Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1601/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 15 tháng 10 năm 2009 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬN TẢI BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải (tờ trình số 4356/TTr-BGTVT ngày 29 tháng 6 năm 2009) về Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030,
QUYẾT ĐỊNH:
1. Quan điểm và mục tiêu phát triển
a) Quan điểm phát triển:
- Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước, đặc biệt là tiềm năng biển để phát triển toàn diện và có bước đột phá về giao thông vận tải biển nhằm góp phần thực hiện những mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, cụ thể là đến năm 2020 kinh tế hàng hải đứng thứ 2 và sau 2020 kinh tế hàng hải đứng thứ nhất trong 5 lĩnh vực phát triển kinh tế biển; đồng thời góp phần củng cố an ninh, quốc phòng của đất nước;
- Phát triển vận tải biển theo hướng hiện đại hóa với chất lượng ngày càng cao, chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng; tăng sức cạnh tranh của vận tải biển để chủ động hội nhập và mở rộng thị trường vận tải biển trong khu vực và trên thế giới;
- Phát triển vận tải biển đồng bộ với phát triển các ngành vận tải liên quan: đường bộ, đường sông, đường sắt; ứng dụng và phát triển công nghệ vận tải tiên tiến, trong đó chú trọng phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistic để tạo nên một hệ thống vận tải đồng bộ, liên hoàn, hiệu quả;
- Đầu tư phát triển đội tàu có cơ cấu hợp lý, hiện đại, có năng lực cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế; tập trung đầu tư cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển và cảng cửa ngõ quốc tế ở các khu vực kinh tế trọng điểm; Nghiên cứu kết hợp chỉnh trị với cải tạo luồng lạch để bảo đảm các tàu lớn ra vào thuận lợi và an toàn;
- Xã hội hóa tối đa việc đầu tư phát triển đội tàu và kết cấu hạ tầng giao thông đường biển.
b) Mục tiêu, định hướng phát triển:
Đến năm 2020 phải thỏa mãn đầy đủ các nhu cầu vận tải đường biển của nền kinh tế quốc dân với mức tăng trưởng cao, bảo đảm chất lượng cao, giá thành hợp lý và hạn chế ô nhiễm môi trường. Cụ thể đối với từng lĩnh vực:
- Về vận tải biển:
Nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải biển, đáp ứng nhu cầu vận tải biển nội địa, nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu đạt 27 – 30%, kết hợp chở thuê hàng hóa nước ngoài trên các tuyến vận tải biển xa. Khối lượng do đội tàu Việt Nam đảm nhận khoảng 110 – 126 triệu tấn vào năm 2015; 215 – 260 triệu tấn vào năm 2020 và đến năm 2030 tăng gấp 1,5 - 2 lần so với năm 2020; số lượng hành khách đạt 5 triệu năm 2015; 9 – 10 triệu năm 2020 và năm 2030 tăng 1,5 lần so với năm 2020;
Phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, chú trọng phát triển các loại tàu chuyên dùng (tàu container, hàng rời, dầu…) và tàu trọng tải lớn. Đến năm 2010 có tổng trọng tải 6 – 6,5 triệu DWT; năm 2015 có tổng trọng tải 8,5 - 9,5 triệu đến năm 2020 đạt 11,5 – 13,5 triệu DWT. Từng bước trẻ hóa đội tàu biển Việt Nam đến năm 2020 đạt độ tuổi bình quân 12 năm.
- Về hệ thống cảng biển:
Giai đoạn 2020, định hướng đến 2030 tập trung phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống cảng biển và luồng vào cảng. Việc đầu tư xây dựng cảng biển cần được đẩy nhanh, đầu tư có trọng điểm tại những vị trí có điều kiện và nhu cầu xây dựng cảng biển, nhằm khai thác ưu thế tự nhiên, tận dụng khả năng vận tải biển đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước; đồng thời làm cơ sở để xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam theo một quy hoạch tổng thể và thống nhất trên quy mô cả nước; hình thành những trung tâm kết nối cơ sở hạ tầng giao thông vận tải tại các khu vực, đặc biệt tại các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn; phát triển cảng trung chuyển quốc tế lớn và các cảng cửa ngõ quốc tế tại các khu vực thích hợp nhằm khẳng định vị trí và ưu thế về kinh tế biển, tạo ra những đầu mối giao lưu kinh tế quan trọng giữa trong nước với nước ngoài để thực hiện tốt những mục tiêu của Chiến lược biển.
- Về công nghiệp tàu thủy:
Đến năm 2020, phát triển ngành công nghiệp tàu thủy nước ta đạt mức tiên tiến trong khu vực, đóng mới được tàu hàng trọng tải đến 300.000 DWT, các tàu khách, tàu dịch vụ dầu khí, tàu cứu hộ cứu nạn, bảo đảm hàng hải, công trình… đáp ứng 65 – 70% nhu cầu bổ sung đội tàu trong nước giai đoạn 2010 – 2020; sửa chữa đồng bộ vỏ, máy, điện, điện tử… cho các tàu có trọng tải đến 400.000 DWT; đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường xuất khẩu ra nước ngoài góp phần thu ngoại tệ cho đất nước;
Phát triển cân đối công nghiệp đóng và sửa chữa tàu. Nhanh chóng tiếp cận công nghệ hiện đại, chú trọng đầu tư chiều sâu để phát huy hiệu quả cơ sở đóng, sửa chữa tàu hiện có kể cả công nghiệp phụ trợ.
- Về dịch vụ hàng hải:
Phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải biển đồng bộ, đặc biệt là dịch vụ logistic, dịch vụ vận tải đa phương thức với chất lượng cao, hướng đến dịch vụ trọn gói và mở rộng ra nước ngoài đáp ứng yêu cầu hội nhập. Hình thành các cảng nội địa phù hợp với sự phát triển của các hành lang kinh tế và các trung tâm phân phối hàng hóa gắn với cảng biển;
Phát triển đồng bộ cơ sở hậu cần, bảo đảm hàng hải, tìm kiếm cứu nạn; hệ thống công nghệ thông tin hàng hải… đáp ứng yêu cầu phát triển, phù hợp với yêu cầu của các công ước quốc tế.
a) Quy hoạch loại, cỡ tàu vận tải:
- Các tuyến quốc tế:
Đối với hàng rời: tàu nhập than cho nhà máy nhiệt điện, quặng cho nhà máy liên hợp gang thép sử dụng tàu cỡ 100.000 – 200.000 DWT; xuất alumin sử dụng cỡ tàu 70.000 – 100.000 DWT; xuất lương thực, nhập phân bón, clinker… sử dụng cỡ tàu từ 30.000 – 50.000 DWT;
Đối với hàng bách hóa: đi các nước châu Á chủ yếu sử dụng tàu cỡ 10.000 – 20.000 DWT; đi các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi sử dụng cỡ tàu từ 20.000 – 30.000 DWT;
Đối với hàng container: đi các nước châu Á sử dụng cỡ tàu từ 500 – 3.000 TEU; đi các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Phi sử dụng cỡ tàu cỡ lớn từ 4.000 – 6.000 TEU và tàu lớn hơn khi có điều kiện;
Đối với tàu hàng lỏng: tàu mẹ nhập xăng dầu trung chuyển tại Vân Phong sử dụng cỡ tàu từ 150.000 – 300.000 DWT; dầu sản phẩm sử dụng cỡ tàu từ 10.000 – 50.000 DWT; dầu thô sử dụng cỡ tàu từ 100.000 – 300.000 DWT; khí hóa lỏng sử dụng cỡ tàu từ 1.000 – 5.000 DWT.
- Các tuyến nội địa:
Đối với hàng rời, hàng bách hóa: sử dụng cỡ tàu từ 1.000 – 10.000 DWT.
Đối với hàng container: sử dụng cỡ tàu từ 200 – 1.000 TEU.
Đối với hàng lỏng: tàu chở dầu sản phẩm chuyên dụng cỡ tàu từ 1.000 – 30.000 DWT; tàu tiếp chuyển dầu thô từ các mỏ vào các nhà máy lọc dầu cỡ tàu từ 100.000 – 150.000 DWT.
b) Quy hoạch phát triển đội tàu vận tải biển:
- Tổng khối lượng vận tải đội tàu biển Việt Nam đến năm 2020 đạt 215 – 260 triệu tấn, trong đó vận tải quốc tế 135 – 165 triệu tấn/năm, vận tải nội địa 80 – 105 triệu tấn/năm;
- Quy mô và nhu cầu bổ sung trọng tải đội tàu:
Tổng trọng tải đội tàu hàng vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 là 11,8 – 13,2 triệu DWT, trong đó: tàu hàng bách hóa tổng hợp 3,84 – 4,45 triệu DWT; tàu hàng rời 2,70 – 3,11 triệu DWT; tàu container 1,49 – 1,71 triệu DWT; tàu dầu thô 1,92 – 2,21 triệu DWT; tàu dầu sản phẩm 1,69 – 1,77 triệu DWT;
Nhu cầu bổ sung đội tàu hàng vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 là 3,8 – 4,9 triệu DWT;
Nhu cầu bổ sung thêm sức chở đội tàu khách du lịch, tàu khách ven biển ra đảo khoảng 14.000 ghế.
c) Định hướng phát triển hệ thống cảng biển:
- Để đáp ứng nhu cầu phát triển vận tải biển và phát triển kinh tế - xã hội đất nước, Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cần được rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung với tầm nhìn xa hơn. Nội dung định hướng quy hoạch phát triển cảng trong giai đoạn tới, ngoài việc nâng cấp, đầu tư chiều sâu, phát huy hết công suất, hiệu quả của các cảng hiện hữu, cần tập trung vào việc xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm, một số cảng nước sâu chuyên dụng xếp dỡ container, than quặng và dầu quy mô lớn, trang thiết bị hiện đại… để có thể từng bước đưa nước ta hội nhập và đủ sức cạnh tranh trong hoạt động đầu tư, khai thác cảng biển với các nước trong khu vực và trên thế giới;
- Tập trung cải tạo, duy tu luồng tàu đảm bảo điều kiện khai thác đồng bộ và hiệu quả cùng các cảng biển; phát triển đồng bộ mạng giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa để đảm bảo kết nối cảng với các cảng cạn, trung tâm phân phối hàng hóa, khu kinh tế, khu công nghiệp, các cảng, bến thủy nội địa…, tạo điều kiện hàng đi/đến cảng thuận lợi, nâng cao hiệu quả khai thác cảng;
- Phát triển bến cảng tại các huyện đảo với quy mô phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội để vận tải hàng hóa, hàng khách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng;
Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ được Thủ trưởng Chính phủ phê duyệt tại văn bản riêng.
d) Định hướng phát triển công nghiệp tàu thủy:
- Để đáp ứng mục tiêu bổ sung và sửa chữa đội tàu trong nước, có sản phẩm xuất khẩu như mục tiêu đề ra, hệ thống nhà máy công nghiệp đóng và sửa chữa tàu biển cho tàu biển có trọng tải đến 400.000 DWT;
- Chú trọng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp đóng, sửa chữa tàu nhằm hình thành một ngành công nghiệp tàu thủy đồng bộ, hoàn chỉnh đáp ứng được nhu cầu phát triển và bảo vệ của đất nước; tận dụng năng lực của các ngành công nghiệp khác trong cả nước nhằm nâng cao tính chuyên môn hóa và hiệu quả đầu tư;
Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp tàu thủy sẽ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản riêng.
d) Định hướng phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và logistic:
- Phát triển các loại hình dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, dịch vụ logistic và dịch vụ vận tải đa phương thức, đặc biệt tại nhóm cảng phía Bắc, nhóm cảng thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, nhóm cảng biển đồng bằng sông Cửu Long. Coi trọng việc nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, dịch vụ logistic, dịch vụ vận tải đa phương thức;
- Áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và các hoạt động của các dịch vụ một cách có hiệu quả;
- Phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa gắn liền với các bến cảng container, đặc biệt là ở các cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế;
- Phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải biển theo hướng hội nhập quốc tế; tăng cường công tác quản lý nhà nước trong việc quản lý chất lượng dịch vụ, bảo đảm sự lành mạnh của thị trường.
e) Định hướng phát triển nguồn nhân lực:
- Từ nay đến năm 2020 đào tạo và bồi dưỡng 39.000 sĩ quan thuyền viên, trong đó đào tạo mới khoảng 24.000 người (bao gồm 16.000 người bổ sung theo yêu cầu phát triển đội tàu và 8.000 người bổ sung thay thế lực lượng hiện có; cơ cấu đào tạo: sĩ quan, quản lý khoảng 9.600 người, thuyền viên và công nhân kỹ thuật hàng hải khoảng 14.400 người); bồi dưỡng đào tạo nâng bậc cho 15.000 người trong lực lượng lao động hiện có. Khuyến khích đào tạo sĩ quan, thuyền viên có tay nghề cao phục vụ cho xuất khẩu thuyền viên;
- Đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực logistic, công nghiệp đóng tàu, khai thác cảng biển;
- Đổi mới phương thức đào tạo, chương trình đào tạo, tiêu chuẩn đào tạo và huấn luyện hàng hải, đặc biệt đối với công tác đào tạo cán bộ quản lý, sĩ quan, thuyền viên và cán bộ quản lý khai thác hoạt động logistics, vận tải đa phương thức. Coi trọng đào tạo ngoại ngữ, thực hành đi đôi với lý thuyết. Tăng cường tính gắn kết giữa các công ty vận tải biển với các cơ sở đào tạo, huấn luyện.
g) Nhu cầu vốn đầu tư phát triển vận tải biển đến 2020:
Tổng kinh phí đầu tư cho đội tàu, các trung tâm phân phối hàng hóa dịch vụ logistic từ nay đến năm 2020 khoảng 270 – 290 nghìn tỷ đồng, do các doanh nghiệp tự huy động từ các nguồn vốn hợp pháp.
3. Một số giải pháp, chính sách chủ yếu
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung và từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành hàng hải và các văn bản dưới luật liên quan. Trước mắt, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về vận tải đa phương thức, dịch vụ logistic, quản lý đầu tư và khai thác cơ sở hạ tầng cảng biển phù hợp với tình hình và xu hướng phát triển của Việt Nam; Luật hóa các cam kết của Việt Nam trong khuôn khổ WTO;
- Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, đặc biệt là công tác cải cách thủ tục hành chính tại các cảng biển Việt Nam và thủ tục đăng ký tàu biển; nhanh chóng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai cảng vụ điện tử, hải quan điện tử, thực hiện chính sách một cửa để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền ra vào cảng biển;
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi luật pháp Việt Nam và các công ước quốc tế liên quan về đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường mà Việt Nam tham gia; hướng dẫn, triển khai có hiệu quả Bộ luật Quản lý an toàn (ISMCode) của tổ chức hàng hải quốc tế (IMO), các công ước quốc tế về hạn chế ô nhiễm do tàu biển (MARPOL 73/78); đầu tư phương tiện, thiết bị để khắc phục sự cố dầu tràn, thu gom chất thải tại các cảng biển; nâng cao chất lượng đội ngũ đăng kiểm viên Việt Nam và chất lượng công tác đăng ký và giám sát kỹ thuật tàu, đặc biệt là tàu biển chạy tuyến quốc tế;
- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế bao gồm cả các tổ chức nước ngoài đầu tư phát triển đội tàu biển Việt Nam. Xây dựng Chương trình phát triển đội tàu biển để có cơ chế, chính sách hỗ trợ thích hợp, đồng bộ để đầu tư phát triển và hiện đại hóa đội tàu treo cờ quốc gia. Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, tập trung được nguồn vốn cho đầu tư phát triển và hiện đại hóa đội tàu; phát huy được mối quan hệ gắn bó giữa đội tàu, cảng biển và hệ thống dịch vụ logistic;
- Xây dựng hệ thống mạng lưới dịch vụ hàng hải để nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; xây dựng và phát triển Tổng công ty Hàng hải Việt Nam làm nòng cốt trong lĩnh vực vận tải biển và dịch vụ logistic, dịch vụ hỗ trợ vận tải biển, cảng biển; Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam làm nòng cốt trong lĩnh vực công nghiệp tàu thủy;
- Xây dựng cơ chế, chính sách phát triển để khuyến khích đầu tư và quản lý có hiệu quả các trung tâm phân phối hàng hóa, cảng nội địa để hỗ trợ phát triển dịch vụ logistic, phát huy được mối quan hệ gắn bó, hiệu quả giữa khai thác đội tàu, cảng biển và hệ thống dịch vụ hỗ trợ. Nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp để xây dựng, thu hút đầu tư cho dịch vụ logistic Việt Nam;
- Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đào tạo bao gồm cả đào tạo trong nước và liên kết nước ngoài; củng cố và phát triển các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề chuyên ngành vận tải biển ở cả 3 khu vực Bắc, Trung, Nam đáp ứng nhu cầu nhân lực cho vận hành khai thác tàu biển, cảng biển, công nghiệp tàu thủy, dịch vụ logistic và xuất khẩu thuyền viên; có chính sách ưu đãi đối với người lao động của ngành vận tải biển, nhất là đối với sĩ quan, thuyền viên và lao động trong các nhà máy đóng, sửa chữa tàu nhằm khuyến khích người lao động gắn bó lâu dài với nghề;
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về biển, tích cực tham gia và thực hiện Công ước quốc tế, Hiệp định song phương – đa phương trong lĩnh vực hàng hải.
1. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan, tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch này trong thời gian sớm nhất, kết hợp chặt chẽ với quá trình thực hiện Chiến lược biển.
2. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn các Tập đoàn Kinh tế, Tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển thực hiện kế hoạch phát triển phù hợp với quy hoạch vận tải biển; đồng thời nghiên cứu đề xuất các giải pháp cần thiết để thực hiện quy hoạch có hiệu quả, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn.
3. Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa và dịch vụ logistic tại các đầu mối giao thông vận tải quan trọng, xây dựng hệ thống thu gom, xử lý dầu thải phát sinh từ hoạt động vận tải biển; lập các quy hoạch mạng lưới giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa nhằm phục vụ hiệu quả cho phát triển giao thông vận tải biển.
4. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và ban hành các chính sách ưu đãi đối với người lao động đặc thù của ngành giao thông vận tải biển là những ngành lao động nặng nhọc, nguy hiểm.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu và đổi mới phương thức đào tạo, tiêu chuẩn đào tạo cho lực lượng lao động ngành giao thông vận tải biển nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng nhân lực cho lĩnh vực vận tải biển đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
6. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính nghiên cứu, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách tạo điều kiện cho phát triển vận tải biển; đồng thời nghiên cứu, ban hành chính sách phát triển và quản lý dịch vụ logistic.
7. Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác quản lý Nhà nước, hướng dẫn và kiểm tra quy hoạch phát triển vận tải biển, dịch vụ hỗ trợ vận tải biển và dịch vụ logistic; hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược, trình duyệt theo quy định.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
Decision No. 1601/QD-TTg of October 15, 2009, approving the master plan on development of Vietnam''s ocean shipping up to 2020 and orientations towards 2030
- Số hiệu: 1601/QD-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/10/2009
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra