Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2001/CT-TTg | Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2001 |
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HOÁ NĂM 2002
Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2001 diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nhiều chính sách, biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, quản lý nhập khẩu hiệu quả đã được ban hành và triển khai thực hiện tương đối đồng bộ, góp phần duy trì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, bảo đảm nhu cầu nhập khẩu cho sản xuất hàng hoá trong nước.
Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2001 và năm 2002 sắp tới sẽ còn gặp nhiều khó khăn do nền kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi và còn chịu tác động của sự kiện 11/9 tại Hoa Kỳ; giá nhiều mặt hàng nông sản và dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục giảm sút, gây bất lợi cho nước ta.
Để khắc phục tình hình nêu trên, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2002 tối thiểu là 10% như Nghị quyết số 12/2001/NQ-CP ngày 02 tháng 11 năm 2001 của Chính phủ đã đề ra, thực hiện kiểm soát và hướng nhập khẩu vào phục vụ những nhu cầu cơ bản của nền kinh tế quốc dân, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Bộ và ủy ban nhân dân tỉnh) thực hiện các việc sau đây:
1. Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực sản xuất hàng xuất khẩu và sức cạnh tranh hàng xuất khẩu:
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành hữu quan trình Thủ tướng Chính phủ trong qúy I năm 2002 đề án tăng cường biện pháp khuyến khích đầu tư trong nước, nhằm nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh hàng xuất khẩu, đặc biệt chú trọng những ngành hàng có khả năng tăng trưởng ổn định, những ngành hàng sử dụng nhiều lao động và nguyên liệu trong nước; đề án bổ sung các chính sách ưu đãi khuyến khích đầu tư sản xuất nguồn nguyên liệu, vật tư cho sản xuất hàng xuất khẩu và hàng thay thế hàng nhập khẩu.
b) Các Bộ và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, khi xây dựng phương hướng phát triển ngành và địa phương cũng như khi xem xét phê duyệt các dự án đầu tư sản xuất, cần chú trọng và tạo điều kiện để thúc đẩy đầu tư mới, đầu tư nâng cao năng lực sản xuất hàng xuất khẩu; đặt yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá lên hàng đầu, gắn sản xuất với yêu cầu của thị trường về chất lượng và mẫu mã sản phẩm.
c) Các Bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết phù hợp với đặc điểm của ngành, địa phương để triển khai một cách đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ và Chỉ thị số 19/2001/CT-TTg ngày 28 tháng 8 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thu hút và nâng cao hơn nữa hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài thời kỳ 2001 - 2005.
2. Chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu, phát triển và đa dạng hoá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực:
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo sát việc thực hiện Nghị quyết số 09/2001/NQ-CP ngày 15 tháng 6 năm 2000 của Chính phủ về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với yêu cầu của thị trường đối với từng loại sản phẩm chính; đặc biệt lưu ý các loại nông sản mà thế giới đã có biểu hiện sản xuất thừa, gây tác động bất lợi đến giá cả trong dài hạn.
b) Bộ Thủy sản cần phối hợp và hỗ trợ ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sản xuất thủy sản trong việc nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong những năm tiếp theo. Phải coi việc bảo đảm chất lượng thủy sản xuất khẩu là yêu cầu thường xuyên được đặt ra trong quá trình tổ chức và chỉ đạo sản xuất, phải quan tâm theo dõi thường xuyên để có giải pháp thích hợp kịp thời, nhằm tăng cường uy tín hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới; chú trọng đầu tư công nghệ bảo đảm chất lượng và các giải pháp kiểm soát chất lượng vùng nước nuôi trồng.
c) Bộ Công nghiệp phối hợp với Bộ Thương mại chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, giữ vững thị trường, thị phần xuất khẩu hiện có, chú trọng thâm nhập thị trường mới, kể cả thị trường Mỹ. Cùng với việc tiếp tục phát triển các ngành hàng chủ lực như dệt may, da giày, linh kiện điện tử..., cần tận dụng cơ hội và lợi thế để sản xuất và phát triển những mặt hàng xuất khẩu mới, như thực phẩm chế biến, dầu thực vật, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nhựa, sản phẩm cơ khí, phần mềm....
d) Các ngành dịch vụ tài chính - ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm, du lịch, hàng không, hàng hải ... cần có kế hoạch cụ thể đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ để từng bước tăng dần tỷ lệ đóng góp của khu vực dịch vụ vào thu nhập của nền kinh tế.
a) Bộ Thương mại chủ trì cùng các Bộ, ngành sản xuất phân tích kỹ tình hình và quan hệ buôn bán với từng thị trường, trên cơ sở đó xây dựng đối sách đối với từng thị trường; tổ chức các đoàn liên ngành cùng các doanh nghiệp khảo sát, tìm cơ hội thâm nhập, mở rộng thị trường đối với từng mặt hàng. Văn phòng Chính phủ, Phân ban hợp tác liên Chính phủ đôn đốc các Bộ, ngành hữu quan triển khai, thúc đẩy thực hiện các thoả thuận đã đạt được trong các chuyến thăm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam xuất khẩu một cách ổn định, với số lượng ngày càng tăng.
b) Thực hiện phương châm đa dạng hoá, đa phương hoá thị trường và đối tác; hạn chế việc xuất khẩu một mặt hàng bị phụ thuộc vào một số ít thị trường. Theo hướng đó, cần duy trì và mở rộng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam vào các thị trường sẵn có, đồng thời có biện pháp phù hợp để thâm nhập các thị trường mới; chú trọng các thị trường có khả năng và có dung lượng lớn như Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, đồng thời tìm cách thâm nhập và gia tăng sự hiện diện của hàng hoá Việt Nam ở các thị trường châu Phi, Mỹ La-tinh; mở rộng các hình thức buôn bán biên mậu giữa các địa phương có chung đường biên giới; tăng cường các hình thức buôn bán hàng, đổi hàng; biện pháp thực hiện cân bằng xuất - nhập đối với từng thị trường.
c) Bộ Thương mại chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và ủy ban về người Việt Nam định cư ở nước ngoài xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách bổ sung để khuyến khích mạnh hơn nữa cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào hoạt động thương mại và xúc tiến thương mại, đồng thời mở rộng đầu tư về nước, giới thiệu bạn hàng mua bán cho các doanh nghiệp trong nước và tham gia vào việc phân phối, tiêu thụ hàng Việt Nam tại các nước sở tại.
d) Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại và các Bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, chấn chỉnh hoạt động của các Hiệp hội ngành hàng theo hướng: cơ cấu lại tổ chức, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp lại nhân sự, nhằm thống nhất hoạt động và tăng cường vai trò của Hiệp hội trong việc thúc đẩy xúc tiến thương mại, bảo đảm quyền lợi của các Hội viên và lợi ích quốc gia.
đ) Các Tổng công ty cần chủ động xây dựng các Trung tâm thương mại giới thiệu hàng và bán hàng tại các thị trường chính. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ một phần việc xây dựng các Trung tâm này. Thực hiện thí điểm việc cử Tham tán kinh tế chuyên trách ngành hàng bên cạnh Cơ quan Sứ quán, Cơ quan Đại diện của Việt Nam để tăng cường việc xúc tiến thương mại; chi phí cho hoạt động của Tham tán kinh tế do cơ quan cử người đảm nhiệm. Giao Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại và các Bộ, ngành sản xuất nghiên cứu, bổ sung các Quy chế liên quan để thực hiện.
e) Bộ Thương mại theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường thế giới, kịp thời thông tin cho các Bộ, ngành liên quan và cùng các Bộ, ngành này kịp thời xử lý những tình huống phức tạp nảy sinh; phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành sản xuất trong việc thương lượng với các tổ chức kinh tế quốc tế, các tổ chức quốc gia nhằm loại bỏ các hàng rào kỹ thuật và phi thuế quan bất hợp lý do các tổ chức kinh tế quốc tế và các nước đưa ra để hạn chế hàng xuất khẩu của ta.
4. Chính sách khuyến khích và hỗ trợ xuất khẩu:
a) Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công nghiệp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thương mại, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát lại việc thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xuất khẩu mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành; xác định cụ thể những nguyên nhân làm chậm trễ hoặc cản trở việc thực hiện để xử lý kịp thời, đồng thời kiến nghị bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách, quy định đã có, nhằm khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa hoạt động xuất khẩu; tiếp tục cải cách hành chính tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
b) Các biện pháp hỗ trợ trực tiếp mà Chính phủ đã áp dụng cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2001 tiếp tục được áp dụng trong năm 2002. Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan sơ kết công tác hỗ trợ xuất khẩu trong năm 2001, nêu rõ mặt được và mặt chưa được, từ đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ trong năm 2002 theo hướng: hỗ trợ đầu vào, bảo đảm hiệu quả lâu dài, ưu tiên các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước; thủ tục hỗ trợ phải đơn giản, không gây chậm trễ, phiền hà đối với doanh nghiệp.
c) Tiếp tục thực hiện và mở rộng chế độ thưởng theo kim ngạch xuất khẩu vào tất cả các thị trường và cho tất cả thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đối với các mặt hàng sau: gạo, cà phê, chè, lạc nhân, thịt gia súc, gia cầm các loại, rau quả hộp, rau quả tươi, rau quả khô và sơ chế, hạt tiêu, hạt điều, gốm, sứ, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre lá (không kể số hàng hoá được xuất khẩu theo Hiệp định Chính phủ và xuất khẩu trả nợ).
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban Vật giá Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan quyết định mức thưởng cụ thể đối với từng mặt hàng, công bố công khai và tổ chức thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2002.
d) Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế xuất khẩu các mặt hàng khuyến khích xuất khẩu nêu dưới đây vào tất cả các thị trường, được ưu tiên vay vốn tín dụng ngắn hạn hỗ trợ xuất khẩu theo Quyết định số 133/2001/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu: gạo, cà phê, chè, lạc nhân, thịt gia súc, gia cầm các loại, rau quả hộp, rau quả tươi, rau quả khô và sơ chế, hạt tiêu, hạt điều, thủy sản, gốm, sứ, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre lá, dệt may, giầy dép.
Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể để thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2002.
a) Ưu tiên nhập khẩu vật tư, thiết bị và công nghệ tiên tiến phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; gia tăng sử dụng vật tư, thiết bị trong nước đã sản xuất được để tiết kiệm ngoại tệ và phát triển sản xuất hàng hoá trong nước.
b) Thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa các chương trình đã có về sản xuất nguyên liệu thay thế nhập khẩu, như bông, nguyên liệu thuốc lá, ngô, đậu tương, sữa, da nguyên liệu, đồng thời áp dụng các công cụ thuế mới nhằm giảm kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này; hạn chế tới mức tối đa việc nhập khẩu hàng tiêu dùng; kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu ô tô và linh kiện xe 2 bánh gắn máy để khuyến khích việc sản xuất phụ tùng, linh kiện trong nước.
c) Trong qúy I năm 2002 Bộ Thương mại, Bộ Tài chính cần triển khai ngay một số biện pháp quản lý nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 46/2001/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2001, như áp dụng hạn ngạch thuế quan, thuế tuyệt đối, thuế chống phá giá, thuế chống trợ cấp, phí môi trường ... đối với một số hàng hoá nhập khẩu, để bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo đảm thương mại công bằng và bảo vệ môi trường.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty 91 tổ chức triển khai thực hiện ngay những nội dung của Chỉ thị này.
| Nguyễn Mạnh Cầm (Đã ký)
|
- 1Decision No. 133/2001/QD-TTg of September 10, 2001, promulgating the regulation on export support credit.
- 2Resolution No. 09/2001/NQ-CP of August, 2001, on further attracting and raising the efficiency of foreign direct investment in the 2001-2005 period.
- 3Decision No. 46/2001/QD-TTg of April 04, 2001 on the management of goods export and import in the 2001-2005 period.
Dirrective No. 31/2001/CT-TTg, on raising the efficiency of goods import and export activities in 2002, promulgated by the Prime Minister of Government.
- Số hiệu: 31/2001/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 13/12/2001
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Mạnh Cầm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra