Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
******

 

Số: 50/2007/SL-LPQT

Hà Nội, ngày 12 tháng 09 năm 2007

 

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Na Uy về nhận trở lại công dân, ký ngày 04 tháng 7 năm 2007 tại Hà Nội, có hiệu lực từ ngày 14 tháng 10 năm 2007./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Lê Thị Tuyết Mai

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ VƯƠNG QUỐC NA UY VỀ NHẬN TRỞ LẠI CÔNG DÂN

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Na Uy (sau đây gọi là “các Bên ký kết”),

Với mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước nhằm bảo đảm việc thực hiện tốt hơn các quy định về di chuyển của cá nhân;

Nhận thức nhu cầu đấu tranh chống di cư bất hợp pháp và để tạo thuận lợi cho việc nhận trở lại, trên cơ sở có đi có lại, những người nhập cảnh và cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ của mỗi Bên ký kết;

Phù hợp với các điều ước quốc tế mà hai nước là thành viên;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Định nghĩa

Vì mục đích của Hiệp định này, các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) “Thị thực” là giấy phép có giá trị do cơ quan có thẩm quyền của một Bên ký kết cấp cho một người cho phép người đó nhập cảnh và lưu trú trên lãnh thổ nước mình liên tục trong một thời gian được xác định theo pháp luật áp dụng tại nước đó.

b) “Giấy phép cư trú” là giấy phép có giá trị do cơ quan có thẩm quyền của một Bên ký kết cấp cho một người cho phép người đó nhập cảnh và cư trú nhiều lần trên lãnh thổ nước đó. Giấy phép cư trú không phải là thị thực và không được xem là giấy phép cư trú tạm thời cấp cho người đang chờ xét duyệt đơn xin tỵ nạn hoặc đang chờ thủ tục trục xuất cho phép người đó được lưu trú trên lãnh thổ một Bên ký kết.

c) “Yêu cầu” là văn bản chính thức của Bên ký kết yêu cầu gửi cho Bên ký kết được yêu cầu đề nghị nhận trở lại đối tượng.

d) “Nhận được thông báo pháp lý” có nghĩa là người trở về nhận được quyết định cuối cùng và có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền Bên ký kết yêu cầu người này rời khỏi lãnh thổ Bên đó.

e) “Hồ sơ nhận trở lại” là công hàm kèm theo yêu cầu nhận trở lại, danh sách đối tượng nhận trở lại và bản khai chi tiết cá nhân của người trở về. Những giấy tờ này phải được dịch ra ngôn ngữ chính thức của Bên được yêu cầu và được các cơ quan có thẩm quyền của Bên yêu cầu chứng thực.

Điều 2. Nhận trở lại công dân của các Bên ký kết

1. Theo yêu cầu của một Bên ký kết, Bên ký kết kia sẽ nhận trở lại những người không đáp ứng hoặc không còn đáp ứng các yêu cầu pháp lý về nhập cảnh và cư trú trên lãnh thổ của Bên ký kết yêu cầu, với điều kiện người đó:

a) Có quốc tịch của Bên ký kết được yêu cầu, không đồng thời có quốc tịch của Bên ký kết yêu cầu hoặc quốc tịch của bất kỳ nước nào khác;

b) Trước đây đã có giấy phép cư trú hợp pháp trên lãnh thổ Bên ký kết được yêu cầu và không có nơi thường trú ở nước thứ ba;

c) Đã nhận được thông báo pháp lý của cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết yêu cầu trục xuất người đó ra khỏi lãnh thổ Bên ký kết yêu cầu, phù hợp với pháp luật nước đó.

2. Đối với những người đáp ứng tất cả các điều kiện nêu tại các điểm (a) và (c) khoản 1 Điều này và đã có nơi thường trú ở một nước thứ ba trước khi đến lãnh thổ Bên ký kết yêu cầu, Bên ký kết yêu cầu sẽ cho phép đương sự trở về nước thứ ba đó hoặc bất kỳ nước nào khác mà người này có giấy phép cư trú hợp pháp phù hợp với nguyện vọng của đương sự.

3. Bên ký kết yêu cầu sẽ nhận trở lại ngay và không cần bất kỳ thủ tục nào, nếu các cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết được yêu cầu phát hiện người trở về không đáp ứng điều kiện nhận trở lại được quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 3. Quyền của người trở về

1. Việc chuyển giao và nhận trở lại người trở về phải được thực hiện phù hợp với các điều khoản của Hiệp định này, nội luật của các Bên ký kết, luật pháp quốc tế và bảo đảm các nguyên tắc trật tự, an toàn, tôn trọng nhân phẩm, có tính đến các khía cạnh nhân đạo và tính thống nhất gia đình của người trở về.

2. Mỗi Bên ký kết dành cho người trở về một thời hạn thích hợp để giải quyết các vấn đề cá nhân.

3. Người trở về được phép mang theo hoặc chuyển về lãnh thổ Bên ký kết được yêu cầu toàn bộ tài sản, kể cả mọi phương tiện thanh toán có được một cách hợp pháp trong thời gian cư trú trên lãnh thổ Bên ký kết yêu cầu, trừ những đồ vật, phương tiện thuộc diện bị cấm nhập khẩu vào Bên ký kết được yêu cầu theo quy định pháp luật của Bên đó.

4. Các Bên ký kết không có nghĩa vụ phải chịu chi phí cho việc vận chuyển các tài sản nêu tại khoản 3 Điều này.

Điều 4. Chứng minh hoặc suy đoán quốc tịch

1. Các giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam:

a) Hộ chiếu Việt Nam còn giá trị;

b) Giấy chứng minh nhân dân Việt Nam còn giá trị;

c) Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam còn giá trị;

d) Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam còn giá trị;

e) Giấy chứng nhận quốc tịch Việt Nam còn giá trị do các cơ quan có thẩm quyền trong nước, cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài cấp.

2. Các giấy tờ chứng minh quốc tịch Na Uy:

a) Hộ chiếu Na Uy còn giá trị;

b) Quyết định cho nhập quốc tịch Na Uy còn giá trị;

c) Quyết định cho trở lại quốc tịch Na Uy còn giá trị;

d) Giấy chứng nhận quốc tịch Na Uy còn giá trị do các cơ quan có thẩm quyền trong nước, cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự của Na Uy ở nước ngoài cấp.

3. Để việc suy đoán quốc tịch Việt Nam hoặc giấy phép cư trú của người trở về có giá trị, phía Na Uy có thể cung cấp cho phía Việt Nam những giấy tờ sau của Việt Nam;

a) Bản sao các giấy tờ nêu tại khoản 1 Điều này;

b) Hộ chiếu và Giấy chứng minh nhân dân đã hết hạn;

c) Giấy chứng minh nhân dân biên giới;

d) Giấy chứng minh quân nhân;

e) Giấy thông hành có ảnh;

f) Hộ chiếu thuyền viên;

g) Giấy khai sinh;

h) Sổ hộ khẩu;

i) Thẻ cử tri mới nhất;

j) Giấy phép lái xe;

k) Bản sao các giấy tờ nêu tại các điểm từ (b) đến (j) của khoản này;

l) Lời khai bằng văn bản của các nhân chứng;

m) Lời khai bằng văn bản của người trở về;

n) Báo cáo bằng văn bản về việc kiểm tra ngôn ngữ của người trở về, chỉ liên quan đến ngôn ngữ dùng trong các giấy tờ nêu tại các điểm từ (a) đến (k) và điểm (o);

o) Các giấy tờ khác dùng để hỗ trợ việc xác minh quốc tịch của người trở về.

4. Để việc suy đoán quốc tịch Na Uy hoặc giấy phép cư trú của người trở về có giá trị, phía Việt Nam có thể cung cấp cho phía Na Uy những giấy tờ sau:

a) Bản sao các giấy tờ nêu tại khoản 2 Điều này;

b) Hộ chiếu đã hết hạn;

c) Giấy chứng minh quân nhân;

d) Giấy thông hành có ảnh;

e) Hộ chiếu thuyền viên;

f) Giấy khai sinh;

g) Thẻ cử tri mới nhất;

h) Giấy phép lái xe;

i) Bản sao các giấy tờ nêu tại các điểm từ (b) đến (h) của khoản này;

j) Lời khai bằng văn bản của các nhân chứng;

k) Lời khai bằng văn bản của người trở về;

l) Báo cáo bằng văn bản về việc kiểm tra ngôn ngữ của người trở về, chỉ liên quan đến ngôn ngữ dùng trong các giấy tờ nêu tại các điểm từ (a) đến (h) và điểm (m);

m) Các giấy tờ khác dùng để hỗ trợ việc xác minh quốc tịch của người trở về.

5. Nếu các chứng cứ hoặc các giấy tờ được coi là chứng cứ được nêu tại các khoản từ 1 đến 4 của Điều này không đủ để chứng minh hoặc suy đoán quốc tịch, cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết được yêu cầu sẽ nhận lời mời của Bên ký kết yêu cầu sang tiến hành thẩm vấn nhằm xác định quốc tịch của đương sự. Bên ký kết yêu cầu sẽ chịu mọi chi phí liên quan đến việc tiến hành thẩm vấn này.

Điều 5. Thủ tục nhận trở lại

1. Sau khi xác định được người trở về đáp ứng tất cả các điều kiện được nêu tại khoản 1 Điều 2 của Hiệp định này, Bên ký kết yêu cầu sẽ cung cấp cho Bên ký kết được yêu cầu hồ sơ nhận trở lại. Hồ sơ nhận trở lại này sẽ được gửi đến Cơ quan đại diện ngoại giao của Bên ký kết yêu cầu tại nước Bên ký kết được yêu cầu. Cơ quan đại diện ngoại giao sẽ chuyển hồ sơ nhận trở lại này cho cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết được yêu cầu để xử lý.

2. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ nhận trở lại, Bên ký kết được yêu cầu sẽ thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đại diện ngoại giao của Bên ký kết yêu cầu về việc Bên ký kết được yêu cầu đồng ý hoặc không đồng ý nhận trở lại đối tượng trong hồ sơ nhận trở lại nêu tại khoản 1 Điều này. Đối với những người được đồng ý nhận trở lại, cơ quan có thẩm quyền của Bên ký kết được yêu cầu sẽ cấp cho họ giấy thông hành có giá trị 6 tháng và gửi kèm với thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đại diện ngoại giao. Đối với các trường hợp từ chối nhận trở lại, Bên ký kết được yêu cầu thông báo cho Bên ký kết yêu cầu lý do từ chối.

3. Bên ký kết được yêu cầu sẽ tiếp nhận đối tượng thuộc diện nhận trở lại ngay sau khi thông báo đồng ý nhận trở lại. Trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày nhận được thông báo đồng ý nhận trở lại từ Bên ký kết được yêu cầu, Bên ký kết yêu cầu tổ chức việc chuyển giao đối tượng.

4. Chậm nhất 7 ngày trước ngày đương sự về đến lãnh thổ Bên ký kết được yêu cầu, Bên ký kết yêu cầu thông báo cho Bên ký kết được yêu cầu về cửa khẩu, số hiệu chuyến bay, dự kiến thời gian chuyến bay đến, danh sách người trở về và các chi tiết nhân thân của viên chức hộ tống (họ tên đầy đủ, ngày sinh, quốc tịch, số hộ chiếu, dự kiến thời gian lưu trú trên lãnh thổ Bên ký kết được yêu cầu). Bên ký kết được yêu cầu sẽ khẳng định ngay về thời gian tiếp nhận.

5. Các Bên ký kết sẽ thông báo cho nhau trong trường hợp không thể đáp ứng được các thời hạn nêu tại các khoản từ 2 đến 4 của Điều này với tinh thần tôn trọng lẫn nhau trong trường hợp có thể xảy ra những trở ngại pháp lý và thực tiễn.

Điều 6. Trao đổi và bảo mật thông tin

1. Vì mục đích thực hiện Hiệp định này, thông tin về từng trường hợp cụ thể được cung cấp cho một Bên ký kết sẽ chỉ là các thông tin về:

a) Các thông tin cá nhân của người được nhận trở lại, và khi cần thiết, các thông tin cá nhân của thành viên gia đình họ như họ, tên, các tên gọi trước đây, bí danh, tên gọi khác, họ tên cha mẹ, ngày và nơi sinh, giới tính, quốc tịch hiện tại và trước đây, địa chỉ mới nhất và địa chỉ trước đây tại lãnh thổ Bên ký kết được yêu cầu;

b) Hộ chiếu, giấy tờ đi lại, giấy thông hành hoặc các giấy tờ nhân thân khác (số, ngày cấp, cơ quan cấp, nơi cấp, thời hạn v.v…);

c) Các chi tiết khác cần thiết cho việc xác minh người được nhận trở lại;

d) Bằng chứng có thể được dùng để khẳng định hoặc suy đoán quốc tịch và nơi thường trú;

e) Giấy phép cư trú và/hoặc thị thực do cơ quan có thẩm quyền của các Bên ký kết cấp;

f) Lộ trình, các địa điểm, vé hoặc các thu xếp di chuyển khác và việc mô tả lại những thu xếp hành trình này, nếu có;

g) Bất kỳ thông tin nào theo yêu cầu của một Bên ký kết vì mục đích xử lý yêu cầu nhận trở lại phù hợp với Hiệp định này.

2. Mỗi Bên ký kết cam kết:

a) Chỉ sử dụng thông tin được cung cấp theo Hiệp định cho mục đích được yêu cầu;

b) Bảo mật thông tin gửi đến Bên ký kết được yêu cầu và không chuyển giao thông tin này cho bên thứ ba, trừ khi việc đó được Bên ký kết yêu cầu cho phép;

c) Bảo đảm các thông tin này không bị mất, bị tiếp cận trái phép, bị thay đổi hoặc tiết lộ;

d) Hủy thông tin này phù hợp với điều kiện do Bên ký kết yêu cầu đặt ra, và nếu không có các điều kiện đó thì hủy ngay sau khi thông tin này không còn cần thiết cho mục đích chuyển giao.

Điều 7. Chi phí

1. Bên ký kết yêu cầu sẽ chịu mọi chi phí cho việc vận chuyển người được nhận trở lại, kể cả chi phí cho người hộ tống, đến cửa khẩu hàng không quốc tế của Bên ký kết được yêu cầu và chi phí nhận trở lại những trường hợp bị trao trả nhầm nêu tại khoản 3 Điều 2 của Hiệp định này.

2. Với mục đích thúc đẩy quá trình nhận trở lại, Bên ký kết yêu cầu sẽ hỗ trợ tài chính cho việc vận chuyển người nhận trở lại tới điểm đến cuối cùng.

Điều 8. Điều khoản thực hiện

1. Các cơ quan được ủy quyền thực hiện Hiệp định này là:

- Đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam:

Bộ Công an

Cục Quản lý Xuất nhập cảnh

40 Hàng Bài, Hà Nội, Việt Nam

Tel: +844 8257941

Telefax: +844 8243288/+844 8243287

Email: Vnimm@hn.vnn.vn

- Đối với Vương quốc Na Uy:

Cơ quan Cảnh sát Nhập cư thay mặt cho Bộ Tư pháp và Cảnh sát

P.O. Box 9277 Gronland

N-0134 Oslo, Norway

Tel: +4722 34 24 00

Telefax: +4722 34 24 80

Email: politiets.utlendingsenhet@politiet.no

Cục Nhập cư thay mặt cho Bộ Lao động và Xã hội

P.O Box 8108 Dep

N-0032 Oslo, Norway

Tel: +47 23 35 15 00

Telefax: +47 23 35 15 01

Email: udi@udi.no

2. Đại diện các Bên ký kết sẽ gặp nhau khi cần thiết để trao đổi về việc thực hiện Hiệp định này.

Điều 9. Giải quyết tranh chấp

Mọi tranh chấp liên quan đến việc thực hiện Hiệp định này sẽ được giải quyết thông qua thương lượng.

Điều 10. Điều khoản cuối cùng

1. Hiệp định này có hiệu lực vô thời hạn.

2. Các Bên ký kết sẽ thông báo cho nhau bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc đã hoàn tất các thủ tục pháp lý cần thiết để Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng.

3. Mỗi Bên ký kết có thể đình chỉ việc thực hiện Hiệp định này vì lý do bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự xã hội và sức khỏe cộng đồng thông qua thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết kia. Việc đình chỉ phải được thông báo cho Bên ký kết kia qua đường ngoại giao và có hiệu lực vào thời điểm nêu trong thông báo đó. Hiệp định sẽ có hiệu lực trở lại khi Bên ký kết yêu cầu thông báo cho Bên ký kết kia về việc không còn cơ sở cho việc đình chỉ này.

4. Tại bất kỳ thời điểm nào, mỗi Bên ký kết có thể đề nghị sửa đổi hay bổ sung Hiệp định này, phù hợp với các quy định của nội luật của Bên đó. Các sửa đổi và bổ sung sẽ được thỏa thuận qua đường ngoại giao và có hiệu lực phù hợp với khoản 2 Điều này.

5. Mỗi Bên ký kết có thể chấm dứt hiệu lực của Hiệp định này bằng việc gửi văn bản thông báo cho Bên ký kết kia. Việc chấm dứt hiệu lực sẽ có hiệu lực vào ngày đầu tiên của tháng thứ hai sau ngày Bên ký kết kia nhận được thông báo bằng văn bản trên.

6. Hiệp định này sẽ không áp dụng đối với người nhập cảnh lãnh thổ các Bên ký kết trước ngày Hiệp định này có hiệu lực. Các Bên ký kết nhất trí hợp tác trong việc phỏng vấn, xác minh và thúc đẩy việc trao trả các đối tượng hiện đang cư trú trên lãnh thổ các Bên ký kết trước ngày Hiệp định này có hiệu lực.

Làm tại Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2007, thành hai bản gốc, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Na Uy và tiếng Anh. Các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự khác nhau về giải thích, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng để đối chiếu./.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THỨ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO  




Nguyễn Phú Bình  

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
VƯƠNG QUỐC NA UY 
ĐẠI SỨ ĐẶC MỆNH TOÀN QUYỀN  




Kjell Storlokken 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Hiệp định số 50/2007/SL-LPQT về việc nhận trở lại công dân do Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Na Uy ban hành.

  • Số hiệu: 50/2007/SL-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 04/07/2007
  • Nơi ban hành: Chính phủ các nước, Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Phú Bình, Kjell Storlokken
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 752 đến số 753
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản