Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 4 tháng 8 năm 2021

 

HƯỚNG DẪN

ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19  TRONG CÁC CẤP CÔNG ĐOÀN, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG

Căn cứ Kế hoạch số 48-KH/BTGTW ngày 21/7/2021 của Ban Tuyên giáo Trung ương về công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành hướng dẫn đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID -19 trong các cấp công đoàn và công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) trước tình hình mới, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

 - Giúp đoàn viên công đoàn, CCVCLĐ nhận thức đúng đắn về diễn biến, tình hình, tính chất nguy hiểm và tác hại của đại dịch COVID-19 và những biến chủng mới do virus SARS-CoV2 gây ra; tin tưởng, đồng lòng thực hiện chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật, giải pháp chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, CCVCLĐ về chủ động, tích cực phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, nỗ lực vượt khó cùng doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm “mục tiêu kép” góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021, tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

- Lan tỏa các hoạt động thiết thực của các cấp công đoàn, hình ảnh và việc làm có ý nghĩa của cán bộ công đoàn trong chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, hỗ trợ đoàn viên, người lao động khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

2. Yêu cầu

- Công tác thông tin, tuyên truyền cần bám sát diễn biến tình hình dịch và sự chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền và công đoàn cấp trên.

- Tăng cường thông tin tích cực, thúc đẩy và lan tỏa tinh thần nhân văn, nhân ái, sẻ chia, đoàn kết của dân tộc; tránh gây tâm lý hoang mang, bi quan, lo lắng, nhưng cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai trái, lợi dụng tình hình để gây hoang mang trong xã hội và đầu cơ, trục lợi, gây khó khăn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

- Nội dung, phương thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, bằng nhiều hình thức và có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, chú trọng phát huy ưu thế của nền tảng internet, mạng xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng nhằm tạo sự chuyển biến, có sức lan tỏa, thuyết phục trong toàn xã hội.

- Chỉ đạo, định hướng thông tin, tuyên truyền cần có tính dự báo và kịp thời, cụ thể; có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các cơ quan truyền thông và các cơ quan, đơn vị chức năng để tổ chức thực hiện đạt kết quả.

- Thực hiện nghiêm túc, giữ vững kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành chỉ đạo, định hướng cũng như cung cấp thông tin để tuyên truyền.

II. NỘI DUNG THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN

1. Nội dung thường xuyên

- Thông tin, tuyên truyền về chủ trương, quan điểm, giải pháp chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế và của địa phương trong phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, nhấn mạnh 03 mục tiêu: (1) ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi nhanh dịch bệnh, sớm ổn định tình hình, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường; (2) bảo đảm mục tiêu kép (phòng chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe, tính mạng Nhân dân và bảo đảm điều kiện cho phục vụ sản xuất, kinh doanh); (3) tập trung hỗ trợ các tỉnh, thành phố; các khu vực, địa bàn có số ca nhiễm cao, tình hình, diễn biến dịch phức tạp.

- Thông tin, tuyên truyền toàn diện, kịp thời, chính xác nhưng có chọn lọc, đúng mức, đúng thời điểm về diễn biến tình hình dịch bệnh, các yếu tố và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, các hoạt động phòng, chống dịch bệnh của cơ quan chuyên môn; truyền thông giáo dục sức khỏe, chú trọng thông điệp “5K + vaccine” và ứng dụng công nghệ.

- Thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; phản ánh những nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp trong đàm phán, mua và cung ứng vaccine về Việt Nam; truyền thông kêu gọi người dân yên tâm, tin tưởng, tích cực hưởng ứng công tác tiêm chủng; vận động người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp, đồng hành ủng hộ Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19.

- Tuyên truyền về các giá trị nhân văn tốt đẹp chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau; tinh thần cộng đồng, tập thể, các hành vi ứng xử nhân ái, nghĩa tình, phù hợp; những gương người tốt, việc tốt trong tham gia phòng, chống đại dịch COVID-19.

- Tuyên truyền những nhận xét, đánh giá thiện chí, tích cực của các tổ chức quốc tế, dư luận, báo chí quốc tế ủng hộ quan điểm, chủ trương phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam; những bài học hay, kinh nghiệm tốt; triển vọng đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và các năm tiếp theo, thực hiện thành công các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

- Truyền tải thông điệp quốc tế về một Việt Nam đang nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19 với phương cách phù hợp, có chính trị - xã hội ổn định, kinh tế giàu tiềm năng phát triển, xã hội đoàn kết, nhân văn, là thành viên trách nhiệm, tích cực cùng nhân loại phòng, chống đại dịch.

2. Nội dung trọng tâm, trọng điểm

- Tuyên truyền những hoạt động thiết thực, những mô hình có hiệu quả của các cấp công đoàn hỗ trợ đoàn viên, CCVCLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID -19, nhất là ở các tỉnh, thành phố; các khu vực, địa bàn có số ca nhiễm cao, tình hình, diễn biến dịch phức tạp; việc đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động khi làm việc tại doanh nghiệp đủ điều kiện theo phương châm “3 tại chỗ”…

- Giới thiệu, nhân rộng những câu chuyện, những hình ảnh dấn thân của cán bộ công đoàn hỗ trợ hàng tiêu dùng thiết yếu, chăm lo sức khỏe cho người lao động; thực hiện 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với đoàn viên công đoàn, người lao động; những cán bộ công đoàn phải cách ly y tế nhưng vẫn chăm lo cho đoàn viên; những việc làm, hành động thể hiện vai trò đồng hành của đoàn viên, CCVCLĐ với nhau, với doanh nghiệp, với tổ chức công đoàn, với công tác phòng chống dịch bệnh COVID - 19.

- Tuyên truyền kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; về chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là gói hỗ trợ và các nội dung tại Công văn số 2422/TLĐ ngày 31/7/2021 về triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trong các cấp công đoàn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

- Tuyên truyền về những nỗ lực vượt khó, hy sinh thầm lặng, làm việc không quản ngày đêm, bất cấp hiểm nguy vì sức khỏe nhân dân của lực lượng tuyến đầu.

III. PHƯƠNG TIỆN VÀ BIỆN PHÁP THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN

1. Phương tiện thông tin, tuyên truyền

Bằng nhiều phương tiện khác nhau, các cấp công đoàn phổ biến nhanh chóng, kịp thời và thường xuyên nội dung thông tin tại phần II tới đoàn viên, người lao động. Trong đó, lưu ý một số phương tiện đang phát huy hiệu quả gồm:

- Báo chí, hệ thống phát thanh, truyền hình, truyền thanh; các trang thông tin điện tử;

- Cổ động trực quan bằng băng rôn, panô, khẩu hiệu, sổ tay,…;

- Xây dựng, đăng tải các video, clip, banner ảnh, infographics, biểu ngữ cổ động trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Youtube…); sản xuất các bản tin bằng giọng nói, bản tin hình, bản tin PDF gửi bằng email; các sản phẩm văn hóa tinh thần (thơ, ca, nhạc, tiểu phẩm…).

- Tổ chức nhắn tin tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 đến các thuê bao điện thoại di động về các khuyến cáo, khuyến nghị của ngành y tế; …

- Hệ thống thông tin cơ sở (bảng tin, màn hình ti vi tại nơi làm việc, loa truyền thanh doanh nghiệp).

2. Biện pháp thông tin, tuyên truyền

2.1. Đối với nội dung thông tin thường xuyên

- Căn cứ nội dung thông tin, tuyên truyền thường xuyên, các cấp công đoàn cụ thể hóa thành các sản phẩm đồ họa đậm dấu ấn công đoàn. Mỗi nội dung có các thông điệp của tổ chức công đoàn.

- Định kỳ có các phương thức tuyên truyền phù hợp với công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 ở địa phương, ngành, đơn vị, cơ sở. Ở những nơi dịch bệnh được kiểm soát có thể tổ chức tuyên truyền trực tiếp theo từng nhóm đoàn viên công đoàn, CCVCLĐ. Ở những nơi có dịch, đẩy mạnh phương thức tuyên truyền trực tuyến, đặc biệt là chú trọng cung cấp thông tin, đăng tải bài viết, video có nội dung nêu tại mục 2, phần II đảm bảo độ chính xác, tin cậy để từng bước tạo thói quen cho cán bộ, đoàn viên công đoàn, CCVCLĐ tiếp cận thông tin từ công đoàn.

2.2. Đối với nội dung trọng tâm, trọng điểm

Các cấp công đoàn chuẩn bị tốt các phương án truyền thông theo các nội dung trọng tâm, trọng điểm tại mục 2, phần II. Cụ thể như sau:

a) Lan tỏa hình ảnh công đoàn sát cánh bên người lao động

- Phát huy vai trò của cán bộ công đoàn vừa là nguồn cung cấp thông tin chính xác, có chọn lọc, đúng thời điểm cho các kênh truyền thông trong và ngoài hệ thống công đoàn về công tác phòng chống dịch trong CCVCLĐ, chương trình hỗ trợ đoàn viên, CCVCLĐ gặp khó khăn do Covid - 19…; vừa là kênh thông tin (chủ động, tích cực viết tin bài, kể các câu chuyện, hình ảnh xúc động của bản thân, của đồng nghiệp đăng tải trên báo chí và mạng xã hội), vừa tham gia vào quá trình phân phối thông tin (chia sẻ bài viết trên báo chí và mạng xã hội).

- Tổ chức lực lượng thường xuyên tương tác (chia sẻ, bình luận và các ý kiến thể hiện cảm xúc) với thông tin, hình ảnh tích cực; không tương tác, chia sẻ các tin xấu, tin giả, tin độc hại, tin không rõ nguồn gốc.

b) Phản ứng đúng đắn, kịp thời, có kỷ luật với thông tin của đoàn viên công đoàn, CCVCLĐ phản ánh về những khó khăn, trở ngại về điều kiện sống, và làm việc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

- Xây dựng các kênh tiếp nhận thông tin của đoàn viên công đoàn, CCVCLĐ về những khó khăn, vướng mắc về điều kiện sống và làm việc trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, như: số điện thoại đường dây nóng, đăng ký qua các công cụ truyền thông xã hội (zalo, facebook, google…)

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp từ xác minh, cung cấp địa chỉ tiếp nhận, giải quyết phản ánh của công nhân đến thông tin về hoạt động, chính sách hỗ trợ của công đoàn. 

- Cán bộ công đoàn tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ truyền thông để thực hiện nhiệm vụ kết nối, chủ động cung cấp thông tin, kịp thời xử lý các vấn đề khó khăn của đoàn viên, công nhân lao động. 

- Khuyến khích đoàn viên công đoàn, CCVCLĐ phản hồi thông tin, hình ảnh về hoạt động hỗ trợ công đoàn cho đoàn viên, người lao động khó khăn do COVID-19.

c) Đấu tranh, phản bác thông tin sai lệch, tin giả

- Phối hợp, chia sẻ thông tin kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng, với các cấp công đoàn; bảo đảm thông tin thống nhất, xuyên suốt, minh bạch, rõ ràng, nhanh chóng nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Huy động đồng bộ sự tham gia của các cơ quan, lực lượng tuyên truyền trong và ngoài hệ thống công đoàn ở Trung ương và địa phương, ngành; chú trọng các kênh tuyên truyền hiện đại với phát huy vai trò hệ thống thông tin tuyên truyền tại cơ sở.

- Chủ động rà soát, phát hiện sớm, kịp thời những “điểm nóng”, những đối tượng cơ hội, thù địch lợi dụng không gian mạng để kêu gọi kích động công nhân lao động có hành vi trái pháp luật, gây lây lan dịch bệnh.

 - Theo dõi dư luận báo chí, đặc biệt là các vấn đề “phức tạp, nhạy cảm” liên quan đến công nhân lao động và tổ chức công đoàn để kịp thời đấu tranh, kiến nghị biện pháp xử lý các tin, bài không thuận.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn, các cơ quan báo chí công đoàn triển khai công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trong CCVCLĐ trước tình hình mới và hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên.

- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và tổ chức lực lượng cán bộ công đoàn, các cơ quan báo chí công đoàn tham gia xây dựng dư luận tích cực, xử lý thông tin tiêu cực trên mạng xã hội.

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền trên Cổng thông tin điện tử, mạng xã hội (facebook) Công đoàn Việt Nam.

- Nắm bắt dư luận xã hội, đặc biệt là các vấn đề “phức tạp, nhạy cảm” liên quan đến đoàn viên, công nhân lao động và tổ chức công đoàn để kịp thời có các biện pháp xử lý.

2. Các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, các Công đoàn ngành Trung ương và tương đương

Căn cứ Hướng dẫn này để cụ thể hóa việc triển khai thực hiện phù hợp với đặc điểm, tình hình tại địa phương, đơn vị, cơ sở; trong đó quan tâm một số nội dung sau:

- Xây dựng và thực hiện cơ chế cung cấp và phối hợp thông tin, tuyên truyền giữa các cấp công đoàn trong địa phương, ngành; với các cơ quan báo chí công đoàn; với Cổng thông tin điện tử và mạng xã hội (facebook) Công đoàn Việt Nam (qua email congthongtincdvn@gmail.com; zalo Tuyên giáo Công đoàn; facebook Công đoàn Việt Nam).

- Tăng cường tính chủ động, sáng tạo trong thí điểm thực hiện các biện pháp thông tin, tuyên truyền có tính lan tỏa, tạo hiệu ứng tốt trong dư luận.

3. Các cơ quan báo chí công đoàn

- Cân đối dung lượng, thời lượng thông tin về tình hình phòng, chống dịch bệnh với các dòng thông tin khác; phản ánh đầy đủ mọi mặt của đời sống xã hội, nhưng ưu tiên đưa thông tin về công tác phòng chống dịch; tuyên truyền đậm nét về tổ chức công đoàn và người lao động tham gia phòng chống dịch, những thông tin, số liệu tích cực, như số ca khỏi bệnh, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng, gương người tốt, việc tốt, điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh,…

Không đưa các phát ngôn, tin, bài giật tít gây hoang mang, lo lắng, hoảng sợ, phân tâm; chọn lọc đưa thông tin về các yếu tố và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe đúng mức, đúng thời điểm; không so sánh chiến lược, phương pháp phòng, chống dịch giữa các nước, giữa các địa phương gây những hoang mang, phân tâm về phòng, chống dịch; không tổ chức khảo sát, thăm dò, lấy ý kiến bạn đọc để bình luận, định hướng theo chủ ý của báo hoặc tạo ra những bình luận, nhận xét không có lợi cho công tác chỉ đạo phòng, chống dịch.

- Phản bác, lên án kịp thời các thông tin xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, tổ chức công đoàn, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; kích động công nhân lao động có hành động trái pháp luật trên không gian mạng.

Trên đây là Hướng dẫn “Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trong CCVCLĐ trước tình hình mới”, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, các cơ quan báo chí công đoàn tổ chức triển khai thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban Tuyên giáo Trung ương; (báo cáo)
- Đ/c Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN; (báo cáo)
- Các Đ/c PCT TLĐ;
- Các Ban và VP TLĐ
- Các LĐLĐ tỉnh, TP; (thực hiện)
- CĐ ngành TƯ và tương đương; (thực hiện)
- CĐ Tcty trực thuộc TLĐ (thực hiện)
- Cơ quan báo chí Công đoàn; (thực hiện)
- Lưu: VT, TG. (thực hiện)

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngọ Duy Hiểu