THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 801/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2012 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH AN GIANG ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch), với những nội dung chủ yếu sau:
1. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Tỉnh để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, xây dựng An Giang là một trong những đầu mối giao thương trong vùng và các nước ASEAN. Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ tài nguyên và môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng đủ sức ứng phó với thiên tai và phát triển bền vững.
2. Kết hợp tốt giữa công nghiệp hóa nông nghiệp - hiện đại hóa nông thôn với xây dựng mở rộng các khu đô thị, các vùng kinh tế trọng điểm, công nghiệp và dịch vụ phát triển năng động; đảm bảo thu nhập ổn định cho người nông dân.
3. Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá xã hội, bảo đảm cho mọi người dân có cơ hội tham gia và thụ hưởng thành quả của sự phát triển. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật và đội ngũ doanh nhân.
4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là an ninh biên giới; duy trì quan hệ hữu nghị với các tỉnh láng giềng khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia. Xây dựng nền hành chính từng bước hiện đại gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
1. Mục tiêu tổng quát:
Xây dựng An Giang đến năm 2020 có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội đạt mức khá trong Vùng; phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hoá - xã hội, giáo dục và đào tạo, từng bước cải thiện đời sống của nhân dân; đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường liên kết phát triển nhất là với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế - xã hội từ sử dụng lao động thủ công là chính sang sử dụng lao động với công nghệ tiên tiến, hiện đại, dựa trên phát triển công nghiệp và tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo năng suất lao động xã hội cao. Đầu tư phát triển các chương trình, đề án, dự án mang tính đột phá, có trọng tâm, trọng điểm.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Về phát triển kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,5%/năm thời kỳ 2011 - 2020; GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 2.200USD, năm 2020 đạt 3.540 USD.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Đến năm 2015, cơ cấu ngành nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là 25,24% - 17,56% - 57,2%; năm 2020 là 19,7% -21% - 59,3%.
- Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 1,2 tỷ USD và 1,8 - 2 tỷ USD vào năm 2020.
b) Về phát triển xã hội
- Tốc độ tăng dân số bình quân trong giai đoạn 2011 - 2015 là 0,53%; giai đoạn 2011 - 2020 là 0,4 - 0,45%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo từng giai đoạn) bình quân 2%/năm.
- Đạt chuẩn phổ cập trung học phổ thông toàn tỉnh vào năm 2015 và có 746/765 trường (tương đương 97,6%) đạt chuẩn quốc gia.
- Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 đạt 50% và 65% vào năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị đến năm 2020 giữ ở mức thất nghiệp tự nhiên (dưới 5%); tăng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn trên 90% vào năm 2020.
- Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 63,4% vào năm 2015 và đạt 100% vào năm 2020. Tỷ lệ dân đô thị được sử dụng nước sạch đến năm 2020 đạt 100%; bảo đảm 100% dân cư sử dụng nước sạch vào năm 2020.
c) Về bảo vệ môi trường
Đảm bảo kiểm soát ô nhiễm trên khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và khu vực đô thị gồm thành phố Long Xuyên, Chợ Mới và Tân Châu. Nâng độ che phủ của rừng và cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả đạt 30% vào năm 2020.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Phát triển ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản
- Quy hoạch phát triển nông nghiệp gắn với các giải pháp ứng phó với suy giảm tài nguyên nước do biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của các hoạt động sử dụng nước trên thượng lưu sông Mekong.
- Phát triển vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá lớn tập trung để đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và phương pháp canh tác cơ giới hoá cao từ khâu làm đất đến thu hoạch nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong nước và ngoài nước; ổn định diện tích trồng lúa nước theo quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Hướng phát triển là nâng cao năng suất cây trồng, sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, trong đó có lúa nước.
- Cải tạo giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao phục vụ cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Xác định sản phẩm gạo và cá tra, cá ba sa là sản phẩm chiến lược của Tỉnh; duy trì quan điểm phát triển ngành thủy sản thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, hướng trọng tâm là nâng cao chất lượng sản phẩm thuỷ sản.
- Tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản đạt trên 11.800 ha vào năm 2020. Diện tích mặt nước nuôi thủy sản là nuôi cá lồng bè, trong đó chú trọng vào nâng cao chất lượng nuôi kết hợp với phát triển hợp lý cả về chất lượng và số lượng lồng, bè. Các khu vực nuôi chủ yếu: Ngã ba sông Châu Đốc, đoạn sông Hậu thuộc xã Mỹ Hòa Hưng, đoạn sông Tiền khu vực thuộc xã Vĩnh Xương, huyện Tân Châu, đoạn sông Cái Vừng thuộc huyện Phú Tân, đoạn sông Tiền thuộc xã Mỹ Hiệp.
- Từng bước xây dựng nông thôn mới phù hợp với bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; phấn đấu đến năm 2015 đạt 25% và 50% vào năm 2020 số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.
- Trên cơ sở quy hoạch tổng thể toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long Quy hoạch hệ thống thủy lợi tính đến vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quan tâm đến trữ nước cục bộ cho sinh hoạt và sản xuất; xây dựng một số công trình kè chống sạt lở bờ sông ở những khu vực trọng điểm xung yếu.
- Nghiên cứu, phát triển các loại cây trồng và vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, chịu bệnh tốt và phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, hệ sinh thái của Tỉnh.
2. Phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp
- Xây dựng hoàn chỉnh các khu công nghiệp tập trung, gồm khu Vàm Cống (thành phố Long Xuyên), khu Hội An (huyện Chợ Mới) và một số cụm công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển của Tỉnh; phấn đấu đến năm 2020 lấp đầy các khu công nghiệp.
- Chế biến lương thực, thực phẩm, thủy sản: Xây hệ thống kho dự trữ lúa, bảo quản nông sản; sử dụng thiết bị chế biến nông, thủy sản công nghệ cao để nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa. Phấn đấu đến năm 2015 phần lớn các sản phẩm nông nghiệp, thuỷ sản đều qua chế biến trước khi ra thị trường.
- Công nghiệp chế tạo, sửa chữa cơ khí: Tiếp tục nghiên cứu, cơ giới hóa nông nghiệp trước hết là các khâu gieo sạ, gặt, tuốt; cải tiến thiết bị sấy đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa; nâng cao năng lực chế tạo máy nông nghiệp.
- Công nghiệp khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng: Tăng cường công tác điều tra, thăm dò, xây dựng quy hoạch các vùng khai thác khoáng sản gắn với việc bảo vệ môi trường và cảnh quan du lịch. Hiện đại hoá thiết bị công nghệ để nâng cao chất lượng các sản phẩm vật liệu xây dựng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
- Phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và đa dạng hoá các mặt hàng đặc sản truyền thống của Tỉnh.
- Cấp nước sinh hoạt giai đoạn từ 2015 - 2020:
Xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt có quy mô phù hợp và từng bước đầu tư nâng công suất các nhà máy nước hiện có để đáp ứng yêu cầu nước sinh hoạt của nhân dân.
3. Phát triển thương mại và dịch vụ
a) Thương mại
- Đa dạng hoá các loại hình thương mại xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động thương mại, siêu thị văn minh, hiện đại. Hướng hoạt động thương mại vào khai thác và mở rộng thị trường nội địa và xuất khẩu hàng hoá. Khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia thương mại vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; khai thác thị trường nông thôn, miền núi, biên giới có hiệu quả.
- Phát triển khu vực thành phố Long Xuyên và thị xã Châu Đốc thành những trung tâm thương mại lớn, năng động của Tỉnh; khu vực Tân Châu - Vĩnh Xương và trục Tịnh Biên - Tri Tôn - Núi Sập là những "đầu tàu" kinh tế để làm động lực cho các khu vực khác trong Tỉnh phát triển. Phát triển mở rộng các chợ trung tâm bán buôn, bán lẻ gắn kết thành hộ với các chợ tại trung tâm thành phố, thị xã với các huyện.
- Hoàn chỉnh quy hoạch chung, đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Vĩnh Xương và 2 cửa khẩu quốc gia Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông. Nghiên cứu đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, kho ngoại quan của khu kinh tế cửa khẩu; hình thành một số ngành dịch vụ liên quan đến hoạt động kinh tế cửa khẩu.
- Phát triển các loại hình dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn đầu tư, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, tư vấn quản lý và tư vấn pháp luật, thương mại điện tử, viễn thông, đáp ứng yêu cầu sản xuất, góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của Tỉnh.
b) Du lịch
- Phát huy tổng hợp các nguồn lực xây dựng và phát triển du lịch; đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các đơn vị làm du lịch trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020 thu hút 6,5 triệu lượt khách. Phát triển các khu du lịch trọng điểm: Núi Sạm, Núi Cấm, Núi Cô Tô, Núi Giài, khu lưu niệm Bác Tôn và khu vui chơi giải trí Mỹ Khánh; các tuyến du lịch nội tỉnh: Long Xuyên - Chợ Mới - Phú Tân - Tân Châu - An Phú; Long Xuyên - Châu Thành - Châu Phú - Châu Đốc - Tịnh Biên - Tri Tôn - Thoại Sơn; các tuyến du lịch ngoại tỉnh và nước ngoài. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch tham quan, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch thể thao, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, gắn du lịch với mua sắm sản phẩm lưu niệm thủ công mỹ nghệ và ẩm thực.
- Bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với du lịch và bảo vệ môi trường trong hoạt động thương mại và du lịch.
4. Các lĩnh vực xã hội
a) Giáo dục - đào tạo
- Phát triển mạng lưới mầm non và phổ thông gắn với thực hiện xã hội hóa để phát triển giáo dục. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 80% giáo viên tiểu học có trình độ cao đẳng, 90% giáo viên trung học có trình độ đại học và 20% giáo viên trung học phổ thông có trình độ sau đại học. Phấn đấu 100% trường lớp học được kiên cố hóa trong giai đoạn 2012 - 2015. Xây dựng trường học nội trú cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Thành lập và nâng cấp hệ thống các trường, trung tâm để đáp ứng nguồn lực cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Tỉnh.
b) Y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng
- Thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia, quan tâm chăm lo sức khỏe cho toàn dân. Chủ động phòng, chống dịch bệnh, duy trì kết quả thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, mù lòa do thiếu vitamin A. Bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế, mỗi trạm y tế có 10 giường; 100% xã có bác sĩ, nữ hộ sinh, phấn đấu năm 2020 có 8 bác sĩ/1 vạn dân và trên 1,2 dược sĩ/1 vạn dân.
- Xây dựng, nâng cấp bệnh viện chuyên ngành, bệnh viện xã hội hóa tại vùng biên giới; xây dựng các trạm y tế xã theo Quy hoạch mạng lưới y tế của khu vực và cả nước đã được phê duyệt.
- Xây dựng các trung tâm y tế để chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân và các nhu cầu khác của xã hội.
c) Văn hóa và Thể thao
- Xây dựng và hình thành trung tâm văn hoá, thể thao phù hợp với đáp ứng yêu cầu sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương.
- Trùng tu, tôn tạo di tích văn hoá lịch sử; thăm dò, khai quật, bảo tồn và đưa vào sử dụng nhằm phát huy giá trị văn hóa, phát triển đa dạng các loại hình văn hóa (nhà hát, rạp chiếu phim); phát triển du lịch sinh thái, lịch sử, tâm linh.
- Tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thể dục, thể thao quần chúng để tăng cường sức khỏe; thực hiện tốt công tác xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch
d) Các vấn đề xã hội khác
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo được hưởng thụ các chương trình các dịch vụ xã hội cơ bản, phấn đấu đưa 12 xã đặc biệt khó khăn thoát nghèo, hoàn thành cơ bản mục tiêu của chương trình 135. Xây dựng hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội tại các huyện.
5. Phát triển kết cấu hạ tầng
Hạ tầng giao thông là lĩnh vực đầu tư có tính đột phá và cần phải đầu tư hoàn chỉnh với các loại hình: Đường bộ, đường sông, hàng không.
a) Đối với các công trình hạ tầng thuộc trung ương quản lý: Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải thực hiện đầu tư theo quy hoạch có lộ trình đối với các công trình trên địa bàn Tỉnh.
b) Đối với các công trình hạ tầng thuộc địa phương quản lý:
Căn cứ vào quy hoạch và nguồn lực mà tỉnh chủ động bố trí được để xem xét đầu tư các tuyến đường phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh (đường tỉnh tuyến Nam Vịnh Tre (ĐT 945), tuyến Nam Cây Dương (ĐT 947); tuyến Chi Lăng - Núi Voi - Tân Lập - Châu Phú - Châu Thành - Thoại Sơn - quốc lộ 80 (Cái Sắn); tuyến hương lộ 1 (đường tỉnh 946); tuyến Long Điền A - B (Kinh Thần Nông - đầu nối đường dẫn cầu Kinh Long An), đường Đông sông Hậu (Phú Tân));
- Xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống cảng biển, cảng sông. Khai thác các tuyến giao thông đường sông gắn với hệ thống cảng của Tỉnh.
- Nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý nước thải và bảo vệ môi trường nước cho từng khu vực. Định hướng quy hoạch mạng lưới cung cấp nước sạch cho các khu đô thị và khu dân cư tập trung.
6. Lĩnh vực công nghệ - thông tin
- Đạt mức trung bình khá của cả nước về trình độ phát triển công nghệ thông tin và truyền thông. Mật độ thuê bao cố định và thuê bao trả sau đạt 34 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao Internet đạt 20 thuê bao/100 dân.
- Đưa dịch vụ hành chính công vào hoạt động có nề nếp từng bước cải tiến nội dung, hình thức đưa địch vụ này hoạt động có hiệu quả đáp ứng nhu cầu mọi tầng lớp nhân dân và xã hội.
- Phát triển công nghệ số đồng bộ trong truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình phục vụ nhu cầu của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới.
7. Bảo vệ môi trường
- Kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
- Bảo vệ, giữ gìn chất lượng các nguồn nước, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan khu di sản thiên nhiên Thất Sơn. Tổ chức hợp lý hệ thống bãi rác, xử lý chất thải, nhất là ở các khu đô thị, thị trấn và thị tứ.
- Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn và đẩy mạnh xã hội hóa việc thu gom, xử lý chất thải rắn. Kiểm soát ô nhiễm do sử dụng các hóa chất trong nông nghiệp.
- Quản lý môi trường trên cơ sở tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý môi trường và thể chế thực thi quy hoạch.
- Phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản chất thải rắn được thu gom và xử lý trên 90% chất thải.
- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xử lý vệ sinh nhằm đảm bảo môi trường sạch ở nông thôn.
- Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt và nhà máy xử lý nước thải công nghiệp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh, đảm bảo môi trường sinh thái.
IV. ĐỊNH HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN LÃNH THỔ
1. Quy hoạch kiểm soát lũ gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng
- Xây dựng các cống kiểm soát mặn ở các kênh ra biển Tây trên cơ sở quy hoạch chung toàn vùng, đảm bảo tích trữ nước ngọt cho sản xuất và sinh hoạt.
- Bố trí sản xuất theo vùng, tiểu vùng theo mức độ ảnh hưởng của lũ. Bố trí mùa vụ dựa trên chu kỳ lũ và đỉnh lũ hàng năm.
- Xây dựng các cống và hệ thống bờ bao, đê bao kiểm soát lũ gắn với ứng phó nước biển dâng. Triển khai Dự án kiểm soát lũ vùng đê bao Nam Vàm Nao. Có giải pháp chống sạt lở hệ thống bờ sông Tiền, sông Hậu, chỉnh trị dòng sông, quy hoạch di dời, bố trí lại dân cư vùng sạt lở nghiêm trọng.
- Tiếp tục rà soát xây dựng các tuyến dân cư, gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, y tế, giáo dục, đê bao, bờ bao).
- Xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tác động của nước biển dâng. Quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên hợp lý, có hiệu quả, đúng pháp luật.
2. Hình thành một số tuyến giao thông chính:
Tuyến quốc lộ 91: Long Xuyên - Châu Thành - Châu Phú - Châu Đốc - Tịnh Biên; tuyến đường tỉnh 943: Phú Hòa - Núi Sập - Ba Thê (Thoại Sơn) - Cô Tô; nối tiếp đường tỉnh 948: thị trấn Tri Tôn - Núi Cấm - Chi Lăng - Nhà Bàng (Tịnh Biên); tuyến đường tỉnh 956: cầu Cồn Tiên (Châu Đốc) - cửa khẩu quốc gia Khánh Bình (An Phú); tuyến đường tỉnh 953: Tân Châu - Châu Đốc; tuyến đường tỉnh 941: Lộ Tẻ - Tri Tôn; tuyến đường tỉnh 944: An Hoà - ngã ba Cựu Hội; tuyến ven sông Tiền: đường tỉnh 942, 954 và 952.
3. Xây dựng và phát triển mạng lưới đô thị đến năm 2020 bao gồm:
Thành phố Long Xuyên; thị xã Châu Đốc; thị xã Tân Châu; 16 thị trấn bao gồm: Phú Mỹ, Chợ Mới, Mỹ Luông, Núi Sập, Ba Thê, Tri Tôn, Nhà Bàng, An Phú, An Châu, Cái Dầu, Tịnh Biên, Long Bình, Vĩnh Xương, Cồn Tiên, Bình Hoà, Vĩnh Bình; hình thành 8 thị trấn từ các đô thị đang hình thành: Kênh Đào (Châu Phú), Cô Tô (Tri Tôn), Cồn Tiên (An Phú), Hòa Lạc (Phú Tân), Bình Hòa, Cần Đăng, Vĩnh Bình, (trên trục ĐT 941 Châu Thành) và An Hảo (Khu du lịch Núi Cấm - Tịnh Biên).
4. Phát triển nông thôn, miền núi và biên giới:
- Tăng cường chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn;
- Phát triển thị trường nông thôn và các thị trưòng có tiềm năng lợi thế;
- Xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn phục vụ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá;
- Bố trí quy hoạch phát triển các tiểu vùng nông nghiệp trong tỉnh
+ Tiểu vùng 1: Gồm 4 huyện cù lao, thị xã Châu Đốc, huyện Châu Phú, huyện Châu Thành, thành phố Long Xuyên và huyện Thoại Sơn;
+ Tiểu vùng 2: Gồm thị xã Châu Đốc, huyện Châu Phú, huyện Châu Thành, huyện Thoại Sơn, huyện Tri Tôn và huyện Tịnh Biên;
+ Tiểu vùng 3: Phần còn lại của 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, gồm phần lớn đất đồng bằng và ruộng chân núi.
- Đầu tư các nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu, xay xát và chế biến lương thực đặt tại các khu, cụm công nghiệp của các huyện Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới và thành phố Long Xuyên.
- Đầu tư các nhà máy chế biến nông, lâm, thuỷ, hải sản, đồ hộp tại các khu, cụm công nghiệp của các huyện Châu Phú, Chợ Mới và thành phố Long Xuyên.
V. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
(Phụ lục kèm theo)
VI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Đối với huy động các nguồn vốn đầu tư
- Huy động tổng lực các nguồn vốn trong nước, ngoài nước để phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, tập trung huy động vốn từ khai thác quỹ đất, vốn vay ODA; xã hội hoá đầu tư, tăng cường hình thức PPP.
- Thực hành triệt để tiết kiệm để sử dụng có hiệu quả và tăng tỷ lệ tích lũy đầu tư từ ngân sách tỉnh. Tăng suất đầu tư và rút ngắn thời gian đầu tư
- Xây dựng các danh mục dự án do địa phương quản lý để tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo từng giai đoạn.
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế huy động vốn đầu tư của vùng Kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long và cơ chế thu hút vốn đầu tư riêng cho một số công trình trọng điểm.
2. Nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực và khoa học công nghệ
- Tăng cường tuyên truyền, vận động đi đôi với giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhân dân.
- Thu hút và đào tạo nguồn nhân lực, chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển. Tăng cường đào tạo nghề cho người lao động, nhất là lao động nông thôn. Có chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài và lao động kỹ thuật cao phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân năng động, sáng tạo, có bản lĩnh, đạo đức kinh doanh đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.
- Chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và các lĩnh vực khác.
3. Nâng cao năng lực quản lý hành chính
- Thực hiện chương trình cải cách hành chính, đặc biệt là cơ chế một cửa đối với hầu hết các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.
- Nâng cao và đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ quản lý cho cán bộ, công chức, viên chức.
- Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, chế độ công khai thông tin cho dân về chủ trương, chính sách của Nhà nước, của chính quyền địa phương.
4. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội
Vận động và tổ chức cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội, nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực và tệ nạn xã hội; nhất là tệ nạn xã hội ở địa bàn biên giới như buôn lậu, buôn bán phụ nữ và trẻ em, mại dâm, buôn bán và sử dụng ma tuý.
5. Tăng cường phối hợp với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và cả nước
- Hợp tác và kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch, khu công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu.
- Hợp tác phát triển với thành phố Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Đồng Tháp và các tỉnh khác trên các lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, công nghiệp và du lịch.
- Phối hợp với các tỉnh trong vùng nghiên cứu, đề xuất và kiến nghị với Trung ương về chính sách đặc thù đối với vùng nông nghiệp làm nhiệm vụ an ninh lương thực quốc gia.
- Tăng cường hợp tác với nước bạn Campuchia, gần nhất là 2 tỉnh giáp biên giới để thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ các khu kinh tế cửa khẩu và khai thác phát triển kinh tế vùng biên giới.
6. Giải pháp về quốc phòng, an ninh
Đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ công tác quốc phòng, an ninh quốc gia vùng biên giới và ổn định chính trị.
VII. TỔ CHỨC VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Sau khi Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tỉnh cần tổ chức công bố, phổ biến đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh; đồng thời, tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể để thực hiện Quy hoạch.
2. Cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện quy hoạch có hiệu quả. Hàng năm có đánh giá việc thực hiện Quy hoạch, trên cơ sở đó tiến hành rà soát, kiến nghị theo thẩm quyền việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng thời kỳ.
3. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện quy hoạch.
Điều 2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành khác), các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh An Giang.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang căn cứ vào Quy hoạch được phê duyệt, chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:
1. Quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu; quy hoạch phát triển hệ thống đô thị và các điểm dân cư; quy hoạch xây dựng vùng; quy hoạch xây dựng; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện, thị xã, thành phố.
2. Lập các kế hoạch 5 năm, hàng năm; các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trọng điểm; các dự án cụ thể để triển khai thực hiện quy hoạch.
3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh và luật pháp của Nhà nước trong từng thời kỳ nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện quy hoạch.
Điều 4. Các Bộ, ngành Trung ương liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
- Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang trong quá trình thực hiện Quy hoạch; trường hợp cần thiết phối hợp với tỉnh nghiên cứu xây đựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khuyến khích, thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nêu trong Quy hoạch.
- Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch phát triển ngành, kế hoạch đầu tư các công trình, dự án liên quan đã được dự kiến nêu trong Quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt; hỗ trợ Tỉnh trong việc bố trí và huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 71/2007/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020.
Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ THỜI KỲ 2011 – 2020 CỦA TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 27 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ |
I | CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN |
1 | Chương trình phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. |
2 | Chương trình đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. |
3 | Chương trình phát triển nguồn nhân lực. |
4 | Chương trình cải cách hành chính nhà nước. |
5 | Chương trình bảo vệ tài nguyên và môi trường. |
6 | Chương trình xúc tiến đầu tư và thương mại. |
II | CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ |
A | CÁC DỰ ÁN DO BỘ NGÀNH ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG: |
1 | Sân bay An Giang |
2 | Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc: Sóc Trăng - Cần Thơ - An Giang; đường tỉnh 948 - 943 - Bạc Liêu; Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc. Dự án đầu tư xây dựng: Tuyến N1 (đoạn Châu Đốc - Tân Châu); đường Hồ Chí Minh (đoạn qua tỉnh An Giang); đường tránh của quốc lộ 91 đoạn nối từ cầu Vàm Cống đi xuyên qua thành phố Long Xuyên; đường tỉnh 942, 954, 952 nâng cấp thành quốc lộ 80B; đường tỉnh 941 và tuyến Tri Tôn - Vàm Rầy nâng cấp thành quốc lộ; quốc lộ 91C (nâng cấp đường tỉnh 956). |
3 | Cầu Long Bình (An Phú); cầu Tân Châu - Hồng Ngự (An Giang - Đồng Tháp); hệ thống cầu trên quốc lộ 91: Cần Xây, Xếp Bà Lý, Cần Thảo. |
4 | Cảng Tân Châu. |
5 | Nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Tiền, sông Hậu. |
6 | Bệnh viện Tim mạch An Giang (Bệnh viện hạng I, cấp vùng). |
7 | Xây dựng đồn, trạm biên phòng (Châu Đốc, Tri Tôn, Tân Biên, An Phú, Tân Châu). |
B | CÁC DỰ ÁN DO TỈNH LÀM CHỦ ĐẦU TƯ: |
1 | Khu công nghiệp: Bình Hoà (Châu Thành) mở rộng; Bình Long (Châu Phú) mở rộng; Vàm Cống (Long Xuyên). |
2 | Cụm công nghiệp: Hội An (Chợ Mới); Khánh Bình (An Phú); hạ tầng cụm công nghiệp Tây Huề (Long Xuyên). |
3 | Nạo vét kênh Vĩnh Tế. |
4 | Kè bảo vệ biên giới và cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương; kè chống sạt lở bảo vệ: Bờ sông Hậu khu vực trụ sở Tỉnh uỷ An Giang (giai đoạn 2); bờ sông Long Xuyên (Mỹ Bình, Mỹ Long, Mỹ Xuyên, Đông Xuyên); sông Tiền bảo vệ thị trấn Tân Châu (giai đoạn 3); sông Hậu xã Bình Thuỷ, huyện Châu Phú; sông Hậu, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu; Đê - Kè bảo vệ thị xã Châu Đốc; kè chống sạt lở bảo vệ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành; |
5 | Đê bao bảo vệ: Thành phố Long Xuyên; thị trấn Chợ Vàm; thị trấn Phú Mỹ. |
6 | Dự án Kiểm soát lũ vùng đê bao Nam Vàm Nao. |
7 | Hồ chứa nước vùng 7(12 hồ). |
8 | Xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao huyện Tri Tôn - Tịnh Biên. |
9 | Đường tỉnh 952 (Tân Châu); đường tỉnh 957 (An Phú); cầu Tân An (Tân Châu); nâng cấp: Đường tỉnh 943 (Thoại Sơn); đường tỉnh 944 (Chợ Mới); đường tỉnh 941 (Châu Thành, Tri Tôn). |
10 | Cầu Nguyễn Thái Học (Long Xuyên). |
11 | Nâng cấp hệ thống cấp nước: Châu Đốc và Long Xuyên lên 70 nghìn m3/ngày đêm. |
12 | Đầu tư CSHT khu liên hợp xử lý chất thải rắn: Tỉnh An Giang; huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn: Huyện Phú Tân, TX Tân Châu; huyện Châu Phú, Châu Đốc, Tịnh Biên; huyện Chợ Mới. |
13 | Đầu tư hệ thống thoát nước và xử lý nước thải: thị xã Châu Đốc; thành phố Long Xuyên, thị xã Tân Châu. |
14 | Trường Đại học An Giang (Long Xuyên); Trường Cao đẳng Nghề; Trường cao đẳng Y tế. |
15 | Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang (Long Xuyên); Bệnh Viện Sản Nhi; Bệnh viện Y học dân tộc An Giang (Long Xuyên); Bệnh viện lao và bệnh phổi (Long Xuyên); Bệnh viện tâm thần (Long Xuyên). |
16 | Sân vận động tỉnh (Long Xuyên); Khu liên hợp thể dục thể thao tỉnh (Long Xuyên); Khu liên hợp thể dục thể thao thị xã Châu Đốc. |
17 | Trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh. |
18 | Khu vực phòng thủ tỉnh An Giang. |
C | CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ ĐẦU TƯ: |
1 | Kho si lô bảo quản nông sản (toàn Tỉnh). |
2 | Kho chứa và chế biến nông sản Định Thành I và Định Thành II. |
3 | Nhà máy sản xuất hóa chất phục vụ nông nghiệp. |
4 | Dây chuyền sản xuất gạch granite nhân tạo. |
5 | Nhà máy sản xuất tấm tường vật liệu nhẹ (KCN Bình Hoà). |
6 | Nhà máy sản xuất nhựa kỹ thuật cao. |
7 | Nhà máy sản xuất gỗ ghép (Tri Tôn). |
8 | Đầu tư nhà máy sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ (Chợ Mới). |
9 | Nhà máy sản xuất dụng cụ thể dục thể thao. |
10 | Khu bảo thuế và quản lý cửa khẩu Khánh Bình (An Phú). |
11 | Khu quản lý và thương mại dịch vụ cửa khẩu Vĩnh Xương (Tân Châu). |
12 | Siêu thị Châu Đốc. |
13 | Trung tâm hội chợ triển lãm An Giang. |
14 | Trung tâm hội chợ triển lãm Long Bình (An Phú). |
15 | Khu du lịch Núi Sập - Óc Eo (Thoại Sơn). |
16 | Hệ thống cáp treo Núi Sam (Châu Đốc). |
17 | Hệ thông cáp treo Núi Cấm (Tịnh Biên). |
18 | Khu du lịch Soài So (Tri Tôn). |
19 | Khu du lịch núi Trà Sư (Tịnh Biên). |
20 | Khu vui chơi giải trí Mỹ Khánh (Long Xuyên). |
21 | Cơ sở hạ tầng Tây Sông Hậu. |
22 | Khách sạn 5 sao - Cao ốc VP - TT hội nghị - TTTC.DVTM. |
23 | Cảng Mỹ Thới (Long Xuyên). |
24 | Xử lý chất thải theo cơ chế CDM điện trấu. |
* Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các công trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư cho từng thời kỳ./.
- 1Decision No 943/QD-TTg of July 20, 2012, approving the master plan on socio-economic development of southeastern Vietnam to 2020
- 2Decision No. 545/QD-TTg of May 09, 2012, approving the master plan on socio-economic development of Lang Son province till 2020
- 3Decision No. 423/QD-TTg of April 11, 2012, approving the master plan on socio-economic development of Soc Trang province till 2020
- 1Decision No 943/QD-TTg of July 20, 2012, approving the master plan on socio-economic development of southeastern Vietnam to 2020
- 2Decision No. 545/QD-TTg of May 09, 2012, approving the master plan on socio-economic development of Lang Son province till 2020
- 3Decision No. 423/QD-TTg of April 11, 2012, approving the master plan on socio-economic development of Soc Trang province till 2020
- 4Law No. 32/2001/QH10 of December 25, 2001 on organization of the Government
Decision No. 801/QD-TTg of June 27, 2012, approving the master plan on socio-economic development of An Giang province till 2020
- Số hiệu: 801/QD-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 27/06/2012
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/06/2012
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết