BỘ NGOẠI GIAO------- | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/2005/LPQT | Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2005 |
Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân quốc có hiệu lực từ ngày 19 tháng 4 năm 2005./.
| TL. BỘ TRƯỞNG BỘ NGOẠI GIAO |
HIỆP ĐỊNH
TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP VỀ HÌNH SỰ GIỮA CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ ĐẠI HÀN DÂN QUỐC
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân quốc (sau đây gọi là “các Bên”).
Mong muốn nâng cao hiệu quả hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về hình sự trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi,
Đã thỏa thuận như sau:
Điều 1. Phạm vi áp dụng
1. Phù hợp với các quy định của Hiệp định này, các Bên sẽ tương trợ cho nhau trong các vấn đề về hình sự.
2. Các vấn đề về hình sự theo hiệp định này là việc điều tra, truy tố, xét xử đối với bất kỳ tội phạm nào, bao gồm cả các tội phạm về thuế, hải quan, quản lý ngoại hối hoặc các vấn đề về thu nhập mà tại thời điểm yêu cầu tương trợ thuộc quyền truy cứu trách nhiệm hình sự của Bên yêu cầu.
3. Tương trợ bao gồm:
a) Thu thập chứng cứ hoặc lấy lời khai;
b) Cung cấp thông tin, tài liệu, hồ sơ và vật chứng;
c) Xác định nơi ở của người, nơi có đồ vật và nhận dạng người, đồ vật;
d) Tống đạt giấy tờ;
e) Thực hiện yêu cầu khám xét và thu giữ;
f) Bố trí cho người liên quan cung cấp chứng cứ hoặc giúp đỡ trong điều tra, truy tố, xét xử hình sự trên lãnh thổ của Bên yêu cầu;
g) Truy tìm, thu giữ, kê biên và tịch thu tài sản do phạm tội mà có và phương tiện phạm tội;
h) Các tương trợ khác phù hợp với mục đích của Hiệp định này và không trái với pháp luật của Bên được yêu cầu.
4. Tương trợ theo Hiệp định này không bao gồm:
a) Việc dẫn độ hoặc bất giữ để dẫn độ;
b) Việc thi hành các bản án hình sự đã tuyên của Bên yêu cầu trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu, trừ trường hợp pháp luật của Bên được yêu cầu và Hiệp định này cho phép;
c) Việc chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù để tiếp tục thi hành án;
d) Chuyển giao việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiệp định này không ảnh hưởng đến bất kỳ nghĩa vụ nào đang có giữa các Bên theo các điều ước hay thỏa thuận khác, cũng không cản trở các Bên tương trợ cho nhau theo các điều ước, thỏa thuận khác.
Điều 3. Cơ quan trung ương
1. Để thực hiện Hiệp định này, mỗi Bên chỉ định người hoặc một cơ quan là Cơ quan trung ương để chuyển và nhận các yêu cầu theo quy định của Hiệp định này.
2. Những người hoặc cơ quan dưới đây sẽ được coi là Cơ quan trung ương kể từ khi Hiệp định bắt đầu có hiệu lực:
a) Đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc một quan chức do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chỉ định;
b) Đối với Đại Hàn Dân quốc là Bộ trưởng Tư pháp hoặc một quan chức do Bộ trưởng Tư pháp chỉ định.
3. Các Bên sẽ thông báo cho nhau về bất kỳ sự thay đổi nào về Cơ quan trung ương nói tại khoản 2 Điều này.
4. Các Cơ quan trung ương liên hệ trực tiếp với nhau, nhưng khi cần thiết có thể liên hệ thông qua đường ngoại giao.
Điều 4. Nội dung của yêu cầu tương trợ
1. Yêu cầu tương trợ phải nêu rõ:
a) Mục đích, nội dung của yêu cầu tương trợ;
b) Người, cơ quan, tổ chức đưa ra yêu cầu tương trợ;
c) Bản mô tả nội dung vụ việc hình sự, trong đó nêu tóm tắt các tình tiết có liên quan, luật và hình phạt áp dụng;
d) Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử;
e) Thời hạn mong muốn yêu cầu tương trợ được thực hiện.
2. Trong trường hợp có thể được, yêu cầu tương trợ còn bao gồm:
a) Nhận dạng, quốc tịch và nơi ở của những người là đối tượng của vụ việc hình sự hoặc những người có thông tin liên quan đến vụ việc hình sự đó;
b) Đối với yêu cầu tương trợ theo Điều 10 cần:
(i) Mô tả các vấn đề cần thẩm tra đối với những người liên quan kể cả các câu hỏi mà Bên yêu cầu muốn đặt ra để hỏi những người đó;
(ii) Mô tả về các tài liệu, hồ sơ hoặc vật chứng sẽ được đưa ra và nếu có thể thì mô tả về người được đề nghị xuất trình các tài liệu, hồ sơ hoặc vật chứng nói trên;
c) Đối với trường hợp yêu cầu tương trợ theo Điều 11 hoặc Điều 12, thì cần có thông tin về số tiền trợ cấp và chi phí mà người đến lãnh thổ của Bên yêu cầu sẽ được hưởng;
d) Đối với trường hợp yêu cầu tương trợ theo Điều 15 và Điều 16, thì cần có bản mô tả về vật đang cần tìm, và nếu có thể thì chỉ ra nơi có vật đó;
e) Đối với trường hợp yêu cầu tương trợ theo Điều 16 thì cần;
(i) Nêu rõ căn cứ mà Bên yêu cầu tin là tài sản do phạm tội mà có và có thể thuộc quyền tài phán của mình.
(ii) Quyết định của Tòa án, nếu có, và việc thực hiện quyết định đó;
f) Đối với trường hợp yêu cầu tương trợ có thể dẫn đến việc phát hiện hoặc thu hồi tài sản do phạm tội mà có, thì nêu rõ có cần áp dụng các biện pháp đặc biệt theo khoản 5 Điều 16 hay không;
g) Nêu rõ các yêu cầu hoặc thủ tục mà Bên yêu cầu mong muốn tuân thủ để yêu cầu tương trợ được thực hiện có hiệu quả, kể cả các chi tiết về cách thức hay hình thức cung cấp thông tin, chứng cứ, tài liệu hoặc đồ vật;
h) Nêu rõ mong muốn của Bên yêu cầu về giữ bí mật yêu cầu và lý do cần giữ bí mật nếu có;
i) Trường hợp một quan chức của Bên yêu cầu muốn đến lãnh thổ của Bên được yêu cầu vì mục đích liên quan đến yêu cầu tương trợ thì nêu rõ mục đích, dự định thời gian và lịch trình chuyến đi.
j) Tài liệu, chứng cứ hoặc thông tin bổ trợ khác cần thiết hoặc có thể giúp Bên được yêu cầu thực hiện có hiệu quả yêu cầu tương trợ.
3. Văn bản yêu cầu, tài liệu bổ trợ và các liên hệ khác theo Hiệp định này được làm bằng ngôn ngữ của Bên yêu cầu và kèm theo bản dịch sang ngôn ngữ của Bên được yêu cầu hoặc bằng tiếng Anh.
4. Nếu Bên được yêu cầu xét thấy thông tin nêu trong văn bản yêu cầu không đủ để thực hiện yêu cầu tương trợ theo Hiệp định này, thì có thể đề nghị bổ sung thông tin.
5. Yêu cầu tương trợ phải được lập thành văn bản, trừ trường hợp Bên được yêu cầu có thể chấp nhận yêu cầu tương trợ bằng hình thức khác trong tình huống khẩn cấp. Trong trường hợp đó, yêu cầu tương trợ phải được khẳng định lại bằng văn bản trong thời hạn hai mươi (20) ngày, trừ khi Bên được yêu cầu có ý kiến khác.
Điều 5. Từ chối hoặc hoãn thực hiện yêu cầu tương trợ
1. Việc tương trợ sẽ bị từ chối nếu Bên được yêu cầu cho rằng:
a) Yêu cầu tương trợ liên quan đến tội phạm mà Bên được yêu cầu coi là tội phạm có tính chất chính trị hoặc quân sự thuần tuý;
b) Yêu cầu tương trợ liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự một người về một tội mà người đó đã bị kết án, tuyên án vô tội hoặc đặc xá trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu;
c) Có đủ căn cứ cho rằng yêu cầu tương trợ được đưa ra nhằm truy tố hoặc trừng phạt một người vì lý do chủng tộc, giới tính, tôn giáo, quốc tịch hoặc chính kiến việc thực hiện yêu cầu tương trợ sẽ làm cho người đó bị thành kiến vì các lý do như vậy.
d) Yêu cầu tương trợ, nếu được thực hiện sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh, trật tư công cộng hoặc lợi ích cơ bản của Bên được yêu cầu.
2. Tương trợ có thể bị từ chối nếu Bên được yêu cầu cho rằng:
a) Yêu cầu tương trợ liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự một người về một tội phạm đã hết thời hiêu truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu tội phạm đó thuộc quyền truy cứu trách nhiệm hình sự của Bên được yêu cầu; hoặc
b) Yêu cầu tương trợ liên quan đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự hay áp dụng hình phạt đối với một người về một hành vi mà theo pháp luật của Bên được yêu cầu thì không cấu thành tội phạm.
3. Tương trợ có thể bị Bên được yêu cầu hoãn thực hiện nếu việc thực hiện yêu cầu tương trợ đó cản trở quá trình điều tra hoặc truy tố đang được tiến hành trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu.
4. Trước khi từ chối hoặc hoãn thực hiện yêu cầu tương trợ theo quy định của Điều này, Bên được yêu cầu thông qua Cơ quan trung ương của mình phải:
a) Thông báo ngày cho Bên yêu cầu về lý do từ chối hoặc hoãn; và
b) Trao đổi với Bên yêu cầu để xác định việc thực hiện tương trợ theo các điều kiện mà Bên được yêu cầu đăt ra.
5. Nếu Bên yêu cầu chấp nhận việc tương trợ với những điều kiện nói tại khoản 4.b thì phải tuân thủ các điều kiện đó.
Điều 6. Thực hiện yêu cầu tương trợ
1. Bên được yêu cầu phải nhanh chóng thực hiện các yêu cầu tương trợ phù hợp phạm vi mà pháp luật nước mình cho phép, theo cách thức do Bên yêu cầu đề nghị.
2. Bên được yêu cầu có thể hoãn việc chuyển giao tài liệu nếu tài liệu đó cần thiết cho thủ tục tố tụng hình sự hoặc tố tụng dân sự của Bên mình. Trong trường hợp này và nếu có yêu cầu, thì Bên được yêu cầu sẽ cung cấp bản sao có chứng thực các tài liệu đó.
3. Bên được yêu cầu phải nhanh chóng thông báo cho Bên yêu cầu về các tình huống phát sinh có thể làm chậm việc thực hiện yêu cầu tương trợ.
Điều 7. Trả lại tài liệu cho bên được yêu cầu
Theo đề nghị của Bên được yêu cầu, Bên yêu cầu phải trả lại tài liệu đã được cung cấp theo Hiệp định này khi những tài liệu đó không còn cần cho vấn đề hình sự được nêu trong yêu cầu tương trợ.
Điều 8. Bảo mật và giới hạn sử dụng thông tin
1. Nếu có yêu cầu, Bên được yêu cầu phải bảo đảm giữ bí mật về yêu cầu tương trợ, nội dung yêu cầu tương trợ, các tài liệu bổ trợ cũng như công việc được thực hiện theo yêu cầu tương trợ. Nếu thực hiện yêu cầu tương trợ sẽ làm lộ bí mật, thì Bên được yêu cầu phải thông báo điều đó cho Bên yêu cầu trước khi thực hiện; Bên yêu cầu phải cho biết là có đồng ý thực hiện yêu cầu trong điều kiện như vậy hay không.
2. Nếu được đề nghị, Bên yêu cầu phải bảo đảm giữ bí mật về thông tin và chứng cứ mà Bên được yêu cầu đã cung cấp, trừ những thông tin và chứng cứ cần thiết cho vấn đề hình sự nêu trong yêu cầu tương trợ hoặc Bên được yêu cầu cho phép làm theo cách khác.
3. Nếu được đề nghị, Bên yêu cầu phải bảo đảm rằng thông tin hoặc chứng cứ được bảo vệ, không để mất mát, bị tiếp cận, sử dụng, sửa đổi, tiết lộ trái phép hoặc bị lạm dụng.
4. Nếu không được sự đồng ý của Bên được yêu cầu, Bên yêu cầu không được sử dụng thông tin hay chứng cứ có được hoặc làm bất kỳ điều gì trên cơ sở từ thông tin hay chứng cứ đó vào mục đích khác với mục đích đã nêu trong yêu cầu tương trợ.
Điều 9. Tống đạt giấy tờ
1. Trong phạm vi pháp luật nước mình cho phép, Bên được yêu cầu phải thực hiện yêu cầu tống đạt giấy tờ về hình sự.
2. Yêu cầu tống đạt giấy triệu tập người đến làm chứng phải được gửi cho Bên được yêu cầu trong thời hạn 45 ngày trước ngày dự định người đó phải có mặt để làm chứng tại Bên yêu cầu. Trong trường hợp khẩn cấp, Bên được yêu cầu có thể không áp dụng thời hạn này.
3. Bên được yêu cầu phải chuyển cho Bên yêu cầu văn bản xác nhận là đã tống đạt giấy tờ. Nếu không thể tống đạt được, thì Bên yêu cầu phải được thông báo và được biết rõ lý do.
4. Người không chấp hành nội dung giấy tờ đã được tống đạt thì không phải chịu bất kỳ hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế nào theo pháp luật của Bên yêu cầu hay Bên được yêu cầu.
Điều 10. Thu thập chứng cứ
1. Trong khuôn khổ pháp luật của nước mình và theo yêu cầu, Bên được yêu cầu lấy lời khai hoặc bản tường trình của những người liên quan hoặc yêu cầu họ đưa ra đồ vật để làm vật chứng chuyển cho Bên yêu cầu.
2. Trong khuôn khổ pháp luật nước mình, Bên được yêu cầu cho phép những người được nêu đích danh trong yêu cầu có mặt trong quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ và có thể cho phép họ được hỏi người cung cấp lời khai hoặc chứng cư. Trong trường hợp không cho phép hỏi trực tiếp, thì những người đó có thể được phép gửi các câu hỏi dự định đặt ra cho người cung cấp lời khai hoặc chứng cứ.
3. Người mà Bên được yêu cầu sẽ thu thập chứng cứ theo yêu cầu tương trợ phù hợp với Điều này có thể từ chối cung cấp chứng cứ trong trường hợp:
a) Pháp luật của Bên được yêu cầu cho phép hoặc bắt buộc người đó từ chối cung cấp chứng cứ trong các hoàn cảnh tương tự theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự được tiến hành trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu;
b) Pháp luật của Bên yêu cầu cho phép hoặc bất buộc người đó từ chối cung cấp chứng cứ theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự như vậy trên lãnh thổ của Bên yêu cầu.
4. Nếu bất kỳ người nào trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu cho rằng pháp luật của Bên yêu cầu có quy định về quyền hoặc nghĩa vụ phải từ chối cung cấp chứng cứ, thì Cơ quan trung ương của Bên yêu cầu, nếu được yêu cầu, phải cung cấp một văn bản xác nhận cho Cơ quan trung ương của Bên được yêu cầu về sự tồn tại của quyền hoặc nghĩa vụ đó. Trong trường hợp không có căn cứ ngược lại, thì văn bản xác nhận đó sẽ là một căn cứ đầy đủ về những vấn đề được nêu trong đó.
5. Theo Điều này, việc thu thập chứng cứ bao gồm cả việc thu thập tài liệu hoặc các đồ vật khác.
Điều 11. Chuyển giao người đang chấp hành hình phạt để cung cấp chứng cứ
1. Người đang chấp hành hình phạt trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu, có thể được tạm thời chuyển giao theo yêu cầu của Bên yêu cầu để cung cấp chứng cứ theo trình tự, thủ tục tố tụng hình sự trên lãnh thổ của Bên yêu cầu. Trong Điều này, người đang chấp hành hình phạt bao gồm cả người không bị giam giữ trong trại giam nhưng đang phải chấp hành hình phạt về một tội nhưng không liên quan đến tiền tệ.
2. Bên được yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành hình phạt cho Bên yêu cầu chỉ khi:
a) Người đó tự nguyện đồng ý với việc chuyển giao, và
b) Bên yêu cầu đồng ý tuân thủ các điều kiện cụ thể do Bên được yêu cầu nêu ra liên quan đến việc quản lý hoặc bảo đảm an toàn cho người được chuyển giao.
3. Khi Bên được yêu cầu thông báo cho Bên yêu cầu là không cần phải quản lý người bị chuyển giao nữa, thì người đó sẽ được tự do.
4. Người được chuyển giao theo quy định của Điều này sẽ được trao trả cho Bên được yêu cầu theo cách thức hai bên đã thỏa thuận vào thời điểm sớm nhất có thể được, ngay sau khi đã cung cấp chứng cứ hoặc vào thời điểm sớm hơn nếu sự có mặt của người đó là không cần thiết nữa.
5. Thời gian mà người đó được chuyển giao bị quản lý trên lãnh thổ của Bên yêu cầu được tính vào thời gian chấp hành hình phạt của người đó trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu.
Điều 12. Sự có mặt của người cung cấp chứng cứ hoặc giúp đỡ việc điều tra
1. Theo đề nghị của Bên yêu cầu, Bên được yêu cầu có thể chuyển giao một người (không phải là người nói tại Điều 11) đến lãnh thổ của Bên yêu cầu để cung cấp chứng cứ hay giúp đỡ về một vấn đề hình sự tại lãnh thổ của Bên yêu cầu.
2. Bên được yêu cầu, nếu thỏa mãn với các biện pháp mà Bên yêu cầu sẽ áp dụng nhằm bảo đảm an toàn cho người được chuyển giao, sẽ đề nghị người đó cung cấp chứng cứ hoặc giúp đỡ trên lãnh thổ của Bên yêu cầu. Người đó sẽ được thông báo về số tiền trợ cấp hoặc chi phí được hưởng. Bên được yêu cầu thông báo ngày về ý kiến của người đó cho Bên yêu cầu và nếu người đó chấp thuận thì tiến hành các bước cần thiết để thực hiện yêu cầu tương trợ.
Điều 13. Bảo đảm an toàn
1. Theo khoản 2 Điều này, người có mặt trên lãnh thổ của Bên yêu cầu theo Điều 11 hoặc Điều 12, trong thời gian lưu lại trên lãnh thổ của Bên yêu cầu để thực hiện yêu cầu, thì:
a) Người đó sẽ không bị giam giữ, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị áp dụng hình phạt trên lãnh thổ của Bên yêu cầu, không phải tham gia bất kỳ vụ kiện dân sự nào về hành vi mà mình đã thực hiện trước khi đến lãnh thổ của Bên yêu cầu và hành vi đó không bị coi là liên quan đến vấn đề dân sự trên lãnh thổ của Bên được yêu cầu.
b) Nếu người đó không đồng ý thì sẽ không phải cung cấp chứng cứ theo bất kỳ thủ tục tố tụng hình sự nào và không phải giúp đỡ bất kỳ việc điều tra hình sự nào ngoài phạm vi vấn đề hình sự đã nêu trong yêu cầu tương trợ.
2. Khoản 1 Điều này không áp dụng nếu người đó đã được tự do rời khỏi lãnh thổ của Bên yêu cầu, nhưng đã không rời khỏi trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi được thông báo chính thức là sự có mặt của người đó là không còn cần thiết nữa hoặc đã rời khỏi nhưng quay trở lại.
3. Người không đồng ý cung cấp chứng cứ theo Điều 11 hoặc Điều 12 không phải vì thế mà phải chịu bất kỳ hình phạt hay biện pháp cưỡng chế nào do Tòa án của Bên yêu cầu hay Bên được yêu cầu áp dụng.
4. Người đồng ý cung cấp chứng cứ theo Điều 11 hoặc Điều 12 sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự căn cứ vào lời khai của học, trừ việc khai báo gian dối hoặc xúc phạm Tòa án.
1. Bên được yêu cầu sẽ cung cấp các bản sao tài liệu và hồ sơ công khai để công chứng có thể tiếp cận.
2. Bên được yêu cầu có thể cung cấp bản sao của bất kỳ tài liệu, hồ sơ hoặc thông tin với cùng cách thức và điều kiện như đối với trường hợp cung cấp cho các cơ quan hành pháp và tư pháp nước mình.
Điều 15. Khám xét và thu giữ
1. Bên được yêu cầu, trong phạm vi pháp luật nước mình, thực hiện yêu cầu tương trợ đối với các vấn đề về hình sự trên lãnh thổ của Bên yêu cầu liên quan đến việc khám xét, thu giữ và chuyển giao các đồ vật cho Bên đó.
2. Bên được yêu cầu sẽ cung cấp những thông tin liên quan đến kết quả khám xét, địa điểm và hoàn cảnh thu giữ cũng như việc quản lý các đồ vật đã thu giữ mà Bên yêu cầu có thể yêu cầu.
3. Bên yêu cầu tuân thủ mọi điều kiện do Bên được yêu cầu đặt ra liên quan đến các đồ vật đã được thu giữ và giao cho Bên yêu cầu.
Điều 16. Tài sản do phạm tội mà có
1. Trong Hiệp định này, “tài sản do phạm tội mà có” là những tài sản bị nghi vấn hoặc được Tòa án xác định có nguồn gốc trực tiếp hay gián tiếp do kết quả của việc phạm tội hoặc thể hiện gía trị tài sản và lợi ích khác có nguồn gốc từ việc phạm tội bao gồm cả tài sản đã được sử dụng để phạm tội hoặc giúp cho việc phạm tội.
2. Bên được yêu cầu, theo yêu cầu, cố gắng xác định xem có tài sản do phạm tội mà có trong phạm vi thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự của mình hay không và thông báo cho Bên yêu cầu kết quả điều tra của mình.
3. Trong trường hợp tìm thấy tài sản nghi là do phạm tội mà có theo khoản 2 Điều này, thì Bên được yêu cầu áp dụng các biện pháp mà pháp luật nước mình cho phép để quản lý hoặc tịch thu tài sản đó.
4. Khi áp dụng Điều này, các quyền chính đáng của bên thứ ba có liên quan sẽ được tôn trọng theo pháp luật của Bên được yêu cầu.
5. Bên được yêu cầu giữ lại tài sản do phạm tội mà có đã bị tịch thu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong từng trường hợp cụ thể.
Điều 17. Chứng nhận và chứng thực
1. Trừ khoản 2 Điều này, văn bản yêu cầu tương trợ, các tài liệu bổ trợ và các giấy tờ hoặc đồ vật được cung cấp theo yêu cầu tương trợ không đòi hỏi bất kỳ hình thức chứng nhận hay chứng thực nào.
2. Trong trường hợp cụ thể khi Bên được yêu cầu hoặc Bên yêu cầu đòi hỏi các giấy tờ hoặc đồ vật phải được chứng thực, thì giấy tờ, đồ vật đó phải được chứng thực đầy đủ theo cách thức quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Giấy tờ hoặc đồ vật được xác định là đã chứng thực theo Hiệp định này nếu giấy tờ hoặc đồ vật được người hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật của Bên gửi ký hoặc đóng dấu chính thức của cơ quan đó.
Điều 18. Các thỏa thuận phụ trợ
Cơ quan trung ương của mỗi Bên có thể có các thỏa thuận phụ trợ phù hợp với mục đích của Hiệp định này và pháp luật của cả hai Bên.
Điều 19. Đại diện và chi phí
1. Trừ trường hợp Hiệp định này quy định khác, Bên được yêu cầu tiến hành mọi việc cần thiết cho Bên yêu cầu có mặt trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng hình sự phát sinh ngoài yêu cầu tương trợ, và nếu Bên yêu cầu không thể có mặt, thì Bên được yêu cầu sẽ đại diện cho quyền lợi của Bên yêu cầu.
2. Bên được yêu cầu phải chịu chi phí thực hiện yêu cầu tương trợ, trừ chi phí dưới đây do Bên yêu cầu chịu:
a) Các chi phí gắn với việc chuyên chở người đến hoặc đi từ lãnh thổ của Bên được yêu cầu và chi phí về chỗ ở của người đó cũng như các khoản thù lao và chi phí phải trả cho họ trong thời gian có mặt trên lãnh thổ của Bên yêu cầu tương trợ nói tại Điều 9, Điều 11 hoặc Điều 12;
b) Các chi phí gắn với việc chuyên chở các nhân viên dẫn giải hoặc hộ tống;
c) Lệ phí và chi phí chuyên gia, dịch tài liệu;
d) Khi Bên được yêu cầu đề nghị, các chi phí bất thường phát sinh trong quá trình thực hiện yêu cầu tương trợ.
Điều 20. Tham vấn và giải quyết tranh chấp
Hai Bên sẽ tiến hành tham vấn ngay, theo yêu cầu của bất kỳ Bên nào, về những vấn đề chung hoặc từng vấn đề cụ thể liên quan đến việc giải thích, áp dụng hay thực hiện Hiệp định này.
Điều 21. Hiệu lực và hủy bỏ hiệp định
1. Hiệp định này có hiệu lực vào thời điểm trao đổi văn kiện phê chuẩn.
2. Hiệp định này có thể được áp dụng đối với yêu cầu tương trợ về hành vi liên quan xảy ra trước ngày Hiệp định này có hiệu lực.
3. Mỗi Bên có thể chấm dứt Hiệp định này vào bất kỳ thời điểm nào bằng việc gửi văn bản thông báo cho nhau và Hiệp định sẽ hết hiệu lực sau sáu (6) tháng kể từ ngày nhận được thông báo đó. Khi thông báo về việc chấm dứt Hiệp định này đã được gửi, thì các yêu cầu tương trợ nhận được trước khi Hiệp định hết hiệu lực vẫn được tiếp tục thực hiện trong trường hợp Hiệp định này vẫn còn hiệu lực, trừ khi Bên yêu cầu rút yêu cầu tương trợ.
Để làm bằng, những người ký tên dưới đây được Nhà nước của mình uỷ quyền đầy đủ, đã ký Hiệp định này.
Làm tại Seoul ngày 15 tháng 9 năm 2003 thành hai bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Hàn Quốc và tiếng Anh, các văn bản có giá trị như nhau. Trong trường hợp nảy sinh bất đồng trong việc giải thích Hiệp định này, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm cơ sở./.
THAY MẶT CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM | THAY MẶT ĐẠI HÀN DÂN QUỐC |
Hiệp định số 45/2005/LPQT về Hình sự giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Đại Hàn Dân quốc
- Số hiệu: 45/2005/LPQT
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 15/09/2003
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 29 đến số 30
- Ngày hiệu lực: 19/04/2005
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực