Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO   
--------

 

Số: 07/2009/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2009

 

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ru-an-da về hợp tác trong lĩnh vực y tế, ký tại Hà Nội ngày 23 tháng 5 năm 2008, có hiệu lực từ ngày 13 tháng 01 năm 2009.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hoàng Anh
 

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA RU-AN-DA VỀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC Y TẾ

LỜI MỞ ĐẦU

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (dưới đây gọi là “Việt Nam”) và Chính phủ nước Cộng hòa Ru-an-da (dưới đây gọi là “Ru-an-da”), (sau đây gọi chung là “các Bên” và gọi riêng là “Bên”);

NHẬN THỨC RÕ sự cần thiết phát triển hơn nữa tình trạng sức khỏe của nhân dân hai nước thông qua những nỗ lực chung;

XÉT RẰNG đó là mối quan tâm của các Bên nhằm thúc đẩy và phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực y tế;

NHẬN THỨC rõ tầm quan trọng của việc tăng cường và trao đổi chuyên môn y tế để hai bên cùng có lợi;

ĐÃ THỎA THUẬN những điều sau:

Điều 1. Phạm vi hiệp định

1. Hiệp định này nhằm mục đích thúc đẩy và phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực y tế: trao đổi kinh nghiệm và chuyên môn, hợp tác chặt chẽ và chia sẻ trong các lĩnh vực khác nhau của các hoạt động y tế.

2. Các Bên sẽ thúc đẩy và phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực y tế và khoa học y học bằng cách xem xét khả năng hợp tác dựa trên sự bình đẳng và hai Bên cùng có lợi.

Điều 2. Các cơ quan thẩm quyền

Các cơ quan thẩm quyền có trách nhiệm thực hiện Hiệp định này sẽ là:

1. Về phía Ru-an-da, Bộ Y tế hoặc Đại sứ quán của Cộng hòa Ru-an-da tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và

2. Về phía Việt Nam: Bộ Y tế hoặc Đại sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nước Cộng hòa Ru-an-da.

Điều 3. Các lĩnh vực hợp tác

Hai Bên sẽ khuyến khích hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực y tế sau:

1. Trao đổi chuyên môn y học

2. Cùng giám sát bệnh tật.

3. HIV/AIDS và các dịch bệnh khác.

4. Nghiên cứu y học.

5. Y học cổ truyền.

6. Quản lý bệnh viện.

7. Chuẩn đoán và phòng thí nghiệm

8. Đào tạo

9. Cứu trợ khẩn cấp

10. Các lĩnh vực khác được hai Bên thỏa thuận bằng văn bản.

Điều 4. Hình thức hợp tác

Hai Bên sẽ hợp tác thông qua các hình thức sau:

1. Trao đổi chuyên gia trong lĩnh vực y tế.

2. Trao đổi thông tin trong các lĩnh vực khác nhau về y tế và y học.

3. Các chương trình hợp tác khoa học, bao gồm đào tạo dịch vụ và hội thảo

4. Đào tạo các lĩnh vực được hai Bên xác định và thỏa thuận.

5. Cử các chuyên gia tham dự các hội nghị quốc tế tổ chức ở mỗi nước.

6. Hợp tác kỹ thuật trong việc xây dựng các phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh và bệnh viện.

7. Nghiên cứu trong các lĩnh vực hai Bên cùng quan tâm.

8. Hợp tác giữa các cơ sở.

Điều 5. Kế hoạch đi lại

Trừ khi trong bối cảnh khác được hai Bên thỏa thuận, việc bố trí kinh phí cho các cán bộ đi công tác trong các lĩnh vực hợp tác của Hiệp định này sẽ như sau:

1. Bên cử cán bộ sẽ cung cấp Bản tóm tắt quá trình hoạt động (CV) và giấy chứng nhận của Hội đồng Y khoa và Điều dưỡng (trong trường hợp có thực hành y hoặc điều dưỡng) cùng với đề nghị thu xếp chuyến thăm cho Bên tiếp nhận ít nhất trước ba tháng. Bên tiếp nhận sẽ xác nhận khả năng tiếp nhận 1 tháng trước chuyến thăm.

2. Mọi chi phí liên quan đến chuyến thăm sẽ do Bên cử cán bộ đài thọ.

Điều 6. Các dự án

Để thực hiện Hiệp định này, hai Bên sẽ ủy quyền cho Bộ Y tế hai Bên ký kết các bản Thỏa thuận bổ sung cụ thể hóa về các dự án cụ thể, bao gồm các nội dung cấu thành của các lĩnh vực hợp tác nêu tại Điều 3 cũng như điều kiện tiếp nhận chuyên gia, lương và chế độ đãi ngộ cho chuyên gia y tế và các phương thức hợp tác nêu tại Điều 4.

Điều 7. Giải quyết tranh chấp

Bất kỳ tranh chấp nào giữa hai Bên phát sinh từ việc giải thích và thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết một cách thân thiện thông qua tham vấn và thương lượng giữa hai Bên.

Điều 8. Sửa đổi, bổ sung thỏa thuận

1. Hiệp định này có thể được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đồng thuận giữa hai Bên thông qua trao đổi công hàm giữa hai Bên qua đường ngoại giao.

2. Mọi sửa đổi trong Hiệp định sẽ không ảnh hưởng đến các hoạt động đang triển khai hoặc đã được phê chuẩn trước khi những sửa đổi này được thông qua, trừ khi các Bên có thỏa thuận khác.

Điều 9. Hiệu lực và chấm dứt hiệu lực

1. Hiệp định này có hiệu lực vào ngày nhận được thông báo sau cùng qua đường ngoại giao, trong đó khẳng định hai Bên đã hoàn tất thủ tục pháp lý trong nước để Hiệp định có hiệu lực.

2. Hiệp định này sẽ có hiệu lực trong 5 năm và sẽ mặc nhiên được gia hạn từng 5 năm một.

3. Mỗi Bên có chấm dứt Hiệp định này bằng gửi thông báo ý định chấm dứt hiệu lực ít nhất trước 6 tháng cho Bên kia qua đường ngoại giao.

4. Việc chấm dứt hiệu lực Hiệp định này sẽ không làm ảnh hưởng đến các dự án đang được triển khai trong khuôn khổ Hiệp định này. Những dự án này sẽ tiếp tục được điều chỉnh bởi các điều khoản của Hiệp định.

ĐỂ LÀM BẰNG, những người ký tên dưới đây, được sự ủy quyền hợp thức của Chính phủ nước mình, đã ký Hiệp định này.

Làm tại Hà Nội, ngày 23 tháng 5 năm 2008, thành hai bản gốc bằng tiếng Việt Nam và tiếng Anh, cả hai bản đều có giá trị như nhau./.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




TS. Nguyễn Quốc Triệu

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA RU-AN-DA
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO VÀ HỢP TÁC




Bà Rosemary Museminali

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định về hợp tác trong lĩnh vực y tế giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ru-an-da

  • Số hiệu: 07/2009/SL-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 23/05/2008
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà Ru-an-đa, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Quốc Triệu, Rosemary Museminali
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 147 đến số 148
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản