Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
---------

 

Số: 18/2009/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2009

 

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ về hợp tác đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, buôn bán trái phép các chất ma túy, các chất hướng thần, các chất tương tự, tiền chất và các loại tội phạm khác, ký tại Ankara ngày 22 tháng 8 năm 2007, có hiệu lực từ ngày 17 tháng 7 năm 2008./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG  




Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA THỔ NHĨ KỲ VỀ HỢP TÁC ĐẤU TRANH PHÒNG CHỐNG KHỦNG BỐ QUỐC TẾ, TỘI PHẠM CÓ TỔ CHỨC, BUÔN BÁN TRÁI PHÉP CÁC CHẤT MA TÚY, CÁC CHẤT HƯỚNG THẦN, CÁC CHẤT TƯƠNG TỰ, TIỀN CHẤT VÀ CÁC LOẠI TỘI PHẠM KHÁC

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, sau đây được gọi là “Các Bên”;

Trong khuôn khổ quan hệ hữu nghị sẵn có giữa hai nước;

Lo ngại về sự gia tăng các hoạt động khủng bố quốc tế, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan tới ma túy và việc buôn bán ma túy bất hợp pháp trên toàn thế giới;

Trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi; tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; phù hợp với luật pháp hiện hành của mỗi nước và các quy định của các hiệp ước, hiệp định, công ước quốc tế được áp dụng; không ảnh hưởng đến bên thứ ba;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1.

1. Trong phạm vi luật pháp quốc gia của mình, Các Bên sẽ hợp tác trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, khám phá và điều tra tội phạm:

1.1. Khủng bố;

1.2. Xâm hại đến cuộc sống và sức khỏe con người;

1.3. Buôn bán bất hợp pháp các chất ma túy và chất hướng thần, các chất tương tự và tiền chất, cũng như các nguyên liệu để sản xuất các chất đó;

1.4. Tội phạm liên quan tới buôn bán người;

1.5. Bắt giữ người bất hợp pháp và bắt cóc vì mục đích thương mại, bóc lột tình dục và các dạng bóc lột khác;

1.6. Giả mạo (làm và sửa chữa) sử dụng bất hợp pháp giấy tờ tùy thân (hộ chiếu và thị thực) và các giấy tờ thông hành khác;

1.7. Buôn lậu;

1.8. Di cư bất hợp pháp;

1.9. Tội phạm quốc tế có tổ chức;

1.10. Rửa tiền và tài sản do hoạt động phạm tội mà có;

1.11. Giả mạo (làm và sửa chữa) và lưu hành tiền, phương tiện thanh toán, séc và các vật có giá trị khác;

1.12. Trộm cắp xe hơi, buôn bán xe cộ bất hợp pháp và các hoạt động tội phạm khác trong lĩnh vực này;

1.13. Buôn bán bất hợp pháp vũ khí, đạn dược, chất nổ, các nguyên liệu chiến lược (vật liệu hạt nhân và phóng xạ), cũng như các chất nguy hiểm khác;

1.14. Buôn bán bất hợp pháp các giá trị văn hóa, lịch sử và các tác phẩm nghệ thuật;

1.15. Tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính;

1.16. Các hình thức tội phạm tình dục có tổ chức, đặc biệt là có liên quan đến trẻ em cũng như sản xuất, tán phát và cung cấp các vật phẩm khiêu dâm liên quan đến trẻ em;

1.17. Tội phạm công nghệ vi tính;

1.18. Tội phạm sinh thái;

2. Theo thỏa thuận chung, Các Bên cũng sẽ hợp tác trong đấu tranh phòng chống các loại tội phạm khác mà công việc phòng ngừa và điều tra đòi hỏi phải có sự hợp tác của các cơ quan chức năng của hai quốc gia.

Điều 2. Các cơ quan có thẩm quyền của Các Bên, phù hợp với luật pháp quốc gia của mỗi Bên, sẽ hợp tác dưới các hình thức sau:

1. Thực hiện các yêu cầu và cam kết;

2. Trao đổi thông tin về tội phạm được nêu tại Điều 1 của Hiệp định;

3. Trong trường hợp cần thiết, có thể cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu tiến hành các biện pháp truy nã và điều tra;

4. Trao đổi kinh nghiệm trong công tác phòng chống tội phạm;

5. Trao đổi chuyên gia nhằm chia sẻ những thông tin hai bên cùng quan tâm trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và kinh nghiệm sử dụng phương tiện kỹ thuật phục vụ điều tra;

6. Trao đổi văn bản pháp luật trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm nêu tại Điều 1 của Hiệp định;

7. Trao đổi kết quả điều tra tội phạm, tội phạm học và kỹ thuật hình sự;

8. Trao đổi các phương thức thủ đoạn hoạt động, nhất là thủ đoạn mới, mà tội phạm nêu tại Điều 1 thường sử dụng;

9. Trao đổi tài liệu, băng hình, các ấn phẩm và chương trình nhằm quảng bá và tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ về tác hại của ma túy và các chất hướng thần;

10. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực cho chuyên viên, cán bộ trong lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật và nghiệp vụ điều tra;

11. Hỗ trợ các phương tiện kỹ thuật, công nghệ mới để nâng cao hiệu quả điều tra, phát hiện các loại tội phạm.

Điều 3. Vì mục đích giữ gìn trật tự xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia, bảo vệ cuộc sống, sức khỏe, các quyền lợi và quyền tự do, lợi ích hợp pháp của công dân và tài sản cũng như hợp tác trong lĩnh vực hồi hương, trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình, Các Bên sẽ:

1. Trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong công tác hồi hương công dân của Các Bên.

2. Trao đổi thông tin về công dân của Các Bên thuộc diện bị tình nghi hoặc bị cáo buộc phạm tội trong lãnh thổ của Các Bên và về những công dân thuộc diện bị truy nã do phạm tội.

3. Trong trường hợp cần thiết, áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh an toàn cho các viên chức và đại diện của Các Bên cũng như công dân và tài sản của công dân Bên kia được vận chuyển bằng đường bộ, đường hàng không, đường biển và đường sắt trong phạm vi biên giới của mình.

4. Trao đổi thông tin về việc trục xuất và hồi hương những người bị kết án do đã phạm các tội được nêu cụ thể tại Điều 1 của Hiệp định này.

5. Trao đổi kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực phòng chống tội phạm được nêu tại Điều 1 của Hiệp định này, những thông tin về các biện pháp mới được áp dụng trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Điều 4. Vì mục đích đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế và các loại tội phạm cực đoan khác, phù hợp với các điều khoản của Hiệp định này và luật pháp quốc gia của mỗi nước, Các Bên sẽ:

1. Áp dụng các biện pháp để ngăn chặn các hoạt động chuẩn bị và thực hiện các vụ khủng bố nhằm vào an ninh công cộng và quốc gia của Các Bên.

2. Áp dụng các biện pháp truy nã các đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự hoặc thụ án do có hoạt động khủng bố trên lãnh thổ của từng Bên.

3. Trao đổi thông tin về các đối tượng, băng nhóm hoặc tổ chức bị tình nghi thực hiện các vụ khủng bố và hoạt động của chúng trên lãnh thổ của Các Bên ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh và quyền lợi của Các Bên cũng như những biện pháp kỹ chiến thuật sử dụng trong công tác đấu tranh với số đối tượng, băng nhóm và tổ chức đó.

4. Coi là bất hợp pháp và ngăn chặn hoạt động của các tổ chức khủng bố và đồng phạm của chúng hoạt động trên lãnh thổ từng Bên và nhằm chống lại Bên kia cũng như chống lại các nước khác và các tổ chức quốc tế.

5. Hợp tác vạch trần động cơ của khủng bố, nguồn gốc, động lực và các hình thức khủng bố.

6. Trao đổi thông tin và kinh nghiệm thực tiễn về phương pháp đấu tranh và ngăn chặn các hoạt động khủng bố, kể cả các hoạt động bắt cóc con tin và cưỡng đoạt các phương tiện vận tải.

7. Hợp tác huấn luyện cán bộ của các đơn vị chống khủng bố và trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về các loại vũ khí, các phương tiện và thiết bị kỹ thuật được sử dụng vì các mục đích này.

8. Trao đổi các công trình nghiên cứu khoa học và phương pháp luận cũng như trao đổi chuyên gia, cán bộ quản lý và phối hợp tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị.

Điều 5. Trong khuôn khổ luật pháp quốc gia của đất nước mình, Các Bên sẽ hợp tác trong đấu tranh chống các hoạt động tội phạm có tổ chức theo cách thức sau:

1. Trao đổi dữ liệu về các đối tượng liên quan đến tội phạm có tổ chức, đặc biệt là những đối tượng cầm đầu.

2. Trao đổi dữ liệu về các vụ phạm tội, đặc biệt là về thời gian, địa điểm và cách thức phạm tội, người và tài sản bị ảnh hưởng, các chủ thể và tiểu tiết cũng như nội dung quy định trong luật hình sự của Các Bên.

Việc trao đổi thông tin và dữ liệu được thực hiện nếu thấy cần thiết cho việc phát hiện, điều tra tội phạm nghiêm trọng cũng như để ngăn chặn tội phạm có thể gây nguy hiểm cho trật tự công cộng trong từng vụ cụ thể.

3. Hỗ trợ trên cơ sở tư vấn các hoạt động nghiệp vụ và điều tra; hỗ trợ nhau về tổ chức và công tác thực tế.

4. Hỗ trợ lẫn nhau tổ chức đào tạo, huấn luyện cảnh sát, trao đổi chuyên gia để nâng cao trình độ kỹ thuật trong đấu tranh phòng chống các dạng tội phạm có tổ chức và các loại tội phạm khác.

5. Tổ chức các cuộc họp làm việc chung về các vụ hình sự cụ thể mà Các Bên đang điều tra để qua đó áp dụng các biện pháp chung.

Điều 6.

1. Vì mục đích đấu tranh chống buôn bán trái phép ma túy, các chất hướng thần, các chất tương tự và tiền chất, trong khuôn khổ luật pháp quốc gia của đất nước mình, Các Bên sẽ:

1.1. Trao đổi thông tin trong lĩnh vực kiểm soát buôn bán hợp pháp các chất ma túy, các chất hướng thần, các chất tương tự và tiền chất kể cả việc trao đổi thông tin về hoạt động xuất nhập khẩu các chất đó được thực hiện theo đúng quy định của các công ước quốc tế trong lĩnh vực kiểm soát ma túy.

1.2. Áp dụng các biện pháp chung để ngăn chặn việc buôn bán trái phép các chất ma túy, chất hướng thần, chất tương tự và tiền chất.

1.3. Trao đổi thông tin về các trường hợp phạm tội và những người liên quan, đặc biệt là về các địa điểm giấu, hình thức và phương tiện vận chuyển, xuất xứ, sản xuất và cách thức giao ma túy, các chất hướng thần, chất tương tự và tiền chất.

1.4. Hỗ trợ trên cơ sở tư vấn về công tác nghiệp vụ và điều tra trong đấu tranh chống buôn bán trái phép ma túy, các chất hướng thần, các chất tương tự và tiền chất, lợi nhuận thu được, rửa tiền và tất cả các dạng buôn lậu thông qua việc áp dụng phương pháp “phân phát có kiểm soát”.

1.5. Trao đổi phương pháp và công nghệ phân tích khoa học và nghiên cứu các tài liệu trong lĩnh vực kiểm soát các chất ma túy, các chất hướng thần, các chất tương tự và tiền chất cũng như tình trạng lạm dụng các chất đó.

1.6. Trao đổi những thông tin khác nếu việc chuyển giao thông tin đó không trái với luật pháp của nước Bên được yêu cầu.

2. Trong trường hợp phát hiện thấy dấu hiệu tội phạm khủng bố và tội phạm có tổ chức trong quá trình điều tra tội phạm buôn bán trái phép ma túy, các chất hướng thần, các chất tương tự và tiền chất thì Các Bên có trách nhiệm thông báo ngay lập tức cho Bên kia biết và nếu cần, phối kết hợp điều tra.

Điều 7. Vì mục đích đấu tranh chống nhập khẩu và buôn bán bất hợp pháp các giá trị văn hóa, lịch sử và các tác phẩm nghệ thuật, Các Bên có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để phát hiện và thông báo ngay cho Bên kia biết nếu vụ việc xảy ra và gửi trả các giá trị đó cho nước sở hữu hợp pháp.

Điều 8. Việc hợp tác của Các Bên trong đấu tranh chống di cư bất hợp pháp, bắt cóc và buôn bán người được thực hiện theo cách thức sau:

1. Trong trường hợp cần thiết, Các Bên sẽ đề nghị được cung cấp hoặc sẽ cung cấp cho nhau thông tin về di cư bất hợp pháp, bắt cóc và buôn bán người.

2. Các Bên có trách nhiệm nhận lại công dân của mình, những người đã nhập cảnh bất hợp pháp vào lãnh thổ của Bên kia. Điều cốt yếu cho việc nhận lại công dân là phải chứng minh được quốc tịch của họ hoặc đưa ra được chứng cứ về quốc tịch của họ.

3. Các Bên sẽ cùng áp dụng các biện pháp trong đấu tranh chống di cư bất hợp pháp, bắt cóc và buôn bán người.

Điều 9.

1. Việc trao đổi thông tin và yêu cầu thực hiện các hoạt động được nêu trong Hiệp định này sẽ được thông báo bằng văn bản cho các cơ quan có thẩm quyền. Yêu cầu hỗ trợ cần có các nội dung sau:

- Nêu rõ cơ quan được yêu cầu.

- Mô tả về trường hợp được yêu cầu giúp đỡ.

- Nội dung của yêu cầu và thông tin cần thiết để thực hiện.

2. Trong trường hợp khẩn cấp, các cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu bằng miệng trước, sau đó phải được khẳng định qua fax hoặc email trong vòng 48 giờ và Công hàm chính thức được gửi qua đường ngoại giao.

3. Các yêu cầu, tài liệu hỗ trợ và thông tin liên quan phải được làm bằng tiếng Anh.

4. Nếu Bên được yêu cầu cho rằng thông tin trong yêu cầu chưa đủ thì có thể đề nghị Bên yêu cầu bổ sung thông tin. Các cơ quan có thẩm quyền của Các Bên phải thực hiện yêu cầu ngay lập tức.

Điều 10. Các Bên sẽ thành lập Ủy ban hỗn hợp bao gồm đại diện của các cơ quan có thẩm quyền liên quan nhằm đánh giá kết quả thực hiện nội dung hợp tác, đề ra các kế hoạch hợp tác trong tương lai và đề xuất bổ sung những nội dung mới chưa nêu trong Hiệp định này. Ủy ban hỗn hợp là đầu mối phối hợp của Các Bên để tổ chức thực hiện Hiệp định.

Ủy ban hỗn hợp họp luân phiên tại lãnh thổ của Các Bên.

Ủy ban Hỗn hợp cũng có thể họp theo đề nghị của một trong Các Bên.

Điều 11.

1. Nếu một trong Các Bên cho rằng việc thực hiện yêu cầu hoặc việc thực hiện hoạt động cụ thể có thể gây phương hại đến chủ quyền quốc gia mình hoặc trái với các nguyên tắc trong hệ thống tư pháp hoặc các lợi ích thiết yếu của Nhà nước, thì có thể từ chối toàn bộ hoặc một phần hoặc có thể đưa ra các điều kiện cho việc thực hiện yêu cầu đó.

2. Cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu sẽ được thông báo về nguyên nhân của việc từ chối thực hiện yêu cầu.

Điều 12.

1. Các Bên phải bảo mật thông tin nhận được nếu thông tin đó được bất kỳ bên nào trong Các Bên xác định là thông tin mật, phù hợp với luật pháp quốc gia của bên đó.

2. Các Bên không được chuyển cho Bên thứ ba những thông tin, tài liệu và thiết bị kỹ thuật nhận được theo Hiệp định này nếu không có sự đồng ý trước bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền của Bên được yêu cầu.

3. Trong trường hợp thông tin nhận được chứa dữ liệu mà theo quy định của luật pháp Các Bên thuộc danh mục bí mật Nhà nước, việc chuyển thông tin đó phải được thực hiện phù hợp với luật pháp của Bên được yêu cầu.

Điều 13.

1. Nhằm triển khai các điều khoản của Hiệp định này, các cơ quan có thẩm quyền của Các Bên sẽ hợp tác trực tiếp trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình và phù hợp với luật pháp quốc gia.

2. Các cơ quan có thẩm quyền của Các Bên gồm:

Phía nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

- Bộ Công an.

Phía nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ:

- Bộ Nội vụ;

- Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ.

2. Nếu có thay đổi về tên và chức năng của các cơ quan có thẩm quyền nói trên, Các Bên phải ngay lập tức thông báo cho nhau bằng văn bản qua đường ngoại giao.

Điều 14. Nội dung hợp tác cụ thể theo các điều khoản của Hiệp định này sẽ được các cơ quan có thẩm quyền của Các Bên xác định thông qua các thỏa thuận riêng khi cần thiết.

Điều 15.

1. Trong trường hợp có tranh chấp và không thống nhất trong việc diễn giải hoặc áp dụng Hiệp định này, Các Bên sẽ giải quyết thông qua trao đổi và thương lượng.

2. Khi có sự đồng ý của Các Bên, Hiệp định này được sửa đổi và bổ sung bằng các Nghị định thư riêng như là một phần của Hiệp định này.

Điều 16. Các Bên sẽ chịu chi phí thực hiện các điều khoản của Hiệp định này trong giới hạn cần thiết để hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Chi phí đi lại quốc tế của các đoàn đại biểu của Các Bên trong phạm vi Hiệp định này do Bên cử đoàn chịu trách nhiệm; Mọi chi phí về ăn, ở, đi lại các các đoàn trong thời gian lưu lại ở nước sở tại do nước đón tiếp chịu trách nhiệm, trừ trường hợp hai Bên có thỏa thuận khác.

Điều 17. Hiệp định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng bằng văn bản về việc Các Bên hoàn thành thủ tục nội bộ cần thiết để Hiệp định có hiệu lực.

Điều 18. Hiệp định có giá trị 1 (một) năm và mặc nhiên được gia hạn mỗi lần 1 (một) năm trừ khi một trong Các Bên thông báo cho Bên kia bằng văn bản qua đường ngoại giao về ý định chấm dứt hiệu lực hiệp định ít nhất 03 tháng trước ngày Hiệp định hết hạn.

Làm tại Ankara, Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ngày 22 tháng 8 năm 2007 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Anh, tất cả các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự hiểu khác nhau thì lấy bản tiếng Anh làm chuẩn.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN
ĐẠI TƯỚNG




Lê Hồng Anh

THAY MẶT CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA
THỔ NHĨ KỲ
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ





OsMan Giines

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định về hợp tác đấu tranh phòng chống khủng bố quốc tế, tội phạm có tổ chức, buôn bán trái phép các chất ma túy, các chất hướng thần, các chất tương tự, tiền chất và các loại tội phạm khác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ

  • Số hiệu: 18/2009/SL-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 22/08/2007
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Thổ Nhĩ Kỳ
  • Người ký: Lê Hồng Anh, OsMan Giines
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 319 đến số 320
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản