đối với người lao động khi sắp xếp, cổ phần hóa, giải thể, phá sản doanh nghiệp v.v....
2.2. Đối với cá nhân:
Giám sát đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp nhà nước về thực hiện quyền hạn, nghĩa vụ theo quy định tại Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương Đảng, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, các luật liên quan khác và theo quyết định của cấp thẩm quyền giao nhiệm vụ.
3. Phương pháp tiến hành giám sát
3.1. Xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát:
a. Xác định nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát:
Quý IV hàng năm, căn cứ thực tế việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở từng cấp về các nội dung nêu tại Điểm 2 Mục I này và kế hoạch chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kế hoạch giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để xác định nội dung, đối tượng phạm vi giám sát, hình thức giám sát.
b. Khi xây dựng kế hoạch giám sát cần có sự phối hợp chặt chẽ, cụ thể là:
- Khi giám sát cấp ủy đảng, chính quyền đồng cấp và cơ quan, đơn vị trực thuộc đồng cấp thì công đoàn phối hợp với cơ quan thường trực cùng cấp để thống nhất mục đích, yêu cầu nội dung, thời gian, số lượng cơ quan, đơn vị thực hiện.
- Với doanh nghiệp trong phạm vi giám sát thì công đoàn phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước liên quan, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng cấp để xác định cụ thể mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian và số doanh nghiệp giám sát để tránh trùng lắp với đoàn giám sát khác.
c. Xác định các nguồn lực thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, gồm: Kinh phí, nhân lực và phương tiện cần có để thực hiện kế hoạch giám sát.
3.2. Ban hành kế hoạch giám sát, gửi cho đối tượng giám sát và công đoàn cấp dưới triển khai thực hiện:
a. Sau khi chuẩn bị xong nội dung chương trình, kế hoạch giám sát thì Chủ tịch công đoàn cấp ra quyết định ban hành và gửi cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng cấp để tạo điều kiện hoặc tham gia giám sát, đồng thời gửi công đoàn cấp trên trực tiếp báo cáo;
b. Gửi công đoàn cấp dưới và đối tượng giám sát để thực hiện theo chương trình, kế hoạch giám sát.
3.3. Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát:
a. Sau khi ban hành chương trình, kế hoạch giám sát thực hiện giám sát:
- Chủ tịch công đoàn cấp này quyết định thành lập đoàn giám sát đến làm việc với cấp ủy đồng cấp và cơ quan đơn vị trực thuộc cấp ủy; làm việc với chính quyền đồng cấp và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp để tìm hiểu đánh giá việc thực hiện nội dung giám sát. Trong chương trình, kế hoạch nếu có nội dung phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng cấp thì phải mời đại diện tham gia đoàn giám sát. Khi đến giám sát cơ quan, đơn vị cấp dưới, phải mời đại diện cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý đối tượng giám sát tham gia đoàn.
- Khi đến doanh nghiệp nhà nước thực hiện kế hoạch giám sát, phải mời đại diện cơ quan quản lý Nhà nước đồng cấp liên quan tham gia đoàn giám sát. Khi giám sát đối với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập thì mời và đề nghị đại diện lãnh đạo cơ quan Nhà nước đồng cấp tham gia làm Trưởng đoàn giám sát.
- Trường hợp chương trình, kế hoạch chỉ giám sát tại một cơ quan, một đơn vị, một doanh nghiệp thì khi kết thúc phải có báo cáo giám sát gửi cho đối tượng giám sát và cơ quan quản lý trực tiếp của Đảng hoặc của Nhà nước đồng cấp, chịu trách nhiệm về báo cáo kết quả giám sát.
- Trường hợp chương trình, kế hoạch giám sát một cấp ủy, một cấp chính quyền thì kết thúc phải có báo cáo giám sát với cấp ủy, cấp chính quyền đó và báo cáo lên Công đoàn cấp trên trực tiếp.
- Kết quả giám sát, phát hiện điển hình tiên tiến trong tổ chức thực hiện thì phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến các bài học kinh nghiệm để nhân rộng điển hình.
b. Giao cho Công đoàn cấp dưới thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát:
- Cấp công đoàn được giao thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát đối tượng giám sát trong phạm vi phân cấp quản lý phải tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại ý (a), Tiết 3.3 Điểm 3 Mục I Hướng dẫn này.
- Trước khi thực hiện phải báo cáo cấp ủy, chính quyền đồng cấp biết để tạo điều kiện tổ chức thực hiện.
- Báo cáo kết quả giám sát về Công đoàn cấp trên
3.4. Các hình thức tiến hành giám sát:
a. Tổ chức đoàn giám sát đến gặp trực tiếp đối tượng giám sát yêu cầu cung cấp thông tin, tự liệu làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nội dung giám sát: Văn bản chỉ đạo, báo cáo kiểm tra, báo cáo thực hiện kết luận kiểm tra, thanh tra và các tài liệu khác liên quan đến nội dung giám sát; trao đổi, phỏng vấn trực tiếp làm rõ nội dung cần quan tâm.
b. Tổ chức đối thoại giữa đại diện tổ chức Công đoàn với đối tượng bị giám sát về nội dung người lao động đang quan tâm cần làm rõ trả lời nhằm ổn định tư tưởng công chức, viên chức và người lao động, góp phần ổn định tình hình chính trị, xã hội đất nước và trên địa bàn quản lý.
c. Tổ chức lấy ý kiến người lao động về nội dung giám sát qua gửi phiếu khảo sát hoặc góp ý kiến qua hòm thư góp ý, hoặc bằng phương thức khác phù hợp.
d. Tiếp thu ý kiến, kiến nghị phản ánh trực tiếp của đoàn viên công đoàn, người lao động về nội dung giám sát đối với đối tượng giám sát.
đ. Thông qua kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, báo cáo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.
e. Tổng hợp, nghiên cứu nội dung và kết quả giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân, đoàn viên, người lao động về nội dung giám sát.
g. Tham gia đoàn giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng cấp về nội dung giám sát liên quan đến quyền lợi ích, nghĩa vụ của người lao động.
4. Quyền và trách nhiệm giám sát
4.1. Khi tiến hành giám sát, các cấp công đoàn thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Quy chế; khi đối tượng giám sát yêu cầu tổ chức đối thoại làm rõ kiến nghị trong báo cáo giám sát thì phải chuẩn bị nội dung và tổ chức cuộc đối thoại làm rõ về nội dung kiến nghị đó.
4.2. Khi tổ chức giám sát doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập thì Công đoàn thực hiện quyền giám sát theo quy định tại Bộ luật Lao động 2012; Luật Công đoàn 2012 và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện 2 Luật này.
II. Hoạt động phản biện xã hội
1. Đối tượng và phạm vi phản biện
1.1. Đối tượng và phạm vi phản biện của Công đoàn là các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Công đoàn.
Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, vấn đề phản biện cụ thể cần tập trung vào nội dung quy định tại tiết 2.1, Điểm 2, Mục I hướng dẫn này.
1.2. Tham gia phản biện nội dung theo đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng cấp.
2. Nội dung phản biện
Ngoài phản biện 05 nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Quy chế, còn phản biện các nội dung sau:
2.1. Quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
2.2. Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật.
3. Các hình thức phản biện
3.1. Tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến của các cán bộ công đoàn, các nhà khoa học và đại diện đối tượng bị tác động trực tiếp của nội dung phản biện. Nghiên cứu, phân tích, tổng hợp các ý kiến tham gia xây dựng văn bản tham gia vào nội dung phản biện.
3.2. Tổ chức lấy ý kiến góp ý của Công đoàn cấp dưới: Gửi lấy ý kiến nội dung cần phản biện tới Công đoàn có nhiều người lao động bị điều chỉnh bởi nội dung liên quan. Tổng hợp ý kiến tham gia của Công đoàn cấp dưới, nghiên cứu xây dựng văn bản phản biện gửi đến cơ quan soạn thảo.
3.3. Tổ chức đối thoại với cơ quan soạn thảo về nội dung phản biện khi cần làm rõ mục đích, tư tưởng chỉ đạo xây dựng nội dung văn bản đó, cơ sở xây dựng dự thảo nội dung văn bản.
3.4. Phương pháp chuyên gia: Sử dụng chuyên gia tại cơ quan Công đoàn nghiên cứu xây dựng văn bản phản biện.
4. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phản biện
4.1. Xây dựng kế hoạch phản biện:
a. Căn cứ kế hoạch năm về xây dựng văn bản của cấp ủy Đảng, chính quyền đồng cấp, công đoàn cùng cấp xây dựng kế hoạch phản biện của cấp mình đối với văn bản có nội dung liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động và liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm của tổ chức công đoàn.
b. Dự toán nguồn lực thực hiện: Kinh phí, nhân lực và thời gian thực hiện, trình người có thẩm quyền phê duyệt trong quý IV năm trước. Chú ý, xây dựng kế hoạch dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh theo kinh nghiệm từ năm trước liền kề để chủ động về kế hoạch.
4.2. Tổ chức phản biện:
Tùy tính chất, phạm vi đối tượng điều chỉnh của nội dung văn bản phản biện và quỹ thời gian chuẩn bị ý kiến phản biện, cơ quan Công đoàn được lấy ý kiến phản biện lựa chọn hình thức tổ chức phản biện phù hợp.
a. Chủ tịch Công đoàn các cấp, khi nhận được văn bản yêu cầu phản biện phải giao cho đơn vị, người phụ trách cụ thể làm đầu mối tổ chức xây dựng văn bản phản biện của cơ quan mình. Với nội dung phản biện liên quan đến chức năng, nhiệm vụ từ 2 đơn vị trở lên phải giao cho một đơn vị làm đầu mối xây dựng văn bản phản biện, các đơn vị còn lại có trách nhiệm nghiên cứu có ý kiến tham gia.
b. Kết quả phản biện làm thành văn bản do người đúng đầu cơ quan phản biện ký tên đóng dấu gửi đến cơ quan soạn.
c. Theo dõi việc tiếp thu ý kiến phản biện của cơ quan soạn thảo. Khi cơ quan soạn thảo văn bản chưa tiếp thu ý kiến phản biện mà chưa có giải thích hoặc giải thích chưa thuyết phục thì cơ quan phản biện của Công đoàn bảo lưu ý kiến phản biện của cơ quan mình phản ánh lên cấp thẩm quyền.
III. Điều kiện bảo đảm, khen thưởng, xử lý vi phạm
1. Điều kiện bảo đảm
1.1. Các cấp công đoàn thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức, bộ máy, cán bộ; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng về giám sát và phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ công đoàn cấp mình và cấp dưới.
1.2. Kinh phí giám sát và phản biện xã hội được ngân sách nhà nước bảo đảm theo kế hoạch hằng năm do Công đoàn từng cấp lập kế hoạch và trình cấp có thẩm quyền đồng cấp phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ Quy định chi tiết về tài chính công đoàn.
2. Khen thưởng
Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám sát và phản biện xã hội thì được khen thưởng theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng và của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
3. Xử lý vi phạm
3.1. Tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập, cản trở tổ chức, cá nhân giám sát, phản biện xã hội hoặc bao che cho người có hành vi trả thù, trù dập, cản trở hoặc can thiệp trái quy định của Quy chế thì tùy theo mức độ vi phạm thì bị xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
3.2. Những hành vi lợi dụng quyền giám sát và phản biện xã hội làm cản trở hoạt động, gây tổn hại đến uy tín hoặc danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng giám sát hoặc yêu cầu phản biện đều bị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
IV. Tổ chức thực hiện
1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
1.1. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, tập huấn mục đích, tính chất, nội dung Quy chế và Hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến Công đoàn cấp dưới để thực hiện.
1.2. Ban hành Hướng dẫn “Công đoàn thực hiện Quy chế giám sát và phản biện theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị.”
1.3. Hàng năm, xây dựng kế hoạch giám sát và phản biện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, kế hoạch phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ, ngành liên quan về nội dung giám sát, phản biện xã hội thuộc chức năng, nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; chỉ đạo, theo dõi Công đoàn các cấp thực hiện nội dung giám sát, phản biện xã hội theo kế hoạch và theo yêu cầu đột xuất của Trung ương Đảng và Cơ quan Nhà nước ở Trung ương; dự toán kinh phí chi giám sát và phản biện xã hội theo kế hoạch của Tổng Liên đoàn trình Bộ Tài chính thẩm định, bố trí ngân sách Trung ương hỗ trợ.
1.4. Tham gia và phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát, phản biện nội dung theo kế hoạch phối hợp.
1.5. Tổ chức kiểm tra cấp dưới thực hiện Quy chế, Hướng dẫn này theo kế hoạch và đột xuất.
Xem xét, quyết định khen thưởng, kỷ luật tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.
1.6. Định kỳ 6 tháng, một năm có báo cáo kết quả giám sát, phản biện của tổ chức Công đoàn Việt Nam với Bộ Chính trị, Ban bí thư Trung ương Đảng; Quốc Hội, Chính phủ, Báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban bí thư Trung ương Đảng.
1.7. Các Ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu giúp Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lập kế hoạch triển khai Hướng dẫn này.
Ban Chính sách Kinh tế - Xã hội và Thi đua - Khen thưởng giúp Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam việc theo dõi, kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả tổ chức thực hiện Hướng dẫn này.
2. Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (LĐLĐ tỉnh); Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Công đoàn ngành TW)
2.1. Có văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, tổ chức tập huấn đến Công đoàn cấp dưới nội dung Quy chế và Hướng dẫn này để thực hiện. Tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong phạm vi phân cấp quản lý. Chỉ đạo Công đoàn cấp dưới thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội của cấp mình.
2.2. Hàng năm, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát và phản biện xã hội của cấp mình:
a. Đối với LĐLĐ tỉnh: Có kế hoạch phối hợp với Mặt trân Tồ quốc tỉnh, thành phố và báo cáo chương trình, kế hoạch cấp mình với tỉnh ủy, hoặc thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc đồng cấp trước khi thực hiện; Phối hợp, tham gia với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố giám sát, phản biện xã hội theo kế hoạch phối hợp; dự toán kinh phí chi giám sát và phản biện xã hội theo kế hoạch của LĐLĐ tỉnh trình Ủy ban nhân tỉnh, thành phố phê duyệt hỗ trợ.
b. Đối với Công đoàn ngành TW: Sau khi xây dựng xong kế hoạch giám sát và phản biện xã hội của cấp mình phải báo cáo với Ban cán sự Đảng của Bộ, ngành, lãnh đạo Bộ, ngành; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải báo cáo cấp ủy, Lãnh đạo Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty nhà nước trước khi thực hiện. Phối hợp, tham gia đoàn giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp khi đến giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi ích của người lao động, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, Tập đoàn Kinh tế nhà nước hoặc Tổng công ty Nhà nước; dự toán kinh phí chi giám sát và phản biện xã hội theo kế hoạch của cấp mình báo cáo Tổng Liên đoàn để tổng hợp chung trình Bộ Tài chính.
2.3. Kiểm tra Công đoàn cấp dưới việc tổ chức thực hiện Quy chế vả Hướng dẫn này.
Xem xét, quyết định khen thưởng, kỷ luật tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.
2.4. Định kỳ 6 tháng, một năm có báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch giám sát, phản biện xã hội về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam:
a. Với LĐLĐ tỉnh đồng thời phải có báo cáo tỉnh ủy, hoặc thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân đồng cấp.
b. Với Công đoàn ngành TW và tương đương đồng thời phải có báo cáo Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ, ngành; Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải có báo cáo Lãnh đạo Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước.
3. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở
3.1: Tổ chức thực hiện chỉ đạo của LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành TW về việc công đoàn giám sát, phản biện xã hội theo quy định tại Quy chế và hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao dộng Việt Nam tại cấp mình và chỉ đạo công đoàn cơ sở trực thuộc triển khai thực hiện nội dung giám sát và phản biện xã hội trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.
3.2. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giám sát và phản biện xã hội theo như quy định đối với LĐLĐ tỉnh, thành phố, hoặc Công đoàn ngành TW, bảo cáo cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đồng cấp trước khi thực hiện.
3.3. Hướng dẫn và kiểm tra công đoàn cơ sở tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện giám sát nội dung liên quan đến thực hiện các chính sách, pháp luật về Lao động, tiền lương, Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc đối với người lao động, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; phản biện các kế hoạch công tác, biện pháp thực hiện kế hoạch công tác, sản xuất kinh doanh, xây dựng các quy chế, quy định nội bộ và văn bản của cấp trên yêu cầu.
3.4. Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo kết quả thực hiện giám sát và phản biện xã hội về công đoàn cấp trên.
Trên đây là nội dung hướng dẫn Công đoàn thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo quy định tại Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.
Hướng dẫn này được phổ biến đến công đoàn cơ sở.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, có vướng mắc đề nghị các cấp Công đoàn phản ánh kịp thời về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét giải quyết./.
| TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |
- 1Công văn 9379/VPCP-V.III năm 2013 báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 2Thông tư 337/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội do Bộ Tài chính ban hành
- 3Thông tri 23/TTr-MTTW-BTT năm 2017 hướng dẫn quy trình giám sát và quy trình phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành
- 1Luật Doanh nghiệp 2005
- 2Luật Thi đua, Khen thưởng 2003
- 3Luật cán bộ, công chức 2008
- 4Luật viên chức 2010
- 5Luật Công đoàn 2012
- 6Bộ Luật lao động 2012
- 7Công văn 9379/VPCP-V.III năm 2013 báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012 do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 8Nghị định 191/2013/NĐ-CP hướng dẫn về tài chính công đoàn
- 9Hiến pháp 2013
- 10Luật việc làm 2013
- 11Quyết định 217-QĐ/TW năm 2013 về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 12Thông tư 337/2016/TT-BTC quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội do Bộ Tài chính ban hành
- 13Thông tri 23/TTr-MTTW-BTT năm 2017 hướng dẫn quy trình giám sát và quy trình phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành
Hướng dẫn 726/HD-TLĐ năm 2014 về công đoàn thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định 217-QĐ/TW do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành
- Số hiệu: 726/HD-TLĐ
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 02/06/2014
- Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
- Người ký: Đặng Ngọc Tùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra