Hệ thống pháp luật

Chương 12 Hiến Chương Liên hợp quốc 1945

Chương XII:

CHẾ ĐỘ QUẢN THÁC QUỐC TẾ

Điều 75: Liên hợp quốc thiết lập một chế độ quản thác quốc tế dưới sự chỉ đạo của mình để quản lý các lãnh thổ sẽ có thể được đặt dưới chế độ ấy, theo những điều ước riêng sẽ ký kết sau và tiến hành việc kiểm soát các lãnh thổ ấy. Những lãnh thổ ấy gọi là những “lãnh thổ quản thác”.

Điều 76: Theo đúng những mục đích của Liên hợp quốc ghi ở Điều 1 Hiến chương này, những mục tiêu chủ yếu của chế độ quản thác là:

a. Củng cố hoà bình và an ninh quốc tế.

b. Giúp đỡ nhân dân các lãnh thổ quản thác tiến bộ về chính trị, kinh tế, xã hội và phát triển giáo dục cũng giúp đỡ họ tiến hóa dần dần đến chỗ có đủ khả năng tự trị hoặc độc lập, trong việc giúp đỡ này phải chú ý đến những điều kiện riêng biệt của từng lãnh thổ và của dân cư của những lãnh thổ ấy, chú ý đến những nguyện vọng do nhân dân các lãnh thổ hữu quan tự do bày tỏ và chú ý đến những điều khoản có thể định trong mỗi điều ước quản thác.

c. Khuyến khích sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do cơ bản cho mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hay tôn giáo và khuyến khích mọi người công nhận mối tương quan giữa các dân tộc trên thế giới.

d. Đảm bảo sự đối xử bình đẳng trong lĩnh vực xã hội, kinh tế và thương mại đối với các thành viên Liên hợp quốc và công dân của họ; cũng như đảm bảo cho nhân dân các quốc gia thành viên ấy sự đối xử bình đẳng trước Toà án mà không phương hại đến việc thực hiện những nhiệm vụ nói trên trong điều kiện phải tuân theo những quy định của Điều 80.

Điều 77:

1. Chế độ quản thác sẽ được áp dụng cho những lãnh thổ thuộc các loại sau đây và cho những lãnh thổ sẽ được đặt dưới chế độ ấy theo những điều ước quản thác:

a. Những lãnh thổ hiện đặt dưới chế độ Ủy trị.

b. Những lãnh thổ có thể được tách ra khỏi những quốc gia thù địch do hậu quả chiến tranh thế giới lần thứ hai.

c. Những lãnh thổ mà những quốc gia chịu trách nhiệm quản lý tự nguyện đặt dưới chế độ quản thác.

2. Một điều ước sau này sẽ xác định những lãnh thổ nào được liệt vào các loại kể trên sẽ đặt dưới chế độ quản thác và với những điều kiện gì.

Điều 78: Chế độ quản thác sẽ không áp dụng cho những quốc gia trở thành thành viên Liên hợp quốc, nhưng mọi quan hệ giữa các quốc gia là thành viên Liên hợp quốc này phải được xây dựng trên sự tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền.

Điều 79: Những điều khoản của chế độ quản thác về từng lãnh thổ đặt dưới chế độ này, cũng như những sự sửa đổi và tu chỉnh có thể có về những điều khoản ấy là đối tượng của điều ước ký kết giữa các quốc gia trực tiếp có liên quan, kể cả quốc gia được ủy trị trong trường hợp những lãnh thổ đặt dưới sự ủy trị của một hộ viên Liên hợp quốc và những điều khoản ấy được chuẩn y theo đúng các điều 83 và 85.

Điều 80:

1. Trừ những điều có thể thoả thuận trong các điều ước riêng về việc quản thác ký kết theo những Điều 77, 79, 81 và đặt mối lãnh thổ dưới chế độ quản thác và cho đến khi các điều ước ấy được ký kết không một điều khoản nào của Chương này sẽ được giải thích là sửa đổi trực tiếp hay gián tiếp bất cứ bằng cách nào, những pháp quyền nào đó của một quốc gia nào hoặc một dân tộc nào, hay là sửa đổi những quy định của các điều ước quốc tế hiện hành, mà các thành viên Liên hợp quốc có thể là những bên ký kết.

2. Đoạn 1 của Điều này không được giải thích là một lý do cho việc chậm trễ hay trì hoãn việc đàm phán và ký kết những điều ước nhằm đặt dưới chế độ quản thác những lãnh thổ được ủy trị hay các lãnh thổ khác, như Điều 77 đã quy định.

Điều 81: Trong những trường hợp điều ước quản thác gồm những điều kiện quản trị lãnh thổ quản thác và chỉ định nhà đương cục quản trị lãnh thổ quản thác. Nhà đương cục ấy, dưới đây gọi là “Nhà đương cục phụ trách quản trị” có thể là một hay nhiều quốc gia hoặc chính là Liên hợp quốc.

Điều 82: Một điều ước quản thác có thể chỉ định một hay nhiều khu vực chiến lược, bao gồm toàn bộ hay một phần lãnh thổ quản thác mà điều ước đó áp dụng, điều ước này không phương hại đến bất cứ một hay nhiều những điều ước đặc biệt nào ký kết theo Điều 43.

Điều 83:

1. Tất cả những chức năng của Liên hợp quốc đối với những khu vực chiến lược kể cả việc chuẩn y những điều khoản của điều ước quản thác và những thay đổi hoặc sửa đổi điều ước đều do Hội đồng bảo an đảm nhiệm.

2. Nhữg mục tiêu cơ bản nêu ở Điều 76 có giá trị đối với nhân dân mỗi khu vực chiến lược.

3. Khi chấp hành các điều khoản của điều ước quản thác và nếu không phương hại đến yêu cầu về an ninh, Hội đồng bảo an sử dụng sự giúp đỡ của Hội đồng quản thác để hoàn thành những chức năng của Liên hợp quốc trong phạm vi chế độ bảo trọng các vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội, cũng như các vấn đề giáo dục trong khu vực chiến lược.

Điều 84: Nhà đương cục phụ trách quản trị có bổn phận làm cho lãnh thổ quản thác góp phần vào việc giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. Để đạt được mục đích này, nhà đương cục quản trị có thể sử dụng những quân đội tình nguyện, phương tiện phục vụ và sự giúp đỡ của lãnh thổ quản thác để làm tròn những nhiệm vụ mà họ đã cam kết với Hội đồng bảo an cũng như để đảm bảo việc phòng thủ địa phương và duy trì pháp luật và trật tự trong lãnh thổ quản thác.

Điều 85:

1. Chức năng của Liên hợp quốc đối với những điều ước quản thác tất cả các khu vực không được coi là khu vực chiến lược, kể cả việc phê chuẩn, việc sửa đổi và thay đổi những điều khoản của các điều ước quản thác, đều do Đại hội đồng phụ trách.

2. Hội đồng quản thác hoạt động dưới quyền của Đại hội đồng, giúp đỡ Đại hội đồng trong việc làm tròn các nhiệm vụ nói trên.

Hiến Chương Liên hợp quốc 1945

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 26/06/1945
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/10/1945
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH