CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /2017/NĐ-CP | Hà Nội, ngày tháng năm 2017 |
DỰ THẢO |
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ THU NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP VÀ BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật bảo hiểm xã hội ngày 20 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế ngày 13 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Việc làm ngày 16 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Luật An toàn, vệ sinh lao động ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về quản lý thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết quyền lợi của người lao động,
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Nghị định này quy định về quản lý thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Đơn vị: "Người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp”.
2. Chủ sử dụng lao động: "Người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động".
3. Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp: Bao gồm số tiền nợ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, ngân sách nhà nước.
4. Đơn vị mất tích: Đơn vị bỏ trụ sở ghi trong đăng ký kinh doanh không khai báo, cơ quan bảo hiểm xã hội không thể liên lạc được theo quy định của pháp luật.
5. Chủ đơn vị bỏ trốn: Đơn vị tồn tại nhưng chủ đơn vị bỏ đi không có người thay thế.
Điều 4. Nguyên tắc đối với quản lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; bảo đảm dễ dàng, tạo thuận lợi trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Bảo đảm thực hiện công tác thống kê, kế toán tài chính theo quy định của pháp luật; lập và gửi các báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Chương II
QUẢN LÝ THU NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Điều 5. Phân loại nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Nợ chậm đóng là các trường hợp đơn vị có thời gian nợ dưới 01 tháng.
2. Nợ đọng là các trường hợp đơn vị có thời gian nợ từ 01 tháng đến dưới 03 tháng.
3. Nợ kéo dài là các trường hợp đơn vị có thời gian nợ từ 03 tháng trở lên và không bao gồm các trường hợp đơn vị tại Khoản 4 Điều này.
4. Nợ khó thu, gồm các trường hợp:
a) Đơn vị mất tích.
b) Đơn vị đang trong thời gian làm thủ tục giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động; đơn vị không hoạt động, không có người quản lý, điều hành.
c) Đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam.
d) Đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
đ) Đơn vị nợ đang trong thời gian được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, đơn vị được cấp có thẩm quyền cho khoanh nợ.
Điều 6. Hồ sơ xác định nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Đối với nợ chậm đóng, nợ đọng, nợ kéo dài quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 5 của Nghị định này, hồ sơ xác định nợ bao gồm:
a) Thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội với đơn vị.
b) Biên bản đối chiếu thu nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của cơ quan bảo hiểm xã hội với đơn vị.
2. Đối với nợ khó thu quy định tại khoản 4 Điều 5 của Nghị định này, hồ sơ xác định nợ bao gồm:
a) Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đặt trụ sở của đơn vị đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 4 Điều 5 của Nghị định này.
b) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác nhận tình trạng của đơn vị đối với trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản 4 Điều 5 của Nghị định này.
c) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc chấm dứt hoạt động, giải thể; quyết định tuyên bố phá sản của Toà án đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 4 Điều 5 của Nghị định này.
d) Văn bản của cơ quan có thẩm quyền cho phép khoanh nợ đối với trường hợp đơn vị được khoanh nợ theo quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 5 của Nghị định này.
Điều 7. Tổ chức thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Hằng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội có gửi thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động, trong đó ghi rõ số tiền chậm đóng và tiền lãi chậm đóng (nếu có); đôn đốc đơn vị nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp kịp thời, đúng thời hạn theo quy định của pháp luật.
2. Đối với đơn vị nợ đọng, cơ quan bảo hiểm xã hội tổ chức thu nợ theo trình tự sau đây:
a) Cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp đến đơn vị nợ đọng để đôn đốc, đồng thời gửi văn bản đôn đốc 15 ngày một lần.
b) Sau 2 lần gửi văn bản mà đơn vị nợ đọng chưa nộp tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.
Trong thời gian đôn đốc mà đơn vị có văn bản cam kết nộp tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong thời hạn tối đa 30 ngày thì tiếp tục theo dõi, đôn đốc, tạm thời chưa thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Hằng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội báo cáo chi tiết đơn vị nợ để quản lý, đôn đốc thu nợ và đối chiếu; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện đôn đốc đơn vị thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật. Sau 30 ngày kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp đến đơn vị đôn đốc mà đơn vị vẫn chưa đóng thì thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
4. Sau 6 tháng kể từ ngày cơ quan bảo hiểm xã hội đến đơn vị đôn đốc và thực hiện các biện pháp đôn đốc mà đơn vị vẫn chưa đóng thì phối hợp với tổ chức công đoàn khởi kiện ra Toà án theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật bảo hiểm xã hội hoặc chuyển hồ sơ đề nghị khởi tố khi có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.
5. Khi phát hiện đơn vị có chủ sở hữu là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam, cơ quan bảo hiểm xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng ở địa phương lập hồ sơ yêu cầu mở thủ tục phá sản.
6. Hằng quý, cơ quan bảo hiểm xã hội tổng hợp, báo cáo đánh giá tình hình nợ, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kiến nghị giải pháp xử lý.
Điều 8. Tính lãi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Việc thu tiền lãi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thực hiện như sau:
a) Trường hợp chậm đóng bảo hiểm y tế từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất thị trường liên ngân hàng kỳ hạn 09 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố trên Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Trường hợp lãi suất liên ngân hàng năm trước liền kề không có kỳ hạn 09 tháng thì áp dụng mức lãi suất của kỳ hạn liền trước kỳ hạn 09 tháng;
b) Trường hợp chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp từ 30 ngày trở lên, số tiền lãi phải thu bằng 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng;
c) Trường hợp truy thu đối với các trường hợp điều chỉnh tăng tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, đóng bù thời gian chưa đóng bảo hiểm xã hội của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động nhưng sau 6 tháng, kể từ ngày có quyết định điều chỉnh tăng tiền lương hoặc chấm dứt hợp đồng lao động về nước mới thực hiện truy đóng thì số tiền lãi phải thu bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian truy thu;
d) Trong thời hạn 15 ngày đầu của tháng 01 hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về mức lãi suất bình quân để Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Bộ Công an thống nhất thực hiện.
2. Vào ngày đầu hằng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội xác định số tiền lãi chậm đóng phải thu trong tháng theo công thức sau:
Ln = Ln-1 + (T1 - T2) x k
Trong đó:
a) n : Thứ tự của tháng hiện tại trong năm.
b) k : Mức lãi suất phạt chậm đóng tính theo tháng (%/tháng) áp dụng trong năm theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.
c) Ln : Tổng số tiền lãi chậm đóng phải thu trong tháng n.
d) Ln-1 : Số tiền lãi chậm đóng lũy kế đến cuối tháng trước liền kề tháng n.
đ) T1 : Số tiền chậm đóng lũy kế đến cuối tháng trước liền kề tháng n.
e) T2 : Số tiền chậm đóng dưới 30 ngày phát sinh trong tháng trước liền kề tháng n (gồm số tiền đơn vị phải đóng trong tháng trước liền kề nhưng chưa nộp và số tiền phát hiện trốn đóng nhưng chưa nộp theo Khoản 3 Điều này).
3. Trường hợp trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, đóng thấp hơn mức đóng của người thuộc diện bắt buộc tham gia, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (sau đây gọi là trốn đóng) từ 30 ngày trở lên được cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, thì ngoài việc truy thu số tiền trốn đóng, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền trốn đóng, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng áp dụng tại thời điểm phát hiện trốn đóng.
Công thức tính:
Số tiền lãi phải truy thu | = | Số tiền trốn đóng (tháng) | x | Thời gian trốn đóng (tháng) | x | Lãi suất chậm đóng áp dụng tại thời điểm phát hiện trốn đóng (%/tháng) |
Trường hợp đến ngày cuối của tháng phát hiện trốn đóng, đơn vị chưa nộp hoặc nộp không đủ số tiền trốn đóng và tiền lãi, thì số tiền trốn đóng được chuyển sang tháng tiếp theo để thu và tiếp tục tính lãi theo quy định tại Khoản 2 Điều này; số tiền lãi chưa nộp được chuyển sang tháng tiếp theo để thu.
Chương III
BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠI CÁC ĐƠN VỊ NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Mục 1. BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
Điều 9. Đối với Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp quản lý được số doanh nghiệp đang hoạt động, số lao động đang làm việc và số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
3. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng tính tuân thủ trong tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; yêu cầu doanh nghiệp tham gia đầy đủ cho người lao động.
4. Phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương trong đôn đốc, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 10. Đối với tổ chức công đoàn các cấp
1. Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
2. Thường xuyên giám sát việc đóng và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
3. Thực hiện khởi kiện ra Tòa án đối với các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động.
4. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo hiểm xã hội thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Điều 11. Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội
1. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng quản lý được đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, thành lập mới; người lao động đang làm việc, thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc để đôn đốc, yêu cầu đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầy đủ cho người lao động.
2. Thông tin đầy đủ, kịp thời về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, tổ chức công đoàn để họ chủ động kịp thời yêu cầu chủ sử dụng lao động tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Thực hiện đa dạng, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, người sử dụng lao động.
4. Thực hiện thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung thanh tra các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng, chưa tham gia đầy đủ cho số lao động thuộc diện phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
5. Phối hợp với tổ chức công đoàn, các cơ quan chức năng trong việc khởi kiện ra Toà án, đề nghị khởi tố đối với các đơn vị nợ đóng, các đơn vị có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
6. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý bảo hiểm xã hội; cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình nghiệp vụ bảo đảm đơn giản, thuận lợi trong việc tham gia và thụ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Mục 2. GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ XỬ LÝ NỢ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Điều 12. Giải quyết quyền lợi của người lao động tại các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Đối với đơn vị nợ quy định tại các khoản 2, 3 và điểm d khoản 4 Điều 5 của Nghị định này:
a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
b) Cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên sổ bảo hiểm xã hội để giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động đủ điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc.
2. Đối với đơn vị nợ theo quy định tại điểm a, b và điểm c khoản 4 Điều 5 của Nghị định này:
a) Cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên sổ bảo hiểm xã hội của người lao động đến thời điểm đơn vị đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
b) Trường hợp thu hồi được khoản nợ khi thực hiện thanh lý tài sản của đơn vị thì cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận bổ sung thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.
3. Đối với đơn vị nợ theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 5 của Nghị định này, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp trên sổ bảo hiểm xã hội đến thời điểm người lao động nghỉ việc tại đơn vị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động để làm cơ sở giải quyết quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động.
4. Không xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ chờ việc tại các đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động mà không còn nguồn tài chính để trả nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội mà trong thời gian chờ việc, ngừng việc không đăng ký đóng bảo hiểm xã hội.
Điều 13. Xử lý nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp
1. Đối với khoản nợ quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 5 của Nghị định này, cơ quan bảo hiểm xã hội xác định số nợ để tổ chức thu và tính lãi theo Điều 7 và Điều 8 của Nghị định này.
2. Đối với nợ quy định tại các điểm a, b, c khoản 4 Điều 5 của Nghị định này, cơ quan bảo hiểm xã hội chốt số nợ đến thời điểm xác định để theo dõi, thực hiện thu nợ khi tìm được đơn vị, thanh lý tài sản hoặc đơn vị tiếp tục hoạt động trở lại.
Trường hợp đơn vị đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật thì thực hiện theo khoản 3 Điều này.
3. Đối với nợ quy định tại điểm d khoản 4 Điều 5 của Nghị định này, cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện:
a) Chốt số nợ và tiền lãi của đơn vị nợ sau khi đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động.
b) Không thực hiện thống kê khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp sau khi đã xác nhận thời gian đóng trên sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 3 Điều 12 của Nghị định này.
Điều 14. Nguồn kinh phí xử lý nợ và bảo đảm quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động
Nguồn kinh phí đảm bảo khoản tiền nợ quy định tại khoản 3 Điều 13 của Nghị định này được lấy từ số tiền lãi mà người sử dụng lao động phải nộp do vi phạm quy định về trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật bảo hiểm xã hội.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày tháng năm 2017.
Điều 16. Trách nhiệm thực hiện
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị định này. Hằng năm, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình nợ, xử lý nợ và giải quyết quyền lợi của người lao động tại các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
2. Định kỳ 6 tháng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổng hợp tình hình nợ, xử lý nợ và giải quyết quyền lợi của người lao động tại các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính.
3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
- 1Công văn 5035/BHXH-BT năm 2014 về thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 2Công văn 5424/BHXH-TCKT năm 2014 về hợp tác thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại hệ thống Vietinbank do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 3Công văn 1781/BHXH-TCKT năm 2015 thực hiện thỏa thuận liên Ngành và hợp tác thu, thu nợ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp với VietinBank do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 1Luật bảo hiểm y tế 2008
- 2Luật việc làm 2013
- 3Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014
- 4Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 5Công văn 5035/BHXH-BT năm 2014 về thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 6Công văn 5424/BHXH-TCKT năm 2014 về hợp tác thu, thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của doanh nghiệp mở tài khoản tiền gửi thanh toán tại hệ thống Vietinbank do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 7Công văn 1781/BHXH-TCKT năm 2015 thực hiện thỏa thuận liên Ngành và hợp tác thu, thu nợ Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp với VietinBank do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành
- 8Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015
- 9Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 10Bộ luật hình sự 2015
Dự thảo Nghị định quy định về quản lý thu nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và giải quyết quyền lợi của người lao động
- Số hiệu: Đang cập nhật
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: Đang cập nhật
- Nơi ban hành: Đang cập nhật
- Người ký: Đang cập nhật
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
- Tình trạng hiệu lực: Đang cập nhật