Hệ thống pháp luật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 7180/GDCN

Hà Nội, ngày 13 tháng 8 năm 2004

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN CHỈ THỊ NĂM HỌC 2004 - 2005 CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VỀ GIÁO DỤC TRUNG HỌC CHUYÊN NGHIỆP

 

Căn cứ vào Chỉ thị số 25/2004/CT-BGD&ĐT ngày 02/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về nhiệm vụ của toàn ngành trong năm học 2004 - 205, để công tác giáo dục trung học chuyên nghiệp trong năm học mới có hiệu quả, Bộ GD&ĐT hướng dẫn và yêu cầu các Sở GD&ĐT, các trường trung học chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục và đào tạo trung học chuyên nghiệp cần thực hiện nhiệm vụ cụ thể trong năm học 2004 - 2005 như sau:

1. Tiếp tục xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục trung học chuyên nghiệp, mở rộng quy mô hợp lý, quy hoạch cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội

Tiếp tục xây dựng và củng cố hệ thống giáo dục trung học chuyên nghiệp, không ngừng hoàn thiện, phát triển đa dạng mạng lưới các trường trung học chuyên nghiệp chuyên nghiệp theo hướng hiện đại hoá, phù hợp với tình hình thực tiễn của Bộ, ngành và địa phương. Rà soát, cân đối hợp lý các loại hình trường trung học chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp trên địa bàn phạm vi quản lý. Quy hoạch, đầu tư có trọng điểm, củng cố và nâng cao chất lượng các trường trung học chuyên nghiệp công lập sẵn có, tạo điều kiện và có chính sách thích hợp khuyến khích phát triển các loại hình trường trung học chuyên nghiệp ngoài công lập. Phấn đấu phát triển mạng lưới các trường trung học chuyên nghiệp phủ kín trên toàn quốc trong năm học 2004 - 2005. Mở rộng nhiều hình thức đào tạo, ngành nghề đào tạo, gắn đào tạo với sự phát triển sản xuất, dịch vụ và thị trường lao động phục vụ cho nhu cầu chỉ tiêu đào tạo trung học chuyên nghiệp được giao, đồng thời tạo ra cơ hội thuận lợi thu hút nhiều đối tượng theo học. Tiếp tục mở rộng chế độ cử tuyển trung học chuyên nghiệp, đào tạo theo địa chỉ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Các trường trung học chuyên nghiệp thực hiện hướng nghiệp, tuyên truyền giới thiệu nhà trường cũng như ngành học mới phù hợp với nhu cầu của xã hội. Năm học 2004 - 2005 phấn đấu tăng quy mô tuyển sinh trung học chuyên nghiệp lên 12,1% và tiếp tục tăng cho những năm tới.

2. Tăng cường xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trung học chuyên nghiệp toàn diện; chuẩn về trình độ, đảm bảo chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có phẩm chất chính trị và lương tâm nghề nghiệp

Quán triệt sâu sắc cho cán bộ, công nhân viên toàn ngành Chỉ thị 40-CT/TW ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Đề án của Chính phủ về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đây là nhiệm vụ then chốt là động lực tạo ra bước chuyển biến đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Các cơ quan quản lý giáo dục trung học chuyên nghiệp của Bộ, ngành Trung ương, các địa phương và các trường trung học chuyên nghiệp cần tổ chức điều tra, rà soát đánh giá toàn diện thực trạng đội ngũ giáo viên trung học chuyên nghiệp, cán bộ quản lý giáo dục trung học chuyên nghiệp. Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá, xây dựng quy hoạch và đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhằm kiện toàn đội ngũ giáo viên và bộ máy các nhà quản lý, với phương châm chuẩn về trình độ, đủ về số lượng và cân đối phù hợp về cơ cấu. Khắc phục tình trạng thiếu hụt giáo viên, phấn đấu đạt tỷ lệ từ 15 - 18 học sinh/ 01 giáo viên.

Năm học 2004 - 2005, các trường trung học chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục có đào tạo trung học chuyên nghiệp cần có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, phấn đấu 100% giáo viên THCN có trình độ tốt nghiệp đại học, trong đó tỷ lệ số lượng giáo viên có trình độ từ Thạc sĩ trở lên tăng từ 10,97% hiện nay lên 12%. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho giáo viên trung học chuyên nghiệp vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy được giao vừa có điều kiện tham gia nghiên cứu thực nghiệm khoa học, học tập nâng cao trình độ; gắn hoạt động chuyên môn với thực tiễn sản xuất, cải tiến và đổi mới phương pháp dạy học, tích cực ứng dụng và chuyển giao công nghệ giáo dục hiện đại, đặc biệt lĩnh vực công nghệ thông tin.

Đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong nhà trường, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như dự giờ rút kinh nghiệm, thao giảng, hội thảo chuyên đề, trao đổi các phương pháp giảng dạy tiên tiến... Các trường trung học chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục có đào tạo trung học chuyên nghiệp cần đúc kết, rút kinh nghiệm qua các kỳ tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi trước đây, lập kế hoạch, xây dựng và bồi dưỡng những hạt nhân nòng cốt trong phong trào dạy tốt để tổ chức có hiệu quả Hội thi giáo viên dạy giỏi trung học chuyên nghiệp ở các cấp.

Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Công đoàn, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, giáo viên gương mẫu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách; tích cực rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, bản lĩnh nhà giáo và tính mô phạm, giữ gìn hình ảnh tốt đẹp của nhà giáo trong tình hình mới.

3. Tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, nội dung và cải tiến phương pháp dạy học nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trung học chuyên nghiệp

Năm học 2004 - 2005, cần khẩn trương thực hiện đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy học trung học chuyên nghiệp. Đây là điều kiện tiên quyết, có tính quyết định chất lượng và hiệu quả đào tạo của cả hệ thống giáo dục trung học chuyên nghiệp. Các Bộ, ngành hoàn thành việc xây dựng và ban hành chương trình khung ngành đào tạo hiện hữu. Căn cứ vào các chương trình khung trung học chuyên nghiệp ngành đã ban hành, các chương trình đào tạo đã xây dựng, các trường trung học chuyên nghiệp và các cơ sở giáo dục có đào tạo trung học chuyên nghiệp cần tập trung xây dựng tài liệu, giáo trình môn học theo quy định. Nội dung chương trình, tài liệu, giáo trình phải phù hợp với yêu cầu của bậc học, có tính khoa học, thực tiễn và liên thông; phấn đấu trong năm học này chấm dứt tình trạng thiếu tài liệu, giáo trình phục vụ cho giảng dạy.

Cần gắn việc đổi mới nội dung với đổi mới phương pháp trong giảng dạy và học tập. Khắc phục tình trạng giảng dạy thụ động một chiều, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong học tập. Tạo điều kiện và đảm bảo thực hiện đầy đủ các yêu cầu về thực hành, thực tập, kết hợp hoạt động giảng dạy với nghiên cứu khoa học; ứng dụng và chuyển giao công nghệ với lao động sản xuất; tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý giáo dục và đào tạo.

Tăng cường công tác giáo dục nhận thức chính trị, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức và lối sống cho học sinh. Phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội HS-SV Việt Nam tổ chức các phong trào thi đua, đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ và thể thao trong nhà trường; các hoạt động xã hội, tổ chức tham quan thực tế; các đợt sinh hoạt chính trị và đặc biệt cần tổ chức các hoạt động thiết thực và ý nghĩa hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2005 (60 năm ngày Quốc khánh, 30 năm ngày thống nhất đất nước...). Phấn đấu 100% học sinh tốt nghiệp ra trường có tư cách đạo đức tốt, vững vàng về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp.

4. Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục trung học chuyên nghiệp; thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật, giữ gìn nền nếp, kỷ cương trong giáo dục và đào tạo.

Các cơ quan quản lý giáo dục trung học chuyên nghiệp các cấp Bộ, ngành và địa phương cần tập trung thực hiện chức năng, vai trò quản lý Nhà nước nhằm nâng cao hiệu lực và đồng bộ trong việc tổ chức, chỉ đạo và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về đào tạo trung học chuyên nghiệp. Bộ GD& ĐT tiếp tục củng cố, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, đưa công tác giáo dục trung học chuyên nghiệp đi vào nề nếp, góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả đào tạo. Trong năm học này, Bộ GD& ĐT tiếp tục nghiên cứu và ban hành một số văn bản như: Quy định chế độ công tác giáo dục trung học chuyên nghiệp, các văn bản quản lý đào tạo trung học chuyên nghiệp không chính quy và các Quy định liên kết đào tạo... áp dụng Tin học trong quản lý và thông tin. Trên cơ sở đó, các sở GD& ĐT, các trường trung học chuyên nghiệp cần tổ chức hướng dẫn triển khai tập huấn, học tập các quy chế, các văn bản quản lý Nhà nước về đào tạo trung học chuyên nghiệp cho đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ sở, đảm bảo tính chuẩn xác trong việc trong việc vận dụng và và triển khai trong công tác quản lý và đào tạo; nghiên cứu, rà soát tính hiệu lực và tính thực tế nội dung các văn bản pháp quy phát hiện những vấn đề chưa phù hợp, đề xuất và đóng góp ý kiến với Bộ GD& ĐT để kịp thời có những điều chỉnh và bổ sung.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện và ngăn chặn các biểu hiện vi phạm các văn bản quy định hiện hành; cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm làm trong sạch và lành mạnh môi trường giáo dục trung học chuyên nghiệp. Đẩy mạnh, duy trì và thực hiện có nề nếp công tác báo cáo theo quy định, nội dung báo cáo cần ngắn gọn, rõ ràng, đầy đủ, chính xác và đúng thời hạn.

5. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, tranh thủ mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tập trung cho lớp học, phòng thực hành, thực tập và thư viện

Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư thiết bị - kỹ thuật cho các trường trung học chuyên nghiệp là tạo ra động lực then chốt cải thiện, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo trung học chuyên nghiệp.

Các trường trung học chuyên nghiệp cần xây dựng quy hoạch phát triển, có chính sách, cơ chế hợp lý để thu hút đầu tư, tích cực khai thác hiệu quả mọi nguồn lực, đầu tư có trọng điểm, tăng cường cơ sở vật chất thiết bị phục vụ dạy và học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá và thực tiễn. Ưu tiên xây dựng và đầu tư thiết bị - kỹ thuật cho các xưởng thực hành, phòng thí nghiệm và tạo môi trường thực tập nghề nghiệp; chú trọng tới việc nâng cấp và hiện đại thư viện. Đảm bảo các điều kiện thực hành, thực tập và thí nghiệm, tài liệu, giáo trình đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo trung học chuyên nghiệp.

6. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục trung học chuyên nghiệp, phát triển các trường ngoài công lập, gắn đào tạo với sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tranh thủ sự hỗ trợ của xã hội, của sản xuất vào các hoạt động đào tạo

Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, các trường trung học chuyên nghiệp cần xây dựng các đề án cụ thể, tạo cơ chế và điều kiện thích hợp để khuyến khích và thu hút các tổ chức kinh tế, xã hội, các nhà đầu tư thành lập các trường trung học chuyên nghiệp, các cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp; huy động mọi nguồn lực trong xã hội, mở rộng các hình thức liên kết đào tạo, áp dụng chính sách đào tạo liên thông, phát hiện các loại hình trường trung học chuyên nghiệp ngoài công lập (bán công, dân lập, tư thục).

Gắn kết mạnh mẽ hơn nữa giữa quá trình đào tạo trong nhà trường với trình độ phát triển của các ngành sản xuất, của thị trường lao động và dịch vụ, tạo ra môi trường xã hội học tập trong các cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế. Thu hút nguồn lực đầu tư và kinh nghiệm phát triển đào tạo trung học chuyên nghiệp

Tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, các cơ quan quản lý giáo dục trung học chuyên nghiệp của Bộ, ngành, các sở giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục có đào tạo trung học chuyên nghiệp, các trường trung học chuyên nghiệp cần đẩy mạnh hơn nữa việc tranh thủ hợp tác quốc tế; đặc biệt cần chú trọng tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và nâng cao hiệu quả thực hiện dự án vay vốn, các dự án viện trợ song phương, đa phương và dự án đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ cao ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Tăng cường hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm, có tiềm lực tham gia thành lập các cơ sở đào tạo trung học chuyên nghiệp, tạo điều kiện, khuyến khích học sinh đi học tập ở nước ngoài và trở về công tác phục vụ đất nước.

Năm học 2004 - 2005 là năm học bản lề có tính quyết định để đánh giá kết quả hoàn thành các chỉ tiêu giáo dục và đào tạo của giai đoạn I (2001 - 2005) trong việc thực hiện các mục tiêu “Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010”; là cơ sở để xác định nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục và đào tạo cho những năm tiếp theo. Vì vậy, khi nhận được bản hướng dẫn này, các sở GD&ĐT, các cơ quan quản lý giáo dục trung học chuyên nghiệp thuộc Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo các trường trung học chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục có đào tạo trung học chuyên nghiệp căn cứ vào tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hoá các nhiệm vụ trọng tâm nêu trên vào nhiệm vụ chính trị năm học của nhà trường. Từng bước củng cố, xây dựng, mở rộng phát triển toàn diện giáo dục trung học chuyên nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của năm học.

Hướng dẫn này được phổ biến đến tất cả các trường trung học chuyên nghiệp, các cơ sở giáo dục có đào tạo trung học chuyên nghiệp, cán bộ, công nhân viên và giáo viên toàn ngành để quán triệt và thực hiện.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG




Bành Tiến Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 7180/GDCN B năm 2004 thực hiện Chỉ thị năm học 2004 - 2005 về giáo dục trung học chuyên nghiệp do ộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 7180/GDCN
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 13/08/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
  • Người ký: Bành Tiến Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/08/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản