Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO

*******

Số: 91/2004/LPQT

 

 

Hà Nội, ngày 16 tháng 9 năm 2004

 

Hiệp định lãnh sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ô-xtơ-rây-li-a có hiệu lực từ ngày 06 tháng 8 năm 2004./.

 

 

 TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ

PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ Ô-XTƠ-RÂY-LI-A

(dưới đây gọi là các Bên).

Mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ lãnh sự giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo vệ các quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân hai nước, mong muốn thúc đẩy các quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

Mong muốn mở rộng và phát triển các quy định của Công ước Viên về quan hệ lãnh sự.

Đã quyết định ký Hiệp định này và thỏa thuận như sau:

Điều 1. Định nghĩa

Vì mục đích của Hiệp định này, những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

(a) “Viên chức lãnh sự” là những người, kể cả người đứng đầu cơ quan lãnh sự, được bổ nhiệm thực hiện các chức năng lãnh sự.

(b) “Công dân Nước cử” là những người mang quốc tịch Nước cử, kể cả pháp nhân của Nước cử.

(c) “Tầu thuỷ của Nước cử” là những phương tiện nổi mang cờ Nước cử và hoạt động theo luật của nước đó, trừ các tầu quân sự.

(d) “Tầu bay của Nước cử” là những phương tiện bay đã đăng ký tại Nước cử và mang ký hiệu đăng ký bay của nước đó, trừ tầu bay quân sự.

Điều 2. Thông báo cho Nước tiếp nhận về việc bổ nhiệm, việc đến và đi.

Bộ Ngoại giao Nước cử sẽ thông báo sớm bằng văn bản cho Nước tiếp nhận về:

(a) Họ và tên, cấp bậc của một thành viên cơ quan lãnh sự, ngày người đó đến và đi hẳn hoặc thôi công tác cũng như bất cứ thay đổi nào liên quan đến địa vị và chức vụ của người đó tại cơ quan lãnh sự;

(b) Họ và tên, quốc tịch, ngày đến, ngày đi hẳn của một người thuộc gia đình một thành viên cơ quan lãnh sự cùng sống trong một hộ và khi một người trở thành hoặc thôi không còn là thành viên của gia đình đó nữa;

(c) Họ và tên, quốc tịch, công việc, ngày đến và ngày đi hẳn của nhân viên phục vụ riêng hoặc khi họ không còn là nhân viên phục vụ riêng nữa.

(d) Việc tuyển dụng và thải hồi thành viên cơ quan lãnh sự hoặc nhân viên phục vụ riêng là những người cư trú tại Nước tiếp nhận và đựơc hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ.

Điều 3. Tạo thuận lợi cho hoạt động của cơ quan lãnh sự

1. Nước tiếp nhận dành mọi sự dễ dàng cho cơ quan lãnh sự thực hiện chức năng của mình.

2. Nước tiếp nhận đối xử với thành viên cơ quan lãnh sự với sự tôn trọng thích đáng và áp dụng những biện pháp thích hợp để đảm bảo cho các thành viên cơ quan lãnh sự thực hiện dễ dàng các chức năng của mình.

Điều 4. Trụ sở cơ quan lãnh sự và nhà ở của thành viên cơ quan lãnh sự

1. Phù hợp với luật và các quy định của Nước tiếp nhận, Nước cử hoặc đại diện của Nước cử có quyền:

(a) Mua, thuê hoặc có được dưới bất cứ hình thức nào một tòa nhà hoặc một phần tòa nhà và cả phần đất đai gắn với tòa nhà đó để dùng làm trụ sở cơ quan và nhà ở của thành viên cơ quan lãnh sự, trừ nhà ở của các thành viên cơ quan lãnh sự là công dân Nước tiếp nhận hoặc người thường trú tại Nước tiếp nhận.

(b) Xây dựng hoặc cải tạo các tòa nhà trên mảnh đất đó.

2. Nước tiếp nhận tạo thuận lợi cho Nước cử có trụ sở cơ quan lãnh sự, kể cả nhà ở cho thành viên cơ quan lãnh sự khi cần thiết.

3. Trong quá trình thực hiện các quyền nêu tại khoản 1 Điều này, Nước cử hoặc đại diện của Nước cử phải tuân thủ luật và các quy định của Nước tiếp nhận liên quan đến đất đai, xây dựng và quy hoạch đô thị.

Điều 5. Các chức năng lãnh sự

Các chức năng lãnh sự gồm:

(a) Bảo vệ và bảo đảm các quyền và lợi ích của Nhà nước và công dân Nước cử trong phạm vi luật pháp quốc tế cho phép.

(b) Phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, văn hóa và giáo dục giữa Nước cử và Nước tiếp nhận cũng như các quan hệ hữu nghị và hợp tác khác.

(c) Bằng mọi hình thức hợp pháp, tìm hiểu tình hình kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác của Nước tiếp nhận và báo cáo cho Chính phủ Nước cử.

(d) Thực hiện các chức năng khác do Nước cử giao cho cơ quan lãnh sự nếu điều đó không bị luật và các quy định tại Nước tiếp nhận ngăn cấm hoặc không bị Nước tiếp nhận phản đối hoặc điều đó được quy định trong các điều ước quốc tế hiện hành giữa Nước cử và Nước tiếp nhận.

Điều 6. Chức năng liên quan đến quốc tịch và đăng ký hộ tịch.

1. Chức năng lãnh sự liên quan đến quốc tịch và đăng ký hộ tịch.

(a) Tiếp nhận hồ sơ liên quan đến quốc tịch:

(b) Đăng ký công dân Nước cử.

(c) Đăng ký khai sinh và khai tử cho công dân Nước cử.

(d) Đăng ký kết hôn giữa công dân Nước cử với nhau và cấp các giấy tờ cần thiết.

2. Những quy định tại khoản 1 điều này không miễn cho những người có liên quan nghĩa vụ phải tuân thủ luật và các quy định của Nước tiếp nhận.

Điều 7. Cấp hộ chiếu và thị thực

1. Chức năng lãnh sự liên quan đến việc cấp hộ chiếu và thị thực gồm:

(a) Cấp, sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ hộ chiếu và các giấy tờ đi lại khác cho công dân Nước cử.

(b) Cấp, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ thị thực cho những người muốn đến hoặc quá cảnh Nước cử.

2. Khi có yêu cầu thực thi pháp luật Nước tiếp nhận, Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận có thể tạm giữ hộ chiếu hoặc giấy tờ đi lại khác do cơ quan Nước cử cấp.

3. Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận sẽ trao lại ngay hộ chiếu và những giấy tờ đi lại khác cho cơ quan lãnh sự, trừ trường hợp cần tạm giữ theo quy định tại Điều 7 (2) trên.

Điều 8. Công chứng và chứng thực

1. Chức năng lãnh sự liên quan đến công chứng và chứng thực gồm:

(a) Lập các văn bản, giấy tờ để sử dụng tại Nước cử cho bất kỳ người mang quốc tịch nước nào theo yêu cầu của người đó;

(b) Lập các văn bản, giấy tờ cho công dân Nước cử để sử dụng ngoài lãnh thổ Nước cử theo yêu cầu của người đó;

(c) Dịch giấy tờ sang ngôn ngữ chính thức của Nước cử hoặc Nước tiếp nhận và chứng nhận bản dịch đó có nội dung như bản chính;

(d) Thực hiện các công việc công chứng khác do Nước cử ủy nhiệm khi điều đó không bị Nước tiếp nhận phản đối;

(e) Chứng thực chữ ký và con dấu trên các văn bản, giấy tờ do các cơ quan có thẩm quyền của Nước cử hoặc Nước tiếp nhận cấp.

2. Khi sử dụng tại Nước tiếp nhận, các văn bản, giấy tờ do cơ quan lãnh sự lập, công chứng hoặc chứng nhận phù hợp với luật và các quy định của Nước tiếp nhận sẽ được công nhận có giá trị như các giấy tờ do Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận lập, chứng nhận hoặc công chứng.

3. Viên chức lãnh sự có quyền nhận hoặc bảo quản tạm thời các văn bằng và giấy tờ của công dân Nước cử với điều kiện điều đó không trái với luật và các quy định của Nước tiếp nhận.

Điều 9. Chuyển giao các giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp

Chức năng lãnh sự gồm cả việc chuyển giao các giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp phù hợp với các thỏa thuận quốc tế hiện hành giữa hai bên hoặc nếu không có các điều ước quốc tế như vậy thì theo bất cứ cách nào khác phù hợp với luật và các quy định của Nước tiếp nhận.

Điều 10. Bảo hộ và giúp đỡ lãnh sự

1. Các Bên thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho công dân của nhau nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và lưu trú trên lãnh thổ của hai nước. Thủ tục và giấy tờ xuất cảnh của những người này sẽ tuân thủ theo luật của nước mà họ xuất cảnh. Thủ tục và giấy tờ nhập cảnh của những người này sẽ tuân thủ theo luật của nước mà họ đến.

2. Nếu do các thủ tục tư pháp hoặc hành chính mà một công dân của Nước cử không được xuất cảnh khỏi Nước tiếp nhận trong thời hạn mà thị thực và giấy tờ đi lại còn giá trị thì người này sẽ không mất quyền được bảo hộ và tiếp xúc lãnh sự của Nước cử. Người này sẽ được phép rời khỏi Nước tiếp nhận mà không cần có thêm giấy tờ bổ sung của Nước tiếp nhận ngoài giấy tờ xuất cảnh theo quy định của luật pháp Nước tiếp nhận.

3. Tại Nước tiếp nhận, bất cứ người nào, không phụ thuộc vào quốc tịch người đó, mang hộ chiếu hoặc các giấy tờ đi lại khác do Nước cử cấp cũng được hưởng các quyền về bảo hộ, tiếp xúc lãnh sự của Nước cử (phù hợp với các quy định tại Hiệp định này và Công ước Viên về quan hệ lãnh sự) như dành cho công dân Nước cử.

Điều 11. Liên hệ và tiếp xúc với công dân Nước cử

1. Nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện chức năng lãnh sự liên quan đến công dân Nước cử:

(a) Viên chức lãnh sự được tự do liên hệ và tiếp xúc với công dân Nước cử. Công dân Nước cử cũng được tự do liên hệ và tiếp xúc với viên chức lãnh sự của Nước cử;

(b) Viên chức lãnh sự được quyền tìm hiểu điều kiện sinh sống và làm việc của công dân Nước cử tại Nước tiếp nhận được quyền giúp đỡ họ những việc cần thiết bất cứ lúc nào;

(c) Viên chức lãnh sự được quyền yêu cầu Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận xác minh nơi lưu trú của một công dân Nước cử và Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận sẽ thực hiện mọi biện pháp thích hợp để cung cấp các thông tin liên quan;

(d) Phù hợp với luật và các quy định của Nước tiếp nhận, viên chức lãnh sự có quyền nhận và bảo đảm tạm thời tiền và đồ vật quý của công dân Nước cử.

(e) Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận thông báo ngay hoặc trong vòng 03 ngày làm việc cho cơ quan lãnh sự mà trong khu vực lãnh sự của cơ quan đó có công dân của Nước cử bị bắt, bị giam giữ, bị tạm giữ chờ xét xử hoặc bị hạn chế tự do dưới bất cứ hình thức nào, trừ khi người đó yêu cầu một cách rõ ràng là không thông báo cho cơ quan lãnh sự. Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận sẽ thông báo cho cơ quan lãnh sự về lý do mà người đó bị bắt, bị tù, bị tạm giữ chờ xét xử hoặc bị hạn chế tự do dưới bất cứ hình thức nào.Mọi liên hệ của người bị giam giữ này đều được Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận chuyển ngay cho cơ quan lãnh sự. Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận sẽ thông báo ngay cho người bị giam giữ về những quyền mà họ được hưởng theo quy định tại điểm này;

(f) Trong trường hợp một phiên tòa hoặc một quá trình tố tụng khác được tiến hành ở Nước tiếp nhận đối với một công dân của Nước cử, Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận sẽ thông báo cho cơ quan lãnh sự về lời buộc tội đối với người đó. Viên chức lãnh sự được phép tham dự phiên tòa hoặc một quá trình tố tụng khác

(g) Trong trường hợp một phiên tòa hoặc một quá trình tố tụng khác được tiến hành ở Nước tiếp nhận đối với công dân của Nước cử, Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận sẽ tạo thuận lợi để người đó có phiên dịch nếu việc này là cần thiết;

(h) Viên chức lãnh sự có quyền đến thăm công dân Nước cử đang bị tù, bị giam hoặc bị giữ, tiếp xúc, trao đổi thư từ và thu xếp việc đại diện pháp lý cho người đó. Viên chức lãnh sự có quyền đến thăm, tiếp xúc, trao đổi thư từ với công dân Nước cử bị tù, bị giam, bị giữ tại khu vực lãnh sự theo phán quyết của tòa án.

(i) Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận thu xếp ngay hoặc trong vòng 02 ngày làm việc cho viên chức lãnh sự tiếp xúc với công dân Nước cử bị giam giữ kể từ khi thông báo lần đầu về việc bắt giữ như nêu tại điểm 1 (e) Điều này và sau đó việc đi thăm này được thu xếp ít nhất 01 lần trong một tháng. Tuy nhiên, viên chức lãnh sự sẽ không được hành động thay mặt cho công dân Nước cử đang bị tù, tạm giam, tạm giữ nếu người đó phản đối rõ ràng việc này.

2. Những quyền và nghĩa vụ nêu tại khoản 1 Điều này được thực hiện phù hợp với luật và các quy định của Nước tiếp nhận với điều kiện là luật và các quy định đó phải tạo điều kiện để thực hiện đầy đủ mục đích của những quyền nêu tại Điều này.

3. Khi công dân Nước cử không thể kịp thời thực hiện được việc bảo vệ quyền và lợi ích của mình do vắng mặt hoặc vì bất cứ lý do nào khác, phù hợp với luật và các quy định của Nước tiếp nhận và vì mục đích tiến hành các biện pháp tạm thời để bảo vệ quyền và lợi ích của những công dân đó, viên chức lãnh sự có thể đại diện hoặc thu xếp việc đại diện thích hợp cho công dân Nước cử trước tòa hoặc Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận cho tới khi những người này chỉ định được người đại diện cho mình hoặc tự họ có thể bảo vệ được quyền và lợi ích của mình.

Điều 12. Thông báo về việc công dân Nước cử chết

Khi nhận được tin một công dân Nước cử chết thì Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan lãnh sự có khu vực lãnh sự là nơi người đó chết, cấp giấy chứng tử và giấy tờ cần thiết khác liên quan đến cái chết đó cho cơ quan lãnh sự khi được yêu cầu.

Điều 13. Chức năng liên quan đến di sản

1. Khi Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận được tin một công dân Nước cử chết và để lại tài sản tại Nước tiếp nhận nhưng không có người thừa kế hoặc người quản lý tài sản theo di chúc thì phải thông báo ngay cho cơ quan lãnh sự.

2. Viên chức lãnh sự được quyền có mặt khi Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận kiểm kê và niêm phong di sản nói tại khoản 1 Điều này.

3. Khi một công dân Nước cử là người thừa kế hợp pháp, có quyền thừa kế hoặc nhận tài sản hoặc di vật theo di chúc của một người, không kể thuộc quốc tịch nước nào, chết tại nước Nước tiếp nhận và khi Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận biết là người này hiện không có mặt trên lãnh thổ của Nước tiếp nhận thì phải thông báo cho cơ quan lãnh sự mọi thông tin liên quan đến việc thừa kế hoặc nhận tài sản hoặc di sản của người đó.

4. Trong trường hợp một công dân của Nước cử là người có quyền thừa kế hoặc người đòi quyền thừa kế tài sản tại Nước tiếp nhận nhưng người đó hoặc đại diện của người đó không thể có mặt để thực hiện các thủ tục thừa kế thì viên chức lãnh sự hoặc đại diện của viên chức lãnh sự có thể thay mặt cho công dân đó trước tòa án hoặc Nhà chức trách có thẩm quyền khác của Nước tiếp nhận.

5. Viên chức lãnh sự có quyền thay mặt cho công dân Nước cử hiện không thường trú tại Nước tiếp nhận để nhận và chuyển giao cho người đó bất kỳ tài sản hoặc di vật nào theo di chúc tại Nước tiếp nhận là những tài sản mà người đó được hưởng.

6. Khi một công dân Nước cử là người không thường trú tại Nước tiếp nhận chết trong khi tạm trú hoặc quá cảnh Nước tiếp nhận và nếu người đó không có họ hàng hoặc người đại diện của mình tại Nước tiếp nhận thì viên chức lãnh sự có quyền nhận và bảo quản các giấy tờ tùy thân, tiền và vật dụng cá nhân của người đó để chuyển cho người thừa kế, người quản lý tài sản theo di chúc hoặc những người khác được quyền nhận tài sản đó.

7. Viên chức lãnh sự phải tuân thủ luật và các quy định của Nước tiếp nhận khi thực hiện các chức năng nêu tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này.

Điều 14. Chức năng giám hộ và đỡ đầu

1. Khi trong khu vực lãnh sự có một công dân Nước cử là người vị thành niên hoặc người không có hoặc bị hạn chế năng lực hành vi cần được giám hộ hoặc đỡ đầu thì Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận sẽ thông báo cho cơ quan lãnh sự.

2. Trong phạm vi luật và các quy định của Nước tiếp nhận cho phép, viên chức lãnh sự có quyền bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Nước cử là người vị thành niên hoặc người không có hoặc bị hạn chế năng lực hành vi và khi cần sẽ giới thiệu hoặc chỉ định người giám hộ hoặc đỡ đầu cho người đó và giám sát các hoạt động liên quan đến việc giám hộ và đỡ đầu này.

Điều 15. Giúp đỡ tầu thuỷ Nước cử

1. Viên chức lãnh sự có quyền giúp đỡ tầu thuỷ, thuyền trưởng và thuyền viên của Nước cử đang ở trong khu vực nội thủy hoặc lãnh hải của Nước tiếp nhận, và được:

(a) Lên tầu, khi tầu thủy đó được phép cập cảng, để lấy lời khai của thuyền trưởng hoặc bất kỳ thuyền viên nào, nhận các báo cáo về tầu, hàng hóa và hành trình của tầu.

(b) Không ảnh hưởng đến chức năng của Nhà chức trách có thẩm quyền Nước tiếp nhận, tiến hành điều tra bất cứ sự cố nào xảy ra trong suốt hành trình của tầu.

(c) Giải quyết mọi tranh chấp giữa thuyền trưởng và thuyền viên, kể cả những tranh chấp về lương, hợp đồng lao động trong giới hạn phù hợp với luật và các quy định của Nước cử.

(d) Đón tiếp thuyền trưởng và bất cứ thuyền viên nào; khi cần thiết, thu xếp việc giúp đỡ về y tế và giúp họ trở về nhà.

(e) Nhận, kiểm tra, lập, ký hoặc chứng thực hồ sơ liên quan đến tầu thủy;

(f) Giải quyết các vấn đề khác liên quan đến tầu thủy khi được Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước cử ủy quyền.

2. Thuyền trưởng hoặc bất cứ thuyền viên nào đều có thể liên hệ với viên chức lãnh sự. Họ có thể đến trụ sở cơ quan lãnh sự nếu việc này không trái với luật và các quy định của Nước tiếp nhận liên quan đến việc quản lý cảng và người nước ngoài.

Điều 16. Bảo hộ trong trường hợp có biện pháp cưỡng chế đối với tầu thuỷ Nước cử.

1.Trong trường hợp tòa án hoặc Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận muốn áp dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc tiến hành điều tra chính thức đối với tầu thủy hoặc trên tầu thủy của Nước cử thì phải thông báo trước cho cơ quan lãnh sự để viên chức lãnh sự hoặc người đại diện có thể có mặt khi tiến hành các hoạt động đó. Trong trường hợp khẩn cấp không thể thông báo trước được, Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận sẽ thông báo cho cơ quan lãnh sự ngay sau khi tiến hành các biện pháp đó và theo yêu cầu của viên chức lãnh sự cung cấp các chi tiết cụ thể về biện pháp đã được thực hiện.

2. Những quy định tại khoản 1 Điều này cũng áp dụng đối với các biện pháp tương tự khi Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận thực hiện trên bờ đối với thuyền trưởng hoặc thuyền viên thuộc tầu thuỷ Nước cử.

3. Những quy định tại khoản 1 và 2 Điều này không áp dụng đối với việc kiểm tra thường lệ của Nhà chức trách có thẩm quyền về hải quan, quản lý cảng, kiểm dịch y tế hoặc kiểm tra xuất nhập cảnh của Nước tiếp nhận và cũng không áp dụng đối với các biện pháp mà Nhà chức trách có thẩm quyền này thực hiện về an toàn hàng hải hoặc ngăn ngừa ô nhiễm trên biển.

4. Trừ khi được yêu cầu hoặc với sự đồng ý của thuyền trưởng tầu thủy Nước cử hoặc của viên chức lãnh sự, Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của tầu thuỷ nếu vấn đề hòa bình, an ninh và trật tự xã hội của Nước tiếp nhận không bị xâm phạm.

Điều 17. Giúp đỡ tầu thủy Nước cử bị đắm

1. Khi tầu thủy Nước cử bị đắm hoặc bị mắc cạn trong lãnh hải hoặc nội thủy Nước tiếp nhận thì Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận sẽ thông báo ngay cho cơ quan lãnh sự gần nhất nơi xảy ra sự cố về các biện pháp đã thực hiện để cứu người, cứu hộ tầu, hàng hóa và các tài sản khác.

2. Trong phạm vi luật và các quy định của Nước tiếp nhận cho phép, viên chức lãnh sự được quyền tiến hành các biện pháp nhằm giúp đỡ bất kỳ tầu thuỷ nào của Nước cử bị đắm, giúp đỡ thuyền bộ và hành khách, yêu cầu Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận hỗ trợ việc giúp đỡ này.

3. Nếu tầu thủy của Nước cử bị đắm, đồ vật của tầu được tìm thấy gần bờ hoặc những đồ vật đó được mang về cảng của Nước tiếp nhận và khi thuyền trưởng hoặc chủ tầu hoặc người đại diện công ty tầu biển hoặc người đại diện công ty bảo hiểm không thể có mặt hoặc không thể tiến hành các cbiện pháp bảo quản hoặc xử lý các đồ vật đó, Nhà chức trách có thẩm quyền của Nước tiếp nhận sẽ thông báo ngay cho cơ quan lãnh sự. Viên chức lãnh sự có thể thay mặt chủ tầu thực hiện các biện pháp thích hợp.

4. Hàng hóa và đồ vật thuộc tầu thủy Nước cử bị đắm sẽ không bị đánh thuế hoặc các loại phí tương tự khác của Nước tiếp nhận với điều kiện hàng hóa và đồ vật đó không được bán hoặc không sử dụng tại Nước tiếp nhận.

Điều 18. Chức năng đối với tầu bay Nước cử

Những quy định của Hiệp định này liên quan đến tầu thuỷ của Nước cử cũng được áp dụng đối với tầu bay của Nước cử với điều kiện việc áp dụng này không trái với các quy định của các điều ước quốc tế song phương có hiệu lực giữa Nước cử và Nước tiếp nhận cũng như không trái với quy định của các điều ước quốc tế đa phương có hiệu lực mà hai nước cùng tham gia.

Điều 19. Phí và lệ phí lãnh sự

1. Phù hợp với luật và các quy định của Nước cử, cơ quan lãnh sự có thể thu trên lãnh thổ Nước tiếp nhận các loại phí và lệ phí đối với những hoạt động lãnh sự.

2. Số tiền thu được dưới hình thức phí và lệ phí quy định tại khoản 1 Điều này và những thu nhập từ các loại phí và lệ phí này được miễn mọi thứ thuế và lệ phí của Nước tiếp nhận.

3. Nước tiếp nhận cho phép cơ quan lãnh sự chuyển cho Nước cử số tiền thu được từ các loại phí và lệ phí quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 20. Sự liên hệ đến các điều ước quốc tế khác

1. Các Bên khẳng định và thừa nhận rõ là Hiệp định này được biên soạn phù hợp với Điều 73 (2) của Công ước Viên về quan hệ lãnh sự ngày 24 tháng 4 năm 1963 và mục đích của Hiệp định là khẳng định và phát triển các quy định của Công ước Viên về quan hệ lãnh sự có hiệu lực giữa hai Bên.

2. Các Bên thừa nhận các quy định của Công ước Viên về quan hệ lãnh sự ngày 24 tháng 4 năm 1963 và thỏa thuận rằng những vấn đề không được nêu lại một cách cụ thể tại Hiệp định này sẽ được thực hiện phù hợp với Công ước đó.

3. Nếu không có những quy định cụ thể khác, những quy định tại Hiệp định này sẽ có cùng ý nghĩa như những quy định tại Công ước Viên với quan hệ lãnh sự ngày 24 tháng 4 năm 1963.

Điều 21. Tham khảo – trao đổi

Các Bên thỏa thuận sẽ có cuộc gặp trao đổi mỗi năm một lần để đánh giá về quan hệ lãnh sự và về những vấn đề mà mỗi Bên quan tâm. Khi cần thiết, các Bên cũng có thể trao đổi về các vấn đề lãnh sự cụ thể vào bất cứ thời gian nào trong năm.

Điều 22. Hiệu lực và thời hạn

Hiệp định này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ ba-mươi-mốt kể từ ngày trao đổi công hàm của hai Bên thông báo cho nhau là đã hoàn tất các thủ tục cần thiết theo pháp luật của mỗi nước để Hiệp định có hiệu lực.

Hiệp định này sẽ hết hiệu lực sau 06 tháng kể từ khi một Bên thông báo bằng văn bản cho Bên kia về quyết định hủy bỏ Hiệp định.

Làm thành 2 bản tại Hà Nội ngày 29 tháng 7 năm 2003, mỗi bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh, cả hai bản đều có giá trị như nhau./.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO




Nguyễn Dy Niên

THAY MẶT Ô-XTƠ-RÂY-LI-A
BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO
NGHỊ SĨ QUỐC HỘI




Ale xander Downer

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định số 91/2004/LPQT về việc lãnh sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ô-xtơ-rây-li-a

  • Số hiệu: 91/2004/LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 16/09/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Ngoại giao
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Anh
  • Ngày công báo: 09/11/2004
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: 06/08/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản