Hệ thống pháp luật

UBND TỈNH BẾN TRE
SỞ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 205/SXD-QLXD

Bến Tre, ngày 04 tháng 7 năm 2008

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG TÁC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG THIẾT KẾ, THI CÔNG VÀ NGHIỆM THU MÓNG CỌC BÊ TÔNG CỐT THÉP CHO CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG DÂN DỤNG VÀ CÔNG NGHIỆP

Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Bến Tre theo quy định của Luật Xây dựng, Sở Xây dựng Bến Tre hướng dẫn cụ thể một số nội dung thường gặp trong thiết kế, thi công và nghiệm thu móng cọc bê tông cốt thép. Các nội dung khác tuân thủ các quy định hiện hành về tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu và quản lý chất lượng công trình.

I. Quy định chung:

Để đảm bảo chất lượng công trình xây dựng, trong công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu kết cấu móng cọc bê tông cốt thép cho các công trình xây dựng, phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn xây dựng sau:

- Luật Xây dựng;

- Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình;

- Thông tư số 12/2005/TT-BXD ngày 15 tháng 7 năm 2005 của Bộ Xây dựng Hướng dẫn một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng và điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng;

- Quyết định số 1079/2005/QĐ-UB ngày 14 tháng 4 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre về việc ban hành Quy chế đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường các công trình lân cận trong hoạt động xây dựng.

- Các tiêu chuẩn thiết kế:

+ TCXD 160 : 1987 : Khảo sát kỹ thuật phục vụ cho thiết kế và thi công móng cọc;

+ TCXD 189 : 1996: Móng cọc tiết diện nhỏ - Tiêu chuẩn thiết kế;

+ TCXD 190 : 1996: Móng cọc tiết diện nhỏ - Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu;

+ TCXD 205 : 1998 : Móng cọc - Tiêu chuẩn thiết kế.

- Các tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu:

+ TCXD 190 : 1996: Móng cọc tiết diện nhỏ - Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu;

+ TCXDVN 286 : 2003 : Đóng và ép cọc - Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu;

+ TCXDVN 326 : 2004 : Cọc khoan nhồi - Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu;

+ TCXD 88 : 1982 : Cọc - Phương pháp thí nghiệm hiện trường;

+ TCXDVN 269 : 2002 : Cọc - Phương pháp thí nghiệm bằng tải trọng tĩnh ép dọc trục;

+ TCXD 196 : 1997 : Nhà cao tầng - Công tác thử tĩnh và kiểm tra chất lượng cọc khoan nhồi;

+ TCXDVN 359 : 2005 : Cọc - Thí nghiệm kiểm tra khuyết tật bằng phương pháp động biến dạng nhỏ;

+ 22TCN 257 – 2000: Quy định kỹ thuật thi công và nghiệm thu cọc khoan nhồi.

Ngoài các quy định, tiêu chuẩn xây dựng nêu trên, cần tham khảo áp dụng các quy định, tiêu chuẩn hiện hành có liên quan tại thời điểm thực hiện.

II. Đối với công tác thiết kế:

1. Căn cứ vào báo cáo khảo sát địa chất và thuỷ văn của công trình để nghiên cứu chiều dày, thế nằm và đặc trưng cơ lý của các lớp đất. Thăm dò khả năng có các chướng ngại vật dưới đất, có các công trình ngầm lân cận; Xem xét điều kiện môi trường, tiếng ồn và khả năng ảnh hưởng đến các công trình lân cận, chủ đầu tư yêu cầu tư vấn thiết kế có giải pháp móng cọc khoan nhồi hay cọc bê tông cốt thép đã được gia công trước, lựa chọn biện pháp đóng hay ép cọc cho hợp lý. Chỉ thực hiện thiết kế móng cọc khi có đầy đủ số liệu địa chất theo TCXD 160 : 1987 .

2. Tư vấn thiết kế căn cứ vào các tiêu chuẩn xây dựng hiện hành để tính toán và thiết kế chi tiết cho từng loại cọc; từng móng cọc, phải được chủ đầu tư cho tiến hành thẩm tra đạt yêu cầu mới được nghiệm thu sản phẩm thiết kế.

3. Trong hồ sơ thiết kế cần nêu rõ một số yêu cầu chính như sau: Loại cọc, cấu tạo cọc; Chiều dài cọc, cao độ mũi cọc, cao độ đầu cọc; Số lượng cọc; Sức chịu tải của từng cọc và tỷ lệ % cọc cần thí nghiệm kiểm tra tại hiện trường; Lớp bảo vệ cốt thép cho cọc để chống ăn mòn do xâm thực.

4. Chỉ dẫn biện pháp thi công cọc, tuần tự, hướng thi công cọc.

III. Đối với công tác thi công và nghiệm thu:

1. Căn cứ vào hồ sơ thiết kế nhà thầu thi công có trách nhiệm lập biện pháp thi công cọc trình chủ đầu tư phê duyệt.

Trong biện pháp thi công cần nêu rõ: Thiết bị dự định chọn để thi công cọc; Trình tự thi công cọc; Phương pháp kiểm tra; Biện pháp an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến các công trình lân cận; Dự kiến sự cố và cách xử lý; Lập tiến độ thi công.

2. Công tác chuẩn bị mặt bằng thi công:

a. Tiến hành kiểm tra và nghiệm thu mặt bằng thi công (cần chú ý về độ dốc thoát nước của mặt bằng theo yêu cầu thiết kế).

b. Lập lưới trắc đạc định vị các trục móng của công trình; Tọa độ các cọc trong từng móng và trong toàn bộ công trình.

- Cần chú ý tim, cốt của công trình và các cọc theo yêu cầu thiết kế.

- Trong biên bản bàn giao mặt bằng thi công, mốc định vị công trình ghi rõ toạ độ, cao độ theo mốc toạ độ, cao độ chuẩn được quy định trong hồ sơ thiết kế.

3. Kiểm tra vật liệu thi công cọc và cọc thương phẩm:

a. Kiểm tra vật liệu tập kết vào bãi thi công: Tiến hành thí nghiệm kéo thép; thí nghiệm vật liệu cát, đá, xi măng (nếu cần) và thiết kế thành phần cốt liệu cho bê tông cọc theo cấp độ bền thiết kế, kiểm tra nguồn nước sử dụng để đổ bê tông.

b. Kiểm tra đảm bảo sự đồng đều của lớp bê tông bảo vệ cốt thép chủ của cọc (yêu cầu phải có các viên cữ bằng vữa cường độ cao (≥ cường độ bê tông thiết kế) buộc vào cốt thép của cọc trước khi đổ bê tông cọc).

c. Đổ mẫu thử bê tông theo thành phần cốt liệu thiết kế và thí nghiệm đạt yêu cầu cấp độ bền thiết kế trước khi tiến hành đổ bê tông đại trà. Trong trường hợp cần thi công nhanh thì có thể vừa đổ mẫu bê tông để thí nghiệm vừa đổ bê tông đại trà, tuy nhiên đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm nếu kết quả thí nghiệm không đảm bảo cấp độ bền thiết kế.

d. Nghiệm thu cọc bê tông cốt thép sản xuất tại xưởng: phải căn cứ vào các tài liệu nghiệm thu cốt thép, nghiệm thu cốt liệu bê tông, các phiếu thí nghiệm vật liệu, thiết kế thành phần cấp phối mác bê tông, kết quả kéo thép và kết quả thí nghiệm ngoài hiện trường của bê tông cọc; Kiểm tra chiều dày, kích thước bản mã đầu cọc, nhật ký ghi chép cụ thể chi tiết của từng đoạn cọc; Kiểm tra kích thước thực tế của cọc.

4. Chuyên chở và sắp xếp cọc vào đúng vị trí thi công đóng hoặc ép trên mặt bằng thi công (đối với cọc bê tông cốt thép gia công trước mang đi đóng hoặc ép):

a. Xếp từng đoạn cọc trên mặt bằng thành cây cọc theo thiết kế và đánh số thứ tự ký hiệu tránh nhầm lẫn; Đánh dấu chia đoạn lên thành cọc theo chiều dài để theo dõi khi đóng hoặc ép.

b. Xếp cọc phải dùng con kê bằng gỗ để kê cọc ở phía dưới các móc cẩu, không được lăn hoặc kéo cọc bằng dây.

5. Tiến hành thi công cọc.

Các chỉ tiêu thông số kỹ thuật cần áp dụng trong quá trình thi công và nghiệm thu được thực hiện theo các tiêu chuẩn:

a. Đối với cọc khoan nhồi: TCXDVN 326 : 2004 Cọc khoan nhồi - Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu.

b. Đối với cọc đóng hoặc ép: TCXDVN 286 : 2003 Đóng và ép cọc - Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu và TCXD 190 : 1996 Móng cọc tiết diện nhỏ - Tiêu chuẩn thi công và nghiệm thu.

6. Căn cứ vào kết quả thí nghiệm hiện trường, thí nghiệm chất lượng cọc và các tiêu chuẩn áp dụng thí nghiệm kiểm tra chất lượng cọc để tư vấn thiết kế ra quyết định thi công cọc đại trà hoặc thiết kế bổ sung cho phù hợp khả năng chịu lực của nền móng.

7. Hồ sơ nghiệm thu phần móng cọc:

a. Đối với cọc khoan nhồi:

- Hồ sơ thiết kế được duyệt;

- Biên bản nghiệm thu trắc đạc định vị trục móng cọc;

- Kết quả kiểm định chất lượng vật liệu, chứng chỉ xuất xưởng của cốt thép và các loại vật liệu chế tạo trong nhà máy;

- Kết quả thí nghiệm mẫu bê tông;

- Hồ sơ nghiệm thu từng cọc (các biên bản nghiệm thu cốt thép, ván khuôn cọc);

- Bản vẽ hoàn công cọc có thuyết minh sai lệch theo mặt bằng và chiều sâu cùng các cọc bổ sung và các thay đổi thiết kế đã được chấp thuận;

- Các kết quả thí nghiệm kiểm tra độ toàn khối của cây cọc ( thí nghiệm biến dạng nhỏ PIT..,) theo quy định của thiết kế;

- Các kết quả thí nghiệm kiểm tra sức chịu tải của cọc.

b. Đối với cọc đóng hoặc ép:

- Hồ sơ thiết kế được duyệt;

- Biên bản nghiệm thu trắc đạc định vị trục móng cọc;

- Chứng chỉ xuất xưởng của cọc hay biên bản nghiệm thu cọc tại xưởng (nếu cọc sản xuất tại xưởng). Các biên bản nghiệm thu cốt thép và bê tông cọc (nếu cọc sản xuất tại công trường);

- Nhật ký hạ cọc và biên bản nghiệm thu từng cọc (có báo cáo chi tiết các mối nối, đường hàn giữa các đoạn cọc);

- Hồ sơ hoàn công cọc có thuyết minh sai lệch theo mặt bằng và chiều sâu cùng các cọc bổ sung và các thay đổi thiết kế đã được chấp thuận;

- Các kết quả thí nghiệm động cọc đóng (đo độ chối và thí nghiệm PDA nếu có);

- Các kết quả thí nghiệm kiểm tra độ toàn khối của cây cọc - thí nghiệm biến dạng nhỏ PIT theo quy định của thiết kế;

- Các kết quả thí nghiệm nén tĩnh cọc.

Để chất lượng công trình vững bền theo tuổi thọ cấp công trình, công tác thiết kế, thi công và nghiệm thu móng cọc đối với nền đất yếu cần đặc biệt quan tâm. Đề nghị các chủ đầu tư, nhà thầu thiết kế, nhà thầu xây dựng và các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng cần thực hiện tốt các nội dung hướng dẫn này, không tuân thủ hướng dẫn này là không tuân thủ tiêu chuẩn thiết kế, thi công, nghiệm thu và quản lý chất lượng công trình; Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị gửi văn bản về Sở Xây dựng để tổng hợp giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng (báo cáo);
- UBND tỉnh Bến Tre (báo cáo);
- Các Sở: GTVT, CN, NN&PTNT;
- UBND các huyện, thị (để triển khai);
- Các chủ đầu tư có XDCT (để triển khai);
- GĐ, Phó GĐ-SXD;
- Phòng QLXD/TTr-SXD;
- Ban QLDA chuyên ngành XD;
- TT Tư vấn và Kiểm định XD;
- Lưu VT.

KT.GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Bùi Trang Thuận

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 205/SXD-QLXD công tác quản lý chất lượng thiết kế, thi công và nghiệm thu móng cọc bê tông cốt thép cho công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp do Sở Xây dựng tỉnh Bến Tre ban hành

  • Số hiệu: 205/SXD-QLXD
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 04/07/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bến Tre
  • Người ký: Bùi Trang Thuận
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/07/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản