Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 825/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 29 tháng 05 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO HẬU GIANG ĐẾN NĂM 2025

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đến năm 2025 với những nội dung chủ yếu sau:

1. Phạm vi, ranh giới lập quy hoạch

Căn cứ Quyết định thành lập số 1152/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ, phạm vi lập Quy hoạch chung xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang gồm địa phận 04 xã (Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Lương Tâm và Lương Nghĩa) thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. Tổng diện tích tự nhiên khoảng 5.200 ha. Ranh giới được xác định theo biên ngoài của hệ thống kênh giáp ranh và ranh giới hành chính với tỉnh Kiên Giang, cụ thể như sau:

- Phía Bắc lấy theo kênh Mười Thước (giáp đường ĐT930);

- Phía Nam lấy theo kênh Long Mỹ II, kênh Đầm;

- Phía Đông lấy theo kênh Mười Ba;

- Phía Tây lấy theo ranh giới với huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

2. Giai đoạn lập quy hoạch

- Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2020;

- Giai đoạn dài hạn đến năm 2025.

3. Mục tiêu quy hoạch

Cụ thể hóa chủ trương hình thành khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tỉnh Hậu Giang cũng như trong khu vực trung tâm bán đảo Cà Mau; thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đảm bảo khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tạo cơ sở quản lý đầu tư xây dựng trong Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

4. Tính chất

Là khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đặc thù cho vùng bán đảo Cà Mau với những loại hình sản xuất như: Lúa chất lượng cao, thủy sản nước ngọt, chăn nuôi, nấm và chế phẩm vi sinh, cây ăn quả.

Là khu vực thực hiện các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất chế biến nông thủy sản và tổ chức sản xuất ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn mới.

5. Các chỉ tiêu về dân số, đất đai và hạ tầng kỹ thuật

a) Dân số:

Dân số tham gia các hoạt động của Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang khoảng 17.800 ÷ 18.800 người.

b) Đất đai:

- Tổng diện tích đất Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang khoảng 5.200 ha, trong đó:

+ Diện tích dành cho cơ sở nghiên cứu - đào tạo - chuyển giao công nghệ chiếm khoảng 415 ha.

+ Diện tích các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 4.785 ha. Trong các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có bao gồm các khu dân cư nông thôn hiện hữu và một số khu dân cư tái định cư tại chỗ.

- Chỉ tiêu đất khu dân cư nông thôn trong Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang khoảng 50 m2 - 90 m2/người.

c) Chỉ tiêu về hạ tầng kỹ thuật:

- Chỉ tiêu giao thông:

+ Đối với khu vực trung tâm, nghiên cứu - đào tạo - chuyển giao công nghệ và mời gọi đầu tư, mạng lưới đường giao thông và tỷ lệ đất dành cho giao thông cần đảm bảo yêu cầu hoạt động hiệu quả.

+ Đối với các khu dân cư nông thôn, quy mô đất giao thông căn cứ theo hướng dẫn quy mô kỹ thuật đường giao thông nông thôn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

- Chỉ tiêu thoát nước mưa:

+ Tổ chức hệ thống thoát nước mưa riêng hoàn toàn trong khu vực;

+ Chu kỳ tràn cống P=10 năm đối với cống thoát nước khu vực.

- Chỉ tiêu cấp nước:

+ Nước dùng cho các khu sản xuất: 45 m3/ha/ngày đêm;

+ Nước dùng cho các khu dân cư nông thôn: 80 ÷ 100 l/người/ngày đêm.

- Chỉ tiêu cấp điện:

+ Cấp điện cho sinh hoạt: 5 KW/hộ;

+ Cấp điện cho công trình dịch vụ, công cộng, công sở: 20-30 W/m2 sàn;

+ Cấp điện cho sản xuất công nghiệp: 200 KW/ha;

+ Cấp điện cho sản xuất nông nghiệp: 0,3 KW/ha.

- Chỉ tiêu thông tin liên lạc:

+ Có đầy đủ các hệ thống thông tin liên lạc đáp ứng các nhu cầu thông tin liên lạc tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao;

+ Hệ thống thông tin phải đảm bảo thông suốt, an toàn và an ninh mạng.

- Chỉ tiêu thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

+ Lưu lượng nước thải trong một ngày là 80% tổng lưu lượng nước cấp;

+ Nước thải phải được xử lý tại các nhà máy xử lý nước thải tập trung; tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải QCVN: 14 - 2008;

+ Rác thải: Chỉ tiêu rác thải 0,6 - 1,0 kg/người/ngày đêm;

+ Đất nghĩa trang: 0,6 ha/1.000 dân.

6. Các chức năng chính của Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang

Bao gồm:

- Khu nghiên cứu - đào tạo - chuyển giao công nghệ;

- Khu quản lý - dịch vụ công nghệ cao;

- Khu sản xuất ứng dụng công nghệ cao;

- Các khu dân cư nông thôn;

- Khu cây xanh, mặt nước, công viên, thể dục thể thao;

- Hệ thống giao thông;

- Khu công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối;

- Khu hậu cần.

7. Các yêu cầu nghiên cứu

a) Nội dung nghiên cứu:

Nội dung nghiên cứu của đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đến năm 2025 tuân thủ theo các quy định tại Luật xây dựng, Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 và các quy định của pháp luật hiện hành về quy hoạch xây dựng.

b) Yêu cầu nghiên cứu:

- Phân tích đặc điểm tự nhiên và hiện trạng:

+ Phân tích vị trí địa lý của Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang trong mối quan hệ vùng tỉnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phân tích đặc điểm khí hậu, thủy văn, địa hình, địa chất và cảnh quan đặc trưng khu vực quy hoạch.

+ Phân tích, đánh giá hiện trạng về dân số, lao động, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật (giao thông, điện, cấp - thoát nước, môi trường...); đánh giá các dự án đầu tư đã và đang triển khai trong phạm vi ảnh hưởng đến Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang.

- Về tổ chức không gian:

+ Khai thác, phát triển các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội và hạ tầng kỹ thuật hiện có. Đề xuất phân khu chức năng theo từng giai đoạn quy hoạch: Khu quản lý; khu dịch vụ; khu vực nghiên cứu, đào tạo,...; các khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các điểm dân cư nông thôn và sản xuất nông nghiệp; các cụm tuyến dân cư vượt lũ; hệ thống các khu công viên cây xanh, mặt nước, không gian mở theo nguyên tắc đảm bảo ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

+ Đối với khu vực dành cho cơ sở nghiên cứu - đào tạo - chuyển giao công nghệ, diện tích khoảng 415 ha, cần xác định cơ cấu phù hợp, thuận lợi với nhu cầu hoạt động, tạo lập một Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đa chức năng, đảm bảo yêu cầu của các đối tác hoạt động trong khu và nhu cầu của xã hội về sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

+ Đối với khu vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cần tập trung nghiên cứu các giải pháp chỉnh trang, bổ sung, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và khu dân cư; đề xuất các giải pháp bố trí sắp xếp lại dân cư trong vùng dự án gắn với xây dựng nông thôn mới.

+ Nghiên cứu, xác định các điểm nhấn về không gian, kiến trúc trong khu vực trên cơ sở hình thành các yếu tố cảnh quan.

- Về hạ tầng kỹ thuật:

+ Thiết kế cao độ san nền toàn khu phải căn cứ theo đặc điểm địa hình tự nhiên, phù hợp với quy hoạch thủy lợi Vùng đồng bằng sông Cửu Long đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1397/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012.

+ Nghiên cứu tổ chức mạng lưới đường giao thông phù hợp với điều kiện địa hình tự nhiên. Hạn chế việc san lấp tạo thành các taluy trong khu vực.

+ Nước thải phải được xử lý tại khu vực xử lý tập trung, đảm bảo đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi thải ra hệ thống thoát nước hoặc ra các sông hồ lân cận.

+ Bảo đảm cung cấp điện ổn định, đối với các phụ tải quan trọng được cung cấp từ 2 nguồn đến.

- Đánh giá môi trường chiến lược:

Đánh giá tác động môi trường: Dự báo, đánh giá tác động tích cực, tiêu cực đối với môi trường của phương án quy hoạch; đề xuất các giải pháp phát huy các mặt tích cực và hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường; đề xuất biện pháp quản lý, giám sát môi trường khu vực.

- Kinh phí xây dựng và nguồn lực đầu tư:

Khái toán tổng kinh phí đầu tư xây dựng các hạng mục công trình theo các giải pháp quy hoạch đã đề xuất và theo từng giai đoạn đầu tư; đề xuất các dự án ưu tiên đầu tư xây dựng.

- Quy định quản lý theo đồ án quy hoạch:

Xác định đối tượng áp dụng, phân công quản lý thực hiện; ranh giới, quy mô diện tích, tính chất, dân số khu vực lập quy hoạch; quy định chung về các khu chức năng; các quy định chủ yếu hệ thống hạ tầng kỹ thuật Quy định cụ thể đối với từng khu vực chức năng: Quy mô, nguyên tắc kiểm soát phát triển, quản lý về không gian, kiến trúc; yêu cầu hạ tầng kỹ thuật; các quy định nghiêm cấm và khuyến khích phát triển.

8. Nội dung quy hoạch xây dựng đợt đầu đến năm 2020:

Đề xuất kế hoạch sử dụng đất theo giai đoạn phát triển đến năm 2020 để khai thác hiệu quả quỹ đất xây dựng, phối hợp nguồn vốn, đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho giai đoạn đầu.

Xác định các chương trình theo từng lĩnh vực, chọn hạng mục, dự án ưu tiên đầu tư phát triển. Xác định các khu vực trong Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần triển khai quy hoạch chi tiết và đầu tư xây dựng trong giai đoạn đầu.

Đề xuất xây dựng một số công trình trọng điểm, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật và phương thức tổ chức thực hiện.

9. Thành phần hồ sơ:

Hồ sơ đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang, tỉnh Hậu Giang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và các quy định pháp luật hiện hành.

10. Tổ chức thực hiện:

a) Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ;

b) Cơ quan quản lý dự án: Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang;

c) Cơ quan tổ chức lập quy hoạch: Ban Quản lý khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang;

d) Cơ quan thẩm định, trình phê duyệt: Bộ Xây dựng;

đ) Thời gian lập đồ án quy hoạch: 12 tháng sau khi Nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang phối hợp với Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan tổ chức lập đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang đến năm 2025.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hậu Giang;
- BQL Khu NNUDCNC Hậu Giang;
- SXD Hậu Giang;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX, NC, V.III;
- Lưu: VT, KTN (3b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decision No. 825/QD-TTg of May 29, 2013, to approve the planning for Hau Giang hi-tech agriculture zone by 2025

  • Số hiệu: 825/QD-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/05/2013
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản