ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1926/HDLN-GD&ĐT-TC | Thanh Hóa, ngày 13 tháng12 năm 2010 |
HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH
VỀ VIỆC: MỨC THU VÀ QUẢN LÝ SỬ DỤNG TIỀN DẠY THÊM HỌC THÊM
Thực hiện Quyết định số: 3573/2010/QĐ-UBND ngày 08/10/2010 của UBND Tỉnh về việc ban hành quy định về dạy thêm học thêm;
Liên ngành Giáo dục và Đào tạo – Sở Tài chính hướng dẫn mức thu và quản lý, sử dụng tiền dạy thêm, học thêm như sau:
1. Căn cứ và nguyên tắc xác định mức thu:
- Căn cứ nhu cầu học tập của học sinh và gia đình phụ huynh học sinh, điều kiện kinh tế của từng vùng, miền của địa phương trên địa bàn học sinh học tập.
- Các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm có thu tiền (nếu được phép), chỉ được thu tiền phục vụ trực tiếp cho dạy thêm, học thêm trên nguyên tắc đảm bảo thu đủ chi, ngoài ra không được thu bất cứ khoản nào khác.
2. Qui định mức thu:
Để phù hợp với điều kiện kinh tế từng vùng, miền trên địa bàn học sinh học tập và phù hợp với việc dạy thêm trong nhà trường và dạy thêm ngoài nhà trường Liên ngành hướng dẫn mức thu như sau:
2.1. Mức thu dạy thêm trong nhà trường:
a. Đối tượng áp dụng: các trường THCS và THPT
b. Mức thu: Mức tối đa 8.000đ/buổi/1HS
c. Đối tượng không thu tiền học thêm:
- Phụ đạo học sinh yếu, kém.
- Bồi dưỡng học sinh được tuyển chon tham gia dự kỳ thi học sinh giỏi các cấp.
2.2. Mức thu dạy thêm ngoài nhà trường:
Mức thu do thoả thuận giữa người học hoặc cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân thực hiện dạy thêm, tối đa:
- 15.000đ/buổi/1HS đối với lớp từ 30 đến 45 HS.
- 20.000đ/buổi/1HS đối với lớp từ 20 đến 30 HS.
- 40.000đ/buổi/1HS đối với lớp từ 10 đến dưới 20HS
- 50.000đ/buổi/1HS đối với lớp dưới 10 HS
Các mức thu trên tại thời điểm mức lương tối thiểu hiện hành là 730.000 đồng, khi mức lương tối thiểu của nhà nước quy định thay đổi, các tổ chức, cá nhân dạy thêm được quyết định điều chỉnh mức thu tương ứng cho phù hợp nếu thấy cần thiết.
3. Quản lý và sử dụng tiền dạy thêm học thêm:
3.1. Đối với dạy thêm trong nhà trường:
Căn cứ nguồn kinh phí thu được, thủ tưởng đơn vị quyết định mức chi cho từng nội dung thông qua Hội đồng nhà trường đảm bảo công khai, dân chủ và đưa vào quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị để thực hiện theo nguyên tắc sau:
a. 80% chi cho giáo viên trực tiếp giảng dạy;
b. 20% chi phí phục vụ trực tiếp cho việc dạy thêm, học thêm. Bao gồm các nội chi cụ thể:
- Chi phí công tác quản lý, tổ chức và kiểm tra lớp học thêm tối đa 5 %.
- Tối thiểu 15 % chi các nội dung:
+ Chi phí sửa chữa, mua sắm đầu tư trang thiết bị.
+ Chi trả tiền điện thắp sáng, quạt , nước uống.
+ Vệ sinh, bảo vệ..
+ Chi phí khác
Các trường phải mở đầy đủ các loại sổ sách theo dõi việc thu và sử dụng kinh phí từ nguồn thu dạy thêm, học thêm theo quy định. Các khoản thu phải được theo dõi đầy đủ trên hệ thống sổ sách của nhà trường, nghiêm cấm mọi trường hợp để ngoài sổ sách các khoản thu, chi từ nguồn thu dạy thêm học thêm..
3.2 Đối với dạy thêm ngoài nhà trường:
Tổ chức, cá nhân được phép tổ chức dạy thêm, học thêm quyết định chi cho các nội dung:
- Chi phí cho giáo viên trực tiếp giảng dạy; chi phí phục vụ trực tiếp dạy thêm học thêm; chi phí cho việc thuê, mượn phòng học; đầu tư trang thiết bị và các khoản chi khác phục vụ dạy thêm, học thêm.
- Thực hiện nghĩa vụ tài chính, thuế theo quy định;
- Khuyến khích tham gia Quỹ khuyến học, Quỹ đầu tư giáo dục cho địa phương. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các đơn vị và các tổ chức, cá nhân phản ánh về Liên Ngành để được hướng dẫn, giải quyết./.
GIÁM ĐỐC | KT.GIÁM ĐỐC |
Nơi nhận: |
Hướng dẫn 1926/HDLN-GD&ĐT-TC về mức thu và quản lý sử dụng tiền dạy, học thêm do Sở Giáo dục và Đào tạo - Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa ban hành
- Số hiệu: 1926/HDLN-GD&ĐT-TC
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 13/12/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
- Người ký: Ngô Đình Chén, Lê Xuân Đồng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 13/12/2010
- Ngày hết hiệu lực: 06/08/2012
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực