Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 957/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN, ỨNG DỤNG NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ VÌ MỤC ĐÍCH HÒA BÌNH ĐẾN NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Năng lượng nguyên tử ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 (gọi tắt là Quy hoạch tổng thể) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM 

1. Đưa lĩnh vực ứng dụng năng lượng nguyên tử trở thành một lĩnh vực có đóng góp ngày càng tăng và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường.

2. Từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến nhập khẩu, xây dựng và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ, tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng làm nền tảng phục vụ ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử, tiến đến hình thành công nghiệp hạt nhân.

3. Bảo đảm an toàn, an ninh theo tiêu chuẩn quốc tế cho các hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đặc biệt trong xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân; có chính sách bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân trong vùng có cơ sở hạt nhân.

4. Huy động mọi nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài để đẩy mạnh ứng dụng bức xạ và phát triển điện hạt nhân; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

II. MỤC TIÊU

1. Ứng dụng rộng rãi, an toàn, hiệu quả bức xạ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm tỷ lệ dân số được chẩn đoán và điều trị bằng y học hạt nhân, xạ trị, X-quang theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới; nâng cao đáng kể tỷ lệ giống cây trồng đột biến phóng xạ trong cơ cấu giống cây trồng quốc gia; chế tạo được một số loại trang thiết bị bức xạ, thiết bị ghi đo bức xạ, vật liệu, sản phẩm ứng dụng bức xạ phục vụ các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội.

2. Tập trung xây dựng các tổ máy điện hạt nhân đầu tiên và đưa vào vận hành an toàn vào năm 2020 và những năm tiếp theo; hình thành các tiền đề để xây dựng ngành công nghiệp hạt nhân; bảo đảm đủ nhiên liệu hạt nhân; định hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên urani của đất nước; bảo đảm quản lý an toàn chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

3. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hệ thống tổ chức quản lý nhà nước; nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ kỹ thuật, kiểm soát hạt nhân và bảo đảm an toàn, an ninh; phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử một cách hiệu quả, an toàn và an ninh.

III. NỘI DUNG CHỦ YẾU

1. Phát triển, ứng dụng bức xạ

Xây dựng các Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ với các nhiệm vụ chủ yếu trong các ngành, lĩnh vực sau đây:

a) Trong y tế

- Xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở y học hạt nhân, xạ trị và X-quang trong cả nước. Đến năm 2020 có 80% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cơ sở y học hạt nhân, xạ trị, phát triển kỹ thuật X-quang can thiệp ở các bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các trung tâm y tế lớn; đầu tư máy X-quang cao tần đến bệnh viện huyện.

- Đầu tư phát triển kỹ thuật chụp hình bức xạ cắt lớp đơn quang tử (SPECT) đến bệnh viện tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đầu tư kỹ thuật chụp hình bức xạ cắt lớp sử dụng đồng vị phát positron (PET), thiết bị xạ trị điều trị ung thư đến bệnh viện, trung tâm y tế khu vực để tăng cường năng lực chẩn đoán, điều trị. Đến năm 2020 đạt ít nhất 1 thiết bị xạ trị, 1 thiết bị xạ hình trên 1 triệu dân.

- Tăng cường khả năng nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và sản xuất trong nước các thiết bị bức xạ, thiết bị ghi đo bức xạ hiện đại ứng dụng trong y tế, các loại đồng vị và dược chất phóng xạ phục vụ cho chẩn đoán và điều trị nhằm thay thế nhập khẩu. Đến năm 2020 tự sản xuất đáp ứng 20% nhu cầu sử dụng thiết bị y tế công nghệ cao ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và 70% nhu cầu đồng vị và dược chất phóng xạ.

- Đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật đồng vị và công nghệ bức xạ trong nghiên cứu về sức khỏe và dinh dưỡng, phòng chống một số bệnh, sàng lọc dị tật bẩm sinh, khử khuẩn dụng cụ và vật phẩm y tế.

- Bảo đảm an toàn bức xạ cho nhân viên y tế và bệnh nhân, thực hiện kiểm định và hiệu chuẩn thiết bị bức xạ trong y tế để đảm bảo chất lượng và hiệu quả chẩn đoán và điều trị.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2010.

b) Trong nông nghiệp   

- Xây dựng các trung tâm nông nghiệp hạt nhân theo khu vực để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp. Đến năm 2020 cả nước có 5 trung tâm nông nghiệp hạt nhân.

- Phát triển kỹ thuật tạo giống cây trồng bằng đột biến phóng xạ. Xây dựng một số cơ sở chiếu xạ gamma liều thấp, liều cao và một số phòng thí nghiệm nghiên cứu tạo giống cây trồng.

- Sử dụng kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật đồng vị đánh dấu để nghiên cứu quan hệ đất canh tác - phân bón - cây trồng; nghiên cứu thổ nhưỡng; quản lý nước tưới; nghiên cứu ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp; sử dụng các kỹ thuật hạt nhân và sinh học phân tử nghiên cứu sức khỏe và sinh sản của vật nuôi.

- Xây dựng một số cơ sở chiếu xạ để bảo quản, bảo đảm vệ sinh và an toàn lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, sản xuất các chế phẩm phục vụ nông nghiệp bằng công nghệ bức xạ; phát triển kỹ thuật và xây dựng cơ sở chiếu xạ tiệt sinh côn trùng (SIT) gây hại trong trồng trọt và chăn nuôi. Đến năm 2020 có ít nhất 1 cơ sở SIT hiện đại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong nông nghiệp”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2010.

c) Trong công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác

- Đầu tư nghiên cứu, nhập khẩu, tiếp thu, phát triển và ứng dụng các công nghệ bức xạ tiên tiến trong các ngành công nghiệp; phát triển ứng dụng công nghệ xử lý bức xạ trong lĩnh vực vật liệu và hóa chất.

- Phát triển ứng dụng kỹ thuật kiểm tra không phá hủy trong các ngành giao thông, xây lắp, cơ khí, chế tạo máy, năng lượng; nâng cao năng lực kỹ thuật về kiểm tra không phá hủy phục vụ bảo đảm và kiểm tra chất lượng cho công trình nhà máy điện hạt nhân.

- Phát triển ứng dụng kỹ thuật sử dụng nguồn phóng xạ kín, điều khiển hạt nhân tự động và phân tích hạt nhân trong các ngành hóa chất, năng lượng, vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác để tối ưu quá trình sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Nghiên cứu thiết kế, chế tạo một số thiết bị ghi đo bức xạ, thiết bị điều khiển hạt nhân tự động cho các dây chuyền sản xuất công nghiệp, các thiết bị bức xạ phục vụ triển khai ứng dụng bức xạ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội có nhu cầu và hiệu quả kinh tế cao.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong công nghiệp và các ngành kinh tế - kỹ thuật khác”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2010.

d) Trong lĩnh vực khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường

- Phát triển ứng dụng kỹ thuật thủy văn đồng vị và kỹ thuật đánh dấu đồng vị nghiên cứu nguồn tài nguyên nước, đánh giá sa bồi cửa sông, bến cảng, lòng hồ; đánh giá an toàn đê, đập.

- Phát triển ứng dụng các kỹ thuật địa vật lý hạt nhân và phân tích hạt nhân phục vụ điều tra địa chất, đánh giá tài nguyên và thăm dò khoáng sản.

- Sử dụng công nghệ bức xạ trong xử lý một số loại chất thải gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất và đời sống.

- Phát triển ứng dụng kỹ thuật phân tích hạt nhân và kỹ thuật đánh dấu đồng vị trong điều tra, nghiên cứu hiện trạng môi trường, quan trắc tài nguyên và môi trường.

- Phát triển ứng dụng kỹ thuật phân tích hạt nhân và kỹ thuật đánh dấu đồng vị trong điều tra tài nguyên biển, nghiên cứu tính bền vững của môi trường biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng “Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thủy văn, địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2010.

2. Phát triển điện hạt nhân

Xây dựng Quy hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2030 với các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

a) Xác định nhu cầu và tỷ lệ của điện hạt nhân trong cơ cấu nguồn điện quốc gia theo các giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội;

b) Xác định các địa điểm tiềm năng xây dựng nhà máy điện hạt nhân; lập kế hoạch xây dựng nhà máy điện tại các địa điểm cho giai đoạn đến năm 2030;

c) Định hướng lựa chọn công nghệ điện hạt nhân theo hướng hiện đại, an toàn và kiểm chứng; xây dựng chính sách, lộ trình tiếp thu, làm chủ và phát triển công nghệ điện hạt nhân;

d) Xây dựng chính sách bảo đảm cung cấp đủ nhiên liệu cho nhà máy điện hạt nhân và lập kế hoạch thực hiện một số công đoạn trong chu trình nhiên liệu hạt nhân phù hợp với quy mô và lộ trình phát triển điện hạt nhân;

đ) Xây dựng chính sách quản lý an toàn chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của các nhà máy điện hạt nhân; xác định địa điểm tiềm năng xây dựng cơ sở chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ;

e) Xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực tham gia thực hiện thiết kế, chế tạo, xây dựng, lắp đặt nhà máy điện hạt nhân;

g) Xây dựng kế hoạch điều tra, khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ.

Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng “Quy hoạch phát triển điện hạt nhân”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2010; xây dựng “Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2015.

Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện đề án “Thăm dò quặng urani khu Pà Lừa - Pà Rồng, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam” thuộc kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2010.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng “Quy hoạch địa điểm chôn cất, lưu giữ chất thải phóng xạ”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2015; triển khai thực hiện đề án “Quy hoạch và đầu tư cho các tổng công ty xây dựng lớn về năng lực xây lắp, đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật lành nghề” thuộc kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Hoàn thiện và tăng cường năng lực của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và đảm bảo an toàn, an ninh, bao gồm các nội dung cụ thể:

a) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;

b) Xây dựng kế hoạch tham gia các điều ước quốc tế;

c) Kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử;

d) Kiện toàn và tăng cường năng lực cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bức xạ và hạt nhân.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng đề án “Hoàn thiện và tăng cường năng lực của hệ thống quản lý nhà nước về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2010.

2. Tăng cường năng lực nghiên cứu triển khai, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn và bảo vệ môi trường bao gồm các nội dung cụ thể:

a) Xây dựng Chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

b) Xây dựng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực;

c) Xây dựng cơ quan hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển an toàn điện hạt nhân, đảm bảo an toàn bức xạ, đo lường và kiểm định, quan trắc phóng xạ môi trường, ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân;

d) Xây dựng hệ thống các cơ sở chữa bệnh phóng xạ theo lộ trình phát triển của chương trình điện hạt nhân;

đ) Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án “Tăng cường năng lực nghiên cứu triển khai, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn, an ninh”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2010.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng đề án “Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2010

3. Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực về số lượng, trình độ, chuyên ngành và chuyên gia có trình độ cao cho các hoạt động sau:

a) Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ; hỗ trợ kỹ thuật; bảo đảm an toàn, an ninh, kiểm soát hạt nhân trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

b) Giảng dạy trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử;

c) Quản lý nhà nước về phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; quản lý nhà nước về an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân;

d) Lựa chọn địa điểm, thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân và cơ sở hạt nhân khác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án “Phát triển nguồn nhân lực” trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2010.

4. Các chính sách về đầu tư

a) Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng hạt nhân cần thiết cho phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn, an ninh.

b) Nhà nước bảo lãnh cho nguồn vốn vay từ nước ngoài để phát triển điện hạt nhân.

c) Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng các trung tâm quốc gia và trung tâm khu vực về ứng dụng bức xạ trong các ngành, lĩnh vực; ưu tiên cho lĩnh vực ứng dụng bức xạ phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và hỗ trợ ngành công nghiệp xuất khẩu của đất nước.

d) Nhà nước dành kinh phí cần thiết và có các chính sách ưu đãi để hỗ trợ cho việc nghiên cứu chế tạo thiết bị bức xạ và các thiết bị khác phục vụ phát triển điện hạt nhân.

đ) Nhà nước có các chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển và mở rộng ứng dụng bức xạ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án “Cơ chế chính sách thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng và bảo đảm an toàn an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử”, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước tháng 12 năm 2012.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cân đối các nguồn vốn, bố trí ngân sách cho việc xây dựng, tổ chức phê duyệt và thực hiện các nội dung, nhiệm vụ quy định trong bản Quy hoạch tổng thể này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 114/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG  




Nguyễn Thiện Nhân