Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM    

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 01/CT-NHNN

Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 2009

 

CHỈ THỊ

VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐẢM BẢO AN TOÀN, HIỆU QUẢ KINH DOANH CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Trong những tháng đầu năm 2009, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng một cách thận trọng; tổng phương tiện thanh toán, tín dụng đối với nền kinh tế tăng phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ; các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững, giá cả và thị trường tiền tệ tương đối ổn định, khả năng thanh toán của các tổ chức tín dụng được đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, tín dụng có xu hướng tăng cao hơn khả năng huy động vốn, vốn khả dụng của một số tổ chức tín dụng giảm, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ. Để đảm bảo an toàn, hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý và bền vững, chủ động ngăn ngừa lạm phát; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số biện pháp như sau:

1. Đối với các tổ chức tín dụng:

1.1. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp tại Chỉ thị số 06/2008/CT-NHNN ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc thực hiện các giải pháp nhằm góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa, ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và các biện pháp theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong những tháng cuối năm 2009. Căn cứ các thông tin diễn biến khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, diễn biến kinh tế vĩ mô – tiền tệ ở trong nước và các chủ trương, giải pháp điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để dự báo sát tình hình kinh tế, tiền tệ và thực hiện các giải pháp kinh doanh phù hợp, chủ động ngăn ngừa rủi ro kinh doanh.

1.2. Về điều hành và quản trị vốn kinh doanh:

a) Tăng cường huy động vốn ở trong và ngoài nước, mở rộng tín dụng có hiệu quả đối với nền kinh tế; xác định cụ thể dòng tiền đi và về để có biện pháp đảm bảo cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn.

b) Kiểm soát quy mô, cơ cấu tín dụng ngắn hạn, trung và dài hạn, bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ phù hợp với khả năng, kỳ hạn và cơ cấu vốn huy động; duy trì số vốn khả dụng hợp lý để thường xuyên đảm bảo an toàn khả năng thanh toán.

c) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về cơ chế điều hành các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh; chấp hành nghiêm tỷ lệ về khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn theo quy định hiện hành; kịp thời khắc phục tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn. Việc thực hiện giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng nhằm sử dụng vốn có hiệu quả, bù đắp thiếu hụt tạm thời dự trữ bắt buộc và khả năng thanh toán, nhưng không cân đối vốn huy động từ thị trường tiền tệ liên ngân hàng (các khoản tiền gửi, tiền vay …) để cho vay đối với tổ chức, cá nhân và xác định các tỷ lệ an toàn hoạt động kinh doanh.

d) Ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ phù hợp với tình hình cung – cầu vốn thị trường, quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cơ chế điều hành lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam, có chênh lệch lãi suất ở mức hợp lý; việc áp dụng các hình thức khuyến mãi trong huy động vốn phải tuân thủ theo quy định của pháp luật.

đ) Thực hiện nghiêm các quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tỷ giá và quản lý ngoại hối.

1.3. Về hoạt động tín dụng:

a) Tập trung triển khai có hiệu quả việc thực hiện các cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành có liên quan.

b) Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đi đôi với mở rộng tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các nhu cầu vay vốn để sản xuất – kinh doanh, cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông thôn và các dự án lớn, trọng điểm của Nhà nước; kiểm soát chặt chẽ cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán, cho vay tiêu dùng.

c) Thực hiện đúng quy định của pháp luật về cho vay, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng; nghiêm cấm nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng;

d) Đối với cho vay bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn của doanh nghiệp có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ: Kiểm soát chặt chẽ và thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với các khoản cho vay này; xác định thời hạn cho vay phù hợp với khoảng thời gian của một chu kỳ sản xuất – kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án đầu tư; trong hợp đồng tín dụng có thỏa thuận với khách hàng vay việc trả nợ tiền vay ngay khi khách hàng nhận được ngoại tệ thanh toán từ nước ngoài.

2. Đối với các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

2.1. Các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước, theo chức năng và nhiệm vụ của mình, tham mưu cho Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện các biện pháp:

a) Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, tín dụng và tỷ giá nhằm ổn định lãi suất, tỷ giá, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng ở mức hợp lý.

b) Tăng cường thanh tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng; trong đó, nhiệm vụ trọng tâm trong những tháng cuối năm 2009 là công tác thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về cho vay hỗ trợ lãi suất, chất lượng và mục đích sử dụng vốn vay, quản lý ngoại hối.

c) Thực hiện các biện pháp, công việc quy định tại Quyết định số 342/QĐ-NHNN ngày 19 tháng 02 năm 2009 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2009, Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11 tháng 12 năm 2008 và Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.

2.2. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát và thanh tra hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố theo chương trình thanh tra năm 2009.

3. Tổ chức thực hiện:

3.1. Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

3.2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3.2 khoản 3;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng (để báo cáo);
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lưu: VP, Vụ CSTT.

THỐNG ĐỐC




Nguyễn Văn Giàu

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Directive No. 01/CT-NHNN of May 22nd, 2009, on several measures of ensuring the prudential, effective business operation of credit institutions.

  • Số hiệu: 01/CT-NHNN
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 22/05/2009
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Văn Giàu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/05/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản