Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ỦY BAN KIỂM TRA
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 05-HD/UBKTTW

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU TRONG QUY ĐỊNH SỐ 69-QĐ/TW, NGÀY 06/7/2022 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ KỶ LUẬT TỔ CHỨC ĐẢNG, ĐẢNG VIÊN VI PHẠM

- Căn cứ Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII;

- Căn cứ Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm;

Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số điều trong Quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm như sau:

I. Quy định chung

1. Nguyên tắc xử lý kỷ luật (Điều 2)

1.1. Trường hợp xem xét kỷ luật theo đề nghị của tổ chức đảng cấp dưới đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, tổ chức đảng có thẩm quyền phải xác minh, làm rõ vi phạm trước khi xem xét, quyết định hoặc đề nghị xem xét kỷ luật.

1.2. Thời gian chấp hành quyết định kỷ luật của tổ chức đảng, đảng viên khi có quyết định thay đổi hình thức kỷ luật được tính cả thời gian đã chấp hành của các quyết định kỷ luật trước đó (tính đủ 12 tháng).

2. Giải thích từ ngữ (Điều 3)

Trách nhiệm của đảng viên (kể cả cấp ủy viên):

- Trách nhiệm của người đứng đầu là trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của tổ chức, cơ quan, đơn vị được giao lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

- Trách nhiệm trực tiếp là trách nhiệm của đảng viên trực tiếp thực hiện nhiệm vụ trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện mà có vi phạm.

- Trách nhiệm liên đới là trách nhiệm của đảng viên cùng chịu trách nhiệm về vi phạm khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao hoặc khi trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới trực tiếp phụ trách, cán bộ dưới quyền trực tiếp quản lý, phụ trách có vi phạm.

3. Thời hiệu kỷ luật (Điều 4)

3.1. Thời điểm xảy ra hành vi vi phạm phải được tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, làm rõ, kết luận.

a) Đối với vi phạm mà xác định được thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt.

b) Đối với vi phạm mà không xác định được thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

3.2. Không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật đối với:

a) Thời gian chưa xem xét, xử lý kỷ luật đối với các trường hợp quy định tại điểm a, b, d khoản 14 Điều 2 Quy định số 69-QĐ/TW.

b) Thời gian điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu có).

4. Tình tiết tăng nặng mức kỷ luật (Điều 6)

4.1. Tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nhiều lần hoặc bị kỷ luật nhiều lần là vi phạm hoặc bị kỷ luật từ lần 2 trở lên, tính cả vi phạm hoặc bị kỷ luật trước đó về hành chính, đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật.

4.2. Vi phạm có tổ chức là vi phạm có sự cấu kết, bàn bạc, thống nhất giữa những tổ chức đảng hoặc đảng viên cùng vi phạm.

II. Kỷ luật tổ chức đảng vi phạm

1. Vi phạm chủ trương, quy định của Đảng (Điều 8)

1.1. Không xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện hoặc có xây dựng nhưng không triển khai thực hiện; không ban hành văn bản lãnh đạo, chỉ đạo việc đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, tự diễn biến, tự chuyển hóa theo thẩm quyền.

1.2. Không lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; không phân công cho các thành viên trong tổ chức đảng phụ trách lĩnh vực, địa bàn chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thuộc phạm vi quản lý.

2. Vi phạm việc ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (Điều 9)

2.1. Không cụ thể hóa việc tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực công tác, chức năng, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị thành kế hoạch, chương trình hành động và các văn bản chỉ đạo theo quy định.

2.2. Không phân công rõ nhiệm vụ cho tổ chức và cá nhân để triển khai thực hiện; không tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện; không sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

3. Vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng (Điều 10)

Không giữ vai trò lãnh đạo, để nội bộ mất đoàn kết, làm giảm sút ý chí chiến đấu trong các trường hợp sau:

- Mâu thuẫn giữa các đảng viên, cấp ủy viên trong tổ chức đảng đến mức chia rẽ, bè phái, đối phó, bôi nhọ danh dự, tố cáo bịa đặt, vu khống lẫn nhau, đố kỵ, không tổ chức họp lãnh đạo theo quy định.

- Đấu tranh tự phê bình và phê bình không mang tính xây dựng, thấy đúng không bảo vệ, sai không đấu tranh, vì lợi ích cục bộ, “lợi ích nhóm” hoặc thủ tiêu tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình.

4. Vi phạm quy định về phòng, chống tội phạm (Điều 19)

4.1. Không chỉ đạo xử lý đảng viên thuộc tổ chức mình khi phát hiện vi phạm quy định của pháp luật về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự, xét ân xá, đặc xá, thi hành án, xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù, tha tù trước thời hạn và áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

4.2. Chỉ đạo hoặc trực tiếp xây dựng, thu thập tài liệu, văn bản, hồ sơ, chứng cứ không đúng bản chất vụ việc, vụ án đã xảy ra hoặc thực hiện không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục nhằm làm thay đổi hướng điều tra, làm sai lệch hồ sơ vụ việc, vụ án để lọt tội phạm hoặc giảm nhẹ hậu quả của hành vi vi phạm để được giảm án, xét ân xá, đặc xá, tha tù trước thời hạn.

4.3. Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử không đúng quy định hoặc chỉ đạo làm sai lệch hồ sơ vụ việc, vụ án để bao che cho hành vi sai trái của tổ chức, cá nhân có liên quan.

4.4. Chỉ đạo cấp dưới hoặc cán bộ trực tiếp thực thi nhiệm vụ cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ việc, vụ án để cản trở quá trình điều tra, truy tố, xét xử nhằm bao che hoặc tiếp tay cho tội phạm.

III. Kỷ luật đảng viên vi phạm

1. Áp dụng hình thức kỷ luật

Đảng viên giữ chức vụ bị kỷ luật theo quy định tại khoản 2 các điều từ Điều 25 đến Điều 56, thì xem xét kỷ luật cách chức đối với vi phạm:

- Đã bị kỷ luật mà tái phạm.

- Vi phạm trong phạm vi, lĩnh vực chuyên môn được giao; biết sai mà vẫn thực hiện hành vi vi phạm hoặc để xảy ra vi phạm tại tổ chức, cơ quan, đơn vị mình lãnh đạo, quản lý nhưng không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, gây hậu quả nghiêm trọng.

- Đã được tổ chức đảng cấp trên chấn chỉnh, nhắc nhở, yêu cầu khắc phục, rút kinh nghiệm nhưng vẫn để vi phạm tiếp diễn.

Kỷ luật cách chức một, một số hoặc tất cả các chức vụ trong Đảng thì căn cứ vào tính chất, mức độ, hậu quả của vi phạm để xem xét, quyết định.

2. Vi phạm quan điểm chính trị và chính trị nội bộ (Điều 25)

2.1. Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong sinh hoạt, công tác; né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm; làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.

2.2. Vi phạm những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.

3. Vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng (Điều 26)

3.1. Chỉ đạo, nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện không kịp thời, không đúng, không đầy đủ chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ và quy định của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.

3.2. Không xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể theo nhiệm vụ được giao; không phân công nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị, tổ chức và cá nhân trong triển khai thực hiện hoặc xây dựng chương trình, kế hoạch mang tính hình thức dẫn đến vi phạm của tổ chức hoặc đảng viên.

3.3. Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.

3.4. Ghi chép, phản ánh thông tin không trung thực các ý kiến phát biểu thảo luận của đảng viên, kết luận của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng.

4. Vi phạm quy định tuyên truyền, phát ngôn (Điều 28)

Tự ý liên hệ với tổ chức, cá nhân để thực hiện viết bài, cập nhật thông tin không theo chương trình, kế hoạch công tác, không đúng tôn chỉ, mục đích của ngành; có hành vi đe dọa, sách nhiễu, gây khó dễ, yêu sách về viết bài, đăng tải, gỡ bài, chia sẻ thông tin đối với tổ chức, cá nhân để nhận tiền, vật chất có giá trị hoặc lợi ích khác; có hành vi vi phạm bị các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính.

5. Vi phạm quy định khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo (Điều 38)

5.1. Đảng viên thực hiện quyền tố cáo được tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền kết luận nội dung tố cáo đúng hoặc đúng một phần; đúng về hiện tượng nhưng không đúng về bản chất thì không bị coi là bịa đặt, vu khống hoặc tố cáo sai.

5.2. Có lời nói, hành động hoặc thông qua người khác đe dọa, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, uy tín, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.

- Ngăn cản, gây khó khăn cho việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp trong thi chuyển ngạch, nâng bậc, nâng lương, khen thưởng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và quyền, lợi ích hợp pháp khác của người tố cáo.

- Phân biệt đối xử, lôi kéo người khác cản trở việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người tố cáo.

- Xử lý trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thay đổi công việc của người tố cáo với động cơ trù dập.

- Trực tiếp hoặc thuê, nhờ người khác đe dọa, trấn áp, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Trực tiếp hoặc thông qua người khác gặp, điện thoại, nhắn tin hoặc dùng các hành vi khác gây sức ép với người giải quyết nhằm làm sai lệch nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo.

6. Vi phạm quy định thực hiện chính sách an sinh xã hội (Điều 48)

6.1. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế làm ảnh hưởng đến lợi ích của người hưởng bảo hiểm; lạm dụng, trục lợi, gây thất thoát, thiệt hại quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

6.2. Kê khai không đúng thông tin nhân thân, thời gian công tác, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để hưởng các chính sách, chế độ về bảo hiểm.

7. Vi phạm quy định hôn nhân và gia đình (Điều 51)

7.1. Có con đẻ ngoài hôn nhân với người khác.

7.2. Từ chối hoặc không hợp tác thực hiện nghĩa vụ để xác nhận huyết thống theo yêu cầu của tổ chức đảng có thẩm quyền.

8. Vi phạm quy định chính sách dân số (Điều 52)

8.1. Vi phạm do nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai sản (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) thì được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật.

8.2. Vi phạm do cố ý hoặc cưỡng ép không thực hiện kế hoạch hóa gia đình thì xem xét tăng nặng mức kỷ luật.

9. Vi phạm quy định về tín ngưỡng, tôn giáo (Điều 55)

9.1. Để ban quản lý, ban bảo vệ di tích hoặc người giao quản lý, trông coi di tích lợi dụng hoạt động mê tín dị đoan hoặc trục lợi; sử dụng tiền công đức, tiền quyên góp, ủng hộ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân cho công trình, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sai mục đích, không đúng quy định của pháp luật.

9.2. Cho phép, chấp thuận, cấp đất cho việc xây dựng cơ sở thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng trái quy định.

IV. Về mẫu phiếu biểu quyết thi hành kỷ luật

1. Biểu quyết thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên tại mỗi hội nghị chỉ thực hiện một lần theo phiếu (có mẫu phiếu từ 1 đến 6 kèm theo).

2. Cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp căn cứ mẫu phiếu biểu quyết để thực hiện phù hợp với tổ chức đảng cấp mình.

V. Tổ chức thực hiện

Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh nội dung mới, các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư (để b/c),
- Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng,
đảng đoàn trực thuộc TW,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp TW,
- Ủy ban kiểm tra các tỉnh ủy,
thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW,
- Các đồng chí Thành viên UBKTTW,
- Các đồng chí Thư ký Chủ nhiệm,
- Các vụ, đơn vị thuộc Cơ quan UBKTTW,
- Lưu: VT, LT-CNTT, Vụ NC (12b).

T/M ỦY BAN KIỂM TRA
PHÓ CHỦ NHIỆM THƯỜNG TRỰC




Trần Văn Rón

 

Mẫu 1

……..
*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

 

……., ngày….tháng…..năm 20…..

 

PHIẾU BIỂU QUYẾT

thi hành kỷ luật/ đề nghị thi hành kỷ luật đối với đảng viên...(họ và tên, chức vụ)

 

1. Không kỷ luật

2- Khin trách

3- Cảnh cáo

4- Cách chức (Ghi đầy đủ chức vụ từ khi vi phạm đến thời điểm hiện tại của đảng viên):

 

(1)………………………………………………………………………………………..

(2)………………………………………………………………………………………..

(3)………………………………………………………………………………………..

(4) Tất cả các chức vụ trong Đảng.

5- Khai trừ …………………………………………………………………………………..

Ghi chú:

- Đồng ý hình thức nào thì đánh dấu X vào ô tương ứng.

- Đảng viên không có chức vụ thì không ghi hình thức cách chức trong phiếu biểu quyết.

- Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng: Chỉ đưa vào phiếu khi đảng viên có nhiều chức vụ về Đảng, kể cả chức vụ ở nhiệm kỳ trước và hiện tại.

- Một chức vụ qua nhiều nhiệm kỳ: Cần ghi đủ từng nhiệm kỳ theo từng ô (để biểu quyết rõ việc cách chức một hay các nhiệm kỳ cụ thể).

- Đã đồng ý ở ô (4) thì không đánh dấu vào các ô (1), (2), (3) trong mục 4 (Cách chức).

Mẫu 2

……….
*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

 

……., ngày….tháng…..năm 20…..

 

PHIẾU BIỂU QUYẾT

thi hành kỷ luật/ đề nghị thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng ...(ghi đầy đủ tên tổ chức đảng)

 

1. Không kỷ luật

2- Khiển trách

3- Cảnh cáo

4- Giải tán

Ghi chú: Đồng ý hình thức nào thì đánh dấu X vào ô tương ứng.

 

Mẫu 3

………..
*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

 

……., ngày….tháng…..năm 20…..

 

PHIẾU BIỂU QUYẾT

giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của đồng chí...(họ và tên, chức vụ)

 

1- Giữ nguyên hình thức kỷ luật:……………………...

2- Thay đổi hình thức kỷ luật:

 

- Khiển trách

- Cảnh cáo

- Cách chức (Ghi đầy đủ chức vụ từ khi vi phạm đến thời điểm hiện tại của đảng viên):

 

(1)…………………………………………………………………………………

(2)…………………………………………………………………………………

(3)…………………………………………………………………………………

(4) Tất cả các chức vụ trong Đảng.

- Khai trừ ……………………………………………………………………………

3- Xóa kỷ luật

Ghi chú:

- Đồng ý hình thức nào thì đánh dấu X vào ô tương ứng.

- Giữ nguyên hình thức kỷ luật (ghi rõ hình thức kỷ luật do tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật gần nhất). VD: Nếu ghi khiển trách vào mục (1) giữ nguyên hình thức kỷ luật, thì không ghi hình thức kỷ luật khiển trách vào mục (2) thay đổi hình thức kỷ luật (các nội dung khác ghi tương tự).

- Cách chức (ghi đầy đủ các chức vụ ở nhiệm kỳ trước và hiện tại).

 

Mẫu 4

……….
*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

 

……., ngày….tháng…..năm 20…..

 

PHIẾU BIỂU QUYẾT

giải quyết khiếu nại kỷ luật tổ chức đảng...(ghi đầy đủ)

 

1- Giữ nguyên hình thức kỷ luật………………..

2- Thay đổi hình thức kỷ luật:

 

- Khiển trách

- Cảnh cáo

- Giải tán

3- Xóa kỷ luật

Ghi chú:

- Đồng ý hình thức nào thì đánh dấu X vào ô tương ứng.

- Mục giữ nguyên hình thức kỷ luật (ghi rõ hình thức kỷ luật do tổ chức đảng đã quyết định kỷ luật hoặc quyết định giải quyết khiếu nại kỷ luật gần nhất). VD: Nếu ghi khiển trách vào mục (1) giữ nguyên hình thức kỷ luật, thì không ghi hình thức kỷ luật khiển trách vào mục (2) thay đổi hình thức kỷ luật (các nội dung khác ghi tương tự).

 

Mẫu 5

……….
*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

 

……., ngày….tháng…..năm 20…..

 

PHIẾU BIỂU QUYẾT

Việc thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng ...(ghi đầy đủ)

(áp dụng trong trường hợp bỏ phiếu kỷ luật theo kết luận của tổ chức đảng cấp trên)

 

1- Theo kết luận của tổ chức đảng cấp trên: ……………………..

 

1.1. Không kỷ luật:

1.2. Kỷ luật:

2- Hình thức kỷ luật cụ thể:

 

- Khiển trách

- Cảnh cáo

- Giải tán

Ghi chú:

- Bỏ phiếu kỷ luật phải theo đúng kết luận của tổ chức đảng cấp trên (trừ trường hợp phát hiện có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc).

- Trường hợp kết quả bỏ phiếu kỷ luật khác so với kết luận thì phải báo cáo tổ chức đảng cấp trên xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành quyết định kỷ luật.

- Đồng ý hình thức nào thì đánh dấu X vào ô tương ứng.

- Mục 1: Ghi rõ không kỷ luật hay kỷ luật theo kết luận của tổ chức đảng cấp trên.

- Trường hợp đồng ý kỷ luật thì đánh dấu vào 1 trong 3 hình thức kỷ luật.

 

Mẫu 6

……….
*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

 

……., ngày….tháng…..năm 20…..

 

PHIẾU BIỂU QUYẾT

Việc thi hành kỷ luật đối với đảng viên ...(ghi đầy đủ họ tên, chức vụ)

(áp dụng trong trường hợp bỏ phiếu kỷ luật theo kết luận của tổ chức đảng cấp trên)

 

1- Theo kết luận của tổ chức đảng cấp trên:……………………..

 

1.1. Không kỷ luật:

1.2. Kỷ luật:

2- Hình thức kỷ luật cụ thể:

 

- Khiển trách

- Cảnh cáo

- Cách chức (Ghi đầy đủ chức vụ từ khi vi phạm đến thời điểm hiện tại của đảng viên):

 

(1)…………………………………………………………………………………………

(2)…………………………………………………………………………………………

(3)…………………………………………………………………………………………

(4) Tất cả các chức vụ trong Đảng.

- Khai trừ…………………………………………………………………………………

Ghi chú:

- Bỏ phiếu kỷ luật phải theo đúng kết luận của tổ chức đảng cấp trên (trừ trường hợp phát hiện có tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ việc).

- Trường hợp kết quả bỏ phiếu kỷ luật khác so với kết luận thì phải báo cáo tổ chức đảng cấp trên xem xét, cho ý kiến trước khi ban hành quyết định kỷ luật.

- Đồng chí đồng ý hình thức nào thì đánh dấu X vào ô tương ứng.

- Mục 1: Ghi rõ không kỷ luật hay kỷ luật theo kết luận của tổ chức đảng cấp trên.

- Trường hợp đồng ý kỷ luật thì đánh dấu vào 1 trong 3 hình thức kỷ luật.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 05-HD/UBKTTW năm 2022 thực hiện một số điều trong Quy định 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm do Ủy ban kiểm tra Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 05-HD/UBKTTW
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 22/11/2022
  • Nơi ban hành: Ủy ban kiểm tra trung ương
  • Người ký: Trần Văn Rón
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/11/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản