Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/HD-VKSTC | Hà Nội, ngày 30 tháng 11 năm 2023 |
Thực hiện Kế hoạch số 157/KH-VKSTC ngày 08/8/2023 của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao triển khai thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam trong ngành Kiểm sát nhân dân. Để bảo đảm việc thí điểm nêu trên được thực hiện theo đúng quy định, VKSND tối cao hướng dẫn VKSND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung VKSND cấp tỉnh) nơi có trại giam thực hiện thí điểm một số nội dung khi tiến hành kiểm sát như sau:
I. Về nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành kiểm sát
Trên cơ sở Quyết định số 3772/QĐ-BCA-C10 ngày 01/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành danh sách các trại giam, được áp dụng thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam (sau đây viết tắt là trại giam thực hiện thí điểm), VKSND cấp tỉnh nơi có trại giam thực hiện thí điểm có trách nhiệm kiểm sát việc thi hành án phạt tù tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Nếu có sự thay đổi về trại giam thực hiện thí điểm thì VKSND cấp tỉnh nơi có trại giam mới được giao thực hiện thí điểm sẽ thực hiện kiểm sát tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
VKSND cấp tỉnh nơi có trại giam thực hiện thí điểm thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức VKSND, Luật Thi hành án hình sự, các quy định của pháp luật có liên quan và quy định của Ngành về kiểm sát thi hành án phạt tù tại các cơ sở giam giữ phạm nhân để thực hiện kiểm sát.
II. Hình thức và nội dung kiểm sát
Kiểm sát việc đưa phạm nhân ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam được thực hiện đồng thời khi tiến hành kiểm sát tại các trại giam (trực tiếp kiểm sát toàn diện 06 tháng /01 lần; trực tiếp kiểm sát đột xuất khi có các vụ việc đột xuất hoặc xét thấy cần thiết phải tiến hành kiểm sát đột xuất hoặc kiểm sát hằng tháng nắm tình hình theo từng nội dung) theo quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.
Khi tiến hành kiểm sát tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam, VKSND cấp tỉnh tiến hành kiểm sát đầy đủ về thủ tục thi hành án, về hồ sơ thi hành án phạt tù, về công tác quản lý, giáo dục và việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người chấp hành án phạt tù theo quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra, cần chú trọng tập trung kiểm sát các nội dung sau:
2.1. Kiểm sát điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lựa chọn tổ chức hợp tác hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.
Ngay sau khi nhận được Thông báo của trại giam được lựa chọn thực hiện thí điểm (quy định tại khoản 6 Điều 10 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP ngày 13/3/2023 của Chính phủ), VKSND có thẩm quyền phối hợp với trại giam được lựa chọn thí điểm thực hiện kiểm sát các nội dung:
- Việc lựa chọn tổ chức hợp tác, thủ tục thành lập, qua kiểm sát phải nắm chắc đối tượng hợp tác là doanh nghiệp (tổ chức có tư cách pháp nhân) có ngành nghề, hàng hóa tiêu thụ trong nước và không thuộc danh mục ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm từ mức độ V trở lên (được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm).
- Doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện thí điểm đồng thời phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn khác, như: Khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam đóng trên địa bàn có tình hình an ninh trật tự xã hội ổn định, khoảng cách đến điểm đóng quân gần nhất của trại giam không quá 50 km và có khả năng thực hiện hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho 01 đội (tổ) phạm nhân trở lên.
- Doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện thí điểm không thuộc sở hữu của cá nhân hoặc tổ chức là người nước ngoài; không liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài hay có vốn đầu tư của nước ngoài; có giấy tờ chứng nhận về quyền sử dụng, sở hữu hợp pháp đối với đất và tài sản gắn liền trên đất.
Lưu ý, trong quá trình kiểm sát cần yêu cầu trại giam cung cấp hợp đồng thỏa thuận nguyên tắc, hợp đồng hợp tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề và Tờ trình, Quyết định phê duyệt thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề của Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an để kiểm sát về thủ tục thành lập, quy mô giam giữ, nội dung hợp tác, nhóm ngành nghề lao động nhằm bảo đảm tính hợp pháp khi thành lập khu lao động và việc tổ chức thực hiện đúng hợp đồng.
Trong quá trình kiểm sát, nếu phát hiện vi phạm về trình tự lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt thành lập khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề của trại giam hoặc Cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Công an không đúng quy định thì kiến nghị hoặc báo cáo về VKSND tối cao (Vụ 8) để kiến nghị theo thẩm quyền.
2.2. Kiểm sát cách thức, tiêu chí lựa chọn phạm nhân đưa ra khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam
Khi tiến hành kiểm sát, yêu cầu kiểm sát chặt chẽ về cách thức, tiêu chí lựa chọn phạm nhân theo đúng quy định tại Điều 6 Nghị định số 09/2023/NĐ-CP ngày 13/3/2023 của Chính phủ (sau đây viết tắt là Nghị định số 09/2023/NĐ-CP) quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 54/2022/QH15). Nếu phát hiện trường hợp phạm nhân không thuộc diện được đưa ra khu lao động ngoài trại giam nhưng vẫn được đưa ra thì VKSND cấp tỉnh phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và thực hiện quyền kiến nghị hoặc kháng nghị theo quy định.
Ngoài ra, cần lưu ý kiểm sát việc trại giam thực hiện thí điểm trong việc phổ biến về các điều kiện, tiêu chuẩn và kiểm sát về nội dung Đơn đề nghị tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam của phạm nhân. Trường hợp thấy có nghi ngờ về sự tự nguyện hoặc phạm nhân không còn nguyện vọng nữa thì Kiểm sát viên, Kiểm tra viên cần kiểm tra, xác minh làm rõ, đề xuất xử lý theo quy định. Tại mỗi cuộc kiểm sát, thông qua việc gặp hỏi và hệ thống sổ sách quản lý, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải lưu ý về việc phản ánh sự tự nguyện, nguyện vọng lao động của phạm nhân, tránh việc ép buộc, không tự nguyện.
2.3. Kiểm sát việc quản lý giam giữ và các điều kiện bảo đảm
VKSND có thẩm quyền kiểm sát việc phân loại, tổ chức quản lý giam giữ bảo đảm thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 2, khoản 5 Điều 30 Luật Thi hành án hình sự và văn bản hướng dẫn có liên quan. Ngoài ra, trong quá trình kiểm sát cần lưu ý về điều kiện an ninh, an toàn tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam cũng như việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam. Quá trình tổ chức lao động, hướng nghiệp dạy nghề phải bố trí đủ số lượng cán bộ, chiến sĩ; chú trọng bố trí, phân công ca trực; việc tuần tra, kiểm tra, lục soát định kỳ, đột xuất nhằm để phát hiện, loại trừ vật cấm, đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ quản giáo trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân.
Khi tiến hành kiểm sát phải yêu cầu cung cấp đầy đủ hệ thống sổ quản lý, kiểm sát việc ghi chép, phản ánh tình hình trong hệ thống sổ, nhất là sổ ghi chép của Cảnh sát quản giáo; phải nắm bắt tình hình xung quanh địa bàn khu lao động, khoảng cách từ khu lao động đến điểm gần nhất của Trại, để đánh giá mức độ ổn định của tình hình an ninh, trật tự xã hội trong đó bảo đảm khu lao động phải tách biệt với khu dân cư sinh sống.
Lưu ý kiểm sát việc bố trí, thiết kế các hạng mục công trình (như buồng giam, khu bếp, vệ sinh, nhà thăm gặp, buồng hạnh phúc, căng tin, hệ thống tường rào, dây thép gai bảo vệ,...), bảo đảm đủ các hạng mục công trình nhằm để phục vụ tốt công tác quản lý và giáo dục phạm nhân; bảo đảm thực hiện đầy đủ chế độ giáo dục, chăm sóc y tế, văn hóa văn nghệ, thể dục, thể thao cho phạm nhân theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. Trường hợp phát hiện thiếu hạng mục công trình gây ảnh hưởng đến công tác quản lý giam giữ, thực hiện các chế độ đối với phạm nhân thì kiên quyết kiến nghị yêu cầu bổ sung, hoàn thiện; Trường hợp các hạng mục công trình chưa bảo đảm, có nguy cơ và là nguyên nhân, điều kiện có thể xảy ra hậu quả nghiêm trọng (như phạm nhân trốn, phạm nhân chết do tự sát hoặc không bảo đảm an toàn trong quản lý giam giữ cũng như quá trình lao động,...) thì kiên quyết kiến nghị yêu cầu tạm dừng hoạt động cho đến khi bổ sung đầy đủ.
2.4. Kiểm sát về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động của phạm nhân
Quá trình kiểm sát yêu cầu trại giam thực hiện thí điểm cung cấp hệ thống sổ sách theo dõi, hạch toán kết quả thu, chi từ hoạt động lao động, học nghề của phạm nhân theo quy định của pháp luật, trong đó chú ý kiểm sát việc lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch học tập, lao động, việc phân phối kết quả lao động theo quy định của pháp luật.
2.5. Kiểm sát việc đưa phạm nhân trở lại trại giam
Yêu cầu kiểm sát chặt chẽ các trường hợp phạm nhân phải được đưa trở lại trại giam ít nhất trước 01 tháng để phục vụ công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng, bao gồm: Phạm nhân sắp chấp hành xong thời hạn phạt tù hoặc được xét, quyết định đặc xá, quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, quyết định giảm hết thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại. Trường hợp phạm nhân có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, vi phạm nội quy về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, v.v... đến mức phải xem xét xử lý kỷ luật thì phải đưa ngay về trại giam để xử lý theo quy định.
2.6. Việc phối hợp xử lý vi phạm, tội phạm
Khi xảy ra các vụ việc đột xuất như phạm nhân trốn, chết (nghi không phải do bệnh lý), phạm tội mới, tai nạn lao động, dịch bệnh...tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam thì VKSND cấp tỉnh nơi có trại giam thực hiện thí điểm chủ động nắm tình hình và phối hợp với VKSND cấp huyện (theo lãnh thổ) để nắm bắt vụ việc; VKSND cấp tỉnh nơi có trại giam có trách nhiệm báo cáo ngay về VKSND tối cao (qua Vụ 8) để được chỉ đạo kịp thời theo quy định. Nếu vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì giải quyết theo trình tự thủ tục tố tụng hình sự và theo lãnh thổ.
- Căn cứ vào nội dung hướng dẫn trên, VKSND cấp tỉnh nơi có trại giam thực hiện thí điểm triển khai nội dung kiểm sát tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề vào Chương trình, Kế hoạch công tác hằng năm của đơn vị cho đến khi hết thời hạn thực hiện thí điểm.
- VKSND cấp tỉnh cần tăng cường phối hợp để nắm bắt, quản lý chặt chẽ tình hình chấp hành pháp luật tại các khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề ngoài trại giam để từ đó đề ra biện pháp kiểm sát phù hợp; kịp thời kiểm sát đột xuất theo yêu cầu, chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên và yêu cầu của Ngành; trong năm khi tiến hành trực tiếp kiểm sát định kỳ 06 tháng cần lựa chọn kiểm sát tại khu lao động ngoài trại giam.
- Trong hoạt động kiểm sát định kỳ, kịp thời bổ sung nội dung này vào Kế hoạch kiểm sát, Đoàn kiểm sát phải ưu tiên bố trí đủ lực lượng, thời gian để trực tiếp kiểm sát việc đưa phạm nhân ra lao động ngoài trại giam.
Trên đây là một số nội dung hướng dẫn Kiểm sát việc thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo Nghị quyết số 54/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội. Yêu cầu VKSND cấp tỉnh chủ động nghiên cứu, tổ chức thực hiện. Quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc trường hợp đột xuất xảy ra thì báo cáo ngay về VKSND tối cao (qua Vụ 8) để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời./.
| KT. VIỆN TRƯỞNG |
- 1Kế hoạch 42/KH-VKSTC năm 2022 kiểm tra công tác Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính; vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 2Quyết định 264/QĐ-VKSTC năm 2022 quy định về lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 3Hướng dẫn 33/HD-VKSTC năm 2022 về nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp lao động cá nhân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 1Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014
- 2Luật Thi hành án hình sự 2019
- 3Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH về Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 4Kế hoạch 42/KH-VKSTC năm 2022 kiểm tra công tác Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính; vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật; công tác kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 5Nghị quyết 54/2022/QH15 về thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam do Quốc hội ban hành
- 6Quyết định 264/QĐ-VKSTC năm 2022 quy định về lập, quản lý, sử dụng hồ sơ kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 7Hướng dẫn 33/HD-VKSTC năm 2022 về nội dung cơ bản trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án tranh chấp lao động cá nhân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- 8Nghị định 09/2023/NĐ-CP hướng dẫn Nghị quyết 54/2022/QH15 thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam
Hướng dẫn 22/HD-VKSTC năm 2023 nội dung cơ bản kiểm sát thí điểm mô hình tổ chức hoạt động tại khu lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam theo Nghị quyết 54/2022/QH15 do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 22/HD-VKSTC
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 30/11/2023
- Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Nguyễn Huy Tiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/11/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra