Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số:          /2023/QH15

 

DỰ THẢO 2

 

LUẬT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT CẢNH VỆ

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ số 13/2017/QH14.

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ số 13/2017/QH14

1. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:

Bổ sung các khoản sau vào sau khoản 6 Điều 3:

"7. Chế độ cảnh vệ là những chính sách mà Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành cho đối tượng cảnh vệ quy định tại Điều 10 Luật này được thụ hưởng và được đảm bảo thực hiện.

8. Kiểm tra an ninh, an toàn là biện pháp nghiệp vụ cảnh vệ được lực lượng Cảnh vệ áp dụng nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ mất an ninh, an toàn đối tượng cảnh vệ.

9. Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống là biện pháp nghiệp vụ cảnh vệ được lực lượng Cảnh vệ áp dụng nhằm kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các nguy cơ đầu độc, ngộ độc từ thức ăn, nước uống.

 10. Thẻ, phù hiệu là biện pháp nghiệp vụ của lực lượng Cảnh vệ.

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:

Bổ sung 01 khoản sau khoản 2 Điều 6

"3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này".

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 10 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 1 như sau:

“e) Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam”.

b) Sửa đổi, bổ sung điểm h khoản 1 như sau:

 “h. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ”

 c) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 4 như sau:

 “đ. Hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ tổ chức; đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có đối tượng cảnh vệ quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều này tham dự hoặc chủ trì”.

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 11 như sau:

Tách Điều 11 thành 02 điều luật

Điều 11. Chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Chế độ cảnh vệ đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ

a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận;

b) Được bảo vệ nơi ở;

c) Được bảo vệ nơi làm việc;

d) Được bảo vệ địa điểm hoạt động;

đ) Được bảo đảm an ninh, an toàn về đồ dùng, vật phẩm, thức ăn, nước uống, phương tiện đi lại;

e) Khi đi công tác bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường; đi bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng; đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu riêng có phương tiện dẫn đường, hộ tống bảo vệ.

2. Chế độ cảnh vệ đối với nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ

a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận;

b) Được bảo vệ nơi ở;

3. Chế độ cảnh vệ đối với Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận;

b) Được bảo vệ nơi ở;

c) Được bảo vệ nơi làm việc;

d) Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.

4. Chế độ cảnh vệ đối với Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ

a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận;

b) Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.

5. Trường hợp một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất.

Điều 11a. Biện pháp cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1. Đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ

a) Bảo vệ tiếp cận;

b) Vũ trang, tuần tra, canh gác;

c) Kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi;

d) Kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng;

đ) Bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình để triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ;

e) Sử dụng khoa học và công nghệ, phương tiện trang thiết bị kỹ thuật hiện đại;

g) Sử dụng thẻ, phù hiệu;

h) Biện pháp khác theo quy định của Luật An ninh quốc gia và Luật Công an nhân dân.

2. Đối với nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ

Áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này.

3. Chế độ cảnh vệ đối với Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

a) Được bố trí sĩ quan bảo vệ tiếp cận;

b) Được bảo vệ nơi ở;

c) Được bảo vệ nơi làm việc;

d) Khi đi công tác trong nước bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường trong trường hợp cần thiết.

4. Biện pháp cảnh vệ đối với Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ

a) Áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại điểm a, điểm e, điểm g và điểm h khoản 1 Điều này;

b) Bố trí lực lượng đi trước nắm tình hình để triển khai kế hoạch, phương án bảo vệ trong trường hợp cần thiết.

5. Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định cụ thể nội dung, điều kiện, thẩm quyền, trình tự thủ tục và trách nhiệm áp dụng các biện pháp cảnh vệ quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 và khoản 4 Điều này.

5. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:

Tách Điều 12 thành 02 điều luật

Điều 12. Chế độ cảnh vệ đối với khách quốc tế đến thăm, làm việc tại Việt Nam

1. Đối với Người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này và được bố trí phương tiện hộ tống theo nghi lễ đối ngoại của Nhà nước.

Đối với Người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam, được áp dụng chế độ cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này trên cơ sở có đi có lại và được bố trí phương tiện hộ tống theo nghi lễ đối ngoại của Nhà nước.

2. Cấp phó của Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam được hưởng chế độ cảnh vệ quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều 11 của Luật này.

3. Khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam thì căn cứ vào yêu cầu đối ngoại và thông lệ quốc tế, đề nghị của phía khách mời và tình hình thực tế để áp dụng một hoặc các chế độ cảnh vệ quy định tại tại khoản 1 Điều 11 của Luật này.

Điều 12a. Biện pháp cảnh vệ đối với khách quốc tế khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam

1. Đối với Người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam, áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này.

Đối với Người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước khi đến thăm và làm việc tại Việt Nam, được áp dụng biện pháp cảnh vệ theo quy định tại khoản 1 Điều 11a của Luật này trên cơ sở có đi có lại.

2. Đối với cấp phó của Người đứng đầu Nhà nước, Cơ quan lập pháp, Chính phủ các nước khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam

Áp dụng biện pháp cảnh vệ quy định tại điểm a, điểm e và điểm g và điểm h khoản 1 Điều 11a của Luật này.

3. Đối với khách mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam thì căn cứ vào yêu cầu đối ngoại và thông lệ quốc tế, đề nghị của phía khách mời và tình hình thực tế để áp dụng một hoặc các biện pháp cảnh vệ quy định tại tại khoản 1 Điều 11a của Luật này.

6. Sửa đổi, bổ sung Điều 13 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 như sau:

“c) Kiểm tra an ninh, an toàn”.

b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 như sau:

“b) Kiểm tra an ninh, an toàn”.

7. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 như sau:

“1. Lực lượng Cảnh vệ gồm cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ thuộc Bộ Công an và cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng".

8. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:

a) Bổ sung điểm h, điểm i vào sau điểm g khoản 1 Điều 20 như sau:

"h) Quyết định phát hành thẻ, phù hiệu phục vụ công tác cảnh vệ trong nước và nước ngoài; trong trường hợp cần thiết, quyết định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ bảo vệ đối tượng cảnh vệ khi đi công tác nước ngoài.

i) Xử phạt vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.

b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:

2. Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội có quyền hạn quy định tại các điểm a, b, c, đ, e, h, i và j khoản 1 Điều 20 của Luật này

c) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:

Bổ sung điểm h vào sau điểm g như sau:

"Xử phạt vi phạm hành chính trong khi thi hành công vụ theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính".

9. Bổ sung Điều 20a sau Điều 20; cụ thể như sau:

Điều 20a. Sử dụng Giấy Bảo vệ đặc biệt

1. Giấy Bảo vệ đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Công an cấp cho sĩ quan cảnh vệ sử dụng để thực hiện công tác cảnh vệ.

2. Khi sử dụng, sĩ quan cảnh vệ xuất trình Giấy Bảo vệ đặc biệt cùng Giấy Chứng minh Công an nhân dân hoặc Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh yêu cầu công tác cảnh vệ khi sĩ quan cảnh vệ xuất trình Giấy Bảo vệ đặc biệt.

Điều 2. Hiệu lực thi hành

Luật này có hiệu lực kể từ ngày     tháng     năm    

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa      , kỳ họp thứ      thông qua ngày      tháng      năm    

 

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Dự thảo luật cảnh vệ sửa đổi 2024

  • Số hiệu: Đang cập nhật
  • Loại văn bản: Luật
  • Ngày ban hành: Đang cập nhật
  • Nơi ban hành: Đang cập nhật
  • Người ký: Đang cập nhật
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản