THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2545/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2016 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2016-2020
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 với nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu tổng quát
a) Tạo sự chuyển biến rõ rệt về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán.
b) Đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; tạo lập cơ chế hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
c) Thúc đẩy việc sử dụng thanh toán điện tử, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán giữa cá nhân, doanh nghiệp và Chính phủ.
d) Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%.
b) Phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán; nâng dần số lượng, giá trị giao dịch thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ. Đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm.
c) Thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020 (100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng).
d) Tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy Tài chính toàn diện (Financial Inclusion); tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng lên mức ít nhất 70% vào cuối năm 2020.
1. Hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế chính sách
a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt tại các văn bản luật hiện hành (như luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, luật các tổ chức tín dụng, luật phòng chống rửa tiền); hoặc nghiên cứu, xây dựng một luật riêng về các hệ thống thanh toán; qua đó đảm bảo tính bao quát, thống nhất và quản lý toàn diện các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế phù hợp với thực tế Việt Nam dựa trên chuẩn mực, thông lệ quốc tế.
b) Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng tiền mặt, trong đó bao gồm các quy định về các phương tiện, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mới, dịch vụ trung gian thanh toán, tiền điện tử, hoạt động thương mại điện tử; ban hành các quy định về trách nhiệm của tổ chức cung ứng dịch vụ, người sử dụng dịch vụ và bên thứ ba.
c) Ban hành các văn bản pháp lý để quản lý, vận hành, hạn chế rủi ro, giám sát có hiệu quả đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán mới:
- Rà soát, đánh giá cơ chế quản lý hoạt động thanh toán của các tổ chức không phải là ngân hàng, các tổ chức khác tham gia cung ứng dịch vụ xuyên biên giới, các tổ chức thẻ quốc tế.
- Quy định về cơ chế bù trừ ròng đa phương; quy định liên quan đến thỏa thuận bù trừ, quyết toán, cơ chế không hủy ngang, quyết toán dứt điểm và biện pháp phòng ngừa trong trường hợp mất khả năng thanh toán của các hệ thống thanh toán, bao gồm cả Hệ thống thanh toán bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) đang được triển khai xây dựng.
- Quy định về hoạt động của Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS), Hệ thống ACH, hệ thống thanh quyết toán tiền của giao dịch trái phiếu Chính phủ tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, quy định liên quan đến thực hiện chức năng xử lý và quyết toán các giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Ban hành các quy định về/liên quan đến xây dựng, triển khai Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và thực hiện Kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam.
d) Rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và giám sát việc sử dụng vốn vay của khách hàng đúng mục đích.
đ) Ban hành các quy định về hoạt động ủy thác thanh toán, cho phép các tổ chức không phải là ngân hàng tham gia vào việc cung ứng các dịch vụ thanh toán mới, mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán.
e) Xây dựng và ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích thanh toán điện tử:
- Nghiên cứu triển khai một số biện pháp hành chính kết hợp với các biện pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế nhằm phát triển thanh toán điện tử:
+ Nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách để khuyến khích thanh toán điện tử trong việc: Thu, nộp thuế; giao dịch thương mại điện tử; thu phí, lệ phí, thủ tục hành chính; thanh toán cước, phí cho các dịch vụ thường xuyên, định kỳ như: Điện, nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp; triển khai ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử mới; khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và hỗ trợ khách hàng thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử trong quá trình mua bán hàng hóa, dịch vụ, không phân biệt giữa thanh toán bằng tiền mặt với các phương tiện thanh toán điện tử.
+ Ban hành các cơ chế, chính sách thích hợp về phí dịch vụ thanh toán để khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt; quy định mức phí thanh toán chuyển khoản và mức phí nộp, rút tiền mặt tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo hướng tăng mức phí giao dịch tiền mặt và giảm phí thanh toán không dùng tiền mặt; giảm mức phí áp dụng cho các giao dịch thanh toán liên ngân hàng; quy định về cách thức tính phí, cơ cấu phân bổ phí của các tổ chức vận hành các hệ thống thanh toán, đảm bảo mức phí hợp lý, tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, tránh độc quyền.
+ Nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp với việc tăng cường kiểm soát thanh toán, phát hành hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ, chống thất thu thuế; ban hành văn bản quy định về tính pháp lý của chứng từ điện tử, hướng dẫn sử dụng, lưu trữ chứng từ điện tử.
- Rà soát, bổ sung, sửa đổi các văn bản quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán; xem xét bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh phải mở tài khoản thanh toán tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thực hiện các giao dịch thanh toán.
- Ban hành quy định giao dịch mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị lớn (như ô tô, xe máy, tàu thuyền,...) thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
g) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, chính sách về đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật, phòng, chống rửa tiền, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử, đặc biệt là tội phạm và gian lận trong thanh toán thẻ, thanh toán qua ATM, POS, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc và các phương thức thanh toán sử dụng công nghệ cao; tăng cường cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán điện tử quan trọng, các dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ cao; xây dựng và hoàn thiện các biện pháp, cơ chế, chính sách về quản lý rủi ro, chế tài xử lý vi phạm trong thanh toán điện tử.
2. Nâng cấp, mở rộng Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế
a) Hệ thống thanh toán giá trị cao
- Cấu trúc lại Hệ thống IBPS theo hướng chuyển đổi từ mô hình xử lý phân tán sang mô hình xử lý tập trung tại một Trung tâm thanh toán Quốc gia, thực hiện quyết toán liên ngân hàng tập trung qua một tài khoản mở tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Mở rộng, bổ sung chức năng quyết toán các giao dịch thanh toán liên ngân hàng ngoại tệ, chức năng quyết toán tiền của các giao dịch thanh toán trái phiếu Chính phủ, thực hiện chuyển các chức năng này từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện quyết toán bằng tiền ngân hàng trung ương, giảm rủi ro quyết toán.
- Nâng cấp, mở rộng ứng dụng Hệ thống IBPS đáp ứng tốt hơn giao dịch thu, nộp ngân sách nhà nước; hoàn thành mở rộng kết nối hệ thống IBPS với hệ thống thanh toán của Kho bạc Nhà nước.
- Thực hiện quyết toán kết quả bù trừ cho các giao dịch thẻ nội địa và giao dịch thanh toán bán lẻ của hệ thống chuyển mạch thẻ và hệ thống thanh toán bù trừ bán lẻ, các giao dịch thanh toán và chuyển tiền giá trị thấp xuyên biên giới tại Hệ thống IBPS của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Ban hành các quy định và quy trình với đầy đủ công cụ để quản lý các rủi ro tài chính, rủi ro hoạt động và pháp lý của Hệ thống IBPS.
- Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để kết nối song phương hoặc đa phương với các hệ thống thanh toán trong khu vực ASEAN.
b) Hệ thống thanh toán giá trị thấp
- Hiện đại hóa hệ thống thanh toán giá trị thấp, nâng cao chất lượng phục vụ cho các thành viên, tăng tốc độ xử lý và rút ngắn thời gian quyết toán.
- Kết hợp đầu tư nâng cấp, tích hợp đồng thời hệ thống thanh toán giá trị cao và giá trị thấp đảm bảo tiết kiệm chi phí, nguồn lực và hiệu quả vận hành của Hệ thống IBPS.
- Xác định và phân định đối tượng, phạm vi cung ứng dịch vụ thanh toán bù trừ các giao dịch liên ngân hàng giá trị thấp qua Hệ thống IBPS của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hệ thống ACH.
c) Cấu trúc lại mô hình tổ chức và vận hành
Thực hiện lộ trình thích hợp, từng bước chuyển đổi mô hình tổ chức, vận hành và quản lý Hệ thống IBPS theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa cung ứng dịch vụ công tại một đơn vị độc lập dưới sự quản lý trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để đảm bảo tính tự chủ, tăng cường hiệu quả hoạt động và đáp ứng được nhu cầu liên tục đổi mới.
3. Xây dựng, phát triển các hệ thống và dịch vụ thanh toán bán lẻ
a) Tăng cường dịch vụ thanh toán thẻ
- Tiếp tục phát triển (cả về số lượng và chất lượng) kết hợp với sắp xếp hợp lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới POS; phát triển mạng lưới POS dùng chung, thanh toán POS trên thiết bị di động (mPOS); tăng cường chấp nhận thanh toán thẻ trong các giao dịch thanh toán trực tuyến; mở rộng ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học...
- Nghiên cứu, áp dụng các công nghệ thanh toán hiện đại mới với chi phí hợp lý, tốc độ thanh toán nhanh, đơn giản, tiện dụng và chất lượng cao.
- Khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng, thẻ phi vật lý, thẻ không tiếp xúc (để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe buýt, đi taxi, chi trả bảo hiểm xã hội, thu học phí...).
- Nghiên cứu, triển khai một số biện pháp hành chính kết hợp với các biện pháp khuyến khích về lợi ích kinh tế nhằm phát triển thanh toán thẻ tại các điểm bán lẻ hàng hóa, dịch vụ; áp dụng các chế tài xử phạt mạnh hơn đối với vi phạm thu phụ phí thanh toán tại các điểm bán lẻ.
b) Xây dựng, phát triển Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH)
- Hệ thống ACH cung ứng dịch vụ bù trừ cho các giao dịch qua các phương tiện và kênh thanh toán khác nhau, phục vụ nhu cầu thanh toán của nhiều đối tượng như doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan chính phủ; hệ thống xử lý các giao dịch ghi có và ghi nợ trực tiếp, phương tiện thanh toán mới, bù trừ các giao dịch thương mại điện tử và nộp thuế điện tử.
- Hệ thống ACH hoạt động liên tục 24/7, đảm bảo hoàn tất nghĩa vụ giữa các khách hàng theo thời gian thực hoặc gần thời gian thực; là đầu mối kết nối với các hệ thống bán lẻ khác trong khu vực và trên thế giới.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ đối với Hệ thống ACH, đảm bảo vận hành an toàn, hiệu quả, thông suốt phục vụ cho mục tiêu chung của thị trường, phù hợp thông lệ quốc tế.
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt các quy định và quy chế hoạt động của các hệ thống thanh toán bán lẻ quan trọng, trong đó làm rõ chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của hệ thống; cơ chế quản lý rủi ro, giải quyết tranh chấp; hướng dẫn vận hành, biện pháp xử lý khi một thành viên không tuân thủ quy định; trách nhiệm của thành viên hệ thống; biện pháp quản lý; các thông tin cơ bản của tin điện; cơ chế hoạt động liên tục; phí.
c) Hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ của các ngân hàng
Xây dựng, cập nhật, hoàn thiện hệ thống thanh toán nội bộ, hệ thống core banking của các ngân hàng thương mại; đảm bảo kết nối thông suốt và tự động hóa khi kết nối với Hệ thống ACH và Hệ thống IBPS của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển mạnh các phương thức thanh toán điện tử như ngân hàng trực tuyến, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, thanh toán không tiếp xúc và chấp nhận thanh toán không tiếp xúc, thanh toán không tiếp xúc trên di động, thanh toán trường gần (NFC) trên di động, thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ đám mây, thanh toán số và thương mại dựa trên thiết bị điện tử; áp dụng các biện pháp an ninh, bảo mật mới, tiên tiến phù hợp với xu hướng thanh toán trên thế giới, đảm bảo thanh toán nhanh chóng, an ninh an toàn, tiện lợi và có chi phí hợp lý.
d) Phát triển thanh toán điện tử phục vụ thương mại điện tử
- Hoàn thiện, tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị để đáp ứng tốt hơn yêu cầu thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, tại các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến.
- Khuyến khích sử dụng các thiết bị điện tử để thanh toán hàng hóa, dịch vụ trên các kênh thanh toán điện tử khác nhau.
- Triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng dịch vụ thương mại điện tử, tạo lập nền tảng cho phát triển các dịch vụ thanh toán điện tử.
- Khuyến khích cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ của Hệ thống ACH để thanh toán các loại cước, phí định kỳ, thanh toán trong hoạt động thương mại điện tử.
đ) Phát triển, sắp xếp phù hợp mạng lưới máy giao dịch tự động (ATM)
- Nghiên cứu xây dựng, thực hiện quy hoạch lại mạng lưới ATM tại Việt Nam, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường.
- Yêu cầu và giám sát các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thường xuyên duy trì và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ ATM, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, bảo mật trong giao dịch ATM, làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ lợi ích của khách hàng.
- Tiếp tục đầu tư và mở rộng mạng lưới ATM tới khu vực có đủ điều kiện; nghiên cứu ứng dụng một số loại máy mới tương tự như ATM nhằm tạo thuận lợi cho người dân với chi phí đầu tư hợp lý.
e) Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn
- Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn (thanh toán qua điện thoại di động, thiết bị kỹ thuật số...) nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo và cả đối với những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, trên cơ sở sử dụng mạng lưới sẵn có của các tổ chức tín dụng, mạng lưới bưu điện, mạng lưới của các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, một số tổ chức không phải ngân hàng khác, gắn với việc xây dựng chương trình; kế hoạch triển khai thúc đẩy Tài chính Toàn diện tại Việt Nam.
- Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng (KYC) hiện đại, bằng phương thức điện tử phù hợp với địa bàn nông thôn để thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán bán lẻ.
4. Đẩy mạnh thanh toán điện tử trong khu vực Chính phủ, dịch vụ hành chính công
- Hoàn thiện, tăng cường kết nối xử lý giải pháp trao đổi thông tin dữ liệu giữa các cơ quan trong ngành Tài chính (Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan) với hệ thống ngân hàng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử; nhất là thu, nộp thuế điện tử để hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân thực hiện đa dạng, linh hoạt các dịch vụ thanh toán điện tử trong việc thu, nộp thuế điện tử.
- Triển khai lắp đặt thiết bị POS, mPOS, ứng dụng phương thức thanh toán điện tử tiên tiến đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công để thực hiện việc thu phí, lệ phí các thủ tục hành chính, dịch vụ công, y tế, giáo dục, giao thông và các dịch vụ công khác.
- Phát triển và ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán điện tử phục vụ chi tiêu công vụ của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước.
- Tăng tỷ lệ chi trả trợ cấp xã hội, lương hưu thông qua các phương tiện thanh toán điện tử, tài khoản thanh toán cho các đối tượng thụ hưởng, kết hợp với mở rộng các điểm tiếp cận tiền mặt (bưu điện, đại lý) và các hình thức thanh toán mới, hiện đại, tiện lợi, có chi phí hợp lý.
- Tiếp tục mở rộng triển khai việc trả lương, thu nhập qua tài khoản; có các biện pháp vận động, khuyến khích để cán bộ, công chức, người lao động tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản (thực hiện chuyển khoản trực tiếp trên máy ATM, sử dụng thanh toán qua POS, sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại khác).
5. Đổi mới Hệ thống bù trừ và quyết toán chứng khoán
- Chuyển chức năng quyết toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tổ chức lại hệ thống quyết toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ được thực hiện thông qua kết nối trực tiếp giữa Hệ thống bù trừ của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) và Hệ thống IBPS của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm đảm bảo theo nguyên tắc chuyển giao chứng khoán đồng thời với thanh toán tiền (DvP).
- Thiết lập hệ thống quản lý tập trung các giấy tờ có giá ký quỹ cho các thành viên tham gia (bao gồm cả hệ thống bù trừ các giao dịch thanh toán bán lẻ, hệ thống bù trừ và thanh quyết toán chứng khoán, thị trường tiền tệ liên ngân hàng) tạo điều kiện cho các thành viên tiết kiệm chi phí, sử dụng hiệu quả và linh hoạt nguồn thanh khoản.
- Nghiên cứu, đề xuất mô hình phù hợp để quyết toán tiền giao dịch các loại chứng khoán khác (cổ phiếu và trái phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán) nhằm giảm thiểu rủi ro quyết toán, tiến tới xem xét khả năng chuyển chức năng quyết toán tiền cho các giao dịch chứng khoán này từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
6. Đổi mới hệ thống thanh quyết toán trên thị trường tiền tệ và ngoại tệ liên ngân hàng
- Nghiên cứu, đánh giá nghiệp vụ, quy trình quyết toán của thị trường tiền tệ liên ngân hàng hiện nay để có cơ chế, biện pháp nâng cao hiệu quả quyết toán, tăng cường hiệu quả của thị trường, bao gồm các khuôn khổ pháp lý, giám sát đối với các nghiệp vụ mua bán lại (repo) và cho vay chứng khoán.
- Đánh giá hệ thống thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng của ngân hàng thương mại hiện nay, nghiên cứu, lựa chọn mô hình xử lý, bù trừ và quyết toán các giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đảm bảo theo cơ chế thanh toán ngoại tệ đồng thời với thanh toán tiền đồng (PvP) theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế tốt nhất để giảm thiểu rủi ro cho thị trường tài chính.
7. Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động thanh toán và chuyển tiền quốc tế
- Nghiên cứu, đánh giá cơ chế quản lý dịch vụ chuyển tiền quốc tế tại Việt Nam hiện nay theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) về các nguyên tắc chung đối với các dịch vụ chuyển tiền quốc tế; trong đó bao gồm việc rà soát và xây dựng cơ chế bảo vệ người tiêu dùng và giải quyết tranh chấp đảm bảo tính rõ ràng và thống nhất.
- Nghiên cứu giải pháp thiết lập cơ sở hạ tầng thanh toán hiệu quả cho dịch vụ chuyển tiền kiều hối; tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử và đổi mới cho chuyển tiền kiều hối để tăng sự tiện lợi và giảm chi phí cho người nhận kiều hối.
- Nghiên cứu quy định quản lý đối với dịch vụ chuyển tiền quốc tế đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ trên thị trường (giữa các ngân hàng, giữa ngân hàng và các tổ chức chuyển tiền khác).
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện giám sát các tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển tiền tại Việt Nam, bao gồm tổ chức chuyển tiền quốc tế, các đại lý, ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính vi mô, cũng như các tổ chức có thể tham gia thị trường trong tương lai.
8. Giám sát và áp dụng các tiêu chuẩn cho các hệ thống thanh toán theo các tiêu chí và chuẩn mực quốc tế
a) Tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và sự tin cậy đối với các hệ thống thanh toán
- Tổ chức triển khai Chiến lược giám sát các hệ thống thanh toán tại Việt Nam đến năm 2020; tăng cường hoạt động giám sát đối với các hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc giám sát quốc tế.
- Tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế, như Hệ thống IBPS, hệ thống chuyển mạch thẻ, Hệ thống ACH, hệ thống thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng, hệ thống thanh toán chứng khoán; các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, thanh toán quốc tế; các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới.
- Thúc đẩy áp dụng các chuẩn mực mới về giám sát hạ tầng thị trường tài chính và các hệ thống thanh toán quan trọng trong nền kinh tế, các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, thanh toán quốc tế, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới.
- Tăng cường đào tạo cán bộ giám sát thanh toán, nâng cao năng lực giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với các hệ thống thanh toán quan trọng, các dịch vụ, phương tiện thanh toán mới.
b) Nghiên cứu, áp dụng các loại tiêu chuẩn, ISO theo thông lệ quốc tế, trong đó:
- Nghiên cứu, áp dụng chuẩn tin điện tài chính quốc tế ISO 20022 đối với một số hệ thống thanh toán quan trọng tại Việt Nam (như Hệ thống IBPS, Hệ thống ACH và các hệ thống thanh toán quan trọng khác...) ngay từ khi đầu tư, nâng cấp hệ thống mới nhằm tăng cường sự kết nối liên thông giữa các hệ thống thanh toán, trao đổi dữ liệu điện tử giữa các cơ quan, tổ chức liên quan; tạo thuận lợi cho việc kết nối với các hệ thống thanh toán khác trong khu vực và trên thế giới; giảm thiểu chi phí kinh doanh, hạn chế rủi ro tác nghiệp và hoạt động.
- Hoàn thành xây dựng chuẩn thẻ chip nội địa, cập nhật những thành tựu công nghệ thanh toán thẻ mới và thực hiện kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam, đạt được mục tiêu đề ra nhằm đảm bảo thống nhất việc quản lý, định hướng kỹ thuật đối với hoạt động thanh toán thẻ; đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán thẻ; tạo thuận lợi kết nối với các hệ thống thanh toán khác; và phát triển nhiều dịch vụ giá trị gia tăng trên thẻ.
- Thúc đẩy việc kết nối liên thông và tiêu chuẩn hóa trong lĩnh vực thanh toán; áp dụng các thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất cho một số phương tiện và hệ thống thanh toán. Nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật thanh toán thế hệ mới, tiên tiến nhằm tăng tính hiệu quả và tốc độ thanh toán cho các hệ thống thanh toán Việt Nam, tăng cường các biện pháp an ninh, an toàn, bảo mật đối với hệ thống thanh toán bán lẻ tại Việt Nam.
9. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt
a) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt
- Phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương, tận dụng các phương tiện thông tin, báo chí trong ngành ngân hàng để tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, đào tạo, hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt đến người dân, doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.
- Tăng cường đào tạo cho cán bộ, nhân viên của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán để có kỹ năng hướng dẫn khách hàng hiểu và sử dụng các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
- Đưa các nội dung, kiến thức cơ bản về thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mới vào chương trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo về kinh tế, tài chính, ngân hàng...
- Phối hợp với các tổ chức liên quan xây dựng và thực hiện các chương trình phù hợp, hiệu quả để phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính, kỹ năng tài chính cho các tổ chức/cá nhân có liên quan, kể cả người cao tuổi, người dân ở vùng nông thôn; thực hiện chương trình tiếp thị, phổ biến các kinh nghiệm, sáng kiến tốt trên thế giới, cung cấp tư vấn, các chương trình quản lý rủi ro... để tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
- Xây dựng và áp dụng các hình thức thi đua, khen thưởng, vinh danh, xếp hạng, đánh giá doanh nghiệp bán lẻ để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt; vận động các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán, các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ có các hình thức khuyến khích như miễn giảm phí, chiết khấu, khuyến mãi, tích điểm, quay xổ số, bốc thăm trúng thưởng... đối với người tiêu dùng.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu chung với ngôn ngữ dễ hiểu, đảm bảo nội dung chính xác, tin cậy, trung lập, được cập nhật thường xuyên để sử dụng trong các hoạt động phổ biến kiến thức, giáo dục cộng đồng về thanh toán không dùng tiền mặt.
- Sử dụng mạng xã hội (facebook, fanpage, ...), các điểm bưu điện - văn hóa xã... tại các khu vực nông thôn, miền núi để tuyên truyền, phổ biến kiến thức, hướng dẫn về thanh toán không dùng tiền mặt.
b) Bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt
- Tiến hành phân tích, đánh giá những rủi ro, những tồn tại, bất cập cơ bản trong việc bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là đối với khách hàng thu nhập thấp ở khu vực nông thôn.
- Hoàn thiện khuôn khổ giám sát, tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, học hỏi và áp dụng những tập quán quốc tế tốt nhất về bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; nghiên cứu, ban hành các quy định về bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Xây dựng kênh tiếp nhận, xử lý thông tin trực tuyến để người dân có thể phản ánh, cập nhật các hành vi tội phạm như gian lận, giả mạo, lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và xử lý khi bị lợi dụng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
- Thiết lập các chương trình phổ biến kiến thức về các hành vi lừa đảo, biện pháp nhận biết rủi ro, cách phòng tránh và xử lý khi bị lợi dụng trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.
- Ban hành chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm như tổ chức thực hiện chuyển tiền, thanh toán cho những hoạt động bất hợp pháp.
- Ban hành các quy định tạo lập thị trường cạnh tranh bình đẳng, chống độc quyền đối với các hệ thống thanh toán thẻ nội địa và quốc tế, bao gồm cả các chính sách quy định cách thức tính phí, cơ cấu phân bổ phí của các tổ chức vận hành đảm bảo mức phí thu của khách hàng phản ảnh đúng chi phí hợp lý.
10. Tăng cường cơ chế phối hợp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
a) Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
- Tăng cường hoạt động hiệu quả của Hội đồng Thanh toán và Công nghệ như một diễn đàn hợp tác giữa các bên liên quan để thảo luận, tư vấn và thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng thanh toán quốc gia, phương tiện thanh toán và dịch vụ thanh toán điện tử.
- Ban hành, triển khai thực hiện có hiệu quả các thỏa thuận, biên bản hợp tác, phối hợp song phương hoặc đa phương giữa các bộ, ngành liên quan để đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử, nhất là trong việc thu, nộp ngân sách Nhà nước, xây dựng và ban hành các đề án, chính sách, chương trình thúc đẩy phát triển thanh toán điện tử tại các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ nhằm thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.
- Ban hành và thực hiện các thỏa thuận hợp tác giám sát giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để giám sát hiệu quả các hệ thống bù trừ và quyết toán chứng khoán.
- Xây dựng các dự án hỗ trợ kỹ thuật, chương trình tín dụng về tài chính toàn diện; chương trình, kế hoạch triển khai thúc đẩy các hoạt động về tài chính toàn diện, trong đó có tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn.
b) Triển khai các hoạt động hội nhập trong lĩnh vực thanh toán
- Tích cực, chủ động và mở rộng hội nhập quốc tế trong lĩnh vực thanh toán theo lộ trình và bước đi phù hợp; tích cực tham gia vào các hoạt động của các định chế tài chính - tiền tệ, các diễn đàn về thanh toán khu vực và quốc tế; tập trung triển khai các cam kết hội nhập đã ký liên quan đến lĩnh vực thanh toán.
- Khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực dưới hình thức hỗ trợ tài chính, kỹ thuật, tư vấn chính sách, hỗ trợ đào tạo và tăng cường năng lực từ các đối tác song phương, đa phương để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và công nghệ thanh toán.
- Chủ động nghiên cứu các mô hình, phương tiện, hình thức thanh toán mới trên thế giới, áp dụng hiệu quả vào Việt Nam.
- Tiếp tục thiết lập và củng cố các cơ chế đối ngoại song phương về lĩnh vực thanh toán với các đối tác chiến lược và đối tác quan trọng khác; nghiên cứu gia nhập tổ chức, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện, thanh toán.
- Tích cực tham gia vào thảo luận các luật lệ và chuẩn mực quốc tế về hoạt động thanh toán, đặc biệt là Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS); tiếp tục mở rộng hội nhập trong các lĩnh vực ưu tiên về hệ thống thanh toán, từng bước tiếp cận các chuẩn mực chung và các thông lệ quốc tế.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, phối hợp ban hành các thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa Việt Nam với các quốc gia liên quan để tăng cường phát triển, quản lý, giám sát hoạt động thanh toán nội địa và xuyên biên giới.
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ các nguồn: Ngân sách nhà nước; vay ưu đãi, tài trợ của các tổ chức quốc tế và trong nước; kinh phí của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và các nguồn vốn hợp pháp khác. Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương sử dụng dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện các nội dung của Đề án.
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai, theo dõi thực hiện các giải pháp trong Đề án, hàng năm tổng hợp tình hình triển khai và đề xuất các giải pháp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tổ chức tổng kết vào cuối năm 2020; chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực của mình phụ trách.
2. Các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào các chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Chịu trách nhiệm triển khai kịp thời và hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án này; lồng ghép các nội dung về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Bộ, ngành mình.
- Tổ chức triển khai các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu thực hiện Đề án ban hành kèm theo Quyết định này.
- Trước ngày 15 tháng 12 hàng năm có báo cáo các kết quả thực hiện gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
TRIỂN KHAI MỘT SỐ NHIỆM VỤ CHỦ YẾU THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT TẠI VIỆT NAM GIAI ĐOẠN 2016-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ)
STT | Nội dung công việc | Đơn vị chủ trì | Đơn vị phối hợp | Thời gian thực hiện |
1 | Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số điều khoản liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt tại các văn bản Luật hiện hành (như Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật các tổ chức tín dụng, Luật phòng chống rửa tiền...) hoặc xây dựng một luật riêng về các hệ thống thanh toán | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Tư pháp, các bộ, ngành liên quan | 2017-2020 |
2 | Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán bằng tiền mặt, các văn bản hướng dẫn về thanh toán | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | 2016-2020 |
3 | Ban hành các văn bản pháp lý để quản lý, vận hành, hạn chế rủi ro, giám sát có hiệu quả đối với các loại hình, phương tiện, hệ thống thanh toán mới | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan | 2016-2020 |
4 | Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định việc sử dụng các phương tiện thanh toán để giải ngân vốn vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Các đơn vị liên quan | 2016-2017 |
5 | Ban hành các quy định về hoạt động ủy thác thanh toán cho phép các tổ chức không phải là ngân hàng tham gia vào việc cung ứng các dịch vụ thanh toán | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Các đơn vị liên quan | 2016-2017 |
6 | Ban hành quy định giao dịch mua bán bất động sản và những tài sản có giá trị lớn thực hiện thanh toán qua ngân hàng | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan | 2017-2020 |
7 | Nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở bán lẻ hàng hóa, dịch vụ chấp nhận và sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử; khuyến khích thanh toán điện tử trong thương mại điện tử khách hàng và chấp nhận thanh toán điện tử | Bộ Công Thương | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | 2017-2019 |
8 | Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về an ninh, an toàn, phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thanh toán điện tử | Bộ Công an | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành, đơn vị liên quan | 2016-2020 |
9 | Nâng cấp, mở rộng, cấu trúc lại mô hình tổ chức và vận hành Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, các bộ, ngành, đơn vị liên quan | 2016-2020 |
10 | Phát triển thanh toán thẻ ngân hàng qua POS/Thiết bị chấp nhận thẻ | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | 2016-2020 |
11 | Xây dựng Hệ thống bù trừ điện tử tự động cho các giao dịch thanh toán bán lẻ (ACH) tại Việt Nam | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Công Thương, các bộ, ngành, đơn vị liên quan | 2016-2020 |
12 | Hoàn thiện, tăng cường kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của các đơn vị khác thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, tại các điểm bán lẻ và thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ trực tuyến | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị liên quan | 2016-2020 |
13 | Phát triển, ứng dụng các phương tiện và mô hình thanh toán/chuyển tiền hiện đại, dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn gắn với xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thúc đẩy các hoạt động về tài chính toàn diện tại Việt Nam | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | 2016-2020 |
14 | Hoàn thiện kết nối giữa hạ tầng thanh toán điện tử của ngân hàng với hạ tầng của các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước bằng phương thức điện tử | Bộ Tài chính | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các đơn vị liên quan | 2016-2020 |
15 | Chuyển chức năng quyết toán tiền giao dịch trái phiếu Chính phủ từ ngân hàng thương mại sang Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Tài chính | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các đơn vị liên quan | 2016-2017 |
16 | Nghiên cứu, lựa chọn mô hình xử lý, bù trừ và quyết toán các giao dịch ngoại tệ liên ngân hàng tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Các đơn vị liên quan | 2017-2020 |
17 | Xây dựng Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa và thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành, đơn vị liên quan | 2016-2020 |
18 | Thông tin, tuyên truyền về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị liên quan | 2016-2020 |
19 | Đánh giá, hoàn thiện khuôn khổ giám sát, pháp lý, tăng cường phối hợp trong việc bảo vệ người tiêu dùng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Công Thương, các bộ, ngành, đơn vị liên quan | 2017-2020 |
20 | Hợp tác quốc tế để nhận hỗ trợ về kỹ thuật, tư vấn, kinh nghiệm và tài chính | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính | 2016 - 2020 |
21 | Xây dựng kế hoạch triển khai hoặc lồng ghép các nội dung về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt vào các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bộ, ngành mình | Các bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương | Ngân hàng Nhà nước Việt Nam | 2017-2020 |
- 1Circular No. 12/2017/TT-NHNN dated August 31, 2017
- 2Decision No. 2453/QD-TTg of December 27, 2011, approving the scheme to step up non-cash payment in Vietnam -period 2011 – 2015
- 3Decision No. 291/2006/QD-TTg of the Prime Minister of Government, approving the scheme on non-cash payment in Vietnam in the 2006-2010 period and orientations to 2020
- 1Circular No. 12/2017/TT-NHNN dated August 31, 2017
- 2Law No. 76/2015/QH13 dated June 19, 2015, Organizing The Government
- 3Law No. 07/2012/QH13 of June 18, 2012. prevention of money laundering
- 4Decision No. 2453/QD-TTg of December 27, 2011, approving the scheme to step up non-cash payment in Vietnam -period 2011 – 2015
- 5Law No. 46/2010/QH12 of June 16, 2010, on the State Bank of Vietnam
- 6Law No. 47/2010/QH12 of June 16, 2010, on credit institutions
Decision No. 2545/QD-TTg dated December 30, 2016,
- Số hiệu: 2545/QD-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/12/2016
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Vương Đình Huệ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/12/2016
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết