Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG
CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2628/NHCS-NVTD

Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2004

 

HƯỚNG DẪN NGHIỆP VỤ

CHO VAY MỘT PHẦN NHU CẦU THIẾT YẾU TRONG SINH HOẠT VỀ SỬA CHỮA NHÀ Ở, NƯỚC SẠCH, ĐIỆN THẮP SÁNG VÀ HỌC TẬP ĐỐI VỚI HỘ NGHÈO

- Căn cứ Tiết c, Điểm 1, Điều 14, Chương III Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;

- Căn cứ Nghị quyết Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tại phiên họp lần 6 quý III số 265/NQ-HĐQT ngày 21/9/2004;

- Vận dụng thời hạn cho vay học sinh, sinh viên theo Quyết định 1234/2001/QĐ-NHNN ngày 26/9/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước v/v ban hành Quy chế cho vay áp dụng đối với học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Tổng giám đốc NHCSXH hướng dẫn việc cho vay để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, nước sạch, điện thắp sáng và học tập đối với hộ nghèo như sau:

Nghiệp vụ cho vay hộ nghèo để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về: nhà ở, nước sạch, điện thắp sáng và học tập về cơ bản đã được quy định tại văn bản số 316/NHCS-KH ngày 02/5/2003 của Tổng giám đốc NHCSXH v/v Hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với hộ nghèo (kể cả quy trình, thủ tục, giấy tờ trong bộ hồ sơ vay vốn...). Căn cứ vào tình hình thực tế nguồn vốn và nhu cầu vốn tại địa phương, Giám đốc chi nhánh NHCSXH cơ sở ưu tiên, tập trung nguồn vốn để cho vay hộ nghèo sản xuất kinh doanh trước, sau đó mới xét đến cho vay để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về: nhà ở, nước sạch, điện thắp sáng và học tập.

Tuy nhiên, để thống nhất triển khai thực hiện vấn đề này, Tổng giám đốc bổ sung và nói rõ thêm một số nội dung sau:

1. Mức cho vay tối đa:

a- Cho vay sửa chữa nhà ở: mức cho vay tối đa không quá 3 triệu đồng/hộ.

b- Cho vay điện thắp sáng: mức cho vay tối đa không quá 1,5 triệu đồng/hộ.

c- Cho vay nước sạch: mức tối đa không quá 4 triệu đồng/công trình/hộ.

d- Cho vay chi phí học tập tại các trường phổ thông: Tổng giám đốc ủy quyền cho Giám đốc chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố quyết định mức cho vay tối đa phù hợp với địa bàn tỉnh nhưng không vượt quá tổng 4 Khoản chi phí học tập cao nhất được vay nêu tại Điểm 5.1 dưới đây.

Mức cho vay tối đa của từng đối tượng nêu tại Điểm này không tính trong mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo theo quy định hiện hành.

2. Những nơi hộ nghèo đã tham gia Chương trình quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo văn bản hướng dẫn số 1411/NHCS-KHNV ngày 03/8/2004 của Tổng giám đốc hoặc đã được cấp phát, cho không từ các chương trình, dự án khác về nhà ở, nước sạch, điện thắp sáng, học tập (được miễn tiền học phí, tiền xây dựng trường, được cấp sách giáo khoa), thì không được vay theo hướng dẫn tại văn bản này.

3. Sổ Tiết kiệm và vay vốn:

Được dùng chung Sổ Tiết kiệm và vay vốn đã được cấp hoặc được cấp mới (nếu chưa có).

4. Về cho vay hộ nghèo để giải quyết nhu cầu về nước sạch, được thực hiện theo hướng dẫn của Tổng giám đốc tại công văn số 1411/NHCS-KHNV ngày 3/8/2004 v/v Hướng dẫn nghiệp vụ cho vay Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg. Riêng báo cáo kết quả cho vay hộ nghèo để giải quyết về nhu cầu nước sạch không phải lập báo riêng theo hướng dẫn tại công văn số 1411 này, mà được tổng hợp vào báo cáo chung trong Báo cáo kết quả cho vay hộ nghèo theo quy định hiện hành.

5. Riêng cho vay hộ nghèo để giải quyết một phần nhu cầu về học tập, cần lưu ý một số nội dung sau:

5.1. NHCSXH cho con em hộ nghèo vay vốn hỗ trợ một phần chi phí học tập cho những con em đang theo học ở các cấp học phổ thông để trang trải 4 Khoản chi phí sau:

a. Tiền học phí phải nộp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với trường công lập và theo quy định của nhà trường đối với trường dân lập.

b. Kinh phí xây dựng trường theo quy định của địa phương phù hợp với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c. Tiền mua dụng cụ học tập và sách giáo khoa: theo giá ghi trên bìa sách các môn học nội khóa theo chương trình học từng lớp (không cho vay mua sách tham khảo, sách nâng cao...).

d. Tiền mua quần áo hoặc trang phục học đường của học sinh theo quy định.

Khi cho hộ nghèo vay vốn để chi phí học tập cho con theo học phổ thông, nếu học sinh đã nghỉ học thì ngừng cho vay và có kế hoạch thu hồi nợ vay theo quy định tại văn bản này.

5.2. Điều kiện cho vay:

Ngoài những Điều kiện quy định tại văn bản số 316/NHCS-KHNV ngày 02/5/2003 nói trên thì chủ hộ đứng tên vay vốn phải là bố, mẹ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng hợp pháp vay để chi phí học tập cho con mình (kể cả con nuôi theo pháp luật).

5.3. Thủ tục, quy trình cho vay:

- Mỗi năm một lần vào đầu năm học, hộ nghèo viết Giấy đề nghị vay vốn (mẫu 01/CVHN), nêu chi Tiết từng con học lớp mấy? và tổng chi phí 4 Khoản được NHCSXH cho vay nêu tại Điểm 5.1 bao nhiêu?

- Hộ vay nộp Giấy đề nghị vay vốn cho tổ Tiết kiệm & vay vốn họp bình xét và lập Danh sách hộ nghèo đề nghị vay vốn NHCSXH (mẫu 03/CVHN) như quy trình cho vay hộ nghèo sản xuất kinh doanh hiện hành.

5.4. Phương thức cho vay:

NHCSXH tạo mọi Điều kiện về tài chính cho con em người nghèo được theo học hết các cấp học phổ thông, phương thức cho vay từng lần theo từng năm học và được thực hiện một năm một lần vào đầu năm học để chi phí vào 4 Khoản chi nói trên cho cả năm học.

5.5. Thời hạn cho vay:

Bao gồm: Thời gian ân hạn và thời gian trả nợ.

a. Thời gian ân hạn: là Khoảng thời gian tính từ ngày hộ nghèo nhận món vay đầu tiên để chi cho việc học tập cho đến khi người con (còn gọi là học sinh) kết thúc kỳ thi tốt nghiệp cấp học kể cả năm học lưu ban (nếu có). Trường hợp hộ nghèo có nhiều con đang theo học tại nhiều cấp học khác nhau thì thời gian ân hạn được xác định theo số năm của người con đang theo học ở cấp học có số năm học dài nhất.

- Trong thời gian ân hạn hộ nghèo chưa phải trả nợ gốc nhưng phải trả lãi tiền vay.

b. Thời gian trả nợ: tối đa được tính bằng số năm được NHCSXH cho vay vốn trong thời gian học tại cấp học đó: cấp tiểu học 5 năm, cấp trung học cơ sở 4 năm, cấp trung học phổ thông 3 năm.

5.6. Thu nợ, thu lãi:

- NHCSXH thu nợ gốc theo phân kỳ trả nợ một năm một lần và kỳ thu nợ gốc đầu tiên trong thời gian một năm kể từ ngày kết thúc cho vay ở mỗi cấp học đối với học sinh đó. Số tiền thu nợ mỗi kỳ bằng ít nhất số tiền cho vay bình quân một năm trong thời gian ân hạn.

- NHCSXH thu lãi theo định kỳ tháng, quý, 6 tháng do Ngân hàng và hộ vay thỏa thuận. Việc tính và thu lãi được thực hiện kể từ ngày vay.

Nhận được văn bản này, yêu cầu ông (bà) Giám đốc chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Nếu có vướng mắc, báo cáo Hội sở chính xem xét, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Các thành viên HĐQT (để báo cáo);
- Ban Tổng giám đốc;
- Sở giao dịch, chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố;
- Các tổ chức CTXH (HND, HPN, HCCB, TW Đoàn);
- Các phòng nghiệp vụ tại HSC;
- Lưu VP, phòng NVTD.

TỔNG GIÁM ĐỐC
NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI




Hà Thị Hạnh