Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1314/TLĐ

Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2002

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG ĐOÀN THAM GIA THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 41/2002/NĐ-CP NGÀY 11/4/2002 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LAO ĐỘNG DÔI DƯ DO SẮP XẾP LẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

 

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn Việt Nam; căn cứ Điều 11 Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ về chính sách đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn nội dung hoạt động của công đoàn thực hiện NĐ 41/CP như sau:

I. NHIỆM VỤ CỦA CÔNG ĐOÀN CẤP TRÊN CƠ SỞ:

1. Tổ chức tuyên truyền phổ biến trong công nhân viên chức - lao động về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về sắp xếp lại DNNN; về chính sách đối với lao động dôi dư quy định tại NĐ41/CP và các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành để CNVCLĐ hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong quá trình sắp xếp lại DNNN.

2. Tổ chức tập huấn cho công đoàn cấp dưới và công đoàn cơ sở về nhiệm vụ của mình trong quá trình tham gia lập phương án sắp xếp lao động, trình tự các bước tiến hành phân loại lao động, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai tạo điều kiện cho DNNN hoạt động có hiệu quả sau khi sắp xếp lại.

3. Tham gia kiểm tra, thẩm định phương án sắp xếp lao động, danh sách lao động dôi dư, dự toán kinh phí chi trả trợ cấp cho lao động dôi dư trước khi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

4. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, chế độ đối với lao động dôi dư; nắm bắt, tập hợp những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đề xuất giải pháp xử lý và phản ánh kịp thời với công đoàn cấp trên và cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu giải quyết.

5. Tham gia với chính quyền đồng cấp kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của CNVC, LĐ thuộc phạm vi thẩm quyền của mình.

6. Rà soát lại năng lực đào tạo của cơ sở dạy nghề trực thuộc, đề nghị với các cơ quan chức năng  xem xét  đưa cơ sở dạy nghề của công đoàn đủ điều kiện dạy nghề cho lao động dôi dư.

7. Định kỳ 6 tháng, một năm gửi báo cáo lên công đoàn cấp trên về kết quả sắp xếp DNNN thuộc Tổng công ty, ngành, địa phương; tình hình lao động dôi dư và kết quả thực hiện chính sách, chế độ đối với lao động dôi dư theo NĐ41/CP.

II. NHIỆM VỤ CỦA BAN CHẤP HÀNH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ (DOANH NGHIỆP):

1. Phối hợp với chuyên môn tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách đối với lao động dôi dư quy định tại NĐ 41/CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện của các Bộ, ngành tới toàn thể công nhân lao động.

2. Tham gia xây dựng phương án sắp xếp lao động và giải quyết chế độ đối với lao động dôi dư theo quy định của các văn bản hiện hành, đảm bảo các bước sau:

a- Tham gia cùng với giám đốc xây dựng các tiêu thức làm căn cứ để phân loại lao động của doanh nghiệp; tổ chức lấy ý kiến tham gia của CNVCLĐ trước khi ký ban hành; niêm yết công khai trong doanh nghiệp.

b- Cùng với giám đốc tổ chức phân loại lao động theo các tiêu thức đã ban hành. Việc phân loại lao động phải tiến hành từ tổ sản xuất, phòng, ban, phân xưởng hoặc đội sản xuất. Kết quả phân loại lao động phải được lập thành biên bản  có chữ ký của đại diện chuyên môn và công đoàn đồng cấp. Tổng hợp kết quả phân loại kinh doanh, lập Danh sách phân loại lao động theo mẫu quy định  tại Thông tư 11/2002/TT-BLĐTBXH; niêm yết công khai tại trụ sở doanh nghiệp và các phân xưởng hoặc đội sản xuất của doanh nghiệp.

c- Mở Đại hội công nhân viên chức (hoặc Đại hội công nhân viên chức bất thường) để lấy ý kiến CNVC-LĐ về phương án sắp xếp lao động; trên cơ sở đó hoàn chỉnh phương án trình cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Một số điểm chú ý khi xây dựng phương án:

- DNNN thực hiện giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê khi xây dựng tiêu thức phân loại lao động phải phối hợp cùng giám đốc trao đổi với bên nhận doanh nghiệp để thoả thuận thống nhất.

- DNNN giải thể, phá sản: Đại diện BCH công đoàn tham gia trong hội đồng giải thể (đối với doanh nghiệp giải thể), tổ quản lý tài sản và tổ thanh toán tài sản (đối với doanh nghiệp phá sản) cần kiểm tra chặt chẽ quá trình  lập danh sách toàn bộ CNLĐ đến thời điểm có Quyết định giải thể (hoặc phá sản). Chú ý tới số lao động đang chờ việc không hưởng lương, chưa giải quyết chế độ.

- Trường hợp cả 2 vợ chồng,hoặc người lao động chính của gia đình xếp vào loại lao động dôi dư là công đoàn đề nghị với giám đốc xem xét để lại người có đủ sức khoẻ để sắp xếp vào công việc thích hợp hoặc cho đi đào tạo nghề để bố trí vào công việc mới (trừ khi doanh nghiệp bị giải thể, phá sản).

3- Tham gia cùng với giám đốc rà soát lại hơ sơ của lao động dôi dư. Trường hợp hơ sơ còn thiếu điều kiện làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ trợ cấp đối với người lao động thì đề nghị  cơ quan Lao động, Bảo hiểm xã hội địa phương hướng dẫn và có biện pháp giúp người lao động hoàn chỉnh hơ sơ.

4- Phân công cán bộ công đoàn có nghiệp vụ chuyên môn tham gia kiểm tra kết quả dự toán kinh phí trợ cấp cho từng nhóm đối tượng trong danh sách lao động dôi dư; xác định rõ kinh phí doanh nghiệp tự lo và phần kinh phí đề nghị Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư cấp.

5- Thông báo cho CNVC,LĐ biết quy trình thanh toán, lịch thanh toán tổ chức việc thanh toán bảo đảm chính xác đối tượng, đầy đủ các khoản trợ cấp cho từng người, nhanh, gọn, dứt điểm, tránh để CNVC,LĐ phải đi lại nhiều lần. Trường hợp vì lý do nào đó mà không trực tiếp nhận tiền trợ cấp được thì công đoàn đề nghị với giám đốc và cơ quan có thẩm quyền để thân nhân nhận thay theo uỷ quyền của người đó. Sau khi người lao động đã nhận đủ các khoản trợ cấp theo quy định thì mới xóa tên khỏi danh sách lao động của doanh nghiệp.

6- Tư vấn, giới thiệu lao động dôi dư có nguyện vọng học nghề đến học nghề tại các cơ sở dạy nghề đã được cơ quan chức năng chỉ định dạy nghề cho lao động dôi dư.

7- Những vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách đối với lao động dôi dư tại cơ sở cần kịp thời phản ánh lên công đoàn cấp trên và cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết.

Chính sách hỗ trợ lao động dôi dư quy định tại NĐ41/CP có hiệu lực thực hiện từ ngày 26/4/2002 đến 31/12/2005 là chính sách liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của CNVC,LĐ trong quá trình sắp xếp lại DNNN. Việc giải quyết chính sách cho người lao động phải qua nhiều bước, liên quan đến nhiều Bộ, ngành khác nhau. Để bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền lợi cho lao động dôi dư, tránh sai sót hoặc lợi dụng làm sai chính sách của nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các cấp công đoàn quán triệt và triển khai tốt các nhiệm vụ nêu trên.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc cần phản ánh kịp thời về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LĐ VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Chiến