Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO

******

 

Số: 27/2005/LPQT

Hà Nội, ngày 21 tháng 02 năm 2005 

 

Hiệp định thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Li Băng có hiệu từ ngày 30 tháng 12 năm 2004./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KINH TẾ. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Anh

 

 

HIỆP ĐỊNH

THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA LI BĂNG.

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Li-băng, dưới đây gọi là " các Bên",

Xét tới mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước;

Mong muốn củng cố và tăng cường các quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập và chủ quyền của nhau;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Các bên sẽ ủng hộ việc phát triển và tăng cường mối quan hệ thương mại giữa hai nước phù hợp với luật pháp và các quy định hiện hành ở mỗi nước. Vì mục đích này, các Bên sẽ ủng hộ và tạo thuận lợi cho sự hợp tác thương mại giữa các thể nhân và/hoặc pháp nhân của hai nước.

Điều 2. Các Bên sẽ dành cho nhau quy chế Tối huệ quốc trong mọi giao dịch liên quan đến quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế, đặc biệt là liên quan đến:

a) thuế quan và các loại thuế xuất nhập khẩu khác, kể cả các phương thức thu thuế;

b) thông quan, quá cảnh, lưu kho và chuyển tải;

c) các loại thuế và khoản thu nội địa, trực tiếp hay gián tiếp đánh vào hàng hóa nhập khẩu;

d) bán, mua, phân phối và sử dụng hàng hóa nhập khẩu ở thị trường nội địa;

e) phương thức thanh toán, và chuyển tiền thanh toán quốc tế.

Điều 3. Tuy nhiên, các điều khoản của Điều 2 không được áp dụng đối với các lợi thế, các nhượng bộ hay các miễn trừ đã hoặc có thể dành cho:

a) các nước láng giềng nhằm tạo thuận lợi cho biên mậu;

b) trong khuôn khổ các liên minh quan thuế, các khu mậu dịch tự do mà các Bên đang hoặc sẽ trở thành thành viên

c) được Cộng hòa Li-băng dành cho các nước A-rập thành viên của Liên đoàn A-rập.

Điều 4. Nhằm phát triển hơn nữa quan hệ song phương theo luật pháp và quy định hiện hành ở mỗi nước, các Bên sẽ khuyến khích và tạo thuận lợi cho việc trao đổi các đoàn doanh nghiệp giữa hai nước.

Điều 5. Các điều khoản của Hiệp định này không gây cản trở cho việc áp dụng các điều cấm hoặc các hạn chế đối với nhập khẩu và xuất khẩu nhằm bảo vệ  an ninh, y tế, các hệ động thực vật, di sản lịch sử, khảo cổ và nghệ thuật của hai Bên.

Việc áp dụng các điều cấm hoặc các hạn chế đối với nhập khẩu và xuất khẩu phải dựa trên cơ sở Tối huệ quốc, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Điều 6. Việc thanh toán đối với các giao dịch được ký kết trong khuôn khổ Hiệp định này sẽ được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi phù hợp với thông lệ quốc tế và với luật pháp và các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối ở mỗi nước.

Điều 7. Các Bên sẽ khuyến khích và tạo thuận lợi đối với việc tổ chức và tham dự các hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, triển lãm thương mại, hội thảo và các hoạt động tương tự khác được tổ chức thường xuyên hoặc không thường xuyên trên lãnh thổ mỗi nước, phù hợp với luật pháp và quy định hiện hành ở mỗi nước.

Điều 8. Phù hợp với luật pháp và quy định hiện hành ở mỗi nước, mỗi Bên sẽ cho phép miễn thuế hải quan và các loại thuế khác:

a) đối với các hàng mẫu, hàng hóa và vật liệu quảng cáo thương mại;

b) đối với các đồ vật và hàng hóa được tạm nhập dành cho các hội chợ và triển lãm;

Các sản phẩm nêu trong Điều này sẽ không được bán ở nước mà chúng được nhập vào trừ phi đã thanh toán đầy đủ thuế nhập khẩu, các loại thuế và phí khác liên quan đến nhập khẩu theo đúng luật pháp và quy định hiện hành ở nước đó

Điều 9. Với mục đích đảm bảo hiệu quả của Hiệp định này và khuyến khích sự hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước, các Bên sẽ thành lập một ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Li-băng.

Ủy ban hỗn hợp sẽ chịu trách nhiệm:

a) theo dõi việc áp dụng các điều khoản của Hiệp định này,

b) đánh giá quan hệ thương mại song biên;

c) đề ra các biện pháp có thể xúc tiến các quan hệ thương mại,

Ủy ban hỗn hợp sẽ tiến hành họp luân phiên tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Liban, theo đề nghị của một trong hai Bên ký kết bằng văn bản.

Trong trường hợp cần thiết ủy ban hỗn hợp có thể thành lập các tiểu ban và triệu tập các chuyên gia và cố vấn tham dự các cuộc họp.

Điều 10. Theo nguyên tắc tự do quá cảnh quy định tại các Hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (OMC) và phù hợp với pháp luật hiện hành của mỗi Bên, mỗi Bên sẽ tạo thuận lợi cho:

a) tự do quá cảnh đối với các hàng hóa xuất phát từ lãnh thổ của Bên kia và đến lãnh thổ của một nước thứ ba;

b) tự do quá cảnh đối với hàng hóa xuất phát từ lãnh thổ của một nước thứ ba và đến lãnh thổ của Bên kia.

Điều 11. Mọi vấn đề hay khác biệt có thể nảy sinh giữa các Bên về cách diễn giải và áp dụng các điều khoản của Hiệp định này sẽ được thông báo qua đường ngoại giao và được giải quyết một cách hữu nghị giữa các Bên.

Điều 12. Các Bên, sau khi có sự nhất trí, có thể thay đổi, sửa đổi hoặc bổ sung Hiệp định này bằng văn bản thông qua đường ngoại giao. Các thay đổi, sửa đổi hoặc bổ sung này sẽ được thực hiện mà không vi phạm đến các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ Hiệp định này trước ngày thay đổi, sửa đổi hoặc bổ sung, và sẽ có hiệu lực vào ngày do các Bên cùng nhất trí xác định.

Điều 13. Hiệp định này sẽ có hiệu lực kể từ ngày thông báo cuối cùng về việc hoàn tất các thủ tục cần thiết để Hiệp định này có hiệu lực theo các quy trình được áp dụng ở mỗi nước.

Hiệp định này có thời hạn hiệu lực trong 5 năm và có thể được mặc nhiên gia hạn cho các thời hạn tương tự, trừ phi một trong các Bên thông báo cho Bên kia, bằng văn bản ít nhất là 3 tháng trước khi Hiệp định hết hiệu lực, ý định chấm dứt Hiệp định.

Điều 14. Sau khi Hiệp định hết hiệu lực các điều khoản của Hiệp định này vẫn được tiếp tục áp dụng đối với tất cả các hợp đồng đã được ký kết trong thời gian hiệu lực của Hiệp định cho đến khi các hợp đồng này được thực hiện xong.

Để làm bằng, những người được ủy quyền hợp thức của mỗi bên đã ký Hiệp định này thành ba bản gốc bằng tiếng Việt tiếng A-rập và tiếng Pháp, ba văn bản có giá trị và xác thực như nhau. Trong trường hợp có bất đồng về giải thích, bản tiếng Pháp sẽ là quyết định.

Làm tại Bây-rút ngày 12 tháng 8 năm 2003./.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HÒA LI-BĂNG
BỘ TRƯỞNG KINH TẾ VÀ TH­ƯƠNG MẠI




Marwan Hamadeh

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ THƯƠNG MẠI




Đỗ như Đính

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định thương mại số 27/2005/LPQT giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Li Băng

  • Số hiệu: 27/2005/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 21/02/2005
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ***
  • Người ký: Đỗ Như Đính, ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 23 đến số 24
  • Ngày hiệu lực: 30/12/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản