Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UBND TỈNH VĨNH LONG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 527/SXD-KTQH | Vĩnh Long, ngày 30 tháng 6 năm 2010 |
HƯỚNG DẪN
TRÌNH TỰ LẬP, THẨM ĐỊNH QUY HOẠCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Xây dựng; Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24-01-2005 của Chính phủ Về Quy hoạch xây dựng; Thông tư số 21/2009/TT-BXD ngày 10-6-2009 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch xây dựng nông thôn; Thông tư số 32/2009/TT-BXD ngày 10-9-2009 của Bộ Xây dựng Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn, mã số QCVN 14:2009/BXD;
Căn cứ Quyết định số 2966/QĐ-UBND ngày 01-12-2009 của UBND tỉnh Vĩnh Long Hướng dẫn đánh giá, chấm điểm các tiêu chí xã nông thôn mới;
Căn cứ Quyết định số 193/TTg ngày 02-02-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới;
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và kế hoạch triển khai Đề án nông thôn mới tỉnh Vĩnh Long. Sở Xây dựng hướng dẫn về trình tự lập, thẩm định quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh với nội dung chủ yếu như sau:
I/. TRÌNH TỰ LẬP QUY HOẠCH XÂY DỰNG:
Theo trình tự sau:
Chủ trương cấp thẩm quyền hoặc kế hoạch của địa phương được duyệt → Tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch → Khảo sát, điều tra, thu thập số liệu → Lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch → Thực hiện quy hoạch và quản lý quy hoạch.
Thời gian lập quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn: nhiệm vụ không quá 02 tháng, đồ án không quá 06 tháng.
Đối tượng lập quy hoạch xây dựng nông thôn bao gồm: mạng lưới điểm dân cư nông thôn trong ranh giới hành chính của một xã, trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn tập trung.
Để thực hiện lập một đồ án quy hoạch cần thực hiện các bước sau:
Bước 1.
Xin chủ trương lập quy hoạch: UBND xã lập văn bản trình UBND huyện, thành phố chấp thuận chủ trương lập quy hoạch, phân công chủ đầu tư.
Bước 2.
Chủ đầu tư lựa chọn tư vấn lập quy hoạch: Sau khi có chủ trương chấp thuận giao nhiệm vụ lập quy hoạch, chủ đầu tư tiến hành:
Lựa chọn tư vấn có đủ năng lực, kinh nghiệm theo quy định (theo Điều 48, 49 và 52 – Nghị định 08/2005/ND-CP).
Bước 3.
Tổ chức lập, trình thẩm định phê duyệt nhiệm vụ QHXD và dự toán kinh phí quy hoạch:
+ Lập: Chủ đầu tư tổ chức lập hoặc thuê đơn vị tư vấn lập nhiệm vụ và dự toán kinh phí quy hoạch theo từng đối tượng của loại đồ án sau khi có chủ trương của cấp thẩm quyền.
+ Trình thẩm định, phê duyệt: Chủ đầu tư trình cơ quan quản lý xây dựng địa phương thẩm định nhiệm vụ và dự toán kinh phí quy hoạch và trình UBND cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và dự toán kinh phí quy hoạch trước khi triển khai bước lập phương án quy hoạch.
Bước 4.
Chủ đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn lập quy hoạch điều tra, khảo sát, thu thập số liệu và xác định các căn cứ lập quy hoạch.
Bước 5.
Tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt đồ án QHXD:
+ Chủ đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn nghiên cứu lập phương án quy hoạch trên cơ sở nhiệm vụ được duyệt và đề xuất tối thiểu 02 phương án.
+ Chủ đầu tư phối hợp đơn vị tư vấn báo cáo phương án lấy ý kiến địa phương, các ngành liên quan: 1-2 lần có sự thống nhất chung trước khi hoàn chỉnh hồ sơ gửi về Phòng Công thương huyện hoặc Phòng Quản lý đô thị Thành phố.
+ Lấy ý kiến đối với đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn:
Trong quá trình lập đồ án quy hoạch xây dựng, tổ chức tư vấn có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân trong khu vực lập quy hoạch theo các hình thức hội họp, trao đổi trực tiếp hoặc phát phiếu lấy ý kiến về nội dung quy hoạch để nhân dân dễ tiếp cận và góp ý. Các ý kiến đóng góp phải được tổng hợp đầy đủ và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trước khi phê duyệt.
Căn cứ kết quả lấy ý kiến và hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng, người có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng quyết định lựa chọn phương án quy hoạch xây dựng.
6. Chi phí lập quy hoạch xây dựng nông thôn:
Áp dụng theo Quyết định số 15/2008/QĐ-BXD ngày 17/11/2008 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Về việc ban hành Định mức chi phí quy hoạch xây dựng.
II/. TRÌNH TỰ THẨM ĐỊNH QUY HOẠCH:
1. Trình, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn:
a) Cơ quan trình duyệt: Uỷ ban nhân dân cấp xã là cơ quan trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn.
b) Cơ quan thẩm định: Cơ quan quản lý xây dựng cấp huyện (Phòng Công thương huyện, Phòng Quản lý đô thị) có trách nhiệm thẩm định các nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn.
Trong quá trình thẩm định cơ quan này có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến các Sở ngành tỉnh theo lĩnh vực chuyên môn.
d) Cơ quan phê duyệt: Uỷ ban nhân dân cấp huyện là cơ quan phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn.
a) Thời gian thẩm định:
- Nhiệm vụ quy hoạch: 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Đồ án quy hoạch: 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
b) Trình tự thẩm định:
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định sẽ kết luận hồ sơ đủ hay không đủ điều kiện để xem xét tổ chức thẩm định.
- Trường hợp hồ sơ QHXD đủ điều kiện:
Kết quả thẩm định được ban hành trong thời hạn như quy định tại mục a - khoản 2 - Phần II nêu tại hướng dẫn này.
- Trường hợp hồ sơ QHXD chưa đủ điều kiện:
+ Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến chủ đầu tư tất cả nội dung bổ sung.
+ Nếu quá thời hạn 20 ngày kể từ ngày ban hành văn bản đề nghị bổ sung, mà chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ bổ sung; cơ quan thẩm định sẽ ban hành thông báo trả hồ sơ và không chịu trách nhiệm về việc bảo quản hồ sơ.
+ Sau khi nhận được hồ sơ đã bổ sung sẽ có 02 trường hợp:
* Đối với hồ sơ QHXD sau khi bổ sung vẫn không đáp ứng yêu cầu đã hướng dẫn, cơ quan thẩm định sẽ ban hành Kết quả thẩm định với kết luận không đủ điều kiện.
* Hồ sơ bổ sung đúng với nội dung hướng dẫn, cơ quan thẩm định giải quyết và tổ chức thẩm định theo thời gian quy định.
- Về hình thức thẩm định:
+ Thông qua hình thức họp lấy ý kiến góp ý thẩm định địa phương, các ngành Tỉnh liên quan.
+ Hoặc hình thức gửi văn bản tài liệu quy hoạch lấy ý kiến, trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu và hồ sơ đính kèm, các ban ngành địa phương, tỉnh có liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin; quá thời hạn 07 ngày mà không nhận được văn bản trả lời, cơ quan thẩm định giải quyết hồ sơ theo thẩm quyền đúng quy định và không chịu trách nhiệm về kết quả giải quyết nếu xảy ra thiệt hại.
3. Thành phần hồ sơ trình phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn:
a) Hồ sơ trình phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch xây dựng nông thôn gồm: tờ trình đề nghị phê duyệt, các văn bản pháp lý có liên quan và hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch.
b) Hồ sơ trình phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng gồm: tờ trình đề nghị phê duyệt, các văn bản pháp lý có liên quan và hồ sơ đồ án quy hoạch.
c) Số lượng hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt tối thiểu là 03 bộ.
1. Nội dung nhiệm vụ và đồ án quy hoạch:
Thực hiện theo Điều 4, 5 - Thông tư số 21/2009/TT-BXD ngày 10-6-2009 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch xây dựng nông thôn. Cụ thể chi tiết nội dung lập thuyết minh và thể hiện bản vẽ tham khảo hướng dẫn mẫu theo tài liệu dự thảo do Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị - Bộ Xây dựng lập (đính kèm văn bản này).
2. Các yêu cầu chỉ tiêu áp dụng khi nghiên cứu lập quy hoạch:
Thực hiện theo các quy định sau:
- Thông tư số 32/2009/TT-BXD ngày 10-9-2009 của Bộ Xây dựng Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn, mã số QCVN 14:2009/BXD.
- Quyết định số 2966/QĐ-UBND ngày 01-12-2009 của UBND tỉnh Vĩnh Long Hướng dẫn đánh giá, chấm điểm các tiêu chí xã nông thôn mới.
- Thông tư số 07/2010/TT-BNNPTNT ngày 08-02-2010 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hướng dẫn quy hoạch sản xuất nông nghiệp cấp xã theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.
- Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
+ Số 22/QĐ-TTg ngày 05-01-2010 Về việc phê duyệt Đề án văn hoá nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.
+ Số 23/QĐ-TTg ngày 06-01-2010 Về việc phê duyệt Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015, và định hướng đến năm 2020.
+ Số 176/QĐ-TTg ngày 29-01-2010 Về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020.
3. Quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn: (theo TT21/2009/TT-BXD):
a) Người có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn căn cứ đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt ban hành Quy định về quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn. Nội dung cụ thể của Quy định về quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn phù hợp với các quy định tại Điều 35 của Nghị định số 08/2005/NĐ-CP.
b) Ủy ban nhân dân xã tổ chức công bố, công khai quy hoạch xây dựng nông thôn theo quy định tại khoản 4 Điều 38 và Điều 39 của Nghị định số 08/2005/NĐ-CP và một số nội dung hướng dẫn bổ sung như sau:
- Nội dung công bố, công khai đối với đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn bao gồm:
+ Bản đồ phân khu chức năng:
* Không gian sản xuất; sinh sống; bảo vệ môi trường;
* Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật;
* Hệ thống công trình công cộng; cơ sở phục vụ sản xuất;
* Khu phát triển mới, khu bảo vệ, khu cấm xây dựng).
+ Sơ đồ định hướng phát triển mạng lưới điểm dân cư tập trung.
+ Các bản đồ quy hoạch xây dựng, tổ chức không gian của trung tâm xã hoặc điểm dân cư tập trung.
+ Bản đồ cắm mốc giới, chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
- Trong quá trình thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn được phê duyệt, các dự án đầu tư xây dựng đã và đang triển khai cần được cập nhật và công bố kịp thời, đầy đủ để các tổ chức, cá nhân biết và giám sát thực hiện.
c) Căn cứ vào hồ sơ mốc giới được duyệt, việc cắm mốc giới, trách nhiệm của tổ chức thực hiện cắm mốc chỉ giới xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 40 của Nghị định số 08/2005/NĐ-CP.
d) Việc cung cấp thông tin về quy hoạch xây dựng được thực hiện theo Điều 41 của Nghị định 08/2005/NĐ-CP.
e) Hồ sơ nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt gồm: thuyết minh tổng hợp, các bản vẽ đúng tỷ lệ theo quy định, đĩa CD lưu toàn bộ nội dung thuyết minh và bản vẽ được lưu trữ tại cơ quan quản lý xây dựng cấp tỉnh, cấp huyện và Uỷ ban nhân dân xã.
Đề nghị UBND các huyện, thành phố Vĩnh Long chỉ đạo phòng Công thương, Nông nghiệp, Quản lý đô thị, chủ tịch UBND xã:
- Khẩn trương lập kế hoạch danh mục các xã cần lập quy hoạch mới hoặc điều chỉnh, đề xuất thứ tự ưu tiên theo 2 giai đoạn: 2010-2011, 2012-2015 tổng hợp gửi về Sở Xây dựng, Thường trực Ban chỉ đạo Tỉnh (Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và phối hợp theo lĩnh vực chuyên ngành.
- Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định quy hoạch xây dựng nông thôn theo tinh thần Quyết định số 193/TTg ngày 02-02-2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Trên đây là nội dung hướng dẫn về trình tự, lập, thẩm định quy hoạch xây dựng. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị có ý kiến gởi về Sở Xây dựng để cùng phối hợp tháo gỡ, hoặc kiến nghị về UBND tỉnh chỉ đạo./.
Nơi nhận: | GIÁM ĐỐC |
HƯỚNG DẪN MẪU VỀ NỘI DUNG THUYẾT MINH VÀ NỘI DUNG BẢN VẼ ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN
A. Phần thuyết minh Đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới:
a) Lý do, sự cần thiết:
- Nêu khái quát về các mặt sau: Vị trí xã trong huyện, tỉnh; tiềm năng và khả năng phát triển kinh tế, xã hội của xã; ảnh hưởng của thiên tai (nếu có); Nêu những bất cập và yêu cầu phát triển của xã theo yêu cầu xây dựng nông thôn mới (QHXD và phát triển đời sống, KTXH…)
Ghi chú: Viết ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, không lan man dông dài, thể hiện được các lý do phải lập QH, không được viết lẫn sang mục tiêu, nội dung QH ở phần dưới.
b) Mục tiêu:
Cần nêu rõ mục tiêu của việc lập đồ án Quy hoạch Xây dựng điểm dân cư nông thôn nhằm giải quyết vấn đề gì? Gợi ý về các mục tiêu:
+ Phát triển kinh tế - xã hội gắn với quá trình hiện đại hóa nông thôn về sản xuất nông nghiệp, công nghiệp – TTCN, phát triển dịch vụ…Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn tiến tới thu hẹp khỏang cách với cuộc sống đô thị.
+ Nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật (giao thông, cấp điện, cấp nước…); xây dựng, cải tạo công trình; chỉnh trang làng xóm, cảnh quan.
+ Giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa địa phương và bảo vệ môi trường.
+ Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai (nếu có).
c) Phạm vi lập quy hoạch
- Ranh giới, quy mô đất đai, dân số.
- Các mốc thời gian thực hiện quy hoạch.
d) Các cơ sở lập quy hoạch
- Các văn bản pháp lý: Các văn bản pháp lý từ TW tới địa phương có liên quan đến đồ án như Luật; Nghị định; Nghị quyết; Thông tư; Quyết định; Nhiệm vụ thiết kế được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Các tài liệu, cơ sở khác: Các tài liệu, các cơ sở sử dụng để nghiên cứu đồ án như Quy hoạch hoặc kế hoạch phát triển KT-XH; các quy hoạch chuyên ngành; các tài liệu, số liệu, bản đồ nền hiện trạng….
- Các văn bản về nội dung ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo địa phương, các sở ban ngành…
- Căn cứ vào thực trạng KT-XH; điều kiện của địa phương.
2. Đánh giá các điều kiện tự nhiên và hiện trạng:
a) Điều kiện tự nhiên:
- Địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng…và các điều kiện tự nhiên khác.
- Vấn đề thiên tai: Đối với xã chịu ảnh hưởng thiên tai cần nhấn mạnh thiên tai gì? Tình trạng thiên tai và nguyên nhân?
Đánh giá nhận xét đầy đủ các ảnh hưởng tiêu cực và tích cực của điều kiện tự nhiên (sự thay đổi về địa hình ở trong xã, khí hậu…) tới phát triển của xã. Minh họa kết quả nghiên cứu, phân tích, đánh giá bằng sơ đồ, bản đồ, hình ảnh. Khuyến khích lập bản đồ thiên tai GIS…(phần này viết ngắn gọn ngoài việc nêu một số điểm chính ra thì cần có đánh giá).
b) Hiện trạng kinh tế xã hội
- Các chỉ tiêu chính: Các chỉ tiêu KT-XH chính thể hiện phản ánh tình trạng của xã (cơ cấu KT, tổng thu nhập xã, thu nhập /người, tỷ lệ hộ giàu, nghèo, y tế, giáo dục…)
- Kinh tế: Tình hình phát triển kinh tế trong các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và phi nông nghiệp (điều tra đánh giá các vấn đề liên quan đến QHXD như nhu cầu đất đai cho sản xuất, các hình thức canh tác chính và điều kiện canh tác , các công trình sản xuất và phục vụ sản xuất…). Đánh giá các thế mạnh, tiềm năng và các hạn chế trong phát triển kinh tế.
(Lưu ý các hình thức canh tác và điều kiện canh tác ảnh hưởng lớn đến việc hình thành các điểm dân cư. Dân cư khu vực trồng lúa được hình thành khác với dân cư khu vực trồnbg cây ăn quả vùng đối với dân cư như về khoảng cách đi làm? Cách thức canh tác? tổ chức khuôn viên đất ở? ảnh hưởng gì tới môi trường ở? Yêu cầu gì đối với xây dựng cơ sở kinh tế và hạ tầng?...
- Xã hội: Dân số (tổng số và dân số theo các thôn, tỷ lệ tăng giảm tự nhiên và cơ học; người già, trẻ em…), số hộ (tổng số và số hộ theo các thôn, hộ làm nông nghiệp, hộ làm dịch vụ thương mại, hộ làm tiểu thủ công nghiệp,..), lao động (trong độ tuổi, ngoài độ tuổi, lao động trong các ngành nghề, lao động làm việc ở trong xã và đi làm việc ở ngoài xã,..), dân trí (tỷ lệ % người Kinh, Thái, Mường..). Đánh giá lợi thế và hạn chế về các mặt dân số, lao động, việc làm trong xã.
- Văn hóa: Đặc điểm tôn giáo, tín ngưỡng. Đặc điểm về văn hóa, phong tục tập quán. Đánh giá khả năng khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng…
(Đánh giá nhận định chung về phát triển KT-XH, các giá trị của yếu tố VH-XH nổi trội và ảnh hưởng của nó tới phát triển. Minh họa kết quả nghiên cứu, phân tích đánh giá bằng sơ đồ, biểu đồ)
c) Hiện trạng sử dụng đất
- Thống kê hiện trạng sử dụng đất đai (đất nông nghiệp, đất ở, đất công cộng, đất cây xanh, thể thao..). Nhận xét đánh giá về cơ cấu sử dung đất, hiệu quả sử dụng đất, các vấn đề về sử dụng đất đai đang tồn tại cần giải quyết. đánh giá thuận lợi, không thuận lợi cho viêc phát triển, xây dựng.
Đánh giá về sử dụng đất (sự hợp lý, bất hợp lý…) và các yêu cầu cần lưu ý trong QHXD. Minh họa nghiên cứu, phân tích, đánh giá bằng sơ đồ, bảng biểu.
d) Hiện trạng cơ sở hạ tầng
- Công trình công cộng: Hiện trạng các công cộng (cơ quan, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa…). Kiến trúc cảnh quan các công trình, nhóm công trình nêu trên.
Đánh giá về khả năng phục vụ và khả năng đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí. Minh họa các kết quả nghiên cứu bằng sơ đồ, bản đồ, hình ảnh dễ hiểu.
- Thôn xóm và nhà nhà ở: Hiện trạng không gian ở thôn xóm (mật độ xây dựng, kiến trúc cảnh quan và đường làng ngõ xóm,…), hiện trạng khuôn viên mỗi hộ (nhà ở thuần nông, nhà ở kết hợp dịch vụ, nhà ở kết hợp sản xuất;…), hiện trang nhà ở (các loại nhà: Kiên cố, bán kiên cố, nhà tạm; kiến trúc; vật liệu;…). Các công trình tôn giáo tín ngưỡng (đình, đền, chùa…). Cảnh quan, môi trường tự nhiên có giá trị (sông, núi, cây đa, giếng nước…).
Đánh giá các giá trị, tính đặc thù, tính phổ biến và khả năng khai thác các giá trị về kiến trúc, cảnh quan. Minh họa bằng hình ảnh tiêu biểu.
- Hạ tầng kỹ thuật và môi trường: Nêu rõ các nội dung chính về hiện trạng hệ thống HTKT gồm cả công trình ngoài khu dân cư (san nền thoát nước mưa, giao thông, cấp nước, cấp điện, thoát nước và VSMT, nghĩa trang…)
Đánh giá về khả năng phục vụ, khả năng đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí, các ưu điểm, các vấn đề tồn tại liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần giải quyết trong đồ án QHXD nông thôn mới. Minh họa kết quả nghiên cứu, phân tích, đánh giá mạch lạc, đơn giản, dễ hiểu.
- Các chương trình dự án ở địa bàn của xã đang triển khai (Dự án xây dựng; điện, đường, trường, trạm,…): Phân tích các dự án chuẩn bị đầu tư có liên quan về mối liên hệ và tác động đến khu vực quy hoạch. Tính hiệu quả và sự phù hợp của các chương trình, dự án với mục tiêu đặt ra có phù hợp không?
- Các vấn đề khác: Tùy thuộc vào tình chất, đặc trưng của khu vực để bổ sung các nội dung nghiên cứu sâu hơn như: Các nội dung về thiên tai, về bảo tồn, về môi trường, về quản lý…
e) Đánh giá tổng hợp phần hiện trạng
- Đánh giá tổng hợp về các mặt thuận lợi, khó khăn trong phát triển xã.
- Đánh giá về các mặt đạt được và các mặt chưa đạt được theo Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
- Các vấn đề lớn cần giải quyết trong đồ án quy hoạch XD nông thôn mới.
3. Các dự báo phát triển nông thôn mới
a)Tiềm năng và định hướng phát triển KT-XH của xã
a.1 Xác định các tiềm năng
Về các mặt cơ bản như vị trí, tài nguyên thiên nhiên, điều kiện kinh tế, con người, các giá trị văn hóa lịch sử và các lợi thế khác…
a.2 Định hướng phát triển
Xác định trên cơ sở tiềm năng và định hướng phát triển kinh tế của xã.
b) Xác định mối quan hệ không gian giữa Xã với các đơn vị hành chính khác lân cận
- Các mối liên hệ về giao thông, về vị trí như gần đô thị, thị trấn huyện lỵ, khu công nghiệp,…
- Các quy hoạch (khu công nghiệp, du lịch…), các dự án được duyệt có ảnh hưởng đến xã.
- Mối liên hệ của các đồ án quy hoạch khác trong vùng liên quan đến Xã.
c) Tính chất
- Đề xuất theo định hướng phát triển kinh tế chủ đạo và các đặc trưng phát triển khác (nếu có) như về dân tộc, du lịch, ảnh hưởng thiên tai thường xuyên,…
d) Dự báo quy nô dân số, lao động và đất đai
d.1 Dự báo dân số
- Dự báo quy mô dân số toàn xã và từng thôn, số hộ toàn xã và từng thôn cho các giai đoạn 2015 và 2025.
d.2 Dự báo lao động
- Dự báo quy mô lao động cho toàn xã và theo các ngành sản xuất kinh tế trong xã cho các giai đoạn 2015 và 2025. (Nông nghiệp, Công nghiệp –TTCN, Dịch vụ thương mại).
d.3 Dự báo đất đai
- Dự báo quy mô đất đai xây dựng cho các giai đoạn 2015 và 2025, trong đó phải chỉ rõ đất ở phát triển mới cho các giai đoạn nêu trên và được phân bổ cụ thể ở các thôn xóm nào.
e) Các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật
- Theo Bộ tiêu chí Nông thôn mới đã được ban hành.
- Theo tiêu chí liên quan đến Quy hoạch xây dựng
- Theo hoàn cảnh thực tế để đề ra chỉ tiêu KTKT cho sát.
(Do đặc điểm của mỗi xã mà áp dụng các chỉ tiêu KTKT đáp ứng theo Bộ tiêu chí cho phù hợp; điều quan trọng là phải theo tình hình thực tế).
4. Định hướng quy hoạch xây dựng nông thôn mới (QH chung xã)
a) Quy hoạch định hướng phát triển không gian xã (Mạng lưới điểm dân cư nông thôn)
- Sản xuất nông nghiệp (cập nhật quy hoạch sản xuất: khu vực nào? Quy mô ha? Loại hình canh tác? Làm cái gì để nâng cao giá trị của sản xuất?); phát triển kinh tế hộ gia đình như cải tạo vườn tược, chăn nuôi, thả cá, làm nghề phụ (theo tình hình thực tế của Xã).
- Khu vực sản xuất CN, TTCN, làng nghề truyền thống, trang trại chăn nuôi và các công trình phục vụ sản xuất đi kèm như kho, trạm, trại,…(yêu cầu nêu rõ các công trình hiện hữu có tiếp tục để ở chỗ cũ không? Có phát triển mở rộng ra không? Có đề xuất chỗ mới không? Có đề xuất công trình mới không?)
- Các thôn xóm (tiếp tục ổn định hay cải tạo, chỉ rõ các giải pháp cải tạo?); Hình thành điểm dân cư mới (Vị trí? Diện tích? Lý do?).
- Hệ thống trung tâm của xã, thôn và các công trình công cộng (UBND xã, trường học, trạm xá,…Cần nêu rõ về mô hình trung tâm xã, thôn (về tổ chức công trình, sân vườn, ao, cây xanh…), mô hình phải đạt được yêu cầu người dân trong xã, thôn công nhận đấy là trung tâm của họ.
- Hệ thống các di tích VHLS, cảnh quan có giá trị (Bảo tồn; tôn tạo có can thiệp gì không?).
- Đối với xã có thiên tai: Giải pháp phòng chống thế nào? (ví dụ giải pháp về: kết cấu, xây dựng, nền, giao thông, nhà công cộng chạy lũ,…).
- Lập bảng cân bằng đất đai trong toàn xã.
b) Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật
b.1. Về giao thông
Tổ chức mạng lưới đường trong xã trên cơ sở mạng lưới đường đã có và hình thành đường mới. Phân cấp mạng lưới đường nói trên theo các loại đường: Đường đối ngoại (đường Huyện, đường Tỉnh, đường Quốc lộ), đường trong xã (bao gồm đường trục xã, đường liên thôn và đường thôn xóm) và đường chính nội đồng. Xác định mặt cắt các loại đường nói trên (Mặt đường, nền đường…). Đối với các đường đã có phải chỉ rõ chỗ nào cần mở rộng? Chỗ nào giữ nguyên? chỗ mở rộng ảnh hưởng đến bao nhiêu nhà, bao nhiêu hộ cần tái định cư. Xác định các bãi đỗ xe cho các thôn xóm (cần chỉ ra các vị trí, các bãi đỗ xe phù hợp với tình hình phát triển cụ thể của địa phương).
Đối với xã có tiềm năng về giao thông đường thủy (sông, kênh, rạch, ven biển): làm rõ việc tổ chức giao thông đường thủy như thế nào? tuyến nào cần cải tạo nâng cấp?, tuyến nào cần xây dựng mới? (số liệu về vị trí, quy mô yêu cầu về kỹ thuật…); quy hoạch các bến thuyền, cảng, các khu neo đậu tàu thuyền…(vị trí, diện tích, khả năng phục vụ…).
b.2. Về chuẩn bị kỹ thuật (San nền thoát nước mưa)
Đề xuất các giải pháp về chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng theo hướng tôn trọng địa hình tự nhiên, tránh san gạt đồi núi. Xác định cao độ khống chế cho từng điểm dân cư; xác định lưu vực, hướng và mạng thoát nước chính. Tùy điều kiện cụ thể của từng điểm dân cư mà lựa chọn giải pháp thoát nước mưa tự nhiên, thoát nước mưa chung với thoát nước thải hoặc thoát nước mưa và nước thải theo kiểu nửa chung nửa riêng. Đề xuất giải pháp đáp ứng các yêu cầu về phòng chống bão, lũ, lụt, nước biển dâng (nền, đê…).
Xác định hệ thống mương tưới tiêu chính phục vụ sản xuất (chiều dài, chiều rộng, kết cấu); quy hoạch các trạm bơm tưới, tiêu chính (vị trí, quy mô công suất, cải tạo hoặc xây dựng mới? di dời?...).
b.3. Về cấp nước
Đề xuất các giải pháp cấp nước trên cơ sở các hình loại cấp nước hiện có; đảm bảo đáp ứng nhu cầu dùng nước và chất lượng nước (sạch) cho sinh hoạt của người dân trong xã.
(Trong một xã có thể áp dụng nhiều loại hình cấp nước như cấp nước tập trung, cấp nước bằng giếng khoan đường kính nhỏ, nước mó,…)
Tùy theo điều kiện cụ thể trong từng xã để lựa chọn áp dụng các loại hình cấp nước nói trên. Cấp nước tập trung chỉ nên áp dụng tại các xã có điều kiện kinh tế phát triển, tại khu vực tập trung đông dân cư có quy mô từ 100 hộ trở lên hoặc tại các xã có nguồn nước hiện dùng cho sinh hoạt bị ô nhiễm, chất lượng kém, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Khi chọn giải pháp cấp nước tập trung cần xác định chỉ tiêu; dự báo nhu cầu dùng nước; lựa chọn nguồn cấp và công nghệ xử lý nước; quy hoạch mạng lưới đường ống cấp nước chính; biện pháp bảo vệ nguồn nước và công trình cấp nước.
b.4. Về cấp điện
Tại xã đã được cấp điện lưới: cần xác định chỉ tiêu; dự báo nhu cầu sử dụng điện; lựa chọn nguồn cấp điện. Xác định số lượng, quy mô các trạm biến áp; quy hoạch lưới điện từ trung áp trở lên, hành lang bảo vệ các tuyến điện. Xem xét cần nâng cấp hệ thống cột điện không? Nâng cấp bằng loại cột gì? giải pháp kết hợp Nhà nước và nhân dân cùng làm trong đầu tư; đã bàn giao việc quản lý hệ thống cấp điện nông thôn cho ngành điện chưa? Bao giờ thực hiện?. Khuyến khích nhân dân sử dụng các nguồn điện khác như biogas, năng lượng mặt trời và thủy điện mini.
Tại các xã chưa có điều kiện cấp điện lưới, trong giai đoạn trước mắt xác định nguồn cấp điện phù hợp với điều kiện tiềm năng và kinh tế như thủy điện nhỏ, biogas, năng lượng mặt trời.
b.5. Về thoát nước thải và VSMT
Xác định giải pháp thoát nước thải phải phù hợp với thực tế môi trường điểm dân cư và điều kiện kinh tế của xã. Đối với khu vực mật độ dân cư thấp và diện tích các khuôn viên ở ≥ 1000m2/1 hộ gia đình nên áp dụng giải pháp thoát nước thải tự thấm (với điều kiện địa chất cho phép). Đối với khu vực dân cư khác cần xây dựng hệ thống thoát nước thải chung với thoát nước mưa hoặc theo kiểu nửa chung nửa riêng. Chọn hệ thống thoát nước thải phải đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường và đầu tư ít nhất. Khi quy hoạch mạng lưới thoát nước thải. Đối với khu vực bị ngập lũ thường xuyên cần xác định rõ giải pháp thoát nước và công nghệ xử lý nước thải nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong mùa lũ; biện pháp làm sạch môi trường sau khi lũ.
Lựa chọn giải pháp xử lý chất thải rắn cho phù hợp với thực tế của địa phương. Đối với khu vực mật độ dân cư thấp nên chọn giải pháp tự xử lý tại gia đình thông qua các hình thức như tổ hợp vườn, ao, chuồng; thùng rác, hầm chứa rác, hố chứa rác tự phân hủy; hố ủ phân trát bùn tại các hộ gia đình để xử lý chất thải rắn từ sinh hoạt, trồng trọt, chăn nuôi.
Đối với khu vực khác hình thành hệ thống thu gom chất thải rắn bao gồm các điểm thu gom và trạm trung chuyển. Việc xác định hệ thống thu gom dựa vào chất lượng chất thải rắn (nêu rõ vị trí, diện tích yêu cầu, các quy định về khoảng cách ly…).
b.6. Về nghĩa trang
Đề xuất tiêu chuẩn ho các loại hình nghĩa trang (cát táng, hung táng, cải táng), các giải pháp qui tập và cải tạo nghĩa trang hiện trạng (trồng cây xanh, tạo hào nước xung quanh, xây dựng đường đi…), hạn chế tình trạng nghĩa trang phân bố lẻ tẻ, phân tán trên địa bàn xã. Hình thành khu vực nghĩa trang cho phát triển lâu dài, tạo điều kiện chôn cất văn minh, hợp vệ sinh, tiết kiệm đất đai (nêu rõ tên nghĩa trang, diện tích, thái độ và biện pháp ứng xử: đóng cửa, không mở rộng, mở rộng đến đâu, cái gì cần xây dựng?...).
Đối với nghĩa trang trong khu vực đồng bào dân tộc sinh sống cần bố trí phù hợp với phong tục tập quán và đảm bảo vệ sinh môi trường bản làng.
5. Quy hoạch điểm dân cư nông thôn hoặc trung tâm xã (QH chi tiết)
a) Quy hoạch không gian kiến trúc trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn
- Bố trí tổng mặt bằng không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan của điểm dân cư nông thôn hoặc khu trung tâm xã (Bao gồm cả việc xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật như diện tích, mật độ xây dựng, tầng cao… cho từng lô đất công trình công cộng và khu ở thôn xóm cải tạo và xây mới; các giải pháp ứng xử với cái hiện hữu, cái xây mới và kiểm soát quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan như thế nào?).
- Lập bảng cân bằng đất đai (Nêu toàn bộ diện tích đất các khu chức năng trong khu vực được lập quy hoạch).
b) Quy hoạch mạng lưới hạ tầng kỹ thuật trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn
b.1 Về giao thông
Tổ chức mạng lưới đường, phân loại đường theo chức năng, xác định mặt cắt và các thông số kỹ thuật. Thiết kế chỗ đỗe xe, chỗ quay đầu xe. Tính toán các chỉ tiêu KTKT của mạng lưới và các tuyến. Dự kiến phân đợt xây dựng và tính toán kinh phí đầu tư;
b.2 Về chuẩn bị kỹ thuật
Xác định cao độ xây dựng, tính toán khối lượng đào đắp. Các giải pháp chuẩn bị kỹ thuật như taluy, tường chắn, ổn định công trình, phòng chống ngập úng cục bộ. Thiết kế mạng lưới thoát nước mưa. Dự kiến phân đợt xây dựng và tính toán kinh phí đầu tư;
b.3 Về cấp nước
Xác định chỉ tiêu và nhu cầu cấp nước, quy mô các công trình cấp nước, các giải pháp cấp nước, thiết kế mạng lưới cấp nước, thiết kế mạng lưới cấp nước (chỉ cho cấp nước tập trung). Dự kiến phân đợt xây dựng và tính toán kinh phí đầu tư (chỉ cho cấp nước tập trung);
b.4 Về cấp điện
Xác định chỉ tiêu và nhu cầu sử dụng điện, thiết kế mạng lưới cấp điện. (Nguồn, lưới điện từ 0.4 KV trở lên và chiếu sáng đường). Dự kiến phân đợt xây dựng và tính toán kinh phí đầu tư;
b.5 Về thoát nước thải và VSMT
Xác định các chỉ tiêu, khối lượng nước thải và chất thải rắn. Thiết kế mạng lưới thoát và xử lý nước thải. Tổ chức thu gom và xử lý chất thải rắn, qui mô nghĩa trang. Dự kiến phân đợt xây dựng và tính toán kinh phí đầu tư.
(Nông thôn sau quy hoạch để phát triển phải vẫn là nông thôn về cảnh quan, nhà cửa, tập quán…)
6. Kinh tế và các dự án ưu tiên đầu tư
- Tổng hợp kinh phí đầu tư trên cơ sở các khái toán từ các nghiên cứu trên. Phân kỳ đầu tư theo các thứ tự ưu tiên (ưu tiên 1, ưu tiên 2,…)
- Nguồn kinh phí đầu tư cho các giai đoạn (Ngân sách, đổi đất, xã hội hóa, công lao động, các nguồn tài trợ từ các tổ chức…).
- Xác định danh mục các dự án, chương trình ưu tiên đầu tư cho các gia đoạn (giao thông, xây dựng…).
- Đề xuất các biện pháp tổ chức thực hiện khác.
(Nghiên cứu thêm các mô hình khai thác nguồn lực của địa phương, tận dụng thế mạnh sẵn có và khai thác hiệu quả các nguồn vốn ngoài ngân sách).
a) Kết luận
- Đánh giá về tổng quan mặt được và chưa được (của quy hoạch Xã hiện nay).
- Nêu các vướng mắc chính chưa thể giải quyết trong khuôn khổ của đồ án.
- Đề xuất giải pháp để thực hiện vướng mắc chính đó.
b) Kiến nghị
- Cơ chế, chính sách (để tháo gỡ khó khăn)
- Đào tạo cán bộ chuyên trách trong lĩnh vực QHXD nông thôn mới.
- Nguồn vốn (lấy ở đâu để làm theo quy hoạch này).
- Phụ lục 1: Các văn bản liên quan đến đồ án
- Phụ lục 2: Các số liệu hiện trạng (thông số, số liệu hiện trạng mạng tính thống kê)
- Phụ lục 3: Các biểu tính toán, các phương pháp tính toán.
- Phụ lục 4: Tài liệu tham khảo (các chỉ tiêu KTKT, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy chuẩn áp dụng, các nguồn tham khảo khác).
9. Bản vẽ thu nhỏ (Các bản vẽ A3 thu nhỏ)
B. Phần bản vẽ Đồ án Quy hoạch xây dựng nông thôn mới:
Danh mục, quy cách các sơ đồ, bản vẽ chính căn cứ theo quy định tại Nghị định 08/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Xây dựng ban hành và Nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt. Căn cứ vào nội dung nghiên cứu để thể hiện các bản vẽ đơn giản, mạch lạc hơn.
Các bản vẽ màu được đánh số và có cùng quy cách về màu sắc, tỷ lệ giữa phần hiện trạng và phần đề xuất để tiện theo dõi, so sánh, đối chiếu.
Danh mục hồ sơ bản vẽ của Đồ án QHXD nông thôn mới
STT | Tên bản vẽ | Ký hiệu | Tỷ lệ |
I | Phần Quy hoạch mạng lưới điểm dân cư |
|
|
1 | Sơ đồ hiện trạng tổng hợp, đánh giá đất xây dựng (kết hợp với bản đồ vị trí xã và mối liên hệ vùng) (Bản vẽ thứ 1) | KT-01 | 1/5000-1/10000 |
2 | Sơ đồ định hướng phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn. (Bản vẽ thứ 2) | KT-02 | 1/5000-1/10000 |
3 | Sơ đồ định hướng phát triển hệ thống HTKT. (Bản vẽ thứ 3) | KTh-03 | 1/5000-1/10000 |
II | Phần Quy hoạch trung tâm xã (hoặc điểm dân cư) |
|
|
4 | Bản đồ hiện trạng tổng hợp xây dựng, sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật trung tâm xã (hoặc điểm dân cư). (Bản vẽ thứ 4) | KT-04 | 1/2000-1/500 |
5 | Bản đồ quy hoạch tổng thể không gian kiến trúc trung tâm xã (hoặc điểm dân cư). (Bản vẽ thứ 5) | KT-05 | 1/2000-1/500 |
6 | Bản đồ quy hoạch hệ thống HTKT trung tâm xã (hoặc điểm dân cư). (Bản vẽ thứ 6) | KT-06 | 1/2000-1/500 |
7 | Bản vẽ hướng dẫn mẫu nhà và công trình (Bản vẽ thứ 7) | KT-07 | Tỷ lệ thích hợp |
Ghi chú:
Đối với hồ sơ QH mạng lưới điểm dân cư: Tập trung nghiên cứu thể hiện trên tỷ lệ 1/5000. Đối với các xã có qui mô quá lớn thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/10.000 hoặc lớn hơn.
Đối với hồ sơ QH chi tiết khu trung tâm hoặc điểm dân cư: Tập trung nghiên cứu thể hiện trên tỷ lệ 1/500. Đối với các khu có qui mô quá lớn thể hiện trên bản đồ tỷ lệ 1/2.000.
Trường hợp địa phương thiếu bản đồ địa hình và các thông số kỹ thuật đi kèm, nhóm nghiên cứu được sử dụng hệ thống bản đồ giải thửa kết hợp bổ sung các thông số kỹ thuật từ bản đồ địa hình tỷ lệ lớn hơn.
I. Quy hoạch mạng lưới điểm dân cư nông thôn: (3 bản vẽ)
1. Sơ đồ hiện trạng tổng hợp, đánh giá đất xây dựng: (Tỷ lệ 1/5.000-1/10.000)
Trên bản đồ nền địa hình kết hợp với bản đồ địa chính thể hiện các nội dung sau:
- Ranh giới hành chính xã;
- Các loại đất: Đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; Đất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phục vụ sản xuất (trạm, trại, kho tàng…); đất các khu trung tâm, các điểm dân cư và các loại đất khác (quốc phòng, du lịch, chưa sử dụng, sông, suối…);
- Dân số, số hộ, diện tích của từng điểm dân cư;
- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật:
+ Các tuyến đường quốc gia, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn. Thể hiện rõ loại mặt cắt các đường;
+Hệ thống và các công trình thủy lợi: thể hiện rõ cấp, loại, mặt cắt và các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu; thể hiện lưu vực thoát nước chính;
+ Đối với cấp nước tập trung cần thể hiện nguồn, công trình cấp nước và hệ thống đường ống chính, nhánh đến từng điểm dân cư. Đối với cấp nước phân tán cần thể hiện loại hình cấp nước theo khu vực;
+ Ao, hồ, mạng lưới kênh, đường ống thoát nước cho từng điểm dân cư; khu vực nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải rắn;
+ Nguồn điện, trạm hạ thế, mạng lưới cấp điện từ trung áp trở lên. Thể hiện rõ công suất trạm, điện áp, loại dây.
- Khả năng quỹ đất xây dựng và hướng mở rộng cho từng điểm dân cư, khu trung tâm xã.
- Môi trường:
+ Các nguồn gây ô nhiễm trong khu vực và các khu vực ô nhiễm và suy thoái môi trường.
+ Các hệ sinh thái nhạy cảm (rừng, cây xanh, mặt nước…)
2. Sơ đồ định hướng phát triển mạng lưới điểm dân cư nông thôn (Tỷ lệ 1/5.000-1/10.000)
Nội dung trong bản vẽ cần thể hiện
Trên bản đồ nền địa hình kết hợp với bản đồ địa chính thể hiện các nội dung sau:
- Đất xây dựng hiện có, xây dựng mở rộng cho từng điểm dân cư, khu trung tâm xã và đất dự trữ phát triển;
- Đặc điểm sử dụng đất theo chức năng: Sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đất ở, dịch vụ (cơ quan, giáo dục, y tế, thương mại…); đất các công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối;
- Các điểm dân cư phát triển, hạn chế phát triển và không phát triển;
- Dân số, số hộ, diện tích của từng điểm dân cư;
- Hệ thống công trình phục vụ sản xuất và dịch vụ xã;
3. Sơ đồ định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật: (Tỷ lệ 1/5.000-1/10.000)
Nội dung trong bản vẽ cần thể hiện
Trên bản đồ nền địa hình kết hợp với bản đồ địa chính thể hiện các nội dung sau:
- Hướng và lưu vực thoát nước chính; xác định cao độ xây dựng cho các điểm dân cư;
- Mạng lưới đường trên địa bàn tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn); loại và mặt cắt các đường; các công trình phục vụ giao thông;
- Đối với cấp nước tập trung: Nguồn cấp nước; vị trí các công trình thu, dẫn nước, các công trình xử lý, công trình điều hòa; mạng lưới đường ống dẫn nước và các công trình cấp nước; lập sơ đồ tính thủy lực mạng lưới đường ống; xác định vành đai bảo vệ nguồn nước và các công trình cấp nước;
- Đối với cấp nước phân tán: Nguồn cấp nước; các công trình xử lý và cấp nước.
- Nguồn cấp điện; Vị trí, công suất, điện áp các trạm hạ thế; lưới phân phối trung, hạ áp; hành lang bảo vệ các tuyến điện áp đi qua;
- Hệ thống thoát và xử lý nước thải; vị trí và quy mô khu xử lý chất thải rắn, nghĩa trang;
II. Quy hoạch trung tâm xã (hoặc điểm dân cư): (4 bản vẽ)
1. Bản đồ hiện trạng tổng hợp xây dựng, sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật: (Tỷ lệ 1/500-1/2.000)
Nội dung trong bản vẽ cần thể hiện
Trên bản đồ nền địa hình kết hợp với bản đồ giải thửa thể hiện các nội dung sau:
- Ranh giới khu vực nghiên cứu;
- Các loại đất trong phạm vi nghiên cứu;
- Dân số, số hộ, diện tích các lô đất trong phạm vi nghiên cứu;
- Hệ thống công trình công cộng và phục vụ sản xuất và dịch vụ trong phạm vi nghiên cứu (Diện tích, mật độ xây dựng, tầng cao);
- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi nghiên cứu;
2. Bản đồ quy hoạch tổng thể không gian kiến trúc: (Tỷ lệ 1/500-1/2.000)
Nội dung trong bản vẽ cần thể hiện
Trên bản đồ nền địa hình kết hợp với bản đồ giải thửa thể hiện các nội dung sau:
- Các công trình kiến trúc như nhà ở, công trình công cộng… và cây xanh;
- Ranh giới từng lô đất theo tính chất, chức năng sử dụng; phân biệt rõ khu hiện có, cải tạo và xây dựng mới;
- Các yêu cầu về sử dụng đất: Diện tích đất, mật độ xây dựng, tầng cao, chỉ giới xây dựng; mật độ xây dựng, tầng cao, chỉ giới xây dựng và tỷ lệ cây xanh cho từng lô đất;
3. Bản đồ quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật: (Tỷ lệ 1/500-1/2.000)
Nội dung trong bản vẽ cần thể hiện
Trên bản đồ nền địa hình kết hợp với bản đồ giải thửa thể hiện các nội dung sau:
- Mặt bằng các loại đường đến từng lô đất xây dựng và xác định đầy đủ thông số kỹ thuật;
- Xác định các khu vực đào và đắp, cao độ xây dựng, độ dốc trên đường và nền xây dựng, hướng thoát nước, mương, đường ống thoát nước, đê, kè, hồ dự kiến.
- Đối với cấp nước phân tán: Nguồn cấp nước, các công trình xử lý và chứa nước;
- Đối với cấp nước tập trung: Nguồn và các công trình cấp nước, mạng lưới đường ống cấp nước đến từng lô đất;
- Mạng lưới đường ống, trạm bơm, trạm xử lý nước thải, hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn;
- Nguồn điện: Mạng lưới cấp điện từ 0.4 KV trở lên và chiếu sáng đường; vị trí các công trình như trạm biến thế, khoảng cách cột điện…
4. Bản vẽ hướng dẫn về mẫu nhà công trình: (Tỷ lệ thích hợp)
Nội dung trong bản vẽ cần thể hiện
Tổ chức lô đất ở, mẫu công trình công cộng, mẫu nhà ở mới và cải tạo (mặt đứng, mặt bằng xây dựng, các giải pháp nền, kết cấu…) trên cơ sở đáp ứng hình thức kiến trúc truyền thống của từng địa phương, phải phù hợp điều kiện kinh tế, thói quen sinh hoạt của dân cư từng vùng, đáp ứng tổ chức không gian sống, sản xuất hợp lý, đảm bảo vệ sinh, khuyến khích áp dụng công nghệ kỹ thuật mới.
- 1Luật xây dựng 2003
- 2Nghị định 08/2005/NĐ-CP về quy hoạch xây dựng
- 3Quyết định 15/2008/QĐ-BXD về định mức chi phí quy hoạch xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 4Thông tư 21/2009/TT-BXD về việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn do Bộ Xây dựng ban hành
- 5Thông tư 32/2009/TT-BXD ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng nông thôn do Bộ Xây dựng ban hành
- 6Quyết định 22/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 23/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 176/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Quyết định 193/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Thông tư 07/2010/TT-BNNPTNT hướng dẫn quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cấp xã theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 11Quyết định 2966/QĐ-UBND năm 2009 ban hành Hướng dẫn đánh giá, chấm điểm các tiêu chí xã nông thôn mới do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành
Hướng dẫn 527/SXD-KTQH về trình tự lập, thẩm định quy hoạch xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long do Sở Xây dựng tỉnh Vĩnh Long ban hành
- Số hiệu: 527/SXD-KTQH
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 30/06/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Long
- Người ký: Nguyễn Thế Truyền
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra