Hệ thống pháp luật

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ PHÁP VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ

Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Pháp, sau đây gọi là “các Bên ký kết”,

Mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế giữa hai Nhà nước và tạo những điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư cho nhau của nước Việt Nam ở Pháp và của nước Pháp ở Việt Nam,

Tin tưởng rằng việc khuyến khích và bảo hộ đầu tư nhằm khuyến khích đầu tư vốn và chuyển giao kỹ thuật giữa hai nước, vì lợi ích phát triển kinh tế của hai nước:

Đã thoả thuận những điều khoản sau đây:

Điều 1

Để thực hiện Hiệp định này:

1. Thuật ngữ “đầu tư” chỉ những của cải như tài sản, quyền và lợi ích các loại và chủ yếu đặc biệt, nhưng không phải chỉ là:

a) Các động sản và bất động sản, cũng như mọi quyền thực tế khác như quyền thế chấp, quyền ưu đãi, quyền thu hoa lợi, quyền bảo lãnh và các quyền tương tự;

b) Các cổ phần, tiền tưởng phát hành cổ phiếu và các hình thức tham gia khác kể cả hình thức tham gia thiểu số hay gián tiếp vào các công ty được thành lập trên lãnh thổ của một trong hai Bên ký kết;

c) Những trái phiếu, quyền về trái vụ và các quyền về các dịch vụ cung cấp có giá trị kinh tế;

d) Quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (như bằng sáng chế, phát minh, li-xăng, nhãn hiệu đăng ký, kiểu mẫu và hình mẫu công nghiệp), qui trình kỹ thuật, tên gọi đăng ký và khách hàng;

e) Những tô nhượng theo luật pháp hoặc theo hợp đồng, nhất là những tô nhượng về thăm dò, nuôi trồng, đào ở dưới đất hoặc khai thác tài nguyên thiên nhiên, kể cả những tài nguyên nằm trong các vùng biển của các Bên ký kết.

Đương nhiên các tài sản nói trên phải được đầu tư hoặc đã được đầu tư phù hợp với luật pháp của Bên ký kết trên lãnh thổ hay trong vùng biển của Bên đó bao gồm việc đầu tư được tiến hành trước hoặc sau khi Hiệp định này có hiệu lực.

Mọi sửa đổi về hình thức đầu tư các tài sản không ảnh hưởng đến tính chất đầu tư tài sản đó, miễn là sự sửa đổi đó không trái với luật pháp của Bên ký kết, trên lãnh thổ hay trong các vùng biển của Bên đó mà việc đầu tư được thực hiện.

1. Thuật ngữ “công dân” chỉ những cá nhân có quốc tịch của một Bên ký kết.

2. Thuật ngữ “công ty” chỉ những pháp nhân được thành lập trên lãnh thổ của một Bên ký kết phù hợp với luật pháp của Bên đó và có trụ sở ở đó, hoặc những pháp nhân chịu sự kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp của công dân của một Bên ký kết, hoặc sự kiểm soát trực tiếp hay gián tiếp của các pháp nhân có trụ sở tại lãnh thổ của một Bên ký kết và được thành lập phù hợp với luật pháp của Bên đó.

3. Thuật ngữ “thu nhập” chỉ mọi khoản thu được trong một vụ đầu tư, như các khoản lợi nhuận, tiền thuê, khoản lãi thu được trong một giai đoạn nhất định.

Các khoản thu nhập từ đầu tư và trong trường hợp tái đầu tư, thu nhập từ tái đầu tư cũng được hưởng sự bảo hộ như đối với đầu tư.

4. Thuật ngữ “các vùng biển” chỉ các vùng biển và dưới biển mà các Bên ký kết thực hiện chủ quyền, những quyền của chủ quyền hay quyền tài phán, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Điều 2

Trong khuôn khổ luật pháp quốc gia và các điều khoản của Hiệp định này, mỗi Bên ký kết chấp nhận và khuyến khích việc đầu tư của công dân và công ty của Bên ký kết kia trên lãnh thổ và trong các vùng biển của mình.

Điều 3

Mỗi Bên ký kết cam kết bảo đảm đối xử công bằng và thoả đáng, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế đối với đầu tư của các công dân và công ty của Bên ký kết kia trên lãnh thổ và trong các vùng biển của mình và bảo đảm cho việc thực hiện các quyền được thừa nhận trên đây không bị cản trở về luật pháp cũng như trên thực tế.

Điều 4

Mỗi Bên ký kết áp dụng, trên lãnh thổ và trong các vùng biển của mình, đối với công dân hoặc công ty của Bên ký kết kia về đầu tư của họ và những hoạt động liên quan đến đầu tư đó, sự đối xử có thể so sánh tương đương với sự đối xử đối với công dân hoặc công ty nước mình và không kém thuận lợi hơn ưu đãi dành cho công dân hoặc công ty của nước hưởng quyền ưu đãi nhất. Về điểm này, những công dân được phép làm việc trên lãnh thổ và trong các vùng biển của một Bên ký kết được hưởng những thuận lợi vật chất thích hợp để thực hiện các hoạt động nghề nghiệp của họ.

Tuy nhiên, sự đối xử này không bao hàm những ưu đãi mà một Bên ký kết dành cho công dân hay công ty của nước thứ ba do tham gia hay liên kết trong một khu vực tự do mậu dịch, một liên minh thuế quan, một thị trường chung, một tổ chức tương trợ kinh tế hoặc mọi hình thức tổ chức kinh tế khu vực.

Điều 5

1. Những đầu tư của công dân hoặc công ty của một Bên ký kết trên lãnh thổ và trong các vùng biển của Bên ký kết kia được hưởng sự bảo hộ và an toàn đầy đủ và hoàn toàn.

2. Các Bên ký kết không thực hiện các biện pháp trưng thu hoặc quốc hữu hoá hoặc những biện pháp tước quyền sở hữu trực tiếp hay gián tiếp của công dân và công ty của Bên ký kết kia đối với những đầu tư thuộc sở hữu của họ trên lãnh thổ và trong các vùng biển của mình nếu như không phải vì lý do lợi ích công cộng với điều kiện những biện pháp này không có tính chất phân biệt đối xử và không được trái với một cam kết riêng.

Những biện pháp tước quyền sở hữu có thể được thi hành phải tính đến việc bồi thường nhanh chóng và đầy đủ. Khoản bồi thường được tính trên giá trị thực của các khoản đầu tư có liên quan và phải được đánh giá trong điều kiện tình hình kinh tế bình thường và trước khi có sự đe doạ tước quyền sở hữu.

Tổng số tiền bồi thường và thể thức trả tiền bồi thường được ấn định muộn nhất vào ngày tước quyền sở hữu. Khoản bồi thường này phải thực hiện được, trả không chậm trễ và được chuyển tự do. Cho đến ngày trả tiền, khoản bồi thường này được sinh lời theo lãi xuất được các Bên ký kết thoả thuận.

3. Công dân hoặc công ty của Bên ký kết có các khoản đầu tư bị thiệt hại do chiến tranh hoặc xung đột vũ trang, do cách mạng, tình trạng khẩn cấp quốc gia hoặc các cuộc nổi dậy diễn ra trên lãnh thổ hoặc trong các vùng biển của Bên ký kết kia sẽ được Bên đó cho hưởng sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó dành cho công dân hoặc các công ty nước mình hoặc dành cho công dân hoặc công ty nước được hưởng quyền ưu đãi nhất.

Điều 6

Mỗi Bên ký kết cho công dân hay công ty của Bên ký kết kia đầu tư trên lãnh thổ hay trong các vùng biển của mình được tự do chuyển:

a) Lãi, lợi tức cổ phần, lợi nhuận và những khoản thu nhập thông thường khác;

b) Các khoản thu từ các quyền vô hình nói ở khoản 1 mục d) và e) của điều 1;

c) Các khoản trả cho các khoản vay nợ thường xuyên.

d) Do nhượng hay thanh lý toàn bộ hay một phần đầu tư, kể cả phần giá trị cao hơn vốn đầu tư.

e) Các khoản bồi thường mất quyền sở hữu hoặc do những tổn thất nêu ở điều 5 đoạn 2 và 3 trên đây;

Công dân của một Bên ký kết được phép làm việc trên lãnh thổ hoặc trong các vùng biển của Bên ký kết kia trong khuôn khổ một vụ đầu tư đã được chấp thuận cũng được chuyển về nước một số lượng thích hợp thu nhập của mình.

Việc chuyển các khoản trên đây được thực hiện không chậm trễ theo tỷ giá hối đoái chính thức áp dụng vào ngày chuyển.

Điều 7

Trong giới hạn các quy định của một Bên ký kết về bảo đảm đầu tư nước ngoài, sự bảo đảm đó có thể được áp dụng cho từng trường hợp một đối với đầu tư của công dân hay công ty của Bên ký kết này trên lãnh thổ hay trong các vùng biển của Bên ký kết kia.

Đầu tư của công dân và công ty của một Bên ký kết trên lãnh thổ hay trong các vùng biển của Bên ký kết kia chỉ được hưởng sự bảo đảm nói ở đoạn trên nếu có sự đồng ý trước của Bên ký kết này.

Điều 8

1. Mọi tranh chấp đầu tư giữa một Bên ký kết với một công dân hoặc một công ty của Bên ký kết kia phải cố gắng giải quyết bằng hoà giải giữa hai Bên liên quan.

2. Nếu sự tranh chấp không giải quyết được trong thời hạn 6 tháng kể từ khi vụ tranh chấp được một trong hai Bên nêu ra, thì theo yêu cầu của một Bên, vụ tranh chấp sẽ được đưa ra Trọng tài. Vụ tranh chấp được giải quyết theo bản quy định về Trọng tài của Uỷ ban Liên hiệp quốc về luật thương mại quốc tế được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua trong Nghị quyết 31/98 ngày 15/12/1976.

Khi các Bên ký kết tham gia Công ước về giải quyết các tranh chấp về đầu tư giữa các quốc gia và những người có quốc tịch nước khác, ký tại Washington ngày 18/3/1965, Trung tâm Quốc tế giải quyết các tranh chấp về đầu tư (CIRDI) sẽ được thay thế cho thủ tục nói ở đoạn trên trong việc giải quyết bằng Trọng tài các tranh chấp giữa một Bên ký kết với công dân và công ty của bên ký kết kia.

Điều 9

Nếu một Bên ký kết căn cứ vào sự bảo đảm dành cho việc đầu tư được tiến hành trên lãnh thổ hoặc trong các vùng biển của Bên kia, trả tiền cho một công dân hoặc một công ty của nước mình, thì bằng việc này, Bên ký kết này thay thế quyền và hoạt động của công dân hay công ty đó.

Việc trả tiền trên đây không ảnh hưởng đến quyền của người được hưởng sự bảo đảm thực hiện thủ tục nêu ở Điều 8 hoặc tiến hành vụ kiện cho đến khi kết thúc thủ tục này.

Điều 10

Những đầu tư là đối tượng của một cam kết đặc biệt của một Bên ký kết với các công dân và công ty của Bên ký kết kia không tuỳ thuộc với quy định của Hiệp định này được áp dụng những điều khoản của cam kết đó nếu cam kết đó có những điều khoản thuận lợi hơn những điều khoản Hiệp định này.

Điều 11

1. Những tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định này nếu có thể được giải quyết bằng đường ngoại giao;

2. Nếu trong vòng 6 tháng kể từ khi việc tranh chấp được một Bên ký kết nêu ra mà không được giải quyết, thì theo yêu cầu của một Bên ký kết, vụ tranh chấp được đưa ra Toà án trọng tài;

3. Toà án trọng tài được thành lập cho từng trường hợp cụ thể theo cách sau đây:

Mỗi Bên ký kết chỉ định một thành viên và hai thành viên đó thoả thuận chỉ định một công dân một nước thứ ba. Hai Bên ký cử công dân này làm chủ tịch. Tất cả các thành viên được cử ra trong vòng 3 tháng kể từ ngày một Bên ký kết thông báo cho Bên kia ý định đưa vụ tranh chấp ra trọng tài.

4. Nếu những thời hạn ấn định ở đoạn 3 trên đây không được tuân thủ và không có bất kỳ thoả thuận nào khác thì một Bên ký kết sẽ yêu cầu Tổng thư ký Liên hiệp quốc tiến hành việc chỉ định cần thiết. Nếu Tổng thư ký Liên hiệp quốc là công dân của một Bên ký kết, hoặc nếu vì lý do khác, Tổng thư ký không thể thực hiện chức năng này, thì Phó Tổng thư ký có thâm niên lâu nhất và không có quốc tịch của một Bên ký kết sẽ tiến hành việc chỉ định cần thiết.

5. Toà án trọng tài thông qua quyết định của mình theo thể thức đa số phiếu. Các quyết định này là cuối cùng và có đầy đủ hiệu lực thi hành đối với các Bên ký kết.

Toà án tự quy định việc tố tụng của mình. Tòa án giải thích bản án theo yêu cầu của Bên ký kết này hoặc Bên ký kết kia. Trừ trường hợp Toà án có quy định khác căn cứ vào những hoàn cảnh đặc biệt, lệ phí trọng tài, kể cả thù lao cho các trọng tài viên được chia đều cho các Bên.

Điều 12

Mỗi Bên ký kết thông báo cho Bên kia việc hoàn thành các thủ tục ở trong nước cần có để Hiệp định này có hiệu lực. Hiệp định này có hiệu lực sau một tháng kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng.

Hiệp định này được ký cho thời hạn đầu tiên là 10 năm. Sau thời hạn đó, Hiệp định sẽ tiếp tục có hiệu lực, trừ khi một Bên ký kết huỷ bỏ bằng đường ngoại giao, với việc thông báo trước 1 năm.

Khi kết thúc thời hạn có hiệu lực của Hiệp định này, các vụ đầu tư được thực hiện trong thời hạn Hiệp định có hiệu lực tiếp tục được hưởng sự bảo hộ của những điều khoản của Hiệp định này trong thời gian thêm là 20 năm.

Làm tại Paris ngày 26 tháng 5 năm 1992 thành hai bản chính, mỗi bản bằng tiếng Việt Nam và bằng tiếng Pháp, hai bản có giá trị ngang nhau.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NGỌAI GIAO




Nguyễn Mạnh Cầm

THAY MẶT CHÍNH PHỦ CỘNG HOÀ PHÁP
THỦ TƯỚNG





Pierre Beregovoy

 

Paris, ngày 26 tháng 5 năm 1992

Thưa Ngài Thủ tướng

Tôi rất hân hạnh đã nhận được thư của Ngài ngày hôm nay, nội dung như sau:

Về việc giải thích Hiệp định ký ngày hôm nay giữa Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về khuyến khích và bảo hộ đầu tư tôi xin làm rõ như sau:

1. Những điểm liên quan tới Điều 3:

a) Được coi như cản trở về luật pháp hoặc trên thực tế về sự đối xử công bằng và thoả đáng là: những hạn chế trong việc mua và vận chuyển nguyên liệu chính và phụ, năng lượng, nhiên liệu cũng như những tư liệu sản xuất và kinh doanh khác; những hạn chế trong việc bán và vận chuyển các sản phẩm cũng như các biện pháp khác có hậu quả tương tự;

b) Các Bên ký kết sẽ xem xét thuận lợi trong khuôn khổ luật pháp của mình, những yêu cầu nhập cảnh cư trú, làm việc và đi lại của các công dân của một Bên ký kết, có liên quan đến đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.

2. Những điểm liên quan đến Điều 4:

Sự đối xử có thể so sánh tương đương được hiểu một cách tổng thể, có tính đến những đặc điểm riêng biệt về kinh tế và xã hội của mỗi nước.

3. Những điểm liên quan đến Điều 5:

Tỷ suất lãi do các Bên ký kết chấp nhận là tỷ suất lãi chính thức quyền ấn định đặc biệt do FMI xác định.

Tôi xin thông báo với Ngài sự chấp thuận của Chính phủ tôi về nội dung công hàm của Ngài.

Tôi xin gửi Ngài lời chào trân trọng.

BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM





Nguyễn Mạnh Cầm

Ngài thủ tướng Cộng hoà Pháp

Paris, ngày 26 tháng 5 năm 1992

Thưa Ngài Bộ trưởng,

Về việc giải thích Hiệp định ký ngày hôm nay giữa Chính phủ Cộng hoà Pháp và Chính phủ Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về khuyến khích và bảo hộ đầu tư tôi xin làm rõ như sau:

1. Những điểm liên quan tới Điều 3:

a) Được coi như cản trở về luật pháp hoặc trên thực tế về sự đối xử công bằng và thoả đáng là: những hạn chế trong việc mua và vận chuyển nguyên liệu chính và phụ, năng lượng, nhiên liệu cũng như những tư liệu sản xuất và kinh doanh khác; những hạn chế trong việc bán và vận chuyển các sản phẩm cũng như các biện pháp khác có hậu quả tương tự;

b) Các Bên ký kết sẽ xem xét thuận lợi trong khuôn khổ luật pháp của mình, những yêu cầu nhập cảnh cư trú, làm việc và đi lại của các công dân của một Bên ký kết, có liên quan đến đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia.

2. Những điểm liên quan đến Điều 4:

Sự đối xử có thể so sánh tương đương được hiểu một cách tổng thể, có tính đến những đặc điểm riêng biệt về kinh tế và xã hội của mỗi nước.

3. Những điểm liên quan đến Điều 5:

Tỷ suất lãi do các Bên ký kết chấp nhận là tỷ suất lãi chính thức quyền ấn định đặc biệt do FMI xác định.

Trân trọng đề nghị Ngài thông báo cho tôi sự chấp thuận của Chính phủ Ngài về nội dung công hàm này.

Tôi xin gửi Ngài lời chào trân trọng.

THỦ TƯỚNG
CỘNG HOÀ PHÁP





Pierre BEREGOVOY

 

Ngài bộ trưởng bộ ngoại giao Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định về Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư giữa chính phủ Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hoà Pháp

  • Số hiệu: Khôngsố
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 26/05/1992
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà Pháp, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Cầm, Pierre Beregovoy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/06/1992
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản