| CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2017/NĐ-CP | Hà Nội, ngày tháng năm 2016 |
DỰ THẢO LẦN 2 |
|
NGHỊ ĐỊNH
VỀ KHAI THÁC VÀ KINH DOANH KHOÁNG SẢN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động số 84/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;
Chính phủ ban hành Nghị định về khai thác và kinh doanh khoáng sản.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này điều chỉnh về khai thác, chế biến, lưu giữ, vận chuyển và kinh doanh đối với các loại khoáng sản, trừ dầu khí và khoáng sản vật liệu xây dựng.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, chế biến, lưu giữ, vận chuyển, kinh doanh khoáng sản và cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Khoáng sản nguyên khai là khoáng sản đã khai thác từ mỏ, tận thu từ bãi thải mỏ nhưng chưa qua chế biến.
2. Chế biến khoáng sản là các hoạt động phân loại, làm giàu, gia công khoáng sản thành sản phẩm khoáng sản sơ chế và khoáng sản chế biến sâu đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng và yêu cầu thị trường.
3. Lưu giữ khoáng sản là hoạt động tập kết, bảo quản tạm thời, bảo quản cố định tại kho, bãi ở nơi sản xuất và trong quá trình lưu thông.
4. Kinh doanh khoáng sản là hoạt động thương mại về khoáng sản, bao gồm các hoạt động mua, bán trên thị trường trong nước, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập-tái xuất, chuyển khẩu, dịch vụ quá cảnh, thực hiện hợp đồng gia công sản phẩm khoáng sản cho thương nhân nước ngoài hoặc đặt gia công khoáng sản tại nước ngoài.
Điều 4. Quy định chung
1. Khoáng sản được khai thác, chế biến, lưu giữ, vận chuyển, kinh doanh và sử dụng phải có nguồn gốc hợp pháp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Khoáng sản có nguồn gốc hợp pháp phải có đủ hồ sơ hợp lệ thuộc một trong các loại sau:
a) Khoáng sản khai thác trong phạm vi ranh giới theo giấy phép của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của Luật Khoáng sản;
b) Khoáng sản nhập khẩu;
c) Khoáng sản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tịch thu, phát mại;
d) Được chế biến từ khoáng sản nêu tại điểm a, b, c khoản này.
Bộ Công Thương quy định cụ thể hồ sơ hợp lệ quy định tại khoản này.
3. Đối với nhóm khoáng sản độc hại, phóng xạ ngoài việc thực hiện theo quy định tại Nghị định này phải thực hiện theo quy định khác của pháp luật hiện hành.
Chương II
DỰ ÁN ĐẦU TƯ KHAI THÁC, CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN
Điều 5. Điều kiện đối với dự án khai thác, chế biến khoáng sản
1. Đối với dự án khai thác[1]
a) Dự án khai thác phù hợp quy hoạch khoáng sản, đảm bảo cung cầu thị trường và đáp ứng nguyên liệu cho các cơ sở có sản phẩm chế biến sâu.
Sản phẩm chế biến sâu quy định tại phụ lục I kèm theo Nghị định này.
b) Thiết kế cơ sở của dự án trình cơ quan cấp phép khai thác, phải được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định tại khoản 1, 2, Điều 6 của Nghị định này.
2. Đối với dự án chế biến
a) Dự án đã xác định cụ thể nguồn nguyên liệu tin cậy.
b) Dự án có sản phẩm chế biến sâu được ưu tiên cung cấp nguồn nguyên liệu từ khoáng sản trong nước.
c) Đối với chế biến một số loại khoáng sản chủ yếu phải đáp ứng quy mô công suất tối thiểu theo quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị định này.
d) Dự án có lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường.
Điều 6. Thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở của dự án
1. Bộ Công Thương thẩm định đối với dự án thuộc quy hoạch do Bộ Công Thương quản lý theo quy định.
2. Sở Công Thương thẩm định đối với dự án thuộc quy hoạch do Ủy ban nhân cấp tỉnh quản lý theo quy định.
Chương III
KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
Điều 7. Yêu cầu đối với người lao động làm việc tại dự án
1. Đối với mỏ khoáng sản khai thác bằng phương pháp hầm lò
Người làm việc trong mỏ hầm lò phải có sức khỏe đảm bảo, đã qua đào tạo nghề mỏ theo quy định và có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được phân công; có trang bị bảo hộ lao động phù hợp với công việc; định kỳ được phổ biến, kiểm tra, sát hạch kiến thức về an toàn lao động và pháp luật có liên quan theo quy định.
2. Đối với mỏ khoáng sản khai thác bằng phương pháp lộ thiên
Người làm việc với các phương tiện, máy móc, thiết bị hoặc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp tại các mỏ lộ thiên phải có sức khỏe đảm bảo, đã qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ được phân công; có trang bị bảo hộ lao động phù hợp với công việc; định kỳ được phổ biến, kiểm tra, sát hạch kiến thức về an toàn lao động và pháp luật có liên quan theo quy định.
Điều 8. Điều kiện đưa mỏ vào khai thác
1. Đã hoàn thành xây dựng cơ bản mỏ, công trình bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ (nếu có) theo thiết kế được duyệt; được nghiệm thu tuân thủ theo quy định của pháp luật về xây dựng, đảm bảo yêu cầu về an toàn và chất lượng công trình.
2. Có đầy đủ giấy phép khai thác mỏ, giấy phép xả thải ra môi trường, giấy phép sử dụng vật liệu nổ (nếu có nổ mìn), giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các văn bản khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai và xây dựng.
3. Thực hiện nghĩa vụ thuế, phí của nhà nước theo quy định.
4. Có bộ máy quản lý và công nhân lao động đáp ứng theo quy định tại
5. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra và chấp thuận công tác nghiệm thu, đưa mỏ vào khai thác bằng văn bản theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình và Nghị định này.
6. Trình tự, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Điều 9. Thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu đưa dự án vào khai thác
1. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng được thành lập và hoạt động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiểm tra đối với công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm.
2. Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra công tác nghiệm thu đưa dự án khai thác khoáng sản vào khai thác đối với những dự án thuộc thẩm quyền quản lý quy hoạch khoáng sản của Bộ Công Thương.
3. Sở Công Thương chủ trì kiểm tra công tác nghiệm thu đưa dự án khai thác khoáng sản vào khai thác thuộc thẩm quyền quản lý quy hoạch khoáng sản của địa phương.
Điều 10. Quy định một số chức danh quản lý mỏ khoáng sản
1. Giám đốc điều hành mỏ
a) Chịu trách nhiệm trước tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với hoạt động khai thác theo quy định của pháp luật.
b) Đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Luật Khoáng sản.
2. Quản đốc, Chỉ huy trưởng công trường:
a) Chịu trách nhiệm quản lý, điều hành sản xuất một khu vực mỏ (công trường, phân xưởng) hoặc một số lĩnh vực chuyên môn kỹ thuật trong khu vực mỏ/ công trường theo phân công của Giám đốc điều hành mỏ.
b) Tiêu chuẩn chức danh đối với mỏ khai thác bằng phương pháp hầm lò
- Có bằng tốt nghiệp đại học hay cao đẳng hoặc trung học chuyên nghiệp chuyên ngành mỏ hầm lò (xây dựng mỏ, khai thác mỏ, cơ điện mỏ, trắc địa mỏ, địa chất mỏ, máy mỏ), có chứng chỉ về nổ mìn phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật về nổ mìn.
- Có kinh nghiệm trực tiếp làm cán bộ quản lý (chỉ huy) và/ hoặc cán bộ kỹ thuật mỏ hầm lò ít nhất là 3 năm.
c) Tiêu chuẩn chức danh đối với mỏ khai thác bằng phương pháp lộ thiên
- Có bằng tốt nghiệp đại học hay cao đẳng hoặc trung học chuyên nghiệp chuyên ngành kỹ thuật mỏ. Ở mỏ lộ thiên có nổ mìn quản đốc chỉ huy chung hay quản đốc chuyên về nổ mìn phải được huấn luyện về nổ mìn với chứng chỉ phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật nổ mìn.
- Có kinh nghiệm trực tiếp làm cán bộ quản lý (chỉ huy) và/hoặc cán bộ kỹ thuật mỏ ít nhất 2 năm.
d) Quản đốc, Chỉ huy trưởng cùng một thời điểm chỉ phụ trách 01 công trường hay một phân xưởng.
3. Trưởng ca hoặc cấp tương đương
a) Chịu trách nhiệm điều hành sản xuất trong một ca tại một khu vực mỏ (công trường, phân xưởng) trong trường hợp mỏ tổ chức sản xuất theo ca.
b) Tiêu chuẩn chức danh đối với mỏ khai thác bằng phương pháp hầm lò
- Có bằng tốt nghiệp từ trung học chuyên nghiệp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật mỏ hầm lò hoặc tương đương (công nhân kỹ thuật lành nghề đã từng làm tổ trưởng sản xuất trong mỏ hầm lò, đã được cấp chứng chỉ học quản lý tại trường chuyên ngành mỏ), có chứng chỉ về nổ mìn phù hợp vời quy chuẩn kỹ thuật nổ mìn.
- Có kinh nghiệm trực tiếp làm cán bộ quản lý (chỉ huy) hoặc cán bộ kỹ thuật mỏ hầm lò ít nhất là 2 năm.
c) Tiêu chuẩn chức danh đối với mỏ khai thác bằng phương pháp lộ thiên
- Có bằng tốt nghiệp từ trung học chuyên nghiệp trở lên thuộc chuyên ngành kỹ thuật mỏ hoặc tương đương. Ở mỏ lộ thiên có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trưởng ca chỉ huy chung hay trưởng ca chuyên về nổ mìn phải có chứng chỉ về nổ mìn phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật nổ mìn.
- Có kinh nghiệm trực tiếp làm cán bộ quản lý (chỉ huy) hoặc cán bộ kỹ thuật mỏ lộ thiên hoặc mỏ hầm lò ít nhất là 01 năm.
d) Trưởng ca trong một ngày đêm chỉ chỉ huy một ca sản xuất tại một khu vực mỏ trừ trường hợp xử lý sự cố.
4. Phụ trách an toàn mỏ
a) Chịu trách nhiệm giúp giám đốc điều hành mỏ quản lý công tác an toàn mỏ (đảm bảo cho các hoạt động của mỏ diễn ra một cách an toàn: an toàn về người, an toàn về tài sản, an toàn về môi trường). Tùy quy mô và tính chất phức tạp của mỏ, giám đốc điều hành mỏ có thể phân công một phó giám đốc phụ trách công tác an toàn mỏ hoặc giao việc đó cho một trưởng phòng hay cấp tương đương; trong bất kỳ trường hợp nào ở mỏ đang hoạt động phải có người phụ trách an toàn mỏ.
b) Người phụ trách an toàn mỏ phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật mỏ, đã trải qua công tác quản lý kỹ thuật và chỉ huy sản xuất ở mỏ.
5. Định kỳ các chức danh trên phải được huấn luyện, kiểm tra sát hạch về công tác an toàn, vệ sinh lao động tuân thủ theo quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Điều 11. Quản lý bãi thải mỏ
1. Bãi thải mỏ phải được quy hoạch, tính toán và thiết kế, thẩm định và phê duyệt trong dự án đầu tư đảm bảo các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn và bảo vệ môi trường.
2. Tất cả các bãi thải, kể cả khi ngừng đổ thải, khi chưa có quyết định đóng cửa mỏ, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải quan trắc định kỳ, có biện pháp đảm bảo an toàn chống sói, lở, trôi trượt đất đá.
3. Có biện pháp bảo vệ ngăn chặn người dân khai thác khoáng sản và vật liệu xây dựng.
Chương IV
CHẾ BIẾN KHOÁNG SẢN
Điều 12. Điều kiện đưa dự án chế biến khoáng sản vào sản xuất
1. Hoàn thành các hạng mục công trình thuộc dây chuyền sản xuất chính và các hạng mục công trình phụ trợ đồng bộ, công trình bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ theo thiết kế được duyệt; được nghiệm thu tuân thủ theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, đảm bảo yêu cầu về an toàn và chất lượng công trình.
2. Có giấy phép xả thải ra môi trường, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các văn bản khác có liên quan theo quy định của pháp luật về quản lý đất đai, đầu tư xây dựng công trình.
3. Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra và chấp thuận công tác nghiệm thu, đưa dự án vào sản xuất bằng văn bản theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng công trình và Nghị định này.
4. Trình tự, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.
Điều 13. Thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu đưa dự án vào sản xuất
1. Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng được thành lập và hoạt động theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiểm tra đối với công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quyết định hàng năm.
2. Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra công tác nghiệm thu đưa dự án chế biến khoáng sản thuộc thẩm quyền quản lý quy hoạch chế biến khoáng sản.
3. Sở Công Thương chủ trì kiểm tra công tác nghiệm thu đưa dự án chế biến khoáng sản thuộc thẩm quyền quản lý quy hoạch chế biến khoáng sản.
Điều 14. Quản lý bãi thải, hồ thải quặng đuôi cơ sở chế biến
1. Hồ chứa, đập thải quặng đuôi phải được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam. Có biện pháp ứng phó với các sự cố vỡ hồ đập gây mất an toàn và ô nhiễm môi trường.
2. Hồ chứa, đập thải quặng đuôi phải lắp đặt hệ thống quan trắc, biển báo an toàn. Định kỳ 01 tháng/lần phải kiểm tra và có sổ theo dõi tình trạng an toàn.
3. Bãi thải quặng lộ thiên phải được thiết kế theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam đảm bảo an toàn chống sạt lở; có hệ thống xử lý bụi, thu gom và xử lý nước thải, khí thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
4. Đối với các bãi thải mỏ đã đóng cửa, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phải có trách nhiệm quản lý, có biện pháp ngăn chặn khai thác khoáng sản và sử dụng đất trái pháp luật, đảm bảo an toàn cho người dân khi mùa mưa lũ.
Chương V
LƯU GIỮ, VẬN CHUYỂN KHOÁNG SẢN
Điều 15. Lưu giữ khoáng sản
1. Khoáng sản khi lưu giữ phải được phân tích, phân loại để quản lý; có đầy đủ hồ sơ theo dõi xuất, nhập, tồn, hợp đồng thuê kho, bãi, cơ sở kinh doanh theo quy định, trừ các kho, bãi chứa nằm trong quy hoạch của dự án.
2. Địa điểm lưu giữ khoáng sản tạm thời có thời gian sử dụng dưới 3 tháng, không sử dụng để lưu giữ khoáng sản độc hại. Địa điểm lưu giữ phải có biện pháp che chắn chống bụi, thu gom xử lý nước mặt tạm thời và có biện pháp phòng cháy (đối với khoáng sản có tính tự cháy).
3. Địa điểm lưu giữ khoáng sản cố định phải phù hợp với vị trí quy hoạch xây dựng của địa phương; phải có thiết kế hệ thống tường bao che, có hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom và xử lý nước mặt, thiết bị chống bụi đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường.
Kho, bãi chứa gồm nhiều loại khoáng sản/sản phẩm khoáng sản khác nhau phải có các ô chứa riêng biệt. Đối với khoáng sản có tính tự cháy phải có biện pháp phòng ngừa, bố trí phương tiện phòng cháy - chữa cháy được cơ quan phòng cháy - chữa cháy kiểm tra, xác nhận đủ điều kiện an toàn.
4. Đối với các kho, bãi chứa khoáng sản độc hại
- Ngoài quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này và các quy định khác có liên quan, khu vực kho, bãi chứa phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sử dụng theo quy định.
- Vị trí kho, bãi phải bố trí ra ngoài khu vực ảnh hưởng của dân cư, có tường chắn bao che, bố trí riêng biệt, không bố trí cùng với các kho, bãi chứa loại khoáng sản khác, có biển báo nguy hiểm, bảo vệ thường trực thường xuyên.
- Sở Công Thương thẩm định dự án và cấp giấy phép sử dụng kho, bãi chứa khoáng sản độc hại, trừ khoáng sản có chứa hàm lượng chất phóng xạ theo quy định.
5. Chủ các cơ sở lưu giữ khoáng sản phải có trách nhiệm cung cấp thông tin về cơ sở lưu giữ khoáng sản cho Sở Công Thương bằng văn bản ít nhất là 10 (mười) ngày trước khi sử dụng để theo dõi và quản lý.
Điều 16. Vận chuyển khoáng sản
1. Khoáng sản khi vận chuyển phải có chứng từ, tài liệu kèm theo chứng minh nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản theo quy định và các giấy tở khác theo quy định đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường (trừ vận chuyển nội bộ theo tuyến đã đăng ký với các cơ quan chức năng).
2. Phương tiện vận tải khoáng sản khi tham gia giao thông phải có trang thiết bị che chắn bảo đảm an toàn, không gây phát tán bụi và chất độc hại ra ngoài làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường.
Chương VI
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH KHOÁNG SẢN
Điều 17. Kinh doanh xuất khẩu khoáng sản
1. Khoáng sản xuất khẩu phải có trong danh mục khoáng sản xuất khẩu, qua chế biến đạt tiêu chuẩn chất lượng do Bộ Công Thương ban hành hoặc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
2. Bộ Công Thương ban hành Danh mục và tiêu chuẩn chất lượng khoáng sản xuất khẩu, trừ khoáng sản làm xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Điều 18. Kinh doanh đối với khoáng sản nhập khẩu, tạm nhập-tái xuất, chuyển khẩu, dịch vụ quá cảnh, thực hiện hợp đồng gia công sản phẩm khoáng sản cho thương nhân nước ngoài hoặc đặt gia công khoáng sản tại nước ngoài
1. Khoáng sản kinh doanh theo phương thức tạm nhập-tái xuất, chuyển khẩu, dịch vụ quá cảnh, thực hiện hợp đồng gia công sản phẩm khoáng sản cho thương nhân nước ngoài hoặc đặt gia công khoáng sản tại nước ngoài, ngoài việc thực hiện các quy định tại Nghị định này, còn thực hiện theo các quy định khác của pháp luật có liên quan, các cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và lộ trình do Bộ Công Thương công bố.
2. Khoáng sản nhập khẩu không thuộc danh mục khoáng sản được xuất khẩu nếu không sử dụng hết, khi xuất khẩu phải được sự chấp thuận của Bộ Công Thương.
3. Khoáng sản thuê nước ngoài gia công chế biến nếu sản phẩm sau gia công, chế biến bán ra ngoài không thuộc loại hàng hóa được xuất khẩu phải được sự chấp thuận của Bộ Công Thương.
4. Khoáng sản chế biến cho thương nhân nước ngoài không thuộc danh mục khoáng sản được phép xuất khẩu, doanh nghiệp phải đăng ký với Bộ Công Thương về số lượng, chất lượng khoáng sản nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu phù hợp với hợp đồng ký với nước ngoài. Cơ sở chế biến phải đảm bảo các quy định về quản lý dự án đầu tư và xây dựng, có công nghệ chế biến, đảm bảo các yêu cầu về an toàn và bảo vệ môi trường.
Chương VII
THÔNG TIN VỀ HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC KINH DOANH KHOÁNG SẢN
Điều 19. Trách nhiệm cung cấp thông tin
1. Tổ chức, cá nhân có hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, trung thực về tình hình thực hiện đầu tư khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản của đơn vị thông qua lập báo cáo định kỳ và đột xuất theo yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước quy định tại
2. UBND cấp tỉnh tổng hợp và báo cáo đánh giá về công tác quản lý nhà nước; tình hình thực hiện các dự án khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản và thực hiện quy định pháp luật của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
3. Bộ Công Thương tổng hợp và báo cáo công tác quản lý nhà nước về quy hoạch khoáng sản và tình hình hoạt động đầu tư khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản cả nước thuộc phạm vi quản lý.
Điều 20. Nội dung, thời gian, nơi tiếp nhận thông tin
1. Phân loại thông tin báo cáo
a) Báo cáo về tình hình hoạt động dự án khai thác khoáng sản.
b) Báo cáo về tình hình hoạt động dự án chế biến khoáng sản.
c) Báo cáo hoạt động về xuất khẩu, nhập khẩu khoáng sản.
d) Báo cáo tổng hợp đánh giá công tác quản lý nhà nước và tình hình thực hiện dự án thăm dò, khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
đ) Báo cáo tổng hợp công tác quản lý nhà nước về quy hoạch khoáng sản và tình hình hoạt động đầu tư khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản cả nước.
Bộ Công Thương quy định các biểu mẫu báo cáo.
2. Thời gian, nơi tiếp nhận thông tin báo cáo
a) Báo cáo nêu tại điểm a, b, c Khoản 1 Điều này: Tổ chức, cá nhân lập báo cáo định kỳ 6 tháng/lần gửi Bộ Công Thương Sở Công Thương các tỉnh trước ngày 15 tháng 7 và ngày 15 tháng 01 hàng năm.
b) Báo cáo nêu tại điểm d Khoản 1 Điều này: Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập báo cáo tổng hợp hàng năm gửi Bộ Công Thương trước ngày 31 tháng 01 hàng năm.
c) Báo cáo nêu tại điểm đ Khoản 1 Điều này: Bộ Công Thương lập báo cáo tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 02 hàng năm.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 21. Điều khoản chuyển tiếp
1. Các dự án khai thác, chế biến khoáng sản đã được cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản, giấy chứng nhận đầu tư trước thời điểm Nghị định có hiệu lực không phải thẩm định thiết kế cơ sở theo quy định tại Nghị định này.
2. Các cơ sở lưu giữ khoáng sản đã đầu tư phải rà soát, bổ sung các điều kiện về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường sau 6 (sáu) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
3. Các cơ sở chế biến khoáng sản phải điều chỉnh quy mô công suất, công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị định này trước ngày 31 tháng 12 năm 2020.
Điều 21. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Công Thương
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.
b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với thực hiện quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật, công nghệ, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường trong khai thác mỏ và chế biến khoáng sản trên phạm vi cả nước theo thẩm quyền.
c) Chủ trì, xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ quặng hầm lò. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung Quy chuẩn quốc gia về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên phù hợp với quy mô, công suất mỏ khoáng sản.
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các địa phương lập đề án xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia và bản đồ số về hoạt động đầu tư kinh doanh ngành khai khoáng Việt Nam, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện kiểm tra, thanh tra các hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật và Nghị định này.
3. Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát điều chỉnh các chính sách về thuế, phí phù hợp với từng loại khoáng sản, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, chế biến sâu khoáng sản.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Tổ chức triển khai các quy định về quản lý hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn theo thẩm quyền quy định tại Nghị định này.
b) Nâng cao năng lực, trách nhiệm quản lý nhà nước của các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp về quản lý tài nguyên, hoạt động đầu tư khai thác, chế biến, kinh doanh và bảo vệ môi trường khoáng sản.
c) Hướng dẫn và tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động đầu tư khai thác, chế biến, kinh doanh và bảo vệ môi trường khoáng sản và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
d) Phối hợp với các với Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý và cung cấp kịp thời thông tin hoạt động đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản trên địa bàn.
5. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Điều 22. Điều khoản thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày tháng năm 2017./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
PHỤ LỤC I
DANH MỤC CÁC SẢN PHẨM CHẾ BIẾN SÂU KHOÁNG SẢN
(Ban hành kèm theo Nghị định số ……./2017/NĐ-CP ngày tháng năm 2017 của Chính phủ)
TT | Tên khoáng sản/tên sản phẩm chế biến | Sản phẩm chế biến sâu | Ghi chú |
I | Khoáng sản kim loại |
|
|
1 | Khoáng sản bôxit |
|
|
1.1 | Alumin | Al203 ≥ 98,5% |
|
1.2 | Nhôm kim loại | Al ≥ 99,97% |
|
2 | Khoáng sản titan |
|
|
2.1 | Xỉ titan | TiO2≥85% |
|
2.2 | Zircon siêu mịn | Zi02 ≥65%, cỡ hạt ≤75µm |
|
2.3 | Ilmenit hoàn nguyên | Ti02≥56%, Fe0≤9% |
|
2.4 | Bột Pigment | Ti02≥92,5% |
|
2.5 | Ferrotitan | Ti ≥45% |
|
2.6 | Titan kim loại | Ti ≥99,6% |
|
3 | Khoáng sản đồng |
|
|
3.1 | Đồng kim loại | Cu ≥ 98% |
|
4 | Khoáng sản chì, kẽm |
|
|
4.1 | Chì, kẽm kim loại | Cu, Zn ≥ 98% |
|
5 | Khoáng sản cromit |
|
|
5.1 | ferrocrom | Cr ≥56%, C < 0,9% |
|
6 | Khoáng sản mangan | Mn ≥ 45% |
|
6.1 | Ferromangan |
|
|
| Dioxytmangan điện giải (EMD) |
|
|
7 | Khoáng sản thạch anh (Quartz) |
|
|
7.1 | Ferro Silic | Si ≥ 45% |
|
8 | Khoáng sản thiếc |
|
|
8.1 | Thiếc kim loại | Sn>99,75% |
|
9 | Khoáng sản niken |
|
|
9.1 | Tinh quặng niken | Ni≥9,5% |
|
II | Khoáng sản phi kim |
|
|
1 | Đá vôi trắng (đá hoa trắng) |
|
|
1.1 | Bột đá cacbonat canxi mịn, siêu mịn | Cấp hạt ≤150 mm, độ trắng ≥ 90% | Công nghệ nghiền khô hoặc ướt |
2 | Graphit |
|
|
2.1 | Tinh quặng graphit sạch | C ≥ 95% |
|
2.2 | Điện cực graphit |
|
|
3 | Apatit |
|
|
3.1 | Phân bón sản xuất từ apatit |
|
|
3.2 | Hóa chất cơ bản từ apatit |
|
|
3.3 | Thức ăn gia súc chế biến từ apatit |
|
|
4 | Than đá |
|
|
4.1 | Điện năng sản xuất từ than đá |
|
|
4.2 | Than coke | Quy mô sản xuất công nghiệp, công nghệ khô |
|
PHỤ LỤC II
CÔNG SUẤT CHẾ BIẾN TỐI THIỂU ĐỐI VỚI KHOÁNG SẢN CHỦ YẾU
(Ban hành kèm theo Nghị định số ……./2017/NĐ-CP ngày tháng năm 2017 của Chính phủ)
TT | Nhà máy chế biến khoáng sản | Công suất tối thiểu (tấn/năm) | Tiêu chuẩn công nghệ, điều kiện áp dụng |
1 | Nhà máy tuyển than | 2.000.000 | Đối với các mỏ khu vực Quảng Ninh |
2 | Nhà máy tuyển tách titan | 30.000 | Thu hồi tối đa các sản phẩm đi kèm: Rutil, Zircon, Monazit, Anataz. tỷ lệ tổn thất sau tuyển <5% KVN |
3 | Nhà máy tuyển quặng sắt (đối với dự án đầu tư độc lập) | 200.000 | Tinh quặng sắt Fe ≥ 54%. |
4 | Nhà máy tuyển quặng đồng | 50.000 | Thu hồi được Al, Zn, Ag và kim loại quý khác đi kèm |
5 | Nhà máy tuyển quặng Niken | 10.000 | Thu hồi được các khoáng sản có ích như Cu, Al, Mo đi kèm |
6 | Nhà máy tuyển quặng apatit | 200.000 | Tinh quặng apatit P205 ≥32% |
7 | Nhà máy tuyển quặng graphit | 20.000 | Tinh quặng graphit C ≥ 90% |
8 | Nhà máy sản xuất alumin | 1.000.000 | Công nghệ bayer thế hệ mới, thải bùn đỏ bằng công nghệ khô hoặc thải cô đặc. |
9 | Nhà máy điện phân nhôm | 300.000 | Bể điện phân có Dòng điện từ 450 kA trở lên, điện năng tiêu thụ ≤13.000 kWh/tấn sản phẩm. |
10 | Nhà máy xỉ titan | 24.000 | Công suất 1 lò ≥ 12.500 KVA, bán kín, tự động điều chỉnh công suất lò và kiểm soát bụi. |
11 | Ilmenit hoàn nguyên | 20.000 |
|
12 | Nhà máy Zircon siêu mịn | 5.000 | Bột zircon loại 1 từ 50% khối lượng sản phẩm trở lên đối với dự án đầu tư mới |
13 | Nhà máy Pigment | 30.000 | Công nghệ clorua |
14 | Nhà máy Ferrotitan | 10.000 | Lò điện hồ quang |
15 | Nhà máy sản xuất kim loại titan | 10.000 |
|
16 | Nhà máy luyện đồng | 10.000 | Công nghệ bể lỏng |
17 | Nhà máy luyện chì | 10.000 | |
18 | Nhà máy luyện kẽm | 10.000 | Công nghệ thủy luyện – điện phân |
19 | Nhà máy sản xuất bột ôxít kẽm | 20.000 | Công nghệ lò quay |
20 | Nhà máy ferrocrom | 20.000 | Công nghệ lò điện, công suất lò tối thiểu 6.300KVA đối với ferocrom cac bon cao và lò công suất 3.200KVA đối với ferocrom cac bon thấp |
21 | Nhà máy luyện Ferro Mangan | 20.000 | Công nghệ lò điện, công suất lò tối thiểu 6300KVA |
22 | Nhà máy luyện Ferro Silic | 20.000 | Công nghệ lò điện, công suất lò tối thiểu 6300KVA |
23 | Nhà máy luyện thiếc kim loại | 300 | Công nghệ lò hồ quang điện, kiểu kín, Công suất lò tối thiểu từ 250 KVA |
24 | Nhà máy luyện gang lò cao | 1.000.000 | Dung tích lò ≥ 1000 m3.Tiêu hao 420 tấn cốc/tấn gang lỏng. |
25 | Nhà máy sản xuất bột đá cacbonat | 50.000 20.000 | Đối với công nghệ nghiền khô Đối với công nghệ nghiền ướt |
[1] Điểm a, khoản 2 Điều 53 Luật Khoáng sản quy định Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản phải có Dự án đầu tư khai thác khoáng sản phải có phương án sử dụng nhân lực chuyên ngành, thiết bị, công nghệ, phương pháp khai thác tiên tiến phù hợp.
- 1Công văn số 1652 TM/TCCB ngày 21/04/2003 của Bộ Thương mại về việc bổ sung mặt hàng kinh doanh khoáng sản
- 2Thông báo số 62/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp về Công ty đầu tư kinh doanh khoáng sản Vinaconex và Công ty TNHH đầu tư thương mại Tràng Tiền do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 3Thông báo 189/TB-VPCP năm 2016 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Luật Thương mại 2005
- 2Công văn số 1652 TM/TCCB ngày 21/04/2003 của Bộ Thương mại về việc bổ sung mặt hàng kinh doanh khoáng sản
- 3Thông báo số 62/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp về Công ty đầu tư kinh doanh khoáng sản Vinaconex và Công ty TNHH đầu tư thương mại Tràng Tiền do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 4Luật khoáng sản 2010
- 5Luật bảo vệ môi trường 2014
- 6Luật Xây dựng 2014
- 7Luật Đầu tư 2014
- 8Luật Doanh nghiệp 2014
- 9Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
- 10Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 11Thông báo 189/TB-VPCP năm 2016 ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
Dự thảo Nghị định về khai thác và kinh doanh khoáng sản
- Số hiệu: Đang cập nhật
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: Đang cập nhật
- Nơi ban hành: Đang cập nhật
- Người ký: Đang cập nhật
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
- Tình trạng hiệu lực: Đang cập nhật