Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 69/2018/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2018

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT QUẢN LÝ NGOẠI THƯƠNG

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật thương mại ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật đầu tư ngày 26 tháng 11 năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số Điều của Luật Quản lý ngoại thương.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật thương mại và Luật Quản lý ngoại thương về:

a) Hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế được thực hiện dưới các hình thức xuất khẩu, nhập khẩu; tạm nhập, tái xuất; tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu; quá cảnh và các hoạt động khác có liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định của pháp luật và Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

b) Giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

2. Hàng hóa là tài sản di chuyển; hành lý cá nhân; hàng hóa phục vụ nhu cầu của cá nhân có thân phận ngoại giao; quà biếu, quà tặng, hàng mẫu thực hiện theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan quản lý nhà nước.

2. Thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương.

3. Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.

Chương II

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU

Điều 3. Quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu

1. Thương nhân Việt Nam không là tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu và thực hiện các hoạt động khác có liên quan không phụ thuộc vào ngành, nghề đăng ký kinh doanh, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu theo quy định tại Nghị định này; hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu khác theo quy định của pháp luật; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Chi nhánh của thương nhân Việt Nam được thực hiện hoạt động ngoại thương theo ủy quyền của thương nhân.

2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam khi tiến hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này phải thực hiện các cam kết của Việt Nam trong các Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Danh mục hàng hóa và lộ trình do Bộ Công Thương công bố, đồng thời thực hiện các quy định tại Nghị định này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

3. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân nước ngoài không có hiện diện tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thuộc các nước, vùng lãnh thổ là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới và các nước có thỏa thuận song phương với Việt Nam thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 4. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu

1. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan.

2. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều kiện, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật.

3. Đối với hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra theo quy định tại Điều 65 Luật Quản lý ngoại thương, thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải chịu sự kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật.

4. Đối với hàng hóa không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều này, thương nhân chỉ phải giải quyết thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu tại cơ quan hải quan.

Điều 5. Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu

1. Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu thực hiện theo quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành và Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu quy định tại Phụ lục I Nghị định này.

2. Căn cứ Phụ lục I Nghị định này, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu kèm theo mã số hàng hóa (mã HS) trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương về Danh mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài chính về mã HS.

3. Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cho phép xuất khẩu hàng hóa cấm xuất khẩu; cho phép nhập khẩu hàng hóa cấm nhập khẩu nhằm phục vụ mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Điều 6. Chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu

1. Ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo phương thức chỉ định thương nhân quy định tại Phụ lục II Nghị định này.

2. Việc chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện theo quy định của các cơ quan có thẩm quyền quy định tại Phụ lục II Nghị định này.

Điều 7. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện

1. Ban hành Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện tại Phụ lục III Nghị định này.

2. Căn cứ Phụ lục III Nghị định này, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết hàng hóa kèm theo mã HS trên cơ sở trao đổi, thống nhất với Bộ Công Thương về Danh mục hàng hóa và thống nhất với Bộ Tài chính về mã HS.

3. Căn cứ Phụ lục III Nghị định này, các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chi tiết về việc cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu phù hợp với quy định pháp luật và thực hiện việc cấp phép theo quy định.

4. Căn cứ mục tiêu điều hành trong từng thời kỳ, Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc áp dụng Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số loại hàng hóa.

Điều 8. Một số mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định riêng

1. Tái xuất khẩu các loại vật tư nhập khẩu chủ yếu mà Nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ để nhập khẩu: Các mặt hàng nhập khẩu mà Nhà nước bảo đảm cân đối ngoại tệ cho nhu cầu nhập khẩu chỉ được tái xuất khẩu thu bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc theo giấy phép của Bộ Công Thương. Bộ Công Thương công bố danh mục hàng hóa tái xuất theo giấy phép cho từng thời kỳ và tổ chức thực hiện.

2. Bộ Công Thương hướng dẫn cụ thể việc nhập khẩu gỗ các loại từ các nước có chung đường biên giới phù hợp với pháp luật Việt Nam và các nước cũng như các thỏa thuận có liên quan của Việt Nam với các nước hoặc văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

3. Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phục vụ quốc phòng, an ninh, thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Quốc phòng, Công an quy định việc cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu.

4. Việc nhập khẩu hàng hóa có ảnh hưởng trực tiếp đến quốc phòng, an ninh thuộc Danh mục quy định tại Phụ lục IV Nghị định này nhưng không phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh thực hiện theo giấy phép của Bộ Công Thương trên cơ sở ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

5. Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 9. Hồ sơ, quy trình cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu

Hồ sơ, quy trình cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Khoản 3 Điều 7, Khoản 4 Điều 8 Nghị định này và Khoản 1 Điều 14 Luật Quản lý ngoại thương thực hiện như sau:

1. Hồ sơ cấp giấy phép gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép của thương nhân: 1 bản chính.

b) Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

c) Các giấy tờ, tài liệu liên quan theo quy định của pháp luật.

2. Quy trình cấp giấy phép thực hiện như sau:

a) Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép.

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định hoặc cần bổ sung tài liệu giải trình, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, bộ, cơ quan ngang bộ thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

c) Trừ trường hợp pháp luật có quy định khác về thời hạn cấp giấy phép, trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời thương nhân.

d) Trường hợp pháp luật có quy định về việc bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền cấp giấy phép phải trao đổi ý kiến với các cơ quan liên quan, thời hạn xử lý hồ sơ tính từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của cơ quan liên quan.

đ) Việc cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép, cấp lại giấy phép do mất, thất lạc thực hiện theo nguyên tắc sau:

- Thương nhân chỉ phải nộp các giấy tờ liên quan đến nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

- Thời gian cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại không dài hơn thời gian cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu.

- Trường hợp từ chối sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy phép, bộ, cơ quan ngang bộ có văn bản trả lời, nêu rõ lý do.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ quy định tại Nghị định và quy định pháp luật có liên quan ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định chi tiết về hồ sơ cấp giấy phép và công bố cơ quan, tổ chức, địa chỉ tiếp nhận hồ sơ cấp giấy phép của thương nhân.

Điều 10. Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa nhập khẩu

1. Ban hành Danh mục hàng hóa và thẩm quyền quản lý CFS quy định tại Phụ lục V Nghị định này.

2. Căn cứ yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ và trong phạm vi Danh mục hàng hóa quy định tại Khoản 1 Điều này, các bộ, cơ quan ngang bộ công bố chi tiết Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải nộp CFS kèm theo mã HS hàng hóa.

3. CFS phải có tối thiểu các thông tin sau:

a) Tên cơ quan, tổ chức cấp CFS.

b) Số, ngày cấp CFS.

c) Tên sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.

d) Loại hoặc nhóm sản phẩm, hàng hóa được cấp CFS.

đ) Tên và địa chỉ của nhà sản xuất.

e) Trên CFS phải ghi rõ là sản phẩm, hàng hóa được sản xuất và được phép bán tự do tại thị trường của nước sản xuất hoặc nước cấp CFS.

g) Họ tên, chữ ký của người ký CFS và dấu của cơ quan, tổ chức cấp CFS.

4. Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý quy định cụ thể trường hợp CFS được áp dụng cho nhiều lô hàng.

5. Trường hợp có yêu cầu của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý, CFS phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc trên cơ sở có đi có lại.

6. Trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của CFS hoặc hàng hóa nhập khẩu không phù hợp với nội dung CFS, cơ quan có thẩm quyền gửi yêu cầu kiểm tra, xác minh tới cơ quan, tổ chức cấp CFS.

Điều 11. CFS đối với hàng hóa xuất khẩu

1. Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý thực hiện cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu theo các quy định sau:

a) Có yêu cầu của thương nhân xuất khẩu về việc cấp CFS cho hàng hóa.

b) Hàng hóa có tiêu chuẩn công bố áp dụng phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

2. CFS đối với hàng hóa xuất khẩu thể hiện bằng ngôn ngữ tiếng Anh và phải có tối thiểu các thông tin quy định tại Khoản 3 Điều 10 Nghị định này.

Trường hợp nước nhập khẩu yêu cầu thương nhân nộp CFS theo mẫu CFS do nước đó quy định, cơ quan cấp CFS dựa trên mẫu được yêu cầu để cấp CFS.

3. Quy trình cấp CFS đối với hàng hóa xuất khẩu

a) Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến cơ quan cấp CFS, hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp CFS nêu rõ tên hàng, mã HS của hàng hóa, số chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc số đăng ký, số hiệu tiêu chuẩn (nếu có), thành phần hàm lượng hợp chất (nếu có), nước nhập khẩu hàng hóa: 1 bản chính, thể hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

- Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

- Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có), bao gồm tên, địa chỉ của cơ sở, các mặt hàng sản xuất để xuất khẩu: 1 bản chính.

- Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo cách thể hiện (trên nhãn hàng hóa hoặc trên bao bì hàng hóa hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm, hàng hóa): 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp CFS thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

c) Thời hạn cấp CFS không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày thương nhân nộp hồ sơ đầy đủ, đúng quy định. Trường hợp không cấp CFS, cơ quan cấp CFS có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

d) Cơ quan cấp CFS có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất trường hợp nhận thấy việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ để cấp CFS hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm quy định đối với CFS đã cấp trước đó.

đ) Số lượng CFS được cấp cho hàng hóa theo yêu cầu của thương nhân.

e) Trường hợp bổ sung, sửa đổi CFS; cấp lại do mất, thất lạc CFS, thương nhân gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến cơ quan cấp CFS. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, cơ quan cấp CFS xem xét điều chỉnh, cấp lại CFS cho thương nhân.

4. Bộ, cơ quan ngang bộ thu hồi CFS đã cấp trong những trường hợp sau:

a) Thương nhân xuất khẩu giả mạo chứng từ, tài liệu.

b) CFS được cấp cho hàng hóa mà không phù hợp các tiêu chuẩn công bố áp dụng.

Chương III

TẠM NHẬP, TÁI XUẤT, TẠM XUẤT, TÁI NHẬP, CHUYỂN KHẨU HÀNG HÓA

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 12. Cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu; tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu

1. Ban hành Danh mục hàng hóa cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu tại Phụ lục VI Nghị định này.

2. Danh mục hàng hóa quy định tại Khoản 1 Điều này không áp dụng đối với trường hợp hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu theo hình thức hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, không qua cửa khẩu Việt Nam.

3. Trong trường hợp để ngăn ngừa tình trạng gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, chuyển tải bất hợp pháp, nguy cơ gian lận thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định cụ thể hàng hóa tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu và công bố công khai Danh mục kèm theo mã HS hàng hóa.

Điều 13. Kinh doanh tạm nhập, tái xuất

1. Thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh theo các quy định sau:

a) Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, thương nhân phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Mục 2 Chương này.

b) Hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.

c) Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan.

2. Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, chỉ được thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo quy định tại Điều 15 Nghị định này, không được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

3. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi tạm nhập cho tới khi hàng hóa thực tái xuất ra khỏi Việt Nam. Không chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ trong suốt quá trình vận chuyển hàng hóa từ cửa khẩu tạm nhập đến khu vực chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, địa điểm tái xuất thuộc cửa khẩu, lối mở biên giới theo quy định.

Trường hợp do yêu cầu vận chuyển cần phải thay đổi hoặc chia nhỏ hàng hóa vận chuyển bằng công-ten-nơ để tái xuất thì thực hiện theo quy định của cơ quan hải quan.

4. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất được lưu lại tại Việt Nam không quá 60 ngày, kể từ ngày hoàn thành thủ tục hải quan tạm nhập. Trường hợp cần kéo dài thời hạn, thương nhân có văn bản đề nghị gia hạn gửi Chi cục Hải quan nơi thực hiện thủ tục tạm nhập; thời hạn gia hạn mỗi lần không quá 30 ngày và không quá hai 2 lần gia hạn cho mỗi lô hàng tạm nhập, tái xuất.

Quá thời hạn nêu trên, thương nhân phải tái xuất hàng hóa ra khỏi Việt Nam hoặc tiêu hủy. Trường hợp nhập khẩu vào Việt Nam thì thương nhân phải tuân thủ các quy định về quản lý nhập khẩu hàng hóa và thuế.

5. Kinh doanh tạm nhập, tái xuất được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng xuất khẩu và hợp đồng nhập khẩu ký với thương nhân nước xuất khẩu và nước nhập khẩu. Hợp đồng xuất khẩu có thể ký trước hoặc sau hợp đồng nhập khẩu.

6. Việc thanh toán tiền hàng theo phương thức tạm nhập, tái xuất phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 14. Điều tiết hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất

1. Trường hợp hàng hóa bị ách tắc trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp giải tỏa, điều tiết trên địa bàn và phối hợp với cơ quan hải quan cửa khẩu tạm nhập có biện pháp điều tiết lượng hàng tạm nhập từ cửa khẩu tạm nhập đến cửa khẩu tái xuất.

2. Sau khi đã áp dụng biện pháp giải tỏa, điều tiết hàng hóa nêu tại Khoản 1 Điều này nhưng tình trạng ách tắc hàng hóa tạm nhập, tái xuất vẫn chưa được giải tỏa tại cảng, cửa khẩu hoặc trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Tổng cục Hải quan và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện việc điều tiết hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất bằng các biện pháp sau:

a) Có văn bản yêu cầu thương nhân tạm ngừng đưa hàng hóa tạm nhập, tái xuất về Việt Nam.

b) Tạm dừng cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với hàng hóa quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định này.

Điều 15. Các hình thức tạm nhập, tái xuất khác

1. Trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân được tạm nhập hàng hóa vào Việt Nam theo hợp đồng ký với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, thuê, mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác trong một khoảng thời gian nhất định rồi tái xuất chính hàng hóa đó ra khỏi Việt Nam theo các quy định sau:

a) Đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất. Hồ sơ, quy trình cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.

Riêng đối với hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam, Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất trên cơ sở văn bản chấp thuận của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý hàng hóa đó.

b) Hàng hóa quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này khi sử dụng tại Việt Nam phải tuân thủ quy định của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý.

c) Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

2. Thương nhân được tạm nhập hàng hóa mà thương nhân đã xuất khẩu để tái chế, bảo hành theo yêu cầu của thương nhân nước ngoài và tái xuất khẩu trả lại thương nhân nước ngoài. Thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

3. Tạm nhập, tái xuất hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại

a) Thương nhân được tạm nhập hàng hóa để trưng bày, giới thiệu, tham gia hội chợ, triển lãm thương mại, trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

b) Thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

c) Thương nhân đảm bảo tuân thủ các quy định về trưng bày, giới thiệu hàng hóa, hội chợ, triển lãm thương mại quy định tại Mục 3, Mục 4 Chương IV Luật thương mại.

4. Trừ trường hợp hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, thương nhân thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất trong các trường hợp sau đây tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất:

a) Tạm nhập hàng hóa để phục vụ đo kiểm, khảo nghiệm.

b) Tạm nhập tái xuất linh kiện, phụ tùng tạm nhập không có hợp đồng để phục vụ thay thế, sửa chữa tàu biển, tàu bay nước ngoài; linh kiện, phụ tùng tạm nhập để sửa chữa tàu biển, tàu bay theo hợp đồng ký giữa chủ tàu nước ngoài với nhà máy sửa chữa tại Việt Nam.

c) Tạm nhập tái xuất phương tiện chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo phương thức quay vòng.

5. Đối với việc tạm nhập, tái xuất máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh của các tổ chức nước ngoài để khám, chữa bệnh tại Việt Nam vì mục đích nhân đạo; tạm nhập, tái xuất dụng cụ biểu diễn, trang thiết bị tập luyện, thi đấu của các đoàn nghệ thuật, đoàn thi đấu, biểu diễn thể thao, thủ tục tạm nhập, tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm nhập, tái xuất.

Trường hợp máy móc, trang thiết bị, dụng cụ khám chữa bệnh; dụng cụ biểu diễn, trang thiết bị tập luyện, thi đấu thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu hoặc hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, điều kiện, khi thực hiện thủ tục tạm nhập, tái xuất, ngoài hồ sơ hải quan theo quy định, cần nộp bổ sung các giấy tờ sau:

a) Văn bản của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về việc cho phép tiếp nhận đoàn khám chữa bệnh hoặc tổ chức sự kiện.

b) Văn bản cam kết sử dụng đúng mục đích và theo quy định pháp luật của cơ quan, tổ chức được cho phép tiếp nhận đoàn khám chữa bệnh hoặc tổ chức sự kiện.

6. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, cho phép tạm nhập, tái xuất vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, an ninh phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Điều 16. Cửa khẩu tạm nhập, tái xuất hàng hóa

1. Hàng hóa tạm nhập, tái xuất được tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.

2. Việc tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới thực hiện như sau:

a) Việc tái xuất chỉ được thực hiện qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ ngoài khu kinh tế cửa khẩu đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước. Các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới này được Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới công bố đủ điều kiện tái xuất hàng hóa sau khi đã trao đổi, thống nhất với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới căn cứ điều kiện cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này và căn cứ năng lực bốc xếp, giao nhận hàng hóa tại cửa khẩu phụ, lối mở biên giới để ban hành Quy chế lựa chọn thương nhân được phép tái xuất hàng hóa tạm nhập, tái xuất có điều kiện quy định tại Điều 21 Nghị định này và hàng hóa tạm nhập, tái xuất theo Giấy phép quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định này.

c) Đối với hàng hóa không thuộc đối tượng quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này, thương nhân được phép tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đã được công bố đủ điều kiện tái xuất hàng hóa. Thủ tục tái xuất thực hiện tại cơ quan hải quan.

3. Hồ sơ, quy trình lựa chọn thương nhân theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này được thực hiện như sau:

a) Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Sở Công Thương tỉnh biên giới nơi có cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đăng ký tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới, nêu rõ loại hàng hóa và cửa khẩu, lối mở đề nghị tái xuất: 1 bản chính.

- Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

- Các giấy tờ, tài liệu liên quan khác theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới (nếu có).

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Công Thương tỉnh biên giới gửi văn bản thông báo để thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

c) Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Sở Công Thương trình Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới danh sách thương nhân đáp ứng đủ điều kiện để thực hiện tái xuất hàng hóa qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới.

d) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị của Sở Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới công bố danh sách thương nhân được phép tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới. Trường hợp từ chối lựa chọn thương nhân, Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

đ) Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới thông báo danh sách thương nhân được phép tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới về Bộ Công Thương để phối hợp điều hành.

e) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới tổ chức thực hiện và quản lý chặt chẽ hoạt động tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới theo quy định tại Điều này, không để xảy ra buôn lậu, thẩm lậu. Nếu xảy ra tình trạng buôn lậu, thẩm lậu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và hoạt động tái xuất qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trên địa bàn bị đình chỉ.

g) Hàng năm, Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới kiểm tra, rà soát tình hình tuân thủ quy định pháp luật của thương nhân để điều chỉnh, bổ sung hoặc đưa các thương nhân vi phạm quy định trong hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa ra khỏi danh sách; tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương để phối hợp điều hành.

4. Việc tạm nhập, tái xuất qua các cửa khẩu, địa điểm khác thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

5. Trường hợp hàng hóa nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới thì cửa khẩu tạm nhập để gửi kho ngoại quan và cửa khẩu xuất khẩu, tái xuất hàng hóa qua các tỉnh biên giới thực hiện theo quy định tại Điều này.

Điều 17. Tạm xuất, tái nhập

1. Thương nhân được tạm xuất, tái nhập hàng hóa để sản xuất, thi công, cho thuê, cho mượn hoặc để sử dụng vì mục đích khác theo các quy định sau:

a) Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm xuất, tái nhập. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.

b) Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm xuất, tái nhập tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm xuất, tái nhập.

2. Thương nhân được tạm xuất, tái nhập hàng hóa còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu hoặc theo hợp đồng, thỏa thuận bảo hành ký với nước ngoài để phục vụ mục đích bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa. Thủ tục tạm xuất, tái nhập thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm xuất, tái nhập.

3. Trường hợp hàng hóa không còn trong thời hạn bảo hành theo hợp đồng nhập khẩu hoặc theo hợp đồng, thỏa thuận bảo hành, việc tạm xuất, tái nhập ra nước ngoài để bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa thực hiện theo quy định sau:

a) Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép tạm xuất, tái nhập. Hồ sơ, thủ tục cấp Giấy phép quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.

b) Hàng tiêu dùng đã qua sử dụng; linh kiện, phụ tùng đã qua sử dụng thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu không được phép tạm xuất ra nước ngoài để bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa.

c) Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản này, thương nhân thực hiện thủ tục tạm xuất, tái nhập tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm xuất, tái nhập.

4. Thương nhân được tạm xuất, tái nhập hàng hóa ra nước ngoài để tham dự hội chợ, triển lãm thương mại. Thủ tục tạm xuất, tái nhập thực hiện tại cơ quan hải quan, không phải có Giấy phép tạm xuất, tái nhập.

Riêng hàng hóa cấm xuất khẩu chỉ được tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài khi được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

5. Việc đưa di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài để trưng bày, triển lãm, nghiên cứu hoặc bảo quản thực hiện theo quy định của Luật di sản văn hóa.

6. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xem xét, cho phép tạm xuất, tái nhập vũ khí, khí tài, trang thiết bị quân sự, an ninh để sửa chữa phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh.

Điều 18. Kinh doanh chuyển khẩu

1. Thương nhân Việt Nam được quyền kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa theo quy định sau:

a) Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam; hàng hóa thuộc diện quản lý bằng biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, hạn ngạch thuế quan, giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, trừ trường hợp Giấy phép xuất khẩu tự động, Giấy phép nhập khẩu tự động, thương nhân phải được Bộ Công Thương cấp Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu. Trường hợp kinh doanh chuyển khẩu theo hình thức hàng hóa được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, không qua cửa khẩu Việt Nam, thương nhân không phải có Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu.

b) Trường hợp hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này, thương nhân không phải có Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu của Bộ Công Thương.

2. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thực hiện hoạt động kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa.

3. Chuyển khẩu hàng hóa được thực hiện trên cơ sở hai hợp đồng riêng biệt: Hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng do doanh nghiệp ký với thương nhân nước ngoài. Hợp đồng mua hàng có thể ký trước hoặc sau hợp đồng bán hàng,

4. Hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu phải được đưa vào, đưa ra khỏi Việt Nam tại cùng một khu vực cửa khẩu và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan từ khi đưa vào Việt Nam cho tới khi được đưa ra khỏi Việt Nam.

5. Việc thanh toán tiền hàng kinh doanh chuyển khẩu phải tuân thủ các quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 19. Hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất; Giấy phép tạm nhập, tái xuất; Giấy phép tạm xuất, tái nhập; Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu

1. Trường hợp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 13 Nghị định này, hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất, nêu rõ hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất (tên hàng, mã HS hàng hóa, số lượng, trị giá); cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu: 1 bản chính.

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

c) Hợp đồng nhập khẩu và hợp đồng xuất khẩu do doanh nghiệp ký với khách hàng nước ngoài: Mỗi loại 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

d) Báo cáo tình hình thực hiện Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất đã được cấp, nêu rõ số lượng hàng hóa đã tạm nhập, số lượng hàng hóa đã thực xuất: 1 bản chính.

2. Trường hợp tạm nhập, tái xuất hàng hóa theo hình thức khác quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định này, hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép tạm nhập, tái xuất, nêu rõ hàng hóa tạm nhập, tái xuất (tên hàng, mã HS, số lượng, trị giá); mục đích tạm nhập, tái xuất; cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu: 1 bản chính.

b) Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

c) Hợp đồng, thỏa thuận thuê, mượn ký với khách hàng nước ngoài: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

3. Trường hợp tạm xuất, tái nhập hàng hóa quy định tại Điểm a Khoản 1 và Điểm a Khoản 3 Điều 17 Nghị định này, hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép tạm xuất, tái nhập, nêu rõ hàng hóa tạm xuất, tái nhập (tên hàng, mã HS, số lượng, trị giá); mục đích tạm xuất, tái nhập; cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu: 1 bản chính.

b) Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

c) Hợp đồng, thỏa thuận sửa chữa, bảo hành của đối tác nước ngoài hoặc hợp đồng, thỏa thuận cho thuê, mượn hàng hóa: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

4. Trường hợp kinh doanh chuyển khẩu hàng hóa quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 18 Nghị định này, hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu, nêu rõ hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu (tên hàng, mã HS, số lượng, trị giá); cửa khẩu nhập khẩu, xuất khẩu: 1 bản chính.

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

c) Hợp đồng mua hàng và hợp đồng bán hàng do thương nhân ký với khách hàng nước ngoài: Mỗi loại 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

d) Báo cáo tình hình thực hiện Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu đã được cấp, nêu rõ số lượng hàng hóa đã đưa vào, đưa ra khỏi Việt Nam: 1 bản chính.

Điều 20. Quy trình cấp Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất; Giấy phép tạm nhập, tái xuất; Giấy phép tạm xuất, tái nhập; Giấy phép kinh doanh chuyển khẩu

1. Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ quy định tại Điều 19 Nghị định này trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương.

2. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của thương nhân, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương cấp Giấy phép cho thương nhân. Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Riêng đối với Giấy phép tạm nhập, tái xuất hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 15 Nghị định này, thời hạn cấp Giấy phép là 3 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Công Thương nhận được văn bản đồng ý việc tạm nhập, tái xuất của bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý hàng hóa đó.

4. Trường hợp bổ sung, sửa đổi Giấy phép; cấp lại do mất, thất lạc Giấy phép, thương nhân gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, cấp lại Giấp phép cho thương nhân.

Mục 2. KINH DOANH TẠM NHẬP TÁI XUẤT CÓ ĐIỀU KIỆN

Điều 21. Danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện

Ban hành kèm theo Nghị định này các Danh mục hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện sau:

1. Danh mục hàng thực phẩm đông lạnh kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, quy định tại Phụ lục VII Nghị định này.

2. Danh mục hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện, quy định tại Phụ lục VIII Nghị định này.

3. Danh mục hàng hóa đã qua sử dụng kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện quy định tại Phụ lục IX Nghị định này.

Điều 22. Một số quy định riêng đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện

1. Thương nhân Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp) được thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện khi đáp ứng các quy định tại Điều 23 hoặc Điều 24 hoặc Điều 25 Nghị định này và được Bộ Công Thương cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa.

2. Ngoài việc tuân thủ quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất tại Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 16 Nghị định này, doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện phải thực hiện các quy định sau:

a) Doanh nghiệp không được ủy thác hoặc nhận ủy thác tạm nhập, tái xuất hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện.

b) Doanh nghiệp không được chuyển loại hình từ kinh doanh tạm nhập, tái xuất sang nhập khẩu để tiêu thụ nội địa đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện.

c) Vận đơn đường biển đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện được quy định như sau:

- Vận đơn phải là vận đơn đích danh, không được chuyển nhượng.

- Trên vận đơn phải ghi số Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất của doanh nghiệp.

- Đối với hàng hóa đã qua sử dụng thuộc Phụ lục IX Nghị định này, trên vận đơn phải ghi số Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất do Bộ Công Thương cấp.

Điều 23. Điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh

Doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh thuộc Phụ lục VII Nghị định này phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Có số tiền ký quỹ là 10 tỷ đồng Việt Nam nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp có kho, bãi theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

2. Có kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh, cụ thể:

a) Kho, bãi có sức chứa tối thiểu là 100 công-ten-nơ lạnh loại 40 feet, diện tích tối thiểu là 1.500 m2. Kho, bãi được ngăn cách với bên ngoài bằng hàng rào cứng, được xây dựng với chiều cao tối thiểu là 2,5 m; có đường dành cho xe chở công-ten-nơ di chuyển ra vào kho, bãi; có cổng ra vào và biển hiệu của doanh nghiệp sử dụng kho, bãi.

b) Kho, bãi có đủ nguồn điện (gồm điện lưới và máy phát điện dự phòng có công suất tương đương) và các thiết bị chuyên dùng kèm theo để vận hành các công-ten-nơ lạnh theo sức chứa của kho, bãi.

c) Kho, bãi phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê; phải nằm trong khu vực quy hoạch hệ thống kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh hoặc trong khu vực do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quy định sau khi thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính và Bộ Công Thương.

Điều 24. Điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt

Doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc Phụ lục VIII Nghị định này phải có số tiền ký quỹ là 7 tỷ đồng Việt Nam nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Điều 25. Điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng

Doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng thuộc Phụ lục IX Nghị định này phải có số tiền ký quỹ là 7 tỷ đồng Việt Nam nộp tại tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Điều 26. Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất

1. Bộ Công Thương cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa khi doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 23 hoặc Điều 24 hoặc Điều 25 Nghị định này.

2. Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Điều này là Mã số riêng đối với từng nhóm hàng hóa. Doanh nghiệp được cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất nhóm hàng hóa nào thì được kinh doanh tạm nhập, tái xuất các mặt hàng thuộc phạm vi của nhóm hàng hóa đó.

3. Đối với kho, bãi đã được kê khai để chứng minh việc đáp ứng điều kiện kinh doanh và để được cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, doanh nghiệp không được cho doanh nghiệp khác thuê lại để sử dụng vào mục đích xin cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh.

4. Trường hợp hàng hóa nước ngoài gửi vào kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các tỉnh biên giới phía Bắc thì chỉ doanh nghiệp có Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất của nhóm hàng hóa đó mới được đứng tên trên tờ khai nhập kho ngoại quan và tờ khai xuất kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất. Hàng hóa gửi tại kho ngoại quan thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.

5. Hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục VII, VIII, IX Nghị định này, trong đó doanh nghiệp không thực hiện tái xuất qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc không thuộc loại hình kinh doanh tạm nhập, tái xuất có điều kiện và không phải có Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Trong trường hợp cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ áp dụng quy định về cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất đối với trường hợp doanh nghiệp thực hiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất, gửi kho ngoại quan để xuất khẩu, tái xuất qua các cửa khẩu biên giới không thuộc phía Bắc.

Điều 27. Hồ sơ, quy trình cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất

1. Doanh nghiệp gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất: 1 bản chính.

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp.

c) Văn bản của tổ chức tín dụng xác nhận về việc doanh nghiệp nộp số tiền ký quỹ theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 hoặc Điều 24 hoặc Điều 25 Nghị định này: 1 bản chính.

d) Tài liệu chứng minh doanh nghiệp sở hữu kho, bãi hoặc hợp đồng thuê kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 Nghị định này: 1 bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp.

đ) Văn bản của cơ quan điện lực nơi doanh nghiệp có kho, bãi xác nhận về việc kho, bãi có đủ nguồn điện lưới để vận hành các công-ten-nơ lạnh theo sức chứa: 1 bản chính.

Trường hợp doanh nghiệp xin cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc hàng hóa đã qua sử dụng thì không phải nộp các giấy tờ nêu tại Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều này.

2. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.

3. Đối với Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có kho, bãi kiểm tra, xác nhận điều kiện về kho, bãi. Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả kiểm tra điều kiện kho, bãi, Bộ Công Thương xem xét cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh cho doanh nghiệp.

Đối với Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa có thuế tiêu thụ đặc biệt và Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa đã qua sử dụng, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất cho doanh nghiệp.

Trường hợp không cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, Bộ Công Thương trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trường hợp bổ sung, sửa đổi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, cấp lại do mất, thất lạc Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất, doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, cấp lại Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất cho doanh nghiệp.

5. Trường hợp phải xác minh các tài liệu, giấy tờ liên quan trong hồ sơ đề nghị cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất của doanh nghiệp, thời gian xử lý hồ sơ quy định tại Khoản 3 và Khoản 4 Điều này tính từ thời điểm Bộ Công Thương nhận được văn bản trả lời của các cơ quan liên quan đối với việc xác minh.

Điều 28. Thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất

1. Bộ Công Thương thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo đề nghị của doanh nghiệp trên cơ sở xác nhận của các cơ quan liên quan về các nội dung sau:

a) Doanh nghiệp đã tái xuất hết hàng hóa tạm nhập ra khỏi Việt Nam.

b) Hoàn thành nghĩa vụ phát sinh trong quá trình vận chuyển, lưu giữ hàng hóa tạm nhập, tái xuất theo quy định của Nghị định này (nếu có).

2. Bộ Công Thương thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất khi doanh nghiệp có vi phạm trong các trường hợp sau:

a) Gian lận trong việc kê khai các điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

b) Không duy trì điều kiện theo quy định tại Nghị định này trong quá trình sử dụng Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

c) Không nộp bổ sung đủ số tiền ký quỹ trong vòng 30 ngày kể từ ngày Bộ Công Thương có thông báo theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định này.

d) Không thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền về điều tiết hàng hóa tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

đ) Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa mà không có Giấy phép kinh doanh tạm nhập, tái xuất do Bộ Công Thương cấp theo quy định.

e) Kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc diện cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất, tạm ngừng kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

g) Từ chối trách nhiệm xử lý đối với những lô hàng đã về đến cảng, cửa khẩu Việt Nam theo hợp đồng nhập khẩu đã ký.

h) Tự ý chuyển tiêu thụ nội địa hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

i) Tự ý phá mở niêm phong hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

3. Doanh nghiệp bị thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, h, i Khoản 2 Điều này không được cấp lại Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong vòng 2 năm kể từ ngày bị thu hồi.

4. Doanh nghiệp bị thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Điểm e, g Khoản 2 Điều này không được xem xét cấp lại Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

Điều 29. Đình chỉ tạm thời hiệu lực Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất

1. Bộ Công Thương xem xét đình chỉ tạm thời hiệu lực Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong trường hợp doanh nghiệp bị cơ quan chức năng điều tra các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định này hoặc theo đề nghị của cơ quan chức năng.

2. Thời gian tạm thời đình chỉ hiệu lực Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất là 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 1 năm tùy trường hợp cụ thể hoặc theo đề nghị của cơ quan chức năng.

Điều 30. Quản lý, sử dụng và hoàn trả số tiền ký quỹ của doanh nghiệp

1. Tổ chức tín dụng nơi doanh nghiệp nộp tiền ký quỹ có trách nhiệm quản lý số tiền ký quỹ của doanh nghiệp và thông báo ngay cho Bộ Công Thương biết khi có sự thay đổi về số tiền ký quỹ của doanh nghiệp hoặc khi số tiền ký quỹ của doanh nghiệp được sử dụng để thanh toán các chi phí theo quyết định của cơ quan xử lý vi phạm.

2. Trường hợp doanh nghiệp không thanh toán các chi phí theo quy định tại Khoản 4 Điều 31 Nghị định này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan, trên cơ sở đề nghị và quyết định xử lý vi phạm của cơ quan xử lý vi phạm, có văn bản đề nghị tổ chức tín dụng nơi doanh nghiệp nộp tiền ký quỹ trích số tiền ký quỹ để thanh toán các chi phí này.

Cơ quan xử lý vi phạm và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan thông báo ngay cho Bộ Công Thương biết việc xử lý vi phạm và việc sử dụng số tiền ký quỹ nêu trên để Bộ Công Thương thông báo yêu cầu doanh nghiệp bổ sung đủ số tiền ký quỹ theo quy định trước khi tiếp tục kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

3. Doanh nghiệp được hoàn trả toàn bộ hoặc số tiền ký quỹ còn lại sau khi đã sử dụng để thanh toán các chi phí theo quy định tại Khoản 4 Điều 31 Nghị định này (nếu có) trong các trường hợp sau:

a) Doanh nghiệp không được Bộ Công Thương cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất. Số tiền ký quỹ được hoàn trả cho doanh nghiệp trên cơ sở văn bản trả lời không cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất của Bộ Công Thương.

b) Bộ Công Thương thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo đề nghị của doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 28 Nghị định này.

c) Doanh nghiệp bị thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Nghị định này.

d) Đối với các trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 3 Điều này, việc hoàn trả tiền số tiền ký quỹ của doanh nghiệp được thực hiện trên cơ sở Quyết định thu hồi Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất của Bộ Công Thương.

Điều 31. Trách nhiệm của doanh nghiệp được cấp Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất

1. Duy trì điều kiện theo quy định tại Nghị định này trong suốt quá trình doanh nghiệp sử dụng Mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất.

2. Nghiêm túc giải tỏa hàng thực phẩm đông lạnh tại cảng, cửa khẩu về kho, bãi của mình theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp có hiện tượng ách tắc, tồn đọng.

3. Thu gom và xử lý chất thải, nước thải để phòng chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường tại kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất hàng thực phẩm đông lạnh.

4. Thanh toán toàn bộ các khoản chi phí sau đây (nếu phát sinh):

a) Xử lý, làm sạch môi trường nếu hàng hóa của doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường trong quá trình lưu giữ, tạm nhập, tái xuất tại Việt Nam.

b) Tiêu hủy hàng tồn đọng không tái xuất được, hàng tạm nhập không đúng với khai báo thuộc diện bị xử lý tiêu hủy.

c) Thanh toán các chi phí khác phát sinh do doanh nghiệp vi phạm các quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất và gửi kho ngoại quan hàng hóa.

5. Báo cáo định kỳ hàng quý về tình hình thực hiện tạm nhập, tái xuất hàng hóa thuộc Phụ lục VII, VIII, IX Nghị định này theo mẫu do Bộ Công Thương quy định.

Mục 3. PHÂN CÔNG QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH HOẠT ĐỘNG TẠM NHẬP, TÁI XUẤT; TẠM XUẤT, TÁI NHẬP, CHUYỂN KHẨU

Điều 32. Bộ Công Thương

1. Đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện; tổ chức kiểm tra và phối hợp với các cơ quan, tổ chức, thương nhân có liên quan kiểm tra việc thực hiện quy định quản lý hoạt động tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập; chuyển khẩu tại Nghị định này.

2. Tổ chức kiểm tra, xác nhận điều kiện về kho, bãi của doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương tổ chức kiểm tra và xác nhận.

3. Thực hiện biện pháp điều tiết hàng hóa trong trường hợp cần thiết theo quy định của Nghị định này.

Điều 33. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Tổ chức quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống kho bãi, bốc xếp, địa điểm tập kết hàng hóa, địa điểm tái xuất, nguồn điện và các điều kiện khác, đảm bảo cho hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu và lưu giữ, bảo quản hàng hóa tại khu vực tái xuất hàng hóa.

2. Đánh giá nhu cầu và khả năng phát triển hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh trên địa bàn; thống nhất với Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Công Thương để quy định địa điểm xây dựng hệ thống kho, bãi phục vụ kinh doanh tạm nhập, tái xuất thực phẩm đông lạnh trên địa bàn tỉnh.

3. Căn cứ quy định hiện hành, chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa trên địa bàn và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa trên địa bàn.

4. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan đảm bảo có đủ lực lượng kiểm tra chuyên ngành và đủ cơ sở vật chất cho các lực lượng này hoạt động để thực hiện việc kiểm tra, giám sát hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu lưu thông trên địa bàn, bảo đảm yêu cầu về an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, hạn chế gian lận thương mại, thẩm lậu, buôn lậu, trốn thuế, ô nhiễm môi trường.

5. Chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, liên quan có biện pháp điều tiết hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu trong trường hợp có ách tắc trên địa bàn; kịp thời thông báo cho Bộ Công Thương diễn biến tình hình giao nhận hàng hóa trên địa bàn và đề xuất biện pháp quản lý để tránh ùn tắc tại các cảng, cửa khẩu.

6. Chủ trì, thống nhất với các bộ, ngành trước khi công bố các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới trong khu kinh tế cửa khẩu và cửa khẩu phụ nằm ngoài khu kinh tế cửa khẩu đủ điều kiện để tái xuất hàng hóa khi đã có đầy đủ cơ quan kiểm soát chuyên ngành theo quy định và cơ sở kỹ thuật bảo đảm quản lý nhà nước.

7. Thực hiện việc thu phí đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất theo hướng dẫn của Bộ Tài chính nhằm tăng cường nguồn thu ngân sách phục vụ việc đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông, bến bãi, bảo vệ môi trường và bảo vệ an ninh trật tự tại các cửa khẩu.

8. Thông báo kịp thời những thay đổi trong chính sách thương mại vùng biển của nước láng giềng đến Bộ Công Thương và các thương nhân để có kế hoạch điều tiết hàng hóa tạm nhập, tái xuất, tránh nguy cơ ách tắc tại các cảng, cửa khẩu.

9. Chỉ đạo Sở Công Thương tỉnh thực hiện:

a) Thường xuyên theo dõi, kiểm tra doanh nghiệp trong việc duy trì điều kiện kinh doanh tạm nhập, tái xuất và thông báo cho Bộ Công Thương biết để phối hợp xử lý khi doanh nghiệp không duy trì các điều kiện theo quy định tại Nghị định này.

b) Định kỳ hàng quý báo cáo Bộ Công Thương tình hình hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu hàng hóa; tình hình tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu trên địa bàn.

c) Thực hiện theo ủy quyền của Bộ Công Thương việc kiểm tra kho, bãi hoặc xác minh các giấy tờ liên quan đến điều kiện kinh doanh quy định tại Nghị định này.

d) Thông báo đến Bộ Công Thương trường hợp phát sinh các vụ vi phạm quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu trên địa bàn để phối hợp xử lý.

Điều 34. Tổng cục Hải quan

1. Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật tổ chức triển khai thực hiện, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hàng hóa tạm nhập, tái xuất từ khi nhập khẩu vào Việt Nam cho đến khi thực xuất khẩu ra khỏi Việt Nam theo quy định của pháp luật hải quan.

2. Định kỳ hàng quý cung cấp thông tin, số liệu thống kê về hoạt động kinh doanh tạm nhập, tái xuất cho Bộ Công Thương và cung cấp thông tin, số liệu đột xuất theo đề nghị của Bộ Công Thương để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

3. Thông báo cho Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trong các trường hợp sau để phối hợp điều hành, xử lý:

a) Doanh nghiệp vi phạm quy định về kinh doanh tạm nhập, tái xuất và kinh doanh chuyển khẩu.

b) Có hiện tượng ách tắc hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu tại các cảng, cửa khẩu.

Chương IV

QUÁ CẢNH HÀNG HÓA

Điều 35. Quy định chung về quá cảnh hàng hóa

1. Quá cảnh hàng hóa

a) Đối với hàng hóa là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc cho phép quá cảnh.

b) Đối với hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật, Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa.

c) Đối với hàng hóa không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b Khoản 1 Điều này, thủ tục quá cảnh thực hiện tại cơ quan hải quan.

2. Trung chuyển hàng hóa

Trường hợp hàng hóa quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này vận chuyển bằng đường biển từ nước ngoài vào khu vực trung chuyển tại cảng biển, sau đó được đưa ra nước ngoài từ chính khu vực trung chuyển này hoặc đưa đến khu vực trung chuyển tại bến cảng, cảng biển khác để đưa ra nước ngoài, thủ tục trung chuyển thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, không phải có giấy phép của Bộ Công Thương.

3. Đối với các Hiệp định quá cảnh hàng hóa qua lãnh thổ Việt Nam ký giữa Việt Nam và các nước có chung đường biên giới, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

4. Việc vận chuyển hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa có độ nguy hiểm cao quá cảnh lãnh thổ Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam về vận chuyển hàng nguy hiểm và các Điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

5. Chủ hàng quá cảnh phải nộp lệ phí hải quan và các loại phí khác áp dụng cho hàng hóa quá cảnh theo quy định hiện hành của Việt Nam.

Điều 36. Hồ sơ, quy trình cấp Giấy phép quá cảnh hàng hóa

1. Đối với trường hợp quá cảnh hàng hóa là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

a) Chủ hàng gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị quá cảnh hàng hóa trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương. Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị quá cảnh hàng hóa nêu rõ mặt hàng (tên hàng, mã HS, số lượng, trị giá); phương tiện vận chuyển; tuyến đường vận chuyển: 1 bản chính.

- Hợp đồng vận tải: 1 bản chính.

- Công thư đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước đề nghị cho hàng hóa quá cảnh gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương: 1 bản chính.

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu chủ hàng hoàn thiện hồ sơ.

c) Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định của chủ hàng, Bộ Công Thương có văn bản trao đổi ý kiến với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

d) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trao đổi ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có văn bản trả lời.

đ) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công Thương có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

e) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương trả lời chủ hàng bằng văn bản.

2. Đối với trường hợp quá cảnh hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định pháp luật:

a) Chủ hàng gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị cho phép quá cảnh theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều này trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương.

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương có văn bản gửi chủ hàng yêu cầu hoàn thiện hồ sơ.

c) Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương cấp Giấy phép quá cảnh cho chủ hàng.

d) Trường hợp không cấp Giấy phép quá cảnh, Bộ Công Thương có văn bản trả lời chủ hàng và nêu rõ lý do.

đ) Trường hợp bổ sung, sửa đổi Giấy phép, cấp lại do mất, thất lạc Giấy phép, chủ hàng gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, cấp lại Giấy phép.

Điều 37. Thương nhân làm dịch vụ vận chuyển quá cảnh hàng hóa

Thương nhân có đăng ký kinh doanh ngành nghề giao nhận, vận tải được làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa cho chủ hàng nước ngoài quá cảnh lãnh thổ Việt Nam.

Chương V

GIA CÔNG HÀNG HÓA CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Mục 1. NHẬN GIA CÔNG HÀNG HÓA CHO THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

Điều 38. Gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài

1. Thương nhân Việt Nam được nhận gia công hàng hóa hợp pháp cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

2. Đối với hàng hóa thuộc danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện, chỉ các thương nhân đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định về sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó mới được gia công xuất khẩu cho nước ngoài.

3. Đối với các mặt hàng nhập khẩu theo hình thức chỉ định thương nhân thuộc thẩm quyền quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, việc gia công hàng hóa thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

4. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng gia công cho thương nhân nước ngoài sau khi được Bộ Công Thương cấp Giấy phép.

Hồ sơ, quy trình cấp Giấy phép thực hiện như sau:

a) Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép gia công hàng hóa trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương. Hồ sơ bao gồm:

- Văn bản đề nghị cấp Giấy phép gia công hàng hóa, trong đó, nêu cụ thể các nội dung quy định tại Điều 39 Nghị định này: 1 bản chính

- Giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh (nếu có): 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của thương nhân, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu thương nhân hoàn thiện hồ sơ.

c) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương có văn bản trao đổi ý kiến với bộ, cơ quan ngang bộ liên quan.

d) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Công Thương, bộ, cơ quan ngang bộ liên quan có văn bản trả lời Bộ Công Thương.

đ) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của bộ, cơ quan ngang bộ liên quan, Bộ Công Thương cấp Giấy phép cho thương nhân. Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

e) Trường hợp thương nhân có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh mặt hàng nhận gia công cho thương nhân nước ngoài, Bộ Công Thương xem xét cấp Giấy phép cho thương nhân trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, không thực hiện việc trao đổi ý kiến với các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này.

g) Trường hợp bổ sung, sửa đổi Giấy phép, cấp lại do mất, thất lạc Giấy phép, thương nhân gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, cấp lại Giấy phép cho thương nhân.

Điều 39. Hợp đồng gia công

Hợp đồng gia công phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương theo quy định của Luật thương mại và phải tối thiểu bao gồm các điều khoản sau:

1. Tên, địa chỉ của các bên ký hợp đồng và bên gia công trực tiếp.

2. Tên, số lượng sản phẩm gia công.

3. Giá gia công.

4. Thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán.

5. Danh mục, số lượng, trị giá nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu và nguyên liệu, phụ liệu, vật tư sản xuất trong nước (nếu có) để gia công; định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư; định mức vật tư tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu trong gia công.

6. Danh mục và trị giá máy móc, thiết bị cho thuê, cho mượn hoặc tặng cho để phục vụ gia công (nếu có).

7. Biện pháp xử lý phế liệu, phế thải, phế phẩm và nguyên tắc xử lý máy móc, thiết bị thuê, mượn, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa sau khi kết thúc hợp đồng gia công.

8. Địa điểm và thời gian giao hàng.

9. Nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ hàng hóa.

10. Thời hạn hiệu lực của hợp đồng.

Điều 40. Định mức sử dụng, định mức tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, phụ liệu, vật tư

1. Định mức sử dụng, tiêu hao và tỷ lệ hao hụt nguyên liệu, phụ liệu, vật tư do các bên thỏa thuận trong hợp đồng gia công, có tính đến các định mức, tỷ lệ hao hụt được hình thành trong các ngành sản xuất, gia công có liên quan của Việt Nam tại thời điểm ký hợp đồng.

2. Người đại diện theo pháp luật của thương nhân nhận gia công trực tiếp chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu vào đúng mục đích gia công và tính chính xác của định mức sử dụng, tiêu hao và tỷ lệ hao hụt của nguyên phụ liệu gia công.

Điều 41. Thuê, mượn, nhập khẩu máy móc thiết bị của bên đặt gia công để thực hiện hợp đồng gia công

Bên nhận gia công được thuê, mượn máy móc, thiết bị của bên đặt gia công để thực hiện hợp đồng gia công. Việc thuê, mượn hoặc tặng máy móc, thiết bị phải được thỏa thuận trong hợp đồng gia công.

Điều 42. Quyền, nghĩa vụ của bên đặt và nhận gia công

1. Đối với bên đặt gia công:

a) Giao toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu, vật tư gia công theo thỏa thuận tại hợp đồng gia công.

b) Nhận lại toàn bộ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho bên nhận gia công thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, phế liệu sau khi thanh lý hợp đồng gia công, trừ trường hợp được phép xuất khẩu tại chỗ, tiêu hủy, biếu, tặng theo quy định tại Nghị định này.

c) Được cử chuyên gia đến Việt Nam để hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và kiểm tra chất lượng sản phẩm gia công theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công.

d) Chịu trách nhiệm về quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa, tên gọi xuất xứ hàng hóa.

đ) Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan đến hoạt động gia công và các điều khoản của hợp đồng gia công đã được ký kết.

e) Được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo văn bản thỏa thuận của các bên có liên quan, phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và phải thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

2. Đối với bên nhận gia công:

a) Được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa tạm nhập khẩu theo định mức và tỷ lệ hao hụt để thực hiện hợp đồng gia công và đối với sản phẩm gia công xuất khẩu.

b) Được thuê thương nhân khác gia công.

c) Được cung ứng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, phụ liệu, vật tư để gia công theo thỏa thuận trong hợp đồng gia công; phải nộp thuế xuất khẩu theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với phần nguyên liệu, phụ liệu, vật tư mua trong nước.

d) Được nhận tiền thanh toán của bên đặt gia công bằng sản phẩm gia công, trừ sản phẩm thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với sản phẩm thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện thì phải tuân thủ các quy định về giấy phép, điều kiện.

đ) Phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về hoạt động gia công xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất hàng hóa trong nước và các điều khoản của hợp đồng gia công đã được ký kết.

e) Làm thủ tục xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của bên đặt gia công.

3. Điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ sản phẩm gia công; máy móc; thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu quy định tại Điểm e Khoản 1 và Điểm e Khoản 2 Điều này được quy định như sau:

a) Phải tuân thủ quy định về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, về thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.

b) Phải có hợp đồng mua bán ký giữa thương nhân nước ngoài hoặc người được ủy quyền hợp pháp của thương nhân nước ngoài với thương nhân nhập khẩu.

Điều 43. Gia công chuyển tiếp

Thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp, cụ thể như sau:

1. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam.

2. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo.

Điều 44. Thông báo, thanh lý, quyết toán hợp đồng gia công

1. Trước khi thực hiện hợp đồng gia công, tổ chức, cá nhân thông báo hợp đồng gia công với cơ quan Hải quan. Khi kết thúc hợp đồng gia công hoặc hợp đồng gia công hết hiệu lực, các bên ký kết hợp đồng gia công phải thanh lý hợp đồng và thực hiện báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, sản phẩm xuất khẩu định kỳ với cơ quan Hải quan.

Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục thông báo hợp đồng gia công và quyết toán hoạt động gia công với cơ quan hải quan.

2. Căn cứ để thanh lý hợp đồng gia công là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu, lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, định mức tiêu hao vật tư và tỷ lệ hao hụt đã được thỏa thuận tại hợp đồng gia công.

Căn cứ để thanh khoản hợp đồng gia công là lượng nguyên liệu, phụ liệu, vật tư nhập khẩu, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư tái xuất, lượng sản phẩm xuất khẩu theo định mức sử dụng nguyên liệu, phụ liệu, định mức tiêu hao vật tư và tỷ lệ hao hụt phù hợp với thực tế thực hiện hợp đồng.

3. Máy móc, thiết bị thuê, mượn theo hợp đồng; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa, phế phẩm, phế liệu, phế thải được xử lý theo thỏa thuận của hợp đồng gia công nhưng phải phù hợp với luật pháp Việt Nam.

4. Việc tiêu hủy các phế liệu, phế phẩm, phế thải (nếu có) chỉ được phép thực hiện sau khi có văn bản cho phép của Sở Tài nguyên - Môi trường và phải được thực hiện dưới sự giám sát của cơ quan Hải quan. Trường hợp không được phép hủy tại Việt Nam thì phải tái xuất theo chỉ định của bên đặt gia công.

5. Việc tặng máy móc thiết bị, nguyên, phụ liệu, vật tư, phế liệu, phế phẩm được quy định như sau:

a) Bên đặt gia công phải có văn bản tặng, biếu.

b) Bên được tặng, biếu phải làm thủ tục nhập khẩu theo quy định về nhập khẩu; phải nộp thuế nhập khẩu, thuế khác (nếu có) và đăng ký tài sản theo quy định hiện hành.

c) Phế liệu, phế phẩm nằm trong định mức sử dụng, tỷ lệ hao hụt nếu thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu thì không phải làm thủ tục hải quan; được miễn thuế nhập khẩu; phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Điều 45. Thủ tục hải quan

Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan và nghĩa vụ tài chính đối với hàng gia công xuất khẩu và theo dõi việc xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến hợp đồng gia công.

Điều 46. Các hình thức gia công khác, sửa chữa, tái chế máy móc, thiết bị

Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc gia công hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu cho thương nhân nước ngoài để tiêu thụ ở nước ngoài.

Điều 47. Gia công quân phục

1. Quân phục quy định tại Điều này được hiểu là đồng phục của quân nhân thuộc các lực lượng vũ trang nước ngoài, được sản xuất theo kiểu mẫu, quy cách thống nhất, mang mặc theo quy định của các lực lượng vũ trang nước ngoài. Danh Mục sản phẩm quân phục trang bị cho các lực lượng vũ trang nước ngoài quy định tại Phụ lục X Nghị định này.

Sản phẩm dệt may thuộc Danh mục này nhưng không phải là sản phẩm quân phục trang bị cho lực lượng vũ trang nước ngoài không phải thực hiện theo quy định tại Điều này.

2. Quân phục sản xuất, gia công xuất khẩu cho lực lượng vũ trang nước ngoài không được tiêu thụ tại Việt Nam.

3. Nguyên liệu, phụ liệu dùng để sản xuất, gia công quân phục xuất khẩu cho lực lượng vũ trang nước ngoài chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan từ khi nhập khẩu cho đến khi sản phẩm quân phục thực xuất khỏi Việt Nam.

4. Hồ sơ cấp Giấy phép sản xuất, gia công quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép nêu rõ tên hàng, số lượng, trị giá; cảng đến: 1 bản chính.

b) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư: 1 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

c) Đơn đặt hàng hoặc văn bản đề nghị giao kết hợp đồng kèm theo 2 ảnh mầu/một mẫu sản phẩm đặt sản xuất, gia công: 2 bản sao có đóng dấu của thương nhân.

Đơn đặt hàng hoặc văn bản đề nghị giao kết hợp đồng phải thể hiện tối thiểu các nội dung: Tên, địa chỉ và điện thoại của bên đặt và bên nhận sản xuất, gia công, tên hàng, số lượng, giá trị thanh toán hoặc giá gia công, thời hạn thanh toán và phương thức thanh toán, địa điểm và thời gian giao hàng.

d) Ngoài các giấy tờ quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c Khoản 4 Điều này, thương nhân nộp kèm theo bộ hồ sơ một trong các tài liệu sau:

- Hợp đồng, thỏa thuận mua sắm quân phục ký giữa bên đặt gia công với cơ quan chịu trách nhiệm mua sắm, đảm bảo hậu cần cho các lực lượng vũ trang nước ngoài.

- Văn bản của cơ quan chịu trách nhiệm mua sắm, đảm bảo hậu cần cho các lực lượng vũ trang nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền nước đặt sản xuất, gia công hoặc văn bản của cơ quan đại diện ngoại giao của nước đặt sản xuất, gia công tại Việt Nam xác nhận về đơn vị lực lượng vũ trang sử dụng cuối cùng sản phẩm quân phục đặt sản xuất, gia công tại Việt Nam.

Văn bản xác nhận thể hiện tối thiểu các nội dung: Nước nhập khẩu, tên đơn vị lực lượng vũ trang; tên bên đặt sản xuất, gia công; tên thương nhân Việt Nam nhận sản xuất, gia công.

Giấy tờ quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều này phải được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định.

đ) Riêng đối với thị trường Hoa Kỳ, thương nhân nộp 1 bản sao Mã số nhà sản xuất (mã MID) hàng dệt may xuất khẩu sang Hoa Kỳ đã được Bộ Công Thương cấp.

5. Quy trình cấp Giấy phép sản xuất, gia công xuất khẩu quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài

a) Thương nhân nộp 1 bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 4 Điều này trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương.

b) Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương thông báo cho thương nhân để hoàn thiện hồ sơ.

c) Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định của thương nhân, Bộ Công Thương gửi văn bản xin ý kiến Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an.

d) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có văn bản trả lời Bộ Công Thương.

đ) Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an, Bộ Công Thương cấp Giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

e) Trường hợp bổ sung, sửa đổi Giấy phép, cấp lại do mất, thất lạc Giấy phép, thương nhân gửi văn bản đề nghị và các giấy tờ liên quan đến Bộ Công Thương. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương xem xét điều chỉnh, cấp lại Giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối bổ sung, sửa đổi, cấp lại, Bộ Công Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

g) Bộ Công Thương thu hồi Giấy phép đã được cấp trong trường hợp phát hiện thương nhân khai báo thông tin liên quan đến việc đề nghị cấp Giấy phép không trung thực, không chính xác hoặc thực hiện không đúng Giấy phép.

6. Trách nhiệm của thương nhân sản xuất, gia công xuất khẩu quân phục

a) Xuất khẩu toàn bộ sản phẩm quân phục được sản xuất, gia công tại Việt Nam, không sử dụng quân phục và không tiêu thụ sản phẩm quân phục tại Việt Nam.

b) Tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ hàng mẫu nhập khẩu, nguyên liệu dư thừa, vật tư dư thừa, phế liệu, phế phẩm theo quy định hiện hành, có sự giám sát của Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Tổng cục Hải quan.

c) Tổ chức làm việc và cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan cấp phép và các cơ quan liên quan khi các cơ quan tiến hành kiểm tra thực tế cơ sở sản xuất sau khi thương nhân được cấp Giấy phép.

d) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với những khai báo liên quan đến việc đề nghị cấp Giấy phép.

7. Hoạt động gia công quân phục ngoài việc thực hiện quy định tại Điều này phải thực hiện theo các quy định về gia công hàng hóa có yếu tố nước ngoài quy định tại Chương V Nghị định này.

8. Nhập khẩu mẫu quân phục

a) Thương nhân đã được cấp Giấy phép sản xuất, gia công xuất khẩu quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài theo quy định tại Điều 47 Nghị định này được nhập khẩu mẫu quân phục để sản xuất, gia công.

b) Trường hợp thương nhân chưa được cấp Giấy phép sản xuất, gia công quân phục, việc nhập khẩu mẫu quân phục để nghiên cứu, sản xuất gia công xuất khẩu thực hiện như sau:

- Thương nhân nộp 1 bản chính đơn đăng ký nhập khẩu hàng mẫu quân phục nêu rõ tên hàng, số lượng, nước đặt hàng, đơn vị sử dụng cuối cùng kèm theo 2 ảnh mầu/một mẫu sản phẩm trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến Bộ Công Thương.

- Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, đúng quy định, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Bộ Công Thương thông báo cho thương nhân biết để hoàn thiện hồ sơ.

- Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, đúng quy định, Bộ Công Thương gửi văn bản xin ý kiến Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an.

- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Công Thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có văn bản trả lời Bộ Công Thương.

- Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được văn bản trả lời của Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an, Bộ Công Thương có văn bản trả lời cho phép thương nhân nhập khẩu hàng mẫu. Trường hợp từ chối cấp Giấy phép, Bộ Công Thương có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

c) Số lượng mẫu quân phục nhập khẩu theo quy định tại Điều này là tối đa 5 mẫu/1 mã sản phẩm.

Mục 2. ĐẶT GIA CÔNG HÀNG HÓA Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 48. Hợp đồng đặt gia công và thủ tục hải quan

Hợp đồng đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài và thủ tục hải quan đối với xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đặt gia công theo quy định tại Điều 39 và Điều 45 Nghị định này.

Điều 49. Quyền và nghĩa vụ của thương nhân đặt gia công hàng hóa ở nước ngoài

1. Tuân thủ quy định về quản lý hoạt động gia công hàng hóa ở nước ngoài quy định tại Điều 52 Luật Quản lý ngoại thương.

2. Chịu trách nhiệm về quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hóa và tên gọi xuất xứ của hàng hóa.

3. Được tạm xuất khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư hoặc chuyển khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư từ nước thứ ba cho bên nhận gia công để thực hiện hợp đồng gia công.

4. Được tái nhập khẩu sản phẩm đã gia công. Khi kết thúc hợp đồng đặt gia công, được tái nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa.

5. Được bán sản phẩm gia công và máy móc thiết bị, nguyên liệu, phụ liệu, vật tư đã xuất khẩu để thực hiện hợp đồng gia công tại thị trường nước nhận gia công hoặc thị trường khác và phải nộp thuế theo quy định hiện hành.

6. Được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu để gia công, sản phẩm gia công nhập khẩu theo hợp đồng gia công.

7. Được cử chuyên gia, công nhân kỹ thuật ra nước ngoài để kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm gia công.

8. Thực hiện nghĩa vụ thuế đối với sản phẩm gia công nhập khẩu phục vụ tiêu dùng trong nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Chương VI

ĐẠI LÝ MUA, BÁN HÀNG HÓA VỚI NƯỚC NGOÀI

Mục 1. ĐẠI LÝ MUA, BÁN HÀNG HÓA CHO THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI

Điều 50. Thương nhân làm đại lý mua, bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài

1. Thương nhân được làm đại lý mua, bán các loại hàng hóa cho thương nhân nước ngoài, trừ hàng hóa thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo Giấy phép, thương nhân chỉ được ký hợp đồng đại lý sau khi được bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý cấp Giấy phép.

2. Trường hợp pháp luật có quy định cụ thể về việc bên đại lý chỉ được giao kết hợp đồng đại lý với một bên giao đại lý đối với một loại hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định thì thương nhân phải tuân thủ quy định của pháp luật đó.

3. Thương nhân làm đại lý mua hàng phải yêu cầu thương nhân nước ngoài chuyển tiền bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi qua ngân hàng để mua hàng theo hợp đồng đại lý.

4. Thương nhân làm đại lý mua hàng có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp các loại thuế và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa và hoạt động kinh doanh của mình theo quy định của pháp luật.

Điều 51. Nghĩa vụ thuế

1. Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Thương nhân Việt Nam có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp các loại thuế và các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa và hoạt động kinh doanh của mình theo quy định của pháp luật.

Điều 52. Thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý

Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý mua, bán hàng hóa với thương nhân nước ngoài khi xuất khẩu, nhập khẩu phải được làm thủ tục theo đúng quy định như đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Nghị định này.

Điều 53. Trả lại hàng

Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý bán hàng tại Việt Nam cho thương nhân nước ngoài được tái xuất khẩu nếu không tiêu thụ được tại Việt Nam. Việc hoàn thuế được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Mục 2. THUÊ THƯƠNG NHÂN NƯỚC NGOÀI LÀM ĐẠI LÝ BÁN HÀNG TẠI NƯỚC NGOÀI

Điều 54. Thuê thương nhân nước ngoài làm đại lý bán hàng tại nước ngoài

1. Thương nhân Việt Nam được thuê thương nhân nước ngoài làm đại lý bán các loại hàng hóa tại nước ngoài, trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, hàng hóa tạm ngừng xuất khẩu.

2. Thương nhân thuê đại lý bán hàng tại nước ngoài phải ký hợp đồng đại lý với thương nhân nước ngoài và phải chuyển các khoản tiền thu được từ hợp đồng bán hàng về nước theo quy định về quản lý ngoại hối và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Trường hợp nhận tiền bán hàng bằng hàng hóa, thương nhân phải tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật về nhập khẩu hàng hóa.

Điều 55. Nghĩa vụ về thuế

1. Hàng hóa thuộc hợp đồng đại lý bán hàng tại nước ngoài phải chịu thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Thương nhân có trách nhiệm đăng ký, kê khai, nộp các loại thuế và thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác liên quan đến hoạt động thuê thương nhân nước ngoài làm đại lý bán hàng tại nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 56. Nhận lại hàng

1. Hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng đại lý bán hàng tại nước ngoài được nhập khẩu trở lại Việt Nam trong trường hợp không tiêu thụ được tại nước ngoài.

2. Hàng hóa nhập khẩu trở lại Việt Nam nêu tại Khoản 1 Điều này không phải chịu thuế nhập khẩu và được hoàn thuế xuất khẩu (nếu có) theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Hàng hóa xuất khẩu thuộc hợp đồng đại lý bán hàng tại nước ngoài khi xuất khẩu, nhập khẩu trở lại Việt Nam theo quy định tại Điều này phải làm thủ tục theo quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quy định tại Nghị định này.

Chương VII

CƠ CHẾ PHỐI HỢP TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP VỀ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP QUẢN LÝ NGOẠI THƯƠNG

Mục 1. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 57. Nguyên tắc phối hợp

1. Cơ quan chủ trì và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp giải quyết tranh chấp về về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương chủ động, đồng bộ, chính xác, kịp thời và hiệu quả theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật Việt Nam để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

2. Việc phối hợp giữa Cơ quan chủ trì và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương phải được tiến hành đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về giải quyết tranh chấp tại các Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trong đó quy định về giải quyết tranh chấp đối với việc áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương là đối tượng của vụ việc tranh chấp (sau đây gọi là Điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp).

3. Cơ quan chủ trì và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm trước pháp luật về hậu quả phát sinh do không phối hợp hoặc phối hợp không đáp ứng được yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều này.

4. Cơ quan chủ trì và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ bảo vệ bí mật Nhà nước theo quy định của pháp luật, giữ bí mật thông tin liên quan tới quá trình giải quyết tranh chấp theo quy định của Điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp liên quan.

Điều 58. Nội dung phối hợp

Việc phối hợp giữa Cơ quan chủ trì và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương bao gồm các nội dung sau đây:

1. Giải quyết khiếu kiện, thương lượng, hòa giải, tham vấn đối với các bất đồng, mâu thuẫn giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài liên quan đến việc áp dụng các biện pháp quản lý ngoại thương không phù hợp với các quy định của Điều ước quốc tế liên quan đến áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

2. Xây dựng và thực hiện kế hoạch giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

3. Cung cấp thông tin, hồ sơ, chứng cứ và tài liệu liên quan phục vụ giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

4. Cử người có đủ năng lực của cơ quan, tổ chức mình tham gia giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương khi được Cơ quan chủ trì yêu cầu.

5. Thực hiện các công việc liên quan đến giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương trong giai đoạn tố tụng của cơ quan trọng tài hay cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền, được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định tại Điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp (sau đây gọi tắt là cơ quan trọng tài hoặc cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền).

6. Thực hiện, phối hợp, xử lý các nội dung liên quan đến thi hành phán quyết, quyết định, rà soát việc tuân thủ phán quyết, quyết định của cơ quan trọng tài hay cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền.

Điều 59. Cơ quan chủ trì

1. Cơ quan chủ trì vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương là cơ quan nhà nước được Chính phủ giao quản lý, theo dõi các biện pháp quản lý ngoại thương đó, trừ trường hợp Điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp áp dụng đối với biện pháp quản lý ngoại thương đó có quy định khác.

2. Trong trường hợp có từ hai cơ quan nhà nước được giao quản lý, theo dõi các biện pháp quản lý ngoại thương là đối tượng của vụ việc tranh chấp cụ thể, các cơ quan này phải thống nhất để một trong các cơ quan này là Cơ quan chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho Bộ Công Thương bằng văn bản.

3. Đối với trường hợp Chính phủ Việt Nam bị kiện, trong thời hạn 3 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu tham vấn mà không thống nhất được Cơ quan chủ trì, các cơ quan này phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ và thông báo cho Bộ Công Thương.

4. Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ quyết định phân công hoặc thay đổi Cơ quan chủ trì.

5. Cơ quan chủ trì có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tiếp nhận, xử lý các thông tin, tài liệu liên quan đến giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

b) Làm đầu mối liên lạc, trao đổi với Chính phủ nước ngoài tham gia vụ việc tranh chấp và với cơ quan trọng tài hoặc cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền.

c) Chủ trì, phối hợp với Cơ quan đầu mối và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong quá trình giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương tại cơ quan trọng tài hoặc cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền.

d) Phối hợp với Cơ quan đầu mối và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng kế hoạch giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

đ) Chủ trì, phối hợp với Cơ quan đầu mối và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chỉ định trọng tài viên trong trường hợp thành lập cơ quan trọng tài giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

e) Chủ trì, phối hợp với Cơ quan đầu mối lựa chọn, thuê và giám sát tổ chức hành nghề luật sư (sau đây gọi chung là luật sư) tư vấn giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

g) Chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xử lý các vấn đề liên quan đến tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương, trong đó có việc thuê chuyên gia kỹ thuật và mời nhân chứng phục vụ quá trình giải quyết tranh chấp.

h) Tham gia phiên xét xử của cơ quan trọng tài hoặc cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền.

i) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Cơ quan đầu mối và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương theo Nghị định này và quy định pháp luật.

Điều 60. Cơ quan đầu mối

1. Bộ Công Thương là Cơ quan đầu mối giúp Chính phủ trong việc tham gia giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

2. Cơ quan đầu mối trong giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Làm đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất công tác giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam.

b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và luật sư được thuê theo quy định tại Nghị định này tư vấn cho Cơ quan chủ trì các vấn đề pháp lý liên quan đến giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương khi được Cơ quan chủ trì yêu cầu.

c) Phối hợp với Cơ quan chủ trì thuê luật sư giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương cụ thể.

d) Phối hợp với Cơ quan chủ trì trong việc chỉ định trọng tài viên trong trường hợp thành lập cơ quan trọng tài giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

đ) Chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan xây dựng kế hoạch giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

e) Thay mặt Chính phủ Việt Nam tham gia phiên xét xử vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương trong trường hợp cần thiết hoặc theo đề nghị của Cơ quan chủ trì.

g) Cử đại diện tham gia phiên xét xử của cơ quan trọng tài hoặc cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền.

h) Phối hợp với Cơ quan chủ trì và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan thi hành phán quyết, quyết định của cơ quan trọng tài hoặc cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền.

i) Xây dựng, cập nhật danh sách các chuyên gia có thể làm trọng tài viên và danh sách tổ chức hành nghề luật sư có thể làm luật sư cho Chính phủ Việt Nam, cơ quan nhà nước Việt Nam trong giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

Điều 61. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan là cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan tới việc giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương, được Cơ quan chủ trì mời hoặc yêu cầu tham gia giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Phối hợp với Cơ quan chủ trì và Cơ quan đầu mối giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương theo yêu cầu của Cơ quan chủ trì và Cơ quan đầu mối phù hợp với khả năng chuyên môn hoặc lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

b) Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin, hồ sơ, chứng cứ, tài liệu và giải trình các nội dung liên quan theo yêu cầu của Cơ quan chủ trì, Cơ quan đầu mối.

c) Yêu cầu Cơ quan chủ trì cung cấp hoặc bổ sung thông tin về vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Mục 2. PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP DO CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI KHỞI KIỆN

Điều 62. Tiếp nhận thông tin, tài liệu giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương

1. Cơ quan, tổ chức cá nhân được giao nhiệm vụ áp dụng biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương có trách nhiệm tiếp nhận thông tin về khả năng khởi kiện, thông báo của cơ quan trọng tài hoặc cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền hoặc thông báo từ Chính phủ nước ngoài về việc khởi kiện vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương tại cơ quan trọng tài hoặc cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền và ngay lập tức báo cáo cho cơ quan cấp trên trực tiếp của mình và thông báo cho Cơ quan đầu mối.

2. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân không được giao nhiệm vụ áp dụng biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương theo quy định tại Khoản 1 Điều này nếu nhận được thông tin về khả năng khởi kiện, thông báo của cơ quan trọng tài hoặc cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền hoặc thông báo từ Chính phủ nước ngoài về việc khởi kiện vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương tại cơ quan trọng tài hoặc cơ quan tài phán quốc tế có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao toàn bộ thông tin, tài liệu đã nhận trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo đó đến một trong các cơ quan sau:

a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ áp dụng biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

b) Cơ quan cấp trên trực tiếp và Cơ quan đầu mối nếu không xác định được cơ quan, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ áp dụng biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương theo quy định tại Khoản 1 Điều này.

3. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản theo quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc thông báo bằng văn bản từ nguồn khác, Cơ quan đầu mối phải gửi văn bản kèm theo bản sao toàn bộ hồ sơ nhận được đến một trong các cơ quan sau:

a) Cơ quan chủ trì theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Nghị định này.

b) Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định Cơ quan chủ trì theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 59 Nghị định này.

4. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan đầu mối theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân công Cơ quan chủ trì.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phân công Cơ quan chủ trì, Văn phòng Chính phủ gửi thông báo về quyết định phân công đến Cơ quan chủ trì để thực hiện.

Điều 63. Xây dựng, thực hiện kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương

1. Cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, luật sư (nếu có) xây dựng Kế hoạch giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời hạn 35 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận được thông tin về khả năng khởi kiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 62 Nghị định này.

2. Kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương gồm có các nội dung sau đây:

a) Tóm tắt vụ việc tranh chấp.

b) Trình bày quy trình tố tụng đối với vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương theo quy định của Điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp; các công việc cần triển khai phục vụ giải quyết vụ việc tranh chấp và mốc thời gian dự kiến của các công việc đó trên cơ sở phù hợp với quy trình tố tụng nêu trên.

c) Nhiệm vụ cụ thể của Cơ quan đầu mối, Cơ quan chủ trì, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và của luật sư (nếu có).

d) Phân tích điểm mạnh, điểm yếu của phía Việt Nam và của Chính phủ nước ngoài.

đ) Đề xuất các phương án xử lý vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương, trong đó có phương án thương lượng, hòa giải; các vấn đề cần báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

e) Dự kiến các khoản chi phí và nguồn kinh phí cho việc giải quyết vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

3. Cơ quan đầu mối phối hợp với Cơ quan chủ trì, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và luật sư được thuê (nếu có) tổ chức thực hiện kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương. Trong trường hợp cần thiết và để phù hợp với thực tế, Cơ quan đầu mối phối hợp với Cơ quan chủ trì, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và luật sư được thuê (nếu có) thực hiện việc điều chỉnh kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

4. Cơ quan đầu mối có trách nhiệm gửi kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương và các sửa đổi, bổ sung (nếu có) theo quy định của Khoản 2 và Khoản 3 Điều này cho Thủ tướng Chính phủ và Cơ quan chủ trì.

5. Cơ quan chủ trì có trách nhiệm thường xuyên (hàng tháng hoặc hàng quý tùy theo tính chất phức tạp và tiến độ của vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương) thông báo cho Cơ quan đầu mối về tiến độ thực hiện kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương. Cơ quan đầu mối có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện kế hoạch giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương của Cơ quan chủ trì và kịp thời phối hợp xử lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

6. Kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương được bảo quản theo chế độ mật.

Điều 64. Trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết yêu cầu tham vấn

1. Việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu tham vấn được thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp.

2. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương có trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết yêu cầu tham vấn đối với việc áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương trên cơ sở đề xuất của Chính phủ nước ngoài theo Điều ước quốc tế liên quan đến áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

3. Trường hợp nhận được yêu cầu tham vấn của Chính phủ nước ngoài theo quy định tại Khoản 2 Điều này nhưng không có thẩm quyền giải quyết, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân nhận được yêu cầu phải hướng dẫn Chính phủ nước ngoài gửi yêu cầu tham vấn đến cơ quan có thẩm quyền và thông báo việc này đến cơ quan có thẩm quyền đó.

Điều 65. Xử lý trường hợp biện pháp được tham vấn có dấu hiệu vi phạm cam kết tại Điều ước quốc tế liên quan đến áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương

1. Trong quá trình tham vấn với Chính phủ nước ngoài, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương phải ngay lập tức báo cáo về vụ việc được tham vấn cho cơ quan cấp trên trực tiếp của mình và Cơ quan đầu mối nếu xét thấy:

a) Biện pháp được tham vấn có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật hoặc Điều ước quốc tế liên quan đến áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương với Chính phủ nước ngoài, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam hoặc bên nước ngoài; hoặc

b) Không thể giải quyết dứt điểm yêu cầu tham vấn của Chính phủ nước ngoài; hoặc

c) Có khả năng phát sinh vụ việc tranh chấp liên quan đến áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

2. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương trong quá trình tham vấn với Chính phủ nước ngoài phải thường xuyên thông báo tình hình kết quả tham vấn cho Cơ quan đầu mối, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phối hợp theo tiến trình giải quyết vụ việc.

3. Trong quá trình tham vấn với Chính phủ nước ngoài, nếu phù hợp, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương tiến hành việc thương lượng, hòa giải với Chính phủ nước ngoài theo phương án đã được cơ quan cấp trên trực tiếp phê duyệt sau khi có ý kiến của Cơ quan đầu mối.

Điều 66. Xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ban hành, áp dụng biện pháp trái cam kết quốc tế của Việt Nam dân đến tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương

Việc xác định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ban hành, áp dụng biện pháp trái cam kết quốc tế của Việt Nam dẫn tới tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương được thực hiện theo quy định pháp luật Việt Nam.

Mục 3. PHỐI HỢP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP DO CHÍNH PHỦ VIỆT NAM KHỞI KIỆN

Điều 67. Trách nhiệm đề xuất, tham gia giải quyết yêu cầu tham vấn

1. Việc đề xuất, tham gia giải quyết yêu cầu tham vấn thực hiện theo quy định của Điều ước quốc tế về giải quyết tranh chấp.

2. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương có trách nhiệm đề xuất, tham gia giải quyết yêu cầu tham vấn đối với việc áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương khi phát hiện hoặc trên cơ sở đề nghị của thương nhân, hiệp hội ngành, nghề về việc các biện pháp quản lý ngoại thương của Chính phủ nước ngoài có nghi ngờ ảnh hưởng, vi phạm các quyền, lợi ích của Việt Nam theo Điều ước quốc tế liên quan đến áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

Điều 68. Xử lý trường hợp biện pháp được tham vấn có dấu hiệu vi phạm cam kết tại Điều ước quốc tế liên quan đến áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương

1. Trong quá trình tham vấn với Chính phủ nước ngoài, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương phải ngay lập tức báo cáo về vụ việc được tham vấn cho cơ quan cấp trên trực tiếp của mình và thông báo cho Cơ quan đầu mối nếu xét thấy:

a) Biện pháp được tham vấn có dấu hiệu vi phạm cam kết của nước ngoài đối với Việt Nam trong Điều ước quốc tế liên quan đến áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương đó, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; hoặc

b) Không thể giải quyết dứt điểm yêu cầu tham vấn của Chính phủ Việt Nam; hoặc

c) Có khả năng phát sinh vụ việc tranh chấp liên quan đến áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

2. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản theo quy định tại Khoản 1 Điều này hoặc thông báo bằng văn bản từ nguồn khác, Cơ quan đầu mối phải gửi văn bản kèm theo bản sao toàn bộ hồ sơ nhận được đến một trong các cơ quan sau:

a) Cơ quan chủ trì theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Nghị định này.

b) Văn phòng Chính phủ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định Cơ quan chủ trì theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 59 Nghị định này.

3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản của Cơ quan đầu mối theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này, Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân công Cơ quan chủ trì.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phân công Cơ quan chủ trì, Văn phòng Chính phủ gửi thông báo về quyết định phân công Cơ quan chủ trì đến Cơ quan chủ trì để thực hiện.

4. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương trong quá trình tham vấn với Chính phủ nước ngoài phải thường xuyên thông báo tình hình kết quả tham vấn cho Cơ quan đầu mối, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phối hợp theo tiến trình giải quyết vụ việc.

5. Trong quá trình tham vấn với Chính phủ nước ngoài, nếu phù hợp, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ thực hiện biện pháp quản lý nhà nước về ngoại thương tiến hành việc thương lượng, hòa giải với Chính phủ nước ngoài theo phương án đã được cơ quan cấp trên trực tiếp phê duyệt sau khi có ý kiến của Cơ quan đầu mối.

Điều 69. Xây dựng, thực hiện kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương

1. Cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, luật sư (nếu có) xây dựng Kế hoạch giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc quá trình tham vấn theo quy định tại Điều 67 Nghị định này.

2. Việc xây dựng, điều chỉnh, thực hiện Kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 63 Nghị định này.

3. Kế hoạch giải quyết vụ việc tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương được bảo quản theo chế độ mật.

Chương VIII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 70. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ quy định của Nghị định này, các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Nghị định này; phát hiện và thông báo để các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan điều chỉnh những quy định trái với Nghị định này (nếu có) trong các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để quy định, hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

3. Bộ Tài chính chỉ đạo ngành Hải quan có kế hoạch cung cấp cho Bộ Công Thương và các bộ, cơ quan ngang bộ liên quan tham gia công tác quản lý, điều hành hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất số liệu theo định kỳ và đột xuất về các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất; các loại hình kinh doanh; kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu theo danh mục mặt hàng, thị trường.

Điều 71. Trách nhiệm của thương nhân hoạt động ngoại thương

1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các thông tin, tài liệu, hồ sơ nộp, xuất trình cho cơ quan có thẩm quyền.

2. Tuân thủ quy định và thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Luật thương mại, Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức làm việc và cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan cấp phép và các cơ quan liên quan khi các cơ quan tiến hành kiểm tra việc thực thi quy định pháp luật về hoạt động ngoại thương.

Điều 72. Điều khoản chuyển tiếp

1. Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định việc xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng thuộc Danh mục cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu ban hành trước khi Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện.

2. Các giấy phép do các bộ, cơ quan ngang bộ cấp cho thương nhân theo quy định tại Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài và các văn bản hướng dẫn liên quan trước khi Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo các nội dung và thời hạn hiệu lực của các Giấy phép này.

3. Các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới công bố cửa khẩu phụ, lối mở biên giới đủ điều kiện tái xuất hàng hóa và lựa chọn thương nhân được thực hiện tái xuất hàng hóa ban hành trước khi Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo nội dung và thời hạn hiệu lực của các văn bản này.

4. Các Giấy chứng nhận mã số kinh doanh tạm nhập, tái xuất do Bộ Công Thương cấp cho các doanh nghiệp trước khi Nghị định này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo thời hạn hiệu lực của các Giấy chứng nhận này.

5. Việc nhập khẩu hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu để nghiên cứu khoa học, gia công, tái chế, sửa chữa được tiếp tục thực hiện theo quy định của Nghị định số 187/2013/NĐ-CP đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018.

6. Việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ Khoa học và Công nghệ đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018.

7. Các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn thi hành Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018.

Điều 73. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

2. Nghị định này bãi bỏ:

a) Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài.

b) Các Điều 2, 3, 4, 5, 6, 7 Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương.

c) Quyết định số 10/2010/QĐ-TTg ngày 10 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định Giấy chứng nhận lưu hành tự do đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2). XH

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC HÀNG HÓA CẤM XUẤT KHẨU, CẤM NHẬP KHẨU
(Kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)

Danh mục này áp dụng cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa mậu dịch, phi mậu dịch; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới; hàng hóa viện trợ Chính phủ, phi Chính phủ.

I. DANH MỤC HÀNG HÓA CẤM XUẤT KHẨU

STT

Mô tả hàng hóa

Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý

1

Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ (trừ vật liệu nổ công nghiệp), trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

Bộ Quốc phòng

2

Các sản phẩm mật mã sử dụng để bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước.

Bộ Quốc phòng

3

a) Di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

b) Các loại sản phẩm văn hóa thuộc diện cấm phổ biến, lưu hành hoặc đã có quyết định đình chỉ phổ biến, lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy tại Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

4

a) Các loại xuất bản phẩm thuộc diện cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam.

b) Tem bưu chính thuộc diện cấm kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền theo quy định của Luật Bưu chính.

Bộ Thông tin và Truyền thông

5

Gỗ tròn, gỗ xẻ các loại từ gỗ rừng tự nhiên trong nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

6

a) Mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I CITES có nguồn gốc từ tự nhiên hoặc; mẫu vật thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA, IB theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP xuất khẩu vì mục đích thương mại.

b) Mẫu vật và sản phẩm chế tác của loài: tê giác trắng (Ceratotherium simum), tê giác đen (Diceros bicomis), voi Châu Phi (Loxodonta africana).

c) Các loài hoang dã nguy cấp, quý, hiếm nhóm I.

d) Các loài thủy sản thuộc Danh mục loài thủy sản cấm xuất khẩu.

đ) Giống vật nuôi và giống cây trồng thuộc Danh mục giống vật nuôi quý hiếm và giống cây trồng quý hiếm cấm xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo quy định của Pháp lệnh Giống vật nuôi năm 2004 và Pháp lệnh Giống cây trồng năm 2004.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

7

a) Hóa chất Bảng 1 được quy định trong Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

b) Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật hóa chất.

Bộ Công Thương

II. DANH MỤC HÀNG HÓA CẤM NHẬP KHẨU

STT

Mô tả hàng hóa

Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý

1

Vũ khí, đạn dược, vật liệu nổ (trừ vật liệu nổ công nghiệp), trang thiết bị kỹ thuật quân sự.

Bộ Quốc phòng

2

Pháo các loại (trừ pháo hiệu an toàn hàng hải theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải), đèn trời, các loại thiết bị gây nhiễu máy đo tốc độ phương tiện giao thông.

Bộ Công an

3

a) Hóa chất Bảng 1 được quy định trong Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học và Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

b) Hóa chất thuộc Danh mục hóa chất cấm quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09 tháng 10 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật hóa chất.

Bộ Công Thương

4

Hàng tiêu dùng, thiết bị y tế, phương tiện đã qua sử dụng, bao gồm các nhóm hàng:

a) Hàng dệt may, giày dép, quần áo.

b) Hàng điện tử.

c) Hàng điện lạnh.

d) Hàng điện gia dụng.

đ) Thiết bị y tế.

e) Hàng trang trí nội thất.

g) Hàng gia dụng bằng gốm, sành sứ, thủy tinh, kim loại, nhựa, cao su, chất dẻo và các chất liệu khác.

h) Xe đạp.

i) Mô tô, xe gắn máy.

Bộ Công Thương

5

Các loại sản phẩm văn hóa thuộc diện cấm phổ biến, lưu hành hoặc đã có quyết định đình chỉ phổ biến, lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu hủy tại Việt Nam.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

6

Hàng hóa là sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng.

Bộ Thông tin và Truyền thông

7

a) Các loại xuất bản phẩm cấm phổ biến và lưu hành tại Việt Nam.

b) Tem bưu chính thuộc diện cấm kinh doanh, trao đổi, trưng bày, tuyên truyền theo quy định của Luật Bưu chính.

c) Thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện không phù hợp với các quy hoạch tần số vô tuyến điện và quy chuẩn kỹ thuật có liên quan theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện.

Bộ Thông tin và Truyền thông

8

a) Phương tiện vận tải tay lái bên phải (kể cả dạng tháo rời và dạng đã được chuyển đổi tay lái trước khi nhập khẩu vào Việt Nam), trừ các loại phương tiện chuyên dùng có tay lái bên phải hoạt động trong phạm vi hẹp và không tham gia giao thông gồm: xe cần cẩu; máy đào kênh rãnh; xe quét đường, tưới đường; xe chở rác và chất thải sinh hoạt; xe thi công mặt đường; xe chở khách trong sân bay; xe nâng hàng trong kho, cảng; xe bơm bê tông; xe chỉ di chuyển trong sân golf, công viên.

b) Các loại ô tô, xe bốn bánh có gắn động cơ và bộ linh kiện lắp ráp bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ.

c) Các loại rơ moóc, sơ mi rơ moóc bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung.

d) Các loại mô tô, xe máy chuyên dùng, xe gắn máy bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại số khung, số động cơ.

Bộ Giao thông vận tải

9

Vật tư, phương tiện đã qua sử dụng, gồm:

a) Máy, khung, săm, lốp, phụ tùng, động cơ của ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe bốn bánh có gắn động cơ.

b) Khung gầm của ô tô, máy kéo có gắn động cơ (kể cả khung gầm mới có gắn động cơ đã qua sử dụng, khung gầm đã qua sử dụng có gắn động cơ mới),

c) Các loại ô tô đã thay đổi kết cấu để chuyển đổi công năng so với thiết kế ban đầu.

d) Các loại ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc (trừ các loại rơ moóc, sơ mi rơ moóc chuyên dùng), xe chở người bốn bánh có gắn động cơ đã qua sử dụng loại quá 5 năm, tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu.

đ) Ô tô cứu thương.

Bộ Giao thông vận tải

10

Hóa chất trong Phụ lục III Công ước Rotterdam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

11

Thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

12

a) Mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I CITES có nguồn gốc từ tự nhiên nhập khẩu vì mục đích thương mại.

b) Mẫu vật và sản phẩm chế tác của loài: tê giác trắng (Ceratotherium simum), tê giác đen (Diceros bicomis), voi Châu Phi (Loxodonta africana).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

13

Phế liệu, phế thải, thiết bị làm lạnh sử dụng C.F.C.

Bộ Tài nguyên và Môi trường

14

Sản phẩm, vật liệu có chứa amiăng thuộc nhóm amfibole.

Bộ Xây dựng

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC HÀNG HÓA CHỈ ĐỊNH THƯƠNG NHÂN XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU
(Kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)

STT

Hàng hóa nhập khẩu

Bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý

1

Phôi kim loại sử dụng để đúc, dập tiền kim loại.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

2

Giấy in tiền.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

3

Mực in tiền.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

4

Máy ép phôi chống giả và phôi chống giả để sử dụng cho tiền, ngân phiếu thanh toán và các loại ấn chỉ, giấy tờ có giá khác thuộc ngành Ngân hàng phát hành và quản lý.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

5

Máy in tiền

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

6

Máy đúc, dập tiền kim loại

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

7

Thuốc lá điếu, xì gà

Bộ Công Thương

 

PHỤ LỤC III

DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO GIẤY PHÉP, ĐIỀU KIỆN
(Kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)

Danh mục này áp dụng cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa mậu dịch, phi mậu dịch; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại khu vực biên giới; hàng hóa viện trợ Chính phủ, phi Chính phủ.

I. DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO GIẤY PHÉP, ĐIỀU KIỆN THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

A

Hàng hóa xuất khẩu

Hình thức quản lý

1

Hóa chất và sản phẩm có chứa hóa chất.

Thực hiện theo quy định của Luật Hóa chất và các Nghị định quy định chi tiết thi hành.

Hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

Thực hiện theo quy định của Nghị định 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ.

Tiền chất công nghiệp.

Giấy phép xuất khẩu.

2

Khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng).

Ban hành danh mục xuất khẩu có điều kiện, quy định điều kiện hoặc tiêu chuẩn.

3

Tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp.

Giấy phép xuất khẩu.

4

Các loại hàng hóa xuất khẩu theo hạn ngạch do nước ngoài quy định.

(Bộ Công Thương công bố phù hợp với thỏa thuận hoặc cam kết quốc tế của Việt Nam với nước ngoài).

Giấy phép xuất khẩu.

5

Hàng cần kiểm soát xuất khẩu theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, do Bộ Công Thương công bố cho từng thời kỳ.

Giấy phép xuất khẩu.

6

Hàng hóa áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu tự động: Bộ Công Thương công bố danh Mục hàng hóa áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu tự động cho từng thời kỳ và tổ chức cấp phép theo quy định hiện hành về cấp phép.

Giấy phép xuất khẩu tự động.

B

Hàng hóa nhập khẩu

Hình thức quản lý

1

Hàng hóa cần kiểm soát nhập khẩu theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên do Bộ Công Thương công bố cho từng thời kỳ.

Giấy phép nhập khẩu.

2

Hàng hóa áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động: Bộ Công Thương công bố danh mục hàng hóa áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động cho từng thời kỳ và tổ chức cấp phép theo quy định hiện hành về cấp phép.

Giấy phép nhập khẩu tự động

3

Hàng hóa áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan:

a) Muối.

b) Thuốc lá nguyên liệu.

c) Trứng gia cầm.

d) Đường tinh luyện, đường thô.

Giấy phép nhập khẩu.

4

Hóa chất và sản phẩm có chứa hóa chất.

Thực hiện theo quy định của Luật Hóa chất và các Nghị định quy định chi tiết thi hành.

Hóa chất Bảng 2, hóa chất Bảng 3 theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

Thực hiện theo quy định của Nghị định 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ.

Tiền chất công nghiệp.

Giấy phép nhập khẩu.

5

Tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ công nghiệp.

Quy định điều kiện và giấy phép nhập khẩu.

6

Nguyên liệu thuốc lá, sản phẩm thuốc lá, giấy vấn điếu thuốc lá; máy móc, thiết bị chuyên ngành sản xuất thuốc lá và phụ tùng thay thế.

Thực hiện theo quy định của Chính phủ về sản xuất và kinh doanh thuốc lá.

II. DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO GIẤY PHÉP, ĐIỀU KIỆN THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

A

Hàng hóa xuất khẩu

Hình thức quản lý

 

Không có.

 

B

Hàng hóa nhập khẩu

Hình thức quản lý

1

Pháo hiệu các loại cho an toàn hàng hải.

Giấy phép nhập khẩu.

III. DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO GIẤY PHÉP, ĐIỀU KIỆN THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

A

Hàng hóa xuất khẩu

Hình thức quản lý

1

a) Mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES không vì mục đích thương mại.

b) Mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp từ tự nhiên thuộc Phụ lục II, III CITES; và mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES có nguồn gốc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cây nhân tạo.

Căn cứ quy định của Công ước CITES để công bố điều kiện và hướng dẫn thủ tục xuất khẩu.

c) Động vật, thực vật hoang dã, quý hiếm thuộc nhóm IIA và IIB quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ

Công bố điều kiện và hướng dẫn thủ tục xuất khẩu

2

Giống cây trồng và giống vật nuôi quý hiếm.

Hướng dẫn cụ thể theo quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng và Pháp lệnh Giống vật nuôi.

3

Cây cảnh, cây bóng mát, cây cổ thụ từ rừng tự nhiên trong nước.

Công bố điều kiện và hồ sơ xuất khẩu.

4

Củi, than làm từ gỗ hoặc củi có nguồn gốc từ gỗ rừng tự nhiên trong nước.

Công bố điều kiện và hướng dẫn thủ tục xuất khẩu.

5

a) Các loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện.

b) Các loài thủy sản được xuất khẩu thông thường.

Ban hành danh mục các loài thủy sản được xuất khẩu thông thường; các loài và điều kiện xuất khẩu các loài thủy sản xuất khẩu có điều kiện.

B

Hàng hóa nhập khẩu

Hình thức quản lý

1

Thuốc thú y và nguyên liệu sản xuất thuốc thú y đăng ký nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam.

Giấy phép khảo nghiệm.

2

Chế phẩm sinh học, vi sinh học, hóa chất dùng trong thú y đăng ký nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam.

Giấy phép khảo nghiệm.

3

a) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để tạm nhập, tái xuất hoặc nhập khẩu để sản xuất tại Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với nước ngoài;

b) Thuốc bảo vệ thực vật để xông hơi khử trùng chứa hoạt chất methyl bromide và các hoạt chất có độ độc cấp tính loại I, II theo Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất (GHS);

c) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhập khẩu để khảo nghiệm nhằm mục đích đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;

d) Thuốc bảo vệ thực vật chưa có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam nhập khẩu để thử nghiệm, nghiên cứu; sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam; thuốc bảo vệ thực vật làm hàng mẫu, hàng phục vụ triển lãm, hội chợ và sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

đ) Thuốc trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam nhưng nhập khẩu để làm chất chuẩn.

Giấy phép nhập khẩu.

4

Giống vật nuôi ngoài danh mục được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam; côn trùng các loại chưa có ở Việt Nam; tinh, phôi của giống vật nuôi nhập khẩu lần đầu vào Việt Nam.

Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy phép khảo nghiệm, quy định rõ điều kiện và thủ tục cấp giấy phép.

5

Giống cây trồng, sinh vật sống thuộc lĩnh vực bảo vệ thực vật và các vật thể khác trong danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Giấy phép nhập khẩu, quy định rõ Điều kiện và thủ tục cấp giấy phép.

6

Giống cây trồng chưa có trong danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nhập khẩu để nghiên cứu, khảo nghiệm, sản xuất thử hoặc nhập khẩu với mục đích hợp tác quốc tế, để làm mẫu tham gia triển lãm, làm quà tặng hoặc để thực hiện các chương trình, dự án đầu tư.

Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy phép khảo nghiệm, quy định rõ điều kiện và thủ tục cấp giấy phép theo quy định của Pháp lệnh Giống cây trồng và Pháp lệnh Giống vật nuôi.

7

Thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; thức ăn thủy sản và nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản ngoài danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy phép khảo nghiệm, quy định rõ điều kiện và thủ tục cấp giấy phép

8

Phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam trong các trường hợp sau:

a) Phân bón để khảo nghiệm;

b) Phân bón chuyên dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí;

c) Phân bón chuyên dùng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để phục vụ cho sản xuất trong phạm vi của doanh nghiệp; sử dụng trong các dự án của nước ngoài tại Việt Nam;

d) Phân bón làm quà tặng; làm hàng mẫu;

đ) Phân bón tham gia hội chợ, triển lãm;

e) Phân bón nhập khẩu để sản xuất phân bón xuất khẩu;

g) Phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học;

h) Phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón.

Giấy phép nhập khẩu.

9

Nguồn gen của cây trồng, vật nuôi, vi sinh phục vụ nghiên cứu, trao đổi khoa học, kỹ thuật.

Giấy phép nhập khẩu, quy định rõ điều kiện và thủ tục cấp giấy phép.

10

a) Mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm từ tự nhiên thuộc Phụ lục I CITES không vì mục đích thương mại.

b) Mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp từ tự nhiên thuộc Phụ lục II, III CITES; và mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES có nguồn gốc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cây nhân tạo.

Căn cứ quy định của Công ước CITES để công bố điều kiện và hướng dẫn thủ tục nhập khẩu.

11

a) Nguyên liệu sản xuất chế phẩm sinh học, vi sinh học, hóa chất, chất xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Quy định về quản lý chất lượng nguyên liệu nhập khẩu.

b) Sản phẩm hoàn chỉnh có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc có trong Danh mục sản phẩm nhập khẩu có điều kiện.

Ban hành Danh mục sản phẩm được phép lưu hành tại Việt Nam (Danh mục sản phẩm nhập khẩu thông thường) và Danh mục sản phẩm nhập khẩu có điều kiện.

c) Sản phẩm hoàn chỉnh chưa có tên trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc có trong Danh mục sản phẩm nhập khẩu có điều kiện.

Giấy phép nhập khẩu, quy định rõ điều kiện, số lượng và thủ tục cấp giấy phép.

12

a) Giống thủy sản được nhập khẩu thông thường.

Ban hành danh mục giống thủy sản nhập khẩu thông thường.

b) Giống thủy sản nhập khẩu có điều kiện.

Ban hành danh mục giống thủy sản nhập khẩu có điều kiện.

c) Giống thủy sản chưa có trong danh mục được phép nhập khẩu thông thường lần đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam.

Giấy phép nhập khẩu, quy định rõ điều kiện, số lượng và thủ tục cấp giấy phép.

13

a) Thủy sản sống làm thực phẩm có trong danh mục được nhập khẩu thông thường.

Ban hành danh mục thủy sản sống làm thực phẩm được nhập khẩu thông thường.

b) Thủy sản sống làm thực phẩm ngoài danh mục các loài thủy sản sống được nhập khẩu làm thực phẩm tại Việt Nam,

Quy định về việc đánh giá rủi ro, cấp phép nhập khẩu.

IV. DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO GIẤY PHÉP, ĐIỀU KIỆN THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

A

Hàng hóa xuất khẩu

Hình thức quản lý

 

Không có.

 

B

Hàng hóa nhập khẩu

Hình thức quản lý

1

Phế liệu.

Quy định điều kiện hoặc tiêu chuẩn nhập khẩu.

V. DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO GIẤY PHÉP, ĐIỀU KIỆN THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

A

Hàng hóa xuất khẩu

Hình thức quản lý

1

Các loại ấn phẩm (sách, báo, tạp chí, tranh, ảnh, lịch).

Thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất bản, báo chí.

B

Hàng hóa nhập khẩu

Hình thức quản lý

1

Các loại ấn phẩm (sách, báo, tạp chí, tranh, ảnh, lịch).

Thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất bản, báo chí.

2

Tem bưu chính, ấn phẩm tem bưu chính và các mặt hàng tem bưu chính.

Giấy phép nhập khẩu.

3

Hệ thống chế bản chuyên dùng ngành in.

Thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động in.

4

Máy in các loại: ốp-xét (offset), flexo, ống đồng, letterpress, máy in lưới (lụa); Máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu.

Thực hiện theo quy định của pháp luật về hoạt động in.

5

Sản phẩm an toàn thông tin mạng, bao gồm:

a) Sản phẩm kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng;

b) Sản phẩm giám sát an toàn thông tin mạng;

c) Sản phẩm chống tấn công, xâm nhập.

Giấy phép nhập khẩu.

VI. DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO GIẤY PHÉP, ĐIỀU KIỆN THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

A

Hàng hóa xuất khẩu

Hình thức quản lý

1

Tác phẩm điện ảnh, tác phẩm nghệ thuật biểu diễn và sản phẩm nghe nhìn khác, được ghi trên mọi chất liệu.

Quy định điều kiện.

2

Tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh.

Quy định điều kiện.

3

Di vật, cổ vật không thuộc sở hữu nhà nước, sở hữu của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội.

Thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

B

Hàng hóa nhập khẩu

Hình thức quản lý

1

Tác phẩm điện ảnh, tác phẩm nghệ thuật biểu diễn và sản phẩm nghe nhìn khác, được ghi trên mọi chất liệu.

Phê duyệt nội dung hàng hóa nhập khẩu.

2

Tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh.

Phê duyệt nội dung hàng hóa nhập khẩu.

3

Máy, thiết bị trò chơi điện tử có cài đặt chương trình trò chơi điện tử; máy, thiết bị trò chơi điện tử có cài đặt chương trình trò chơi điện từ có thưởng và bàn, thiết bị trò chơi chuyên dùng casino.

Văn bản xác nhận danh mục hàng hóa nhập khẩu.

4

Đồ chơi trẻ em.

Quy định điều kiện kỹ thuật.

VII. DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO GIẤY PHÉP, ĐIỀU KIỆN THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA BỘ Y TẾ

A

Hàng hóa xuất khẩu

Hình thức quản lý

1

Thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Giấy phép xuất khẩu.

2

Nguyên liệu làm thuốc là dược chất hướng thần, dược chất gây nghiện, tiền chất dùng làm thuốc.

Giấy phép xuất khẩu.

3

Dược liệu thuộc danh mục loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát.

Giấy phép xuất khẩu.

4

Thuốc, nguyên liệu làm thuốc, trừ dược liệu thuộc danh mục loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu phải kiểm soát, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, nguyên liệu làm thuốc là dược chất hướng thần, dược chất gây nghiện, tiền chất dùng làm thuốc.

Được xuất khẩu theo nhu cầu không phải xác nhận đơn hàng.

5

Thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đã công bố hợp quy.

Được xuất khẩu theo nhu cầu không phải xác nhận đơn hàng.

6

Trang thiết bị y tế.

Được xuất khẩu theo nhu cầu không phải xác nhận đơn hàng.

7

Hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế.

Được xuất khẩu theo nhu cầu không phải xác nhận đơn hàng.

8

Mỹ phẩm.

Được xuất khẩu theo nhu cầu không phải xác nhận đơn hàng.

B

Hàng hóa nhập khẩu

Hình thức quản lý

1

Thuốc đã có giấy đăng ký lưu hành, trừ thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Được nhập khẩu theo nhu cầu không phải xác nhận đơn hàng.

2

Nguyên liệu làm thuốc là dược chất đã có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam.

Được nhập khẩu theo nhu cầu không phải xác nhận đơn hàng.

3

Nguyên liệu làm thuốc là dược chất để sản xuất thuốc theo hồ sơ đăng ký thuốc đã có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam.

Được nhập khẩu theo nhu cầu không phải xác nhận đơn hàng.

4

Trang thiết bị y tế đã có số lưu hành.

Được nhập khẩu theo nhu cầu không phải xác nhận đơn hàng.

5

Hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã có giấy phép lưu hành.

Được nhập khẩu theo nhu cầu không phải xác nhận đơn hàng.

6

Thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Giấy phép nhập khẩu.

7

Nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Giấy phép nhập khẩu.

8

Thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam.

Giấy phép nhập khẩu.

9

Nguyên liệu làm thuốc chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam, trừ nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt.

Giấy phép nhập khẩu.

10

Chất chuẩn, bao bì tiếp xúc trực tiếp với thuốc.

Giấy phép nhập khẩu.

11

Thực phẩm nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Công bố hợp quy, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và kiểm tra nhà nước.

12

Trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành nhập khẩu để nghiên cứu khoa học hoặc kiểm nghiệm hoặc hướng dẫn sử dụng, sửa chữa trang thiết bị y tế.

Giấy phép nhập khẩu.

13

Trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành nhập khẩu để phục vụ mục đích viện trợ.

Giấy phép nhập khẩu.

14

Trang thiết bị y tế chưa có số lưu hành nhập khẩu để sử dụng cho mục đích chữa bệnh cá nhân.

Giấy phép nhập khẩu.

15

Hóa chất, chế phẩm nhập khẩu để nghiên cứu.

Giấy phép nhập khẩu.

16

Chế phẩm nhập khẩu phục vụ mục đích viện trợ; sử dụng cho mục đích đặc thù khác (là quà biếu, cho, tặng hoặc trên thị trường không có sản phẩm và phương pháp sử dụng phù hợp với nhu cầu sử dụng của tổ chức, cá nhân xin nhập khẩu).

Giấy phép nhập khẩu.

17

Mỹ phẩm.

Công bố tiêu chuẩn.

VIII. DANH MỤC HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU THEO GIẤY PHÉP, ĐIỀU KIỆN THUỘC PHẠM VI QUẢN LÝ CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

A

Hàng hóa xuất khẩu

Hình thức quản lý

1

Vàng nguyên liệu.

Giấy phép xuất khẩu.

B

Hàng hóa nhập khẩu

Hình thức quản lý

1

Vàng nguyên liệu.

Giấy phép nhập khẩu.

 

PHỤ LỤC IV

DANH MỤC HÀNG HÓA CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN QUỐC PHÒNG, AN NINH
(Kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)

1. Các trường hợp chỉ liệt kê mã 4 số thì toàn bộ các mã 8 số thuộc nhóm 4 số này đều được áp dụng

2. Các trường hợp chỉ liệt kê mã 6 số thì toàn bộ các mã 8 số thuộc phân nhóm 6 số này đều được áp dụng.

3. Các trường hợp ngoài mã 4 số và 6 số còn chi tiết đến mã 8 số thì chỉ những mã 8 số đó mới được áp dụng.

Chương

Nhóm

Phân nhóm

Mô tả mặt hàng

Chương 87

8702

 

 

Xe có động cơ chở 10 người trở lên, kể cả lái xe (Loại có bọc thép không gắn vũ khí quân dụng, trừ dạng CKD).

 

8703

 

 

Ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (trừ các loại thuộc nhóm 87.02), kể cả xe chở người có khoang hành lý chung (station wagons) và ô tô đua (Loại có bọc thép không gắn vũ khí quân dụng, trừ dạng CKD).

 

8704

 

 

Xe có động cơ dùng để chở hàng (Loại có bọc thép không gắn vũ khí quân dụng, trừ dạng CKD).

Chương 88

8802

 

 

Phương tiện bay khác (ví dụ, trực thăng, máy bay); tàu vũ trụ (kể cả vệ tinh) và tầu bay trong quỹ đạo và phương tiện đẩy để phóng tàu vũ trụ (Chỉ áp dụng với loại máy bay, trực thăng không sử dụng trong hàng không dân dụng không có gắn trang thiết bị-vũ khí để chiến đấu).

 

PHỤ LỤC V

DANH MỤC HÀNG HÓA VÀ THẨM QUYỀN QUẢN LÝ CFS
(Kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)

STT

Hàng hóa

Thẩm quyền quản lý

1

a) Thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, phụ gia thực phẩm, nước uống, nước sinh hoạt, nước khoáng thiên nhiên; thuốc lá điếu; hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế;

b) Thuốc, mỹ phẩm;

c) Trang thiết bị y tế.

Bộ Y tế

2

a) Giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản; nông sản, lâm sản, thủy sản, muối; gia súc, gia cầm, vật nuôi;

b) Vật tư nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; phân bón; thức ăn, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; thức ăn thủy sản, chất bổ sung vào thức ăn thủy sản;

c) Sản phẩm trong nuôi trồng, thu hoạch, chế biến, bảo quản, vận chuyển nông sản, lâm sản, thủy sản, muối;

d) Phụ gia, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; chế phẩm sinh học, hóa chất xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; thuốc bảo vệ thực vật, động vật;

đ) Dụng cụ, thiết bị chuyên dùng trong nuôi trồng thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

3

a) Các loại phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác, vận chuyển trên biển; phương tiện, thiết bị xếp dỡ thi công chuyên dùng trong giao thông vận tải (trừ phương tiện phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh và tàu cá) và trang bị, thiết bị kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải.

b) Máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Giao thông vận tải.

Bộ Giao thông vận tải

4

Vật liệu xây dựng.

Bộ Xây dựng

5

a) Hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp;

b) Máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

c) Sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác theo quy định của pháp luật.

d) Sản phẩm, hàng hóa khác không thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, cơ quan nêu tại Phụ lục này.

Bộ Công Thương

6

a) Máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân đối với người lao động;

b) Các sản phẩm đặc thù về an toàn lao động theo quy định của pháp luật.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

7

a) Sản phẩm báo chí; xuất bản; bưu chính và chuyển phát;

b) Thiết bị viễn thông;

c) Sản phẩm, bưu chính, viễn thông, điện tử và công nghệ thông tin;

d) Thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện.

Bộ Thông tin và Truyền thông

8

a) Tài nguyên, khoáng sản;

b) Đo đạc bản đồ.

Bộ Tài nguyên và Môi trường

9

a) Sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu hướng dẫn giáo viên;

b) Thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ em trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ theo quy định của pháp luật.

Bộ Giáo dục và Đào tạo

10

a) Các sản phẩm văn hóa;

b) Trang thiết bị luyện tập, thi đấu của các cơ sở thể dục thể thao và của các môn thể thao.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

11

Các thiết bị chuyên dùng cho ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

12

Phương tiện, trang thiết bị quân sự, vũ khí đạn dược, sản phẩm phục vụ quốc phòng, công trình quốc phòng không thuộc đối tượng bí mật quốc gia.

Bộ Quốc phòng

13

Trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí, khí tài, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các loại sản phẩm khác sử dụng cho lực lượng công an nhân dân không thuộc đối tượng bí mật quốc gia.

Bộ Công an

14

Thiết bị an toàn bức xạ hạt nhân; phương tiện, dụng cụ đo lường và các sản phẩm, hàng hóa khác, trừ các sản phẩm đã nêu từ Khoản 1 đến Khoản 13 và các sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bí mật quốc gia.

Bộ Khoa học và Công nghệ

 

PHỤ LỤC VI

DANH MỤC HÀNG HÓA CẤM KINH DOANH TẠM NHẬP, TÁI XUẤT, CHUYỂN KHẨU
(Kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)

1. Các trường hợp liệt kê mã HS 4 số thì áp dụng đối với toàn bộ các mã HS 8 số thuộc nhóm 4 số này.

2. Các trường hợp liệt kê cả mã HS 4 số và mã HS 6 số thì áp dụng đối với toàn bộ các mã HS 8 số thuộc phân nhóm 6 số đó.

Mã hàng

Mô tả mặt hàng

Chương 28

Chương 29

 

 

Các mặt hàng hóa chất thuộc Danh mục hóa chất bảng 1 và bảng 2 ban hành kèm theo Nghị định số 38/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về quản lý hóa chất thuộc diện kiểm soát của Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá hủy vũ khí hóa học.

Chương 39

3915

 

Phế liệu, phế thải và mẩu vụn, của plastic.

Chương 84

8418

 

Tủ lạnh, tủ kết đông và thiết bị làm lạnh hoặc kết đông khác, loại dùng điện hoặc loại khác; bơm nhiệt trừ máy điều hòa không khí thuộc nhóm 84.15.

(Chỉ áp dụng đối với các loại có sử dụng dung môi chất lạnh C.F.C12 (R12) (tên hóa học là Dichlorodifluoromethane, công thức hóa học là CF2Cl2.)

Lưu ý: Để biết thiết bị dùng loại dung môi chất lạnh nào thì xem cataloge của thiết bị, mục dung môi chất lạnh (Refrigerant).

 

8473

 

Bộ phận và phụ kiện đã qua sử dụng (trừ vỏ, hộp đựng và các loại tương tự) chỉ dùng hoặc chủ yếu dùng với các máy thuộc các nhóm từ 84.70 đến 84.72.

Chương 85

8507

 

Ắc quy điện, kể cả tấm vách ngăn của nó, có hoặc không ở dạng hình chữ nhật (kể cả hình vuông).

 

8507

10

Bằng axit-chì, loại dùng để khởi động động cơ piston (đã qua sử dụng)

 

8507

20

Ắc quy axit - chì khác (đã qua sử dụng)

 

PHỤ LỤC VII

DANH MỤC HÀNG THỰC PHẨM ĐÔNG LẠNH KINH DOANH TẠM NHẬP, TÁI XUẤT CÓ ĐIỀU KIỆN
(Kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)

1. Danh Mục chỉ áp dụng đối với hàng thực phẩm đông lạnh; không bao gồm thực phẩm tươi, ướp lạnh, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói.

2. Các trường hợp liệt kê theo Chương thì áp dụng đối với toàn bộ các mã HS 8 số thuộc Chương đó.

3. Các trường hợp ngoài liệt kê theo Chương còn chi tiết đến mã HS 8 số thì chỉ áp dụng đối với các mã HS 8 số đó.

Mã hàng

Mô tả mặt hàng

Chương 02

Thịt và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ

Chương 03

Cá và động vật giáp xác, động vật thân mềm và động vật thủy sinh không xương sống khác

Chương 05

Sản phẩm gốc động vật, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác

0504

00

00

Ruột, bong bóng và dạ dày động vật (trừ cá), nguyên dạng và các mảnh của chúng, tươi, ướp lạnh, đông lạnh, muối, ngâm nước muối, làm khô hoặc hun khói.

 

 

 

 

PHỤ LỤC VIII

DANH MỤC HÀNG HÓA CÓ THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT KINH DOANH TẠM NHẬP, TÁI XUẤT CÓ ĐIỀU KIỆN
(Kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)

Các trường hợp liệt kê mã HS 4 số thì áp dụng đối với toàn bộ các mã HS 8 số thuộc nhóm 4 số này.

Mã hàng

Mô tả mặt hàng

Chương 22

2203

Bia sản xuất từ malt

 

2204

Rượu vang làm từ nho tươi, kể cả rượu vang cao độ; hèm nho trừ loại thuộc nhóm 20.09

 

2205

Rượu Vermouth và rượu vang khác làm từ nho tươi đã pha thêm hương liệu từ thảo mộc hoặc chất thơm

 

2206

Đồ uống đã lên men khác (ví dụ, vang táo, vang lê, vang mật ong, rượu sa kê); hỗn hợp của đồ uống đã lên men và hỗn hợp của đồ uống đã lên men với đồ uống không chứa cồn, chưa chi tiết hay ghi ở nơi khác

 

2208

Cồn ê-ti-lích chưa biến tính có nồng độ cồn dưới 80% tính theo thể tích; rượu mạnh, rượu mùi và đồ uống có rượu khác

Chương 24

2402

Xì gà, xì gà xén hai đầu, xì gà nhỏ và thuốc lá điếu, từ lá thuốc lá hoặc từ các nguyên liệu thay thế lá thuốc lá

 

PHỤ LỤC IX

DANH MỤC HÀNG HÓA ĐÃ QUA SỬ DỤNG KINH DOANH TẠM NHẬP, TÁI XUẤT CÓ ĐIỀU KIỆN
(Kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)

1. Danh mục chỉ áp dụng đối với hàng đã qua sử dụng.

2. Đối với nhóm 8418: không áp dụng đối với các loại hàng hóa thuộc Danh mục cấm kinh doanh tạm nhập, tái xuất chuyển khẩu ban hành kèm theo Phụ lục VI Nghị định này.

3. Đối với nhóm 8703: chỉ áp dụng đối với xe ô tô đã qua sử dụng trên 5 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu.

4. Các trường hợp liệt kê mã HS 4 số thì áp dụng đối với toàn bộ các mã HS 8 số thuộc nhóm 4 số này.

5. Các trường hợp liệt kê cả mã HS 4 số và mã HS 6 số thì áp dụng đối với toàn bộ các mã HS 8 số thuộc phân nhóm 6 số đó.

6. Các trường hợp ngoài mã HS 4 số và 6 số còn chi tiết đến mã HS 8 số thì chỉ áp dụng đối với các mã HS 8 số đó.

Mã hàng

Mô tả mặt hàng

Chương 40

4012

 

 

Lốp bằng cao su loại bơm hơi đã qua sử dụng hoặc đắp lại; lốp đặc hoặc nửa đặc, hoa lốp và lót vành, bằng cao su

Chương 84

8414

 

 

Bơm không khí hoặc bơm chân không, máy nén không khí hay chất khí khác và quạt; nắp chụp hút tuần hoàn gió hoặc thông gió có kèm theo quạt, có hoặc không lắp bộ phận lọc

 

8414

51

 

- - Quạt bàn, quạt sàn, quạt tường, quạt cửa sổ, quạt trần hoặc quạt mái, có động cơ điện gắn liền với công suất không quá 125 W:

 

8414

59

 

- - Loại khác:

 

8415

 

 

Máy điều hòa không khí, gồm có một quạt chạy bằng mô tơ và các bộ phận làm thay đổi nhiệt độ và độ ẩm, kể cả loại máy không điều chỉnh độ ẩm một cách riêng biệt.

 

8415

10

 

- Loại thiết kế để lắp vào cửa sổ, tường, trần hoặc sàn, kiểu một khối (lắp liền trong cùng một vỏ, một cục) hoặc “hệ thống nhiều khối chức năng” (cục nóng, cục lạnh tách biệt)

 

8415

20

 

- Loại sử dụng cho người, trong xe có động cơ:

 

8418

 

 

Tủ lạnh, tủ kết đông và thiết bị làm lạnh hoặc kết đông khác, loại dùng điện hoặc loại khác bơm nhiệt trừ máy điều hòa không khí thuộc nhóm 84.15.

 

8418

10

 

- Tủ kết đông lạnh liên hợp (dạng thiết bị lạnh có buồng làm đá và làm lạnh riêng biệt), có các cửa mở riêng biệt:

 

8418

10

11

- - - Dung tích không quá 230 lít

 

8418

10

19

- - - Loại khác

 

8418

21

 

- - Loại sử dụng máy nén

 

8418

29

 

- - Loại khác

 

8418

30

 

- Tủ kết đông, loại cửa trên, dung tích không quá 800 lít:

 

8418

30

10

- - Dung tích không quá 200 lít

 

8418

40

 

- Tủ kết đông, loại cửa trước, dung tích không quá 900 lít:

 

8418

40

10

- - Dung tích không quá 200 lít

 

8421

12

00

- - Máy làm khô quần áo

 

8422

 

 

Máy rửa bát đĩa máy làm sạch hoặc làm khô chai lọ hoặc các loại đồ chứa khác; máy rót, đóng kín, gắn xi, đóng nắp hoặc dán nhãn vào các chai, lon, hộp, túi hoặc đồ chứa khác; máy bọc chai lọ, ống và các loại đồ chứa tương tự; máy đóng gói hay bao gói khác (kể cả máy bọc màng co); máy nạp ga cho đồ uống.

 

8422

11

00

- - Loại sử dụng trong gia đình:

 

8450

 

 

Máy giặt gia đình hoặc trong hiệu giặt, kể cả máy giặt có chức năng sấy khô.

 

8450

11

 

- - Máy tự động hoàn toàn:

 

8450

12

 

- - Máy giặt khác, có chức năng sấy ly tâm

 

8450

19

 

- - Loại khác:

 

8450

20

00

- Máy giặt, có sức chứa trên 10 kg vải khô một lần giặt

 

8471

 

 

Máy xử lý dữ liệu tự động và các khối chức năng của chúng đầu đọc từ tính hay đầu đọc quang học, máy truyền dữ liệu lên các phương tiện truyền dữ liệu dưới dạng mã hóa và máy xử lý những dữ liệu này, chưa được chi tiết hay ghi ở nơi khác

 

8471

30

 

- Máy xử lý dữ liệu tự động loại xách tay, có trọng lượng không quá 10 kg, gồm ít nhất một đơn vị xử lý dữ liệu trung tâm, một bàn phím và một màn hình:

 

8471

41

10

- - - Máy tính cá nhân trừ máy tính xách tay của phân nhóm 8471.30

 

8471

49

10

- - - Máy tính cá nhân trừ máy tính bỏ túi của phân nhóm 8471.30

 

8471

50

10

- - Bộ xử lý dùng cho máy tính cá nhân (kể cả loại máy xách tay)

Chương 85

8508

 

 

Máy hút bụi

 

8508

11

00

- - Công suất không quá 1.500 W và có túi hứng bụi hay đồ chứa khác với sức chứa không quá 20 lít

 

8508

19

 

- - Loại khác:

 

8517

 

 

Bộ điện thoại, kể cả điện thoại cho mạng di động tế bào hoặc mạng không dây khác thiết bị khác để truyền và nhận tiếng, hình ảnh hoặc dữ liệu khác, kể cả các thiết bị viễn thông nối mạng hữu tuyến hoặc không dây (như loại sử dụng trong mạng nội bộ hoặc mạng diện rộng), trừ loại thiết bị truyền và thu của nhóm 84.43, 85.25, 85.27 hoặc 85.28.

 

8517

11

00

- - Bộ điện thoại hữu tuyến với điện thoại cầm tay không dây

 

8517

12

00

- - Điện thoại cho mạng di động tế bào hoặc mạng không dây khác

 

8517

18

00

- - Loại khác

 

8518

 

 

Micro và giá đỡ micro; loa đã hoặc chưa lắp ráp vào trong vỏ loa; tai nghe có khung chụp qua đầu và tai nghe không có khung chụp qua đầu, có hoặc không ghép nối với một micro, và các bộ gồm có một micro và một hoặc nhiều loa; thiết bị điện khuếch đại âm tần; bộ tăng âm điện.

 

8518

21

 

- - Loa đơn, đã lắp vào vỏ loa:

 

8518

22

 

- - Bộ loa, đã lắp vào cùng một vỏ loa:

 

8525

 

 

Thiết bị phát dùng cho phát thanh sóng vô tuyến hoặc truyền hình, có hoặc không gắn với thiết bị thu hoặc ghi hoặc tái tạo âm thanh; camera truyền hình, camera kỹ thuật số và camera ghi hình ảnh.

 

8525

80

 

- Camera truyền hình, camera kỹ thuật số và camera ghi hình ảnh

 

8528

 

 

Màn hình và máy chiếu, không gắn với thiết bị thu dùng trong truyền hình; thiết bị thu dùng trong truyền hình, có hoặc không gắn với máy thu thanh sóng vô tuyến hoặc máy ghi hoặc tái tạo âm thanh hoặc hình ảnh.

 

8528

52

00

- - Có khả năng kết nối trực tiếp và được thiết kế để dùng cho máy xử lý dữ liệu tự động thuộc nhóm 84.71:

 

8528

72

 

- - Loại khác, màu:

 

8528

73

00

- - Loại khác, đơn sắc

Chương 87

8703

 

 

Ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (trừ các loại thuộc nhóm 87.02), kể cả xe chở người có khoang hành lý chung (station wagons) và ô tô đua.

 

8703

21

 

- - Loại dung tích xi lanh không quá 1.000cc:

 

8703

21

41

- - - - Xe đua cỡ nhỏ

 

8703

21

42

- - - - Xe địa hình ATV (All-Terrain Vehicles)

 

8703

21

44

- - - - Ô tô nhà ở lưu động (có nội thất được thiết kế như căn hộ) (Motor-Homes)

 

8703

21

45

- - - - Ô tô kiểu Sedan

 

8703

21

51

- - - - - Loại bốn bánh chủ động

 

8703

21

59

- - - - - Loại khác

 

8703

21

90

- - - - Loại khác

 

8703

22

 

- - Loại dung tích xi lang trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc:

 

8703

22

41

- - - - Xe đua cỡ nhỏ

 

8703

22

42

- - - - Xe địa hình ATV (All-Terrain Vehicles)

 

8703

22

46

- - - - Ô tô nhà ở lưu động (có nội thất được thiết kế như căn hộ) (Motor-Homes)

 

8703

22

47

- - - - Ô tô kiểu Sedan

 

8703

22

51

- - - - - Loại bốn bánh chủ động

 

8703

22

59

- - - - - Loại khác

 

8703

22

90

- - - - Loại khác

 

8703

23

 

- - Dung tích xilanh trên 1.500 cc nhưng không quá 3.000 cc

 

8703

23

54

- - - Ô tô nhà ở lưu động (có nội thất được thiết kế như căn hộ) (Motor-Homes)

 

8703

23

55

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

23

56

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000 cc

 

8703

23

57

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

23

58

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc

 

8703

23

61

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

23

62

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000 cc

 

8703

23

63

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc.

 

8703

23

64

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc

 

8703

23

65

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

23

66

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000 cc

 

8703

23

67

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc.

 

8703

23

68

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc

 

8703

23

71

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

23

72

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000 cc

 

8703

23

73

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

23

74

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc

 

8703

24

 

- - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

24

44

- - - Ô tô nhà ở lưu động (có nội thất được thiết kế như căn hộ) (Motor-Homes)

 

8703

24

45

- - - - - Xe bốn bánh chủ động

 

8703

24

49

- - - - - Loại khác

 

8703

24

51

- - - - - Xe bốn bánh chủ động

 

8703

24

59

- - - - - Loại khác

 

8703

24

61

- - - - - Xe bốn bánh chủ động

 

8703

24

69

- - - - - Loại khác

 

8703

31

 

- - Loại dung tích xi lanh không quá 1.500 cc:

 

8703

31

41

- - - - Xe đua cỡ nhỏ

 

8703

31

42

- - - - Xe địa hình ATV (All-Terrain Vehicles)

 

8703

31

46

- - - - Ô tô nhà ở lưu động (có nội thất được thiết kế như căn hộ) (Motor-Homes)

 

8703

31

47

- - - - Ô tô kiểu Sedan

 

8703

31

51

- - - - - Loại bốn bánh chủ động

 

8703

31

59

- - - - - Loại khác

 

8703

31

90

- - - - Loại khác:

 

8703

32

 

- - Loại dung tích xi lang trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc:

 

8703

32

54

- - - - Ô tô nhà ở lưu động (có nội thất được thiết kế như căn hộ) (Motor-Homes)

 

8703

32

61

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

32

62

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000 cc

 

8703

32

63

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc

 

8703

32

71

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

32

72

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000 cc

 

8703

32

73

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc

 

8703

32

74

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

32

75

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000 cc

 

8703

32

76

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc

 

8703

32

81

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

32

82

- - - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000 cc

 

8703

32

83

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc

 

8703

33

 

- - Loại dung tích xi lanh trên 2.500cc

 

8703

33

54

- - - Ô tô nhà ở lưu động (có nội thất được thiết kế như căn hộ) (Motor-Homes)

 

8703

33

61

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

33

62

- - - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

33

71

- - - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

33

72

- - - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

33

80

- - - - Ô tô khác (kể cả ô tô chở người có khoang chở hành lý chung (station wagons) và ô tô thể thao, nhưng không kể ô tô van), không phải loại bốn bánh chủ động

 

8703

33

90

- - - - Loại khác

 

8703

40

 

- Xe khác, loại kết hợp động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng tia lửa điện và động cơ điện để tạo động lực, trừ loại có khả năng nạp điện từ nguồn bên ngoài

 

8703

40

31

- - - Xe đua cỡ nhỏ

 

8703

40

32

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

40

33

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc

 

8703

40

56

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.500cc

 

8703

40

57

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

40

58

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc

 

8703

40

61

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

40

62

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

40

63

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

40

64

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

40

65

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

40

66

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

40

67

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc, loại bốn bánh chủ động

 

8703

40

68

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc, không phải loại bốn bánh chủ động

 

8703

40

71

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

40

72

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

40

73

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

40

74

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

40

75

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

40

76

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

40

77

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

40

81

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

40

82

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

40

83

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

40

84

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

40

85

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

40

86

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

40

87

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

40

91

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

40

92

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

40

93

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

40

94

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

40

95

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

40

96

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

40

97

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc, loại bốn bánh chủ động

 

8703

40

98

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc, không phải loại bốn bánh chủ động

 

8703

50

 

- Xe khác, loại kết hợp động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy do nén (diesel hoặc bán diesel) và động cơ điện để tạo động lực, trừ loại có khả năng nạp điện từ nguồn bên ngoài

 

8703

50

31

- - - Xe đua cỡ nhỏ

 

8703

50

32

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

50

33

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc

 

8703

50

56

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.500cc

 

8703

50

57

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

50

58

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc

 

8703

50

61

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

50

62

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

50

63

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

50

64

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

50

65

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

50

66

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

50

67

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

50

71

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

50

72

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

50

73

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

50

74

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

50

75

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

50

76

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

50

77

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

50

81

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

50

82

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

50

83

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

50

84

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

50

85

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

50

86

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

50

87

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

50

91

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

50

92

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

50

93

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

50

94

- - - - Dung tích ki lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

50

95

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

50

96

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

50

97

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

60

 

- Xe khác, loại kết hợp động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy bằng tia lửa điện và động cơ điện để tạo động lực, có khả năng nạp điện từ nguồn bên ngoài

 

8703

60

31

- - - Xe đua cỡ nhỏ

 

8703

60

32

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

60

33

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc

 

8703

60

56

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.500cc

 

8703

60

57

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

60

58

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc

 

8703

60

61

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

60

62

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

60

63

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

60

64

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

60

65

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

60

66

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

60

67

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc, loại bốn bánh chủ động

 

8703

60

68

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc, không phải loại bốn bánh chủ động

 

8703

60

71

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

60

72

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

60

73

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

60

74

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

60

75

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

60

76

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

60

77

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

60

81

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

60

82

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

60

83

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

60

84

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

60

85

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

60

86

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

60

87

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

60

91

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

60

92

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

60

93

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

60

94

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

60

95

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

60

96

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

60

97

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc, loại bốn bánh chủ động

 

8703

60

98

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc, không phải loại bốn bánh chủ động

 

8703

70

 

- Xe khác, loại kết hợp động cơ đốt trong kiểu piston đốt cháy do nén (diesel hoặc bán diesel) và động cơ điện để tạo động lực, có khả năng nạp điện từ nguồn bên ngoài

 

8703

70

31

- - - Xe đua cỡ nhỏ

 

8703

70

32

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

70

33

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc

 

8703

70

56

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.500cc

 

8703

70

57

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

70

58

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc

 

8703

70

61

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

70

62

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

70

63

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

70

64

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

70

65

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

70

66

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

70

67

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

70

71

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

70

72

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

70

73

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

70

74

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

70

75

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

70

76

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

70

77

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

70

81

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

70

82

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

70

83

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

70

84

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

70

85

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

70

86

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

70

87

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

70

91

- - - - Dung tích xi lanh không quá 1.000cc

 

8703

70

92

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.000cc nhưng không quá 1.500cc

 

8703

70

93

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.500cc nhưng không quá 1.800cc

 

8703

70

94

- - - - Dung tích xi lanh trên 1.800cc nhưng không quá 2.000cc

 

8703

70

95

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.000cc nhưng không quá 2.500cc

 

8703

70

96

- - - - Dung tích xi lanh trên 2.500cc nhưng không quá 3.000cc

 

8703

70

97

- - - - Dung tích xi lanh trên 3.000cc

 

8703

80

 

- Xe khác, loại chỉ sử dụng động cơ điện để tạo động lực

 

8703

80

16

- - - Ô tô nhà ở lưu động (có nội thất được thiết kế như căn hộ) (Motor-Homes)

 

8703

80

17

- - - Ô tô kiểu Sedan

 

8703

80

18

- - - Ô tô loại khác (kể cả ô tô chở người có khoang chở hành lý chung (station wagons) và ô tô thể thao, nhưng không kể ô tô van)

 

8703

80

19

- - - Loại khác

 

8703

80

91

- - - Xe đua cỡ nhỏ

 

8703

80

92

- - - Xe địa hình ATV (All-terrain vehicles)

 

8703

80

96

- - - Ô tô nhà ở lưu động (có nội thất được thiết kế như căn hộ) (Motor-Homes)

 

8703

80

97

- - - Ô tô kiểu Sedan

 

8703

80

98

- - - Ô tô loại khác (kể cả ô tô chở người có khoang chở hành lý chung (station wagons) và ô tô thể thao, nhưng không kể ô tô van)

 

8703

80

99

- - - Loại khác

 

8703

90

 

- Loại khác

 

8703

90

91

- - - Xe đua cỡ nhỏ

 

8703

90

92

- - - Xe địa hình ATV (All-terrain vehicles)

 

8703

90

96

- - - Ô tô nhà ở lưu động (có nội thất được thiết kế như căn hộ) (Motor-Homes)

 

8703

90

97

- - - Ô tô kiểu Sedan

 

8703

90

98

- - - Ô tô loại khác (kể cả ô tô chở người có khoang chở hành lý chung (station wagons) và ô tô thể thao, nhưng không kể ô tô van)

 

8703

90

99

- - - Loại khác

 

PHỤ LỤC X

DANH MỤC SẢN PHẨM QUÂN PHỤC CẤP GIẤY PHÉP SẢN XUẤT, GIA CÔNG SỬ DỤNG CHO CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NƯỚC NGOÀI
(Kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ)

1. Các trường hợp liệt kê mã HS 4 số thì áp dụng đối với toàn bộ các mã HS 8 số thuộc nhóm 4 số này.

2. Các trường hợp liệt kê cả mã HS 4 số và mã HS 6 số thì áp dụng đối với toàn bộ các mã HS 8 số thuộc phân nhóm 6 số đó.

3. Các trường hợp ngoài mã HS 4 số và 6 số còn chi tiết đến mã HS 8 số thì chỉ áp dụng đối với các mã HS 8 số đó.

Mã hàng

Mô tả hàng hóa

Chương 61

61.01

Áo khoác dài, áo khoác mặc khi đi xe (car-coat), áo khoác không tay, áo choàng không tay, áo khoác có mũ (kể cả áo jacket trượt tuyết), áo gió, áo jacket chống gió và các loại tương tự, dùng cho nam giới hoặc trẻ em trai, dệt kim hoặc móc, trừ các loại thuộc nhóm 61.03.

 

61.02

Áo khoác dài, áo khoác mặc khi đi xe (car-coat), áo khoác không tay, áo choàng không tay, áo khoác có mũ trùm (kể cả áo jacket trượt tuyết), áo gió, áo jacket chống gió và các loại tương tự, dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, dệt kim hoặc móc, trừ các loại thuộc nhóm 61.04.

 

61.03

Bộ com-lê, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, áo blazer, quần dài, quần yếm có dây đeo, quần ống chẽn và quần soóc (trừ quần áo bơi), dùng cho nam giới hoặc trẻ em trai, dệt kim hoặc móc.

 

61.04

Bộ com-lê, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, áo blazer, váy liền thân, chân váy (skirt), chân váy dạng quần, quần dài, quần yếm có dây đeo, quần ống chẽn và quần soóc (trừ quần áo bơi), dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, dệt kim hoặc móc.

 

61.05

Áo sơ mi nam giới hoặc trẻ em trai, dệt kim hoặc móc.

 

61.06

Áo blouse, sơ mi và sơ mi cách điệu (shirt-blouse) dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, dệt kim hoặc móc.

 

61.10

Áo bó, áo chui đầu, áo cardigan, gi-lê và các mặt hàng tương tự, dệt kim hoặc móc.

 

61.12

Bộ quần áo thể thao, bộ quần áo trượt tuyết và bộ quần áo bơi, dệt kim hoặc móc.

 

 

- Bộ quần áo thể thao:

 

6112.11.00

- - Từ bông

 

6112.12.00

- - Từ sợi tổng hợp

 

6112.19.00

- - Từ các vật liệu dệt khác

 

6112.20.00

- Bộ quần áo trượt tuyết

 

61.13

Quần áo được may từ các loại vải dệt kim hoặc móc thuộc nhóm 59.03, 59.06 hoặc 59.07.

 

61.14

Các loại quần áo khác, dệt kim hoặc móc.

Chương 62

62.01

Áo khoác ngoài, áo choàng mặc khi đi xe (car-coats), áo khoác không tay, áo choàng không tay, áo khoác có mũ trùm (kể cả áo jacket trượt tuyết), áo gió, áo jacket chống gió và các loại tương tự, dùng cho nam giới hoặc trẻ em trai, trừ các loại thuộc nhóm 62.03.

 

62.02

Áo khoác ngoài, áo choàng mặc khi đi xe (car-coats), áo khoác không tay, áo choàng không tay, áo khoác có mũ (kể cả áo jacket trượt tuyết), áo gió, áo jacket chống gió và các loại tương tự, dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái, trừ loại thuộc nhóm 62.04.

 

62.03

Bộ com-lê, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, blazer, quần dài, quần yếm có dây đeo, quần ống chẽn và quần soóc (trừ quần áo bơi) dùng cho nam giới hoặc trẻ em trai.

 

62.04

Bộ com-lê, bộ quần áo đồng bộ, áo jacket, blazer, váy liền thân, chân váy (skirt), chân váy dạng quần, quần yếm có dây đeo, quần ống chẽn và quần soóc (trừ quần áo bơi) dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái.

 

62.05

Áo sơ mi nam giới hoặc trẻ em trai.

 

62.06

Áo blouse, sơ mi và sơ mi cách điệu (shirt-blouses) dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái.

 

62.10

Quần áo may từ các loại vải thuộc nhóm 56.02, 56.03, 59.03, 59.06 hoặc 59.07.

 

62.11

Bộ quần áo thể thao, bộ quần áo trượt tuyết và quần áo bơi; quần áo khác.

 

6211.20.00

- Bộ quần áo trượt tuyết

 

 

- Quần áo khác, dùng cho nam giới hoặc trẻ em trai:

 

6211.32

- - Từ bông:

 

6211.32.90

- - - Loại khác

 

6211.33

- - Từ sợi nhân tạo:

 

6211.33.20

- - - Quần áo chống cháy

 

6211.33.30

- - - Quần áo chống các chất hóa học hoặc phóng xạ

 

6211.33.90

- - - Loại khác

 

6211.39

- - Từ vật liệu dệt khác:

 

6211.39.20

- - - Quần áo chống cháy

 

6211.39.30

- - - Quần áo chống các chất hóa học hoặc phóng xạ

 

6211.39.90

- - - Loại khác

 

 

- Quần áo khác dùng cho phụ nữ hoặc trẻ em gái:

 

6211.42

- - Từ bông:

 

6211.42.90

- - - Loại khác

 

6211.43

- - Từ sợi nhân tạo:

 

6211.43.30

- - - Bộ quần áo bảo hộ chống nổ

 

6211.43.50

- - - Quần áo chống các chất hóa học, phóng xạ hoặc chống cháy

 

6211.43.90

- - - Loại khác

 

6211.49

- - Từ vật liệu dệt khác:

 

6211.49.20

- - - Quần áo chống các chất hóa học, phóng xạ hoặc chống cháy

 

6211.49.40

- - -  Loại khác, từ lông cừu hoặc lông động vật loại mịn

 

6211.49.90

- - - Loại khác

Chương 65

65.04

Các loại mũ và các vật đội đầu khác, được làm bằng cách tết hoặc ghép các dải làm bằng chất liệu bất kỳ, đã hoặc chưa có lót hoặc trang trí.

 

65.05

Các loại mũ và các vật đội đầu khác, dệt kim hoặc móc, hoặc làm từ ren, nỉ hoặc vải dệt khác, ở dạng mảnh (trừ dạng dải), đã hoặc chưa lót hoặc trang trí; lưới bao tóc bằng vật liệu bất kỳ, đã hoặc chưa có lót hoặc trang trí.

 

6505.00.90

- Loại khác

 

65.06

Mũ và các vật đội đầu khác, đã hoặc chưa lót hoặc trang trí.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decree No. 69/2018/ND-CP dated May 15, 2018

  • Số hiệu: 69/2018/ND-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 15/05/2018
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/05/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản