Hệ thống pháp luật

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
VIỆT NAM
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG
TP HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/HD-LĐLĐ

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2022

 

HƯỚNG DẪN

CÔNG ĐOÀN THỰC HIỆN GIÁM SÁT VIỆC TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC, LỐI SỐNG CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU, CÁN BỘ CHỦ CHỐT VÀ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Căn cứ Hướng dẫn số 44/HD-TLĐ ngày 20/12/2021 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc “Công đoàn thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên” theo quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương đảng.

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội hướng dẫn, triển khai thực hiện trong các cấp Công đoàn Thủ đô như sau.

I. MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC, PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG VÀ CHỦ THỂ GIÁM SÁT

1. Mục đích và nguyên tắc giám sát

1.1. Mục đích

Nhằm phát huy vai trò của tổ chức công đoàn, đoàn viên công đoàn, người lao động trong giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; phát hiện, phòng ngừa các sai phạm đồng thời tuyên truyền, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực góp phần xây dựng Đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong sạch, vững mạnh, phát triển bền vững.

1.2. Nguyên tắc

Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, tổ chức đảng; phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn Thành phố; không làm cản trở hoặc ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân, gia đình người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Trên tinh thần xây dựng, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch; tránh nể nang, né tránh hoặc để bị lợi dụng.

2. Phạm vi, đối tượng và chủ thể giám sát

2.1. Phạm vi giám sát

Giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên thuộc phạm vi quản lý của cấp ủy cùng cấp, tổ chức đảng ở cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, đảng viên ở doanh nghiệp có tổ chức công đoàn.

Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên không thuộc cấp ủy cùng cấp quản lý có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống thì đoàn viên, người lao động và tổ chức công đoàn thực hiện báo cáo, phản ảnh với cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ, đảng viên.

2.2. Đối tượng giám sát

Người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan của tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, đảng viên ở doanh nghiệp có tổ chức công đoàn; tập trung giám sát cán bộ lãnh đạo công đoàn các cấp, cán bộ lãnh đạo quản lý đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn.

2.3. Chủ thể giám sát

- Công đoàn các cấp từ Thành phố đến cơ sở.

- Đoàn viên công đoàn, người lao động giám sát thông qua Công đoàn cơ sở; thông qua phản ảnh, kiến nghị đến cấp ủy đảng, tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, công đoàn các cấp và cơ quan có thẩm quyền về những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

II. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC GIÁM SÁT

1. Nội dung giám sát

1.1. Biểu hiện về suy thoái đạo đức, lối sống được quy định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII

a) Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình.

b) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành.

c) Kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.

d) Mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi; thích được đề cao, ca ngợi; "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu".

e) Quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân.

f) Quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên...; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp hoặc không hiệu quả; mua sắm, sử dụng tài sản công vượt quy định; chi tiêu công quỹ tùy tiện, vô nguyên tắc. Sử dụng lãng phí nguồn nhân lực, phí phạm thời gian lao động.

g) Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.

h) Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi.

i) Đánh bạc, rượu chè bê tha, mê tín dị đoan, ủng hộ hoặc tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp. Sa vào các tệ nạn xã hội, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội.

1.2. Việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp

- Việc thực hiện các chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt trong việc: ban hành tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, quy trình, quy chế công tác; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội; việc thực hiện công tác vận động quần chúng; việc lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa công sở; việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Việc chấp hành và thực hiện các quy định của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, tập trung vào các nội dung: cán bộ, công chức, viên chức phải thực hiện nghĩa vụ đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân, nghĩa vụ trong thi hành công vụ, nghĩa vụ là người đứng đầu; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư trong hoạt động công vụ và không được trốn tránh trách nhiệm, thoái thác nhiệm vụ được giao; sử dụng tài sản của Nhà nước và của nhân dân trái pháp luật; tiết lộ thông tin liên quan đến bí mật nhà nước.

2. Hình thức giám sát

2.1. Giám sát thường xuyên

- Thông qua việc quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

- Thông qua tiếp nhận thông tin báo cáo, phản ảnh của công đoàn cấp dưới, đoàn viên công đoàn, người lao động; dư luận xã hội, cơ quan truyền thông đại chúng; thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ban thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; thông qua đối thoại giữa tổ chức công đoàn với đối tượng được giám sát; thông qua nội dung và kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, đoàn viên, người lao động.

- Trường hợp đặc biệt, có thể thành lập đoàn giám sát theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước.

2.2. Giám sát theo đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thực hiện giám sát theo yêu cầu phối hợp, kế hoạch của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.

III. QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ THỂ VÀ ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT

1. Quyền, trách nhiệm của chủ thể giám sát

1.1. Giám sát thường xuyên đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong phạm vi giám sát.

1.2. Được mời tham dự các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy, tổ chức đảng liên quan đến nội dung giám sát; các cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên công đoàn và người lao động.

1.3. Công tâm, dân chủ, khách quan khi thực hiện giám sát; chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng về kết quả giám sát; tránh nể nang, né tránh hoặc để bị lợi dụng trong hoạt động giám sát.

1.4. Báo cáo kết quả giám sát với cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền và cơ quan quản lý cán bộ, đảng viên; đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, kiểm tra, xử lý kết quả giám sát; theo dõi việc xử lý kết quả giám sát của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và đối tượng được giám sát.

1.5. Khi đối tượng giám sát yêu cầu tổ chức đối thoại làm rõ kiến nghị trong báo cáo giám sát thì công đoàn cơ sở phải chuẩn bị nội dung và tổ chức cuộc đối thoại làm rõ về nội dung kiến nghị đó.

1.6. Đoàn viên, người lao động thực hiện quyền giám sát thông qua tổ chức công đoàn.

2. Quyền, trách nhiệm của đối tượng giám sát

2.1. Được đề nghị, phản ảnh, báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền xem xét về báo cáo, nhận xét, đánh giá của chủ thể giám sát đối với mình hoặc khi chủ thể giám sát thực hiện không đúng nội dung, phạm vi, trách nhiệm, vi phạm Quy định 124 và Hướng dẫn này.

2.2. Từ chối trả lời, cung cấp thông tin, tài liệu không thuộc quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ của mình hoặc không liên quan đến nội dung, phạm vi giám sát.

2.3. Chịu sự giám sát của chủ thể giám sát theo quy định.

IV. KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

1. Các tập thể, cá nhân có thành tích trong thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên thì được xét khen thưởng hoặc đề nghị xét khen thưởng theo quy định.

2. Các tập thể và cá nhân vi phạm quy định trong thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội

1.1. Ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong các cấp Công đoàn Thủ đô.

1.2. Hằng năm, xây dựng kế hoạch phối hợp với Mặt trận tổ quốc Thành phố và các cơ quan liên quan triển khai giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên thuộc thẩm quyền cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp quản lý.

1.3. Tiếp nhận phản ảnh, kết quả giám sát của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở để báo cáo, phản ảnh với cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền theo quy định.

1.4. Kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở việc tổ chức thực hiện Hướng dẫn này. Xem xét, quyết định hoặc đề nghị cấp thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.

2. Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở

2.1. Hướng dẫn và chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trực thuộc triển khai, thực hiện nội dung giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý.

2.2. Hằng năm, xây dựng kế hoạch, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên thuộc thẩm quyền quản lý của cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp.

2.3. Hướng dẫn và kiểm tra công đoàn cơ sở thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

2.4. Tiếp nhận phản ảnh, kết quả giám sát của công đoàn cơ sở để báo cáo cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp theo quy định.

- Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả thực hiện giám sát về Liên đoàn Lao động Thành phố (Qua ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động).

3. Các Công đoàn cơ sở

3.1. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo Hướng dẫn này tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Riêng đối với Công đoàn cơ sở đơn vị, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, chỉ thực hiện giám sát đối với cán bộ công đoàn, đảng viên tại đơn vị.

3.2. Tiếp nhận phản ánh của đoàn viên công đoàn, người lao động, xem xét, giám sát trước khi báo cáo, phản ánh với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp theo quy định.

3.3. Đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng, kỷ luật đoàn viên công đoàn có thành tích hoặc vi phạm quy định trong thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.

Trên đây là nội dung Hướng dẫn các cấp công đoàn Thủ đô thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Liên đoàn Lao động Thành phố (Qua ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động) để được hướng dẫn thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tổng LĐ (để b/c);
- Thường trực Thành ủy (để b/c);
- Ban Dân vận Thành ủy;
- MTTQ Thành phố;
- Các Ban của LĐLĐ TP;
- LĐLĐ các quận, huyện, thị xã;
- Các Công đoàn cấp trên cơ sở;
- Lưu: VT, CSPL&QHLĐ.

TM. BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH




Nguyễn Phi Thường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hướng dẫn 02/HD-LĐLĐ năm 2022 về Công đoàn thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 02/HD-LĐLĐ
  • Loại văn bản: Hướng dẫn
  • Ngày ban hành: 10/02/2022
  • Nơi ban hành: Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Phi Thường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản