HIỆP ĐỊNH
VẬN TẢI BIỂN THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ INĐÔNÊXIA
Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và Chính phủ nước Cộng hoà Inđônêxia (dưới đây được gọi là các Bên);
Với lòng mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước, thúc đẩy sự hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển thương mại và nâng cao hiệu quả hoạt động của lĩnh vực này trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi;
Đã cùng thoả thuận như sau:
Điều 1.
Trong bản Hiệp định này:
a. Thuật ngữ Tàu biển của mỗi Bên là tàu buôn mang cờ và đăng ký tại nước đó;
b. Thuật ngữ thuyền viên là người làm việc trên tàu của mỗi Bên, có giấy tờ tuỳ thân do các nhà chức trách có thẩm quyền của mỗi Bên cấp ghi trong Điều 9 của Hiệp định này và có tên trong danh sách thuyền viên.
c. Thuật ngữ Hành khách là những người do tàu của mỗi Bên chuyên chở, có trong danh sách hành khách của tàu đó, không do tàu đó tuyển dụng hoặc không tham gia vào bất cứ công việc nào trên tàu.
d. Thuật ngữ Nhà chức trách có thẩm quyền là cơ quan Nhà nước được các bên chỉ định chịu trách nhiệm quản lý công tác vận tải biển thương mại và các chức năng khác liên quan.
e. Thuật ngữ Lãnh thổ.
- Đối với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam: là "Lãnh thổ" và vùng nước lân cận mà ở đó nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có chủ quyền hoặc quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế.
- Đối với Cộng hoà Inđônêxia: Là lãnh thổ được xác định theo luật của nước Cộng hoà Indônêxia và vùng lân cận mà ở đó nước Cộng hoà Inđônêxia có chủ quyền, quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán theo các điều khoản của công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Điều 2.
Tàu biển của mỗi bên có thể qua lại giữa một số cảng nhất định mở cho quốc tế của hai Bên để chuyên chở hành khách và hàng hoá của hai nước (dưới đây gọi là vận tải thoả thuận).
Điều 3.
Tàu chở thuê treo cờ của nước thứ ba, được phía Bên kia chấp thuận và do các công ty vận tải biển của mỗi Bên khai thác, cũng được phép tham gia vận tải thoả thuận.
Điều 4.
Mỗi Bên, căn cứ theo luật pháp và các quy định của từng nước, không được tiến hành các biện pháp phân biệt đối xử với tàu thuyền của Bên kia khi tham gia vào vận tải thoả thuận của hai nước.
Điều 5.
a. Mỗi Bên dành chế độ Tối huệ quốc cho Bên kia tại các cảng biển quốc tế với sự tuân thủ đầy đủ luật pháp và các quy định của nước đó.
b. Chế độ "Tối huệ quốc" được quy định trong phần a của Điều này sẽ áp dụng đối với các thủ tục hải quan, các lệ phí, cảng phí, ra vào cảng tự do và sử dụng cảng cũng như đối với các thiết bị dành cho dịch vụ vận tải biển như: xe tải, kho hàng, bến bãi container, đối với tàu và các hàng hoá chuyên chở. Đặc biệt, chế độ này chủ yếu đề cập đến việc dành cầu bến, các phương tiện bốc xếp và dịch vụ tại cảng.
Điều 6.
Các điều khoản của Hiệp định này sẽ không áp dụng đối với việc vận tải nội địa.
Tuy nhiên, khi các tàu của một Bên đến Bên kia để dỡ hàng nhập vào và (hoặc) trả khách từ nước ngoài hay bốc hàng đi và (hoặc) nhận khách đi tới các nước khác thì không được coi là vận tải nội địa.
Điều 7.
a. Các Bên thừa nhận quốc tịch của tàu trên cơ sở các giấy chứng nhận hoặc giấy đăng ký do các cơ quan chức trách có thẩm quyền của Bên kia cấp cho tàu mang cờ của mình.
b. Các Bên sẽ cùng công nhận giấy chứng nhận dung tích và các giấy tờ liên quan khác của tàu do các cơ quan chức trách có thẩm quyền của mỗi Bên cấp
Điều 8.
Mỗi Bên thừa nhận giấy tờ của thuyền viên do các cơ quan chức trách có thẩm quyền của phía bên kia cấp như: Sổ thuyền viên (Seaman's Book) hoặc Sổ công vụ thuyền viên (Seaman's service Book) hay Hộ chiếu thuyền viên (Seaman's Passport).
Bất kỳ một sự thay đổi nào về giấy tờ tuỳ thân của một Bên phải được thông báo cho phía Bên kia biết.
Điều 9.
a. Thuyền viên khi ở trong cảng hoặc vùng nước của phía Bên kia phải tuân thủ luật pháp và các quy định của phía Bên đó.
Thuyền viên được phép tiếp xúc với cơ quan lãnh sự hoặc các đại diện ngoại giao để giải quyết các thủ tục cần thiết.
b. Thuyền viên trên tàu của mỗi Bên, trong thời gian tàu neo đậu tại cảng của phía Bên kia, đều được lên bờ căn cứ theo đúng luật pháp và các quy định của nước đó.
c. Thuyền viên trên các tàu của mỗi Bên, trong trường hợp ốm đau sẽ được phép lưu lại trên lãnh thổ của phía Bên kia trong thời gian cần thiết để điều trị theo đúng luật pháp và các quy định của nước đó.
d. Thuyền viên trên các tàu của mỗi Bên có thể vào hoặc quá cảnh lãnh thổ của phía Bên kia để lên tàu, trở về nước hoặc vì lý do khác được các nhà chức trách chủ quản phía Bên kia chấp thuận sau khi đã hoàn thành các thủ tục cần thiết theo luật pháp và quy đinh của Bên đó.
e. Mỗi Bên, căn cứ theo luật pháp và quy định của mình có quyền từ chối bất kỳ một thuyền viên nào đi vào lãnh thổ của Bên đó cho dù những thuyền viên này có giấy tờ tuỳ thân được đề cập ở Điều 8.
Điều 10.
a. Khi tàu của mỗi Bên gặp tai nạn trong lãnh hải hoặc ở các cảng của Bên kia thì Bên đó sẽ tạo mọi sự giúp đỡ cần thiết có thể được cho các tàu, thuyền viên, hàng hoá và hành khách của Bên đó có tàu bị nạn.
b. Trong trường hợp hàng hoá và các tài sản khác được dỡ xuống hoặc thu vớt được từ các tàu bị nạn cần được lưu kho tạm thời trên lãnh thổ của phía Bên kia thì các phương tiện dùng vào việc đó, hàng hoá và các tài sản khác sẽ được miễn thuế, trừ trường hợp được đem ra tiêu thụ hoặc sử dụng trên lãnh thổ của phía Bên kia.
c. Mỗi Bên, khi tàu bị nạn, sẽ nhanh chóng thông báo tới các cơ quan lãnh sự hoặc các đại diện ngoại giao của phía Bên kia, đồng thời cũng thông báo các biện pháp đã được sử dụng để cứu hộ và bảo vệ đối với thuyền viên, hành khách, tàu, hàng hoá và kho tàng.
Điều 11.
Tất cả các khoản thu nhập của một Bên có được ở phía Bên kia từ các dịch vụ vận tải hoặc các dịch vụ liên quan khác sẽ được kết toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi mà hai Bên có thể chấp thuận được. Mỗi Bên đều có thể dùng thu nhập đó để thanh toán chi phí trên lãnh thổ của Bên kia hoặc tự do chuyển khoản khỏi nước đó.
Điều 12.
Trong phạm vi luật pháp và các quy định của mình, các Bên sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Bên kia quay vòng tàu nhanh, tránh những chậm chế không cần thiết đồng thời tạo điều kiện thuận lợi và đơn giản hoá các thủ tục hải quan và các thủ tục cần thiết khác tại cảng.
Điều 13.
Các điều khoản của Hiệp định này không hạn chế quyền hạn của các Bên trong việc tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh, vệ sinh công cộng và ngăn ngừa dịch bệnh cho súc vật và cây cối.
Điều 14.
Về nguyên tắc, hàng hoá vận chuyển bằng đường biển song phương giữa hai nước sẽ do các tàu của hai Bên chuyên chở.
Tàu của cả hai Bên đều có quyền hạn và cơ hội ngang nhau trong việc vận chuyển hàng hoá đường biển và hàng hoá thương mại song phương giữa hai nước.
Điều 15.
Để thi hành Hiệp định này, hai Bên sẽ đôn đốc các công ty tàu biển quốc gia của hai nước sớm đi đến các thoả thuận tay đôi về việc vận chuyển hàng hoá bằng đường biển.
Điều 16.
Các Bên đều có thể yêu cầu triệu tập các cuộc họp để trao đổi bất kỳ vấn đề nào mà cả hai Bên đều đồng ý đàm phán.
Điều l7.
a. Các Bên sẽ tích cực thúc đẩy phát triển các mối quan hệ kinh tế và thương mại thông qua sự hợp tác trong lĩnh vực vận tải biển thương mại giữa hai nước.
b. Các Bên thoả thuận sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty vận tải biển của mỗi Bên thiết lập các cơ quan đại diện trên lãnh thổ của nhau.
Điều 18.
Những bất đồng liên quan tới việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua hiệp thương hữu nghị và đàm phán qua đường ngoại giao của các Bên.
Điều 19.
a. Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng của các Bên sau khi các thủ tục pháp lý đã được hoàn tất.
b. Hiệp định này có hiệu lực trong thời hạn 5 năm kế tiếp, trừ phi một trong hai Bên thông báo cho phía Bên kia bằng văn bản ý định chấm dứt Hiệp định này 6 tháng trước khi hết hạn Hiệp định .
c. Hiệp định này có thể được sửa đổi vào bất kỳ lúc nào nếu hai Bên thấy cần thiết.
Để làm bằng, những người có tên dưới đây được Chính phủ các Bên uỷ quyền đã ký kết vào bản Hiệp định này.
Làm tại Jakarta ngày 25 tháng 10 năm 1991, thành 2 bản, mỗi văn bản làm bằng tiếng Việt, tiếng Inđônêxia và tiếng Anh, tất cả các văn bản bằng các thứ tiếng có giá trị như nhau. Nếu có sự hiểu khác nhau trong việc giải thích thì lấy văn bản tiếng Anh để đối chiếu.
- 1Hiệp định số 78/2004/LPQT về việc vận tải biển thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa hồi giáo I-ran
- 2Công văn số 1314/CP-QHQT ngày 21/10/2002 của Chính phủ về việc ký Hiệp định Vận tải biển giữa Việt Nam và Iran
- 3Hiệp định về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Inđônêxia
- 4Hiệp định về vận chuyển hàng không dân dụng giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Inđônêxia
- 5Quyết định 82/2007/QĐ-TTg phê duyệt Hiệp định vận tải biển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về vận tải biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Hiệp định số 19/2004/LPQT về vận tải hàng không giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo I-ran
- 7Thông báo hiệu lực của Hiệp định vận tải biển giữa Việt Nam và Tan-da-ni-a
- 1Hiệp định số 78/2004/LPQT về việc vận tải biển thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa hồi giáo I-ran
- 2Công văn số 1314/CP-QHQT ngày 21/10/2002 của Chính phủ về việc ký Hiệp định Vận tải biển giữa Việt Nam và Iran
- 3Hiệp định về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Inđônêxia
- 4Hiệp định về vận chuyển hàng không dân dụng giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Inđônêxia
- 5Quyết định 82/2007/QĐ-TTg phê duyệt Hiệp định vận tải biển giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về vận tải biển do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Hiệp định số 19/2004/LPQT về vận tải hàng không giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo I-ran
- 7Thông báo hiệu lực của Hiệp định vận tải biển giữa Việt Nam và Tan-da-ni-a
Hiệp định về vận tải biển thương mại giữa giữa Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Inđônêxia
- Số hiệu: Khôngsố
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 25/10/1991
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà In-đô-nê-xi-a, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Người ký:
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/11/1991
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định