Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 106/2012/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2012

 

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định    chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 1. Vị trí và chức năng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực; Việc làm, dạy nghề, lao động, tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp), an toàn lao động, người có công, bảo trợ xã hội, bảo vệ và chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội (sau đây gọi chung là lĩnh vực lao động, người có công và xã hội) trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Nghị định số 36/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Trình Chính phủ các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo nghị định của Chính phủ theo chương trình xây dựng pháp luật hàng năm của Bộ đã được phê duyệt và các nghị quyết, dự án, đề án theo sự phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, năm năm, hàng năm và các dự án, công trình quan trọng quốc gia về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

2. Trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo quyết định, chỉ thị, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình hành động quốc gia và các văn bản khác về ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ hoặc theo phân công.

3. Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực do Bộ quản lý.

4. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình hành động quốc gia, các dự án, công trình quan trọng quốc gia sau khi được phê duyệt; thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

5. Về lĩnh vực việc làm và bảo hiểm thất nghiệp:

a) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách việc làm, chính sách phát triển thị trường lao động, chỉ tiêu tạo việc làm mới và khuyến khích tạo việc làm mới; về tuyển dụng và quản lý lao động Việt Nam và lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; về chính sách việc làm đối với đối tượng đặc thù, lao động dịch chuyển; về lao động bị mất việc làm trong sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước;

b) Hướng dẫn cơ chế thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm theo thẩm quyền;

c) Quy định cụ thể điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ việc làm;

d) Hướng dẫn và tổ chức thực hiện các hoạt động giao dịch việc làm;

đ) Tổ chức hệ thống thông tin thị trường lao động; thu thập, cung cấp cơ sở dữ liệu về thị trường lao động cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu;

e) Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp.

6. Về lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:

a) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

b) Phát triển thị trường lao động ngoài nước;

c) Xây dựng và hướng dẫn thực hiện kế hoạch đào tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; quy định nội dung, chương trình và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;

d) Quy định về Giấy phép; quyết định việc cấp, đổi, thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;

đ) Tổ chức, hướng dẫn việc đăng ký hợp đồng của doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân; giám sát việc thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp;

e) Phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức và chỉ đạo công tác quản lý, xử lý những vấn đề liên quan đến người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

g) Quản lý Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

7. Về lĩnh vực dạy nghề:

a) Tổ chức, kiểm tra và chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan hướng dẫn về chính sách, chế độ dạy nghề và học nghề;

b) Xây dựng quy hoạch mạng lưới trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề; quy định cụ thể điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của cơ sở dạy nghề; điều lệ mẫu trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề; quy chế mẫu trung tâm dạy nghề; tiêu chuẩn cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề;

c) Quy định danh mục nghề đào tạo; chương trình khung trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề; quy chế tuyển sinh, thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng, chứng chỉ nghề; mẫu bằng, chứng chỉ nghề;

d) Quy định nguyên tắc, quy trình và tổ chức việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; quản lý việc đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;

đ) Quy định tiêu chuẩn, quy trình kiểm định chất lượng dạy nghề;

e) Quyết định thành lập trường cao đẳng nghề; công nhận hiệu trưởng trường cao đẳng nghề tư thục theo thẩm quyền.

8. Về lĩnh vực lao động, tiền lương:

a) Hướng dẫn thực hiện về hợp đồng lao động, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, giải quyết tranh chấp lao động và đình công;

b) Hướng dẫn thực hiện tiền lương tối thiểu, chế độ tiền lương đối với người lao động và người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp nhà nước; chế độ tiền lương trong doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân có sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động;

c) Hướng dẫn thực hiện chế độ tiền lương đối với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước đi học tập, công tác ở nước ngoài; chế độ tiền lương đối với lao động là người nước ngoài làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước; chế độ ưu đãi đối với lao động đặc thù;

d) Quy định nguyên tắc xây dựng định mức lao động, tiêu chuẩn kỹ thuật công nhân, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước.

9. Về bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện:

a) Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và các hình thức bảo hiểm xã hội khác theo quy định của pháp luật;

b) Quy định chế độ thông tin, báo cáo về bảo hiểm xã hội; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

10. Về lĩnh vực an toàn lao động:

a) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn lao động, điều kiện lao động; bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; chế độ làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động;

b) Phối hợp với Bộ Y tế quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo quy định của pháp luật; ban hành danh mục bệnh nghề nghiệp;

c) Ban hành danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; phương tiện bảo vệ cá nhân đối với người lao động; nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

d) Quy định và hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động;

đ) Quy định và hướng dẫn chung về kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

e) Ban hành quy trình kiểm định đối với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động thuộc phạm vi quản lý;

g) Thẩm định để các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành quy trình kiểm định đối với các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; tiêu chí, điều kiện hoạt động của các tổ chức kiểm định;

h) Quy định, hướng dẫn việc kiểm tra chất lượng các sản phẩm, hàng hóa đặc thù về an toàn lao động theo quy định của pháp luật;

i) Ban hành hệ thống Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động;

k) Chủ trì và phối hợp hướng dẫn, tổ chức triển khai Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động; Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ;

l) Quản lý việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo về tai nạn lao động; tổng hợp và báo cáo các cấp có thẩm quyền về tai nạn lao động trong phạm vi cả nước.

11. Về lĩnh vực người có công:

a) Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đối với người có công với cách mạng;

b) Quy định chế độ, định mức, phương thức trang cấp dụng cụ chỉnh hình và phương tiện trợ giúp cho người có công với cách mạng;

c) Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức các phong trào đền ơn đáp nghĩa, quản lý “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”;

d) Quy hoạch và hướng dẫn quy hoạch mạng lưới cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, công trình ghi công liệt sĩ;

đ) Quy định việc quản lý các công trình ghi công liệt sĩ;

e) Hướng dẫn công tác tiếp nhận, quy tập hài cốt liệt sĩ; thông tin về mộ liệt sĩ.

12. Về lĩnh vực bảo trợ xã hội:

a) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giảm nghèo và trợ giúp xã hội;

b) Tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và các chương trình trợ giúp xã hội theo thẩm quyền;

c) Hướng dẫn xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở bảo trợ xã hội;

d) Quy định cụ thể điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội;

đ) Quy định thủ tục nhận đối tượng vào các cơ sở bảo trợ xã hội và từ cơ sở bảo trợ xã hội về gia đình,

13. Về lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em:

a) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của Bộ;

b) Quy định cụ thể điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của cơ sở trợ giúp trẻ em;

c) Quy định thủ tục tiếp nhận trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vào các cơ sở trợ giúp trẻ em và từ cơ sở trợ giúp trẻ em trở về gia đình;

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác thực hiện Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em; Chương trình bảo vệ trẻ em, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và các chương trình, kế hoạch khác về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em;

đ) Quản lý, sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.

14. Về lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội:

a) Hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về chính sách, giải pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm; cai nghiện ma túy; quản lý sau cai nghiện; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán;

b) Hướng dẫn xây dựng quy hoạch mạng lưới Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, cơ sở quản lý sau cai nghiện;

c) Quy định cụ thể điều kiện thành lập, tổ chức và hoạt động của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, cơ sở quản lý sau cai nghiện; cấp và thu hồi Giấy phép đối với các cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện theo quy định của pháp luật;

d) Quy định chương trình giáo dục, dạy nghề và tái hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm và người nghiện ma túy;

đ) Quy định thủ tục đưa đối tượng vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội, cơ sở quản lý sau cai nghiện.

15. Về lĩnh vực bình đẳng giới:

a) Hướng đẫn thực hiện về bình đẳng giới theo quy định của pháp luật;

b) Tham gia đánh giá việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;

c) Tổng kết, báo cáo cơ quan có thẩm quyền về thực hiện bình đẳng giới theo quy định của pháp luật.

16. Hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác thống kê trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin thống kê của Bộ, ngành.

17. Quản lý các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo quy định của pháp luật.

18. Quản lý các hoạt động chuyên môn y tế trong các đơn vị thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội có hoạt động y tế theo quy định của pháp luật.

19. Về dịch vụ công:

a) Quản lý nhà nước các dịch vụ công trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật;

b) Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy trình, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật đối với hoạt động tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực;

c) Hướng dẫn các tổ chức thực hiện dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

20. Thực hiện hợp tác quốc tế và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo quy định của pháp luật.

21. Quyết định và chỉ đạo thực hiện chương trình cải cách hành chính của Bộ theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính nhà nước đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

22. Thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, phần vốn nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác được tổ chức và hoạt động theo Luật doanh nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ.

23. Quản lý hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội theo quy định của pháp luật.

24. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật.

25. Nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.

26. Thanh tra; kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

27. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ theo quy định của pháp luật.

28. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Vụ Lao động - Tiền lương.

2. Vụ Bảo hiểm xã hội.

3. Vụ Hợp tác quốc tế.

4. Vụ Bình đẳng giới.

5. Vụ Kế hoạch - Tài chính.

6. Vụ Pháp chế.

7. Vụ Tổ chức cán bộ.

8. Thanh tra Bộ.

9. Văn phòng Bộ.

10. Cục Quản lý Lao động ngoài nước.

11. Cục An toàn lao động.

12. Cục Người có công.

13. Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội.

14. Cục Việc làm.

15. Cục Bảo trợ xã hội.

16. Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

17. Tổng cục Dạy nghề.

18. Trung tâm Thông tin.

19. Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

20. Viện Chỉnh hình - Phục hồi chức năng.

21. Tạp chí Lao động và Xã hội.

22. Tạp chí Gia đình và Trẻ em.

23. Báo Lao động và Xã hội.

24. Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức lao động - xã hội.

Tại Điều này, các đơn vị quy định từ Khoản 1 đến Khoản 17 là các đơn vị giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; các đơn vị quy định từ Khoản 18 đến Khoản 24 là các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ.

Vụ Lao động - Tiền lương được tổ chức 03 phòng, Vụ Hợp tác quốc tế được tổ chức 04 phòng, Vụ Kế hoạch - Tài chính được tổ chức 04 phòng, Vụ Pháp chế được tổ chức 03 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ được tổ chức 03 phòng.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dạy nghề và danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc Bộ đã được cấp có thẩm quyền thành lập.

Điều 4. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2013.

2. Nghị định này thay thế Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

Điều 5. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TCCV (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decree No. 106/2012/ND-CP of December 20, 2012, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the ministry of labor, war invalids and social affairs

  • Số hiệu: 106/2012/ND-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 20/12/2012
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản