Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 19/CT-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 2015 |
VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH TRIỂN KHAI THI HÀNH LUẬT HỢP TÁC XÃ
Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội đất nước, đặc biệt trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Luật Hợp tác xã 2012 ra đời và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013 đã quy định rõ về bản chất, cơ cấu tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, phân biệt hợp tác xã với các loại hình kinh tế khác. Trong thời gian qua, các Bộ, ngành và các địa phương đã có nhiều nỗ lực nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã phát triển; nhiều mô hình hợp tác xã mới đã hình thành, hoạt động có hiệu quả, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xóa đói, giảm nghèo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai thi hành còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng, tiến độ tổ chức lại hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã còn rất chậm. Một trong những nguyên nhân chính là do việc tổ chức triển khai thực hiện chưa thực sự tích cực; còn nhiều văn bản hướng dẫn dưới luật chậm được ban hành; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hợp tác xã tới các cấp, các ngành, địa phương còn hạn chế; tổ chức quản lý nhà nước về hợp tác xã còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với nhu cầu đổi mới.
Để bảo đảm Luật Hợp tác xã 2012 được triển khai một cách hiệu quả và thực sự phát huy hiệu lực trong thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập trung thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về Hợp tác xã.
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 193/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã về chính sách hỗ trợ đất đai đối với hợp tác xã (theo Khoản 3, Điều 6, Luật Hợp tác xã), chuyển đổi hợp tác xã (theo Điều 62, Luật Hợp tác xã);
b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ về hợp tác xã nông nghiệp;.
c) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản sau đây:
- Quy định về kiểm toán hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (theo Khoản 3, Điều 61 Luật Hợp tác xã);
- Hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chế độ kế toán đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (theo Khoản 4 Điều 22 Nghị định 193/2013/NĐ-CP);
- Quy định bổ sung nhiệm vụ, tăng vốn điều lệ cho Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã để thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ lãi suất đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã (theo Khoản 4 Điều 24 Nghị định 193/2013/NĐ-CP).
d) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu ban hành quy định về tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ mà hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực tín dụng cam kết cung ứng, tiêu thụ cho thành viên, hợp tác xã thành viên cho khách hàng không phải thành viên (theo Khoản 3 Điều 5 Nghị định 193/2013/NĐ-CP);
đ) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ phối hợp xây dựng thông tư liên ngành về các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
e) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ rà soát các quy định hiện hành liên quan đến tổ chức và hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã để ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Luật Hợp tác xã và yêu cầu thực tế nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho hợp tác xã tham gia hoạt động bình đẳng với các loại hình tổ chức kinh tế khác và phát triển bền vững.
2. Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, xây dựng mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực hiện các văn bản pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; chỉ đạo xây dựng mô hình thí điểm và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động có hiệu quả;
b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan biên soạn tài liệu và nội dung tuyên truyền, tập huấn; phát hành phổ biến, xây dựng và nhân rộng các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, trước hết là thí điểm hoàn thiện nhân rộng các mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.
c) Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hợp tác xã bằng nhiều hình thức thích hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng, trước hết là Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam;
d) Liên minh Hợp tác xã Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương áp dụng linh hoạt các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hợp tác xã, mô hình hợp tác xã (tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm tuyên truyền, tổ chức cuộc thi tìm hiểu Luật Hợp tác xã, xây dựng các phóng sự, phim dài tập, mở các chuyên mục về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên các phương tiện thông tin đại chúng); tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến, phát động phong trào thi đua trong các hợp tác xã; tổ chức triển khai có hiệu quả công tác giáo dục pháp luật đối với cán bộ quản lý, thành viên hợp tác xã;
đ) Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể khác tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hợp tác xã; vận động người dân tham gia hợp tác xã; tham gia tư vấn, hỗ trợ thành lập mới hợp tác xã và xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã;
e) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, các cơ quan báo chí tổ chức tốt việc tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật về hợp tác xã cho cơ quan, tổ chức, nhân dân tại địa phương.
3. Thực hiện các đề án, chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
a) Triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015-2020 (Chương trình) đã được phê duyệt tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chương trình; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối vốn đầu tư phát triển để thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan; hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện, tổng hợp nhu cầu, dự toán kinh phí hàng năm và đề xuất chính sách phù hợp để hỗ trợ thực hiện Chương trình;
- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn cụ thể về cơ chế tài chính, hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí của Chương trình; cân đối vốn sự nghiệp từ ngân sách Trung ương để thực hiện Chương trình; hướng dẫn cụ thể về định mức và cơ chế tài chính đối với chính sách hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực hợp tác xã;
- Các Bộ, ngành, địa phương trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch hỗ trợ theo các nội dung của Chương trình; tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể điều kiện, tiêu chí thụ hưởng về chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển kết cấu hạ tầng của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp;
- Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ, chỉ đạo địa phương chuyển đổi hợp tác xã thành lập trước 01 tháng 7 năm 2013 và khuyến khích thành lập mới hợp tác xã trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và tiếp cận với quỹ khuyến công của địa phương;
- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hỗ trợ hợp tác xã trong hoạt động ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho sản phẩm của các hợp tác xã;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam xây dựng kế hoạch và nhu cầu kinh phí để tham gia thực hiện một số nội dung của Chương trình: Tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ thành lập, phát triển hợp tác xã; bồi dưỡng cán bộ, thành viên hợp tác xã; xây dựng mô hình hợp tác xã, xúc tiến thương mại hợp tác xã trong phạm vi đối tượng thành viên của Liên minh Hợp tác xã; hỗ trợ xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh cho cộng đồng thành viên hợp tác xã;
- Các Bộ, ngành có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu và xây dựng kế hoạch hỗ trợ theo các nội dung của Chương trình theo lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành; lập dự toán và tổng hợp chung trong dự toán của ngành, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính tổng hợp theo quy định;
- Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận xây dựng kế hoạch và nhu cầu kinh phí để tham gia thực hiện một số nội dung của Chương trình, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, thành viên về chính sách pháp luật về hợp tác xã; tư vấn, hỗ trợ và vận động quần chúng, hội viên, thành viên tham gia phát triển kinh tế tập thể;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu và xây dựng kế hoạch hỗ trợ theo các nội dung của Chương trình; lập dự toán và tổng hợp chung trong dự toán của tỉnh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ chuyên ngành tổng hợp; tổ chức thực hiện Chương trình, hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Chương trình, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ chuyên ngành để tổng hợp.
b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ nghiên cứu xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình, đề án ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia và hưởng các chính sách hỗ trợ trong lĩnh vực mình phụ trách;
c) Ủy ban nhân dân các cấp căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương để cân đối và bố trí ngân sách địa phương tham gia chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã; tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội.
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và giám sát việc thực hiện Luật Hợp tác xã.
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp có kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; nghiên cứu, kiến nghị biện pháp xử lý và hướng dẫn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, của cá nhân và tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật; giải quyết hoặc hướng dẫn giải quyết những vướng mắc trong việc thực hiện các quy định pháp luật về hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã;
b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng là hợp tác xã nhằm góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng là hợp tác xã; bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng;
c) Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể khác xây dựng chương trình phối hợp thực hiện giám sát thi hành Luật Hợp tác xã;
d) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, hướng dẫn các hợp tác xã tổ chức lại theo Luật Hợp tác xã hoặc chuyển đổi sang hình thức tổ chức khác trước ngày 01 tháng 7 năm 2016; tiến hành giải thể các hợp tác xã không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, không bảo đảm tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác xã trên địa bàn;
a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã; chỉ đạo bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm ở cấp tỉnh và cấp huyện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về hợp tác xã, bảo đảm đủ cán bộ thực hiện việc đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; chỉ đạo và thực hiện chế độ thông tin, báo cáo; theo dõi, giám sát thi hành Luật Hợp tác xã và hướng dẫn thực hiện các chính sách đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã;
b) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ bố trí đủ cán bộ tham mưu, theo dõi, quản lý, giám sát và báo cáo hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong lĩnh vực Bộ, ngành mình được phân công quản lý;
c) Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư điều tra, khảo sát, định kỳ báo cáo số liệu về hợp tác xã cho các cơ quan quản lý Nhà nước và công bố trong niên giám thống kê hàng năm;
d) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì công tác hợp tác quốc tế về phát triển hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu và học tập kinh nghiệm phát triển hợp tác xã trong các lĩnh vực khác nhau trên thế giới; kêu gọi sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế trong hỗ trợ phát triển hợp tác xã; chủ trì hoặc tham gia xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và đánh giá, tổng kết việc thực hiện các chương trình, dự án do các nước, các tổ chức quốc tế trợ giúp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã;
đ) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp cận với thị trường quốc tế, tuân thủ các hiệp định, điều ước quốc tế giữa Việt Nam với các nước để hợp tác xã học tập kinh nghiệm và nhanh chóng hội nhập kinh tế quốc tế.
Yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
- 1Official Dispatch No. 4366/BKHDT-PC dated June 30, 2015, on implementation of the Law on Investment
- 2Law No. 49/2014/QH13 dated June 18, 2014, on public investment
- 3Decree No. 193/2013/ND-CP dated November 21, 2013 elaborating on certain articles of the Law on Cooperatives
- 4Cooperative Law No. 23/2012/QH13 of November 20, 2012
Directive No. 19/CT-TTg dated July 24, 2015, promoting the implementation of the Law on Cooperatives
- Số hiệu: 19/CT-TTg
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 24/07/2015
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra