Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3420/HD-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2012

 

HƯỚNG DẪN

VỀ VIỆC SỬ DỤNG QUỐC KỲ, QUỐC HUY, QUỐC CA, CHÂN DUNG CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Nhằm thống nhất việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca; Căn cứ vào các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca như sau:

I. QUỐC KỲ

1. Hình Quốc kỳ: Điều 141 chương XI Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992; Thông tư số 68/VHTT-TT ngày 24 tháng 8 năm 1993 của Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). “…Quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh…”

- “…Điểm giữa ngôi sao vàng đặt đúng điểm giữa (điểm giao nhau của hai đường chéo) Quốc kỳ.

- Khoảng cách từ điểm giữa ngôi sao đến đầu cánh sao bằng một phần năm chiều dài của Quốc kỳ.

- Một cánh sao có trục vuông góc với cạnh dài Quốc kỳ và hướng thẳng lên phía trên theo đầu cột treo Quốc kỳ.

- Tạo hình ngôi sao: từ đầu cánh sao này đến đầu cánh sao đối diện là đường thẳng, không phình ở giữa, cánh sao không bầu.

- Hai mặt của Quốc kỳ đều có ngôi sao vàng trùng khít nhau.

- Nền Quốc kỳ màu đỏ tươi, ngôi sao màu vàng tươi...”

2. Cách treo, thời gian treo Quốc kỳ và dùng Quốc kỳ về việc tang: Điều lệ số 974-TTg ngày 21 tháng 7 năm 1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn sử dụng Quốc kỳ; Thông tư số 68/VHTT-TT ngày 24 tháng 8 năm 1993 của Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

2.1. Cách treo:

- “…Khi treo Quốc kỳ chú ý đừng để ngược ngôi sao.

- Treo ảnh, chân dung lãnh tụ cùng với Quốc kỳ thì ảnh phải thấp hơn Quốc kỳ hoặc để ảnh trên nền Quốc kỳ dưới ngôi sao…”

2.2. Thời gian treo:

- “…Quốc kỳ được treo trong các phòng họp, hội trường của các cấp chính quyền, cơ quan nhà nước và các đoàn thể khi họp những buổi họp long trọng.

- Quốc kỳ được treo ngoài trời vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, tết cổ truyền của dân tộc và theo thông báo của trung ương và chính quyền địa phương.

- Quốc kỳ được treo hoặc mang đi ở những nơi tổ chức míttinh, diễu hành, động viên quần chúng, phát động thi đua sản xuất, thực hiện các phong trào cách mạng.

- Các cơ quan Nhà nước, các nhà trường (kể cả học viện), các đơn vị vũ trang, các cửa khẩu biên giới, các cảng quốc tế phải có cột cờ và treo Quốc kỳ trước công sở, hoặc nơi trang trọng trước cửa cơ quan, Quốc kỳ phải đúng tiêu chuẩn về kích thước, màu sắc đã được Hiến pháp quy định.

- Trụ sở Phủ Chủ tịch, trụ sở Quốc hội, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, trụ sở Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm soát nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, Cột cờ Hà Nội, trụ sở Ủy ban nhân dân các cấp (trừ Ủy ban nhân dân phường ở thành phố, thị xã), các cửa khẩu và cảng quốc tế treo Quốc kỳ 24/24 giờ hàng ngày.

- Trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các đơn vị vũ trang, nhà trường treo Quốc kỳ từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày.

- Tất cả các cơ quan và đơn vị nói trên, đặc biệt là các cơ quan đối ngoại, khi có khách nước ngoài từ cấp Bộ trưởng trở lên đến thăm chính thức phải treo cờ quốc gia của khách cùng với Quốc kỳ…”

2.3. Dùng Quốc kỳ về việc tang:

- “…Khi có quốc tang thì đính vào phía trên Quốc kỳ một dải vải đen, dài bằng chiều dài Quốc kỳ, rộng bằng 1 phần 10 chiều rộng Quốc kỳ.

- Quốc kỳ để phủ lên linh cữu những người chết được Chính phủ quyết định làm lễ quốc tang. Những trường hợp khác được phủ Quốc kỳ lên linh cữu những người chết sẽ được quy định riêng…”

3. Treo Quốc kỳ Việt Nam với cờ các nước khác: Điều lệ số 974-TTg ngày 21 tháng 7 năm 1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn sử dụng Quốc kỳ; Tài liệu Nghi lễ và thủ tục lễ tân Ngoại giao Việt Nam. “…Quốc kỳ được sử dụng theo nhiều cách thức khác nhau. Thông thường có hai cách. Cách thứ nhất là treo cờ chính thức như một cách thể hiện sự trọng thị, tôn trọng và bình đẳng quốc gia. Cách thứ hai là sử dụng cách điệu Quốc kỳ như một cách trang trí tạo không khí ngày hội

- Nếu treo Quốc kỳ hai nước, quy định lễ tân ngoại giao của mỗi nước có thể có khác nhau. Phần lớn các nước quy định, nếu đứng từ ngoài nhìn vào, cờ nước chủ nhà bên phía tay phải, cờ nước khách bên phía trái.

- Treo cờ nhiều nước và hàng cờ theo hàng ngang, vị trí cho cờ đầu tiên, nếu đứng từ ngoài nhìn vào hàng cờ, có thể sắp xếp như sau:

+ Bắt đầu từ bên trái sang

+ Bắt đầu từ giữa trở ra hai bên, theo thứ tự bên trái, bên phải. Đây là cách thông thường trong lễ tân ngoại giao treo cờ nhiều nước cùng cờ của nước chủ nhà, cờ nước chủ nhà thường nằm ở vị trí trung tâm.

- Treo Quốc kỳ của nước ta với Quốc kỳ của nước khác: các cờ phải làm đúng kiểu mẫu, làm bằng nhau và treo đều nhau, không treo lá to lá nhỏ, lá cao lá thấp.

- Không được treo quốc kỳ rách, vá, bạc màu hoặc có nhiều đường xếp nếp…”

4. Treo cờ đối với tàu thuyền: Điều 45 Nghị định số 71/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.

“...4.1. Việc treo cờ của tàu thuyền khi hoạt động tại cảng quy định như sau:

Tàu thuyền nước ngoài phải treo Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở đỉnh cột cao nhất của tàu từ lúc mặt trời mọc cho đến lúc mặt trời lặn.

Riêng đối với tàu thuyền Việt Nam, vị trí treo Quốc kỳ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở cột phía lái tàu;

4.2. Vào ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc khi có người đứng đầu Nhà nước đến thăm cảng thì theo yêu cầu của Giám đốc Cảng vụ hàng hải, tất cả các tàu thuyền đang neo, đậu trong cảng đều phải treo cờ lễ.

4.3. Tàu thuyền nước ngoài khi muốn treo cờ lễ, cờ tang, kéo còi trong các dịp nghi lễ của nước mình phải thông báo trước cho Cảng vụ hàng hải.

4.4. Giám đốc Cảng vụ hàng hải có thể miễn trách nhiệm treo Quốc kỳ cho một số phương tiện thủy thô sơ khi hoạt động trong vùng nước cảng biển.

4.5. Việc treo Quốc kỳ quy định tại khoản 1 Điều này đối với tàu quân sự nước ngoài đến thăm Việt Nam theo lời mời chính thức của Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam...”

5. Quốc kỳ trong trang trí buổi lễ: Quy định tại Điều 4 Nghị định số 154/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2004 Về nghi thức Nhà nước trong tổ chức mít tinh, lễ kỷ niệm; trao tặng và đón nhận danh hiệu vinh dự nhà nước, Huân chương, Huy chương, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

“...Buổi lễ được tổ chức trong hội trường hoặc ngoài trời.

5.1. Tổ chức trong hội trường :

Sân khấu hội trường được trang trí trang trọng theo những quy định sau:

a) Quốc kỳ hoặc Quốc kỳ và cờ Đảng treo trên phông hậu hoặc trên cột cờ về phía bên trái của sân khấu; Quốc kỳ ở bên phải, cờ Đảng ở bên trái (nhìn từ phía hội trường lên).

b) Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên bục cao phía dưới ngôi sao hoặc ở phía dưới giữa ngôi sao và hình búa liềm theo chiều thẳng đứng. Trường hợp cờ được treo trên cột thì đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh chếch phía trước bên phải cột cờ (nhìn từ phía hội trường lên).

c) Tiêu đề buổi lễ kiểu chữ chân phương trên nền phông hậu về phía bên phải sân khấu.

d) Bàn Đoàn Chủ tịch: căn cứ vào tính chất của buổi lễ, Ban Tổ chức quyết định việc bố trí bàn Đoàn Chủ tịch buổi lễ.

Bàn Đoàn Chủ tịch được bố trí ở giữa sân khấu. Tùy theo số lượng thành viên Đoàn Chủ tịch, Ban Tổ chức quyết định số hàng (cao dần về phía sau) nhưng hàng sau cùng người ngồi không được che khuất tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiêu đề buổi lễ. Đoàn Chủ tịch được bố trí ngồi theo chức vụ quan trọng từ giữa ra hai bên, từ phía trước ra phía sau.

đ) Bục diễn giả có thể bố trí trên sân khấu (phía bên phải sân khấu) hoặc phía dưới trước sân khấu tùy theo điều kiện cụ thể của hội trường. Không đặt bục diễn giả che lấp tiêu đề trên phông hậu; không đặt hoa che lấp mặt người nói; mi-crô trên bục diễn giả được đặt ngay ngắn, thuận tiện cho người nói.

e) Hoa trang trí đặt ở phía dưới, trước bục đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đối với những cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm có thể đặt lẵng hoa phía trước bục diễn giả và chậu cây cảnh hoặc lẵng hoa phía dưới tiêu đề dọc theo phông hậu. Nếu có lẵng hoa của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước tặng thì đặt ở vị trí trang trọng. Không đặt quá nhiều lẵng hoa trên sân khấu (khoảng 5 chậu cây cảnh hoặc 5 lẵng hoa).

g) Khẩu hiệu của buổi lễ được treo ở vị trí nổi bật, phù hợp với không gian hội trường. Nội dung khẩu hiệu do Ban Tổ chức quyết định.

h) Bên ngoài hội trường treo Quốc kỳ ở vị trí trang trọng, cờ trang trí, băng khẩu hiệu, tạo cảnh quan phù hợp với buổi lễ.

i) Khách mời được bố trí ngồi đối diện phía dưới trước sân khấu theo chức vụ quan trọng từ giữa ra hai bên, từ phía trước ra phía sau.

5.2. Tổ chức ngoài trời:

a) Buổi lễ ngoài trời được tổ chức tại quảng trường, sân vận động hoặc một nơi trang trọng khác do Ban Tổ chức quy định.

b) Lễ đài được thiết kế vững chắc, bài trí tương tự như trong hội trường. Quốc kỳ treo trên cột cao trước lễ đài. Quanh lễ đài có cờ trang trí, băng khẩu hiệu phù hợp.

c) Vị trí Đoàn Chủ tịch được bố trí giữa lễ đài. Quần chúng dự mít tinh đứng thành khối trước lễ đài...”

6. Treo Quốc kỳ trong buổi lễ mừng thọ: Điều 8 Thông tư số 06/2012/TT- BVHTTDL ngày 14 tháng 05 năm 2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về hỗ trợ người cao tuổi tham gia hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch và tổ chức mừng thọ người cao tuổi.

“...6.1. Treo Quốc kỳ ở phía bên trái của sân khấu (nhìn từ phía dưới lên).

6.2. Tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt trên bục cao phía dưới Quốc kỳ. Trường hợp cờ được treo trên cột thì tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt chếch phía trước bên phải cột cờ (nhìn từ phía dưới lên). Logo Hội người cao tuổi đặt trên và chính giữa phía trên tiêu đề buổi lễ (cách 25-30cm).

6.3. Tiêu đề buổi lễ được thể hiện bằng kiểu chữ in hoa trên nền phông về phía bên phải sân khấu. 

6.4. Nội dung tiêu đề thể hiện theo độ tuổi như sau: 

a) Đủ 70 tuổi và đủ 75 tuổi: Lễ mừng thọ; 

b) Đủ 80 tuổi và đủ 85 tuổi: Lễ mừng thượng thọ; 

c) Đủ 90 tuổi, đủ 95 tuổi và 100 tuổi trở lên: Lễ mừng thượng thượng thọ. 

d) Trường hợp tổ chức lễ mừng thọ chung đối với người cao tuổi thuộc nhiều độ tuổi khác nhau thì nội dung tiêu đề ghi chung là: Lễ mừng thọ

6.5. Hoa trang trí đặt ở phía dưới, trước tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

6.6. Khẩu hiệu của buổi lễ (nếu có) được treo ở vị trí nổi bật, phù hợp với không gian hội trường. Nội dung khẩu hiệu do ban tổ chức quyết định...”

7. Treo Quốc kỳ trong khu vực lễ hội: Quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 12, Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

“...Trong khu vực lễ hội, cờ Tổ quốc phải được treo nơi trang trọng, cao hơn cờ hội, cờ tôn giáo; chỉ treo cờ hội, cờ tôn giáo tại địa điểm lễ hội và trong thời gian tổ chức lễ hội...”

II. QUỐC HUY

1. Hình Quốc huy: Điều 142 chương XI Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992.

“…Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hình tròn, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh, chung quanh có bông lúa, ở dưới có nửa bánh xe răng và dòng chữ: Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.

2. Những nơi treo, rước và dùng Quốc huy trên các giấy tờ: Điều lệ số 973-TTg ngày 21 tháng 7 năm 1956 của Thủ tướng Chính phủ về việc hướng dẫn sử dụng Quốc huy và Điều 12 Mục 1 Chương III Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước - Ban hành kèm theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02 tháng 8 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

“…Treo Quốc huy tại các cơ quan hành chính nhà nước, rước Quốc huy, hình Quốc huy in hoặc đóng bằng dấu nổi trên: Bằng huân chương, Bằng khen, Hộ chiếu…”.

III. QUỐC CA

1. Căn cứ:

-Tại Điều 3 Chương I Hiến pháp nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thông qua ngày 9 tháng 11 năm 1946. Quy định Quốc ca là bài “Tiến quân ca”.

- Điều 143 Chương XI Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 1992 quy định cụ thể: Quốc ca Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”.

2. Khái niệm:

- Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bao gồm cả nhạc và lời của bài “Tiến quân ca”.

- Quốc thiều là nhạc của bài “Tiến quân ca” (Quốc ca).

3. Sử dụng Quốc ca, Quốc thiều:

Quốc ca:

Được sử dụng trong các buổi lễ chào cờ tại các công sở nhà nước, trường học, các nghi lễ sinh hoạt chính trị của đất nước, các đoàn thể, các lễ hội quốc gia, các sự kiện thể thao cấp Nhà nước và Quốc tế…

Quốc thiều:

Được sử dụng trong các buổi lễ thượng cờ, lễ đón các nguyên thủ quốc gia, các nghi lễ cấp Nhà nước…

Trên đây là hướng dẫn các quy định trong các văn bản của Chính phủ đã được ban hành về sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca…Các địa phương khi thực hiện cần tra cứu đầy đủ quy định trong các văn bản đã nêu trong hướng dẫn này.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (để báo cáo);
- Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh ái;
- Sở VHTTDL cỏc tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, VHCS, HT(70)

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Huỳnh Vĩnh ái

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 3420/HD-BVHTTDL sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 3420/HD-BVHTTDL
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 02/10/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Huỳnh Vĩnh Ái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản