Hệ thống pháp luật

Chương 3 Dự thảo nghị định về phát triển và quản lý chợ

Chương III

TỔ CHỨC QUẢN LÝ CHỢ VÀ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH TẠI CHỢ

Điều 8. Tổ chức quản lý chợ

Tổ chức quản lý chợ bao gồm: chủ đầu tư xây dựng chợ; doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ; tổ chức được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15 Nghị định này; tổ chức thực hiện việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Nghị định này.

Điều 9. Quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức quản lý chợ

1. Tổ chức, triển khai việc quản lý chợ và các dịch vụ phục vụ hoạt động của chợ theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

2. Thực hiện cải tạo, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng chợ theo quy định; đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm và đo lường trong phạm vi chợ, các khu vực kinh doanh.

3. Xây dựng Nội quy chợ theo quy định tại Điều 10 Nghị định này, tổ chức điều hành chợ hoạt động theo Nội quy chợ và xử lý các hành vi vi phạm Nội quy chợ theo thẩm quyền.

4. Ký và thực hiện hợp đồng với các thương nhân về việc thuê, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

5. Phổ biến, thông tin về chính sách, pháp luật có liên quan cho thương nhân kinh doanh tại chợ.

6. Phối hợp với cơ quan có chức năng trong việc thực hiện các quy định về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

7. Tổng hợp, báo cáo tình hình hoạt động của chợ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

8. Duy trì hoạt động chợ nhằm bảo đảm hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa trong điều kiện bình thường cũng như theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết.

9. Ngoài các nghĩa vụ nêu trên, tổ chức quản lý chợ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 15, Điều 24, Điều 25 Nghị định này có trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Nội quy chợ

1. Nội quy chợ phải có những nội dung chính sau đây:

a) Thời gian mở cửa;

b) Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ;

c) Quy định về hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại chợ;

d) Quy định về người đến giao dịch, mua bán, tham quan, thi hành công vụ tại chợ;

đ) Quy định đối với cán bộ, nhân viên quản lý chợ;

e) An toàn phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai;

g) An ninh, trật tự tại chợ;

h) Vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm;

i) Chợ văn minh thương mại, quy tắc ứng xử;

k) Yêu cầu về tổ chức, tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội tại chợ;

l) Quy định về xử lý các hành vi vi phạm tại chợ;

m) Các quy định khác.

2. Nội quy chợ phải được niêm yết công khai, rõ ràng, ở nơi dễ nhìn, dễ quan sát trong chợ và phải được phổ biến đến thương nhân kinh doanh tại chợ.

3. Tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong chợ và các tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành quy định của pháp luật và Nội quy chợ.

4. Các hành vi vi phạm Nội quy chợ do tổ chức quản lý chợ xử lý theo thẩm quyền.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Nội quy mẫu để thống nhất việc xây dựng nội quy chợ và áp dụng cho tất cả các chợ trên địa bàn.

Điều 11. Quản lý điểm kinh doanh tại chợ

1. Tổ chức quản lý chợ có trách nhiệm:

a) Lập phương án khai thác, bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ và thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền;

b) Ký hợp đồng với thương nhân thuê địa điểm kinh doanh theo phương án khai thác, bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ theo quy định của pháp luật;

c) Thực hiện bố trí, sắp xếp thương nhân sử dụng điểm kinh doanh theo phương án khai thác, bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ.

2. Thời hạn thuê điểm kinh doanh tại chợ do các bên tự thỏa thuận trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Thời hạn thuê điểm kinh doanh tại chợ phải được thể hiện trong hợp đồng ký giữa tổ chức quản lý chợ và thương nhân kinh doanh tại chợ.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn, quy định về việc quản lý điểm kinh doanh tại chợ theo quy định tại Điều này bảo đảm an sinh xã hội, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ

1. Quyền của thương nhân kinh doanh tại chợ:

a) Thương nhân có hợp đồng sử dụng hoặc hợp đồng thuê điểm kinh doanh tại chợ được quyền hoạt động kinh doanh theo hợp đồng đã ký;

b) Thương nhân được sang nhượng điểm kinh doanh hoặc cho thương nhân khác thuê lại điểm kinh doanh đang còn trong thời hạn hợp đồng khi được tổ chức quản lý chợ chấp thuận bằng văn bản;

c) Những người kinh doanh không thường xuyên được bố trí bán hàng trong chợ ở khu vực riêng và phải chấp hành Nội quy chợ.

2. Nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ:

a) Thương nhân kinh doanh tại chợ phải thực hiện theo phương án bố trí, sắp xếp khu vực kinh doanh của tổ chức quản lý chợ;

b) Thương nhân kinh doanh tại chợ ngoài việc chấp hành các quy định của pháp luật, phải thực hiện Nội quy chợ và chịu sự quản lý của tổ chức quản lý chợ;

c) Hàng hóa, dịch vụ của thương nhân kinh doanh tại chợ không thuộc trường hợp pháp luật cấm kinh doanh và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện;

d) Ngành nghề kinh doanh của thương nhân kinh doanh tại chợ không thuộc ngành, nghề pháp luật cấm đầu tư kinh doanh và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Dự thảo nghị định về phát triển và quản lý chợ

  • Số hiệu: Đang cập nhật
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: Đang cập nhật
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Đang cập nhật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH