ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4038/UBND-NC | Hà Giang, ngày 01 tháng 12 năm 2014 |
HƯỚNG DẪN
ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008; Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 24/2010/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;
Căn cứ công văn số 4393/BNV-CCVC ngày 17/10/2014 của Bộ Nội vụ về việc đánh giá phân loại công chức năm 2014;
Từ những căn cứ nêu trên và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn về công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh như sau:
I. NHỮNG YÊU CẦU CHUNG
1. Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức định kỳ hàng năm phải được thực hiện đồng bộ, thống nhất; bảo đảm đúng nội dung, trình tự, thủ tục và thẩm quyền quy định.
2. Đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức phải làm rõ được ưu điểm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế về phẩm chất, năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó giúp cán bộ, công chức, viên chức thấy rõ ưu điểm, tích cực và kịp thời khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, tồn tại, hạn chế để cầu thị tiến bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ, công vụ được giao.
3. Đảm bảo thật sự công tâm, khách quan, công bằng, chính xác. Không hình thức, thiên vị, nể nang, bệnh thành tích hoặc né tránh vai trò trách nhiệm cũng như khuyết điểm của cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu.
4. Không lạm dụng việc đánh giá, phân loại để trù dập cán bộ, công chức, viên chức hoặc nâng cao quan điểm cũng như gây mất đoàn kết nội bộ.
5. Đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo đảm nhiệm nhiều chức danh công tác thì đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu ở chức danh đảm nhiệm chính và cao nhất. Đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục, kết quả đánh giá xếp loại là kết quả đánh giá năm học trước liền kề năm đánh giá.
II. ĐÁNH GIÁ, PHÂN LOẠI ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
1. Về nội dung đánh giá: Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Cán bộ, công chức như sau:
1.1. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
1.2. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;
1.3. Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
1.4. Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;
1.5. Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;
1.6. Thái độ phục vụ nhân dân.
Đối với cán bộ, công chức lãnh đạo quản lý, ngoài các nội dung nêu trên phải đánh giá thêm các nội dung sau đây (khoản 2 Điều 56 Luật Cán bộ, công chức):
1.7. Kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý;
1.8. Năng lực lãnh đạo, quản lý;
1.9. Năng lực tập hợp, đoàn kết cán bộ, công chức.
2. Về thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá
2.1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức đánh giá cấp phó của người đứng đầu và cán bộ, công chức thuộc quyền, đồng thời chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.
2.2. Thẩm quyền đánh giá người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên quản lý trực tiếp thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.
3. Về phân loại đánh giá: Thực hiện theo quy định tại Điều 58 của Luật Cán bộ, công chức. Căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ, công chức được phân loại như sau:
3.1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
3.2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ;
3.3. Hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực;
3.4. Không hoàn thành nhiệm vụ.
4. Về Trình tự thủ tục đánh giá
Theo quy định tại Điều 45 Nghị định số 24/2010/NĐ-CP , trình tự thủ tục đánh giá cán bộ, công chức hàng năm được thực hiện như sau:
4.1. Đối với cán bộ, công chức là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị:
a) Cán bộ, công chức viết báo cáo kiểm điểm tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao và tự nhận xét ưu, nhược điểm trong công tác. Báo cáo này được trình bày trước cuộc họp kiểm điểm công tác hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
b) Thành phần dự họp tham gia góp ý kiến về nhận xét, đánh giá và xếp loại gồm tập thể cán bộ, công chức (trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị không có đơn vị cấu thành); trường hợp cơ quan sử dụng công chức có các đơn vị cấu thành, thì thành phần dự họp tham gia góp ý kiến về nhận xét, đánh giá và xếp loại gồm cấp phó của người đứng đầu, cấp trưởng các đơn vị cấu thành và đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên. Ý kiến góp ý được ghi vào biên bản và công bố công khai tại cuộc họp. (Lưu ý: không thực hiện việc lấy phiếu của tập thể cán bộ, công chức trong đơn vị về việc phân loại đánh giá đối với người đứng đầu khi họp kiểm điểm công tác hàng năm);
c) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá, quyết định xếp loại cán bộ, công chức và thông báo đến cán bộ, công chức sau khi tham khảo ý kiến cấp phó phụ trách và biên bản góp ý của tập thể nơi công chức lãnh đạo, quản lý làm việc. Riêng Hạt trưởng các Hạt kiểm lâm, Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Chi cục trưởng chi cục Kiểm lâm tổ chức thực hiện đánh giá và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá.
4.2. Đối với cấp phó của người đứng đầu và cán bộ, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (sau đây gọi chung là cán bộ, công chức):
a) Cán bộ, công chức viết báo cáo kiểm điểm tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao. Báo cáo kiểm điểm được trình bày tại cuộc họp kiểm điểm công tác hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
b) Người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ, công chức nhận xét về kết quả tự đánh giá của công chức, đánh giá những ưu điểm, nhược điểm của công chức trong công tác; sau đó tập thể công chức cơ quan tham gia đóng góp ý kiến nhận xét cũng như về phân loại cho công chức tại cuộc họp kiểm điểm. Ý kiến đóng góp được ghi vào biên bản và thông qua tại cuộc họp (Lưu ý: không thực hiện việc lấy phiếu của tập thể cán bộ, công chức trong đơn vị về việc phân loại đánh giá đối với từng cán bộ, công chức khi họp kiểm điểm công tác hàng năm);
c) Người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ, công chức kết luận và phân loại công chức tại cuộc họp kiểm điểm công tác hàng năm.
III. ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
1. Về nội dung đánh giá
Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật viên chức, việc đánh giá viên chức được thực hiện theo các nội dung sau:
1.1. Kết quả thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng lao động đã ký kết;
1.2. Việc thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp;
1.3. Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân, tinh thần hợp tác với đồng nghiệp và thực hiện các quy tắc ứng xử của viên chức;
1.4. Việc thực hiện nghĩa vụ khác của viên chức.
Đối với viên chức quản lý, ngoài các nội dung nêu trên, phải đánh giá thêm các nội dung sau đây (Khoản 2 Điều 41 Luật Viên chức):
1.5. Năng lực lãnh đạo quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ;
1.6. Kết quả hoạt động của đơn vị được giao quản lý phụ trách.
2. Thẩm quyền và trách nhiệm đánh giá
Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm tổ chức việc đánh giá viên chức thuộc quyền quản lý.
3. Về phân loại đánh giá
Theo quy định tại Điều 42 Luật Viên chức, căn cứ vào nội dung đánh giá, viên chức được phân loại theo các mức:
3.1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;
3.2. Hoàn thành tốt nhiệm vụ;
3.3.Hoàn thành nhiệm vụ;
3.4. Không hoàn thành nhiệm vụ.
4. Về trình tự, thủ tục đánh giá
Theo quy định tại Điều 37 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP , trình tự, thủ tục đánh giá viên chức hàng năm được thực hiện như sau:
4.1. Đối với viên chức quản lý:
a) Viên chức viết báo cáo kiểm điểm tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao và tự nhận xét ưu, nhược điểm trong công tác. Báo cáo này được trình bày trước cuộc họp kiểm điểm công tác hàng năm của đơn vị.
b) Tập thể nơi viên chức quản lý làm việc tham gia góp ý kiến. Trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng viên chức có các đơn vị cấu thành, thì thành phần dự họp tham gia góp ý gồm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập; cấp trưởng các đơn vị cấu thành và đại diện cấp ủy đảng, công đoàn, đoàn thanh niên. Ý kiến góp ý được ghi vào biên bản và công bố công khai tại cuộc họp (Lưu ý: không thực hiện việc lấy phiếu của tập thể viên chức trong đơn vị về việc phân loại đánh giá đối với viên chức quản lý khi họp kiểm điểm công tác hàng năm);
c) Người có thẩm quyền bổ nhiệm có trách nhiệm đánh giá quyết định xếp loại và thông báo đến viên chức quản lý sau khi tham khảo biên bản góp ý của tập thể nơi viên chức quản lý làm việc.
4.2. Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý:
a) Viên chức viết báo cáo kiểm điểm tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao và tự nhận xét ưu, nhược điểm trong công tác. Báo cáo này được trình bày trước cuộc họp kiểm điểm công tác hàng năm của đơn vị.
b) Tập thể đơn vị sử dụng viên chức tổ chức họp và đóng góp ý kiến. Ý kiến góp ý được ghi vào biên bản và công bố công khai tại cuộc họp (Lưu ý: không thực hiện việc lấy phiếu của tập thể viên chức trong đơn vị về việc phân loại đánh giá đối với từng viên chức khi họp kiểm điểm công tác hàng năm);
c) Người được giao thẩm quyền đánh giá nhận xét về kết quả tự đánh giá của viên chức; đánh giá ưu, nhược điểm của viên chức trong công tác và quyết định phân loại viên chức.
IV. ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC LÃNH ĐẠO CHỦ CHỐT TRONG CÁC DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
1. Về nội dung đánh giá: Viên chức lãnh đạo quản lý doanh nghiệp viết báo cáo kiểm điểm tự đánh giá kết quả công tác theo nhiệm vụ được giao và tự nhận xét ưu, nhược điểm trong công tác theo các nội dung sau:
1.1. Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước;
1.2. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;
1.3. Năng lực, trình độ quản lý doanh nghiệp; Kết quả, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đối với người quản lý doanh nghiệp;
1.4. Kết quả, hiệu quả điều hành của doanh nghiệp đối với người đại diện;
1.5. Kết quả giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ quan có thẩm quyền đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Báo cáo này được trình bày trước cuộc họp kiểm điểm công tác hàng năm của đơn vị. Thành phần gồm: lãnh đạo quản lý Doanh nghiệp; trưởng các phòng, bộ phận cấu thành và đại diện các tổ chức đoàn thể; mời đại diện Ban chỉ đạo đổi mới và PTDN tỉnh, lãnh đạo Sở Tài chính dự họp.
Tại Hội nghị, các thành phần dự họp tham gia góp ý. Ý kiến góp ý được lập thành biên bản và thông qua tại cuộc họp. Người đứng đầu doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ gồm:
- Bản tự đánh giá của từng cá nhân;
- Biên bản họp tham gia góp ý;
- Danh sách trích ngang kết đánh giá xếp loại viên chức (theo biểu số 03 đính kèm) gửi về Sở Nội vụ tổng hợp.
2. Thẩm quyền đánh giá
Chủ tịch UBND tỉnh xem xét đánh giá và quyết định xếp loại viên chức hàng năm và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá đối với: Chủ tịch, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng và Kiểm soát viên công ty, sau khi tham khảo ý kiến của Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tỉnh.
3. Về phân loại đánh giá: Theo điểm 3 Mục II Hướng dẫn này.
V. ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC CẤP XÃ
Cán bộ, công chức cấp xã theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức.
1. Nội dung đánh giá
1.1. Đối với cán bộ cấp xã:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Cán bộ, công chức như sau:
a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;
c) Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
d) Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;
đ) Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;
e) Thái độ phục vụ nhân dân.
g) Kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý;
h) Năng lực lãnh đạo, quản lý;
i) Năng lực tập hợp, đoàn kết công chức.
1.2. Đối với công chức xã thực hiện đánh giá trên 6 nội dung sau:
a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;
c) Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
d) Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;
đ) Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;
e) Thái độ phục vụ nhân dân.
2. Thẩm quyền đánh giá
2.1. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã (HĐND, UBND) xem xét, đánh giá và quyết định xếp loại cán bộ, công chức hàng năm đối với cấp phó của cấp ủy, chính quyền, công chức cấp xã và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá. Đối với chức danh công chức Chỉ huy trưởng quân sự và Trưởng Công an cấp xã trước khi đánh giá phải có ý kiến thống nhất của Chỉ huy trưởng BCH Quân sự và Trưởng Công an huyện, thành phố).
2.2. Đối với các chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ và Trưởng các đoàn thể cấp xã do Bí thư Đảng ủy cấp xã nhận xét, đánh giá và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá (sau khi thống nhất ý kiến với Chủ tịch Ủy ban MTTQ và Trưởng các đoàn thể cấp huyện).
3. Về phân loại đánh giá: Thực hiện theo điểm 3 Mục II Hướng dẫn này.
VI. CÁC MỨC VỀ PHÂN LOẠI ĐÁNH GIÁ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
1. Phân loại cán bộ
1.1. Mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Cán bộ đáp ứng được tất cả các tiêu chí dưới đây thì được đánh giá, phân loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lối sống trong sạch, lành mạnh, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và là tấm gương cho đồng nghiệp noi theo;
c) Tận tâm, tận tụy, trách nhiệm cao với công việc;
d) Chủ động, sáng tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ;
đ) Nghiêm túc và khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tổ chức phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với cơ quan, tổ chức liên quan;
e) Có thái độ đúng mực và xử sự văn hóa trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ; không vi phạm dân chủ cơ quan;
g) Cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trong đó có cơ quan, tổ chức, địa phương hoàn thành vượt chỉ tiêu nhiệm vụ; không để xảy ra các vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý;
h) Có 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ (nếu có các đơn vị cấu thành);
i) Có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành;
k) Lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị đạt được kết quả cao, rõ ràng về cải cách hành chính, cải cách công vụ, công chức.
1.2. Mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ: Cán bộ đáp ứng được tất cả các tiêu chí dưới đây thì được đánh giá, phân loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ:
a) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lối sống trong sạch, lành mạnh, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị;
c) Tận tâm, tận tụy, trách nhiệm với công việc;
d) Nghiêm túc và kịp thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, có quan hệ phối hợp tốt với các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác;
đ) Có thái độ đúng mực và xử sự văn hóa trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ; không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà;
e) Cơ quan, đơn vị, địa phương hoặc lĩnh vực được phân công phụ trách hoàn thành được các nhiệm vụ được giao; không để xảy ra các vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý;
g) Có các cơ quan, đơn vị trực thuộc hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 70% đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ (trường hợp có đơn vị trực thuộc).
1.3. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: Cán bộ đạt đủ các tiêu chí dưới đây thì được đánh giá, phân loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực:
a) Chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, chấp hành kỷ luật lao động, quy chế văn hóa công sở và quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị;
c) Có thái độ đúng mực trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ; không cửa quyền, hách dịch và gây khó khăn, phiền hà;
d) Hoàn thành từ 70% đến dưới 100% nhiệm vụ được giao; không để xảy ra vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý.
đ) Việc lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ;
e) Các đơn vị, tổ chức được giao phụ trách, quản lý vẫn có tình trạng vi phạm kỷ luật nhưng chưa đến mức phải xử lý kỷ luật.
1.4. Mức độ không hoàn thành nhiệm vụ: Cán bộ có một trong các tiêu chí sau đây thì đánh giá, phân loại ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ:
a) Việc lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ hạn chế, không đạt hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu công việc hoặc để xảy ra các vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật;
b) Có sai phạm phải xem xét, xử lý kỷ luật, kể cả trường hợp không bị áp dụng hình thức kỷ luật nhưng vẫn bị hội đồng kỷ luật đề nghị nghiêm khắc phê bình.
c) Để xảy ra hiện tượng gây mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị.
d) Có trên 30% đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý không hoàn thành nhiệm vụ (trường hợp có đơn vị trực thuộc).
2. Phân loại công chức
2.1. Mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Công chức đáp ứng được tất cả các tiêu chí dưới đây thì được đánh giá, phân loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lối sống trong sạch, lành mạnh, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và là tấm gương cho đồng nghiệp noi theo;
c) Nghiêm túc và khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tổ chức phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với cơ quan, tổ chức liên quan;
d) Có ý thức tận tụy, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
đ) Có thái độ đúng mực và xử sự văn hóa; không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà;
e) Hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ hoàn thành vượt tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả; không để xảy ra vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý.
Đối với công chức lãnh đạo, quản lý: Ngoài các tiêu chí đã được đánh giá nêu trên, phải đạt thêm các tiêu chí sau:
g) Có năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tốt;
h) Có ý thức chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ;
i) Có 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (trường hợp có đơn vị trực thuộc).
2.2. Mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ: Công chức đáp ứng được tất cả các tiêu chí dưới đây thì được đánh giá, phân loại ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ:
a) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lối sống trong sạch, lành mạnh, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và là tấm gương cho đồng nghiệp noi theo;
c) Nghiêm túc và kịp thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, có quan hệ phối hợp tốt với cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác;
d) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt;
đ) Có ý thức chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện nhiệm vụ;
e) Có thái độ đúng mực và xử sự văn hóa; không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà;
g) Hoàn thành 100% nhiệm vụ được giao; không để xảy ra vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý.
Đối với công chức lãnh đạo, quản lý: Ngoài các tiêu chí nêu trên, phải đạt thêm các tiêu chí sau:
h) Có năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ tốt;
i) Có thái độ đúng mực và xử sự văn hóa trong chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ; không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà;
k) Có các cơ quan, đơn vị trực thuộc hoàn thành nhiệm vụ, trong đó 70% cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (trường hợp có đơn vị trực thuộc);
2.3. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực: Công chức đạt đủ các tiêu chí dưới đây thì đánh giá, phân loại ở mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực:
a) Chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, chấp hành kỷ luật lao động, quy chế văn hóa công sở và quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị;
c) Có thái độ đúng mực và xử sự văn hóa; không cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà;
d) Hoàn thành từ 70% đến dưới 100% nhiệm vụ được giao; không để xảy ra vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý.
đ) Việc phối hợp với các đồng nghiệp trong công tác còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả, chưa phục vụ tốt cho công việc.
Đối với công chức lãnh đạo, quản lý: Ngoài các tiêu chí nêu trên, phải có thêm các tiêu chí sau:
e) Việc lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế, chưa đạt hiệu quả, chưa đáp ứng yêu cầu công việc;
g) Có 70% cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (trường hợp có đơn vị trực thuộc).
2.4. Mức độ không hoàn thành nhiệm vụ: Công chức có một trong các tiêu chí sau đây thì đánh giá, phân loại không hoàn thành nhiệm vụ:
a) Có sai phạm phải xem xét, xử lý kỷ luật;
b) Để xảy ra hiện tượng gây mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị;
c) Hoàn thành dưới 70% nhiệm vụ được giao;
d) Việc thực hiện nhiệm vụ được giao hạn chế, không đạt hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu công việc; để xảy ra các vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý.
Đối với công chức lãnh đạo, quản lý có thêm các tiêu chí sau:
đ) Việc lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ hạn chế, không đạt hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu công việc;
e) Có từ 30% trở lên đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý không hoàn thành nhiệm vụ (trường hợp có đơn vị trực thuộc).
3. Phân loại viên chức
3.1. Mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Viên chức đáp ứng được tất cả các tiêu chí dưới đây thì được đánh giá, phân loại ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
a) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lối sống trong sạch, lành mạnh, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và là tấm gương cho đồng nghiệp noi theo;
c) Nghiêm túc và khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, tổ chức phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với cơ quan, tổ chức liên quan;
d) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt;
đ) Có ý thức chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện công việc;
e) Có thái độ phục vụ nhân dân và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của viên chức;
g) Hoàn thành 100% công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký, trong đó có công việc hoặc nhiệm vụ hoàn thành vượt tiến độ, đạt hiệu quả; không để xảy ra vi phạm kỷ luật, vi phạm kỷ luật phải xử lý.
Đối với viên chức quản lý: Ngoài các tiêu chí nêu trên, phải đạt thêm các tiêu chí sau:
h) Có năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tốt công việc;
i) Có ý thức chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành, tổ chức thực hiện công việc;
k) Có 100% đơn vị trực thuộc hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
3.2. Mức độ hoàn thành tốt nhiệm vụ: Viên chức đáp ứng được tất cả các tiêu chí dưới đây thì được đánh giá, phân loại hoàn thành tốt nhiệm vụ:
a) Gương mẫu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có lối sống trong sạch, lành mạnh, duy trì kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và là tấm gương cho đồng nghiệp noi theo;
c) Nghiêm túc và kịp thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của cấp trên, có quan hệ phối hợp tốt với cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác;
d) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt;
đ) Có ý thức chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện công việc;
e) Có thái độ phục vụ nhân dân và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của viên chức;
g) Hoàn thành 100% công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký, trong đó có công việc hoặc nhiệm vụ hoàn thành vượt tiến độ, đạt hiệu quả; không để xảy ra vi phạm kỷ luật, vi phạm kỷ luật phải xử lý.
Đối với chức chức quản lý: Ngoài các tiêu chí nêu trên, phải đạt thêm các tiêu chí sau:
h) Có năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tốt công việc;
i) Có các đơn vị trực thuộc hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 70% đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên (trường hợp có đơn vị trực thuộc).
3.3. Mức độ hoàn thành nhiệm vụ: Viên chức đáp ứng được tất cả các tiêu chí dưới đây thì được đánh giá, phân loại hoàn thành nhiệm vụ:
a) Chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, chấp hành kỷ luật lao động, quy chế văn hóa công sở và quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị;
c) Có thái độ phục vụ nhân dân và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của viên chức;
d) Hoàn thành từ 70% trở lên công việc hoặc theo hợp đồng đã ký kết; không để xảy ra các vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý;
đ) Việc phối hợp với các đồng nghiệp trong công tác còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, chưa phục vụ tốt cho công việc;
Đối với chức chức quản lý: Ngoài các tiêu chí nêu trên, thêm các tiêu chí sau:
e) Việc lãnh đạo, điều hành thực hiện công việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công việc;
g) Có 70% đơn vị hoàn thành nhiệm vụ trở lên (trường hợp có đơn vị trực thuộc).
3.4. Mức độ không hoàn thành nhiệm vụ: Viên chức có một trong các tiêu chí đánh giá sau đây thì đánh giá, phân loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ:
a) Có sai phạm phải xem xét, xử lý kỷ luật, kể cả trường hợp không bị áp dụng hình thức kỷ luật nhưng vẫn bị hội đồng kỷ luật đề nghị nghiêm khắc phê bình;
b) Để xảy ra hiện tượng gây mất đoàn kết trong cơ quan, đơn vị;
c) Hoàn thành dưới 70% công việc hoặc nhiệm vụ theo hợp đồng đã ký kết;
d) Việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ hạn chế, không đạt hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu công việc;
Đối với chức chức quản lý: Ngoài các tiêu chí nêu trên, có thêm các tiêu chí sau:
đ) Việc lãnh đạo, điều hành thực hiện công việc hạn chế, không đạt hiệu quả, không đáp ứng yêu cầu công việc; còn để xảy ra các vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật phải xử lý;
e) Có trên 30% đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ (trường hợp có đơn vị trực thuộc).
VII. TỔNG HỢP BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ XẾP LOẠI
1. Sau khi thực hiện xếp loại cán bộ, công chức và người lao động hàng năm, người đứng đầu cơ quan thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức tổng hợp và có công văn báo cáo kết quả đánh giá xếp loại công chức (theo biểu số 01 kèm theo) và viên chức (kèm theo biểu số 02), viên chức lãnh đạo quản lý doanh nghiệp (theo biểu số 03) gửi về Sở Nội vụ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định.
2. Thống kê danh sách trích ngang cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ (theo biểu số 04) gửi Sở Nội vụ tổng hợp.
3. Các chức danh cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền đánh giá, phân loại của Chủ tịch UBND tỉnh có trách nhiệm xây dựng bản báo cáo kiểm điểm tự đánh giá, phân loại kèm theo Biên bản đã tổ chức họp tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình gửi Sở Nội vụ tổng hợp (trước ngày 20/01 hàng năm). Giao Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức phiên họp để đánh giá, phân loại theo quy định.
VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức đơn vị căn cứ vào hướng dẫn này và phân cấp quản lý cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo quy định và tổ chức quản lý, lưu trữ hồ sơ sau đánh giá, xếp loại.
2. Thời gian đánh giá, phân loại: Hoàn thành trong tháng 12 hàng năm.
3. Chế độ báo cáo: Các cơ quan, đơn vị gửi Báo cáo và Biểu tổng hợp chung theo mẫu số 01, 02, 03, 04, 05 về Sở Nội vụ tổng hợp trước ngày 20/01 hàng năm để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định (đồng gửi bản mềm theo địa chỉ tccc.snv@hagiang.gov.vn)
4. Các tổ chức Hội đặc thù trên địa bàn tỉnh căn cứ hướng dẫn này để áp dụng việc đánh giá đối với người lao động hàng năm.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, khó khăn đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố kịp thời báo cáo về UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ tổng hợp) xem xét cho ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
|
- 1Công văn 1745/SNV-VP về hướng dẫn đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2010 do Sở Nội vụ thành phố Hà Nội ban hành
- 2Chỉ thị 15/2005/CT-UBND về Tổng điều tra, khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- 3Quyết định 8415/QĐ-UBND năm 2014 Quy định tạm thời về đánh giá công chức theo mô hình đánh giá kết quả làm việc tại các cơ quan hành chính của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng
- 4Hướng dẫn 2078/HD-SYT năm 2013 về đánh giá và phân loại hàng năm đối với cán bộ, công, viên chức và người lao động do Sở Y tế tỉnh Bình Định ban hành
- 5Hướng dẫn 1304/HD-SNV năm 2013 về đánh giá và phân loại hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do Tỉnh Bình Định ban hành
- 6Hướng dẫn 1245/HD-SNV năm 2015 đánh giá, phân loại cán bộ, công, viên chức do Sở Nội vụ tỉnh Sơn La ban hành
- 7Quyết định 122/2017/QĐ-UBND về Quy định đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức do tỉnh Ninh Thuận ban hành
- 1Luật cán bộ, công chức 2008
- 2Nghị định 24/2010/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức
- 3Luật viên chức 2010
- 4Công văn 1745/SNV-VP về hướng dẫn đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức năm 2010 do Sở Nội vụ thành phố Hà Nội ban hành
- 5Nghị định 29/2012/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức
- 6Chỉ thị 15/2005/CT-UBND về Tổng điều tra, khảo sát, đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- 7Công văn 4393/BNV-CCVC đánh giá, phân loại công, viên chức năm 2014 do Bộ Nội vụ ban hành
- 8Quyết định 8415/QĐ-UBND năm 2014 Quy định tạm thời về đánh giá công chức theo mô hình đánh giá kết quả làm việc tại các cơ quan hành chính của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng
- 9Hướng dẫn 2078/HD-SYT năm 2013 về đánh giá và phân loại hàng năm đối với cán bộ, công, viên chức và người lao động do Sở Y tế tỉnh Bình Định ban hành
- 10Hướng dẫn 1304/HD-SNV năm 2013 về đánh giá và phân loại hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động do Tỉnh Bình Định ban hành
- 11Hướng dẫn 1245/HD-SNV năm 2015 đánh giá, phân loại cán bộ, công, viên chức do Sở Nội vụ tỉnh Sơn La ban hành
- 12Quyết định 122/2017/QĐ-UBND về Quy định đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức do tỉnh Ninh Thuận ban hành
Hướng dẫn 4038/UBND-NC năm 2014 về đánh giá, phân loại cán bộ, công, viên chức do tỉnh Hà Giang ban hành
- Số hiệu: 4038/UBND-NC
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 01/12/2014
- Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
- Người ký: Đàm Văn Bông
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/12/2014
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực