Hệ thống pháp luật

Điều 9 Dự thảo Thông tư quy định về bảo lãnh ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Điều 9. Hoạt động bảo lãnh điện tử

1.Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (sau đây gọi là hoạt động bảo lãnh điện tử).

Việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình bảo lãnh, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:

a) Có giải pháp, công nghệ kỹ thuật đảm bảo tính chính xác, bảo mật, an toàn trong quá trình thu thập, sử dụng, kiểm tra thông tin, dữ liệu;

b)Có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, xác minh thông tin, dữ liệu;có biện pháp ngăn chặn các hành vi giả mạo, can thiệp, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin, dữ liệu;

c) Có biện pháp đánh giá, quản lý, kiểm soát rủi ro; phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong hoạt động bảo lãnh điện tử và trong việc quản lý, giám sát rủi ro.

3. Trường hợp thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử khi khách hàng lần đầu thiết lập mối quan hệ với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ các trường hợp quy định tại điểm b và d khoản 4 Điều này), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải có giải pháp, công nghệ kỹ thuật để thu thập, kiểm tra và đối chiếu thông tin, đảm bảo tối thiểu các yêu cầu sau:

a) Đối với khách hàng là cá nhân: Đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng, dữ liệu sinh trắc học của khách hàng(là các yếu tố, đặc điểm sinh học gắn liền với khách hàng thực hiện định danh, khó làm giả, có tỷ lệ trùng nhau thấp như vân tay, khuôn mặt, mống mắt, giọng nói và các yếu tố sinh trắc học khác)với các thông tin, yếu tố sinh trắc học tương ứng trên giấy tờ cần thiết nhằm nhận biết khách hàng theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, theo yêu cầu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc với dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử;

b) Đối với khách hàng là tổ chức:

(i) Thông tin về tổ chức: Đảm bảo sự khớp đúng giữa thông tin nhận biết khách hàng tổ chức theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền và tình trạng pháp lý của tổ chức (được thành lập hợp pháp, đang còn hoạt động theo quy định của pháp luật) với thông tin, dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc với thông tin, dữ liệu được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử;

(ii) Thông tin về cá nhân đại diện hợp pháp của tổ chức thực hiện giao dịch: Thực hiện nhận biết và xác minh thông tin của cá nhân thực hiện giao dịch theo quy định về nhận biết và xác minh khách hàng cá nhân tại điểm a Khoản này đảm bảo khớp đúng với thông tin người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của tổ chức căn cứ giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và văn bản ủy quyền (trong trường hợp được ủy quyền).

4. Trường hợp thực hiện nhận biết và xác minh thông tin nhận biết khách hàng qua phương tiện điện tử thì giá trị của mỗi cam kết bảo lãnh phát hành cho khách hàng cá nhân không được vượt quá 4.000.000.000 (bốn tỷ) đồng Việt Nam và cho khách hàng tổ chức không được vượt quá 45.000.000.000 (bốn mươi lăm tỷ) đồng Việt Nam, trừ các trường hợp sau:

a) Thông tin nhận biết khách hàng được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được xác thực điện tử thông qua tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử;

b) Khách hàng gửi đề nghị cấp bảo lãnh bằng điện xác thực thông qua hệ thống SWIFT;

c) Thông tin khách hàng và nghĩa vụ được bảo lãnh được đối chiếu khớp đúng thông qua Cổng thanh toán điện tử hải quan hoặc hệ thống mạng đấu thầu quốc gia;

d) Khách hàng sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật khi đề nghị cấp bảo lãnh hoặc ký thỏa thuận cấp bảo lãnh với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

đ) Khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

5. Hệ thống thông tin thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải tuân thủ theo quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên theo quy định của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ và quy định của Ngân hàng Nhà nước về an toàn hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng.

6. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu bảo lãnh điện tử theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn, bảo mật và được sao lưu dự phòng đảm bảo tính đầy đủ, toàn vẹn của hồ sơ cho phép truy cập, sử dụng khi cần thiết hoặc để phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu, giải quyết tra soát, khiếu nại, tranh chấp và cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Dự thảo Thông tư quy định về bảo lãnh ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: Đang cập nhật
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: Đang cập nhật
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đang cập nhật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH