- 1Decision No. 56/2007/QD-TTg of May 23, 2007 approving the program on The Development of Vietnam’s digital content industry to 2010
- 2Decision No. 51/2007/QD-TTg of April 12, 2007 approving the up-to-2010 program o n development of Vietnam''s Software Industry
- 3Decision No. 75/2007/QD-TTg of May 28, 2007, approving the master plan on development of Vietnam''s electronics industry up to 2010, with a vision toward 2020.
- 4Decision No. 43/2008/QD-TTg of March 24, 2008, approving the 2008 plan on information technology application to operations of state agencies.
- 5Decision No. 48/2009/QD-TTg of March 31, 2009, approving the plan on information technology application in state agencies'' operations during 2009-2010
- 6Decision No. 698/QD-TTg of June 1, 2009, approving the overall plan on development of information technology human resources up to 2015 and orientations toward 2020.
- 7Decision No. 1605/QD-TTg of August 27, 2010, approving the national program on application of information technology to operations of state agencies during 2011-2015
- 1Law No. 32/2001/QH10 of December 25, 2001 on organization of the Government
- 2Law No. 67/2006/QH11 of June 29, 2006 on information technology
- 3Law No. 21/2008/QH12 of November 13, 2008, on high technologies
- 4Law No. 41/2009/QH12 of November 23, 2009, on telecommunications
- 5Law No. 42/2009/QH12 of November 23, 2009, on radio frequencies
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1755/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 22 tháng 09 năm 2010 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ĐƯA VIỆT NAM SỚM TRỞ THÀNH NƯỚC MẠNH VỀ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Công nghệ cao ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17 tháng 10 năm 2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
Căn cứ Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP và xuất khẩu; thiết lập hạ tầng viễn thông băng rộng trên phạm vi cả nước; ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Công nghệ thông tin và truyền thông là động lực quan trọng góp phần bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước, nâng cao tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan nhà nước, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt từ 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên. Đến năm 2020, tỷ trọng công nghệ thông tin và truyền thông đóng góp vào GDP đạt từ 8 - 10%.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Về nguồn nhân lực công nghệ thông tin
Đến năm 2015: 30% số lượng sinh viên công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông sau khi tốt nghiệp ở các trường đại học có đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để có thể tham gia thị trường lao động quốc tế. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt trên 50%.
Đến năm 2020: 80% sinh viên công nghệ thông tin và truyền thông tốt nghiệp ở các trường đại học đủ khả năng chuyên môn và ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế. Tổng số nhân lực tham gia hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin đạt 1 triệu người, trong đó bao gồm nhân lực hoạt động trong nước và nhân lực tham gia xuất khẩu. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt trên 70%.
b) Về công nghiệp công nghệ thông tin
Đến năm 2015: các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực thiết kế, sản xuất thiết bị, thay thế dần các chi tiết nhập khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu chế tạo vi mạch tích hợp, làm chủ thiết kế và sản xuất được một số sản phẩm phần cứng công nghệ thông tin và truyền thông mang thương hiệu Việt Nam, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việt Nam nằm trong số 15 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. Quy mô và tính chuyên nghiệp của các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam được nâng cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội địa. Hình thành được một số sản phẩm phần cứng, phần mềm, nội dung số mang thương hiệu Việt Nam phục vụ thị trường trong nước, hướng tới xuất khẩu.
Đến năm 2020: hình thành được các tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông mạnh, đặc biệt là các tổ chức nghiên cứu và phát triển công nghệ của doanh nghiệp, đủ năng lực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới có công nghệ cao. Công nghiệp phần mềm và dịch vụ gia công của Việt Nam phát triển mạnh mẽ, Việt Nam nằm trong số 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số. Các doanh nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam làm chủ thị trường trong nước và tham gia xuất khẩu. Nhiều sản phẩm, giải pháp phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin của Nhà nước và doanh nghiệp do Việt Nam nghiên cứu, phát triển hoặc bản địa hóa từ các phần mềm tự do mã nguồn mở.
Công nghiệp công nghệ thông tin, đặc biệt là công nghiệp phần mềm và dịch vụ trên nền công nghệ thông tin trở thành một ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong các ngành kinh tế - kỹ thuật và chiếm tỷ trọng cao trong GDP.
c) Về hạ tầng viễn thông băng rộng
Đến năm 2015: cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet đến tất cả các trường học; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư; Việt Nam nằm trong số 65 nước trong bảng xếp hạng của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).
Đến năm 2020: hoàn thiện mạng băng rộng đến hầu hết số thôn, bản; phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 95% dân cư; Việt Nam nằm trong số 55 nước trong bảng xếp hạng của ITU (thuộc nhóm 1/3 nước dẫn đầu).
d) Về phổ cập thông tin
Đến năm 2011: hầu hết các hộ gia đình có máy điện thoại.
Đến năm 2015: 20 - 30% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập Internet băng rộng; trên 90% số hộ có máy thu hình, trong đó 80% xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.
Đến năm 2020: hầu hết các hộ gia đình trên cả nước sử dụng các dịch vụ số; 50 - 60% số hộ gia đình trên cả nước có máy tính và truy cập Internet băng rộng, trong đó 25 - 30% truy nhập băng rộng sử dụng cáp quang; hầu hết các hộ gia đình có máy thu hình xem được truyền hình số bằng các phương thức khác nhau.
đ) Về ứng dụng công nghệ thông tin
Đến năm 2015: cung cấp hầu hết các dịch vụ công cơ bản trực tuyến tới người dân và doanh nghiệp mức độ 2 và 3 (nhận mẫu hồ sơ trên mạng và trao đổi thông tin, gửi, nhận hồ sơ qua mạng). 80% doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh. Phổ cập ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống giáo dục, y tế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quốc phòng, an ninh.
Bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, bao gồm: ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông đô thị, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dự báo thời tiết,…
Đến năm 2020: Chính phủ điện tử Việt Nam thuộc loại khá trên thế giới. Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 nước dẫn đầu trong bảng xếp hạng của Liên hiệp quốc về mức độ sẵn sàng Chính phủ điện tử. Hầu hết các dịch vụ công cơ bản được cung cấp trên mạng cho người dân và doanh nghiệp ở mức độ 4 (thanh toán phí dịch vụ, nhận kết quả dịch vụ qua mạng). 100% các ngành công nghiệp then chốt của đất nước, các doanh nghiệp và tổ chức xã hội ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh.
e) Về xây dựng doanh nghiệp và phát triển thị trường công nghệ thông tin và truyền thông
Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam như Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Quốc gia Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC), Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần tập đoàn CMC… trên cả hai lĩnh vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp. Hình thành Tập đoàn Truyền thông đa phương tiện Việt Nam (VTC).
Hỗ trợ, khuyến khích việc ra đời của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông vừa và nhỏ, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông lớn, kinh doanh hiệu quả, năng lực cạnh tranh cao, trở thành các tập đoàn kinh tế mạnh, từng bước mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới, hình thành thương hiệu “Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam”.
Đến năm 2015: phát triển các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ thông tin đạt trình độ, quy mô khu vực ASEAN, có các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế, trong đó một số doanh nghiệp có tổng doanh thu đạt trên 10 tỷ USD.
Đến năm 2020: nhiều doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ thông tin của Việt Nam hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, đạt trình độ, quy mô thế giới, trong đó một số doanh nghiệp có tổng doanh thu đạt trên 15 tỷ USD.
1. Tăng tốc phát triển công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam trên cơ sở bảo đảm tính kế thừa, tận dụng những thành tựu, kết quả đã có, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, song cần có những đột phá trong phát triển với những mục tiêu cao hơn, tốc độ nhanh hơn.
2. Phát triển hợp lý cả chiều rộng và chiều sâu, số lượng và chất lượng trên cơ sở phát huy nội lực, tận dụng tri thức và các nguồn lực quốc tế.
3. Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, đồng thời thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài nước và toàn xã hội tham gia đầu tư phát triển.
4. Áp dụng mức ưu tiên, ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật dành cho công nghệ cao, công tác nghiên cứu, đào tạo về khoa học và công nghệ cho các khu công nghệ thông tin tập trung, các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.
Nhiệm vụ 1: Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin
1. Ưu tiên nguồn lực để triển khai Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 theo Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Tăng cường khả năng thông tin, dự báo và định hướng phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam theo nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
3. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, tạo cơ chế đặc thù để tăng quyền tự chủ cho một số cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm về công nghệ thông tin đạt trình độ quốc tế. Đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, các chuyên gia tư vấn, phân tích thiết kế, xây dựng và quản lý hệ thống công nghệ thông tin.
4. Tăng cường đào tạo kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong xã hội, góp phần nâng cao dân trí.
5. Khuyến khích việc giảng dạy bằng tiếng Anh đối với các sinh viên công nghệ thông tin trong các trường đại học.
6. Mở rộng loại hình đào tạo trực tuyến trên cơ sở hạ tầng viễn thông băng rộng.
Nhiệm vụ 2: Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin
1. Ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình phát triển công nghiệp phần mềm, nội dung số và phần cứng, điện tử theo các Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg, số 56/2007/QĐ-TTg, số 50/2009/QĐ-TTg và số 75/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời chú trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ trên nền công nghệ thông tin.
2. Tăng cường các nguồn vốn đầu tư cho công nghiệp công nghệ thông tin; ưu tiên bố trí kinh phí trong chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, nhất là đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ, sản phẩm mới, các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
3. Ưu tiên đầu tư hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam; xây dựng thương hiệu Việt Nam về công nghệ thông tin; ưu tiên bố trí kinh phí trong chương trình xúc tiến thương mại hằng năm để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông quảng bá, xúc tiến thương mại, chiếm lĩnh thị trường trong nước, mở rộng thị trường ra nước ngoài.
4. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung, các vườn ươm doanh nghiệp và các trung tâm cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin cho thị trường trong nước và thế giới.
5. Xây dựng cơ chế để ưu tiên cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông chủ đạo của Việt Nam làm tổng thầu các dự án công nghệ thông tin và truyền thông lớn dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
6. Nâng cao năng lực nghiên cứu sáng tạo, đào tạo nhân lực bậc cao có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin trong các ngành công nghiệp.
7. Khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông chủ đạo tăng cường đầu tư cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin để tăng tỷ trọng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trong tổng doanh thu của các doanh nghiệp.
8. Xây dựng và triển khai các chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin giai đoạn 2011 - 2020, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý và các cơ chế chính sách mang tính đột phá cho phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.
Nhiệm vụ 3: Tiếp tục phát triển và hoàn thiện hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin
1. Hoàn thiện hạ tầng viễn thông băng rộng
Tận dụng cơ sở hạ tầng hiện có, xây dựng và mở rộng mạng băng rộng đến các xã, phường, thôn, bản trên cả nước phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân và công tác chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước.
Phát triển các điểm truy cập công cộng tại các địa điểm thích hợp với từng địa phương, cơ sở như: các trường học, nhà văn hóa xã, đồn biên phòng, điểm bưu điện - văn hóa xã và các trung tâm giáo dục cộng đồng,… để lắp đặt thiết bị nhằm thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho người dân có thể khai thác, sử dụng có hiệu quả các dịch vụ điện thoại cố định và truy cập Internet.
Thực hiện cáp quang hóa và ngầm hóa các đường cáp để bảo đảm chất lượng dịch vụ và mỹ quan đô thị, đặc biệt là dọc các tuyến đường, phố chính tại các trung tâm đô thị lớn.
Thực hiện lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất. Tiếp tục mở rộng băng thông Internet trong nước và quốc tế thỏa mãn nhu cầu của xã hội: triển khai mạng thông tin di động 3G và các thế hệ tiếp theo, phóng thêm các vệ tinh Vinasat mới, đầu tư nâng cấp và xây dựng các tuyến cáp quang mặt đất và cáp quang biển mới…
2. Tiếp tục hoàn thiện mạng viễn thông dùng riêng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước
Tiếp tục triển khai xây dựng mạng viễn thông dùng riêng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước đến cấp xã, phường nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin và kết nối thông suốt phục vụ phát triển mọi dịch vụ theo yêu cầu.
3. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ phát triển Chính phủ điện tử.
4. Xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin số quốc gia.
Triển khai xây dựng Trung tâm kỹ thuật an toàn mạng quốc gia; nghiên cứu và triển khai: hệ thống đánh giá, kiểm định an toàn thông tin quốc gia, hệ thống cảnh báo, phát hiện và phòng chống tội phạm trên mạng, hệ thống xác thực, bảo mật cho các hệ thống thông tin Chính phủ; tăng cường đào tạo chuyên gia an toàn thông tin cho cơ quan Chính phủ và hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia.
Nhiệm vụ 4: Xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phù hợp để phổ cập thông tin đến các hộ gia đình
Mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích và sử dụng nguồn kinh phí đấu giá tần số để hỗ trợ một phần kinh phí trang bị các thiết bị thông tin số cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu thông tin, tuyên truyền của Đảng, Nhà nước;
Nghiên cứu, phát triển và hỗ trợ các thiết bị thông tin số phục vụ khả năng tiếp cận thông tin cho người cao tuổi và người khuyết tật.
Nhiệm vụ 5: Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và xã hội
1. Tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước và trong doanh nghiệp theo các Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg, số 48/2009/QĐ-TTg, số 1605/QĐ-TTg ngày 27 tháng 8 năm 2010 và số 191/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
2. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước bảo đảm việc chỉ đạo điều hành thông suốt từ Trung ương đến các quận, huyện, xã, phường trên toàn quốc:
- Bảo đảm hạ tầng kỹ thuật và an toàn thông tin phục vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, bao gồm phần cứng, phần mềm, các cơ sở dữ liệu, các giải pháp an toàn bảo mật, chú trọng đào tạo cán bộ công chức để sử dụng hiệu quả các thiết bị, hệ thống đã được đầu tư.
- Trên cơ sở đánh giá lựa chọn những mô hình ứng dụng công nghệ thông tin điển hình cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cấp quận, huyện tại các địa phương đã đạt kết quả tốt, tiếp tục phổ biến mô hình thành công để triển khai nhân rộng trên cả nước.
- Triển khai hệ thống quản lý văn bản tích hợp trên toàn quốc phục vụ việc chỉ đạo điều hành thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
3. Triển khai các chương trình, đề án, dự án và các cơ chế chính sách đẩy mạnh đầu tư ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong doanh nghiệp.
4. Triển khai các đề án, dự án nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội, xây dựng mạng xã hội Việt Nam.
Nhiệm vụ 6: Tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới
1. Nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển về công nghệ thông tin của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và của các doanh nghiệp; xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm dùng chung trên cả nước về công nghệ chip, công nghệ cảm biến, phần mềm lõi, phần mềm nguồn mở, phần mềm nhúng, nội dung số, xử lý tiếng Việt, an toàn thông tin.
2. Nhà nước ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, mua hoặc chuyển giao công nghệ mới nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu cao như các thiết bị thông minh, các phần mềm nhúng, các thiết bị tiết kiệm điện … Có cơ chế hỗ trợ, đầu tư cho các doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam tham gia nghiên cứu và phát triển, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Sản xuất, lắp ráp các thiết bị đầu cuối phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu thị trường ở Việt Nam.
1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các hội nghị, hội thảo để nâng cao nhận thức cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông và người dân về các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ của Đề án để thống nhất hành động.
Đồng thời, cần nâng cao văn hóa khai thác và sử dụng công nghệ thông tin từ gia đình đến nhà trường, xã hội nhằm hướng tới các ứng dụng lành mạnh, thiết thực, hiệu quả, góp phần hình thành xã hội văn minh, bảo đảm an toàn, an ninh cho mọi người sử dụng công nghệ thông tin.
2. Tích cực xã hội hóa đầu tư cho công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng.
Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia xây dựng, phát triển và khai thác hạ tầng viễn thông băng rộng, đa dạng hóa các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông, đặc biệt là có những cơ chế về vốn, giải pháp công nghệ và mô hình kinh doanh để hấp dẫn các thành phần kinh tế tham gia cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tới vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các vùng khó khăn.
Dùng chung các công trình công cộng, điện lực, cấp thoát nước, giao thông để ngầm hóa các mạng cáp thông tin, cáp truyền hình; tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp viễn thông nhằm sử dụng chung một phần mạng lưới, công trình, thiết bị viễn thông, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả trong việc thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông.
3. Đầu tư đột phá có trọng tâm, trọng điểm
Đẩy mạnh việc đầu tư của Nhà nước đối với các chương trình, dự án ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, trong đó chú trọng đến các dự án đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao, xây dựng và mở rộng mạng băng rộng đến các xã, phường, thôn, bản trên cả nước để phát triển Internet băng rộng và hoàn thiện mạng viễn thông dùng riêng phục vụ các cơ quan Đảng và Nhà nước đến cấp xã, phường để bảo đảm an toàn an ninh thông tin, phục vụ thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin. Khuyến khích đẩy mạnh các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghiệp công nghệ thông tin trong doanh nghiệp và ngoài doanh nghiệp.
Mở rộng thị trường quốc tế cùng với việc xây dựng một số tập đoàn mạng và thương hiệu “Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam” thông qua các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin với hàm lượng sáng tạo ngày càng cao.
4. Xây dựng và hoàn thiện thể chế
- Ban hành các văn bản pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông để phát huy nội lực, thúc đẩy cạnh tranh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư phát triển.
- Bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý đầu tư phù hợp với đặc thù của lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
- Tạo môi trường pháp lý thông thoáng và thuận lợi cho việc đầu tư ra nước ngoài của các tập đoàn, doanh nghiệp chủ đạo về công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam; ban hành các chính sách mở cửa thị trường dịch vụ công nghệ thông tin phù hợp với các cam kết hội nhập quốc tế.
- Có chính sách bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm công nghệ thông tin để bảo vệ quyền lợi và khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm mới.
- Có chính sách hỗ trợ, tiếp thị, sử dụng các sản phẩm của Việt Nam trong các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước.
- Nhà nước thực hiện các chính sách hỗ trợ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin cho các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách xã hội khác.
5. Một số cơ chế đặc thù và chính sách đột phá
a) Chính sách về đầu tư:
- Tăng cường nguồn vốn đầu tư để phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, nghiên cứu, phát triển xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
- Ban hành chính sách ưu đãi cao nhất về đầu tư đối với các dự án phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng tới các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các dự án xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung.
- Khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống xã hội, trong cơ quan nhà nước, cung cấp thông tin và dịch vụ trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp.
- Bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư phù hợp với đặc thù của lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai nhanh các dự án công nghệ thông tin và truyền thông do Nhà nước đầu tư.
b) Chính sách về tài chính:
- Về thuế: xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo hướng áp dụng mức ưu tiên, ưu đãi cao nhất của Luật Công nghệ cao về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với các hoạt động công nghệ thông tin và truyền thông bao gồm cả hoạt động đầu tư, xây dựng và sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin.
- Về nguồn vốn: thực hiện đa dạng hóa các nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm:
+ Vốn ngân sách nhà nước đầu tư trực tiếp ưu tiên cho các dự án, chương trình sau: các dự án phát triển hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin trực tiếp phục vụ hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước; các chương trình, dự án quy hoạch, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, xây dựng hạ tầng các khu công nghệ thông tin tập trung; các dự án đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin theo quy hoạch, kế hoạch; hỗ trợ cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công của Nhà nước trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông nhằm mục tiêu hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn. Có loại hạng mục chi riêng về công nghệ thông tin trong mục lục ngân sách nhà nước theo quy định của Luật công nghệ thông tin;
+ Vốn ODA: huy động và sử dụng vốn ODA cho các dự án phát triển công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp với quy định của pháp luật;
+ Vốn tín dụng: ưu tiên sử dụng các nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông;
+ Các nguồn vốn doanh nghiệp và xã hội: có cơ chế phù hợp để huy động vốn đầu tư của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc xã hội hóa đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ thông tin và đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, phát triển sản phẩm mới…; nghiên cứu, áp dụng mô hình hợp tác công - tư phù hợp cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông và cung cấp dịch vụ;
+ Mở rộng phạm vi hoạt động của Quỹ dịch vụ viễn thông công ích và sử dụng kinh phí thu được từ đấu giá tần số để hỗ trợ phát triển hạ tầng, phổ cập sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet băng rộng và hỗ trợ thiết bị nghe nhìn, thiết bị thu truyền hình số cho người dân ở vùng sâu, vùng xa theo quy định của pháp luật.
c) Chính sách về đất đai, địa điểm: thực hiện miễn, giảm tiền giao đất, tiền thuê sử dụng đất xây dựng hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin nhất là tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; ưu tiên lựa chọn, bố trí đất sạch có vị trí và diện tích thuận lợi phù hợp với yêu cầu xây dựng khu công nghệ thông tin tập trung nhằm thu hút mạnh mẽ đầu tư và nguồn nhân lực trình độ cao theo quy định của pháp luật.
6. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, phối hợp trao đổi, đào tạo chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ và quản lý công nghệ thông tin và truyền thông. Tham gia các dự án về công nghệ thông tin và truyền thông của khu vực, liên khu vực và quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông làm việc cho Việt Nam.
Tranh thủ hợp tác quốc tế để huy động các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn ODA, nhằm đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước và phát triển hạ tầng viễn thông tại các vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
Tập trung mở rộng thị trường quốc tế, đa dạng hóa các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Thúc đẩy việc sáp nhập hoặc mua các công ty công nghệ thông tin nước ngoài để tạo đột phá về thương hiệu.
1. Bộ Thông tin và Truyền thông
a) Xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, theo dõi, đôn đốc triển khai thực hiện Đề án trên cả nước.
b) Hằng năm, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ thực hiện Đề án và đề xuất các giải pháp kịp thời, cần thiết để bảo đảm việc thực hiện thành công Đề án.
c) Căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tình hình phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, trình Thủ tướng Chính phủ những nội dung cần cập nhật, điều chỉnh Đề án cho phù hợp.
d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp có liên quan thực hiện các Nhiệm vụ 2, 3, 4, 5 của Đề án, xây dựng các cơ chế, chính sách trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông cân đối tổng hợp các nguồn lực trong kế hoạch Nhà nước cho các chương trình, dự án triển khai Đề án. Ưu tiên bố trí kinh phí từ chương trình xúc tiến đầu tư để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin.
3. Bộ Tài chính chủ trì xây dựng cơ chế chính sách và có hướng dẫn áp dụng mức ưu đãi theo quy định của Luật Công nghệ cao cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông đáp ứng điều kiện doanh nghiệp công nghệ cao, chỉ đạo thống nhất giữa các cấp ngân sách để bảo đảm ưu tiên chi của ngân sách nhà nước dành cho công nghệ thông tin và truyền thông.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện Nhiệm vụ 1. Đưa các nội dung nhằm xây dựng văn hóa khai thác và sử dụng công nghệ thông tin lành mạnh trong chương trình giáo dục.
5. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện Nhiệm vụ 6, đồng thời đẩy mạnh việc thực thi các quy định bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Nghiên cứu, lựa chọn một số sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông đưa vào danh mục các sản phẩm quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ.
6. Bộ Công thương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện nhiệm vụ 2, ưu tiên bố trí kinh phí từ chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ thông tin xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành công nghiệp và phát triển các ứng dụng mang tính liên ngành.
7. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng viễn thông, an ninh thông tin và phục vụ các nhiệm vụ tác chiến.
8. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đoàn thể trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của mình phù hợp với các nội dung của Đề án.
9. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện các nhiệm vụ 1, 6.
10. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của địa phương mình phù hợp với các nội dung của Đề án.
11. Các doanh nghiệp, hội, hiệp hội trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông xây dựng kế hoạch hành động, đề xuất các sáng kiến, chuẩn bị nguồn lực cho việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án, coi việc thực hiện Đề án là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên báo cáo tình hình, tiến độ thực hiện về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
DANH MỤC CÁC QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH, CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ)
1. Kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (theo Quyết định số 698/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ);
2. Các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp công nghệ thông tin giai đoạn 2011 - 2020;
3. Chương trình phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng;
4. Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia (theo Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 13 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ);
5. Chương trình đưa thiết bị thông tin số đến hộ gia đình;
6. Các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;
7. Chương trình tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông.
- 1Decision No. 1605/QD-TTg of August 27, 2010, approving the national program on application of information technology to operations of state agencies during 2011-2015
- 2Law No. 41/2009/QH12 of November 23, 2009, on telecommunications
- 3Law No. 42/2009/QH12 of November 23, 2009, on radio frequencies
- 4Decision No. 698/QD-TTg of June 1, 2009, approving the overall plan on development of information technology human resources up to 2015 and orientations toward 2020.
- 5Decision No. 48/2009/QD-TTg of March 31, 2009, approving the plan on information technology application in state agencies'' operations during 2009-2010
- 6Law No. 21/2008/QH12 of November 13, 2008, on high technologies
- 7Decision No. 43/2008/QD-TTg of March 24, 2008, approving the 2008 plan on information technology application to operations of state agencies.
- 8Decision No. 75/2007/QD-TTg of May 28, 2007, approving the master plan on development of Vietnam''s electronics industry up to 2010, with a vision toward 2020.
- 9Decision No. 56/2007/QD-TTg of May 23, 2007 approving the program on The Development of Vietnam’s digital content industry to 2010
- 10Decision No. 51/2007/QD-TTg of April 12, 2007 approving the up-to-2010 program o n development of Vietnam''s Software Industry
- 11Law No. 67/2006/QH11 of June 29, 2006 on information technology
- 12Law No. 32/2001/QH10 of December 25, 2001 on organization of the Government
Decision No. 1755/QD-TTg of September 22, 2010, approving the scheme to early make Vietnam a country strong in information and communication technologies
- Số hiệu: 1755/QD-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 22/09/2010
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/09/2010
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực