Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 319/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2012 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH GIA LAI ĐẾN NĂM 2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai đến năm 2020 phải phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, Quy hoạch vùng Tây Nguyên; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với quy hoạch ngành, lĩnh vực.
2. Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường hợp tác với các địa phương trong vùng và cả nước; tập trung nghiên cứu để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu; huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.
3. Từng bước điều chỉnh tạo sự phát triển hài hòa, hợp lý giữa các vùng trong Tỉnh, thu hẹp dần về khoảng cách và mức sống giữa các tầng lớp dân cư; chú trọng công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc.
4. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, duy trì quan hệ hữu nghị với các tỉnh láng giềng khu vực biên giới Việt Nam - Cămpuchia; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển kinh tế - xã hội nhanh, hiệu quả và bền vững; tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Phấn đấu xây dựng Gia Lai sớm trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển ba nước Việt Nam - Lào - Cămpuchia.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Về phát triển kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2020 đạt 12,4%, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 12,8% giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,0%. GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2015 đạt 34,2 triệu đồng/người và năm 2020 đạt 72,2 triệu đồng/người;
- Tỷ trọng nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu kinh tế vào năm 2015 là 33,0%, 36,7%, 30,3% và đến năm 2020 là 28%, 38% và 34%;
- Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt khoảng 250 triệu USD và đến năm 2020 khoảng 580 triệu USD;
- Tỷ lệ thu ngân sách chiếm khoảng 10% từ GDP vào năm 2015 và khoảng 7,2% vào năm 2020.
b) Về phát triển xã hội:
- Đến năm 2015 quy mô dân số khoảng 1,417 triệu người và vào năm 2020 khoảng 1,532 triệu người; tỷ lệ dân số nông thôn chiếm khoảng 65% vào năm 2015 và giảm xuống còn 60% vào năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn hiện nay) bình quân mỗi năm giai đoạn 2011 - 2015 khoảng 3 - 4%, đến năm 2020 cơ bản không còn hộ nghèo;
- Phấn đấu đến năm 2020 khoảng 70% trường học các cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, có 90% làng được công nhận là làng văn hóa;
- Đến năm 2015 có 60% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, có 6,5 bác sĩ/1 vạn dân; đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 100% và 8 bác sĩ/1 vạn dân, 100% số xã có bác sĩ.
- Giải quyết việc làm hàng năm đạt khoảng 2,3 vạn lao động giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2,5 vạn lao động; phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40%, trong đó đào tạo nghề đạt chiếm 71,5%; tương ứng đến năm 2020 đạt 50% và 73,9%;
- Bảo đảm 100% dân cư sử dụng nước sạch vào năm 2020.
c) Về bảo vệ môi trường:
- Phấn đấu đến năm 2015 nâng và duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 53,1%, đến năm 2020 đạt 60%; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Đến năm 2020 thu gom và xử lý trên 95% chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp, trên 80% chất thải nguy hại và 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; 100% cơ sở sản xuất xây dựng mới có công nghệ sạch.
III. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH, LĨNH VỰC
1. Về nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới
Phát triển vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung để đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phương pháp canh tác có tỷ lệ cơ giới hóa cao từ khâu làm đất đến thu hoạch nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đáp ứng tốt nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Phấn đấu giá trị tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 5,6% thời kỳ 2011 - 2020, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 là 6,2%, giai đoạn 2016 - 2020 là 5%.
a) Về trồng trọt:
- Chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu, hệ sinh thái,..) của từng vùng và nhu cầu thị trường; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; chú trọng phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, cây ăn quả; bảo đảm an ninh lương thực;
- Ổn định diện tích sản xuất nông nghiệp đến năm 2020: Cây cao su khoảng 130 nghìn ha, cà phê khoảng 80 nghìn ha, điều khoảng 27 nghìn ha, hồ tiêu và chè trên 8 nghìn ha, mía khoảng 25 nghìn ha; lúa khoảng 80 nghìn ha, ngô và sắn khoảng 110 nghìn ha;
b) Về chăn nuôi:
Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình chăn nuôi trang trại và hộ gia đình gắn với kiểm soát phòng tránh, an toàn dịch bệnh. Phấn đấu đến năm 2020 đàn trâu bò khoảng 0,52 triệu con, đàn lợn khoảng 0,55 triệu con, đàn gia cầm khoảng 2,2 triệu con.
c) Về lâm nghiệp:
Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa nghề rừng; quy hoạch cơ cấu 3 loại rừng phù hợp với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; hoàn thiện công tác giao, khoán rừng và đất lâm nghiệp cho cộng đồng để người dân được hưởng lợi từ rừng.
d) Về phát triển nông thôn:
Từng bước xây dựng nông thôn mới phù hợp với bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới; bảo đảm cho người dân nông thôn tiếp cận tốt các dịch vụ xã hội và phúc lợi công cộng. Phát triển các loại hình kinh tế nông thôn theo mô hình mới phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay ở nước ta. Phấn đấu đến năm 2015 có trên 24% và năm 2020 có khoảng 54% số đã đạt tiêu chí chuẩn nông thôn mới.
2. Công nghiệp, xây dựng
Phát triển công nghiệp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Phấn đấu giai đoạn 2011 - 2015 tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 17,6% và 15,8% giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu đến năm 2020 ngành công nghiệp đóng góp 26,6% GDP, giải quyết việc làm cho 19% lao động xã hội. Trong đó:
- Tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ; chú trọng phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phù trợ; phát triển kỹ thuật công nghệ mới để áp dụng vào sản xuất công nghiệp; tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến sâu để nâng cao hiệu quả kinh tế; xây dựng các nhóm sản phẩm hàng hóa chủ lực;
- Đầu tư, nâng cấp và phát triển các cơ sở công nghiệp hiện có để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu;
- Ưu tiên phát triển công nghiệp thu hút nhiều lao động như chế biến nông lâm sản, sản xuất các mặt hàng truyền thống như hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, hàng mây tre đan, dệt thổ cẩm,…
Chú trọng nâng cao năng lực xây dựng, tăng dần quy mô, chất lượng; tập trung vào các công trình trọng điểm trên địa bàn; tiếp tục chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại phù hợp với yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 14,6%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 14,2%.
3. Dịch vụ
Phát triển các ngành dịch vụ có đóng góp cao cho nền kinh tế như thương mại, du lịch, tài chính, ngân hàng, bưu chính viễn thông. Phấn đấu tốc độ tăng bình quân năm giai đoạn 2011 - 2015 đạt 14,9%, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 12,4%. Trong đó:
- Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ và nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ. Tăng nhanh lưu thông hàng hóa nhất là mạng lưới tiêu thụ hàng hóa từ thành phố, thị xã đến các vùng sâu vùng xa và vùng đặc biệt khó khăn; mở rộng thị trường nông thôn, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các địa phương;
- Phát triển các dịch vụ truyền thống; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, bưu chính, viễn thông, tin học; tiếp cận nhanh các dịch vụ mới, dịch vụ tài chính, ngân hàng phù hợp với yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển; mở rộng loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống và sinh hoạt của người dân;
- Tôn tạo và phát triển các điểm du lịch, xây dựng các dự án đầu tư theo quy hoạch;
- Tăng cường các hoạt động dịch vụ với các tỉnh vùng Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, thành phố Hồ Chí Minh; phát triển thị trường sang các nước để xuất khẩu hàng hóa nông sản và nhập khẩu, cung ứng vật tư, thiết bị công nghệ, hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống.
4. Phát triển các lĩnh vực xã hội
a) Dân số, lao động và giải quyết việc làm:
- Thực hiện tốt công tác kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản, phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 1,71% vào năm 2015 và 1,57% vào năm 2020;
- Phát triển các ngành nghề đào tạo phù hợp với yêu cầu của xã hội, coi trọng đào tạo lao động có kỹ thuật. Điều chỉnh ngành nghề đào tạo nhằm tạo ra cơ cấu lao động hợp lý, gắn đào tạo với sử dụng, ưu tiên đào tạo cán bộ tại chỗ, đào tạo cán bộ cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số;
- Tập trung đầu tư, phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn theo quy hoạch; huy động năng lực dạy nghề trên địa bàn, đặc biệt là doanh nghiệp, làng nghề, hình thành mạng lưới dạy nghề với nhiều hệ thống, nhiều cấp độ để tăng nhanh quy mô dạy nghề; thực hiện tốt chủ trương dạy nghề theo nhu cầu xã hội; chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là dạy nghề nội trú cho thanh niên dân tộc thiểu số; phát triển hình thức dạy nghề lưu động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm đối tượng tiếp cận học nghề, tăng cơ hội việc làm hoặc tự tạo việc làm,…
b) Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân:
- Phát triển sự nghiệp y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo hướng dự phòng, tích cực và chủ động; phấn đấu để mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, có điều kiện tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng; giảm tỷ lệ mắc bệnh, nâng cao thể lực, tăng tuổi thọ;
- Đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở; phấn đấu đến năm 2015 có 60% số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế; 80% số xã có bác sĩ; có 6,5 bác sĩ/vạn dân; 24,4 giường bệnh/vạn dân; vào năm 2020 tỷ lệ này tương ứng là 100%; 100%; có 8 bác sĩ/vạn dân và 25 giường bệnh/vạn dân.
c) Giáo dục và đào tạo:
- Phát triển giáo dục, đào tạo hướng đến phát triển toàn diện con người, nâng cao dân trí; xây dựng xã hội học tập;
- Kế thừa, phát huy những kết quả của hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Thực hiện tốt các chương trình mục tiêu Quốc gia về giáo dục;
- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đào tạo nhằm huy động mọi nguồn lực vào phát triển giáo dục; đa dạng các mô hình đào tạo và lồng ghép các nguồn vốn một cách có hiệu quả;
- Phấn đấu đến năm 2015 tất cả các huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi; trên 70% trường học các cấp từ mầm non, tiểu học, trung học cơ sở có cơ sở vật chất đạt chuẩn Quốc gia vào năm 2020.
d) Về phát triển văn hóa, thể dục, thể thao:
- Nâng cao hiệu lực công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa thông tin, thể dục, thể thao. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, kịp thời đưa các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân;
- Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tăng cường xây dựng, củng cố các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở; xây dựng các phường, xã, làng, bản văn hóa mới, trong đó chú trọng phát triển các khu vui chơi cho trẻ em và các điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng;
- Nghiên cứu, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp để bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, di tích văn hóa; giữ gìn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
5. Về quốc phòng, an ninh
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh trong quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn; bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ;
- Tiếp tục xây dựng Gia Lai thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân khu vực biên giới; phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; đấu tranh chống chiến lược “Diến biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên tất cả các lĩnh vực; đảm bảo chính trị ổn định, an toàn xã hội được giữ vững.
6. Về phát triển kết cấu hạ tầng
a) Giao thông: Phấn đấu đến năm 2020 hoàn thiện, nâng cấp hệ thống giao thông đồng bộ, từng bước hiện đại, liên hoàn, thông suốt, quy mô phù hợp với từng vùng, từng địa phương trong Tỉnh.
- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, từng bước mở rộng, nâng cấp các tuyến quốc lộ kết nối Gia Lai với các tỉnh vùng Tây Nguyên, vùng duyên hải miền Trung, đáp ứng nhu cầu giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các địa phương, bảo đảm phù hợp với nguồn lực và quy hoạch ngành;
- Chủ động xây dựng kế hoạch và bố trí hợp lý nguồn lực trong từng giai đoạn theo quy hoạch để xây dựng và mở rộng nâng cấp các tuyến giao thông nội tỉnh, liên huyện kết nối với các trục đường quốc gia, nhất là giao thông các huyện dọc quốc lộ, tạo thành các hành lang kinh tế, các không gian phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, lưu thông thuận lợi với bên ngoài;
- Cải tạo và nâng cấp các tuyến giao thông theo quy hoạch tại các đô thị thành phố Pleiku, các thị xã An Khê, Ayun Pa; phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn đến các khu vực trong Tỉnh để tạo điều kiện phân bố lại dân cư, phát triển kinh tế - xã hội và điều tiết mật độ giao thông.
b) Hệ thống thủy lợi
Phát triển hệ thống thủy lợi kết hợp phục vụ đa ngành, khai thác tổng hợp, đáp ứng tốt yêu cầu chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 bảo đảm nguồn nước tưới tiêu ổn định cho trên 52 nghìn ha đất canh tác, trong đó có 32 nghìn ha lúa hai vụ và 20 nghìn ha cây công nghiệp, rau màu các loại.
c) Hệ thống cấp điện, cấp thoát nước và xử lý nước thải
- Nâng cấp, từng bước hiện đại hóa toàn bộ hệ thống truyền tải và phân phối điện, bảo đảm cấp điện ổn định với chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; chú trọng xây dựng các công trình thủy điện nhỏ và mạng lưới cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phấn đấu trước năm 2020 có 100% số hộ dân dùng điện;
Phát triển lưới điện cao thế 220Kv, 110Kv theo quy hoạch. Hướng đến kết nối mạng lưới điện và phát triển nguồn điện với các tỉnh biên giới thuộc tam giác phát triển 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia;
- Từng bước đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống cấp nước sinh hoạt cho các đô thị, khu dân cư nông thôn, đảm bảo đủ yêu cầu nước sinh hoạt của nhân dân. Phấn đấu trước năm 2020 số hộ dùng nước sạch toàn Tỉnh đạt 100%;
- Xây dựng đồng bộ hệ thống thoát nước mưa; thu gom và xử lý nước thải, đặc biệt là tại các khu đô thị, khu, cụm công nghiệp.
d) Thông tin truyền thông
- Xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, truyền thông có công nghệ hiện đại, an toàn, tin cậy và phủ rộng khắp địa bàn với dung lượng lớn, tốc độ và chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin liên lạc, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai;
- Phấn đấu đến năm 2015 thông tin truyền thông quốc gia được nối đến tất cả các huyện và trên 80% số xã bằng cáp quang và các phương thức truyền dẫn băng rộng khác. Năm 2020 điện thoại cố định/100 dân là 36; thuê bao internet/100 dân đạt 4,26.
IV. PHƯƠNG HƯỚNG TỔ CHỨC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN
Phát triển hài hòa giữa thành thị với nông thôn; từng bước thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển giữa các vùng trong Tỉnh.
1. Phát triển không gian đô thị và nông thôn
- Phát triển mạng lưới đô thị: Xây dựng thành phố Pleiku thành đô thị trung tâm của Tỉnh, đồng thời là trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên; phát triển mạng lưới đô thị vệ tinh gồm thị trấn Chư Sê là đô thị loại IV, trung tâm vùng phía Tây Nam với các đô thị hỗ trợ bao gồm các trung tâm huyện, xã của các huyện Chư Păh, Đắc Đoa, Chư Sê; đô thị Đông Tây gồm thị xã An Khê (đô thị loại III), cửa khẩu Đức Cơ và thị trấn Chư Ty; phát triển các thị trấn, các trung tâm xã thuộc các huyện Đức Cơ, Chư Prông, Ia Grai, Mang Yang, An Khê, Kông Chro và Kbang; đô thị Đông Nam gắn với trung tâm thị xã Ayun Pa.
Phấn đấu đến năm 2020 tỉnh Gia Lai có 1 thành phố là đô thị loại 1 thuộc Tỉnh, 3 thị xã và 20 thị trấn là trung tâm huyện lỵ với dân số đô thị khoảng 635 nghìn người, chiếm khoảng 41,5% tổng dân số của Tỉnh.
- Phát triển ổn định dân cư nông thôn:
Sắp xếp, phân bố ổn định lại dân cư trên địa bàn; từng bước đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho các trung tâm cụm xã, điểm dân cư tập trung gắn với Quy hoạch nông thôn mới.
2. Phát triển các tiểu vùng kinh tế
- Vùng Đông Trường Sơn bao gồm (thị xã An Khê, các huyện Kbang, Kông Chro, Krông, Pa, Phú Thiện, huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa): Phát huy lợi thế đất phù sa để mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng cây lương thực và phát triển chăn nuôi đại gia súc;
- Vùng Tây Trường Sơn bao gồm (thành phố Pleiku, các huyện Chư Păh, Đăk Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Mang Yang, Chư Sê, Đức Cơ): Tập trung phần lớn diện tích đất Bazan ở vùng này để phát triển các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như Cao su, chè, cà phê…, gắn với công nghiệp chế biến hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu và phát triển công nghiệp;
- Vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số: Tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; nâng cao dân trí và thu nhập của dân cư; từng bước thu hẹp khoảng cách về mức sống ở vùng khó khăn với các khu vực phát triển của Tỉnh. Tổ chức, thực hiện tốt các chế độ, chính sách đã được ban hành đối với vùng khó khăn; kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế quan tâm đầu tư phát triển kinh tế khu vực này.
V. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ
(Phụ lục kèm theo)
VI. MỘT SỐ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Huy động các nguồn vốn đầu tư:
Nhu cầu vốn đầu tư thời kỳ 2011 - 2020 khoảng 72 nghìn tỷ đồng (giá cố định), trong đó giai đoạn 2011 - 2015 là 25 nghìn tỷ đồng và khoảng 47 nghìn tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020.
Ngoài nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước, Tỉnh cần có giải pháp để huy động có hiệu quả cao nhất các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển như:
- Xây dựng và ban hành danh mục các chương trình, dự án cần kêu gọi đầu tư đến năm 2020. Trên cơ sở đó đẩy mạnh công tác quảng bá giới thiệu, xúc tiến đầu tư nhằm thu hút tốt các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào Tỉnh, chú trọng khai thác các nguồn vốn;
- Cải thiện môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là cải cách thủ tục đầu tư; tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư; ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn, minh bạch, phù hợp với các quy định của pháp luật;
- Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư nhất là trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao, phát thanh, truyền hình, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường để huy động vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực này;
- Mở rộng các hình thức đầu tư BOT, BT, BTO, PPP,… tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các thị trường vốn; phát triển các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư, góp vốn đầu tư bằng tài sản;
- Phát huy dân chủ cơ sở để người dân tham gia thực hiện giám sát hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
2. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực:
- Tăng cường các hoạt động đào tạo trình độ kỹ thuật và tay nghề cho người lao động, tăng nhanh tỷ lệ lao động qua đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nhiều ngành nghề mới và đẩy mạnh xuất khẩu lao động;
- Tổ chức tốt việc đào tạo lao động là đồng bào dân tộc thiểu số và dạy nghề cho thanh niên nông thôn; liên kết hợp tác đào tạo giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp sử dụng lao động. Phấn đấu đến năm 2020 khoảng 50% số lao động được đào tạo nghề.
3. Giải pháp về khoa học và công nghiệp và bảo vệ môi trường:
- Tăng cường hợp tác khoa học công nghệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, qua đó lựa chọn công nghệ tiên tiến và phù hợp để áp dụng tại địa phương nhằm tập trung giải quyết chương trình chuyển giao công nghệ mới, sản phẩm mới trong ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm;
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để phát triển khoa học công nghệ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái;
- Bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý các tài nguyên thiên nhiên. Từng bước khắc phục tình trạng xói mòn, thoái hóa đất bằng biện pháp phát triển mạnh trồng rừng, khôi phục rừng;
- Tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về môi trường, không ngừng nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường; xây dựng các giải pháp bảo vệ môi trường theo từng ngành, lĩnh vực của nền kinh tế.
4. Giải pháp về nâng cao năng lực quản lý nhà nước:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ tin học vào quản lý hành chính, cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực nhất là trong việc thẩm định dự án đầu tư, đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất, đăng ký hộ khẩu, công chứng,…
VII. TỔ CHỨC VÀ GIÁM SÁT THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch:
Tổ chức công bố, phổ biến Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh đến năm 2020 cho cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và nhân dân trong Tỉnh trên cơ sở các nội dung, mục tiêu của Quy hoạch, tiến hành xây dựng chương trình hành động cụ thể để từng bước thực hiện đạt mục tiêu Quy hoạch.
2. Xây dựng chương trình hành động:
- Sau khi Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở các nội dung, mục tiêu của Quy hoạch, Tỉnh cần xây dựng chương trình hành động để thực hiện Quy hoạch;
- Cụ thể hóa các mục tiêu Quy hoạch bằng các kế hoạch 5 năm, hàng năm để thực hiện Quy hoạch có hiệu quả. Hàng năm có đánh giá việc thực hiện Quy hoạch, trên cơ sở đó tiến hành rà soát, kiến nghị theo thẩm quyền việc điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong từng giai đoạn;
- Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện Quy hoạch.
Điều 2. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Gia Lai đến năm 2020 là cơ sở cho việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện các quy hoạch ngành (quy hoạch xây dựng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan), các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Điều 3. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh trong Quy hoạch được phê duyệt; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo việc lập, trình duyệt và triển khai thực hiện theo quy định các nội dung sau:
1. Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cấp huyện; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực để bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ giữa kinh tế, xã hội với quốc phòng, an ninh.
2. Lập các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm, các dự án cụ thể để tập trung đầu tư, ưu tiên bố trí nguồn vốn một cách hợp lý.
3. Nghiên cứu xây dựng, ban hành, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành (nếu vấn đề quá vượt quá thẩm quyền) một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển của Tỉnh trong từng giai đoạn, nhằm thu hút, huy động các nguồn lực để thực hiện Quy hoạch.
Điều 4. Các Bộ, ngành liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
1. Hướng dẫn và giúp Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trong quá trình thực hiện Quy hoạch; nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Gia Lai trong từng giai đoạn nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; khuyến khích, thu hút đầu tư theo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nêu trong Quy hoạch.
2. Phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai trong việc điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch ngành, lĩnh vực đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của Quy hoạch; xem xét, hỗ trợ Tỉnh trong việc huy động các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài để thực hiện Quy hoạch.
Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN NGHIÊN CỨU ĐẦU TƯ THỜI KỲ 2011 - 2020 TỈNH GIA LAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 16 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)
TT | TÊN DỰ ÁN |
I | CÁC DỰ ÁN DO TRUNG ƯƠNG ĐẦU TƯ |
1 | Đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ 14C, 19, 25 (đoạn qua tỉnh Gia Lai); đường tránh quốc lộ 19 (đoạn qua thị xã An Khê, Đức Cơ); đường tránh quốc lộ 14 (đoạn qua các huyện Chư Sê, Chư Pưh); nâng cấp sân bay Pleiku. |
2 | Thủy lợi Ia Tul, huyện Ia Pa |
II | CÁC DỰ ÁN DO ĐỊA PHƯƠNG QUẢN LÝ |
1 | Các tuyến đường liên huyện Chư Sê - Chư Prông - Mang Yang, Phú Thiện - Ia Pa - KrôngPa, Chư Păh - Đăk Đoa - K'Bang, Đăk Đoa - Mang Yang - Kông Chro, Mang Yang, K'Bang, Chư Pưh - Chư Prông, Kông Chro - Ia Pa (đoạn từ ngã ba đường tỉnh 667 đi xã Chư Răng, huyện Ia Pa) |
2 | Tuyến giao thông phía Đông Tỉnh (quốc lộ 19 đi xã Đất Bằng, huyện KrôngPa) |
3 | Nâng cấp, mở rộng các tỉnh lộ 661, 662, 663 (giai đoạn 2), 664, 665, 666, 668, 669, 670 |
4 | Xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi; kè chống sạt lở bờ sông hệ thống sông Ba, sông Ayun; |
5 | Mở rộng, nâng cấp hệ thống cấp nước thành phố Pleiku, thị xã An Khê, thị xã Ayun Pa, huyện Chư Sê; hệ thống cấp nước tại các thị trấn; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của các huyện, thị xã, thành phố |
6 | Thoát nước và xử lý nước thải thành phố Pleiku |
7 | Xử lý và chôn lấp chất thải rắn tại các đô thị và điểm dân cư nông thôn tập trung; hệ thống xử lý rác thải các thị trấn |
8 | Khu du lịch sinh thái vườn quốc gia Kon Ka Kinh; khu du lịch, khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng |
9 | Kết cấu hạ tầng kinh tế cửa khẩu quốc tế đường 19 |
10 | Nâng cấp bệnh viện Đa khoa Tỉnh và đầu tư khoa ung bướu; nâng cấp trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản; bệnh viện phong và da liễu |
11 | Trường Đại học Gia Lai; Trường Cao đẳng Y tế; Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật |
12 | Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên; nhà hát Tỉnh; công viên văn hóa các dân tộc Gia Lai; di tích Tây Sơn thượng đạo |
13 | Khu liên hợp thể thao và nhà thi đấu đa năng Tỉnh |
14 | Dự án giống cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản; định canh định cư, ... |
15 | Các khu công nghiệp Trà Đa, Tây Pleiku (thành phố Pleiku), Song An (thị xã An Khê), Ia Sao (thị xã Ayun Pa); Chư Sê (huyện Chư Sê) |
16 | Khu công nghiệp cửa khẩu đường 19 (huyện Đức Cơ) |
17 | Cấp điện cho các huyện mới, xã mới |
18 | Hạ tầng thành phố Pleiku, các thị xã An Khê, Ayun Pa và huyện Chư Sê |
19 | Phát triển mạng cáp quang đến tất cả các xã; chương trình phát sóng truyền hình vệ tinh Vinasat |
III | CÁC DỰ ÁN SẢN XUẤT, KINH DOANH KÊU GỌI ĐẦU TƯ |
1 | Dự án giống cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản các huyện, thị xã, Thành phố |
2 | Các dự án chế biến rau quả, tinh bột ngô, tinh bột sắn, hạt điều, dầu thực vật, tiêu trắng, cà phê nhân công nghệ ướt và cà phê hòa tan, mật ong; các nhà máy chế biến gỗ mỹ nghệ, thức ăn gia súc, mủ cao su; súc sản và thuộc da |
3 | Các dự án sản xuất sản phẩm bánh kẹo, đồ hộp thực phẩm, bia nước giải khát Gia Lai |
4 | Các nhà máy sản xuất ván ép HDF, thiết bị dạy học, đồ gỗ nội thất, đồ gia dụng từ mây tre nứa, máy nông nghiệp, máy cày tay, bột trét tường, đồ gia dụng từ nhựa, sản phẩm tiêu dùng từ cao su, phân bón; xử lý rác thải kết hợp sản xuất phân bón |
5 | Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố; nâng cấp, xây dựng hệ thống chợ các huyện, thị xã, Thành phố, Trung tâm hội chợ, triển lãm Tỉnh |
6 | Các khu du lịch khác Phú Cường, Lâm viên Biển hồ, hồ thủy điện An Khê - Ka Nat; các khu du lịch sinh thái hồ Ayun Hạ, hồ Ia Ly, thác Bàu Cạn thôn Tây Hồ |
7 | Khu đô thị mới Trà Đa, khu đô thị quốc lộ 19 - Lê Duẩn và khu dân cư Lê Thánh Tôn (thành phố Pleiku); khu đô thị mới An Tân (thị xã An Khê) |
8 | Các trường phổ thông, chuyên nghiệp, dạy nghề. |
Ghi chú: Về vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng, tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của các công trình, dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động vốn đầu tư của từng giai đoạn./.
Decision No. 319/QD-TTg of March 16, 2012, approving the master plan on socio-economic development of Gia Lai province till 2020
- Số hiệu: 319/QD-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 16/03/2012
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra