Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 123/2021/NĐ-CP | Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2021 |
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 13 tháng 11 năm 2020;
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 29 tháng 6 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam ngày 21 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Đường sắt ngày 16 tháng 6 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 của Điều 1 như sau:
“2. Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải được quy định tại Nghị định này, bao gồm:
a) Vi phạm quy định về xây dựng, quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải;
b) Vi phạm quy định về xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn;
c) Vi phạm quy định về hoạt động của tàu thuyền;
d) Vi phạm quy định về đăng ký, xóa đăng ký tàu thuyền và bố trí thuyền viên; sử dụng chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên;
đ) Vi phạm quy định về hoa tiêu hàng hải;
e) Vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh vận tải biển, vận tải đa phương thức, dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và cung cấp dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải;
g) Vi phạm quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu thuyền và hoạt động phá dỡ tàu thuyền;
h) Vi phạm quy định về an toàn Công-te-nơ;
i) Vi phạm quy định về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn hàng hải; trục vớt tài sản chìm đắm và báo hiệu hàng hải;
k) Vi phạm quy định về đào tạo, huấn luyện thuyền viên;
l) Vi phạm quy định về phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển;
m) Vi phạm quy định về lao động hàng hải; khai báo tai nạn lao động hàng hải;
n) Vi phạm quy định về phòng chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải;
o) Vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong lĩnh vực hàng hải.
3. Các hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này nếu xảy ra ở ngoài vùng nước cảng biển mà chưa được quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trên các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này.”.
2. Bổ sung khoản 2a và khoản 2b vào sau khoản 2 Điều 2 như sau:
“2a. Tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Tổ chức kinh tế được thành lập theo quy định của pháp luật;
b) Tổ chức xã hội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp;
c) Đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
2b. Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
“Điều 3. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải là 01 năm; riêng đối với hành vi vi phạm hành chính về xây dựng cảng biển, cảng cạn, công trình hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý giá, quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt là 02 năm.”.
4. Bổ sung Điều 3a vào sau Điều 3 như sau:
“Điều 3a. Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện
1. Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc gồm những hành vi vi phạm hành chính sau đây:
a) Hành vi vi phạm quy định về xếp hàng hóa tại điểm a khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 16 Nghị định này. Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phát hiện hành vi chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng hóa chuyên chở) cho phép tham gia giao thông của phương tiện;
b) Các hành vi được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận hành vi vi phạm;
c) Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này mà không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng đã được thực hiện xong trước thời điểm người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm. Trong trường hợp không có tài liệu, chứng cứ để xác định chính xác thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm thì các hành vi vi phạm này vẫn được xác định là còn trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
2. Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này là các hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện.”.
5. Sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 4 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau:
“2. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn;
b) Đình chỉ hoạt động có thời hạn;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bao gồm: Giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ, giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp và phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.”.
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau:
“3. Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này quy định các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
a) Buộc bố trí đủ cán bộ an ninh cảng biển theo quy định; bố trí đủ số lượng hoa tiêu hoặc phương tiện tối thiểu theo quy định; bố trí hoa tiêu hàng hải dẫn tàu phù hợp với giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải hoặc giấy chứng nhận vùng hoạt động của hoa tiêu hàng hải; sử dụng hoặc bố trí đủ phương tiện đưa, đón hoa tiêu theo quy định hoặc sử dụng phương tiện đưa, đón hoa tiêu bảo đảm điều kiện an toàn; bố trí thời gian nghỉ ngơi cho thuyền viên theo quy định; bố trí đưa thuyền viên hồi hương theo thời gian quy định;
b) Buộc có kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt theo quy định;
c) Buộc thực hiện kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng bến cảng đúng thời hạn quy định hoặc sau sự cố va chạm, đâm va có ảnh hưởng đến kết cấu công trình hàng hải;
d) Buộc dỡ bỏ, hạ phần hàng quá tải trọng, quá khổ cho phép hoặc theo hướng dẫn của lực lượng chức năng tại nơi phát hiện vi phạm;
đ) Buộc trang bị thiết bị cứu sinh hoặc trang bị thiết bị cứu sinh phù hợp theo quy định;
e) Buộc thiết lập đầy đủ, thiết lập báo hiệu hàng hải phù hợp theo quy định;
g) Buộc di dời đăng đáy, lồng bè hoặc các phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, khai thác tài nguyên trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải không đúng vị trí quy định;
h) Buộc khắc phục hệ thống giám sát nạo vét trên phương tiện tham gia vận chuyển đổ chất nạo vét trong thi công phải bảo đảm hoạt động sẵn sàng, liên tục;
i) Buộc lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét trên phương tiện tham gia vận chuyển đổ chất nạo vét trong thi công;
k) Buộc phải có hoặc thực hiện đúng phương án bảo đảm an toàn hàng hải, phương án bảo đảm an toàn giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
l) Buộc xây dựng phương án bảo vệ công trình hàng hải hoặc buộc tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình hàng hải đã được phê duyệt; xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo quy định;
m) Buộc thay đổi, sửa chữa tên cảng cạn đúng với tên do cơ quan có thẩm quyền công bố;
n) Buộc khai báo bổ sung và đính chính thông tin;
o) Buộc thanh toán phí, lệ phí hàng hải và các khoản tiền liên quan khác theo quy định; hoàn trả chi phí trục vớt tài sản chìm đắm theo quy định;
p) Buộc di chuyển chướng ngại vật trên mặt cầu cảng đúng nơi quy định; di dời khỏi vùng hoạt động không phù hợp với cấp tàu hoạt động;
q) Buộc cho rời tàu thuyền số người quá số lượng quy định; thuyền viên phải rời tàu đối với vi phạm bố trí thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam;
r) Buộc thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với hành vi vận tải hàng hóa siêu trường, siêu trọng;
s) Buộc khai báo đầy đủ, chính xác thông tin xuống, rời tàu và bố trí chức danh cho thuyền viên bằng phương thức điện tử vào Cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải Việt Nam theo quy định;
t) Buộc làm thủ tục đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam theo quy định; làm thủ tục xóa đăng ký tàu theo quy định;
u) Buộc cung cấp đầy đủ, kịp thời dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc hoặc trên tuyến dẫn tàu được giao; cung cấp nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm cho thuyền viên làm việc trên tàu; cung cấp kinh phí cho thuyền viên hồi hương;
ư) Buộc thực hiện trách nhiệm của chủ tàu đối với thuyền viên bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mua bảo hiểm bắt buộc cho thuyền viên làm việc trên tàu;
v) Buộc giao kết lại hợp đồng lao động thuyền viên phù hợp với giấy phép lao động;
x) Buộc cải chính thông tin về vị trí, tình trạng của tàu thuyền đang hoạt động khi có thiên tai;
y) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm để xảy ra tràn dầu hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành.”.
c) Bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 4 như sau:
“5. Đối với hành vi vi phạm hành chính liên quan đến tàu thuyền không có các thông tin để tính quy đổi tổng dung tích tàu quy định tại khoản 4 Điều này, phương pháp xác định trọng tải toàn phần, công suất tàu thuyền để áp dụng xử phạt như sau:
a) Trọng tải toàn phần của tàu thuyền ký hiệu là T (tấn) và được tính theo công thức T = A x K, trong đó:
- A là giá trị của số đo chiều dài boong chính, đo từ mũi đến lái tàu thuyền nhân với số đo chiều rộng mép boong ở giữa tàu thuyền nhân với số đo chiều cao mạn, đo từ đáy đến mặt boong ở giữa tàu thuyền, được tính theo công thức A = L x B x D, trong đó:
L (m): Chiều dài boong chính đo từ mũi đến hết lái tàu thuyền;
B (m): Chiều rộng mép boong đo ở giữa tàu thuyền;
D (m): Chiều cao mạn đo từ đáy đến mặt boong ở giữa tàu thuyền;
- K là hệ số tương ứng với giá trị A và áp dụng như sau:
Giá trị của A từ 4,55 m3 đến 18,76 m3 thì hệ số K = 0,26;
Giá trị của A từ trên 18,76 m3 đến 49,80 m3 thì hệ số K = 0,29;
Giá trị của A từ trên 49,80 m3 đến 387,20 m3 thì hệ số K = 0,35;
Giá trị của A từ trên 387,20 m3 đến 1.119,80 m3 thì hệ số K = 0,51;
Giá trị của A trên 1.119,80 m3 thì hệ số K = 0,57.
b) Nếu tàu thuyền không phải là tàu thuyền vận tải hàng hóa, hành khách thì căn cứ vào tổng công suất máy chính lắp trên tàu thuyền để áp dụng hình thức, mức xử phạt. Trường hợp không có cơ sở để xác định công suất máy chính lắp trên tàu thuyền, không nhãn mác, thì áp dụng mức xử phạt theo công suất máy 50 mã lực;
c) Trường hợp không xác định được trọng tải toàn phần theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này, người có thẩm quyền đề nghị Cơ quan đăng kiểm xác định trọng tải toàn phần của tàu thuyền để làm căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
d) Đối với tàu thuyền như: Bến nổi hoặc kết cấu nổi khác mà trên đó đặt thiết bị thi công cuốc, hút để nạo vét luồng, khai thác khoáng sản, xếp dỡ hàng hóa nếu không đủ căn cứ để xác định trọng tải toàn phần hoặc công suất của tàu thuyền thì xác định như sau:
Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất đến 10 mét hoặc có chiều rộng lớn nhất đến 4 mét thì được xác định như tàu thuyền có trọng tải toàn phần từ 5 tấn đến 15 tấn;
Tàu thuyền có chiều dài lớn nhất trên 10 mét hoặc có chiều rộng lớn nhất trên 4 mét thì được xác định tàu thuyền có trọng tải toàn phần trên 15 tấn;
Chiều dài của tàu thuyền được tính từ điểm ngoài cùng của mũi phương tiện đến điểm ngoài cùng của lái tàu thuyền hoặc từ hai điểm ngoài cùng của tàu thuyền nơi có mặt cắt lớn nhất trên mặt boong;
Chiều rộng của tàu thuyền được tính từ mép boong bên này đến mép boong bên kia, ở vị trí có kích thước lớn nhất.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Vi phạm quy định về công bố mở cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi khai báo sai lệch thông tin trong hồ sơ đề nghị công bố mở cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ, giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị công bố mở cảng biển, cảng dầu khí ngoài khơi, bến cảng, cầu cảng.
3. Hình phạt xử phạt bổ sung: Tịch thu giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ, giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp đối với hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này.”.
7. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 10 như sau:
a) Bổ sung điểm i và điểm k vào sau điểm h khoản 5 Điều 10 như sau:
“i) Không lưu trữ đầy đủ hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình hàng hải;
k) Không thực hiện kiểm định hoặc điều khiển phương tiện, thiết bị xếp dỡ, xe, máy móc chuyên dùng trong nội bộ cửa cảng mà không được kiểm định theo quy định.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 6 Điều 10 như sau:
“d) Không thực hiện kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng bến cảng đúng thời hạn quy định hoặc sau sự cố va chạm, đâm va có ảnh hưởng đến kết cấu công trình hàng hải;”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 10 như sau:
“7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Đình chỉ việc tiếp nhận tàu thuyền hoạt động tuyến quốc tế vào cảng biển từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm d và điểm e khoản 5 và điểm c khoản 6 Điều này;
b) Đình chỉ việc tiếp nhận tàu thuyền vào cảng biển từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều này.”;
d) Bổ sung khoản 8 vào sau khoản 7 Điều 10 như sau:
“8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bố trí đủ cán bộ an ninh cảng biển theo quy định đối với hành vi vi phạm tại điểm e khoản 5 Điều này;
b) Buộc có kế hoạch an ninh cảng biển đã được phê duyệt theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 6 Điều này;
c) Buộc thực hiện kiểm định chất lượng kết cấu hạ tầng bến cảng đúng thời hạn quy định hoặc sau sự cố va chạm, đâm va có ảnh hưởng đến kết cấu công trình hàng hải đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều này.”.
8. Sửa đổi, bổ sung Điều 12 như sau:
“Điều 12. Vi phạm quy định về bảo đảm an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường khi xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp cảng biển hoặc khi xây dựng, lắp đặt các công trình, thiết bị khác ảnh hưởng đến an toàn hàng hải
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có trang thiết bị cứu sinh hoặc trang thiết bị cứu sinh không phù hợp theo quy định;
b) Không thông báo cho Cảng vụ hàng hải biết về việc xây dựng các công trình khác trong vùng nước cảng biển;
c) Thiết lập báo hiệu hàng hải không đầy đủ hoặc thiết lập báo hiệu hàng hải không phù hợp theo quy định hoặc báo hiệu hàng hải không hoạt động hoặc báo hiệu sai lệch khu vực đang thi công công trình;
d) Tàu công trình, tàu phục vụ thi công công trình neo đậu ngoài vùng giới hạn cho phép, gây cản trở giao thông hàng hải trên luồng hàng hải;
đ) Không ghi chép kết quả giám sát về quá trình thi công nạo vét và vận chuyển đổ chất nạo vét hoặc không ghi nhật ký thi công theo quy định; không thực hiện báo cáo định kỳ với Cảng vụ hàng hải và Cục Hàng hải Việt Nam về tình hình, kết quả thực hiện dự án nạo vét luồng hàng hải, khu nước, vùng nước trong vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm theo quy định;
e) Đặt lồng bè hoặc đặt các phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, khai thác tài nguyên trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được sự chấp thuận của Cảng vụ hàng hải hoặc không đúng vị trí hoặc không đúng thời gian đã được chấp thuận;
g) Đóng đăng đáy trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Thi công sai vị trí được cấp phép;
b) Thi công quá thời gian quy định ghi trong giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
c) Sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dùng để khảo sát, nạo vét luồng, thiết lập báo hiệu hàng hải và tiến hành các hoạt động khác trong vùng nước cảng biển khi chưa được sự chấp thuận của Cảng vụ hàng hải theo quy định;
d) Không thu dọn, thanh thải chướng ngại vật phát sinh trong quá trình thi công sau khi công trình đã hoàn thành;
đ) Không thực hiện đầy đủ phương án bảo đảm an toàn hàng hải, phương án bảo đảm an toàn giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
e) Tạo ra các chướng ngại vật trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải;
g) Lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét trên phương tiện tham gia vận chuyển đổ chất nạo vét trong hoạt động nạo vét không phù hợp theo quy định; hệ thống giám sát nạo vét không bảo đảm thông số kỹ thuật tối thiểu hoặc không ở trạng thái sẵn sàng hoạt động hoặc hoạt động không liên tục, ổn định theo quy định;
h) Không tổ chức giám sát công tác thi công, đổ chất nạo vét theo quy định.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thiết lập báo hiệu hàng hải theo quy định;
b) Không lắp đặt theo quy định hệ thống giám sát nạo vét trên phương tiện tham gia vận chuyển đổ bùn đất trong thi công nạo vét, duy tu luồng hàng hải, khu nước, vùng nước;
c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng phương án bảo đảm an toàn hàng hải, phương án bảo đảm an toàn giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức thi công công trình không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều này khi chưa có giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Tổ chức thi công công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình khi chưa có giấy phép hoặc văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định;
b) Xây dựng công trình không đúng thiết kế được thẩm định, phê duyệt;
c) Không có phương án bảo đảm an toàn hàng hải, phương án bảo đảm an toàn giao thông theo quy định.
6. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch được duyệt.
7. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Thi công công trình khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền và để xảy ra tai nạn;
b) Thi công sai vị trí được phép và để xảy ra tai nạn;
c) Không có hoặc thực hiện không đúng phương án bảo đảm an toàn hàng hải, phương án bảo đảm an toàn giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dẫn đến xảy ra tai nạn.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trang bị thiết bị cứu sinh hoặc trang bị thiết bị cứu sinh phù hợp theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc thiết lập đầy đủ, thiết lập báo hiệu hàng hải phù hợp theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;
c) Buộc di dời đăng đáy, lồng bè hoặc các phương tiện đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, khai thác tài nguyên trong vùng nước cảng biển, luồng hàng hải không đúng vị trí quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều này;
d) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do các hành vi vi phạm quy định tại các điểm d khoản 1 và điểm e khoản 2 Điều này;
đ) Buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng trái phép đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và điểm a và điểm b khoản 7 Điều này;
e) Buộc khắc phục hệ thống giám sát nạo vét trên phương tiện tham gia vận chuyển đổ chất nạo vét trong thi công phải bảo đảm hoạt động sẵn sàng, liên tục đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 2 Điều này;
g) Buộc lắp đặt hệ thống giám sát nạo vét trên phương tiện tham gia vận chuyển đổ chất nạo vét trong thi công đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
h) Buộc phải có phương án bảo đảm an toàn hàng hải, phương án bảo đảm an toàn giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 5 và điểm c khoản 7; thực hiện hoặc thực hiện đúng phương án bảo đảm an toàn hàng hải, phương án bảo đảm an toàn giao thông đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 3 và điểm c khoản 7 Điều này.”.
9. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:
“Điều 15. Vi phạm quy định về cân xác nhận khối lượng toàn bộ đối với mỗi Công-te-nơ vận tải biển
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
1. Không cân xác nhận khối lượng toàn bộ Công-te-nơ theo quy định.
2. Không cung cấp bản xác nhận khối lượng toàn bộ Công-te-nơ theo quy định.”.
10. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
“Điều 16. Vi phạm quy định về xếp hàng hóa lên xe ô tô trong vùng đất cảng
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 10% đến 50%; riêng với xe xi téc chở chất lỏng, trên 20% đến 50%;
b) Xếp hàng hóa lên xe ô tô mà không ký xác nhận việc xếp hàng hóa vào Giấy vận tải theo quy định.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 50% đến 100%.
3. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm xếp hàng hóa lên mỗi xe ô tô (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc) vượt quá trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe trên 100%.
4; Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm chất xếp hàng siêu trường, siêu trọng lên phương tiện không có Giấy phép lưu hành, Giấy phép lưu hành hết hạn sử dụng hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải hạ phần hàng xếp vượt quá trọng tải cho phép chở của xe ô tô trong trường hợp xe ô tô được xếp hàng chưa rời khỏi khu vực xếp hàng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.”.
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 17 như sau:
“Điều 17. Vi phạm quy định đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô trong vùng đất cảng
1. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 05 km/giờ đến dưới 10 km/giờ.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/giờ đến 20 km/giờ.
3. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô chạy quá tốc độ trên 20 km/giờ đến 35 km/giờ;
b) Điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/01 lít khí thở.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/giờ.
5. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở.
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển ô tô và các loại phương tiện tương tự ô tô mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3, khoản 4 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
d) Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này;
đ) Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 6 Điều này.”.
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:
“Điều 20. Vi phạm quy định về sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển và điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh khai thác cảng biển không đúng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Không có phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động theo quy định;
b) Không có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy hoặc không có phương án chữa cháy theo quy định;
c) Không có đủ hồ sơ về bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;
d) Không có đủ cơ sở vật chất, kho, bãi, trang thiết bị cần thiết phù hợp theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với cảng biển hoặc không có hợp đồng thuê kho, bãi đối với trường hợp cảng biển không có đủ kho, bãi theo quy định;
đ) Không có đủ phương tiện tiếp nhận, thu hồi các chất thải từ tàu để xử lý theo quy định;
e) Không có đủ nhân lực hoặc hệ thống, công trình hoặc thiết bị quản lý, xử lý chất thải phát sinh tại khu vực cảng biển theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh khai thác cảng biển không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định;
b) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển;
c) Sử dụng một trong các giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ, giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển;
d) Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Tịch thu các giấy chứng nhận, giấy xác nhận, giấy phép, văn bản cho phép, chứng chỉ, giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp trong hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khai thác cảng biển đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b và điểm c khoản 3 Điều này.”.
13. Sửa đổi, bổ sung Điều 21 như sau:
“Điều 21. Vi phạm quy định về niêm yết thông tin về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa Công-te-nơ bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Không niêm yết giá vận chuyển bằng đường biển, phụ thu, giá dịch vụ tại cảng biển tại địa điểm phải niêm yết theo quy định;
b) Niêm yết không đúng đồng tiền quy định đối với giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa Công-te-nơ bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển;
c) Không thông báo bằng văn bản tới Cục Hàng hải Việt Nam về địa chỉ trang thông tin điện tử nơi niêm yết theo quy định; không cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ số liệu, tài liệu có liên quan theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có yêu cầu.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không niêm yết ít nhất 15 ngày liên tục trước khi tăng giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa Công-te-nơ bằng đường biển.”.
14. Sửa đổi, bổ sung tên Mục 3 Chương II như sau:
“Mục 3. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TÀU THUYỀN”.
15. Sửa đổi, bổ sung Điều 32 như sau:
“Điều 32. Vi phạm quy định về thủ tục vào, rời cảng biển hoặc quá cảnh
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi khai báo không đủ hoặc sai một trong các thông tin trong thông báo, xác báo tàu đến, rời cảng hoặc bản khai chung hoặc danh sách thuyền viên, danh sách hành khách theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Làm thủ tục cho tàu thuyền vào, rời cảng biển hoặc quá cảnh chậm hơn thời gian quy định;
b) Không làm thủ tục cấp lại Giấy phép rời cảng cho tàu thuyền hết hiệu lực theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Trong thời gian quy định, không cung cấp được một trong các giấy chứng nhận, tài liệu, giấy tờ hoặc cung cấp giấy chứng nhận, tài liệu, giấy tờ không phù hợp khi làm thủ tục vào, rời cảng hoặc quá cảnh;
b) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ giấy tờ về hàng hóa nguy hiểm được vận chuyển trên tàu theo quy định;
c) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ các tài liệu, giấy chứng nhận về ngăn ngừa ô nhiễm môi trường; tài liệu, giấy chứng nhận về quản lý nước dằn tàu; hệ thống chống hà theo quy định;
d) Không có bản chính hoặc bản sao chứng thực bảo lãnh ngân hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tàu biển để chi trả chi phí hồi hương cho thuyền viên theo quy định;
đ) Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về vũ khí, vật liệu nổ, người trốn trên tàu theo quy định;
e) Tự ý bốc dỡ hàng hóa hoặc cho thuyền viên, hành khách hoặc những người không có nhiệm vụ lên tàu trước khi tàu làm xong thủ tục nhập cảnh hoặc rời tàu sau khi đã làm xong thủ tục xuất cảnh theo quy định.
4. Đối với hành vi không có Giấy chứng nhận bảo hiểm hoặc bảo đảm tài chính còn hiệu lực theo quy định đối với tàu thuyền chở khách, chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác sẽ bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tàu thuyền chở khách dưới 50 người; tàu thuyền chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác có tổng dung tích dưới 200 GT;
b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tàu thuyền chở khách từ 50 người đến dưới 100 người; tàu thuyền chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác có tổng dung tích từ 200 GT đến dưới 500 GT;
c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tàu thuyền chở khách từ 100 người đến dưới 300 người; tàu thuyền chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;
d) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với tàu thuyền chở khách từ 300 người trở lên; tàu thuyền chở dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên.
5. Đối với hành vi không có giấy phép rời cảng cuối cùng theo quy định hoặc rời cảng khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền sẽ bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích dưới 200 GT;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 200 GT đến dưới 500 GT;
c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 500 GT đến dưới 3.000 GT;
d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tàu thuyền có tổng dung tích từ 3.000 GT trở lên.
6. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi của tàu thuyền nước ngoài tham gia vận tải nội địa hoặc thực hiện các hoạt động đặc thù khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định.
7. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.
8. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc khai báo bổ sung và đính chính thông tin đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc thanh toán phí, lệ phí hàng hải và các khoản tiền liên quan khác theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 5 Điều này.”.
16. Sửa đổi tên Mục 4 Chương II như sau:
“Mục 4. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ ĐĂNG KÝ, XÓA ĐĂNG KÝ TÀU BIỂN, TÀU BIỂN CÔNG VỤ, TÀU NGẦM, TÀU LẶN, KHO CHỨA NỔI, GIÀN KHOAN DI ĐỘNG VÀ BỐ TRÍ THUYỀN VIÊN TRÊN TÀU THUYỀN; SỬ DỤNG CHỨNG CHỈ CHUYÊN MÔN, SỔ THUYỀN VIÊN”.
17. Sửa đổi, bổ sung Điều 40 như sau:
“Điều 40. Vi phạm quy định về đăng ký, xóa đăng ký; sử dụng các giấy chứng nhận của tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn khoan di động
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện đăng ký thay đổi theo quy định;
b) Không thực hiện đăng ký thay đổi chủ sở hữu sau khi đã được mua, bán, chuyển quyền sở hữu;
c) Không thực hiện thay đổi Giấy chứng nhận định biên an toàn tối thiểu khi thay đổi doanh nghiệp quản lý, khai thác;
d) Khai báo sai lệch thông tin; sử dụng giấy tờ tẩy xóa, sửa chữa hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận;
đ) Chủ tàu biển Việt Nam không gửi bản sao Giấy chứng nhận đăng ký về Cơ quan đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam để quản lý khi tàu biển đăng ký mang cờ quốc tịch nước ngoài;
e) Không đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam theo quy định đối với tàu biển được mua, đóng mới của doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước;
g) Không thực hiện xóa đăng ký theo quy định.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Khai thác tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn khoan di động khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký;
b) Sử dụng một trong các giấy chứng nhận của tàu biển, tàu biển công vụ, tàu ngầm, tàu lặn, kho chứa nổi, giàn khoan di động khác hoặc giấy chứng nhận bị tẩy xóa, sửa chữa sai lệch nội dung hoặc giấy chứng nhận không do cơ quan có thẩm quyền cấp.
3. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều này.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc làm thủ tục đăng ký mang cờ quốc tịch Việt Nam theo quy định đối với hành vi vi phạm tại điểm e khoản 1 Điều này;
b) Buộc làm thủ tục xóa đăng ký tàu theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 1 Điều này.”.
18. Sửa đổi, bổ sung Điều 42 như sau:
“Điều 42. Vi phạm quy định về bố trí thuyền viên, sử dụng chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, sổ thuyền viên trên tàu biển
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:
a) Không ghi hoặc ghi không đầy đủ, chính xác thông tin trong sổ thuyền viên theo quy định;
b) Không mang theo đầy đủ chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên khi làm việc trên tàu biển theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Bố trí thuyền viên làm việc trên tàu thuyền không có đủ chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, sổ thuyền viên hoặc có chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề nhưng hết hiệu lực hoặc bố trí chức danh thuyền viên không phù hợp với chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề của thuyền viên;
b) Giao nhiệm vụ cho thuyền viên làm việc trên tàu biển không phù hợp với chức danh trong sổ thuyền viên trái quy định;
c) Không thực hiện việc khai báo hoặc khai báo không chính xác thông tin xuống, rời tàu và việc bố trí chức danh cho thuyền viên bằng phương thức điện tử vào Cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải Việt Nam theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, sổ thuyền viên.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, sổ thuyền viên không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc đã bị sửa chữa, tẩy xóa;
b) Sử dụng chứng chỉ chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, sổ thuyền viên của người khác để làm việc trên tàu;
c) Khai báo sai lệch thông tin hoặc sử dụng giấy tờ sửa chữa, hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ chuyên môn có thời hạn từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này;
b) Tịch thu chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ chuyên môn, sổ thuyền viên đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khai báo đầy đủ, chính xác thông tin xuống, rời tàu và bố trí chức danh cho thuyền viên bằng phương thức điện tử vào Cơ sở dữ liệu quản lý thuyền viên của Cục Hàng hải Việt Nam theo quy định đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 2 Điều này.”.
19. Sửa đổi, bổ sung Điều 44 như sau:
“Điều 44. Vi phạm quy định về điều động và bố trí hoa tiêu hàng hải
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Gửi kế hoạch hoa tiêu dẫn tàu hàng ngày chậm hơn thời gian quy định hoặc không thông báo về sự thay đổi đột xuất kế hoạch hoa tiêu dẫn tàu cho Cảng vụ hàng hải;
b) Bố trí hoa tiêu không đúng với kế hoạch điều động của Cảng vụ hàng hải mà không báo trước cho Cảng vụ hàng hải biết.
2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Bố trí hoa tiêu hàng hải dẫn tàu có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải hoặc giấy chứng nhận vùng hoạt động của hoa tiêu hàng hải không phù hợp;
b) Không cung cấp đầy đủ, kịp thời dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc hoặc trên tuyến dẫn tàu được giao mà không có lý do chính đáng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng hoặc không bố trí đủ phương tiện đưa, đón hoa tiêu theo quy định hoặc sử dụng phương tiện đưa, đón hoa tiêu không bảo đảm điều kiện an toàn.
4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có đủ số lượng hoa tiêu hoặc phương tiện tối thiểu theo quy định.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc bố trí hoa tiêu hàng hải dẫn tàu phù hợp với giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải hoặc giấy chứng nhận vùng hoạt động của hoa tiêu hàng hải đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 2 Điều này;
b) Buộc cung cấp đầy đủ, kịp thời dịch vụ hoa tiêu dẫn tàu trong vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc hoặc trên tuyến dẫn tàu được giao đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 2 Điều này;
c) Buộc sử dụng hoặc bố trí đủ phương tiện đưa, đón hoa tiêu theo quy định hoặc sử dụng phương tiện đưa, đón hoa tiêu bảo đảm điều kiện an toàn đối với hành vi vi phạm tại khoản 3 Điều này;
d) Buộc bố trí đủ số lượng hoa tiêu hoặc phương tiện tối thiểu theo quy định đối với hành vi vi phạm tại khoản 4 Điều này.”.
20. Sửa đổi, bổ sung Điều 45 như sau:
“Điều 45. Vi phạm quy định trong khi dẫn tàu của hoa tiêu hàng hải
1. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây của hoa tiêu:
a) Không thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải khi phát hiện tai nạn, sự cố hay những thay đổi của luồng hàng hải và báo hiệu hàng hải trong thời gian dẫn tàu;
b) Không thông báo, xác báo cho Cảng vụ hàng hải về thời gian, địa điểm lên tàu, rời tàu hoặc tình hình dẫn tàu theo quy định;
c) Không thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải việc tàu thuyền chạy quá tốc độ cho phép tại khu vực có quy định giới hạn tốc độ và chạy ngược chiều tại luồng một chiều hoặc tránh vượt nhau tại khu vực cấm tránh vượt;
d) Lên tàu chậm hơn thời gian quy định hoặc lên, xuống tàu không đúng địa điểm quy định mà không có lý do chính đáng;
đ) Dẫn tàu vào, rời cảng hoặc di chuyển không đúng theo kế hoạch điều động tàu của Cảng vụ hàng hải hoặc không đúng với tàu được phân công dẫn mà không có lý do chính đáng;
e) Tự ý rời tàu khi chưa có sự đồng ý của thuyền trưởng;
g) Không sử dụng trang phục hoa tiêu theo quy định khi dẫn tàu.
2. Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm: Hoa tiêu có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/01 lít khí hoặc có sử dụng các chất kích thích khác mà luật cấm sử dụng khi dẫn tàu.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Hoa tiêu hàng hải dẫn tàu vào neo đậu, cập cầu hoặc di chuyển trong vùng nước cảng khi chưa có lệnh điều động hoặc sai vị trí chỉ định của Cảng vụ hàng hải;
b) Từ chối dẫn tàu mà không có lý do chính đáng hoặc không thông báo kịp thời cho Cảng vụ hàng hải hoặc tổ chức hoa tiêu hàng hải về việc từ chối dẫn tàu;
c) Tự ý dẫn tàu không đúng tuyến luồng hàng hải đã được công bố;
d) Hoa tiêu dẫn tàu có lỗi dẫn đến tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng.
4. Phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với hành vi hoa tiêu có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/01 lít khí thở khi dẫn tàu.
5. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Hoa tiêu dẫn tàu có lỗi dẫn đến tai nạn hàng hải nghiêm trọng;
b) Hoa tiêu chỉ dẫn cho thuyền trưởng điều động tàu thuyền được dẫn chạy quá tốc độ cho phép từ 01 hải lý/giờ đến 02 hải lý/giờ.
6. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Hoa tiêu dẫn tàu có lỗi dẫn đến tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng;
b) Hoa tiêu chỉ dẫn cho thuyền trưởng điều động tàu thuyền được dẫn chạy quá tốc độ cho phép trên 02 hải lý/giờ hoặc chạy ngược chiều hoặc tránh vượt nhau tại khu vực cấm tránh vượt;
c) Hoa tiêu có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/01 lít khí thở khi dẫn tàu.
7. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với các hành vi vi phạm được quy định tại khoản 2 và điểm a khoản 5 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải có thời hạn từ 06 tháng đến 09 tháng đối với các hành vi vi phạm được quy định tại khoản 4 và điểm a khoản 6 Điều này;
c) Tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải có thời hạn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với các hành vi vi phạm được quy định tại điểm c khoản 6 Điều này.”.
21. Sửa đổi, bổ sung Điều 46 như sau:
“Điều 46. Vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải biển, vận tải đa phương thức và dịch vụ hỗ trợ vận tải biển
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh vận tải đa phương thức không đúng nội dung ghi trong giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Kinh doanh vận tải đa phương thức không có giấy phép do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định;
b) Kinh doanh dịch vụ vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt tàu biển nhưng không đáp ứng các điều kiện theo quy định.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh khi đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung ghi trong giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ kinh doanh có điều kiện;
b) Sử dụng một trong các giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp trong hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ kinh doanh có điều kiện;
c) Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ kinh doanh có điều kiện.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm;
b) Tịch thu giấy phép, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này.”.
22. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 và điểm b khoản 5 Điều 47 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 47 như sau:
“4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung ghi trong giấy phép nhập khẩu pháo hiệu hàng hải;
b) Sử dụng một trong các giấy tờ bị tẩy xóa, sửa chữa hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp trong hồ sơ đề nghị giao tuyến dẫn tàu hoặc hồ sơ đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu pháo hiệu hàng hải;
c) Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn giấy phép nhập khẩu pháo hiệu hàng hải.”.
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 47 như sau:
“b) Tịch thu giấy phép nhập khẩu pháp hiệu hàng hải đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a và điểm b khoản 4 Điều này.”.
23. Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 2 và điểm e vào sau điểm đ khoản 5 Điều 48 như sau:
a) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 2 Điều 48 như sau:
“e) Không bố trí cho thuyền viên hồi hương đúng theo thời gian quy định.”;
b) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 5 Điều 48 như sau:
“e) Buộc bố trí đưa thuyền viên hồi hương theo thời gian quy định tại điểm e khoản 2 Điều này.”.
24. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 51 như sau:
“1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với mỗi hành vi sau đây:
a) Không thực hiện phá dỡ tàu biển trong thời hạn quy định;
b) Phá dỡ từng tàu biển khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án phá dỡ tàu biển theo quy định.”.
25. Sửa đổi tên Mục 11 Chương II như sau:
“Mục 11. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG NGỪA Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG BIỂN”.
26. Sửa đổi, bổ sung Điều 57 như sau:
“Điều 57. Vi phạm quy định về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi sau:
a) Để xảy ra sự cố tràn dầu hoặc phát hiện sự cố tràn dầu mà không báo cáo kịp thời đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông tin về sự cố tràn dầu theo quy định;
b) Không cập nhật, bổ sung kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định;
c) Không thông báo Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt đến các cơ quan, đơn vị và địa phương liên quan để phối hợp triển khai.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không tổ chức tập huấn hoặc cử cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia ứng phó đi tập huấn để nâng cao kỹ năng ứng phó sự cố tràn dầu;
b) Không triển khai thực hành huấn luyện ứng phó sự cố tràn dầu theo quy định.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không kịp thời báo cáo cơ quan có thẩm quyền trợ giúp trong trường hợp sự cố tràn dầu vượt quá khả năng, nguồn lực tại chỗ của cơ sở theo quy định.
4. Hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xăng, dầu có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu ở mức nhỏ trên đất liền bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu đã được phê duyệt tới Ủy ban nhân dân cấp huyện để phối hợp thực hiện;
b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi không đầu tư hoặc không ký hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở có phương tiện, trang thiết bị ứng phó hay với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu có thể xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm để huy động kịp thời phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu theo quy định;
c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư tham gia phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan chủ quản phê duyệt theo quy định;
đ) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu do hoạt động của mình gây ra theo quy định.
5. Hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động của Tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ từ 50.000 m3 trở lên, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng lớn hơn hoặc bằng 50.000 DWT bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đầu tư hoặc không ký hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở có phương tiện, trang thiết bị ứng phó hay với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu có thể xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm để huy động kịp thời phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu theo quy định;
b) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời; không sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư tham gia phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
c) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt theo quy định;
d) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu do hoạt động của mình gây ra theo quy định.
6. Hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động của các cảng tại địa phương, các Tổng kho xăng dầu, kho xăng dầu có tổng khối lượng dự trữ dưới 50.000 m3, các cảng xăng dầu có khả năng tiếp nhận tàu có tải trọng dưới 50.000 DWT bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đầu tư hoặc không ký hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở có phương tiện, trang thiết bị ứng phó hay với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu có thể xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm để huy động kịp thời phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu theo quy định;
b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời; không sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư tham gia phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định;
d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu do hoạt động của mình gây ra theo quy định.
7. Hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động của chủ đầu tư cảng, chủ cơ sở, chủ dự án có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không đầu tư hoặc không hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở có phương tiện, trang thiết bị ứng phó hay với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu có thể xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm để huy động kịp thời phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu theo quy định;
b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không tổ chức, chỉ huy lực lượng, phương tiện, thiết bị của mình hoặc lực lượng, phương tiện, thiết bị trong hợp đồng ứng phó sự cố tràn dầu để triển khai thực hiện ứng phó kịp thời; không sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư tham gia phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; không tổ chức giám sát các hoạt động có nguy cơ tràn dầu cao trong địa bàn hoạt động của mình để kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp; không thực hiện đầy đủ các yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu thiệt hại do ô nhiễm dầu gây ra khi xảy ra sự cố tràn dầu;
c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định; không lập lại kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định;
d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu do hoạt động của mình gây ra theo quy định.
8. Hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động dầu khí ngoài khơi có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được phê duyệt đến Ủy ban nhân dân các tỉnh có nguy cơ bị ảnh hưởng khi xảy ra sự cố tại cơ sở, dự án;
b) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không đầu tư hoặc không hợp đồng sẵn sàng ứng phó sự cố tràn dầu với các cơ sở có phương tiện, trang thiết bị ứng phó hay với Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu có thể xảy ra trong khu vực thuộc trách nhiệm để huy động kịp thời phương tiện, trang thiết bị, vật tư triển khai hoạt động ứng phó khi xảy ra sự cố tràn dầu theo quy định;
c) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không sẵn sàng huy động phương tiện, trang thiết bị, vật tư tham gia phối hợp ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
d) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt theo quy định;
đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng Kế hoạch khẩn cấp ứng phó sự cố tràn dầu và tổ chức lực lượng bảo đảm ngăn ngừa, ứng phó kịp thời, hiệu quả sự cố tràn dầu ở mức độ tương ứng với khả năng tràn dầu do hoạt động của mình gây ra theo quy định.
9. Hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động của tàu dầu có nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo kế hoạch chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát và có biện pháp ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố tràn dầu theo quy định;
b) Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đối với các tàu chở dầu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên, các tàu khác không phải tàu chở dầu có tổng dung tích từ 400 GT trở lên theo quy định;
c) Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi không có Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu của tàu được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải phê duyệt đối với các tàu chở dầu mang cờ quốc tịch Việt Nam có tổng dung tích từ 150 GT trở lên tham gia vào việc chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển;
d) Phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện chuyển tải dầu giữa tàu với tàu trên biển khi chưa sự đồng ý của Đầu mối liên lạc quốc gia hoặc Cảng vụ theo quy định;
đ) Phạt tiền từ 55.000.000 đồng đến 65.000.000 đồng đối với hành vi không mua bảo hiểm hoặc các bảo đảm tài chính khác theo mức trách nhiệm dân sự được pháp luật quy định để bồi thường thiệt hại đối với ô nhiễm dầu theo quy định.
10. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm để xảy ra tràn dầu hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức, đơn giá hiện hành đối với các hành vi vi phạm quy định tại Điều này;
b) Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm, buộc phải bồi thường thiệt hại do ô nhiễm dầu gây ra theo quy định trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 8 và khoản 9 Điều này gây ra.”.
27. Bổ sung Điều 58a vào sau Điều 58 như sau:
“Điều 58a. Vi phạm quy định về quản lý thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền trong vùng nước cảng biển
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Không niêm yết hoặc niêm yết không đúng danh sách tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền tại cảng biển và giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định;
b) Không báo cáo về quản lý thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền tại cảng biển theo quy định.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Tàu thuyền có nhu cầu xử lý chất thải không thực hiện khai báo hoặc khai báo không đúng với Cảng vụ hàng hải về chất thải theo quy định;
b) Làm rơi vãi, gây phát tán, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom chất thải từ tàu thuyền.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không bố trí phương tiện để tiếp nhận hoặc không ký kết hợp đồng với các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền trong vùng nước cảng biển theo quy định.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc niêm yết hoặc niêm yết đúng danh sách tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền tại cảng biển và giá dịch vụ thu gom, xử lý chất thải theo quy định đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Buộc báo cáo về quản lý thu gom và xử lý chất thải từ tàu thuyền tại cảng biển theo quy định đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1 Điều này;
c) Buộc thực hiện khai báo hoặc khai báo đúng với Cảng vụ hàng hải về chất thải theo quy định đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 2 Điều này;
d) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải rơi vãi, gây phát tán, rò rỉ trong quá trình thu gom chất thải từ tàu thuyền đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 2 Điều này.”.
28. Bổ sung Điều 58b vào sau Điều 58a như sau:
“Điều 58b. Vi phạm quy định về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu thuyền gây ra
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Không trang bị các thiết bị chứa, phân loại rác theo quy định hoặc không chứa rác đúng nơi quy định;
b) Gõ rỉ, sơn tàu thuyền khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải;
c) Không bố trí người thường trực ở trên boong và ngay tại nơi tiếp nhận nhiên liệu khi tàu thuyền nhận nhiên liệu;
d) Đổ rác hoặc vứt các đồ vật khác từ tàu xuống nước hoặc cầu cảng.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Tiến hành bơm chuyển hoặc tiếp nhận nhiên liệu giữa tàu thuyền và phương tiện khác khi chưa được phép của Cảng vụ hàng hải theo quy định;
b) Không có thiết bị phân ly dầu nước, thiết bị lọc dầu hoặc có thiết bị nhưng không sử dụng được;
c) Không chấp hành một trong những quy trình, quy tắc an toàn kỹ thuật khi tiếp nhận nhiên liệu;
d) Cho tàu thuyền khác cập mạn khi đang trong quá trình tiếp nhận nhiên liệu giữa hai tàu;
đ) Sử dụng lò đốt rác, lò đốt chất thải trong khu vực cảng biển hoặc sử dụng dầu nhiên liệu chạy máy chính, máy đèn có hàm lượng lưu huỳnh vượt quá mức cho phép;
e) Không ghi nhật ký bơm, xả dầu hoặc các chất nguy hiểm khác theo quy định.
3. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi bơm, xả các loại chất thải từ tàu xuống cầu cảng hoặc vùng nước cảng biển không đúng quy định.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện những biện pháp khắc phục các quy định ngăn ngừa ô nhiễm do tàu thuyền gây ra đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.”.
29. Bổ sung Điều 58c vào sau Điều 58b như sau:
“Điều 58c. Vi phạm quy định về kiểm soát các hệ thống chống hà độc hại của tàu
1. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng các hệ thống chống hà độc hại tại các cảng, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu;
b) Đổ các loại phế thải từ việc sử dụng hoặc loại bỏ hệ thống chống hà không phù hợp với quy định ra môi trường.
2. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp cảng, cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với các hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện những biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường tại khoản 1 Điều này.”.
30. Bổ sung Điều 58d vào sau Điều 58c như sau:
“Điều 58d. Vi phạm quy định về quản lý, kiểm soát nước dằn, cặn nước dằn của tàu thuyền
1. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thực hiện chế độ bơm xả nước dằn tàu theo quy định và chỉ dẫn của Cảng vụ hàng hải;
b) Xả nước dằn tàu và cặn nước dằn tàu có chứa các loài sinh vật thủy sinh có hại và mầm bệnh hoặc chất độc hại trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện những biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và vi phạm quy định về quản lý, kiểm soát nước dằn, cặn nước dằn của tàu thuyền khoản 1 Điều này.”.
31. Bổ sung Điều 58đ vào sau Điều 58d như sau:
“Điều 58đ. Vi phạm quy định về nhận chìm
1. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Đổ chất nạo vét không đúng vị trí quy định;
b) Bốc, xếp vật chất được nhận chìm không phù hợp với nội dung Giấy phép nhận chìm ở biển.
2. Hình phạt xử phạt bổ sung: Tước giấy phép nhận chìm từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện những biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”.
32. Bổ sung Mục 12 vào sau Mục 11 của Chương II và bổ sung Điều 58e, Điều 58g, Điều 58h như sau:
“Mục 12. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ LAO ĐỘNG HÀNG HẢI; KHAI BÁO TAI NẠN LAO ĐỘNG HÀNG HẢI
Điều 58e. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng lao động thuyền viên
Phạt tiền đối với người sử dụng lao động với hành vi không giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng lao động thuyền viên bằng văn bản đối với công việc có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên; giao kết hợp đồng lao động, hợp đồng lao động thuyền viên không đầy đủ các nội dung chủ yếu của hợp đồng theo một trong các mức sau đây:
1. Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 01 thuyền viên đến 10 thuyền viên.
2. Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 thuyền viên đến 50 thuyền viên.
3. Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 thuyền viên đến 100 thuyền viên.
4. Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 thuyền viên đến 300 thuyền viên.
5. Từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng với vi phạm từ 301 thuyền viên trở lên.
Điều 58g. Vi phạm quy định về điều kiện để thuyền viên nước ngoài làm việc trên tàu biển Việt Nam
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi giao kết hợp đồng lao động thuyền viên không phù hợp với giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 45.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm bố trí thuyền viên nước ngoài không có giấy phép lao động do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp hoặc giấy phép lao động đã hết hạn.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc giao kết lại hợp đồng lao động thuyền viên phù hợp với giấy phép lao động đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;
b) Buộc thuyền viên phải rời tàu đối với hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này.
Điều 58h. Vi phạm quy định về khai báo khi trên tàu xảy ra tai nạn lao động hàng hải
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm không khai báo tai nạn lao động hàng hải theo quy định.”.
33. Bổ sung Mục 13 vào Chương II và bổ sung Điều 58i và Điều 58k như sau:
“Mục 13. VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI
Điều 58i. Vi phạm quy định về xây dựng phương án ứng phó thiên tai và báo cáo về phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực hàng hải
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp khi vi phạm một trong các hành vi sau đây:
a) Không xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo quy định;
b) Không thực hiện chế độ báo cáo trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra gửi Cảng vụ hàng hải theo quy định.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo quy định đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này.
Điều 58k. Vi phạm quy định về phòng ngừa thiên tai và ứng phó thiên tai
1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với doanh nghiệp khi vi phạm một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp thông tin sai lệch về vị trí, tình trạng của tàu thuyền đang hoạt động khi có thiên tai;
b) Không tuân thủ quy định về phòng, chống thiên tai đối với tàu thuyền;
c) Không chuẩn bị hoặc chuẩn bị không đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm phục vụ ứng phó thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai được phê duyệt.
2. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với doanh nghiệp khi có hành vi không sẵn sàng thực hiện yêu cầu của Cảng vụ hàng hải về việc điều động các phương tiện tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc cải chính thông tin về vị trí, tình trạng của tàu thuyền đang hoạt động khi có thiên tai đối với hành vi vi phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.”.
34. Bổ sung Mục 14 vào Chương II và bổ sung Điều 58l như sau:
“Mục 14. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM TRONG LĨNH VỰC HÀNG HẢI
Điều 58l. Vi phạm quy định về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm trong lĩnh vực hàng hải
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Không thông báo; thông báo không chính xác hoặc không kịp thời các thông tin về phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cho người lao động, thuyền viên, hành khách theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
b) Không thực hiện các biện pháp đảm bảo vệ sinh, bảo vệ cá nhân ngăn ngừa dịch bệnh truyền nhiễm trên tàu, thuyền theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
c) Không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát bệnh truyền nhiễm.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Không liên lạc ngay với tổ chức kiểm dịch y tế trong trường hợp hành khách hoặc thuyền viên trên tàu thuyền có triệu chứng hoặc có dấu hiệu mắc bệnh truyền nhiễm trước khi tàu thuyền cập cảng;
b) Tự ý lên hoặc xuống tàu thuyền, tiến hành bốc dỡ hoặc tiếp nhận hàng hóa trong thời gian tàu thuyền chờ kiểm dịch y tế hoặc đang thực hiện kiểm dịch y tế, trừ trường hợp tàu thuyền đang gặp tai nạn.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Không chấp hành việc kiểm tra y tế, xử lý y tế của tổ chức kiểm dịch y tế theo quy định của pháp luật trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;
b) Không thực hiện đúng quy định về tín hiệu kiểm dịch y tế cho tàu thuyền khi nhập cảnh;
c) Không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực về kiểm dịch y tế biên giới theo quy định của pháp luật.
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi che giấu, không báo cáo, khai báo hoặc báo cáo, khai báo không kịp thời hiện trạng bệnh truyền nhiễm của bản thân hoặc của người khác mắc bệnh truyền nhiễm trên tàu thuyền.
5. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:
a) Tự ý rời tàu khi chưa thực hiện các thủ tục kiểm dịch y tế hoặc chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền;
b) Không chấp hành cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế đối với người, tàu thuyền, hàng hóa và các đối tượng phải kiểm dịch khác mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định hoặc khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc thực hiện việc kiểm tra, xử lý y tế đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
b) Buộc quay lại tàu hoặc khu vực cách ly y tế đối với hành vi quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;
c) Buộc thực hiện việc cách ly y tế cưỡng chế cách ly y tế, xử lý y tế đối với người, tàu thuyền, hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm được quy định tại điểm b khoản 5 Điều này.”.
35. Sửa đổi, bổ sung Điều 59 như sau:
“Điều 59. Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân đang thi hành công vụ, nhiệm vụ thuộc quyền quản lý của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại các Điều 60, Điều 61, Điều 62, Điều 63, Điều 64, Điều 65 và Điều 66 của Nghị định này đang thi hành công vụ, nhiệm vụ thuộc phạm vi trách nhiệm của mình, phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải phải kịp thời ngăn chặn và lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định. Đối với hành vi vi phạm hành chính xảy ra trên tàu biển, phương tiện thủy nội địa thì thuyền trưởng, người lái phương tiện thủy nội địa có trách nhiệm tổ chức lập biên bản và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi tàu biển về đến bến cảng.”.
36. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 60 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c và điểm d khoản 1 Điều 60 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 60 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d và điểm đ khoản 3 Điều 60 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 140.000.000 đồng;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.”;
d) Sửa đổi, bổ sung điểm đ khoản 4 Điều 60 như sau:
“đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.”.
37. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 61 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 61 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 61 như sau:
“2. Giám đốc Cảng vụ hàng hải, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục Hàng hải Việt Nam có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.”.
38. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 62 như sau:
“5. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.”.
39. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 63 như sau:
“5. Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả khác quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.”.
40. Sửa đổi, bổ sung Điều 64 như sau:
“Điều 64. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Công an nhân dân
1. Chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.
2. Đội trưởng của Chiến sỹ công an đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.
3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Thủy đội trưởng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Thủy đoàn trưởng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không quá 40.000.000 đồng;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
5. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
6. Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
7. Phân định thẩm quyền vi phạm hành chính của Công an nhân dân
a) Chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính của phương tiện thủy nội địa hoạt động trong vùng nước cảng biển hoặc ngoài vùng nước cảng biển nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý theo thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 33 Nghị định này;
b) Đội trưởng của chiến sỹ Công an nhân dân đang thi hành công vụ xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính của phương tiện thủy nội địa hoạt động trong vùng nước cảng biển hoặc ngoài vùng nước cảng biển nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý theo thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 13; khoản 1 Điều 30; khoản 1 và khoản 2 Điều 33 Nghị định này;
c) Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Thủy đội trưởng xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính của phương tiện thủy nội địa hoạt động trong vùng nước cảng biển hoặc ngoài vùng nước cảng biển nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý theo thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 13; khoản 1 Điều 30; khoản 1, khoản 2 Điều 33 Nghị định này;
d) Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Thủy đoàn trưởng xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính của phương tiện thủy nội địa hoạt động trong vùng nước cảng biển hoặc ngoài vùng nước cảng biển nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý theo thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm hành chính quy định tại điểm d, điểm e, điểm g khoản 2 Điều 12; khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 13; khoản 1, khoản 2 Điều 28; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 30; khoản 1, khoản 2, điểm a khoản 3, điểm a, điểm b khoản 10 Điều 33 Nghị định này;
đ) Giám đốc Công an cấp tỉnh xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính của phương tiện thủy nội địa hoạt động trong vùng nước cảng biển hoặc ngoài vùng nước cảng biển nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý theo thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm d, điểm e và điểm g khoản 2 Điều 12; khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 13; Điều 28; Điều 30; khoản 1, khoản 2, điểm a khoản 3, khoản 10 Điều 33 của Nghị định này;
e) Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính của phương tiện thủy nội địa hoạt động trong vùng nước cảng biển hoặc ngoài vùng nước cảng biển nơi phương tiện thủy nội địa được phép hoạt động có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý theo thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính và các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm d, điểm e và điểm g khoản 2 Điều 12; các Điều 13; Điều 28; Điều 30; khoản 1 và khoản 2, điểm a khoản 3, khoản 10 Điều 33; điểm a khoản 1 Điều 58đ của Nghị định này.”.
41. Sửa đổi, bổ sung Điều 65 như sau:
“Điều 65. Thẩm quyền của lực lượng Bộ đội biên phòng
1. Chiến sĩ Bộ đội biên phòng đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.
2. Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng.
3. Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy biên phòng Cửa khẩu cảng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 40.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
4. Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với những hành vi liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
5. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng
a) Chiến sĩ Bộ đội biên phòng xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 33; khoản 1 Điều 34; điểm a khoản 5, điểm a khoản 6, điểm a khoản 7, điểm a khoản 8 Điều 36 của Nghị định này;
b) Trạm trưởng, Đội trưởng của người được quy định tại điểm a khoản 5 Điều này xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1 Điều 33; khoản 1 Điều 34; điểm a khoản 5, điểm a khoản 6, điểm a khoản 7, điểm a khoản 8 Điều 36; khoản 1 Điều 58l của Nghị định này;
c) Đồn trưởng Đồn biên phòng, Hải đội trưởng Hải đội biên phòng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy biên phòng Cửa khẩu cảng xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 12; khoản 1, khoản 2, điểm a, điểm b, điểm đ, điểm e khoản 3; điểm a, điểm b khoản 5, khoản 7, khoản 8 Điều 32; khoản 1, khoản 3, điểm e khoản 5, điểm a khoản 10 Điều 33; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 34; khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm a, điểm b khoản 4, khoản 5, khoản 6, điểm a, điểm b khoản 7, điểm a khoản 8, khoản 9, khoản 10, điểm a, điểm b khoản 11 Điều 36; khoản 1, khoản 2, điểm a, điểm b khoản 3, khoản 8 Điều 37; khoản 1, khoản 3, khoản 4 Điều 40; khoản 1, khoản 3 Điều 42; điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 58b; khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 58g; Điều 58l của Nghị định này;
d) Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng cấp tỉnh, Hải đoàn trưởng Hải đoàn biên phòng trực thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 12; khoản 3, khoản 4 Điều 19; khoản 1, khoản 2, điểm a, điểm đ, điểm e khoản 3, khoản 5, khoản 6, khoản 7, khoản 8 Điều 32; khoản 1, khoản 3, điểm e khoản 5 và khoản 10 Điều 33; Điều 34; Điều 36; Điều 37; Điều 40; khoản 1, khoản 3, điểm a, điểm b, điểm c khoản 4 Điều 42; điểm a, điểm b khoản 1, điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 58b; điểm a khoản 1 Điều 58đ; Điều 58g; Điều 58l của Nghị định này.”.
42. Sửa đổi, bổ sung Điều 66 như sau:
“Điều 66. Thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát biển
1. Cảnh sát viên Cảnh sát biển đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.
2. Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng.
3. Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng;
c) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.
4. Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 40.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
5. Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 30.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 60.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
6. Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt 100.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm a, điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
7. Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính; khoản 3 Điều 4 Nghị định này.
8. Phân định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cảnh sát biển
a) Cảnh sát viên Cảnh sát biển xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính phát hiện ngoài vùng nước cảng biển có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý được quy định tại khoản 1 Điều 34; điểm a khoản 5, điểm a khoản 6, điểm a khoản 7, điểm a khoản 8 Điều 36 của Nghị định này;
b) Tổ trưởng Tổ nghiệp vụ Cảnh sát biển xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính phát hiện ngoài vùng nước cảng biển có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 33; khoản 1, khoản 2 Điều 34; khoản 1, điểm a, điểm b khoản 5, điểm a, điểm b khoản 6, điểm a khoản 7, điểm a khoản 8, điểm a khoản 9 Điều 36; khoản 1 Điều 37; khoản 1 Điều 42 của Nghị định này;
c) Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển, Trạm trưởng Trạm Cảnh sát biển xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính phát hiện ngoài vùng nước cảng biển có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý được quy định tại khoản 3, khoản 4, điểm e khoản 5 Điều 33; khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 34; khoản 1, khoản 2, điểm a khoản 4, khoản 5, điểm a, điểm b, điểm c khoản 6, điểm a khoản 7, điểm a khoản 8, điểm a, điểm b khoản 9, điểm a khoản 10 Điều 36; khoản 1, khoản 2, điểm a khoản 3, khoản 8 Điều 37; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 42 của Nghị định này;
d) Hải đội trưởng Hải đội Cảnh sát biển xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính phát hiện ngoài vùng nước cảng biển có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý được quy định tại khoản 3, khoản 4, điểm e khoản 5, khoản 6 Điều 33; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 34; khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm a, điểm b khoản 4, khoản 5, khoản 6, điểm a, điểm b khoản 7, điểm a khoản 8, khoản 9, khoản 10, điểm a, điểm b khoản 11 Điều 36; khoản 1, khoản 2, điểm a, điểm b khoản 3, khoản 8 Điều 37; khoản 1, khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 40; khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 42; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 58b; khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 58g của Nghị định này;
đ) Hải đoàn trưởng Hải đoàn Cảnh sát biển; Đoàn trưởng Đoàn trinh sát, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính phát hiện ngoài vùng nước cảng biển có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý được quy định tại khoản 3, khoản 4, điểm e khoản 5, khoản 6 Điều 33; Điều 34; khoản 1, khoản 2, khoản 3, điểm a, điểm b, điểm c khoản 4, khoản 5, khoản 6, điểm a, điểm b, điểm c khoản 7, điểm a khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11 Điều 36; khoản 1, khoản 2, điểm a, điểm b khoản 3, khoản 8 Điều 37; Điều 40; Điều 42; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 58b; khoản 1, điểm a khoản 3 Điều 58g của Nghị định này;
e) Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và Pháp luật thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính phát hiện ngoài vùng nước cảng biển có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý được quy định tại khoản 3, khoản 4, điểm e khoản 5, khoản 6 Điều 33; Điều 34; khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7, điểm a, điểm b khoản 8, khoản 9, khoản 10, khoản 11, điểm a khoản 12 Điều 36; khoản 1, khoản 2, điểm a, điểm b, điểm c khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 8 Điều 37; Điều 40; Điều 42; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 58b; Điều 58g của Nghị định này;
g) Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xử phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính phát hiện ngoài vùng nước cảng biển có liên quan trực tiếp đến lĩnh vực ngành mình quản lý được quy định tại điểm a khoản 3, khoản 4, điểm e khoản 5 và khoản 6 Điều 33; Điều 34; Điều 36; Điều 37; Điều 40, Điều 42; điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 58b; điểm a khoản 1 Điều 58đ, Điều 58g của Nghị định này.”.
43. Bãi bỏ Điều 6, Điều 9, Điều 18, Điều 22, Điều 23, Điều 27, Điều 35, Điều 41, khoản 1 Điều 43, khoản 1 Điều 47, Điều 58.
44. Thay cụm từ “tháo dỡ” bằng cụm từ “phá dỡ” tại khoản 5 Điều 24.
Điều 2. Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
1. Sửa đổi điểm h khoản 2 Điều 2 như sau:
“h) Tổ hợp tác;”.
2. Bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 như sau:
“Điều 4a. Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện
1. Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc gồm những hành vi vi phạm sau đây:
a) Hành vi vi phạm quy định về xếp hàng hóa tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 3, khoản 5 Điều 28 Nghị định này. Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phát hiện hành vi chở hàng vượt trọng tải (khối lượng hàng chuyên chở) cho phép tham gia giao thông của phương tiện;
b) Các hành vi vi phạm được phát hiện thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được tính từ thời điểm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi nhận hành vi vi phạm;
c) Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này mà không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, điểm b khoản này nhưng đã được thực hiện xong trước thời điểm người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm. Trong trường hợp không có tài liệu, chứng cứ để xác định chính xác thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm, thì các hành vi vi phạm này vẫn được xác định là còn trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
2. Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này là các hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện.”.
3. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 5 như sau:
a) Sửa đổi điểm k khoản 3 Điều 5 như sau:
b) Sửa đổi điểm c khoản 4 Điều 5 như sau:
c) Sửa đổi điểm b khoản 6 Điều 5 như sau:
d) Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 7 Điều 5 như sau:
4. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 6 như sau:
a) Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 6 như sau:
b) Bổ sung điểm n, điểm o vào sau điểm m khoản 3 Điều 6 như sau:
c) Sửa đổi khoản 5 Điều 6 như sau:
d) Sửa đổi điểm c khoản 10 Điều 6 như sau:
5. Sửa đổi điểm g khoản 4 Điều 7 như sau:
6. Bổ sung điểm đ, điểm e vào sau điểm d khoản 4 Điều 8 như sau:
7. Sửa đổi khoản 6 Điều 11 như sau:
8. Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 15 như sau:
“Điều 16. Xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Điều khiển xe không có còi hoặc có nhưng còi không có tác dụng;
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
b) Điều khiển xe có hệ thống chuyển hướng của xe không đúng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật;
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
d) Điều khiển xe lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng theo quy định.
5. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
6. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
10. Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 2 Điều 17 như sau:
“Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50 cm3 trở lên;
a) Có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển;
a) Có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 03 tháng;
12. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 23 như sau:
a) Sửa đổi điểm p khoản 5 Điều 23 như sau:
b) Sửa đổi điểm đ khoản 6 Điều 23 như sau:
c) Bổ sung khoản 7a vào sau khoản 7 Điều 23 như sau:
d) Sửa đổi điểm b khoản 8 Điều 23 như sau:
13. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 24 như sau:
a) Sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 24 như sau:
b) Sửa đổi điểm c khoản 5 Điều 24 như sau:
c) Bổ sung khoản 8a vào sau khoản 8 Điều 24 như sau:
d) Sửa đổi điểm b khoản 9 Điều 24 như sau:
“Điều 25. Xử phạt người điều khiển xe ô tô thực hiện hành vi vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chở hàng siêu trường, siêu trọng không có báo hiệu kích thước của hàng theo quy định;
3. Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
15. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 28 như sau:
a) Sửa đổi điểm e khoản 2 Điều 28 như sau:
“e) Không đánh số thứ tự ghế ngồi, giường nằm trên xe ô tô chở hành khách theo quy định;”;
b) Bổ sung điểm i vào sau điểm h khoản 2 Điều 28 như sau:
c) Sửa đổi khoản 3 Điều 28 như sau:
b) Không thanh toán tiền vé cho hành khách theo quy định đối với tuyến cố định có cự ly trên 300 km;
c) Không nộp lại phù hiệu về Sở Giao thông vận tải theo quy định.”;
d) Sửa đổi điểm d khoản 4 Điều 28 như sau:
đ) Sửa đổi điểm o khoản 6 Điều 28 như sau:
e) Sửa đổi điểm p khoản 6 Điều 28 như sau:
g) Sửa đổi khoản 8 Điều 28 như sau:
h) Sửa đổi khoản 9 Điều 28 như sau:
“Điều 29. Xử phạt hành vi sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; sản xuất, bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ trái phép
17. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 30 như sau:
a) Sửa đổi khoản 3 Điều 30 như sau:
b) Sửa đổi điểm b khoản 4 Điều 30 như sau:
c) Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 30 như sau:
d) Sửa đổi điểm g khoản 5 Điều 30 như sau:
đ) Sửa đổi khoản 6 Điều 30 như sau:
e) Sửa đổi điểm d khoản 7 Điều 30 như sau:
g) Sửa đổi điểm m khoản 7 Điều 30 như sau:
“m) Tự ý thay đổi màu sơn của xe không đúng với màu sơn ghi trong Giấy đăng ký xe.”;
h) Sửa đổi điểm g khoản 8 Điều 30 như sau:
i) Sửa đổi điểm a khoản 9 Điều 30 như sau:
k) Sửa đổi điểm đ khoản 9 Điều 30 như sau:
l) Sửa đổi điểm e, điểm g khoản 9 Điều 30 như sau:
m) Bổ sung điểm i vào sau điểm h khoản 9 Điều 30 như sau:
n) Sửa đổi khoản 10 Điều 30 như sau:
o) Sửa đổi khoản 12 Điều 30 như sau:
р) Sửa đổi khoản 13 Điều 30 như sau:
q) Sửa đổi khoản 14 Điều 30 như sau:
r) Sửa đổi khoản 15 Điều 30 như sau:
s) Bổ sung khoản 16 vào sau khoản 15 Điều 30 như sau:
“Điều 33. Xử phạt người điều khiển xe bánh xích; xe quá tải trọng, quá khổ giới hạn của cầu, đường (kể cả xe ô tô chở hành khách)
3. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chở hàng vượt khổ giới hạn của cầu, đường ghi trong Giấy phép lưu hành;
4. Phạt tiền từ 13.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
19. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản Điều 34 như sau:
a) Sửa đổi khoản 2 Điều 34 như sau:
b) Sửa đổi khoản 3 Điều 34 như sau:
“3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người đua xe ô tô trái phép.”.
“Điều 35. Xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gắn biển số nước ngoài
a) Giấy tờ của phương tiện không có bản dịch sang tiếng Anh hoặc tiếng Việt theo quy định;
b) Xe chở khách không có danh sách hành khách theo quy định.
2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Điều khiển phương tiện không gắn ký hiệu phân biệt quốc gia theo quy định;
3. Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Hoạt động quá phạm vi được phép hoạt động;
b) Lưu hành phương tiện trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn quy định dưới 30 ngày.
21. Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 2 Điều 37 như sau:
“d) Tổ chức đào tạo cho học viên chưa có đủ hồ sơ của người học lái xe theo quy định.”;
22. Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 1 Điều 38 như sau:
“c) Thực hiện không đúng nhiệm vụ được phân công.”.
23. Sửa đổi đoạn mở đầu và điểm a khoản 3 của Điều 44 như sau:
a) Sửa đổi đoạn mở đầu khoản 3 Điều 44 như sau:
b) Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 44 như sau:
24. Sửa đổi tên điều và một số điểm, khoản của Điều 66 như sau:
a) Sửa đổi tên Điều 66 như sau:
“Điều 66. Xử phạt đối với lái tàu, phụ lái tàu, người trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đường sắt phục vụ dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp”;
b) Sửa đổi đoạn mở đầu khoản 3 Điều 66 như sau:
c) Sửa đổi điểm c khoản 3 Điều 66 như sau:
d) Sửa đổi khoản 4 Điều 66 như sau:
đ) Sửa đổi đoạn mở đầu khoản 5 Điều 66 như sau:
e) Sửa đổi điểm a khoản 5 Điều 66 như sau:
25. Sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 67 như sau:
26. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 74 như sau:
a) Sửa đổi điểm e, điểm g khoản 2 Điều 74 như sau:
b) Sửa đổi điểm a, điểm b khoản 3 Điều 74 như sau:
c) Sửa đổi điểm h khoản 3 Điều 74 như sau:
d) Bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 74 như sau:
đ) Sửa đổi tên khoản 4 Điều 74 như sau:
e) Sửa đổi điểm b khoản 4 Điều 74 như sau:
“b) Điểm g, điểm n khoản 1; điểm a, điểm đ, điểm h, điểm l khoản 2; điểm c, điểm d, điểm đ, điểm k, điểm m, điểm n, điểm o khoản 3; điểm b, điểm d khoản 4 Điều 6, trừ trường hợp gây tai nạn giao thông;”;
g) Sửa đổi điểm e khoản 4 Điều 74 như sau:
“e) Khoản 1, khoản 2, khoản 6, khoản 7 Điều 11;”;
h) Sửa đổi điểm g khoản 5 Điều 74 như sau:
“g) Khoản 1; khoản 2; khoản 3; khoản 4; khoản 5; khoản 6; điểm b khoản 7 Điều 16;”;
i) Sửa đổi điểm i khoản 5 Điều 74 như sau:
“i) Khoản 3; điểm b khoản 4; khoản 6; khoản 8; khoản 9 Điều 21;”;
k) Sửa đổi l khoản 5 Điều 74 như sau:
“l) Điểm a, điểm b khoản 1; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ khoản 2; khoản 3; khoản 4; khoản 5; khoản 6; khoản 7; điểm a, điểm b khoản 8; khoản 8a Điều 24;”;
l) Sửa đổi điểm n khoản 5 Điều 74 như sau:
“n) Điểm a khoản 2; khoản 3; khoản 6; điểm a, điểm g, điểm h, điểm i, điểm m khoản 7; khoản 8; khoản 9; khoản 10; khoản 11; khoản 12; khoản 13; khoản 14 Điều 30;”;
m) Sửa đổi điểm p khoản 5 Điều 74 như sau:
“p) Khoản 1; điểm b, điểm c khoản 2; điểm c khoản 3; khoản 4; khoản 5 Điều 35;”.
“Điều 75. Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 10.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b, c, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.”.
“Điều 76. Thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân
1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 5.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và điểm c khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 30.000.000 đồng;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c và điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
5. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm c, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định này.”.
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng;
d) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a và điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 75.000.000 đồng;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 52.500.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tước quyền, sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 105.000.000 đồng;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này.
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 4 Nghị định này.”.
30. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 80 như sau:
a) Sửa đổi khoản 1 Điều 80 như sau:
“1. Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo các điểm, khoản tương ứng của Điều 30 Nghị định này.”;
b) Sửa đổi khoản 2 Điều 80 như sau:
“2. Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến.”;
c) Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 80 như sau:
d) Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 80 như sau:
đ) Sửa đổi điểm d, điểm đ, điểm e khoản 3 Điều 80 như sau:
e) Sửa đổi điểm k khoản 3 Điều 80 như sau:
g) Sửa đổi khoản 4 Điều 80 như sau:
h) Sửa đổi điểm c khoản 5 Điều 80 như sau:
i) Bổ sung điểm e vào sau điểm đ khoản 5 Điều 80 như sau:
k) Sửa đổi khoản 7 Điều 80 như sau:
“7. Khi xử phạt đối với chủ phương tiện quy định tại khoản 6 Điều này, thời hạn ra quyết định xử phạt có thể được kéo dài để xác minh đối tượng bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) nhưng tối đa không quá 02 tháng.”.
31. Sửa đổi khoản 2 Điều 81 như sau:
32. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 82 như sau:
a) Sửa đổi khoản 1 Điều 82 như sau:
“1. Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các điều, khoản, điểm sau đây của Nghị định này:
a) Điểm c khoản 6; điểm a, điểm c khoản 8; khoản 10 Điều 5;
c) Điểm c khoản 6; điểm b khoản 7; điểm a, điểm b khoản 8; khoản 9 Điều 7;
e) Điểm a, điểm b khoản 4; khoản 5; điểm a, điểm b, điểm c khoản 6 Điều 16;
g) Điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 17;
h) Điểm b, điểm đ khoản 1; điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e khoản 2 Điều 19;
i) Khoản 1; điểm a khoản 4; khoản 5; khoản 6; khoản 7; khoản 8; khoản 9 Điều 21;
b) Sửa đổi khoản 2 Điều 82 như sau:
“2. Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt còn có thể quyết định tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan đến người điều khiển và phương tiện vi phạm một trong các hành vi quy định tại Nghị định này theo quy định tại khoản 6, khoản 8 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Khi bị tạm giữ giấy tờ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm ghi trong biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện hoặc đưa phương tiện ra tham gia giao thông, sẽ bị áp dụng xử phạt như hành vi không có giấy tờ.”.
33. Bổ sung một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm sau đây:
a) Bổ sung cụm từ “khoản 4a,” vào trước cụm từ “khoản 5” tại điểm d khoản 2, điểm e khoản 3 Điều 74;
b) Bổ sung cụm từ “điểm d khoản 7;” vào sau cụm từ “khoản 6” tại điểm a khoản 5 Điều 74;
c) Bổ sung cụm từ “điểm a” vào trước cụm từ “khoản 3” tại khoản 6 Điều 74; điểm đ khoản 1 Điều 79; điểm b khoản 5 Điều 80.
34. Thay một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm sau đây:
a) Thay cụm từ “điểm a, điểm b khoản 6; điểm a, điểm c khoản 7” bằng cụm từ “điểm a khoản 6; điểm a, điểm c, điểm d khoản 7” tại điểm a khoản 1 Điều 5;
b) Thay cụm từ “điểm b khoản 6” bằng cụm từ “điểm d khoản 7” tại điểm h khoản 2, điểm e khoản 3, điểm d khoản 4 Điều 5;
c) Thay cụm từ “điểm h, điểm i khoản 5” bằng cụm từ “điểm i khoản 5” tại điểm b khoản 11 Điều 5;
d) Thay cụm từ “1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng” bằng cụm từ “2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng” tại tên khoản 4 Điều 5, khoản 5 Điều 7, khoản 7 Điều 47;
đ) Thay cụm từ “3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng” bằng cụm từ “4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng” tại tên khoản 5 Điều 5, khoản 8 Điều 47;
e) Thay cụm từ “điểm d, điểm g, điểm i, điểm m khoản 3” bằng cụm từ “điểm a, điểm d, điểm g, điểm i, điểm m khoản 3” tại điểm a khoản 1 Điều 6;
g) Thay cụm từ “600.000 đồng đến 1.000.000 đồng” bằng cụm từ “800.000 đồng đến 1.000.000 đồng” tại khoản 4 Điều 6, khoản 5 Điều 47;
h) Thay cụm từ “điểm b khoản 6 Điều 33” bằng cụm từ “điểm b khoản 5 Điều 33” tại khoản 9 Điều 11;
i) Thay cụm từ “200.000 đồng đến 400.000 đồng” bằng cụm từ “300.000 đồng đến 400.000 đồng” tại tên khoản 1 Điều 5, khoản 2 Điều 7, khoản 1 Điều 42, khoản 1 Điều 43, khoản 1 Điều 46;
k) Thay cụm từ “200.000 đồng đến 300.000 đồng” bằng cụm từ “300.000 đồng đến 400.000 đồng” tại tên khoản 2 Điều 6, khoản 3 Điều 8, khoản 2 Điều 18, khoản 4 Điều 47;
l) Thay cụm từ “từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với cá nhân, từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với tổ chức” bằng cụm từ “từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với tổ chức” tại tên khoản 2 Điều 15;
m) Thay cụm từ “300.000 đồng đến 400.000 đồng” bằng cụm từ “800.000 đồng đến 1.000.000 đồng” tại tên khoản 2 Điều 17, khoản 1 Điều 19;
n) Thay cụm từ “800.000 đồng đến 1.000.000 đồng” bằng cụm từ “2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng” tại tên khoản 3 Điều 17;
o) Thay cụm từ “tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 40.000.000 đồng” bằng cụm từ “tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng” tại khoản 2, khoản 4 Điều 23;
p) Thay cụm từ “điểm a khoản 7” bằng cụm từ “khoản 7a” tại điểm đ, điểm e, điểm k khoản 5 Điều 23;
q) Thay cụm từ “có thiết kế từ từ 09 chỗ” bằng cụm từ “có thiết kế từ 09 chỗ” tại điểm c khoản 4 Điều 28;
r) Thay cụm từ “từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 14.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức” bằng cụm từ “từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 24.000.000 đồng đối với tổ chức” tại tên khoản 7 Điều 28;
s) Thay cụm từ “tháo dỡ” bằng cụm từ “phá dỡ” tại điểm b khoản 1, điểm a khoản 2, điểm l khoản 3 Điều 4; điểm a khoản 12 Điều 11; điểm đ khoản 10 Điều 12; điểm a khoản 2 Điều 14; điểm g khoản 6 Điều 51; điểm b khoản 4 Điều 52; điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 5 Điều 53; điểm đ khoản 2, điểm c khoản 5 Điều 54;
t) Thay cụm từ “Đối với những hành vi vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện, của cầu, đường được quy định tại Điều 24, Điều 28, Điều 30, Điều 33, Điều 65 của Nghị định này” bằng cụm từ “Đối với các hành vi vi phạm quy định về chở người vượt quá quy định được phép chở của phương tiện, vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn của phương tiện, của cầu, đường được quy định tại Điều 23, Điều 24, Điều 28, Điều 30, Điều 33, Điều 65 của Nghị định này” tại tên khoản 5 Điều 80.
35. Bỏ một số từ, cụm từ tại một số điều, khoản, điểm sau đây:
a) Bỏ cụm từ "công lập" tại điểm c khoản 2 Điều 2; bãi bỏ cụm từ ", tổ hợp tác” tại khoản 3 Điều 2;
b) Bỏ cụm từ “hoặc tái phạm hành vi quy định tại điểm b khoản 7 Điều này,” tại điểm d khoản 11 Điều 5;
c) Bỏ cụm từ “điểm đ,” tại điểm b khoản 10 Điều 6;
d) Bỏ cụm từ “kinh doanh vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải” tại tên khoản 1 Điều 28.
36. Bãi bỏ các điểm, khoản, điều sau đây:
a) Bãi bỏ điểm h khoản 5 Điều 5;
b) Bãi bỏ điểm i, điểm k khoản 2; điểm đ khoản 4 Điều 6;
c) Bãi bỏ điểm d, điểm đ khoản 3 Điều 8;
d) Bãi bỏ khoản 3 Điều 11;
đ) Bãi bỏ điểm b khoản 1 Điều 17;
e) Bãi bỏ điểm g khoản 5, điểm a khoản 7 Điều 23;
g) Bãi bỏ điểm a khoản 3, điểm c khoản 6 Điều 24;
h) Bãi bỏ điểm b khoản 2; điểm c khoản 4; điểm đ, điểm k khoản 7 Điều 30;
i) Bãi bỏ khoản 11 Điều 80;
k) Bãi bỏ Điều 83.
1. Bổ sung Điều 4a vào sau Điều 4 như sau:
“Điều 4a. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không là 01 năm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính về phí, lệ phí; quản lý giá; xây dựng các công trình hàng không; bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng không; đất đai cảng hàng không, sân bay; kinh doanh hàng hóa tại cảng hàng không; buôn bán hàng cấm, hàng giả thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
2. Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc
a) Hành vi vi phạm quy định tại điểm k khoản 1 Điều 7 của Nghị định này. Thời điểm kết thúc hành vi vi phạm là tại thời điểm hoàn thành bảo dưỡng tàu bay, động cơ, cánh quạt, trang bị, thiết bị của tàu bay tại cơ sở bảo dưỡng không được phê chuẩn năng định phù hợp;
b) Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 Điều 7 của Nghị định này. Thời điểm kết thúc hành vi vi phạm là từ thời điểm hoàn thành việc kiểm tra, hiệu chuẩn thiết bị bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay tại cơ sở không được phép;
c) Hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10; điểm d khoản 1 Điều 14; điểm d khoản 1 Điều 20; điểm a, điểm b khoản 1 Điều 23 và điểm c khoản 1 Điều 29 của Nghị định này. Thời điểm kết thúc hành vi vi phạm là thời điểm hết thời hạn báo cáo mà không báo cáo theo quy định;
d) Các hành vi vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c khoản này nhưng đã được thực hiện xong trước thời điểm người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm thì được xác định là hành vi vi phạm đã kết thúc. Thời điểm hành vi kết thúc được tính từ thời điểm hành vi đã thực hiện xong.
3. Các hành vi vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này là các hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện:”.
2. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 8 như sau:
“a) Hút thuốc, kể cả thuốc lá điện tử hoặc gây khói, cháy trên tàu bay;”.
3. Sửa đổi, bổ sung điểm, khoản của Điều 9 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm e khoản 2 Điều 9 như sau:
“e) Không cập nhật, sửa đổi, bổ sung tài liệu khai thác sân bay, tài liệu khai thác công trình khi có sự thay đổi về các thông số kỹ thuật của các công trình, trang thiết bị trong sân bay, phương án vận hành khai thác tàu bay, quy trình khai thác, cung cấp dịch vụ trong sân bay hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; không trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt khi có sự thay đổi về các thông số kỹ thuật của các công trình, trang thiết bị trong sân bay, phương án vận hành khai thác tàu bay, quy trình khai thác, cung cấp dịch vụ trong sân bay.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b khoản 3 Điều 9 như sau:
“a) Không thông báo theo quy định về thông báo tin tức hàng không khi xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị tại cảng hàng không, sân bay ảnh hưởng đến hoạt động bay hoặc sửa chữa, khắc phục hư hỏng trong trường hợp đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay, thiết bị bảo đảm hoạt động bay bị hư hỏng đột xuất uy hiếp trực tiếp đến an toàn, an ninh hàng không;
b) Thực hiện không đúng biện pháp hoặc phương án tổ chức thi công theo quy định khi xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình tại cảng hàng không, sân bay;”;
c) Bổ sung điểm k, điểm l vào khoản 3 Điều 9 như sau:
“k) Thay đổi thời gian xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trong khu vực cảng hàng không, sân bay có ảnh hưởng đến hoạt động bay đã được thông báo theo quy định về thông báo tin tức hàng không mà không thống nhất với các cơ quan, tổ chức liên quan, trước khi thực hiện quy trình thông báo sự thay đổi;
l) Thực hiện không đúng phương án đảm bảo an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trong khu vực cảng hàng không, sân bay theo quy định.”.
d) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 4 Điều 9 như sau:
“d) Không thực hiện biện pháp hoặc phương án tổ chức thi công theo quy định khi xây dựng, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa công trình tại cảng hàng không, sân bay;”;
đ) Bổ sung điểm đ, điểm e vào khoản 4 Điều 9 như sau:
“đ) Không kiểm tra tình trạng mặt đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay theo quy định nhằm loại bỏ các vật ngoại lai;
e) Không thực hiện phương án đảm bảo an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường trong quá trình xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trong khu vực cảng hàng không, sân bay theo quy định.”;
e) Sửa đổi, bổ sung điểm k khoản 5 Điều 9 như sau:
“k) Lắp các đèn hiệu, biển quảng cáo có sử dụng đèn xoay, đèn laze và các thiết bị chiếu sáng trong cảng hàng không, sân bay hoặc khu vực lân cận cảng hàng không, sân bay gây ảnh hưởng đến hoạt động bay trong khu vực cảng hàng không, sân bay;”;
g) Sửa đổi, bổ sung điểm m khoản 5 Điều 9 như sau:
“m) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trong khu vực cảng hàng không, sân bay khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận phương án đảm bảo an ninh hàng không, an toàn hàng không;”;
h) Bổ sung điểm n, điểm o vào khoản 5 Điều 9 như sau:
“n) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình, lắp đặt thiết bị tại cảng hàng không, sân bay không phù hợp với mục đích sử dụng, quy hoạch cảng hàng không, sân bay, bản vẽ tổng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
o) Xây dựng, cải tạo, nâng cấp, bảo trì, sửa chữa công trình, lắp đặt, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị trong khu vực cảng hàng không, sân bay khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận phương án tổ chức thi công.”;
i) Bổ sung điểm d vào khoản 8 Điều 9 như sau:
“d) Buộc điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch cảng hàng không, sân bay, bản vẽ tổng mặt bằng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với hành vi quy định tại điểm n khoản 5 Điều này.”.
4. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 10 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 10 như sau:
“a) Cung cấp dịch vụ phi hàng không tại cảng hàng không mà không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ, sản phẩm bán ra; không niêm yết công khai; không đảm bảo sản phẩm đúng nhãn mác; không có chứng nhận công bố chất lượng sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa;
b) Đặt biển quảng cáo, sử dụng tờ rơi, âm thanh để quảng cáo tại khu bay hoặc tại vị trí cửa thoát hiểm của các công trình tại cảng hàng không, sân bay;
c) Sử dụng âm thanh để quảng cáo tại các công trình thuộc kết cấu hạ tầng cảng hàng không, sân bay; tại các công trình khác ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ hàng không;”;
b) Bổ sung điểm d, điểm đ vào khoản 1 Điều 10 như sau:
“d) Đặt biển quảng cáo ảnh hưởng đến công tác an toàn hàng không, an ninh hàng không, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, cản trở luồng di chuyển của người và phương tiện tại cảng hàng không, sân bay;
đ) Xây dựng công trình quảng cáo, lắp đặt phương tiện quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, kiến trúc nhà ga, hệ thống biển báo trong nhà ga.”;
c) Bổ sung điểm e vào khoản 2 Điều 10 như sau:
“e) Lắp đặt các thiết bị điện tử, màn hình để quảng cáo trên các phương tiện mặt đất hoạt động tại khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay, các thiết bị tại sân đỗ tàu bay.”;
d) Bổ sung điểm đ khoản 4 Điều 10 như sau:
“đ) Tổ chức kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại khu bay trái quy định.”;
đ) Bổ sung điểm g vào khoản 5 Điều 10 như sau:
“g) Không duy trì đủ điều kiện khai thác công trình, phương tiện, thiết bị cảng hàng không, sân bay, cung cấp dịch vụ hàng không theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật áp dụng.”.
5. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 11 như sau:
“6. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 tháng đến 03 tháng đối với nhân viên hàng không vi phạm quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 tháng đến 05 tháng đối với nhân viên hàng không vi phạm quy định tại khoản 2 và các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm l khoản 3, khoản 4 và điểm g khoản 5 Điều này.”.
6. Bổ sung điểm đ, điểm e, điểm g vào khoản 1 Điều 14 như sau:
“đ) Không xây dựng kế hoạch giám sát nhiên liệu theo quy định;
e) Không gửi kế hoạch giám sát nhiên liệu theo quy định;
g) Không thực hiện báo cáo phát thải đối với chuyến bay quốc tế; nhiên liệu đối với các chuyến bay nội địa theo quy định.”.
7. Sửa đổi, bổ sung tên Mục 4 Chương II như sau:
“Mục 4. VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC THEO TÀI LIỆU, QUY TRÌNH VÀ YÊU CẦU CÔNG VIỆC CỦA NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÁC; ĐÀO TẠO, HUẤN LUYỆN CHUYÊN MÔN, NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG, SỬ DỤNG NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG VÀ GIÁM ĐỊNH SỨC KHỎE NHÂN VIÊN HÀNG KHÔNG”
8. Sửa đổi, bổ sung tên và một số điểm, khoản của Điều 16 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều 16 như sau:
“Điều 16. Vi phạm quy định về thực hiện công việc theo tài liệu, quy trình và yêu cầu công việc”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 16 như sau:
“b) Thực hiện nhiệm vụ không đúng tài liệu, quy trình và yêu cầu công việc, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3, điểm đ khoản 4 và điểm d khoản 5 Điều này;”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b khoản 3 Điều 16 như sau:
“a) Thực hiện nhiệm vụ không đúng tài liệu, quy trình và yêu cầu công việc ảnh hưởng đến hoạt động hàng không dân dụng mà chưa uy hiếp đến an ninh hàng không, an toàn hàng không, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3, điểm đ khoản 4 và điểm d khoản 5 Điều này;
b) Thực hiện nhiệm vụ điều khiển tàu bay, điều hành bay, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị của tàu bay, lập kế hoạch bảo dưỡng tàu bay, lập dữ liệu bảo dưỡng tàu bay, bảo đảm kỹ thuật tàu bay không đúng tài liệu, quy trình và yêu cầu công việc;”;
d) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 Điều 16 như sau:
“d) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ nhân viên hàng không theo giấy phép, chứng chỉ chuyên môn đã được cấp hoặc công nhận, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 và điểm e khoản 5 Điều này.”;
đ) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 16 như sau:
“a) Thực hiện nhiệm vụ không đúng tài liệu, quy trình và yêu cầu công việc gây uy hiếp đến an ninh hàng không, an toàn hàng không, trường hợp quy định tại điểm b khoản 3, điểm đ khoản 4 và điểm d khoản 5 Điều này;”;
e) Sửa đổi, bổ sung điểm c, điểm đ khoản 4 Điều 16 như sau:
“c) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ nhân viên hàng không theo giấy phép, chứng chỉ chuyên môn đã được cấp hoặc công nhận gây uy hiếp an toàn hàng không, an ninh hàng không, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 và điểm e khoản 5 Điều này;
đ) Thực hiện nhiệm vụ điều khiển tàu bay, điều hành bay, bảo dưỡng sửa chữa tàu bay và thiết bị của tàu bay, lập kế hoạch bảo dưỡng tàu bay, lập dữ liệu bảo dưỡng tàu bay, bảo đảm kỹ thuật tàu bay không đúng tài liệu, quy trình và yêu cầu của công việc, quy trình phối hợp hoạt động ảnh hưởng đến hoạt động hàng không dân dụng mà chưa uy hiếp đến an ninh hàng không, an toàn hàng không, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 và điểm d khoản 5 Điều này;”;
g) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 5 Điều 16 như sau:
“a) Sử dụng Giấy phép nhân viên hàng không, năng định, chứng chỉ chuyên môn, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe, chứng nhận trình độ tiếng Anh không do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp;”;
h) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 5 Điều 16 như sau:
“d) Thực hiện nhiệm vụ điều khiển tàu bay, điều hành bay, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị của tàu bay, lập kế hoạch bảo dưỡng tàu bay, lập dữ liệu bảo dưỡng tàu bay, bảo đảm kỹ thuật tàu bay không đúng tài liệu, quy trình và yêu cầu công việc gây uy hiếp an ninh hàng không, an toàn hàng không;”;
i) Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b khoản 7 Điều 16 như sau:
“a) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 tháng đến 03 tháng đối với nhân viên hàng không vi phạm quy định tại các điểm a, điểm c, điểm h khoản 4, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 5 và điểm c khoản 6 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 tháng đến 05 tháng đối với nhân viên hàng không vi phạm quy định tại điểm a khoản 6 Điều này;”.
9. Sửa đổi, bổ sung tên và một số điểm, khoản của Điều 18 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều 18 như sau:
“Điều 18. Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ hàng không”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 18 như sau:
“1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) đến 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) đối với hành vi thuê, nhờ người khác hoặc làm bài hộ thí sinh hoặc trợ giúp thí sinh làm bài kiểm tra, bài thi chuyên môn, nghiệp vụ; bài đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không.”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm b, điểm c, điểm d khoản 2 Điều 18 như sau:
“b) Đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ hàng không không đúng nội dung; không đủ số giờ theo quy định;
c) Sử dụng giáo viên đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ hàng không mà không đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định;
d) Không lưu trữ hoặc lưu trữ không đủ hồ sơ đào tạo, huấn luyện chuyên môn nghiệp vụ theo quy định.”;
d) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 3 Điều 18 như sau:
“b) Đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ hàng không ngoài phạm vi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.”;
đ) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 18 như sau:
“5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc hủy bỏ kết quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.”.
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 19 như sau:
“4. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng) đến 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng) đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không duy trì điều kiện về tổ chức bộ máy; trang bị, thiết bị; quy trình khám, giám định; đội ngũ nhân viên theo Giấy chứng nhận cơ sở y tế khám, giám định sức khỏe cho nhân viên hàng không đã được cơ quan có thẩm quyền cấp;
b) Không có hệ thống đảm bảo chất lượng hoặc hình thức tương đương được chấp thuận theo quy định.”.
11. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 như sau:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng (ba triệu đồng) đến 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) đối với hành vi thả thiết bị, vật dụng và các vật thể khác vào không trung ảnh hưởng đến hoạt động bay.”.
12. Sửa đổi, bổ sung một số điểm của khoản 1 Điều 22 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 22 như sau:
“b) Không thông báo với cơ quan có thẩm quyền theo quy định khi có những thay đổi phải thông báo; nội dung thông báo;”;
b) Bổ sung điểm c vào khoản 1 Điều 22 như sau:
“c) Không niêm yết hoặc công bố công khai đường dây nóng theo quy định.”.
13. Bổ sung điểm g, điểm h, điểm i vào khoản 1 Điều 23 như sau:
“g) Không thông báo hoạt động của văn phòng đại diện, văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kể từ ngày được cấp Giấy phép theo quy định;
h) Không hoạt động tại trụ sở kể từ ngày được cấp Giấy phép mở Văn phòng đại diện, văn phòng bán vé của hãng hàng không nước ngoài; không đăng tin trên một tờ báo được phát hành tại Việt Nam theo quy định;
i) Không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp thay đổi nhân sự là người nước ngoài.”.
14. Bổ sung điểm l, điểm m vào khoản 3 Điều 24 như sau:
“l) Không cung cấp thông tin về nguyên nhân hủy chuyến bay, chuyến bay bị chậm kéo dài theo quy định;
m) Không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại theo quy định.”.
15. Sửa đổi, bổ sung tên và một số điểm, khoản của Điều 25 như sau:
a) Sửa đổi tên Điều 25 như sau:
“Điều 25. Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không và giấy tờ tùy thân”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 25 như sau:
“a) Sử dụng thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không hoặc thẻ giám sát viên an ninh hàng không, an toàn hàng không hoặc thẻ giám sát viên chất lượng dịch vụ của người khác vào khu vực hạn chế của cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay;
b) Sử dụng giấy tờ nhân thân không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc; vé, thẻ lên tàu bay không do hãng hàng không có thẩm quyền xuất hoặc giấy tờ nhân thân, vé, thẻ lên tàu bay mang tên người khác vào khu vực cách ly, lên tàu bay hoặc cho người khác vào khu vực cách ly, lên tàu bay;
c) Cho người khác mượn thẻ kiểm soát an ninh hàng không, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không, thẻ giám sát viên an ninh hàng không, an toàn hàng không hoặc thẻ giám sát viên chất lượng dịch vụ để vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay, lên tàu bay.”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 25 như sau:
“3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng (năm triệu đồng) đến 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) đối với hành vi sử dụng thẻ kiểm soát an ninh hàng không, Giấy phép kiểm soát an ninh hàng không hoặc thẻ giám sát viên an ninh hàng không, an toàn hàng không hoặc thẻ giám sát viên chất lượng dịch vụ không do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp.”.
16. Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 9 Điều 26 như sau:
“a) Tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 tháng đến 03 tháng đối với nhân viên hàng không vi phạm quy định tại điểm a khoản 4, các điểm b, điểm d, điểm đ, điểm i, điểm l khoản 5 và điểm b khoản 6 Điều này;”.
17. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 27 như sau:
a) Bổ sung điểm i vào khoản 2 Điều 27 như sau:
“i) Không cung cấp tờ khai an ninh cho người khai thác cảng hàng không, sân bay quá cảnh, trung chuyển và hãng hàng không theo quy định.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 27 như sau:
“a) Không thực hiện đúng Chương trình an ninh hàng không, Quy chế an ninh hàng không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận;”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 4 Điều 27 như sau:
“a) Không có Chương trình an ninh hàng không, Quy chế an ninh hàng không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận;”.
18. Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 28 như sau:
“6. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 tháng đến 03 tháng đối với nhân viên hàng không vi phạm quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.”.
19. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 30 như sau:
“5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép từ 01 tháng đến 03 tháng đối với nhân viên hàng không vi phạm quy định tại điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều này.”.
20. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 31 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 31 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000 đồng;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 31 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 100.000.000 đồng;”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 3 Điều 31 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 140.000.000 đồng;”.
21. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 32 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 32 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 20.000.000 đồng.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 32 như sau:
“b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 32 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.
22. Sửa đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 33 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 33 như sau:
“c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 1.000.000;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 2 Điều 33 như sau:
“d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;”.
23. Sửa đổi, bổ sung Điều 34 như sau:
“Điều 34. Thẩm quyền của Công an nhân dân
1. Chiến sĩ Công an nhân dân đang thi hành công vụ có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 500.000 đồng.
2. Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều này có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.500.000 đồng.
3. Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 2.500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
4. Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 20.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 02 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, điểm đ, điểm e khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
5. Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 50.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất;
e) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, điểm đ, điểm e, điểm n khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
6. Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Tư lệnh Cảnh sát cơ động có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 100.000.000 đồng;
c) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;
d) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
đ) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm c, điểm đ, điểm e, điểm n khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.
7. Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 6 Điều này và có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
8. Lực lượng Công an nhân dân có quyền xử phạt đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Hành vi vi phạm hành chính được phát hiện trong quá trình triển khai thực hiện phương án khẩn nguy;
b) Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng về an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại các khu vực công cộng ở cảng hàng không, sân bay hoặc do các cơ quan trong ngành hàng không dân dụng chuyển giao.”.
24. Sửa đổi, bổ sung đoạn đầu và một số điểm, khoản của Điều 36 như sau:
a) Sửa đổi đoạn đầu của Điều 36 như sau:
“Lực lượng thanh tra chuyên ngành hàng không và Cảng vụ hàng không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; áp dụng hình thức xử phạt chính, xử phạt bổ sung; áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này và các hành vi vi phạm hành chính xảy ra trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định tại các văn bản sau:”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 36 như sau:
“5. Khoản 2 Điều 6, Điều 7, Điều 11, các khoản 1, 2 Điều 23 và khoản 1, điểm c khoản 3 Điều 30 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 36 như sau:
“7. Điểm đ khoản 1 Điều 9, điểm a khoản 3 Điều 10, Điều 20, Điều 21 và điểm a khoản 1, điểm b khoản 4, 5, 6, 7, 8 Điều 22 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.”;
d) Bổ sung khoản 9 vào Điều 36 như sau:
“9. Các khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều 6, điểm b khoản 2 Điều 11, điểm a khoản 1, khoản 4 Điều 12, khoản 2 Điều 14, Điều 18, khoản 2, 3 Điều 25, Điều 26, khoản 2, điểm a, điểm b khoản 4 Điều 29, Điều 30, Điều 31 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.”.
25. Bỏ cụm từ “chứng chỉ hành nghề” tại điểm a khoản 2 Điều 4, điểm c khoản 2, điểm c khoản 3, điểm c khoản 4 Điều 31, điểm c khoản 2 Điều 32 và điểm c khoản 2, điểm c khoản 3 Điều 33.
26. Thay cụm từ “tháo dỡ” bằng cụm từ “phá dỡ” tại điểm d khoản 3 Điều 4, điểm b khoản 8 Điều 9, điểm b khoản 7 Điều 10 và khoản 7 Điều 21.
27. Bãi bỏ điểm l khoản 3 Điều 4; điểm e khoản 3 Điều 9; điểm a khoản 3 Điều 15; điểm h khoản 5 Điều 26, Điều 39.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
Điều 5. Điều khoản chuyển tiếp
Đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà sau đó mới bị phát hiện hoặc đang xem xét giải quyết thì áp dụng các quy định có lợi cho tổ chức, cá nhân vi phạm.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
| TM. CHÍNH PHỦ |
Decree No. 123/2021/ND-CP dated December 28, 2021 on Amendements to several articles of decrees providing for administrative penalties for maritime offences; road traffic offences and rail transport offences; civil aviation offences
- Số hiệu: 123/2021/ND-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 28/12/2021
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Lê Văn Thành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra