BỘ TÀI NGUYÊN VÀ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2016/TT-BTNMT | Hà Nội, ngày tháng năm 2016 |
DỰ THẢO |
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ LÒNG, BỜ, BÃI SÔNG
Căn cứ Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tài nguyên nước;
Căn cứ Nghị định số 21/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước và Vụ trưởng Vụ Pháp chế;
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông,
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định việc bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy được quy định tại Điều 30 và việc phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông được quy định tại Điều 63 của Luật tài nguyên nước số 17/2012/QH13.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở trung ương và địa phương.
2. Tổ chức, cá nhân là chủ dự án có một trong các hoạt động sau đây:
a) Khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ;
b) Nạo vét, cải tạo, mở mới, nâng cấp luồng, lạch, tuyến giao thông thủy;
c) Kè bờ, chỉnh trị sông; cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông;
d) Xây dựng cầu, bến tàu, các công trình ngăn, vượt sông; đặt đường ống, dây cáp bắc qua sông; nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên sông.
Điều 3. Yêu cầu chung đối với việc bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy và phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông
1. Không làm tăng, giảm đột ngột vận tốc dòng chảy, chênh lệch mực nước quá lớn trước và sau công trình gây ngập úng bãi, đất ven sông; làm giảm khả năng thoát lũ, sạt lở, lòng, bờ, bãi sông.
2. Không gây bồi lắng, xói lở lòng sông quá mức, ảnh hưởng đến dòng chảy cạn thường xuyên trong năm; đổi hướng dòng chảy chủ lưu gây mất ổn định bờ, bãi sông và ảnh hưởng đến chức năng nguồn nước, chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước.
3. Hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan, hệ sinh thái và các hoạt động khác trên sông, ven bờ gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng nguồn nước và có giải pháp để khắc phục ô nhiễm, sự cố ô nhiễm.
4. Bảo đảm tính hệ thống của dòng sông; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; quy hoạch sử dụng đất; quy hoạch khoáng sản tại khu vực khai thác; quy hoạch tài nguyên nước và các quy hoạch có liên quan.
Chương II:
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
MỤC 1. BẢO VỆ LÒNG BỜ, BÃI SÔNG ĐỐI VỚI KHAI THÁC CÁT SỎI, KHOÁNG SẢN KHÁC TRÊN SÔNG, HỒ
Điều 4. Khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông
Việc khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông thực hiện theo quy định của pháp luật về khoáng sản và các quy định sau đây:
1. Căn cứ khoanh định:
a) Đối với khu vực cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, gồm:
- Khu vực đang bị sạt, lở gây ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, an toàn của bờ sông; đe dọa hoặc làm suy giảm chức năng của hành lang bảo vệ nguồn nước;
- Khu vực bị sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hại trực tiếp đến hành lang bảo vệ các công trình giao thông, đê điều, thủy lợi, hệ thống cấp nước, thoát nước, trạm quan trắc và các công trình hạ tầng quan trọng khác;
- Khu vực đang bị sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến khu đô thị, khu dân cư tập trung, các công trình dân sinh;
- Khu vực có điều kiện địa hình địa chất không ổn định;
- Các khu vực khác do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định;
b) Khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, gồm: khu vực đã xảy ra hoặc có nguy cơ sạt, lở nhưng chưa xác định được nguyên nhân; khu vực có yêu cầu về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; khi xuất hiện hiện tượng sạt, lở hoặc có nguy cơ bị sạt lở lòng, bờ bãi sông, các hoạt động khai thác cát sỏi bị tạm thời cấm đến khi Sở Tài nguyên và Môi trường xác định rõ nguyên nhân gây sạt lở, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quyết định thời hạn tạm thời cấm.
2. Điều tra, xác định các khu vực cần cấm hoặc tạm thời cấm khai thác cát sỏi và các khoáng sản khác trên sông:
a) Căn cứ vào các quy định tại Khoản 1 Điều này, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức điều tra, thống kê, xác định danh sách các đoạn sông đã, đang hoặc có nguy cơ bị sạt, lở bờ, bãi sông, xác định và đánh giá nguyên nhân và mức độ sạt, lở; đề xuất danh mục khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông.
b) Nội dung đề xuất danh mục khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông bao gồm: phạm vi, địa giới hành chính, tọa độ điểm đầu, điểm cuối của dòng sông, đoạn sông phải khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông; loại khoáng sản cấm hoặc tạm thời cấm khai thác; thời gian tạm thời cấm khai thác.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Dự thảo Danh mục để lấy ý kiến các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Sở Công thương và các Sở, ngành khác liên quan trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trường hợp đối với dòng sông, đoạn sông liên tỉnh thì còn phải lấy kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương liên quan trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Công bố khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông:
Trong thời hạn không quá ba mươi (30) ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức công bố khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo tới Ủy ban nhân dân cấp huyện và niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi có khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông.
4. Việc khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông phải hoàn thành trong thời hạn không quá năm (05) năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.
Định kỳ hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản trên sông, xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Điều 5. Khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông
1. Dự án có hoạt động khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông phải không thuộc khu vực cấm hoặc khu vực tạm thời cấm khai thác cát sỏi quy định tại Điều 4 phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại
a) Đối với hoạt động khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác ở khu vực lòng sông:
- Độ sâu của tuyến khai thác không được vượt quá độ sâu trung bình của đáy sông hiện tại trên toàn tuyến;
- Bề rộng của tuyến khai thác phải cách mép bờ ít nhất 20m hoặc bề rộng của tuyến khai thác phải nhỏ hơn bề rộng lòng sông (ứng với mực nước trung bình tháng kiệt nhất) lùi 10 m về mỗi phía bờ sông;
Đối với đoạn sông bị bồi, lắng thường xuyên, hoặc có yêu cầu khác thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cụ thể độ sâu, bề rộng của tuyến khai thác lớn hơn và phải gắn với yêu cầu nạo vét, khơi thông dòng chảy.
b) Đối với khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác tại khu vực bãi ngập giữa sông (bãi nổi, cù lao, bãi bán ngập) phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Điều 3 và các yêu cầu sau đây:
- Việc khai thác cát sỏi và khoáng sản khác phải gắn với yêu cầu bảo đảm hành lang thoát lũ của sông;
- Độ sâu khu vực khai thác không vượt quá mực nước trung bình mùa cạn;
- Sau khi khai thác, phải cải tạo đảm bảo cảnh quan khu vực khai thác;
- Trong trường hợp bãi nổi bán ngập, mới hình thành thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định cụ thể phạm vi khai thác và phải gắn với yêu cầu nạo vét, khơi thông dòng chảy.
2. Chủ dự án hoạt động khai thác cát sỏi và các khoáng sản khác trên sông phải tổ chức điều tra, đánh giá để thuyết minh làm rõ việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 1 của Điều này, đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, chấp thuận trước khi phê duyệt dự án hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hồ sơ gửi chấp thuận bao gồm:
a) Văn bản đề nghị chấp thuận, trong đó bao gồm: tên dự án, phạm vi, vị trí, quy mô, mục đích, thời gian thực hiện kèm theo cam kết về bảo vệ lòng bờ, bãi sông;
b) Báo cáo đánh giá tác động đến dòng chảy, ảnh hưởng đến lòng bờ, bãi sông;
c) Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt khu vực dự án và các bản vẽ thiết kế kèm theo.
4. Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, thẩm tra và chấp thuận bằng văn bản. Trường hợp không được chấp thuận thì phải có văn bản và nêu rõ lý do.
5. Nội dung văn bản chấp thuận phải nêu rõ phạm vi, quy mô, thời gian thực hiện; các biện pháp cụ thể để phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông và các yêu cầu khác trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Điều 6. Khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trong lòng hồ
1. Dự án có hoạt động khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác tại khu vực lòng hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải đáp ứng các yêu cầu tại Điều 3 và các yêu cầu sau đây:
a) Phải tuân thủ quy định về an toàn hồ chứa, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đập, bờ hồ và các hạng mục công trình gắn liền với hồ chứa;
b) Chỉ được khai thác phần vật liệu bồi lắng và phải gắn liền với kế hoạch nạo vét, phòng chống, bồi lắng lòng hồ;
c) Không làm ảnh hưởng đến chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của hồ chứa đã được cấp cơ thẩm quyền phê duyệt;
d) Không ảnh hưởng đến các hoạt động khai thác, sử dụng và cấp nước của hồ.
2. Chủ dự án hoạt động khai thác cát sỏi trong phạm vi lòng hồ chứa thủy điện, thủy lợi phải tổ chức điều tra, đánh giá để thuyết minh làm rõ việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 1 của Điều này, đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động, lấy ý kiến của chủ quản lý hồ chứa, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, chấp thuận trước khi phê duyệt dự án hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hồ sơ gửi chấp thuận, thời gian và nội dung chấp thuận thực hiện theo quy định tại các Khoản 3, 4 và
MỤC 2. BẢO VỆ LÒNG BỜ, BÃI SÔNG ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG KHÁC TRÊN SÔNG
Điều 7. Nạo vét, cải tạo, mở mới, nâng cấp luồng, lạch, tuyến giao thông thủy
1. Dự án có hoạt động nạo vét, cải tạo, mở mới, nâng cấp luồng, lạch, tuyến giao thông thủy phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, nạo vét, cải tạo tuyến, luồng giao thông thủy; chỉ thực hiện hoạt động này trong phạm vi tuyến giao thông thủy và hành lang đã được cấp có có thẩm quyền quy định;
b) Bảo đảm nạo vét trong phạm vi luồng, lạch của hành lang bảo vệ tuyến giao thông thủy đã được quy định cho từng sông, suối, kênh, rạch;
c) Độ sâu nạo vét phù hợp với độ sâu của các cấp luồng, lạch, tuyến giao thông theo quy định của pháp luật về giao thông thủy;
d) Tuân thủ các quy định về an toàn công trình hạ tầng trên tuyến nạo vét.
đ) Trường hợp nạo vét sát bờ gây sạt lở, thì phải điều chỉnh tuyến;
e) Trường hợp nạo vét luồng lạch, mở tuyến có tận thu cát, sỏi ngoài việc tuân thủ theo quy định của Thông tư này còn phải tuân theo quy định của pháp luật về khoáng sản.
2. Chủ dự án phải tổ chức điều tra, đánh giá để thuyết minh làm rõ việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 1 của Điều này, đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, chấp thuận trước khi phê duyệt dự án hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hồ sơ gửi chấp thuận bao gồm:
a) Văn bản đề nghị chấp thuận, trong đó bao gồm: tên dự án, phạm vi, vị trí, quy mô, mục đích, thời gian thực hiện các hoạt động… kèm theo cam kết về bảo vệ lòng bờ, bãi sông;
b) Báo cáo đánh giá tác động đến dòng chảy, ảnh hưởng đến lòng bờ, bãi sông;
c) Bản đồ vị trí công trình, các bản vẽ thiết kế kèm theo.
4. Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, thẩm tra và chấp thuận bằng văn bản. Trường hợp không được chấp thuận thì phải có văn bản và nêu rõ lý do.
5. Nội dung văn bản chấp thuận phải nêu rõ phạm vi, quy mô, thời gian thực hiện; các biện pháp cụ thể để phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông và các yêu cầu khác trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Điều 8. Hoạt động kè bờ, chỉnh trị sông; cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông
1. Dự án kè bờ, chỉnh trị sông; cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
a) Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Tuân thủ các quy định về hành lang bảo vệ các công trình liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, có giá trị cao về đa dạng sinh học; bảo tồn văn hóa, bảo vệ, phát triển hệ sinh thái tự nhiên; an ninh, quốc phòng, hành lang bảo vệ nguồn nước và công trình hạ tầng khác, trừ trường hợp xử lý khẩn cấp.
c) Trường hợp phải thu hẹp dòng chảy thì phải bảo đảm không làm giảm quá 10% diện tích mặt cắt ướt tương ứng với lũ lịch sử; và phải bảo đảm vận tốc dòng chảy nhỏ hơn vận tốc xói, tạo lòng.
d) Hạn chế xói lở bờ đối diện, tác động xấu đến các công trình ven sông ở hạ lưu.
2. Chủ dự án phải tổ chức điều tra, đánh giá để thuyết minh làm rõ việc đáp ứng các yêu cầu quy định tại Khoản 1 của Điều này, đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động, gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xem xét, chấp thuận trước khi phê duyệt dự án hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Hồ sơ gửi chấp thuận bao gồm:
a) Văn bản đề nghị chấp thuận, trong đó bao gồm: tên dự án, phạm vi, vị trí, quy mô, mục đích, thời gian thực hiện dự án kèm theo cam kết về bảo vệ lòng bờ, bãi sông;
b) Báo cáo đánh giá tác động đến dòng chảy, ảnh hưởng đến lòng bờ, bãi sông. Báo cáo phải làm rõ các tác động của Dự án đến việc bảo đảm khả năng thoát lũ, bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy trên toàn tuyến sông, các vấn đề phát sinh liên quan đến sạt lở bờ sông, biến đổi dòng chảy trên toàn tuyến (nếu có) và giải pháp hạn chế, giảm thiểu tác động.
c) Bản đồ vị trí công trình, các bản vẽ thiết kế kèm theo.
4. Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét, thẩm tra và chấp thuận bằng văn bản. Trường hợp không được chấp thuận thì phải có văn bản và nêu rõ lý do.
5. Nội dung văn bản chấp thuận phải nêu rõ phạm vi, quy mô, thời gian thực hiện; các biện pháp cụ thể để phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông và các yêu cầu khác trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Điều 9. Xây dựng cầu, bến tàu, các công trình ngăn, vượt sông; đặt đường ống, dây cáp bắc qua sông; nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên sông
1. Đối với hoạt động xây dựng cầu, bến tàu, lắp đặt đường ống, dây cáp qua sông và các công trình ngăn, vượt sông khác phải phù hợp với với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật có liên quan và phải bảo bảo không làm cản trở hoạt động của các phương tiện giao thông thủy trên sông, không làm giảm khả năng thoát lũ và phải tính toán, đánh giá tác động xấu đến xói lở bờ sông, bảo đảm sự ổn định của bờ sông trên toàn tuyến hạ lưu công trình.
3. Đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản bằng lồng, bè trên sông phải bảo mặt độ tối đa không vượt quá 0,2 % diện tích mặt nước đối với đoạn sông có vận tác dòng chảy cao; không vượt quá 0,05 % diện tích mặt nước đối với đoạn sông có vận tác dòng chảy thấp và phải bảo đảm khoảng cách giữa các cụm lồng bè phù hợp. Đáy lồng bè phải cách đáy sông tối thiểu 0,5m.
Điều 10. Cơ quan tiếp nhận, chấp thuận hồ sơ
1. Cục Quản lý tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường chấp thuận hồ sơ đề nghị đối với các hoạt động thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các Dự án sau đây:
a) Dự án khai thác cát, sỏi và khoáng sản khác trên sông, hồ liên tỉnh.
b) Dự án nạo vét, cải tạo, mở mới, nâng cấp luồng, lạch, tuyến giao thông thủy thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Bộ Giao thông vận tải và các Dự án khác trên các sông liên tỉnh là ranh giới của hai tỉnh trở lên;
c) Dự án có hoạt động kè bờ, chỉnh trị sông; cải tạo cảnh quan, phát triển các vùng đất ven sông thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng chính phủ, các Bộ ngành và các dự án khác trên các sông liên tỉnh là ranh giới của hai tỉnh trở lên.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận đối với các dự án khác với quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định phê duyệt dự án, hoạt động hoặc cấp phép khai thác khoáng sản.
Chương III:
TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ trên địa bàn tỉnh; chấp thuận đối với các hoạt động trong phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ theo quy định của Thông tư này.
2. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục khu vực cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh.
3. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện cắm biển báo các khu vực đã được khoanh định cấm, tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ.
Điều 12. Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường
1. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện điều tra, đánh giá các đoạn sông bị sạt, lở và các vị trí có nguy cơ sạt, lở; xác định nguyên nhân gây sạt, lở, lập Danh mục các đoạn sông, vị trí hồ sạt lở, có nguy cơ sạt lở và đề xuất các biện pháp để ngăn ngừa, khắc phục.
2. Hằng năm, rà soát các đoạn sông bị sạt, lở bờ, bãi sông, hồ và các vị trí có nguy cơ sạt, lở, kiến nghị cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác.
3. Phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải và Xây dựng thực hiện các giải pháp để bảo đảm duy trì sự lưu thông dòng chảy trên sông; phòng, chống sạt, lở bờ, bãi, sông, hồ hoặc thay đổi nghiêm trọng hình thái lòng sông, chế độ thủy văn, thủy lực của dòng sông, hồ.
4. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ theo thẩm quyền.
5. Tổ chức công bố khu vực đã được khoanh định cấm, tạm thời cấm thăm dò, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông. Hằng năm, lập báo cáo về hiện trạng, tình hình bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ trên địa bàn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 12.
Điều 13. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ
1. Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung về biện pháp phòng, chống sạt, lở khu vực hai bên bờ, bãi sông; xói lở, sụt lún lòng sông; bảo vệ các công trình lân cận; bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy trên sông; bảo vệ hình thái lòng sông, chế độ thủy văn, thủy lực của dòng sông trong quá trình thực hiện các hoạt động, dự án thuộc phạm vi lòng, bờ, bãi sông, hồ.
2. Khi phát hiện sạt, lở hoặc nguy cơ sạt, lở bờ, bãi sông, hồ, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm ngừng ngay các hoạt động và thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã để kịp thời xử lý.
Điều 14. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm 2016.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Thông tư này tại địa phương.
3. Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này trong phạm vi cả nước.
4. Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư này, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân, cơ quan liên quan phản ánh về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Thông báo 6322/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng tại cuộc họp báo cáo đánh giá biến động dòng chảy sông Vu Gia - Thu Bồn và đề xuất giải pháp công trình phù hợp cho khu vực Quảng Huế trong tình hình mới phát sinh trên lưu vực do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Công văn 5465/VPCP-KTN năm 2013 xử lý vấn đề báo chí phản ánh về hệ thống công trình nắn dòng chảy sông Hồng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Công văn 7208/VPCP-KTN năm 2013 về thi công hệ thống công trình nắn dòng chảy sông Hồng thuộc dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (WB6) do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Luật tài nguyên nước 2012
- 2Thông báo 6322/TB-BNN-VP ý kiến kết luận của Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng tại cuộc họp báo cáo đánh giá biến động dòng chảy sông Vu Gia - Thu Bồn và đề xuất giải pháp công trình phù hợp cho khu vực Quảng Huế trong tình hình mới phát sinh trên lưu vực do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Nghị định 21/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường
- 4Công văn 5465/VPCP-KTN năm 2013 xử lý vấn đề báo chí phản ánh về hệ thống công trình nắn dòng chảy sông Hồng do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 7208/VPCP-KTN năm 2013 về thi công hệ thống công trình nắn dòng chảy sông Hồng thuộc dự án phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ (WB6) do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 6Nghị định 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài nguyên nước
Dự thảo Thông tư quy định việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- Số hiệu: Đang cập nhật
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: Đang cập nhật
- Nơi ban hành: Đang cập nhật
- Người ký: Đang cập nhật
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
- Tình trạng hiệu lực: Đang cập nhật