Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 635/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2020” THUỘC CHƯƠNG TRÌNH QUỐC GIA “NÂNG CAO NĂNG SUẤT VÀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020”

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của ngành Nông nghiệp đến năm 2020” thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” với những nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU CỦA DỰ ÁN

1. Mục tiêu tổng quát

a) Tăng cường nhận thức về vai trò của việc nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm, hàng hóa của ngành nông nghiệp bao gồm các sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực để tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế và tăng thu nhập cho doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh và dịch vụ.

b) Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ và cải tiến quản lý nhằm tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng các sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, phục vụ tiêu dùng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế và cải thiện an sinh xã hội.

c) Xây dựng, hoàn thiện, áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và công cụ quản lý, quy trình kỹ thuật sản xuất, sơ chế, bảo quản để nâng cao năng suất và chất lượng các sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Giai đoạn 2012 – 2015:

- 70% doanh nghiệp thuộc Bộ được hướng dẫn, áp dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ và hệ thống quản lý chất lượng để cải thiện chất lượng, tăng năng suất các loại sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực:

+ Lúa gạo: Năng suất tăng 1%/năm; tỷ lệ gạo trên 15% tấn giảm xuống dưới 40%, tỷ lệ gạo bạc bụng giảm xuống 4% - 5%;

+ Cà phê: Ổn định năng suất, diện tích cà phê được chứng nhận về chất lượng tăng 3%/năm;

+ Chè: Năng suất tăng 0,6%/năm; 70% diện tích các vùng chè tập trung được cấp chứng nhận VietGAP;

+ Mía đường: Năng suất tăng 4%/năm; chữ đường CCS đạt 10,5;

+ Rau và quả: Năng suất tăng 1%/năm; 70% vùng rau tập trung được chứng nhận VietGAP;

+ Lợn: Năng suất tăng 5%; 20% trang trại được chứng nhận VietGAHP;

+ Gia cầm: Năng suất tăng 3%; 30% trang trại được chứng nhận VietGAHP;

+ Cá tra: Năng suất tăng 2,5%/năm; 90% vùng nuôi được chứng nhận vùng nuôi an toàn;

+ Tôm: Năng suất tăng 2%/năm; 80% vùng nuôi được chứng nhận vùng nuôi an toàn;

+ Gỗ nguyên liệu rừng trồng: Năng suất đạt 20 m3/ha/năm, 10% diện tích được chứng nhận FSC.

- 80% tiêu chuẩn quốc gia của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực được xây dựng, soát xét hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực; hoàn thiện, ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất, sơ chế, bảo quản để phục vụ sản xuất;

- 40% các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quản lý sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn (sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) được xây dựng mới, soát xét cho phù hợp;

- 80% số doanh nghiệp nông nghiệp thuộc Bộ sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực xây dựng, thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng tham gia dự án; công bố tiêu chuẩn cơ sở đối với sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất kinh doanh;

- Kiện toàn và nâng cao năng lực của cơ quan quản lý chất lượng từ Trung ương đến địa phương; tăng cường cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại; xây dựng đội ngũ cán bộ, chuyên gia, tư vấn về quản lý chất lượng;

- 20% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực được nâng cấp, hoàn thiện đạt trình độ quốc tế.

b) Giai đoạn 2016 – 2020:

- 100% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sản phẩm, hàng hóa chủ lực được hướng dẫn, áp dụng tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ và hệ thống quản lý chất lượng để cải thiện chất lượng, tăng năng suất các loại sản phẩm, hàng hóa chủ lực:

+ Lúa gạo: Năng suất tăng 1%/năm; tỷ lệ gạo trên 15% tấm giảm xuống 30%, tỷ lệ gạo bạc bụng giảm xuống 3 – 4%;

+ Cà phê: Ổn định năng suất, diện tích cà phê được chứng nhận về chất lượng tăng 4%/năm;

+ Chè: Năng suất tăng 0,6%/năm; 100% diện tích các vùng chè tập trung được chứng nhận VietGAP;

+ Mía đường: Năng suất tăng 5%/năm; chữ đường CCS đạt 11;

+ Rau và quả: Năng suất tăng 1%/năm; 100% vùng rau tập trung được chứng nhận VietGAP;

+ Lợn: Năng suất tăng 3%; 40% trang trại được chứng nhận VietGAHP;

+ Gia cầm: Năng suất tăng 2%; 50% trang trại được chứng nhận VietGAHP;

+ Cá tra: Năng suất tăng 2%/năm; 100% vùng nuôi được chứng nhận vùng nuôi an toàn;

+ Tôm: Năng suất tăng 1,5%/năm; 100% vùng nuôi được chứng nhận vùng nuôi an toàn;

+ Gỗ nguyên liệu rừng trồng: Năng suất đạt 25 m3/ha/năm, 30% diện tích được chứng nhận FSC.

- 100% tiêu chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp được hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế và khu vực;

- Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn quốc gia, trong đó 100% quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được ban hành;

- 100% cơ sở sản xuất sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực được quản lý bằng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất bảo đảm an toàn, vệ sinh và môi trường;

- 100% doanh nghiệp nông nghiệp thuộc Bộ sản xuất sản phẩm, hàng hóa chủ lực xây dựng, thực hiện các dự án nâng cao năng suất và chất lượng; công bố tiêu chuẩn cơ sở đối với sản phẩm, hàng hóa do mình sản xuất kinh doanh;

- 50% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực được nâng cấp, hoàn thiện đạt trình độ quốc tế.

II. NHIỆM VỤ CỦA DỰ ÁN

1. Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực

a) Phổ biến, tuyên truyền về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực

- Biên soạn tài liệu và phổ biến tuyên truyền sâu rộng đến các doanh nghiệp và người sản xuất về vai trò, tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất và chất lượng; các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực;

- Tuyên truyền phổ biến các quy trình công nghệ tiên tiến, tiến bộ kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế, mô hình, công cụ cải tiến;

- Xây dựng phóng sự phát trên đài truyền hình, đài phát thanh của Trung ương và địa phương về các doanh nghiệp tham gia chương trình đạt được năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, các điển hình trong việc áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất và chất lượng để nhân rộng trong sản xuất.

b) Thiết lập trang tin điện tử cập nhật thông tin tình hình và kết quả thực hiện Dự án, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, công cụ quản lý cho các doanh nghiệp, người sản xuất tham khảo và áp dụng.

2. Xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình thực hành sản xuất tốt về sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản

a) Xây dựng, hoàn thiện tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật

- Xây dựng quy hoạch tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực nông nghiệp đáp ứng mục tiêu, yêu cầu nâng cao năng suất và chất lượng, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực;

- Rà soát hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đã ban hành, xây dựng mới các tiêu chuẩn về sản phẩm, liên quan đến chất lượng: Giống cây trồng nông lâm nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản; quy phạm sản xuất, quy trình kỹ thuật. Việc rà soát và xây dựng mới tiêu chuẩn đảm bảo hài hòa với quốc tế và khu vực, ưu tiên các tiêu chuẩn liên quan trực tiếp đến sản phẩm hàng hóa chủ lực;

- Xây dựng mới, rà soát các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện sản xuất nông lâm thủy sản, đặc biệt chú trọng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2.

b) Xây dựng và hoàn thiện các quy trình kỹ thuật

- Soát xét, hoàn thiện và xây dựng các quy trình kỹ thuật sản xuất giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nông dân áp dụng;

- Xây dựng, hoàn thiện các bộ quy trình thực hành sản xuất tốt cho một số cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn.

c) Tập huấn, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình kỹ thuật

- Tập huấn, phổ biến các quy trình và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất;

- Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (GMP, HACCP, ISO v.v);

- Tập huấn cho cán bộ các doanh nghiệp về nghiệp vụ xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở, áp dụng tiêu chuẩn quốc gia và chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp.

3. Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, các công cụ quản lý để nâng cao năng suất và chất lượng một số sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản chủ lực

a) Xây dựng mô hình nâng cao năng suất và chất lượng đối với các sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp ở các vùng

- Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, thâm canh, giảm tổn thất sau thu hoạch, chế biến, áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP), sử dụng hệ thống quản lý chất lượng để xây dựng mô hình sản xuất gắn với chế biến gạo đạt năng suất và chất lượng cao tại vùng đồng bằng sông Cửu Long;

- Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, chăm sóc và cải tạo, thu hái, chế biến, áp dụng VietGAP, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để xây dựng mô hình sản xuất gắn với chế biến chè đạt năng suất và chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại vùng trung du miền núi phía Bắc, Lâm Đồng;

- Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, chăm sóc, thu hái, chế biến, áp dụng các quy trình sản xuất bền vững (bộ nguyên tắc 4C, chứng chỉ UTZ, VietGAP …), áp dụng hệ thống quản lý chất lượng để xây dựng mô hình thâm canh gắn với chế biến cà phê đạt năng suất và chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại vùng Tây Nguyên;

- Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, thâm canh để xây dựng mô hình sản xuất gắn với chế biến mía đường đạt năng suất và chất lượng cao thuộc các vùng Đông Nam bộ, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ và đồng bằng sông Cửu Long;

- Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, áp dụng VietGAP đối với rau, quả đạt năng suất cao và an toàn thuộc các vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long;

- Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá tra và tôm gắn liền với chế biến đạt năng suất và chất lượng cao (được chứng nhận GlobleGAP, HACCP, ISO …) ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung;

- Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về giống, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh để xây dựng mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm an toàn sinh học đạt năng suất, chất lượng cao được chứng nhận VietGAHP ở vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Đông Nam bộ;

- Ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, quản lý để xây dựng mô hình trồng keo, bạch đàn đạt năng suất và chất lượng cao và được cấp chứng chỉ rừng bền vững (FSC) ở các vùng: Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên.

b) Tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ

- Tập huấn cho cán bộ và người lao động trong mô hình và ngoài mô hình các quy trình kỹ thuật về giống, thâm canh, chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh, sơ chế, bảo quản, chế biến để áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng;

- Hướng dẫn nghiệp vụ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia mô hình và ngoài mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (HACCP, GMP, ISO …) cho các cơ sở sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản nhằm duy trì ổn định chất lượng sản phẩm hàng hóa.

c) Tổng kết và nhân rộng trong sản xuất các mô hình đạt năng suất, chất lượng cao

- Tổng kết, đánh giá các mô hình đạt năng suất và chất lượng cao, đúc rút các bài học kinh nghiệm để phổ biến rộng rãi trong sản xuất;

- Tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ngoài mô hình đến học tập kinh nghiệm các mô hình doanh nghiệp đạt năng suất và chất lượng cao;

- Quảng bá mô hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt năng suất và chất lượng cao trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương.

4. Nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nông lâm thủy sản.

a) Tăng cường năng lực và hiệu quả hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

- Hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm ở Trung ương: Củng cố và hoàn thiện tổ chức hệ thống quản lý chất lượng theo từng ngành hàng thuộc phạm vi quản lý chuyên ngành của các Tổng cục, Cục. Phân công, phân cấp nhiệm vụ rõ ràng giữa các đơn vị trong toàn bộ hệ thống quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn;

- Hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm ở địa phương: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý chất lượng nông lâm sản trên địa bàn theo quy định của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

- Hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm tại các doanh nghiệp: Tổ chức lại các phòng quản lý chất lượng với nhân lực và thiết bị phù hợp để tự kiểm tra được sản phẩm của mình theo quy định của pháp luật.

b) Đào tạo nguồn nhân lực

- Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực về xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng cho toàn ngành, cán bộ chủ chốt và quản lý chất lượng của các doanh nghiệp.

- Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý chất lượng và nhân viên phân tích đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, phân tích chất lượng;

- Tổ chức định kỳ các lớp huấn luyện nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật tiên tiến, các giải pháp nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cho cán bộ quản lý chất lượng, khuyến nông, người làm công tác khảo kiểm nghiệm, phân tích trong phạm vi toàn ngành.

c) Quy hoạch, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác quản lý chất lượng nông lâm thủy sản

- Rà soát, đánh giá các phòng thử nghiệm của từng lĩnh vực và của toàn ngành. Đầu tư mới hoặc nâng cấp, hoàn thiện từ 1 đến 2 phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của ngành nông nghiệp; một số phòng thử nghiệm chuyên ngành thành các phòng thử nghiệm và kiểm chứng quốc gia;

- Các doanh nghiệp tăng cường trang thiết bị phân tích cần thiết cho phòng thử nghiệm bảo đảm đủ năng lực tự kiểm tra, phân tích các chỉ tiêu chất lượng thông dụng, chỉ tiêu tồn dư hóa chất, vi sinh vật, kim loại nặng mà người tiêu dùng quan tâm;

- Lồng ghép với Đề án “Đề án tăng cường năng lực quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản và muối giai đoạn 2011 – 2015” theo Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện xây dựng mới phòng kiểm chứng quốc gia, nâng cấp một số phòng kiểm nghiệm chuyên ngành về chất lượng nông lâm thủy sản và đào tạo nguồn nhân lực cho công tác quản lý chất lượng.

d) Xây dựng hệ thống chứng nhận chất lượng trong toàn ngành

- Xây dựng và phát triển mạng lưới tổ chức chứng nhận chất lượng, đáp ứng nhu cầu đánh giá các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2, sản phẩm hàng hóa chủ lực, đạt chuẩn mực, được thừa nhận trong khu vực và quốc tế;

- Khuyến khích các tổ chức sự nghiệp, các doanh nghiệp xây dựng tổ chức chứng nhận chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa của các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, thực hiện các quy trình thực hành sản xuất tốt (VietGAP, VietGAHP, …);

- Hình thành hệ thống tổ chức chứng nhận về điều kiện sản xuất sản phẩm an toàn; hỗ trợ các đơn vị chế biến nông lâm thủy sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng (HACCP, ISO, v.v.).

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ ÁN

1. Hàng năm căn cứ vào mục tiêu của Dự án, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, cân đối lập kế hoạch và dự toán chi ngân sách nhà nước, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Dự toán chi ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ thuộc Dự án được giao trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của các Bộ, ngành. Kế hoạch và dự toán chi ngân sách nhà nước các nhiệm vụ của Dự án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt được giao cho các đơn vị tổ chức thực hiện.

2. Kinh phí thực hiện Dự án được huy động từ các nguồn kinh phí được cấp từ Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”, kinh phí sự nghiệp khoa học, kinh phí khuyến nông; kinh phí của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác:

a) Kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo đội ngũ chuyên gia, cán bộ đào tạo, cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp quản lý về tiêu chuẩn, chất lượng; lập quy hoạch, kế hoạch; xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nghiên cứu, tổ chức đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xây dựng mô hình điểm và hỗ trợ nhân rộng mô hình điểm; đầu tư phát triển mạng lưới đánh giá sự phù hợp phục vụ quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

b) Kinh phí của doanh nghiệp để đầu tư áp dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đầu tư, tăng cường năng lực thử nghiệm trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh; xây dựng tiêu chuẩn cơ sở; đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng và đánh giá sự phù hợp cho đội ngũ cán bộ, người lao động của doanh nghiệp; tổ chức áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng.

c) Các nguồn kinh phí hợp pháp khác: Nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cho hoạt động đào tạo chuyên gia, tổ chức xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, mở rộng thông tin, truyền thông.

3. Tăng cường hợp tác quốc tế để học tập, trao đổi kinh nghiệm về hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quản lý chất lượng, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao năng lực thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa đạt trình độ quốc tế, phục vụ cho các hoạt động đánh giá sự phù hợp; đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả đánh giá sự phù hợp với các nước.

IV. TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN DỰ ÁN

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương để tổ chức thực hiện và điều hành toàn bộ hoạt động của Dự án;

- Tổng hợp nhu cầu, đề xuất của các ngành, lĩnh vực nông nghiệp chủ lực, các Hiệp hội ngành nghề có liên quan, xây dựng kế hoạch thực hiện Dự án cụ thể cho từng năm, kế hoạch thực hiện Dự án cho cả giai đoạn 2012 – 2020;

- Định kỳ hàng năm kiểm tra, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả và hiệu quả thực hiện Dự án.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Dự án theo đúng tiến độ, kiểm tra, giám sát thực hiện Dự án.

3. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Hội nghề nghiệp phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được phân công trong Dự án.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, TH, TKBT, Công báo,
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Thiện Nhân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decision No. 635/QD-TTg of May 30, 2012, approving the Project on yield and quality improvement of products and goods of the agricultural sector to 2020 under the national program on yield and quality improvement of products and goods of Vietnamese enterprises to 2020

  • Số hiệu: 635/QD-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 30/05/2012
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/05/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản