Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HIỆP ĐỊNH
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ CÁC VẤN ĐỀ DÂN SỰ, GIA ĐÌNH VÀ HÌNH SỰ GIỮA NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ NƯỚC CỘNG HÒA NHÂN DÂN HUNGGARI
Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hội đồng Chủ tịch Cộng hòa nhân dân Hunggari.
Với lòng mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước và phát triển sự hợp tác trong lĩnh vực quan hệ tương trợ tư pháp.
Đã thỏa thuận ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp về những vấn đề dân sự, gia đình và hình sự.
Nhằm mục đích đó, hai bên đã cử các đại diện toàn quyền sau đây:
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cử:
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phan Hiền.
Hội đồng Chủ tịch Cộng hòa nhân dân Hunggari cử:
Bộ trưởng Tư pháp Cộng hòa nhân dân Hunggari Markoja Imre.
Sau khi trao đổi giấy ủy quyền hợp pháp và hợp thức, các đại diện toàn quyền đã thỏa thuận những điều sau đây:
1. Công dân nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ nước ký kết kia sự bảo hộ pháp lý về các quyền nhân thân và tài sản mà nước ký kết kia dành cho công dân của mình.
2. Công dân mỗi nước ký kết có thể liên hệ, đưa đơn khiếu nại đến các cơ quan tư pháp có thẩm quyền của nước ký kết kia về các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự trong cùng những điều kiện như công dân của chính nước đó.
3. Những quy định của Hiệp định này cũng áp dụng đối với pháp nhân được thành lập trên lãnh thổ của các nước ký kết, cũng như đối với những tổ chức khác có thể tham gia tố tụng tư pháp với tư cách là đương sự.
1. Các Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan Công chứng Nhà nước của các nước ký kết tương trợ nhau về tư pháp đối với các vấn đề dân sự, gia đình và hình sự.
2. Các cơ quan nói ở khoản 1 cũng tương trợ tư pháp cho các cơ quan khác tham gia tố tụng về dân sự, gia đình và hình sự.
1. Các cơ quan nói ở Điều 2, khi thực hiện tương trợ tư pháp sẽ liên hệ với nhau thông qua Bộ Tư pháp hoặc Viện kiểm sát tối cao của nước mình, trừ phi Hiệp định này có quy định khác.
2. Các cơ quan khác có thẩm quyền, khi giải quyết các vấn đề về dân sự, gia đình và hình sự cần gửi các giấy yêu cầu tương trợ tư pháp đến các cơ quan nói ở Điều 2, khoản 1, trừ phi Hiệp định này có quy định khác đối với một số trường hợp.
Điều 4. Phạm vi tương trợ tư pháp
1. Tương trợ tư pháp bao gồm việc thực hiện các hành vi tố tụng riêng biệt như việc khám nhà, tạm giữ, tịch biên tài sản, việc gửi các chứng cứ, lấy lời khai của những người làm chứng, người giám định và những người khác, xét hỏi bị can, xem xét tại chỗ, yêu cầu tống đạt, gửi các tài liệu cũng như lập và gửi các giấy tờ.
2. Tương trợ tư pháp bao gồm cả việc xác minh địa chỉ của một người cư trú trên lãnh thổ nước ký kết này bị người thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ nước ký kết kia kiện về các vấn đề dân sự hay gia đình. Ngoài ra còn bao gồm cả việc xác minh nơi làm việc và thu nhập của một người bị người ta đòi tiền nuôi dưỡng. Để thuận lợi cho việc giải quyết các yêu cầu trên đây, nước ký kết yêu cầu phải thông báo tất cả tài liệu mình có cho nước ký kết kia biết.
Điều 5. Hình thức ủy thác tư pháp
1. Giấy ủy thác tư pháp bao gồm các điểm sau đây:
a) Tên cơ quan yêu cầu.
b) Tên cơ quan được yêu cầu.
c) Yêu cầu tương trợ tư pháp về việc gì.
d) Họ, tên, nơi thường trú hoặc tạm trú, quốc tịch, nghề nghiệp của những người liên quan trong việc yêu cầu tương trợ. Đối với vụ hình sự thì có thể cho biết cả ngày sinh, nơi sinh của bị can hay của người bị kết án, họ tên bố mẹ của người đó;
e) Họ, tên và địa chỉ của những người đại diện hợp pháp.
f) Những điểm chính về yêu cầu tương trợ và những tài liệu cần thiết cho việc thực hiện yêu cầu này. Trong các vụ hình sự cần mô tả các sự việc.
2. Các giấy ủy thác gửi cho nhau theo Hiệp định này phải được ký tên và đóng dấu.
1. Cơ quan được yêu cầu thực hiện việc ủy thác tư pháp áp dụng pháp luật của nước mình. Tuy nhiên, nếu có đề nghị của cơ quan yêu cầu, cơ quan được yêu cầu có thể áp dụng những quy phạm tố tụng đặc biệt, nếu điều đó không trái với những quy định có tính chất bắt buộc của pháp luật nước mình.
2. Trong trường hợp cơ quan được yêu cầu không có thẩm quyền thì sẽ chuyển việc được yêu cầu cho cơ quan có thẩm quyền và thông báo cho cơ quan yêu cầu biết.
3. Theo đề nghị của cơ quan yêu cầu, cơ quan được yêu cầu sẽ thông báo kịp thời về thời gian và địa điểm thực hiện ủy thác.
4. Sau khi thực hiện xong yêu cầu tương trợ tư pháp hoặc nếu không thực hiện được, thì cơ quan được yêu cầu gửi trả lại tài liệu cho cơ quan yêu cầu và nếu không thực hiện được thì nói lý do vì sao.
Điều 7. Bảo vệ người làm chứng, người giám định và những người khác
1. Không một người làm chứng, người giám định nào dù mang quốc tịch gì, theo giấy gọi mà tự nguyện đến các cơ quan của nước ký kết yêu cầu nói ở Điều 2, lại có thể bị truy tố, bị tạm giam hoặc bị bất cứ biện pháp nào khác hạn chế tự do cá nhân vì những hành vi phạm pháp hoặc những bản án đã có trước khi người đó sang lãnh thổ nước ký kết yêu cầu.
2. Bị can không kể là công dân nước nào, khi được gọi đến các Tòa án của nước ký kết yêu cầu để trả lời về những hành vi dẫn đến việc truy tố người đó, không thể bị truy tố, bị bắt hoặc bị bất cứ biện pháp hạn chế tự do nào khác trên lãnh thổ nước đó về những hành vi phạm pháp hoặc những bản án đã có trước khi người đó sang lãnh thổ nước ký kết yêu cầu và không được nêu lên trong giấy gọi.
3. Quyền được bảo vệ nói ở các khoản 1 và 2 chấm dứt nếu người làm chứng, người giám định hoặc người bị truy tố tuy có khả năng rời lãnh thổ nước ký kết yêu cầu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày các cơ quan nói ở Điều 2 không yêu cầu sự có mặt của người đó nữa nhưng vẫn ở lại nước này hoặc trở lại nước này sau khi đã rời đi.
1. Người làm chứng hoặc người giám định được yêu cầu bồi hoàn các khoản phí tổn đi đường và lưu trú, cũng như được hưởng một khoản phụ cấp. Các phí tổn này do nước ký kết yêu cầu chịu. Các phí tổn lưu trú và phụ cấp ít nhất cũng bằng các phí tổn và phụ cấp quy định trong pháp luật hiện hành của nước ký kết nơi người đó đến khai.
2. Nếu người làm chứng hay người giám định yêu cầu thì cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của mình, nước ký kết yêu cầu ứng trước cho người đó một phần hay toàn bộ các phí tổn đi đường và lưu trú.
Điều 9. Thủ tục tống đạt giấy tờ
1. Cơ quan được yêu cầu tiến hành tống đạt giấy tờ phù hợp với pháp luật của nước mình về việc tống đạt giấy tờ với điều kiện là giấy tờ cần tống đạt được viết bằng tiếng của nước được yêu cầu hoặc có kèm theo một bản dịch ra tiếng của nước được yêu cầu được xác nhận là dịch đúng. Nếu không như vậy, thì cơ quan được yêu cầu chỉ tống đạt giấy tờ khi người được tống đạt tự nguyện nhận.
2. Trong giấy tờ yêu cầu tống đạt phải ghi đúng địa chỉ của người nhận cũng như tính chất của giấu tờ tống đạt.
3. Nếu không tống đạt được theo địa chỉ đã ghi trong giấy yêu cầu tống đạt, thì cơ quan được yêu cầu chủ động thực hiện những biện pháp cần thiết để xác định địa chỉ. Nếu không thể tìm thấy địa chỉ, thì phải thông báo cho cơ quan yêu cầu biết, đồng thời gửi trả lại giấy tờ tống đạt.
Điều 10. Chứng nhận việc tống đạt
Nước ký kết được yêu cầu, căn cứ vào pháp luật hiện hành của nước mình về tống đạt giấy tờ mà chứng nhận việc tống đạt. Trong giấy chứng nhận tống đạt phải ghi rõ ngày, tháng và nơi tống đạt.
Điều 11. Tống đạt giấy tờ cho công dân nước mình
1. Mỗi nước ký kết có quyền tống đạt giấy tờ cho công dân nước mình đang ở trên lãnh thổ nước kia thông qua cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của mình.
2. Trong trường hợp tống đạt này không được áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Điều 12. Phí tổn về tương trợ tư pháp
1. Nước ký kết được yêu cầu không được đòi hỏi thanh toán các phí tổn về tương trợ tư pháp. Mỗi nước ký kết chịu tất cả các phí tổn về tương trợ tư pháp thực hiện trên lãnh thổ nước mình.
2. Cơ quan tư pháp được yêu cầu thông báo cho cơ quan tư pháp yêu cầu biết phí tổn về tương trợ tư pháp. Nếu cơ quan tư pháp yêu cầu thu lại được những phí tổn này từ người có nghĩa vụ phải trả thì số tiền thu được thuộc về nước ký kết có cơ quan đã thu.
Điều 13. Thông tin về pháp luật
Theo yêu cầu của nhau, các cơ quan nói ở Điều 3. Khoản 1 Hiệp định này thông báo cho nhau biết về pháp luật của nước mình.
Điều 14. Tiếng nói sử dụng trong tương trợ tư pháp
Các giấy yêu cầu tương trợ tư pháp, cũng như các giấy tờ và tài liệu kèm theo được viết bằng tiếng của nước yêu cầu và kèm theo bản dịch ra tiếng của nước được yêu cầu hoặc bản dịch tiếng Pháp.
Các giấy tờ chính thức lập trên lãnh thổ một nước ký kết theo pháp luật của nước này, khi được xuất trình trên lãnh thổ nước ký kết kia, có cùng hiệu lực như các giấy tờ tương ứng lập trên lãnh thổ nước kia.
1. Các giầy tờ công của các cơ quan có thẩm quyền của một nước ký kết, cũng như các giầy tờ tư trên đó đã ghi lời xác nhận chính thức, như xác nhận về việc đăng ký hoặc thị thực ngày, tháng, chứng nhận chữ ký, chứng nhận bản sao, đều được miễn hợp pháp hóa hoặc chứng thực thêm cùng mọi thủ tục tương đuơng khi phải xuất trình các giầy tờ đó trên lãnh thổ nước ký kết kia.
2. Các giấy tờ trên đây phải được lập như thế nào để có thể làm rõ được tính chính thức của nó. Nhất là phải có chữ ký và đóng dấu xác nhận của người đại diện cơ quan có thẩm quyền lập ra hoặc dịch các giấy tờ đó và nếu là bản sao thì phải được cơ quan này chứng nhận là đúng với bản gốc. Trường hợp có nghi ngờ về tính hợp pháp của giấy tờ, có thể yêu cầu giải thích thông qua các cơ quan có thẩm quyền.
Điều 17. Từ chối tương trợ tư pháp
Tương trợ tư pháp có thể bị từ chối nếu nước ký kết được yêu cầu cho rằng việc đó sẽ xâm phạm đến chủ quyền, đến trật tự chung, hoặc những nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước mình.
Điều 18. Giao đồ vật và chuyển tiền
Nếu căn cứ vào các quy định của Hiệp định này muốn tiến hành việc chuyển giao, mang ra hoặc chuyển các tài sản, các phương tiện thanh toán và các đồ vật, thì phải tuân theo pháp luật của nước ký kết được yêu cầu.
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP TRONG LĨNH VỰC DÂN SỰ VÀ GIA ĐÌNH
Công dân nước ký kết này không bị buộc ký quỹ án phí trên lãnh thổ nước ký kết kia, không phải nộp cược dưới bất cứ hình thức nào vì lý do họ là người nước ngoài.
1. Đơn xin thi hành quyết định về án phí phải kèm theo bản sao có thị thực quyết định của Tòa án, về án phí và giấy chứng nhận rằng quyết định đó đã có hiệu lực pháp luật và có thể thi hành.
2. Các giầy tờ nói ở khoản 1 phải kèm theo bản dịch ra tiếng của nước ký kết nơi sẽ thi hành quyết định. Bản dịch này phải được chứng nhận là dịch đúng.
3. Tòa án thực hiện thủ tục thi hành quyết định chỉ cần kiểm tra xem:
a) Quyết định đã được xác nhận là có hiệu lực pháp luật và có thể thi hành hay chưa?
b) Các giấy tờ nói ở khoản 1 điều này có kèm theo bản dịch đã được thị thực hay không?
Điều 22. Đơn xin thi hành quyết định về án phí có thể gửi
1) Cho Tòa án đã ra quyết định về án phí hoặc Tòa án đã xử sơ thẩm. Tòa án nhận đơn này sẽ chuyển đơn theo các quy định ở Điều 3, khoản 1 của Hiệp định này cho Tòa án có thẩm quyền của nước ký kết kia; hoặc:
2) Nộp trực tiếp cho Tòa án có thẩm quyền tiến hành thủ tục thi hành của nước ký kết kia, nếu người đứng đơn thường trú trên lãnh thổ nước kia.
1. Tòa án quyết định việc tiến hành thủ tục đòi án phi mà không cần nghe các đương sự.
2. Không được từ chối việc tiến hành thủ tục đòi án phí chỉ vì lý do người đứng đơn đã không ứng trước các phí tổn về đòi án phí.
1. Công dân nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ nước ký kết kia việc miễn lệ phí công chứng và quyền được thay mặt không mất tiền theo những quy định của pháp luật nước ký kết kia trong cùng những điều kiện và mức độ như công dân của nước ký kết kia.
2. Việc miễn án phí, miễn lệ phí bao gồm tất cả mọi hành vi tố tụng, kể cả tố tụng thi hành án.
3. Nếu theo pháp luật của nước ký kết này một bên đương sự được hưởng việc miễn án phí, miễn lệ phí công chứng, thì người đó cùng được hưởng việc án phí, miễn lệ phí công chứng đối với mọi hành vi tố tụng thực hiện trước Tòa án của nước ký kết kia về cùng vụ án.
1. Giấy chứng nhận về tình hình nhân thân, gia đình và tài sản của người xin miễn án phí, lệ phí do cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nơi người đó thường trú hoặc tạm trú cấp. Cũng áp dụng quy định này đối với việc chứng nhận về thu nhập của người xin.
2. Nếu đương sự không thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ của cả hai nước ký kết, thì cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mà người đó là công dân có thể cấp giấy chứng nhận.
3. Tòa án có thẩm quyền xét đơn xin miễn án phí, lệ phí, nếu thấy cần thiết, có thể yêu cầu cơ quan cấp giấy chứng nhận bổ sung thêm tài liệu theo cách thức nói ở Điều 3.
1. Công dân của một nước ký kết muốn được hưởng miễn án phí, miễn lệ phí công chứng hoặc quyền được thay mặt không mất tiền trước Tòa án của nước ký kết kia có thể ghi yêu cầu của mình vào biên bản do Tòa án có thẩm quyền nơi người đó thường trú hoặc tạm trú lập. Tòa án này sẽ gửi biên bản kèm theo giấy chứng nhận nói ở Điều 25 và tất cả các giấy tờ mà đương sự xuất trình cho Tòa án có thẩm quyền của nước ký kết kia, theo cách thức quy định ở Điều 3.
2. Tòa án lập biên bản bằng tiếng nước mình.
Điều 27. Gửi trích lục hộ tịch và các giấy tờ khác
1. Mỗi nước ký kết, theo yêu cầu của nước ký kết kia, sẽ gửi qua đường ngoại giao các trích lục hộ tịch và các giấy tờ về trình độ nghề nghiệp, về thâm niên cũng như giấy tờ khác liên quan tới các quyền và lợi ích riêng của công dân nước kia.
2. Các giấy tờ nói ở khoản 1 được gửi cho nước ký kết kia theo đường ngoại giao, không phải dịch và được miễn mọi lệ phí.
Điều 28. Năng lực pháp lý và năng lực hành vi
1. Năng lực pháp lý và năng lực hành vi được xác nhận theo pháp luật của nước ký kết mà đương sự là công dân.
2. Khi ký kết các hợp đồng giải quyết các nhu cầu thông thường của đời sống hàng ngày, năng lực hành vi được xác định theo pháp luật của nước ký kết nơi lập hợp đồng.
3. Năng lực pháp lý của một pháp nhân có trụ sở trên lãnh thổ của một nước ký kết được xác định theo pháp luật nước ký kết đã thành lập pháp nhân đó.
Điều 29. Tuyên bố mất tích và chết
1. Tòa án có thẩm quyền tuyên bố các việc mất tích và chết cũng như xác định sự thật về các việc mất tịch và chết là Tòa án của nước ký kết mà người mất tích hay người chết là công dân căn cứ vào những tài liệu cuối cùng khi người đó còn sống.
2. Tòa án của một nước ký kết, theo yêu cầu của một người thường trú trên lãnh thổ nước mình, có thể tuyên bố việc mất tích hoặc chết của công dân nước ký kết kia, nếu theo pháp luật của nước có Tòa án, người đưa đơn có lợi ích pháp lý gắn với việc tuyên bố mất tích hoặc chết như thế.
3. Quyết định nói ở khoản 2 chỉ có hiệu lực pháp luật trên lãnh thổ nước ký kết có Tòa án đã ra quyết định.
4. Trong những trường hợp nói ở các khoản 1 và 2, Tòa án đã thụ lý áp dụng pháp luật của nước mình.
Điều 30. Trách nhiệm do gây thiệt hại
1. Về trách nhiệm do gây thiệt hại, sẽ áp dụng pháp luật của nước ký kết nơi đã xảy ra hành vi gây thiệt hại. Tuy nhiên, nếu các đương sự thường trú trên lãnh thổ nước ký kết kia thì áp dụng pháp luật của nước ký kết kia.
2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết các vụ kiện do gây thiệt hại là Tòa án của nước ký kết nơi đã xảy ra hành vi gây thiệt hại hoặc nơi người bị kiện thường trú. Ngoài ra Tòa án của nước ký kết nơi người đưa đơn kiện thường trú cũng có thẩm quyền trong trường hợp người bị kiện có tài sản ở nước này.
1. Các điều kiện về hình thức của việc kết hôn phải tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi tổ chức việc kết hôn.
2. Các điều kiện về nội dung của việc kết hôn đối với mỗi người trong cặp vợ chồng tương lai, phải tuân theo pháp luật của nước mà họ là công dân.
Điều 32. Quan hệ pháp lý về nhân thân và tài sản giữa vợ chồng
1. Các quan hệ pháp lý về nhân thân và tài sản của vợ chồng được quy định theo pháp luật của nước ký kêt nơi họ cùng thường trú.
2. Nếu hai vợ chồng đều là công dân của một nước ký kêt, nhưng một người cư trú trên lãnh thổ nước ký kết này, còn người kia cư trú trên lãnh thổ nước ký kết kia, thì các quan hệ pháp lý về nhân thân và tài sản của họ được quy định theo pháp luật của nước ký kết mà họ là công dân.
3. Nếu trong hai vợ chồng, một người là công dân nước ký kêt này, người kia là công dân của nước ký kết kia, và mỗi người cư trú riêng trên lãnh thổ của một nước ký kết, thì các quan hệ pháp lý về nhân thân và tài sản của họ được quy định theo pháp luật của nước ký kết nơi họ có thường trú chung cuối cùng.
4. Về trường hợp nói ở khoản 3, nếu vợ chồng không có nơi thường trú chung, thì áp dụng pháp luật của nước ký kết có Tòa án có thẩm quyền trong việc này.
5. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về các quan hệ pháp lý về nhân thân và tài sản giữa vợ chồng thuộc Tòa án của nước ký kết mà pháp luật được áp dụng theo quy định của các khoản 1-3 điều này.
6. Về trường hợp nói ở khoản 4, Tòa án của cả hai nước đều có thẩm quyền.
1. Nếu vợ chồng đều là công dân của nước ký kết này mà khi ly hôn đều cư trú trên lãnh thổ nước ký kết kia, thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước mà họ là công dân, Tòa án của cả hai nước ký kết đều có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn.
2. Nếu khi ly hôn mà vợ là công dân của nước ký kết này, chồng là công dân của nước ký kết kia và hai người đều thường trú trên lãnh thổ của một nước ký kết hoặc người thường trú trên lãnh thổ nước ký kết này, người thường trú trên lãnh thổ nước ký kết kia, thì các Tòa án của cả hai nước ký kết đều có thẩm quyền giải quyết. Tòa án thụ lý sẽ áp dụng pháp luật của nước mình.
Điều 34. Tuyên bố hôn nhân vô hiệu
1. Việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu do vi phạm những điều kiện về hình thức của việc kết hôn phải căn cứ vào pháp luật của nước ký kết nơi tiến hành kết hôn.
2. Việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu do vi phạm những điều kiện về nội dung của việc kết hôn phải căn cứ vào pháp luật của nước ký kết mà người vợ hoặc chồng vi phạm là công dân.
3. Tòa án có thẩm quyền giải quyết các trường hợp ở Điều 33 cũng có thẩm quyền giải quyết vấn đề này.
Điều 35. Quan hệ pháp lý giữa cha mẹ và con cái
1. Để xác định quan hệ cha con hoặc mẹ con hoặc để bảo đảm nguyên tắc suy đoán quan hệ cha con, sẽ áp dụng pháp luật của nước ký kết mà người con là công dân khi sinh ra.
2. Về hình thức xác nhận việc tự khai là cha mẹ hoặc mẹ chỉ cần tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi khai nhận.
1. Quan hệ pháp lý giữa cha mẹ và con cái được quy định theo pháp luật của nước ký kết mà người con là công dân.
2. Nếu người con là công dân của nước ký kết này những cư trú trên lãnh thổ nước ký kết kia, thì áp dụng pháp luật của nước ký kết nào xét ra có lợi nhất cho người con.
1. Trừ phi có quy định khác của Hiệp định này, cơ quan có thẩm quyền về giám hộ và trợ tá co các công dân của nước ký kết mà người được giám hộ hoặc người được trợ tá là công dân.
2. Về việc đặt giám hộ hay trợ tá, về thi hành nhiệm vụ giám hộ hay trợ tá, quan hệ pháp lý giữa người giám hộ và người được giám hộ, người trợ tá và người được trợ tá, cũng như về điều kiện chấm dứt việc giám hộ hay việc trợ tá sẽ áp dụng pháp luật của nước ký kết mà người được giám hộ hay người được trợ tá là công dân.
3. Về nhiệm vụ nhận làm giám hộ hay trợ tá sẽ áp dụng pháp luật của nước ký kết mà người làm giám hộ hay trợ tá là công dân.
4. Công dân nước ký kết này có thể được chỉ định làm giám hộ hay trợ tá của công dân nước ký kết kia, nếu người đó cư trú trên lãnh thổ nước ký kết, nơi phải thực hiện nhiệm vụ giám hộ hay trợ tá.
1. Nếu vì lợi ích của công dân một nước ký kết đang thường trú, tạm trú hoặc có tài sản ở nước ký kết kia, mà thấy cần thiết phải tiến hành những biện pháp giám hộ hay trợ tá, thì nước ký kết kia sẽ thông qua cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của mình báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết có công dân nói trên.
2. Trong những trường hợp khẩn cấp, các cơ quan của nước ký kết nơi người được nói đến ở khoản 1 thường trú, tạm trú hay có tài sản, có thể tùy theo tình hình mà quyết định những biện pháp tạm thời về chỉ định chỗ ở chăm sóc người và bảo quản tài sản. Khi quyết định những biện pháp này phải thông qua cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước mình báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia. Những biện pháp tạm thời này được duy trì cho đến khi cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia có biện pháp khác.
1. Đồi với công dân của nước mình thường trú, tạm trú hay có tài sản trên lãnh thổ nước ký kết kia, cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết này có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia quyết định những biện pháp về giám hộ hay trợ tá.
2. Cơ quan được yêu cầu không có quyền quyết định về những vấn đề liên quan đến nhân thân của người không có năng lực hành vi, tuy nhiên cơ quan đó có thể cho phép kết hôn theo quy định của pháp luật nước ký kết mà người được giám hộ hay người được trợ tá là công dân.
1. Việc nuôi con nuôi sẽ áp dụng pháp luật của nước ký kết mà người nhận nuôi là công dân.
2. Nếu đứa trẻ được nhận làm con nuôi là công dân nước kia, thì cũng phải tuân theo những quy định pháp luật của nước ký kết kia về các điều kiện nuôi con nuôi.
3. Nếu vợ chồng cùng nhận nuôi một đứa trẻ mà vợ là công dân nước ký kết này, chồng là công dân nước ký kết kia thì việc nuôi con nuôi phải tuân theo pháp luật của cả hai nước ký kết.
4. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết vấn đề nuôi con nuôi là cơ quan của nước ký kết mà người nuôi là công dân. Về trường hợp nói ở khoản 3, cơ quan có thẩm quyền giải quyết là cơ quan của nước ký kết nơi vợ chồng có nơi thường trú hoặc tạm trú chung cuối cùng.
5. Những quy định ở các khoản 1 đến 4 của điều này cùng áp dụng đối với hậu quả pháp lý của việc nuôi con nuôi, đối với việc chấm dứt nuôi con nuôi và hậu quả pháp lý của việc chấm dứt này.
Điều 42. Nguyên tắc đối xử bình đẳng
Công dân nước ký kết này được hưởng trên lãnh thổ nước ký kết kia những quyền giống như công dân nước ký kết kia đối với việc thừa kế theo luật hoặc di chúc các tài sản để lãnh thổ nước ký kết kia, cũng như về năng lực lập hoặc hủy bỏ di chúc.
Điều 43. Pháp luật được áp dụng
1. Về thừa kế động sản thì áp dụng pháp luật của nước ký kết mà người để lại di sản là công dân vào lúc người đó chết.
2. Về thừa kế bất động sản thì áp dụng pháp luật của nước ký kết nơi có bất động sản.
3. Việc phân biệt động sản và bất động sản thì áp dụng pháp luật của nước ký kết nơi có tài sản thừa kế.
Điều 44. Tài sản không có người thừa kế
Nếu người chết không có người thừa kế hoặc tất cả những người thừa kế đều từ chối nhận di sản hoặc tất cả những người này đều mất năng lực thừa kế, thì bất động sản thuộc về nước ký kết nơi có bất động sản, còn động sản thuộc về nước ký kết mà người để lại di sản là công dân vào lúc người đó chết.
1. Di chúc của công dân một nước ký kết được coi là có giá trị về mặt hình thức nếu phù hợp với:
a) Pháp luật của nước ký kết nơi lập di chúc, hoặc
b) Pháp luật của nước ký kết mà người để lại di sản là công dân vào thời điểm lập di chúc hoặc thời điểm người ấy chết, hoặc
c) Pháp luật của nước ký kết nơi mà vào một trong các thời điểm nói ở điểm b, người để lại di sản thường trú hoặc tạm trú.
2. Những quy định nói ở khoản 1 điều này cũng áp dụng đối với việc hủy bỏ di chúc.
3. Về việc xác định năng lực lập hoặc hủy bỏ di chúc sẽ áp dụng pháp luật của nước ký kết mà người để lại di sản là công dân vào thời điểm lập hoặc hủy bỏ di chúc.
Điều 46. Thẩm quyền giải quyết các việc thừa kế
1. Trừ trường hợp quy định ở khoản 4 điều này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thừa kế về động sản là cơ quan của nước ký kết mà người để lại di sản là công dân khi người đó chết.
2. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết thừa kế về bất động sản là cơ quan của nước ký kết nơi có bất động sản.
3. Các khoản 1 và 2 điều này cũng được áp dụng đối với các vụ tranh chấp về thừa kế.
4. Nếu toàn bộ động sản thừa kế của công dân nước ký kết này lại nằm trên lãnh thổ nước ký kết kia, thì theo yêu cầu của bất cứ người thừa kế hay của người hưởng di tặng nào, cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết kia có thể tiến hành thủ tục thừa kế miễn là có sự đồng ý của tất cả những người thừa kế đang thường trú hoặc tạm trú ở một nơi mà người ta biết.
Điều 47. Thông báo về các trường hợp chết
1. Khi công dân của một nước ký kết chết trên lãnh thổ nước ký kết kia, cơ quan có thẩm quyền báo tin ngay cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ký kết có công dân chết. Cơ quan này chuyển giao tất cả tài liệu mình có về những người có khả năng thừa kế, địa chỉ hay nơi lưu trú của họ, về tính chất của việc thừa kế và việc có di chúc nếu có. Nếu biết rằng người chết có tài sản ở một nước khác thì cũng thông báo cho nước ký kết kia biết.
2. Nếu cơ quan của nước ký kết này biết rằng người thừa kế là công dân của nước ký kết kia thì có trách nhiệm thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ký kết kia biết.
3. Nếu cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự biết đầu tiên việc chết thì có trách nhiệm báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền về thừa kế để cơ quan này có những biện pháp cần thiết bảo đảm sự an toàn của di sản.
1. Trong trường hợp công dân nước ký kết này, tuy không thường trú trên lãnh thổ nước ký kết kia nhưng chết trong thời gian lưu trú trên lãnh thổ nước ký kết kia thì động sản của người chết để lại phải được chuyển giao cho viên chức lãnh sự của nước ký kết mà người chết là công dân và không cần thủ tục đặc biệt gì, với điều kiện là thỏa mãn hoặc bảo đảm thỏa mãn các yêu cầu của những chủ nợ là công dân nước ký kết nơi người đó chết.
2. Viên chức lãnh sự được quyền chuyển di sản ra nước ngoài, nhưng phải tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi người chết đã lưu trú.
Điều 49. Bảo quản tài sản thừa kế
1. Cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết nơi có tài sản thừa kế mà công dân nước ký kết kia để lại, có nghĩa vụ thực hiện các biện pháp bảo quản tài sản đó theo pháp luật của nước mình.
2. Phải thông báo ngay cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ký kết kia biết các biện pháp đã thực hiện theo quy định ở khoản 1. Cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự có thể trực tiếp hoặc thông qua người được ủy quyền tham gia thực hiện các biện pháp đó; theo yêu cầu của các cơ quan này, có thể sửa đổi hay hủy bỏ các biện pháp đã quyết định.
Điều 50. Chuyển giao tài sản thừa kế
1. Sau khi giải quyết thủ tục thừa kế nếu động sản thừa kế hoặc tiền bán động sản hay bất động sản thừa kế thuộc những người thừa kế thường trú hoặc tạm trú trên lãnh thổ nước ký kêt kia, nếu không giao được trực tiếp cho họ hay cho người được họ ủy quyền, thì phải giao những tài sản đó, hoặc số tiền bán các động sản và bất động sản đó cho cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự của nước ký kết kia.
2. Những quy định của khoản 1 được áp dụng với điều kiện là:
a) Đã thanh toán hoặc bảo đảm thanh toán các món nợ cho các chủ nợ trong thời hạn được quy định theo pháp luật của nước ký kết nơi có tài sản thừa kế.
b) Đã trả hết hoặc bảo đảm trả hết các khoản thuế, lệ phí, tiền nộp có liên quan đến thừa kế.
CÔNG NHẬN VÀ THI HÀNH CÁC QUYẾT ĐỊNH
1. Những quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc cơ quan khác của một nước ký kết về những vụ không có tình chất tài sản khi giải quyết các vụ án dân sự hoặc gia đình sẽ được công nhận ở nước ký kết kia, mà không cần thủ tục gì.
2. Những quyết định có hiệu lực pháp luật và hiệu lực thi hành của Tòa án hoặc cơ quan khác của một nước ký kết về những yêu cầu có tính chất tài sản khi giải quyết các vụ dân sự hoặc gia đình, sẽ được công nhận và thi hành ở nước ký kết kia, sau khi Hiệp định này có hiệu lực. Quy định này cũng áp dụng cho những quyết định về dân sự trong một vụ án hình sự đã có hiệu lực pháp luật và hiệu lực thi hành.
3. Quy định của khoản 2 được áp dụng cho những quyết định về việc cha mẹ trông nom cũng như nuôi dưỡng con cái.
1. Đơn xin thi hành quyết định có thể gửi thẳng cho Tòa án có thẩm quyền của nước ký kết nơi quyết định phải được thi hành. Đơn cũng có thể gửi cho Tòa án đã xử sơ thẩm; trong trường hợp này cần chuyển đơn cho Tòa án của nước ký kết kia theo quy định của Điều 3 Hiệp định này.
2. Đơn phải kèm theo:
a) Một bản chính hoặc một bản sao được chứng thực của quyết định xin thi hành; cùng với những bản này là giấy chứng nhận về hiệu lực pháp luật và hiệu lực thi hành của quyết định, nếu nội dung của quyết định không làm rõ điều đó.
b) Một giấy chứng nhận là bên thua kiện, tuy vắng mặt ở phiên tòa đã được kịp thời gọi đến ít nhất là phiên tòa đầu tiên theo đúng thủ tục và nếu người đó thuộc trường hợp không có năng lực theo kiện thì cũng đã cử người thay mặt hợp pháp.
c) Một bản dịch các tài liệu nói ở các điểm a bà b ra tiếng của nước ký kết nơi thi hành quyết định, bản dịch này phải được chứng nhận là dịch đúng.
1. Tòa án của nước ký kết nơi cần thi hành quyết định sẽ thi hành theo pháp luật của nước mình.
2. Tòa án quyết định về đơn xin thi hành chỉ xét xem đã có đủ những điều kiện quy định trong chương này hay không.
3. Người phải thi hành quyết định có thể nêu lên những khiếu nại đối với quyết định, căn cứ vào pháp luật của nước ký kết có Tòa án ra quyết định về việc thi hành.
Điều 55. Từ chối việc công nhận và thi hành các quyết định
Việc công nhận và thi hành các quyết định bị từ chối nếu:
1. Người bị kiện hoặc người phải thi hành quyết định đã không tham gia tố tụng vì lý do những người này hoặc đại diện hợp pháp của họ đã không được tống đạt giấy gọi đúng thời hạn, đúng thể thức quy định trong Hiệp định này.
2. Bản quyết định trái với quyết định đã có hiệu lực pháp luật mà trước đó một Tòa án của nước ký kết nơi được yêu cầu công nhận và thi hành đã ra trong một vụ kiện giữa cùng các bên đương sự đó và về cùng một vấn đề và nội dung đó.
3. Tòa án của nước ký kết được yêu cầu công nhận và thi hành, theo những quy định của Hiệp định này, là Tòa án duy nhất của thẩm quyền giải quyết vụ kiện.
Điều 58. Những trường hợp dẫn độ
1. Các nước ký kết cam kết sẽ chuyển giao cho nhau theo yêu cầu và theo những điều kiện quy định trong Hiệp định này, những người phạm tội đã truy tố về hình sự hoặc để thi hành hình phạt.
2. Sẽ cho dẫn độ để truy tố về hình sự đối với hành vi phạm tội mà theo pháp luật của cả hai nước có thể bị phạt tước quyền tự do ít nhất một năm hoặc nặng hơn. Sẽ cho dẫn độ để thi hành hình phạt nếu hành vi phạm tội bị pháp luật của cả hai nước ký kết trừng trị và hình phạt đã tuyên ít nhất là tước tự do một năm, bản án đã có hiệu lực pháp luật.
3. Hai nước ký kết sẽ không dẫn độ công dân của chính nước mình.
1. Sẽ không dẫn độ nếu:
a) Theo pháp luật của nước ký kết được yêu cầu không được truy tố hay thi hành hình phạt vì lý do thời hiệu hoặc vì lý do khác được pháp luật quy định mà có hiệu lực như thời hiệu.
b) Người được yêu cầu dẫn độ đã được Tòa án của nước ký kết được yêu cầu tuyên án là có tội hoặc trắng án về sự vi phạm đó và bản án ấy đã có hiệu lực pháp luật, hoặc nếu đã có quyết định miễn tố đối với người đó, trừ trường hợp các bản án hay quyết định nói trên do cơ quan không có thẩm quyền xét xử ban hành.
c) Theo pháp luật của cả hai nước ký kết chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội khi có đơn kiện của người bị hại, nhưng người này lại không đưa đơn kiện.
2. Ngoài ra có thể từ chối dẫn độ nếu hành vi phạm tội xẩy ra trên lãnh thổ nước ký kết được yêu cầu dẫn độ.
Trong việc dẫn độ, Bộ trưởng tư pháp các nước ký kết liên hệ trực tiếp với nhau. Quy định này không loại trừ việc dùng con đường ngoại giao.
Điều 61. Văn bản yêu cầu dẫn độ
1. Văn bản yêu cầu dẫn độ chỉ rõ họ tên, quốc tịch, nơi thường trú hay tạm trú của người phạm tội, tính chất của hành vi phạm tội và thiệt hại đã gây ra.
2. Văn bản yêu cầu dẫn độ phải kèm theo những giấy tờ sau đây:
a) Nếu là yêu cầu dẫn độ để truy tố thì kèm theo một bản chính lệnh bắt có mô tả hành vi phạm tội và nêu tội danh; nếu là yêu cầu dẫn độ để thi hành hình phạt thì kèm theo một bản chính của bản án đã có hiệu lực pháp luật.
b) Điều luật hình sự của nước ký kết yêu cầu quy định tội danh của hành vi phạm pháp đó.
c) Bản nhận dạng người có hành vi phạm tội và nếu có thể được bản in dấu vân tay và ảnh của người đó.
3. Đối với người bị xử phạt đã thi hành một phần hình phạt thì cung cấp tài liệu về việc này.
Nếu văn bản yêu cầu dẫn độ thỏa mãn những điều kiện quy định trong hiệp định này thì sau khi nhận được văn bản yêu cầu dẫn độ, nước ký kết được yêu cầu sẽ nhanh chóng tiến hành những biện pháp cần thiết để bắt người có hành vi phạm tội.
Điều 63. Bổ sung văn bản yêu cầu dẫn độ
1. Nếu văn bản yêu cầu dẫn độ không có đầy đủ những tài liệu cần thiết thì nước ký kết được yêu cầu có thể yêu cầu tài liệu bổ sung và ấn định thời hạn không quá hai tháng để cung cấp tài liệu này. Nước ký kết kia có thể xin gia hạn.
2. Nếu trong thời hạn nói ở khoản 1 mà không được cung cấp những tài liệu bổ sung, cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết được yêu cầu dẫn độ có thể chấm dứt thủ tục dẫn độ và trả tự do cho người bị bắt.
1. Trong trường hợp khẩn cấp, nước ký kết được yêu cầu dẫn độ có thể bắt giữ người có hành vi phạm tội trước khi nhận được văn bản yêu cầu dẫn độ gửi theo quy định của Điều 61 Hiệp định này. Nước ký kết yêu cầu báo cho nước ký kết được yêu cầu là đã có lệnh bắt người có hành vi phạm tội hoặc người đó đã bị xử phạt theo một bản án đã có hiệu lực pháp luật và văn bản yêu cầu dẫn độ sẽ được gửi ngay. Trong trường hợp nói trên đây, việc bắt giữ có thể được yêu cầu bằng mọi phương tiện liên lạc để chuyển văn bản về yêu cầu đó.
2. Ngay khi không có yêu cầu trên đây, các cơ quan có thẩm quyển của các nước ký kết cũng có thể tạm bắt giữ người cư trú trên lãnh thổ nước mình nếu biết rằng người đó đã có trên lãnh thổ nước ký kết kia một hành vi phạm tội đưa đến việc dẫn độ.
3. Việc bắt người theo khoản 1 và 2 điều này cần được thông báo ngay cho nước ký kết yêu cầu.
Điều 65. Chấm dứt việc tạm bắt
Người bị bắt theo quy định ở Điều 64 Hiệp định này sẽ được trả tự do nếu văn bản yêu cầu dẫn độ của nước ký kết kia không đến tay cơ quan có thẩm quyền của nước ký kết đã ra lệnh bắt trong thời hạn 40 ngày sau khi bị bắt. Việc trả tự do này cần được thông báo cho nước ký kết kia.
Nếu đối với một người yêu cầu dẫn độ, Tòa án hoặc Viện kiểm sát của nước ký kết được yêu cầu đang tiến hành tố tụng về một tội phạm khác hoặc Tòa án của nước ký kết đó đã tuyên án người bị yêu cầu dẫn độ này về một tội phạm khác, thì quyết định đối với yêu cầu dẫn độ cũng có thể quy định hoãn việc dẫn độ cho đến khi kết thúc tố tụng, khi thi hành xong hình phạt hoặc khi được tha miễn hình phạt.
1. Đối với trường hợp nói ở Điều 66 cũng có thể dẫn độ tạm thời, nếu việc hoãn dẫn độ gây ra hết thời hiệu của hành vi phạm tội hoặc gây nhiều khó khăn cho việc tiến hành tố tụng hình sự.
2. Sau khi thực hiện xong các hành vi tố tụng phải trả lại ngay người bị dẫn độ tạm thời cho nước đã dẫn độ tạm thời.
Điều 68. Nhiều nước cùng yêu cầu dẫn độ
Nếu nhiều nước yêu cầu dẫn độ cùng một người thì nước ký kết được yêu cầu sẽ quyết định xem nên thỏa mãn yêu cầu của nước nào.
Điều 69. Giới hạn việc truy cứu trách nhiệm hình sự
1. Nếu không có sự thỏa thuận của nước ký kết được yêu cầu dẫn độ thì không thể truy tố hình sự người bị dẫn độ, hoặc bắt người đó thi hành hình phạt, và không được dẫn độ người đó cho một nước thứ ba về một tội đã phạm trước khi dẫn độ mà văn bản yêu cầu dẫn độ không nói đến. Đối với một hành vi phạm tội đưa đến việc dẫn độ theo Hiệp định này thì không được từ chối mà phải chấp thuận.
2. Sự thỏa thuận nói ở khoản 1 là không cần thiết nếu người bị dẫn độ không rời lãnh thổ nước ký kết yêu cầu trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày kết thúc tố tụng hình sự hoặc nếu là trường hợp đã tuyên án, thì trong vòng 1 tháng kể từ ngày thi hành xong hình phạt hay tha miễn hình phạt, hoặc sau khi đã rời khỏi nước yêu cầu dẫn độ người bị dẫn độ tự ý quay trở lại nước đó, sẽ không tính vào thời hạn kể trên thời gian vì trở ngại khách quan, không do lỗi của mình, mà người bị dẫn độ đã không thể rời khỏi nước ký kết yêu cầu.
Điều 70. Chuyển giao người dẫn độ
Nước ký kết được yêu cầu phải thông báo cho nước ký kết yêu cầu về địa điểm và thời gian chuyển giao người dẫn độ. Nếu trong thời hạn 1 tháng kể từ ngày đã gửi thông báo mà nước yêu cầu không nhận người bị dẫn độ thì người này sẽ được trả lại tự do.
Nếu người bị dẫn độ trốn tránh tố tụng hình sự và quay trở lại lãnh thổ nước ký kết được yêu cầu, thì theo yêu cầu dẫn độ mới, người đó lại bị bắt và dẫn độ lại mà không cần theo các thể thức như lần trước.
1. Theo yêu cầu của một nước ký kết, nước ký kết kia cho phép quá cảnh những người do một nước thứ ba dẫn độ cho nước ký kết yêu cầu. Không buộc phải cho phép quá cảnh đối với những trường hợp mà theo Hiệp định này các nước ký kết không có nghĩa vụ dẫn độ.
2. Văn bản yêu cầu cho quá cảnh nói ở khoản 1 được gửi và xem xét quyết định theo cách thức giống như đối với văn bản yêu cầu dẫn độ.
Điều 73. Thông báo về kết quả tố tụng hình sự
Nước ký kết yêu cầu dẫn độ sẽ thông báo cho nước ký kết kia kết quả tố tụng hình sự đối với người bị dẫn độ. Nếu bản án đã có hiệu lực pháp luật thì sẽ gửi cho nước kia một bản sao.
Điều 74. Phí tổn về dẫn độ và quá cảnh
Phí tổn về dẫn độ thực hiện trên lãnh thổ nước ký kết nào thì do nước đó chịu. Phí tổn về quá cảnh do nước yêu cầu chịu.
1. Các nước ký kết, theo yêu cầu, sẽ chuyển giao cho nhau:
a) Những đồ vật mà người phạm tội hoặc những người khác do hành vi phạm tội có được.
b) Những đồ vật có thể dùng làm tang chứng trong vụ án; những đồ vật đó vẫn phải chuyển giao ngay cả trong trường hợp không dẫn độ được vì người phạm tội chết, bỏ trốn hoặc vì lý do khác.
2. Nếu Tòa án hay Viện kiểm sát nước ký kết được yêu cầu cần đến những đồ vật đó làm tang chứng trong một vụ án khác thì có thể hoãn việc chuyển giao cho đến khi kết thúc vụ án này.
3. Quyền của người thứ ba đối với đồ vật kể trên được bảo đảm. Các đồ vật thuộc quyền người thứ ba sau khi kết thúc tố tụng sẽ được giao lại cho nước ký kết được yêu cầu để trả lại cho người có quyền nói trên.
CHUYỂN GIAO VIỆC TRUY TỐ HÌNH SỰ
1. Nước ký kết này theo yêu cầu của nước ký kết kia, có trách nhiệm truy tố hình sự theo pháp luật của nước mình công dân nước mình đã có hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước ký kết kia.
2. Đơn của người bị thiệt hại yêu cầu truy tố hình sự được gửi kịp thời theo pháp luật của một trong hai nước ký kết và gửi cho cơ quan có thẩm quyển của nước ký kết yêu cầu, cũng có giá trị ở nước ký kết kia.
3. Nếu hành vi phạm tội đã gây thiệt hại và người bị thiệt hại có đơn yêu cầu đòi bồi thường theo đúng thể thức giải quyết về mặt dân sự, thì theo yêu cầu của người bị thiệt hại, đơn này được xem xét trong tố tụng hình sự đã chuyển giao.
1. Văn bản yêu cầu chuyển giao việc truy tố ghi rõ họ tên, nơi thường trú hoặc tạm trú, quốc tịch của bị can và những tài liệu khác cần thiết cho việc xác định nhân thân bị can, mô tả hành vi phạm tội và nêu tội danh. Ngoài ra văn bản yêu cầu còn được kèm theo:
a) Các vật tang chứng;
b) Hồ sơ vụ án hoặc bản sao hồ sơ được chứng thực;
c) Điều văn pháp luật được áp dụng của nước ký kết nơi xảy ra hành vi phạm tội;
d) Văn bản yêu cầu truy tố hình sự và đơn đòi bồi thường.
2. Các phụ lục không cần có bản dịch.
3. Trong trường hợp bị can đã bị bắt khi chuyển giao việc truy tố hình sự thì bị can sẽ được chuyển giao cho nước ký kết được yêu cầu.
4. Nước ký kết được yêu cầu phải thông báo cho nước ký kết yêu cầu về quyết định kết thúc việc tố tụng. Theo yêu cầu của nước ký kết yêu cầu thì cũng gửi một bản quyết định kết thúc tố tụng.
CHUYỂN GIAO VIỆC THI HÀNH HÌNH PHẠT TƯỚC TỰ DO
Người bị kết án sẽ không được chuyển giao theo thủ tục quy định trong Hiệp định này nếu:
a) Hành vi làm cho người bị kết án không phải là tội phạm theo pháp luật của nước ký kết mà người đó là công dân;
b) Tại nước mà người bị kết án là công dân, về cùng những hành vi phạm tội mà người đó đã bị kết án hoặc được trắng án hoặc được tuyên bố miễn tố, hoặc được cơ quan có thẩm quyển tha miễn thi hành hình phạt.
c) Không thể thi hành hình phạt ở nước mà người bị kết án là công dân nếu theo pháp luật của nước này đã hết thời hiệu hoặc vì lý do hợp pháp khác.
d) Người bị kết án thường trú trên lãnh thổ nước ký kết có Tòa án đã xét xử vụ án.
1. Nước ký kết mà người bị kết án là công dân có thể đề nghị nước có Tòa án đã xét xử vụ án xem xét khả năng chuyển giao cho mình việc thi hành hình phạt.
2. Bản thân người bị kết án và thân nhân của người này cũng có thể gửi đến xin chuyển giao việc thi hành hình phạt đến Tòa án đã xét xử vụ án hoặc đến các cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân. Người bị kết án được thông báo về quyền này của họ.
1. Nhằm đề nghị chuyển giao việc thi hành hình phạt nước ký kết có Tòa án đã quyết định hình phạt liên hệ với nước ký kết mà người bị kết án là công dân theo cách thức quy định ở điều trên đây. Đề nghị chuyển giao phải làm thành văn bản. Văn bản này được kèm theo:
a) Bản chính bản án và những văn bản chứng nhận rằng bản án đã có hiệu lực pháp luật;
b) Tài liệu về phần hình phạt đã thi hành;
c) Điều quy định của luật hình sự đã dùng làm căn cứ pháp lý cho việc kết án;
d) Những tài liệu về việc thi hành hình phạt phụ nếu có tuyên hình phạt phụ và hình phạt này đã được thi hành;
e) Tài liệu về hộ tịch và quốc tịch người bị kết án;
f) Các văn bản và tài liệu khác mà nước ký kết yêu cầu thấy cần thiết phải kèm theo;
g) Bản dịch được thị thực của đơn đề nghị chuyển giao việc thi hành hình phạt và của những văn bản kèm theo.
2. Những phụ lục không cần có bản dịch.
3. Nếu thấy cần thiết, nước ký kết được yêu cầu có thể đòi hỏi những văn bản hoặc các giấy tờ khác.
1. Hình phạt sẽ được thi hành đúng với bản án mà Tòa án của nước ký kết yêu cầu đã tuyên việc này không liên quan đến những quy định nói ở các khoản 3 và 4 của điều này.
2. Tòa án của nước ký kết được yêu cầu ra lệnh thi hành bản án mà Tòa án của nước ký kết yêu cầu đã tuyên. Tòa án nước được yêu cầu ấn định thời hạn tước tự do ngang với thời hạn tước tự do nói trong bản án.
3. Trong trường hợp mà theo pháp luật của nước ký kết được yêu cầu, hình phạt tước tự do dài nhất đối với tội đã phạm lại ngắn hơn thời gian tước tự do đã tuyên trong bản án thì Tòa án nước được yêu cầu sẽ thi hành bản án theo thời gian tước tự do dài nhất mà pháp luật nước mình quy định.
4. Trong trường hợp pháp luật nước được yêu cầu không quy định hình phạt tước tự do đối với tội đã phạm thì Tòa án nước được yêu cầu sẽ căn cứ vào pháp luật nước mình mà chọn một hình phạt thích hợp nhất với hình phạt của bản án.
5. Phần hình phạt đã thi hành tại nước yêu cầu phải được khấu trừ hoàn toàn. Nếu Tòa án nước được yêu cầu thay thế hình phạt tước tự do bằng một hình phạt khác thì cũng phải tính đến thời gian đã thi hành ở nước đã xét xử vụ án.
6. Nếu hình phạt phụ đã tuyên trong bản án chưa được thi hành. Tòa án nước được yêu cầu sẽ ra lệnh thi hành hình phạt phụ đó với điều kiện là pháp luật của nước ký kết được yêu cầu cũng quy định hình phạt phụ đó đối với tội đã phạm. Cũng được áp dụng các quy định của điều này đối mới việc xác định hình phạt phụ.
1. Đối với việc thi hành phần hình phạt còn lại cho đến khi chuyển giao hình phạt tước tự do cũng như đối với việc miễn giảm một phần hay toàn bộ hình phạt kể từ khi có quyết định thi hành bản án của Tòa án nước ký kết yêu cầu sẽ áp dụng pháp luật của nước đã nhận chuyển giao người bị kết án.
2. Nước ký kết đã nhận chuyển giao người bị kết án để thi hành có quyền ân xá.
3. Sau khi người bị kết án đã được chuyển giao, nếu có đại xá ở bất cứ nước ký kết nào, người đó cũng được hưởng đại xá.
4. Chỉ Tòa án của nước ký kết yêu cầu mới có thẩm quyền tái thẩm bản án kết án người đã được chuyển giao.
1. Nếu sau khi chuyển giao để thi hành hình phạt tước tự do, bản án được Tòa án của nước ký kết yêu cầu sửa đổi thì sao lục bản án mới cùng các giấy tờ cần thiết khác sẽ được gửi cho nước ký kết được yêu cầu. Tòa án của nước này sẽ quyết định việc thi hành bản án mới theo quy định của Điều 89 Hiệp định này.
2. Nếu sau khi chuyển giao đẻ thi hành hình phạt tước tự do mà bản án bị Tòa án của nước ký kết nơi đã tuyên xử hủy bỏ mà thay vào đấy là một quyết định miễn tố cho người bị kết án, thì bản sao quyết định miễn tố phải được gửi ngay lập tức cho nước được yêu cầu để thi hành.
CÁC HÌNH THỨC TƯƠNG TRỢ KHÁC VỀ HÌNH SỰ
Điều 96. Thông báo các bản án hình sự
1. Các nước ký kết sẽ thông báo cho nhau về các bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật mà Tòa án nước ký kết này đã tuyên bố đối với công dân của nước ký kết kia.
2. Để thực hiện việc thông báo đó, hàng quý Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao của hai nước ký kết sẽ gửi cho nhau những bản sao về các bản án hình sự. Đồng thời nếu có thì cũng gửi cả các bản in dấu vân tay của những người bị kết án.
Điều 97. Thông tin về lý lịch tư pháp
Tòa án và Viện kiểm sát của hai nước ký kết, theo yêu cầu, sẽ gửi cho nhau những thông tin về lý lịch tư pháp mà không phải trả tiền.
1. Hiệp định này sẽ được phê chuẩn và bắt đầu có hiệu lực vào ngày thứ 30 kể từ ngày hai nước trao đổi thư phê chuẩn. Việc trao đổi thư phê chuẩn sẽ tiến hành tại thành phố Budapest*
2. Hiệp định này vẫn tiếp tục còn hiệu lực trong sáu tháng kể từ ngày mà một nước báo bằng văn bản cho nước kia biết ý định hủy bỏ Hiệp định.
Để làm bằng, các đại diện toàn quyền của hai nước đã ký và đóng dấu vào Hiệp định này.
Hiệp định này làm tại Hà Nội ngày 18 tháng 01 năm 1985 thành hai bản chính, mỗi bản được viết bằng tiếng Việt, tiếng Hunggari và tiếng Pháp, các bản viết bằng ba thứ tiếng có giá trị như nhau. Trong trường hợp hiểu khác nhau thì lấy bản tiếng Pháp làm bằng./.
THAY MẶT HỘI ĐỒNG NHÀ NƯỚC | THAY MẶT HỘI ĐỒNG CHỦ TỊCH |
- 1Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam - Trung Hoa
- 2Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa Việt Nam - Lào
- 3Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam - Ucraina
- 4Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam - Ba Lan
- 5Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan
- 1Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam - Trung Hoa
- 2Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và hình sự giữa Việt Nam - Lào
- 3Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam - Ucraina
- 4Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam - Ba Lan
- 5Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan
Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề dân sự, gia đình và hình sự giữa Việt Nam - Hunggari
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 18/01/1985
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Cộng hoà Hungary
- Người ký: Phan Hiền, Markoja Imre
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra