Hệ thống pháp luật

QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
VIỆT NAM
TỔNG CỤC CHÍNH TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 349/HD-CT

Hà Nội, ngày 08 tháng 03 năm 2017

 

HƯỚNG DẪN

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CỤ THỂ THI HÀNH QUY ĐỊNH SỐ 61-QĐ/TW, NGÀY 29/12/2016 CỦA BAN BÍ THƯ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XII) VỀ TỔ CHỨC CƠ QUAN CHÍNH TRỊ TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

- Căn cứ Điều lệ Đảng và Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy định số 61-QĐ/TW, ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư về tổ chức cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam,

Được sự ủy nhiệm của Ban Bí thư, sau khi thống nhất với các ban xây dựng Đảng của Trung ương, Tổng cục Chính trị hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Quy định số 61-QĐ/TW, ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư về tổ chức cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam như sau:

I. VỀ TỔ CHỨC CƠ QUAN CHÍNH TRỊ THUỘC BAN CƠ YẾU CHÍNH PHỦ

Khoản 1, Phần I, Quy định số 61-QĐ/TW, xác định: "Tổ chức cơ quan chính trị thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện theo quy định của pháp luật về cơ yếu". Cụ thể thực hiện như sau:

1. Ở Ban Cơ yếu Chính phủ có Cục Chính trị - Tổ chức.

2. Ở Học viện Kỹ thuật Mật mã, Cục Quản lý Kỹ thuật nghiệp vụ Mật mã, Cục Cơ yếu - Đảng chính quyền, Viện Khoa học - Công nghệ Mật mã, Công ty 129, M951, M2 và đơn vị tương đương có phòng chính trị - tổ chức.

3. Những nơi không biên chế cơ quan chính trị - tổ chức thì bố trí trợ lý chính trị - tổ chức theo quyết định của Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ.

II. VỀ THẨM QUYỀN BỔ NHIỆM CHÍNH TRỊ VIÊN PHÓ; CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ CỦA CHÍNH TRỊ VIÊN, CHÍNH TRỊ VIÊN PHÓ BAN CHỈ HUY QUÂN SỰ XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN (Sau đây gọi chung là cấp xã)

Khoản 2, Phần I, Quy định số 61-QĐ/TW, xác định: "Ở ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn, bí thư đảng ủy (chi bộ) trực tiếp làm chính trị viên, đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị đối với lực lượng dân quân và trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương mình. Bí thư đoàn xã, phường, thị trấn làm chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự", thực hiện như sau:

1. Về thẩm quyền bổ nhiệm chính trị viên phó

Khoản 4, Điều 29, Luật Dân quân tự vệ (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23/11/2009), xác định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ nhiệm cán bộ ban chỉ huy quân sự cấp xã theo đề nghị của chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp huyện”. Theo quy định trên, việc bổ nhiệm chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cấp xã do chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định.

2. Chức trách, nhiệm vụ của chính trị viên

Thực hiện theo quy định tại Điều 31, Điều lệ Công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 359-QĐ/ĐUQSTW, ngày 15/9/2009 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Thường vụ Quân ủy Trung ương) và Quyết định số 1723/QĐ-CT, ngày 01/12/2007 của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị về việc ban hành chức trách, nhiệm vụ của chính ủy, chính trị viên các cấp trong Quân đội, trong đó có chức trách, nhiệm vụ của chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã, cụ thể là:

- Chức trách

+ Chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã là người chủ trì về chính trị trong lực lượng dân quân và lực lượng dự bị động viên ở cấp xã; chịu sự chỉ đạo của chính trị viên và sự hướng dẫn, kiểm tra của ban chính trị ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh về công tác đảng, công tác chính trị; chịu trách nhiệm trước đảng ủy (chi bộ) cấp xã về toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương.

+ Trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương.

+ Cùng với chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự cấp xã đề xuất nội dung, biện pháp lãnh đạo công tác quân sự, quốc phòng địa phương để đảng ủy (chi bộ) cấp xã quyết định; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện các mặt công tác của lực lượng dân quân, dự bị động viên và cùng chịu trách nhiệm trước cấp trên, đảng ủy (chi bộ) cấp xã về toàn bộ hoạt động của lực lượng dân quân, lực lượng dự bị động viên và trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở địa phương, xây dựng lực lượng dân quân và dự bị động viên vững mạnh, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

- Nhiệm vụ

+ Nghiên cứu, đề xuất để đảng ủy (chi bộ) cấp xã quyết định nội dung, biện pháp lãnh đạo mọi hoạt động của lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở cấp xã đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên về công tác quân sự, quốc phòng. Xây dựng kế hoạch và trực tiếp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng ở cấp xã; đề xuất với chính trị viên ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nội dung, biện pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị.

+ Tiến hành công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, xây dựng cho lực lượng dân quân, dự bị động viên ở cấp xã tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, với nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với các ban, ngành, đoàn thể ở cấp xã tổ chức giáo dục quốc phòng, động viên nhân dân tham gia xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố nền quốc phòng toàn dân.

+ Chăm lo xây dựng lực lượng nòng cốt chính trị trong dân quân, dự bị động viên; phát hiện, bồi dưỡng đối tượng để kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn trong lực lượng dân quân và dự bị động viên. Xây dựng chi bộ sinh hoạt tạm thời trong lực lượng dân quân và dự bị động viên (nếu có) trong sạch vững mạnh, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

+ Xây dựng đội ngũ cán bộ trong lực lượng dân quân và dự bị động viên có đủ số lượng, chất lượng cao, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác quân sự, quốc phòng ở địa phương trong mọi tình huống; phối hợp với các đơn vị khung động viên để sắp xếp, quản lý và tổ chức bồi dưỡng sĩ quan dự bị ở địa phương.

+ Tiến hành công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng lực lượng dân quân, dự bị động viên trong sạch về chính trị, an toàn về mọi mặt; tuyên truyền, giáo dục lực lượng dân quân, dự bị động viên và nhân dân nâng cao cảnh giác, đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến Hòa Bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; góp phần giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.

+ Hướng dẫn lực lượng dân quân, dự bị động viên tiến hành công tác vận động quần chúng, tham gia thực hiện các cuộc vận động chính trị cách mạng, góp phần xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương vững mạnh, xây dựng địa bàn an toàn.

+ Tổ chức thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng dân quân, dự bị động viên và chính sách hậu phương quân đội; nghiên cứu, đề xuất với cấp trên hoàn thiện chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, chính sách hậu phương quân đội và nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

+ Tiến hành công tác đảng, công tác chính trị trong xây dựng, hoạt động của lực lượng dân quân, dự bị động viên; trong chuẩn bị và gọi công dân nhập ngũ, thực hiện nhiệm vụ động viên; xây dựng làng xã chiến đấu; tổ chức phòng thủ dân sự và thực hiện các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng khác ở địa phương.

+ Tiến hành sơ kết, tổng kết công tác đảng, công tác chính trị đối với lực lượng dân quân, dự bị động viên và trong nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương.

3. Chức trách, nhiệm vụ của chính trị viên phó

- Chức trách

Chịu trách nhiệm trước chính trị viên về nhiệm vụ được phân công; thay thế chính trị viên khi được giao.

- Nhiệm vụ

Chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cấp xã thường được giao nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng đối tượng để kết nạp Đảng, kết nạp Đoàn trong lực lượng dân quân và dự bị động viên; hướng dẫn lực lượng dân quân, dự bị động viên tiến hành công tác vận động quần chúng, tham gia thực hiện các cuộc vận động chính trị cách mạng, góp phần xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương vững mạnh, xây dựng địa bàn an toàn...

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN CHÍNH TRỊ CÁC CẤP ĐỐI VỚI VIỆC ĐỀ XUẤT TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ CƠ QUAN CHÍNH TRỊ, CÁN BỘ CHÍNH TRỊ (Theo Khoản 2, Mục B, Phần II và Mục B, Phần III, Quy định số 61-QĐ/TW), thực hiện như sau:

1. Về nguyên tắc chung

- Đề xuất tổ chức, biên chế cơ quan chính trị, cơ quan Ủy ban kiểm tra, cán bộ chính trị các cấp phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về tổ chức, biên chế Quân đội; giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị; tinh gọn tổ chức, tiết kiệm quân số, có tính cân đối, thống nhất với các cơ quan khác trong cùng một loại hình đơn vị.

- Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cấp theo Điều lệ Đảng, quy định, hướng dẫn của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng.

2. Trách nhiệm của cơ quan chính trị từ cấp cơ sở đến cấp trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với việc đề xuất tổ chức, biên chế cơ quan chính trị, cán bộ chính trị (Khoản 2, Mục B, Phần II, Quy định số 61-QĐ/TW).

Căn cứ vào nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của cấp trên về tổ chức, biên chế Quân đội và tình hình tổ chức, biên chế của đơn vị; cơ quan chính trị chủ trì phối hợp với cơ quan tham mưu cùng cấp đề xuất về tổ chức, biên chế cơ quan chính trị, cơ quan Ủy ban kiểm tra, cán bộ chính trị của đơn vị. Cơ quan tham mưu tổng hợp, báo cáo cấp ủy cấp mình xem xét, quyết định hoặc báo cáo cấp trên quyết định theo phân cấp.

3. Trách nhiệm của Tổng cục Chính trị

Mục B, Phần III, Quy định số 61-QĐ/TW, xác định: “Tổng cục Chính trị chủ trì phối hợp với Bộ Tổng Tham mưu quy định cơ cấu tổ chức bộ máy và biên chế cụ thể cơ quan chính trị, cán bộ chính trị ở từng cấp”.

Căn cứ vào nghị quyết, chỉ thị và kế hoạch tổ chức lực lượng Quân đội của Trung ương, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị chủ trì phối hợp với Bộ Tổng Tham mưu đề xuất về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế cụ thể cơ quan chính trị, cơ quan Ủy ban kiểm tra, cán bộ chính trị ở từng cấp trong toàn quân. Theo thẩm quyền, Bộ Tổng Tham mưu ban hành quyết định hoặc trình Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định.

IV. VỀ TỔ CHỨC QUẦN CHÚNG TRONG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (Phần V), thực hiện như sau:

1. Về tổ chức

Tổ chức quần chúng trong Quân đội nhân dân Việt Nam gồm có: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn, Hội phụ nữ được tổ chức ở đơn vị cơ sở (riêng tổ chức công đoàn chỉ tổ chức ở các nhà máy, doanh nghiệp, học viện, nhà trường, bệnh viện, viện nghiên cứu... nơi có nhiều công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng; không tổ chức ở cơ quan, đơn vị chiến đấu). Việc thành lập, giải thể các tổ chức quần chúng do cơ quan chính trị đơn vị cơ sở đề nghị, cấp ủy cơ sở quyết định, sau đó báo cáo cơ quan chính trị cấp trên trực tiếp.

- Từ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở trở lên căn cứ vào quy mô tổ chức, tính chất nhiệm vụ, đặc điểm hoạt động của đơn vị và số lượng đoàn viên, hội viên để thành lập ban hoặc bố trí trợ lý công tác quần chúng ở cơ quan chính trị cùng cấp. Ban hoặc trợ lý công tác quần chúng làm tham mưu cho cơ quan chính trị cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng về tổ chức, nội dung và hình thức hoạt động của tổ chức quần chúng.

- Ở cơ quan bộ chỉ huy quân sự và bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ vào số lượng đoàn viên, hội viên mà thành lập các tổ chức quần chúng ở cơ sở cho phù hợp, cụ thể như sau:

+ Nếu ở các phòng có đủ số lượng đoàn viên, hội viên theo quy định của điều lệ đoàn thể đó thì tổ chức quần chúng được tổ chức ở cấp phòng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy (chi bộ) phòng và sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của phòng chính trị bộ chỉ huy quân sự và bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố.

+ Nếu ở các phòng không đủ số lượng đoàn viên, hội viên để thành lập tổ chức quần chúng theo quy định của điều lệ đoàn thể đó hoặc ở các phòng có đủ số lượng đoàn viên, hội viên theo quy định nhưng số lượng ít, hoạt động khó khăn thì chuyển sinh hoạt của số đoàn viên, hội viên đó về một hoặc hai phòng để thành lập tổ chức quần chúng, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy (chi bộ) phòng (nơi thành lập tổ chức quần chúng) và sự chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ của phòng chính trị bộ chỉ huy quân sự và bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố.

+ Việc tham gia ban chấp hành các tổ chức quần chúng ở địa phương cùng cấp, cơ quan chính trị thuộc cơ quan quân sự địa phương và phòng chính trị thuộc bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố căn cứ vào tính chất, nhiệm vụ và khả năng thực hiện nhiệm vụ của các đồng chí đứng đầu các tổ chức quần chúng và đồng chí trợ lý công tác quần chúng của cơ quan chính trị cấp mình, để lựa chọn một trong số các đồng chí đó giới thiệu ứng cử ban chấp hành các tổ chức quần chúng ở địa phương, sau khi được sự nhất trí của cấp ủy cơ quan quân sự địa phương và bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố.

2. Các mối quan hệ của các tổ chức quần chúng

- Quan hệ với cấp ủy (chi bộ) cùng cấp là quan hệ giữa lãnh đạo và phục tùng.

Các tổ chức quần chúng đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy (chi bộ) cùng cấp. Cấp ủy (chi bộ) có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các tổ chức quần chúng vững mạnh, quan tâm tạo điều kiện để các tổ chức quần chúng hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, có hiệu quả; chăm lo sự tiến bộ, trưởng thành và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của quần chúng.

Các tổ chức quần chúng phải quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy, tổ chức đảng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức mình.

- Quan hệ với chính ủy (chính trị viên), người chỉ huy và cơ quan chính trị cùng cấp là quan hệ giữa chỉ đạo và phục tùng.

Chính ủy (chính trị viên), người chỉ huy và cơ quan chính trị đơn vị cơ sở có trách nhiệm trực tiếp quản lý, chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của các tổ chức quần chúng theo chức năng, nhiệm vụ. Các tổ chức quần chúng quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của chính ủy (chính trị viên), người chỉ huy và cơ quan chính trị cùng cấp.

Các cấp ủy đảng căn cứ vào Quy định số 61-QĐ/TW, ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư và Hướng dẫn này tổ chức quán triệt và thực hiện. Trong quá trình thực hiện, khi có phát sinh vấn đề mới thì kịp thời phản ánh về Tổng cục Chính trị (qua Cục Tổ chức)./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư (để báo cáo);
- Ban Tổ chức Trung ương (để báo cáo);
- Thường vụ QUTW (để báo cáo)(05);
- Các Đ/c Phó Chủ nhiệm TCCT(03)
- Các tỉnh, thành ủy(63);
- Các đơn vị trực thuộc QUTW, BQP(59);
- UBKTQUTW, VPQUTW;
- Các Cục: Quân lực, Dân quân tự vệ/BTTM;
- Các cơ quan, đơn vị thuộc TCCT(32);
- Lưu: VT, P.TCQC/C11; Tu 170.

KT. CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Trung tướng Đỗ Căn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 349/HD-CT năm 2017 về thi hành Quy định 61-QĐ/TW về tổ chức cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Tổng cục Chính trị ban hành

  • Số hiệu: 349/HD-CT
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 08/03/2017
  • Nơi ban hành: Tổng cục Chính trị
  • Người ký: Đỗ Căn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/03/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản