Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
ỦY BAN KIỂM TRA
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 04-HD/UBKTTW

Hà Nội, ngày 22 tháng 03 năm 2018

 

HƯỚNG DẪN

THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU TRONG QUY ĐỊNH SỐ 102-QĐ/TW, NGÀY 15-11-2017 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ XỬ LÝ KỶ LUẬT ĐẢNG VIÊN VI PHẠM

- Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26-7-2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng;

- Căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII;

- Căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm;

Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn thực hiện một số Điều trong Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị như sau:

Điều 1. Phạm vi, đối tượng

* Khoản 2, Điều 1

“Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm vẫn phải xem xét, kết luận; nếu vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải thi hành kỷ luật theo đúng quy định của Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và những nội dung nêu trong Quy định này".

- Đảng viên sau khi chuyển công tác, nghỉ việc hoặc nghỉ hưu và đã chuyển sinh hoạt đảng mới phát hiện có vi phạm ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của các tổ chức đảng đó xem xét, xử lý theo quy định.

- Khi đang xem xét, xử lý đảng viên vi phạm mà tổ chức đảng nơi đảng viên vi phạm đang sinh hoạt bị giải thể, sáp nhập, chia tách hoặc kết thúc hoạt động thì tổ chức đảng có thẩm quyền vẫn tiếp tục xem xét, xử lý hoặc báo cáo tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của tổ chức đảng đó xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên theo quy định.

Điều 2. Nguyên tắc xử lý kỷ luật

* Khoản 3, Điều 2

“Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, nguyên nhân vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ, thái độ tiếp thu phê bình và sửa chữa, khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả đã gây ra, mục tiêu, yêu cầu của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng”.

- Khi xem xét, xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, phải làm rõ nội dung, tính chất, mức độ, tác hại, động cơ, nguyên nhân của vi phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và căn cứ vào thái độ tự giác, tinh thần quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, vi phạm và khắc phục hậu quả đã gây ra, chứng cứ đến đâu kết luận đến đấy, không suy diễn. Đồng thời, phải xét hoàn cảnh lịch sử cụ thể, khách quan, toàn diện nhằm đạt mục tiêu, yêu cầu của nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng.

- Đảng viên vi phạm bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) ở Khoản 2 của các điều từ Điều 7 đến Điều 34 thì tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ vào quy định nêu trên để xem xét, quyết định cụ thể: Cảnh cáo hoặc cách chức một, một số hoặc tất cả các chức vụ trong Đảng đối với đảng viên đó.

- Đảng viên vi phạm bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, nếu xét thấy không còn đủ uy tín thì tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định cho miễn nhiệm hoặc đề nghị cho thôi giữ chức vụ đó.

* Khoản 5, Điều 2

“Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự, không "xử lý nội bộ bị tòa án tuyên phạt từ hình phạt cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ; nếu bị xử phạt bằng hình phạt thấp hơn cải tạo không giam giữ hoặc được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự, bị xử phạt hành chính thì tùy nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, nguyên nhân vi phạm và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ mà xem xét, thi hành kỷ luật đảng một cách thích hợp ”,

- Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và Ủy ban kiểm tra từ cấp huyện trở lên khi phát hiện đảng viên vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan tư pháp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không được giữ lại để xử lý nội bộ.

- Đảng viên vi phạm pháp luật đang bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền thụ lý theo quy định của pháp luật thì tổ chức đảng không được can thiệp để đảng viên chỉ bị xử lý kỷ luật về Đảng, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc xử lý về chính quyền, đoàn thể.

- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bản án của tòa án tuyên phạt đối với đảng viên từ cải tạo không giam giữ trở lên có hiệu lực pháp luật thì tòa án phải sao gửi bản án đến cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy hoặc Ủy ban kiểm tra của cấp ủy quản lý đảng viên. Căn cứ vào nội dung bản án, Ủy ban kiểm tra quyết định hoặc đề nghị cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy quyết định xử lý kỷ luật khai trừ đảng viên theo quy định.

Điều 3. Thời hiệu xử lý kỷ luật

* Khoản 1, Điều 3

“Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật”.

Đảng viên vi phạm ở bất cứ thời điểm nào đều phải được tổ chức đảng có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ, kết luận và biểu quyết hình thức kỷ luật cụ thể. Sau đó căn cứ vào kết quả biểu quyết và đối chiếu với quy định về thời hiệu xử lý kỷ luật để quyết định thi hành hoặc không thi hành kỷ luật đối với đảng viên vi phạm.

Ví dụ: Đảng viên A có vi phạm cách thời điểm xem xét kỷ luật là trên 10 năm. Tổ chức đảng có thẩm quyền sau khi xem xét nội dung, tính chất, mức độ vi phạm, biểu quyết quyết định kỷ luật với kết quả là cảnh cáo. Đối chiếu với quy định về thời hiệu kỷ luật thì tại thời điểm quyết định kỷ luật đã hết thời hiệu xử lý kỷ luật nên đảng viên đó không bị thi hành kỷ luật về Đảng. Trường hợp kết quả biểu quyết ở hình thức khai trừ, đối chiếu với quy định về thời hiệu, đảng viên đó bị kỷ luật bằng hình thức khai trừ.

* Điểm b, Khoản 1, Điều 3

“Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm. Nếu trong thời hạn xử lý kỷ luật được quy định tại Điểm a Khoản này, đảng viên có hành vi vi phạm mới thì thời hiệu xử lý kỷ luật đối với vi phạm cũ được tính lại kể từ thời điểm thực hiện hành vi vi phạm mới”.

Ví dụ: Đảng viên A có vi phạm vào ngày 02/5/2015 và còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật, đến ngày 08/9/2017 lại có vi phạm mới thì thời hiệu đối với vi phạm cũ được tính lại từ ngày 08/9/2017. Tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét từng nội dung vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức kỷ luật.

- Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm đến thời điểm tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra, xem xét kỷ luật đảng viên; trường hợp vi phạm xảy ra liên tục kéo dài thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Ví dụ: Đảng viên A có hành vi vi phạm liên tục kéo dài trong thời gian 3 năm (từ ngày 08/3/2013 đến ngày 08/3/2016), đến nay mới bị phát hiện hành vi vi phạm trong thời gian đó, thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi phạm ngày 08/3/2016 đến khi tổ chức đảng có thẩm quyền quyết định kiểm tra, xem xét kỷ luật.

- Không tính lại thời hiệu đối với đảng viên đã bị thi hành kỷ luật nhưng sau đó, tổ chức đảng cấp trên quyết định lại (chuẩn y, tăng hoặc giảm) hình thức kỷ luật đối với đảng viên đó.

Ví dụ: Đảng viên A bị kỷ luật khiển trách, đảng viên đó khiếu nại lên các tổ chức đảng cấp trên; tổ chức đảng giải quyết khiếu nại cuối cùng quyết định chuẩn y hình thức kỷ luật khiển trách đối với đảng viên đó (thời gian từ khi có hành vi vi phạm đến khi có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng là trên 5 năm), vì không tính lại thời hiệu nên đảng viên đó vẫn phải chấp hành quyết định kỷ luật của tổ chức đảng cấp trên.

Điều 5. Các trường hợp chưa xem xét, xử lý kỷ luật và không xử lý kỷ luật

* Khoản 1, Điều 5

“Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc đang mất khả năng nhận thức, bị ốm nặng đang điều trị nội trú tại bệnh viện được cơ quan y tế có thẩm quyền theo quy định của pháp luật (từ cấp huyện trở lên) xác nhận thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật”.

- “Bệnh hiểm nghèo” là bệnh nguy hiểm đến tính mạng của người bị mắc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

- Thời gian chưa xem xét, xử lý kỷ luật nêu trên không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng.

Ví dụ: Đảng viên A vi phạm cách đây 4 năm, khi tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét, kỷ luật về Đảng thì đồng chí bị ốm phải điều trị nội trú ở bệnh viện thì thời gian điều trị này không tính vào thời hiệu xử lý kỷ luật.

* Khoản 2, Điều 5

“Đảng viên vi phạm đã qua đời, tổ chức đảng xem xét, kết luận, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp đảng viên đó vi phạm kỷ luật đặc biệt nghiêm trọng”.

Đảng viên qua đời, sau đó mới phát hiện có vi phạm thì không tiến hành kiểm tra. Khi đang kiểm tra hoặc xem xét, xử lý kỷ luật mà đảng viên vi phạm qua đời thì chỉ kết luận, không thi hành kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đặc biệt nghiêm trọng qua đời thì vẫn kiểm tra, kết luận và xử lý kỷ luật.

Điều 6. Giải thích từ ngữ

Ngoài những nội dung giải thích từ ngữ tại Điều 6 trong Quy định, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

- Người đứng đầu là người chịu trách nhiệm cao nhất trong các tổ chức (cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị) trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đó theo chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

- Cấp phó của người đứng đầu là người được phân công giúp người đứng đầu phụ trách lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức (cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị) phải chịu trách nhiệm như người đứng đầu về chức trách, nhiệm vụ được giao.

- Cán bộ dưới quyền (mà người đứng đầu phải chịu trách nhiệm liên đới) là cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang ở trong tổ chức, cơ quan, đơn vị mà đảng viên đó là cấp trưởng, cấp phó hoặc cấp ủy viên được phân công trực tiếp phụ trách.

- Trách nhiệm của đảng viên (kể cả cấp ủy viên):

+ Trách nhiệm trực tiếp là trách nhiệm đối với hành vi do đảng viên đó trực tiếp gây ra trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phụ trách, tổ chức thực hiện theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

+ Trách nhiệm liên đới là trách nhiệm của đảng viên khi để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực công tác được giao phụ trách hoặc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới trực tiếp phụ trách hoặc khi cán bộ dưới quyền trực tiếp quản lý, phụ trách vi phạm.

- Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của đảng viên khi phạm tội phải chịu sự tác động của các biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, chịu các hình phạt do Bộ luật Hình sự quy định.

Điều 8. Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ

* Điểm a, Khoản 1, Điều 8

“Thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước”.

- Tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội không kịp thời, không đúng kế hoạch, đối tượng, thành phần và không đầy đủ nội dung.

- Chỉ đạo, tổ chức thực hiện không đúng, không đầy đủ hoặc không chỉ đạo thực hiện Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng, của cấp trên và cấp mình.

- Không xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể; không phân công nhiệm vụ cho từng đơn vị, tổ chức và cá nhân phụ trách chịu trách nhiệm triển khai thực hiện hoặc có xây dựng chương trình, kế hoạch nhưng không tổ chức triển khai thực hiện.

* Điểm c, Khoản 1, Điều 8

“Bị xúi giục, lôi kéo vào những việc làm trái nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; vi phạm quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, các quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác”.

Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam lấy nguyên tắc tập trung dân chủ làm nguyên tắc cơ bản, gồm: tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, địa phương phục tùng Trung ương; đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình; đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng; giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng viên vi phạm một trong những nguyên tắc trên là vi phạm kỷ luật của Đảng.

* Điểm a, Khoản 2, Điều 8

“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phủ quyết ý kiến của đa số thành viên khi thông qua nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế, kết luận thuộc thẩm quyền của tập thể”.

- Quyết định theo ý kiến chủ quan của mình trong khi tập thể đang thảo luận đa số còn có ý kiến khác nhau hoặc phủ quyết ý kiến của đa số đã thống nhất thông qua.

- Dùng chức vụ, quyền hạn của mình để bác bỏ, phủ quyết ý kiến của đa số hoặc tạo phe cánh khống chế người khác phải biểu quyết, bỏ phiếu theo ý kiến cá nhân của mình dẫn đến ban hành nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận không đúng.

Điều 9. Vi phạm các quy định về bầu cử

* Điểm b, Khoản 3, Điều 9

“Có hành vi, việc làm phá hoại cuộc bầu cử”.

- Cố tình không đi bầu cử, có hành vi ngăn cản, đe dọa, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác không thực hiện quyền ứng cử, đề cử và bầu cử.

- Có các hành vi như: hủy hoại tài liệu, văn bản, thông báo về bầu cử; làm sai lệch hoặc tác động làm sai lệch kết quả bầu cử.

Điều 11. Vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ

* Điểm b, Khoản 3, Điều 11

“Có hành vi chạy chức, bằng cấp, vị trí công tác, luân chuyển; mua chuộc để bản thân hoặc người khác được quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, chuyển đổi vị trí công tác”.

Dùng tiền, tài sản, các giá trị vật chất hoặc phi vật chất và các mối quan hệ để hối lộ, lôi kéo, mua chuộc, tác động, can thiệp đến cá nhân, tổ chức có trách nhiệm giải quyết các công việc nêu trên cho bản thân hoặc người khác.

Điều 13. Vi phạm trong công tác phòng, chống tội phạm

* Điểm d, Khoản 1, Điều 13

“Thiếu trách nhiệm trong quản lý, giáo dục dẫn đến có vợ (chồng), con hoặc cấp dưới trực tiếp phạm tội”.

Con của đảng viên phạm tội mà đảng viên phải chịu trách nhiệm liên đới gồm: con đẻ, con nuôi hợp pháp, con dâu, con rể cùng sống, sinh hoạt trong gia đình và trực tiếp phụ thuộc vào việc nuôi dưỡng, quản lý của đảng viên đó.

Điều 15. Vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

* Điểm a, Khoản 1, Điều 15

“Viết đơn tố cáo giấu tên, mạo tên. Cùng người khác tham gia viết, ký tên trong cùng một đơn tố cáo”.

- Đơn tố cáo giấu tên là đơn không ký và không ghi rõ họ tên. Đơn tố cáo mạo tên là đơn ký hoặc ghi tên người khác vào đơn tố cáo.

- Trực tiếp viết đơn tố cáo cho nhiều người cùng ký tên.

- Phác thảo đề cương, đọc nội dung đơn tố cáo cho người khác viết lại, đánh máy hoặc tự đánh máy rồi cùng người khác ký tên vào đơn tố cáo.

* Điểm d, Khoản 1, Điều 15

“Thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, sách nhiễu trong việc giải quyết khiếu nại, tốo hoặc gây khó khăn, cản trở đảng viên, công dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại, tốo”.

- Nhận được đơn khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền và trách nhiệm giải quyết nhưng dìm bỏ, không xem xét, giải quyết.

- Xem xét, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo không kịp thời theo đúng thời gian quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước mà không có lý do chính đáng; giải quyết không khách quan; tiết lộ danh tính, địa chỉ, bút tích của người tố cáo cho tổ chức, cá nhân không có trách nhiệm biết.

- Đưa toàn văn hoặc một phần nội dung đơn tố cáo hoặc đưa đơn tố cáo cho người bị tố cáo.

- Tự đặt ra các quy định hoặc yêu cầu trái với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người khiếu nại, tố cáo.

- Không chuyển đơn tố cáo (không thuộc thẩm quyền giải quyết) cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết.

- Không thông báo kết quả giải quyết tố cáo (bằng hình thức thích hợp) cho người tố cáo biết.

* Điểm đ, Khoản 2, Điều 15

“Đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ về hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tốo”.

- Có lời nói hoặc thông qua người khác đe dọa xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo.

- Ngăn cản, gây khó khăn cho việc thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp trong việc nâng ngạch, nâng lương, khen thưởng, bổ nhiệm và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người tố cáo.

- Phân biệt đối xử, lôi kéo người khác cản trở việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người tố cáo.

- Xử lý trái quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thay đổi công việc của người tố cáo với động cơ trù dập.

- Trực tiếp hoặc thuê, nhờ người khác đe dọa, trấn áp, trả thù, trù dập, khống chế, vu khống người trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Trực tiếp gặp, điện thoại, nhắn tin hoặc dùng các hành vi khác gây sức ép với người trực tiếp giải quyết hoặc cấp trên của họ nhằm làm sai lệch nội dung giải quyết khiếu nại, tố cáo.

* Điểm g, Khoản 2, Điều 15

“Tốo mang tính bịa đặt, vu khống, đả kích, bôi nhọ thanh danh, gây tổn hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác".

- Tố cáo sự việc mà mình biết là không có hoặc tự bịa chuyện, dựng chuyện, nghĩ ra điều không có thật để tố cáo.

- Đảng viên thực hiện quyền tố cáo nhưng được cơ quan có thẩm quyền kết luận có nội dung đúng, có nội dung sai hoặc đúng về hiện tượng nhưng không đúng về bản chất thì không bị coi là tố cáo bịa đặt, vu khống.

Điều 25. Vi phạm quy định về kết hôn với người nước ngoài

* Điểm c, Khoản 3, Điều 25

“Kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà không báo cáo bằng văn bản với chi bộ về lai lịch của người đó, hoặc đã báo cáo nhưng tổ chức đảng có thẩm quyền không đồng ý nhưng vẫn cố tình thực hiện".

Việc đồng ý hay không đồng ý cho đảng viên kết hôn với người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài được tổ chức đảng có thẩm quyền thực hiện bằng văn bản.

Điều 27. Vi phạm quy định về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình

* Trường hợp không vi phạm về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, gồm:

- Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỷ lệ sinh nhỏ hơn hoặc bằng tỷ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

- Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

- Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

- Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

- Cặp vợ chồng sinh con lần thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được Hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

- Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ): sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ); sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

* Trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) thì thôi không xem xét, xử lý kỷ luật.

Hướng dẫn này có hiệu lực kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra các cấp báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư (để b/c),
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc TW,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp TW,
- Ủy ban kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc TW,
- Các đồng chí thành viên UBKTTW,
- Các đồng chí Trợ lý, Thư ký Chủ nhiệm,
- Các vụ, đơn vị thuộc Cơ quan UBKTTW,
- Lưu: VT-LT, Vụ NC (15b).

T/M ỦY BAN KIỂM TRA
CHỦ NHIỆM




Trần Quốc Vượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 04-HD/UBKTTW năm 2018 thực hiện một số Điều trong Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 04-HD/UBKTTW
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 22/03/2018
  • Nơi ban hành: Ủy ban kiểm tra trung ương
  • Người ký: Trần Quốc Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản