Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
----------------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-----------------

Số: 249/HD-TLĐ

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2008

 

HƯỚNG DẪN

TIẾP TỤC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 03/NQ-ĐCT CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM VÀ KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN (NĂM 2008 – 2013)

Ngày 22/10/2004, Đoàn Chủ tịch - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-ĐCT, về việc đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn, từ đó đến nay các cấp công đoàn tích cực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả tốt. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn bộc lộ những yếu kém, chưa tạo chuyển biến một cách căn bản về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống công đoàn về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

 Để nhận thức đúng tầm quan trọng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc về công tác dào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, thống nhất tổ chức chỉ đạo trong toàn hệ thống, nhằm thực hiện kế hoạch hoá công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ trung ương đến cơ sở, Tổng Liên đoàn LĐVN hướng dẫn tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 03/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn giai đoạn 2008-2013 như sau:

I. QUAN ĐIỂM:

1. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong diều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ vừa quan trọng cấp thiết, vừa cơ bản lâu dài của tổ chức công đoàn.

2. Đào tạo đại học chính quy tập trung là chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, đào tạo ngắn hạn và bồi dưỡng là giải pháp cấp bách đáp ứng nguồn cán bộ cho tổ chức công đoàn.

3. Hết sức coi trọng việc xây dựng tiêu chuẩn, làm căn cứ tuyển chọn, đào tạo, bố trí, sử dụng và đãi ngộ cán bộ.

II. MỤC TIÊU:

1. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ về số lượng, tót về chất lượng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Hoàn thiện tổ chức và quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống tổ chức công đoàn.

II. TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP

1. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

1.1 Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN xây dựng chiến lược cán bộ đến năm 2020, ban hành cơ chế chính sách làm cơ sở chỉ đạo các cấp công đoàn xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

1.2 Các Ban của Tổng Liên đoàn.

Hàng năm các ban của Tổng Liên đoàn quy hoạch cán bộ làm cơ sở xây dựng, và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức để nâng cao trình độ, nâng ngạch cán bộ, chuyên viên theo quy định; xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng theo chuyên đề của ban. Các kế hoạch gửi về Ban tổ chức trước ngày 15/11 hàng năm để tập hợp trình Đoàn Chủ tịch phê duyệt, thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng nguồn kinh phí.

A. BAN TỔ CHỨC:

- Giúp Đoàn Chủ tịch quản lý về công tác đào tạo của Tổng Liên đoàn, triển khai, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện Nghị quyết 03/NQ-ĐCT Nghị quyết 03/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch về đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn, theo dõi, tập hợp, báo cáo Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn.

- Có kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo và giảng viên kiêm chức công đoàn thuộc LĐLĐ các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn các Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

- Triển khai hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng từ Tổng liên đoàn đến các LĐLĐ địa phương, Công đoàn ngành trung ương, Công đoàn các Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ quan và các đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn.

- Nghiên cứu xây dựng quy chế và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; đề án củng cố nâng cao chất lượng đào tạo các trường công đoàn, biên soạn, chỉnh sửa tài liệu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn các cấp.

- Tập hợp quy hoạch, kế hoạch của các ban, đơn vị, hàng năm giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch của các ban, đơn vị đã xây dựng và được Thường trực đoàn Chủ tịch phê duyệt hoặc bổ sung theo chiến lược cán bộ của Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn

B. BAN ĐỐI NGOẠI:

Mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức công đoàn trên thế giới và các tổ chức quốc tế, phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức, cùng các ban có liên quan để trao đổi kinh nghiệm hoạt động công đoàn trong nền kinh tế thị trường, phương pháp đào tạo cán bộ công đoàn. Đồng thời khai thác các nguồn tài trợ đẻ phục vụ cho công tác đào tạo một cách thiết thực, hiệu quả.

C. BAN TÀI CHÍNH:

- Giúp Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quản lý, xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch kinh phí hàng năm (10-15%) của mối cấp công đoàn cho công tác đào tạo cán bộ công đoàn trong toàn hệ thống; hướng dẫn thực hiện chế độ chỉ tiêu và thực hiện thanh quyết toán các nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn theo quy định của Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

- Trực tiếp quản lý, thanh quyết toán nguồn kinh phí đào tạo (10-15%) của cơ quan Tổng Liên đoàn.

2. Trách nhiệm của các Trường công đoàn

2.1 Trường Đại học Công đoàn:

- Trường Đại học Công đoàn tiếp tục hoàn thiện các thủ tục để lập cơ sở II, nhanh chóng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Mở rộng quy mô và các loại hình đào tạo theo hướng đa ngành, đa cấp; nâng cao chất lượng đào tạo, sử dụng các phương tiện kỹ thuật tiến tiến hỗ trợ cho việc dạy và học theo phương pháp tích cực, lý luận gắn với thực tế; đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của các cấp công đoàn và cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội.

- Xây dựng đề án nâng cấp Khoa Công đoàn thành Trung tâm nghiên cứu và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ mạnh (kể cả giảng viên kiêm chức). Tăng cường nghiên cứu lý luận, gắn với thực tiễn về giai cấp công nhân, về tổ chức và hoạt động công đoàn, biên soạn giáo trình, tài liệu, sách tham khảo đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.

- Phối hợp chặt chẽ với các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, các trường công đoàn, LĐLĐ, tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn để thực hiện tốt chức năng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn.

- Giúp các trường công đoàn đào tạo các ngành chuẩn, bằng cấp theo quy định của Bộ giáo dục.

2.2 Trường Đại học Tôn Đức Thắng:

- Trường Đại học Tôn Đức Thắng tiếp tục hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết để xây dựng cơ sở II của Trường tại Quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.

- Xây dựng đề án thành lập Khoa Công đoàn (trên cơ sở sáp nhập Trường Trung cấp Công đoàn thành phố Hồ Chí Minh vào Trường Đại học Tôn Đức Thắng), để đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn dài hạn cho tỉnh phía nam.

2.3. Các Trường Công đoàn:

- Trường đào tạo Cán bộ Công đoàn Hà Nội, Trường Công đoàn Miền Trung – Tây Nguyên, Trường Cán bộ Công đoàn Nam Định, Trường trung cấp Công đoàn Giao thông vận tải, tăng cường nâng cấp, đầu tư các phương tiện điều kiện phục vụ cho dạy và học.

- Nâng cao trình độ, năng lực cán bộ công nhân viên chức, chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, đáp ứng nhu cầu về chất lượng.

- Phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Công đoàn, Trường đại học Tôn Đức Thắng và LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, các đơn vị có liên quan để đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn ở địa phương, khu vực và đào tạo các ngành chuẩn, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Trách nhiệm của LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành TW, CĐ Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

- Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, thực hiện xây dựng quy hoạch cán bộ, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bồi dưỡng; tổ chức triển khai thực hiện việc chọn cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo đúng quy hoạch, kế hoạch đã được Ban Thường vụ phê duyệt, đồng thời hàng năm có bổ sung khi cần thiết. Những đơn vị có trường công đoàn thì giao kế hoạch cho trường hoặc phối hợp với các trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để thực hiện.

- Xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức gồm những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm hoạt động công đoàn, xây dựng quy chế, tạo điều kiện, phương tiện để giảng viên kiêm chức tham gia giảng dạy trong các lớp dào tạo ngắn hạn, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ công đoàn.

- Chọn cán bộ tại Ban Tổ chức – LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, có trình độ đại học trở lên, có khả năng tham mưu giúp việc cho Ban Thường vụ trong việc quản lý, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn.

- Thực hiện tốt việc chọn cử cán bộ, công nhân lao động đi đào tạo theo quy định tại Quyết định số 1375/QĐ-TLĐ ngày 01/9/2006 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn LĐVN về tuyển sinh và đào tạo cán bộ công đoàn hệ đại học chính quy tập trung.

- Tăng cường quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn. Hàng năm, Ban Thường vụ công đoàn các cấp có kế hoạch dành 10-15% nguồn tài chính công đoàn để tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc dạy và học.

- Những đơn vị có trường công đoàn, thực hiện chỉ đạo xây dựng đề án củng cố trường theo hướng, trường công đoàn nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân, do LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW trực tiếp quản lý theo ủy quyền của Tổng Liên đoàn. Dành nguồn kinh phí tự có và tranh thủ các cấp, các ngành bổ sung nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, để trường có điều kiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học theo hướng tích cực. Cán bộ biên chế làm nhiệm vụ quản lý, làm việc chuyên trách tại trường công đoàn phải được quy hoạch ổn định, lâu dài.

Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn báo cáo đánh giá kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn (theo biểu mẫu) gửi về Tổng Liên đoàn (qua Ban Tổ chức) trước ngày 15/11 hàng năm.

IV. PHÂN CẤP TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Công tác đào tạo cán bộ công đoàn

Công tác đào tạo cán bộ công đoàn do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn, trực tiếp quản lý và chỉ đạo thực hiện theo sự phân công, phân cấp quản lý cán bộ của Tổng Liên đoàn. Hàng năm, căn cứ việc thực hiện kế hoạch, tiêu chuẩn cán bộ và nhu cầu nguồn nhân lực để xem xét bổ sung và tổ chức thực hiện kế hoạch.

Các cấp công đoàn căn cứ vào trình độ cán bộ hiện có, tiêu chuẩn cán bộ công đoàn từng cấp và pháp lệnh cán bộ công chức, để bố trí cán bộ đi đào tạo theo thứ tự ưu tiên, đúng chức năng nhiệm vụ, sở trường mà cán bộ đi đào tạo theo thứ tự ưu tiên, đúng chức năng nhiệm vụ, sở trường mà cán bộ đi đào tạo về dự kiến sẽ đảm nhiệm.

2. Công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, bồi dưỡng cho cán bộ cong đoàn là ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ủy Ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn, cán bộ công đoàn chủ chốt, cán bộ phụ trách các chuyên đề thuộc LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

- Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành TW, công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn là ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ủy Ban Kiểm tra đồng cấp và cấp trên trực tiếp cơ sở, cán bộ chủ chốt, cán bộ phụ trách các chuyên đề thuộc LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành địa phương, công đoàn các tổng công ty trực thuộc…

- Liên đoàn lao động quận, huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành địa phương, công đoàn khu công nghiệp, công đoàn Tổng công ty chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cho cán bộ công đoàn là uỷ viên Ban Chấp hành, uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra đồng cấp và công đoàn giáo dục cấp huyện…, cán bộ chủ chốt, cán bộ phụ trách các chuyên đề của công đoàn cơ sở

- Công đoàn giáo dục quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn cơ sở…

- Công đoàn cơ sở chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức bồi dưỡng từ tổ trưởng, tổ phó đến uỷ viên Ban Chấp hành, uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra công đoàn cơ sở.

Các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn, các cấp công đoàn tổ chức triển khai thực hiện theo hướng dẫn này.

 

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Ngàng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 249/HD-TLĐ năm 2008 về tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 03/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công đoàn (năm 2008 – 2013) do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 249/HD-TLĐ
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 19/02/2008
  • Nơi ban hành: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Văn Ngàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/02/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản