Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ CÔNG AN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/HD-BCA | Hà Nội, ngày 25 tháng 07 năm 2013 |
LẬP HỒ SƠ, DANH SÁCH ĐỀ NGHỊ ĐẶC XÁ NĂM 2013
Ngày 07 tháng 9 năm 2011, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 63/2011/TT-BCA quy định các loại biểu mẫu, sổ sách về công tác thi hành án hình sự, trong đó có các biểu mẫu về công tác đặc xá (từ biểu mẫu PT61 đến PT70). Để thống nhất trong việc lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá, Bộ Công an hướng dẫn lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá năm 2013 như sau:
I. NỘI DUNG THÔNG TIN CÁC BIỂU MẪU
- Phạm nhân được đề nghị đặc xá phải viết “Đơn xin đặc xá”, phần sơ lược lý lịch và các thông tin khác viết đúng theo bản án đã tuyên, (nếu nơi về cư trú mà địa danh hành chính đã thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính mới). Phần tự nhận xét quá trình chấp hành án phạt tù, phải theo nội dung 4 tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù.
- Đơn xin đặc xá viết 02 bản: 01 bản lưu hồ sơ phạm nhân; 01 bản đưa vào hồ sơ đề nghị đặc xá.
Bản cam kết, phần sơ lược lý lịch và các thông tin khác viết như “Đơn xin đặc xá”. Phần cam kết phải hướng dẫn phạm nhân viết đủ các nội dung sau:
- Trở về nơi đăng ký thường trú đúng thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đặc xá;
- Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và các quy định của chính quyền địa phương;
- Tiếp tục thực hiện đầy đủ hình phạt bổ sung, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, nộp án phí và các nghĩa vụ dân sự khác (nếu có);
- Chịu sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương trong thời gian chưa được xóa án tích.
Bản cam kết viết 03 bản: 01 bản lưu hồ sơ phạm nhân; 01 bản đưa vào hồ sơ đề nghị đặc xá và 01 bản gửi kèm “Giấy chứng nhận đặc xá” (Mẫu PT70), để chính quyền địa phương tiếp tục theo dõi, quản lý (nếu người đó được đặc xá).
Trong trường hợp phải nhờ phạm nhân khác viết hộ Đơn xin đặc xá và Bản cam kết thì phải ghi rõ họ tên phạm nhân viết hộ, ở đội, phân trại, trại giam; có xác nhận của cán bộ quản giáo phụ trách đội (ghi rõ cấp bậc, họ tên) và phạm nhân xin được đặc xá phải điểm chỉ vào phần cuối đơn.
Những phạm nhân không cam kết hoặc cam kết không đầy đủ các nội dung trên thì không đề nghị đặc xá.
- Góc trái trên ghi tên đơn vị chủ quản, tên trại giam, trại tạm giam xác nhận.
Ví dụ:
TỔNG CỤC VIII
TRẠI GIAM THỦ ĐỨC
hoặc:
CÔNG AN TP HÀ NỘI
TRẠI TẠM GIAM SỐ 2
- Giấy xác nhận phạm nhân tự nguyện chấp hành hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Phần sơ lược lý lịch và các thông tin khác viết như “Đơn xin đặc xá”. Mục (1): Ghi rõ nộp tiền này để thực hiện chấp hành khoản nào: (hình phạt bổ sung là phạt tiền hay là các khoản bồi thường thiệt hại, án phí hình sự, án phí dân sự). Mục (2): Chuyển đến cơ quan Thi hành án dân đã ra quyết định thi hành án.
Trại giam, trại tạm giam tổng hợp và lập danh sách số phạm nhân đã tự nguyện thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp tiền thực hiện án phí hình sự, án phí dân sự, tiền truy thu, bồi thường thiệt hại khác theo từng tỉnh, thành phố nơi ra quyết định thi hành án phạt tù, cấp giấy xác nhận việc đã thực hiện các khoản tiền nói trên theo Quyết định của Tòa án cho phạm nhân và thông báo cho Cơ quan thi hành án dân sự đó đến thu.
Giấy xác nhận phạm nhân tự nguyện chấp hành hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác viết 02 bản: 01 bản đưa vào hồ sơ đề nghị đặc xá. 01 bản chuyển đến cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án.
4. Quyết định về việc công nhận kết quả thi đua chấp hành án phạt tù (Mẫu PT63)
Trong Quyết định cần ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu, trong đó, chú ý ghi rõ: từ ngày 26/5/2013 đến ngày Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam họp, được đánh giá cải tạo Tốt.
5. Lập phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân (Mẫu PT69)
5.1. Hình thức phiếu
- Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân được đánh máy vi tính, Font chữ Unicode, cỡ 14, khổ giấy A4.
Góc trái trên ghi tên đơn vị chủ quản, tên trại lập phiếu, số phiếu, số phiếu đề nghị đặc xá phải trùng với số thứ tự trong danh sách đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam.
Ví dụ:
TỔNG CỤC VIII
TRẠI GIAM THỦ ĐỨC
Số phiếu: 90
CÔNG AN TP HÀ NỘI
TRẠI TẠM GIAM SỐ 2
Số phiếu: 15
- Ngày lập phiếu: Ghi ngày họp Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam.
- Đợt... ngày ... tháng ... năm ...: Ghi Đợt 02/9 ngày ... tháng ... năm 2013.
5.2. Nội dung phiếu đề nghị đặc xá
a) Sơ lược lý lịch
- Họ tên, họ tên khác: Phải viết bằng chữ in hoa, có đủ dấu, chính xác như hồ sơ gốc (trong bản án đang chấp hành).
Ví dụ: NGUYỄN VĂN THÀNH; họ tên khác: Nguyễn Chí Trung (nếu không có tên khác thì để trống)
- Giới tính. Ghi rõ là nam hay nữ.
- Năm sinh: Ghi năm sinh, không ghi tuổi. Riêng phạm nhân khi phạm tội là người chưa thành niên, nếu hồ sơ gốc có ghi ngày, tháng, năm sinh thì phải ghi vào phiếu đầy đủ ngày, tháng, năm sinh.
- Nguyên quán: Ghi theo Bản án.
- Nơi ĐKTT: Ghi chính xác thôn (bản, sóc), xã, huyện, tỉnh hoặc số nhà, phố, phường, thị xã hoặc thành phố; cơ quan, xí nghiệp thì phải ghi rõ địa danh nơi cơ quan, đơn vị đóng; đơn vị bộ đội thì ghi nơi đăng ký thường trú theo bản án đang chấp hành. Nếu địa danh hành chính thay đổi phải ghi theo địa danh hành chính mới.
- Nơi về cư trú: Ghi chính xác thôn (bản, sóc), xã, huyện, tỉnh hoặc số nhà, phố, phường, quận, thị xã hoặc tỉnh, thành phố. Trường hợp trong hồ sơ phạm nhân có nhiều địa chỉ khác nhau, phải nghiên cứu thật kỹ, xác định cho đúng địa chỉ nơi thường trú trước khi bị bắt. Nếu nơi tha về địa danh hành chính đã thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính mới. Trường hợp chưa rõ phải trực tiếp gặp phạm nhân để xác định cho chính xác.
Nếu nơi đăng ký thường trú trước khi bị bắt của phạm nhân có sự thay đổi do thay đổi chỗ ở của gia đình thì ghi nơi tha về theo chỗ ở mới của gia đình.
- Dân tộc: Ghi rõ phạm nhân là người dân tộc nào?
- Quốc tịch: Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ để xác định chính xác phạm nhân mang quốc tịch nước nào thì ghi quốc tịch đó, nếu là người nước ngoài, không rõ quốc tịch thì ghi "không rõ quốc tịch".
- Tôn giáo: Phạm nhân theo tôn giáo nào thì ghi tôn giáo đó. Nếu không theo tôn giáo nào thì ghi: không.
- Trình độ học vấn: Ghi rõ trình độ học vấn của phạm nhân theo hệ nào. Ví dụ: lớp 7/10 (hệ 10 năm), lớp 9/12 hoặc 12/12 (hệ 12 năm), Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp.
- Nghề nghiệp trước khi bị bắt: Phải nghiên cứu kỹ hồ sơ để ghi chính xác nghề nghiệp của phạm nhân trước khi bị bắt. Nếu phạm nhân có nhiều nghề thì lấy nghề có thu nhập chính. Nếu không có nghề thì ghi: Không nghề.
- Tội danh: Ghi đúng tội danh như trong bản án đã tuyên, trường hợp phạm nhiều tội khác nhau thì phải ghi đủ các tội danh theo thứ tự tội nặng trước, tội nhẹ sau.
- Ngày bắt: Ghi ngày, tháng, năm bị bắt theo bản án đang chấp hành.
- Án phạt: Ghi rõ bao nhiêu năm ? bao nhiêu tháng ? bao nhiêu ngày ? (ghi chính xác như trong bản án), nếu án phạt tù là Chung thân ghi: Chung thân.
- Được trừ tạm giam: Ghi rõ bao nhiêu năm, tháng, ngày.
- Theo Bản án số .... ngày .../ .../ ... của Tòa án nào hoặc Quyết định tổng hợp bản án số .... ngày .../ .../ ... của Tòa án nào (nếu trường hợp có nhiều bản án có Quyết định tổng hợp bản án của Tòa án).
- Quyết định thi hành án: Ghi rõ số ngày .../ .../ ... của Tòa án nào.
- Đến trại giam (trại tạm giam) ngày .... tháng ... năm. Đến trại giam chấp hành án phạt tù ngày, tháng, năm nào thì ghi rõ ngày, tháng, năm đó.
+ Từ trại tạm giam chuyển sang phân trại quản lý phạm nhân trong trại tạm giam: Ghi ngày, tháng, năm chuyển sang phân trại theo Quyết định của Cục quản lý trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng (trước đây) hoặc Quyết định của Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.
+ Từ trại giam này chuyển đến trại giam khác thì lấy ngày, tháng, năm đến trại giam mới.
+ Ở trại giam trích xuất đi, khi hết thời hạn trở về trại giam cũ, thì vẫn giữ nguyên ngày đến trại giam.
- Thời gian trốn khỏi nơi giam: Ghi cụ thể bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày (tính từ ngày trốn đến ngày bị bắt lại, trường hợp trốn nhiều lần thì phải tổng hợp thời gian các lần trốn để ghi cho chính xác).
- Thời gian tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù: Ghi cụ thể bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày (tính từ ngày tạm đình chỉ đến ngày đến trại giam, trại tạm giam tiếp tục chấp hành án phạt tù), trường hợp tạm đình chỉ nhiều lần thì phải tổng hợp thời gian các lần tạm đình chỉ để ghi cho chính xác.
- Thời gian đã thực sự chấp hành án phạt tù: Tính đến ngày 31/08/2013, là bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày.
+ Thời gian tạm giam, tạm giữ, trích xuất và bắt buộc chữa bệnh được tính vào thời gian thực sự chấp hành án phạt tù.
+ Thời gian trốn khỏi nơi giam, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù không được tính vào thời gian chấp hành án phạt tù.
- Đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù: Ghi rõ số lần được giảm, tổng cộng được bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng. Đối với án chung thân nếu đã được giảm xuống 20 năm thì phải ghi rõ đã giảm xuống 20 năm và mấy năm, mấy tháng (nếu có).
- Thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại: Là mức án Tòa án đã tuyên (đối với án chung thân đã được giảm xuống 20 năm thì lấy mức 20 năm) trừ đi thời gian thực sự chấp hành án phạt tù và thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, thời gian trích xuất, bắt buộc chữa bệnh (nếu có).
- Tiền án: Ghi rõ có mấy tiền án; từng tiền án ghi rõ: Năm xử, phạm tội gì, Tòa án nào xử, mức án. Ví dụ: Năm 2003, phạm tội trộm cắp, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử 2 năm tù ... Nếu đã được xóa án tích thì không ghi tiền án đó nữa.
- Tiền sự: Ghi rõ số lần. Nếu bị tập trung cải tạo, bị xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, trường phổ thông công nông nghiệp, trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh thì ghi rõ thời gian bao nhiêu, từ năm nào đến năm nào về hành vi gì, người quyết định.
- Hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác: Căn cứ bản án Tòa án đã tuyên, ghi đầy đủ các nội dung theo mẫu phiếu. Nếu thực hiện sau khi có quyết định thi hành án phạt tù thì ghi vào phần ghi chú là: Thực hiện trong khi chấp hành án phạt tù.
Nếu hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại bằng hiện vật, vàng, ngoại tệ .... thì phải ghi rõ số lượng, chủng loại và quy đổi ra tiền Việt Nam theo tỷ giá hiện tại (ngày trại giam, trại tạm giam lập phiếu) bao nhiêu tiền.
- Hình phạt bổ sung khác:
Nếu có nhiều hình phạt bổ sung khác thì phải ghi đủ theo bản án như:
+ Quản chế thì ghi rõ thời hạn quản chế là bao lâu?
+ Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, thì ghi cấm đảm nhiệm chức vụ gì? cấm hành nghề hoặc làm công việc gì? thời hạn cấm là bao lâu?
+ Nếu cấm cư trú thì ghi rõ cấm cư trú ở địa phương nào? thời hạn bao lâu?
+ Tước một số quyền công dân thì tước quyền gì? thời hạn bao lâu?
- Tóm tắt quá trình phạm tội: Ghi rõ thời gian, địa điểm xảy ra vụ án, tính chất, mức độ, hậu quả và vai trò, vị trí trong vụ án.
b) Tình trạng sức khoẻ hiện nay: Ghi rõ tình trạng sức khoẻ của phạm nhân hiện tại. Nếu sức khoẻ bình thường thì ghi bình thường. Nếu già yếu thì ghi già yếu, nếu mắc bệnh hiểm nghèo thì ghi rõ bệnh.
c) Tình tiết ưu tiên: Ví dụ: bản thân được tặng Huân chương gì? hạng mấy? Là con liệt sỹ, con bà mẹ Việt Nam anh hùng ... là vợ, chồng hoặc anh, chị, em ruột của liệt sỹ phải ghi rõ mối quan hệ của phạm nhân với người đó.
- Nếu phạm nhân lập công trong quá trình chấp hành án phạt tù thì ghi rõ “lập công”.
- Phạm nhân bị bệnh hiểm nghèo có đầy đủ tài liệu chứng minh thì phải ghi cụ thể là bệnh gì?
- Phạm nhân có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn ghi rõ “Hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn”.
* Phạm nhân có nhiều tình tiết ưu tiên thì phải ghi đầy đủ (Lưu ý: Chỉ ghi các tình tiết được quy định trong Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá).
d) Quan hệ gia đình: Ghi cụ thể họ tên, năm sinh, nghề nghiệp, chỗ ở của bố, mẹ, vợ, chồng, con. Nếu đã chết thì ghi chết, nếu chưa có chồng, vợ, con thì ghi chưa có.
đ) Xếp loại chấp hành án phạt tù: Ghi rõ kết quả xếp loại đối với từng mức án theo Hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá: xếp loại năm thì lấy kết quả xếp loại năm; xếp loại 6 tháng thì ghi 6 tháng; xếp loại quý thì ghi quý.
Thời gian tiếp theo được tính từ ngày 26/05/2013 đến ngày họp của Hội đồng xét, đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam. Đối với những trường hợp được thiếu kỳ xếp loại một quý, một hoặc hai kỳ 6 tháng thì phải là những người chấp hành tốt nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ và có nhận xét đánh giá đủ trong phiếu cho đến thời gian có xếp loại.
e) Ý kiến tập thể đội phạm nhân
Ghi kết quả phạm nhân trong đội bỏ phiếu kín, tổng số bao nhiêu phạm nhân, có mặt dự họp bình xét bỏ phiếu kín là bao nhiêu, có bao nhiêu phiếu đề nghị đặc xá, bao nhiêu phiếu không đề nghị đặc xá (ghi rõ tỉ lệ %).
g) Nhận xét và đề nghị của Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam
- Căn cứ vào điều kiện, đặc xá năm 2013 để ghi nhận xét, đánh giá cụ thể đối với từng trường hợp, đúng với hồ sơ và quá trình chấp hành án phạt tù.
- Phần đề nghị phải ghi rõ: “Hội đồng xét, đề nghị đặc xá trại .................. đề nghị đặc xá cho phạm nhân Nguyễn Văn A”.
Chủ tịch Hội đồng, Giám thị, ký tên, đóng dấu.
h) Ý kiến của Công an tỉnh, thành phố.
Điểm này chỉ sử dụng trong Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù trong trại tạm giam và cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quản lý, Giám đốc hoặc Phó Giám đốc là Trưởng Tiểu ban chỉ đạo về đặc xá ký tên, đóng dấu.
i) Ý kiến của Tổ thẩm định liên ngành: Ghi rõ "Đủ điều kiện đề nghị đặc xá” hay “Không đủ điều kiện đề nghị đặc xá”. Trường hợp không đủ điều kiện, thì phải ghi rõ lý do.
6. Giấy chứng nhận đặc xá (Mẫu PT70)
“Giấy chứng nhận đặc xá”: Ghi đúng như trong mẫu đã hướng dẫn, góc trái dòng trên ghi tên đơn vị chủ quản, dòng dưới ghi tên trại (như hướng dẫn ghi phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân). “Giấy chứng nhận đặc xá” do Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam ký.
Số “Giấy chứng nhận đặc xá” lấy theo thứ tự trong sổ theo dõi phạm nhân chấp hành xong án phạt tù trong năm của trại giam, trại tạm giam.
7. Nội dung các loại mẫu khác.
Các loại mẫu khác như: Biên bản họp đội (tổ) phạm nhân bình xét, giới thiệu người được đề nghị đặc xá (Mẫu PT65); Biên bản họp Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam (Mẫu PT66); Danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá và các danh sách người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, phạm tội liên quan an ninh quốc gia, người có quốc tịch nước ngoài đủ điều kiện đề nghị đặc xá (Mẫu PT68, sử dụng cho cả trại giam, trại tạm giam và Công an cấp tỉnh); Thống kê số liệu người được đặc xá năm 2013 (Mẫu PT67).
II. LẬP DANH SÁCH NGƯỜI ĐỦ ĐIỀU KIỆN ĐỀ NGHỊ ĐẶC XÁ
- Danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá (Mẫu PT68).
- Danh sách người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia đủ điều kiện đề nghị đặc xá (Mẫu PT68).
- Danh sách người phạm tội liên quan an ninh quốc gia đủ điều kiện đề nghị đặc xá (Mẫu PT68).
- Danh sách người có quốc tịch nước ngoài đủ điều kiện đề nghị đặc xá (Mẫu PT68), có quốc tịch nước nào ghi rõ quốc tịch nước đó vào cột ghi chú.
2. Tổ thẩm định liên ngành sử dụng biểu mẫu và lập danh sách:
- Biên bản thẩm định danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá (theo mẫu)
- Danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá (theo mẫu).
* Những người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá thì gạch tên trong danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá, giữ nguyên số phiếu, số thứ tự, chuyển sang danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá.
- Các loại danh sách được lập theo thứ tự vần A, B, C và đánh máy vi tính Font chữ: Unicode, khổ giấy: A4.
- Cần ghi cụ thể, chính xác, đầy đủ các cột mục đúng như hồ sơ gốc và Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân.
- Góc trái trên ghi Hội đồng xét đề nghị đặc xá, dưới ghi trại…………. Nếu là Công an tỉnh, thành phố thì ghi “CÔNG AN TỈNH (TP) ……………….. ".
- Tổng số người: Ghi rõ tổng số người theo từng loại danh sách cụ thể.
- Mục số thứ tự: số thứ tự trong danh sách ghi đúng theo số thứ tự của Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân.
- Họ tên, năm sinh: Ghi đúng với họ tên, năm sinh theo Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân, nếu có tên khác thì xuống dòng ghi tên khác trong dấu ngoặc đơn (); dòng trên ghi họ tên bằng chữ in hoa, dòng dưới ghi năm sinh.
- Giới tính: Là nam ghi nam, là nữ ghi nữ.
- Nơi ĐKTT: Ghi đầy đủ xã, huyện, tỉnh. Đối với thành phố, thị xã ghi rõ số nhà, đường, phố, phường, quận ...
- Cột xếp loại cải tạo nếu các kỳ đều xếp loại tốt thì ghi “Tốt”. Nếu các kỳ đều xếp loại khá thì ghi “Khá ”. Nếu các kỳ xếp loại cả khá, tốt thì ghi “Khá, Tốt”, không ghi cụ thể năm nào xếp loại gì.
+ Riêng cột ghi chú: Ghi rõ những thông tin khác như thời gian tạm đình chỉ, được trừ tạm giam bao nhiêu năm, tháng, ngày ... (nếu có).
- Góc phải dưới ghi CHỦ TỊCH HĐXĐNĐX TRẠI .... (Ký tên, đóng dấu). Nếu là Công an tỉnh, thành phố thì ghi GIÁM ĐỐC (Ký tên, đóng dấu).
4. Các loại báo cáo, danh sách sử dụng theo mẫu gồm:
- Báo cáo công tác đặc xá năm 2013.
- Danh sách người được đặc xá năm 2013 về tỉnh, thành phố.
- Danh sách người được đặc xá năm 2013 Bộ Công an thông báo nhưng không về địa phương cư trú.
- Danh sách người được đặc xá năm 2013 về cư trú tại tỉnh, thành phố nhưng không có tên trong danh sách thông báo của Bộ Công an.
- Danh sách người được đặc xá năm 2013 được Bộ Công an thông báo về quận, huyện này nhưng lại về quận, huyện khác cư trú trong tỉnh, thành phố.
- Danh sách người được đặc xá năm 2013 về tỉnh, thành phố tái phạm tội.
- Báo cáo tổng kết công tác rà soát người được đặc xá năm 2013 của Công an tỉnh, thành phố.
(Tất cả các loại biểu mẫu nêu trên (trừ 02 mẫu Báo cáo) đã được cài đặt vào Chương trình xử lý thông tin về đặc xá năm 2013 trong phần mềm quản lý phạm nhân của các trại giam, trại tạm giam và có mẫu gửi kèm theo Hướng dẫn này).
Sau khi Tổ thẩm định liên ngành nghiên cứu, thẩm định danh sách, hồ sơ người được đề nghị đặc xá do Giám thị trại giam, Cục trưởng A92, C44 Bộ Công an, Giám đốc Công an cấp tỉnh trình, hồ sơ đề nghị đặc xá chuyển về Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá 12 bộ hồ sơ (ba bộ dấu đỏ và chín bộ pho to theo Hướng dẫn của HĐTVĐX). Hồ sơ được sắp xếp như sau:
1. Hồ sơ đề nghị đặc xá cho phạm nhân của trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an gồm có:
- Biên bản thẩm định danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá của Tổ thẩm định liên ngành.
- Biên bản họp Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại giam, trại tạm giam.
- Thống kê số liệu người được đề nghị đặc xá.
- Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân và kèm theo “Đơn xin đặc xá”, “Bản cam kết” và các tài liệu khác có liên quan.
- Danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá.
Đối với trại tạm giam thuộc Bộ Công an thì Chánh Văn phòng C44 hoặc Cục trưởng A92 lập danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá (Sử dụng Mẫu PT68).
(Nếu đơn vị nào có phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, liên quan đến an ninh quốc gia hoặc quốc tịch nước ngoài thì lập danh sách riêng).
- Danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá kèm theo Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân và các tài liệu liên quan (làm thành tập riêng).
2. Hồ sơ đề nghị đặc xá cho phạm nhân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm:
Biên bản thẩm định danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá của Tờ thẩm định liên ngành.
- Biên bản họp Hội đồng xét đề nghị đặc xá của trại tạm giam.
- Thống kê số liệu người được đề nghị đặc xá.
- Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân và kèm theo “Đơn xin đặc xá”, “Bản cam kết” và các tài liệu có liên quan.
- Danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá của Hội đồng xét, đề nghị đặc xá của trại tạm giam.
- Danh sách người đủ điều kiện đề nghị đặc xá của Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
(Nếu đơn vị nào có phạm nhân phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, liên quan đến an ninh quốc gia hoặc quốc tịch nước ngoài thì lập danh sách riêng).
- Danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá kèm theo Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân và các tài liệu liên quan (làm thành tập riêng).
Căn cứ Hướng dẫn này, Tổng cục trưởng Tổng cục VIII, Cục trưởng Cục An ninh điều tra, Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Giám thị trại giam, trại tạm giam quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng nội dung, yêu cầu đề ra. Trong quá trình thực hiện, có gì vướng mắc, các đơn vị, địa phương cần báo cáo kịp thời về Tổng cục VIII - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo về đặc xá của Bộ Công an (Số điện thoại: 069.42565), để hướng dẫn, chỉ đạo, giải quyết./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Hướng dẫn 211/HĐTVĐX thực hiện Quyết định 697/2010/QĐ-CTN về đặc xá năm 2010 do Hội đồng tư vấn đặc xá ban hành
- 2Công văn 2088/BTTTT-CBC triển khai công tác tuyên truyền đặc xá năm 2010 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3Quyết định 1251/2013/QĐ-CTN về đặc xá năm 2013 do Chủ tịch nước ban hành
- 4Nghị quyết 54/NQ-CP phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ chủ trì xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt năm 2015 do Chính phủ ban hành
- 1Hướng dẫn 211/HĐTVĐX thực hiện Quyết định 697/2010/QĐ-CTN về đặc xá năm 2010 do Hội đồng tư vấn đặc xá ban hành
- 2Công văn 2088/BTTTT-CBC triển khai công tác tuyên truyền đặc xá năm 2010 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3Quyết định 1251/2013/QĐ-CTN về đặc xá năm 2013 do Chủ tịch nước ban hành
- 4Thông tư 63/2011/TT-BCA về quy định biểu mẫu, sổ sách về công tác thi hành án hình sự do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành
- 5Nghị quyết 54/NQ-CP phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Chính phủ chủ trì xét duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt năm 2015 do Chính phủ ban hành
Hướng dẫn 11/HD-BCA lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá năm 2013 do Bộ Công an ban hành
- Số hiệu: 11/HD-BCA
- Loại văn bản: Hướng dẫn
- Ngày ban hành: 25/07/2013
- Nơi ban hành: Bộ Công An
- Người ký: Lê Quý Vương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/07/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra