Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1547/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH THỦY LỢI CHỐNG NGẬP ÚNG KHU VỰC THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh với các nội dung chính như sau:

I. PHẠM VI NGHIÊN CỨU

Thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 209.500ha; vùng phụ cận bao gồm hạ du các sông: Đồng Nai từ hồ Trị An đến biển với diện tích 235.000ha, sông Sài Gòn từ hồ Dầu Tiếng đến thành phố Hồ Chí Minh với diện tích 243.000ha, sông Vàm Cỏ Đông với diện tích 281.000ha. Tổng diện tích vùng nghiên cứu là 968.500ha.

II. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

Nghiên cứu đề xuất các giải pháp thủy lợi nhằm giải quyết tình trạng ngập úng ở thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể:

1. Giai đoạn đến 2012: thực hiện các giải pháp kiểm soát thủy triều, chủ động hạ thấp mức nước trên các kênh trục bao quanh vùng bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, phát huy khả năng trữ nước của hệ thống kênh rạch, hồ nước và các khu vực thấp, trũng, làm tăng khả năng tiêu thoát cho hệ thống cống rãnh trong thành phố, chấm dứt tình trạng úng ngập do lũ và triều, tạo nền cho việc tiêu thoát nước mưa từ hệ thống kênh rạch, định hướng các khung trục tiêu; gắn kết việc vận hành công trình kiểm soát nước với việc cải thiện môi trường kênh rạch cho khu vực này.

2. Giai đoạn sau 2012: thực hiện các giải pháp kiểm soát ở khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, bao gồm các giải pháp kiểm soát lũ thượng lưu, kiểm soát triều, nhằm giải quyết bài toán chống úng ngập cho khu vực thành phố trong điều kiện có lũ lớn ở thượng lưu và nước biển dâng trong tương lai; gắn kết việc vận hành công trình kiểm soát nước với việc cải thiện môi trường kênh rạch, cải tạo các vùng đất phèn.

III. PHƯƠNG ÁN QUY HOẠCH

1. Căn cứ đặc điểm tự nhiên, điều kiện địa hình, tính chất ngập lụt, khả năng kiểm soát nước ngoại lai, quy hoạch phát triển, các cơ sở khoa học kỹ thuật, kinh tế và môi trường, phương án quy hoạch thủy lợi chống ngập úng phân chia khu vực thành phố Hồ Chí Minh thành 3 vùng kiểm soát nước, bao gồm:

- Vùng I: bao gồm toàn bộ khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè, trong đó có khu vực nội thành cũ, hiện có nhiều vấn đề bức xúc về tiêu thoát nước đô thị, môi trường, khu vực phía Nam thành phố và một phần được tỉnh Long An (bờ tả sông Vàm Cỏ và Vàm Cỏ Đông) chủ yếu là vùng đất canh tác và hoang hóa có nhu cầu về cải tạo đất mặn, phèn. Đây là khu vực trọng tâm của Quy hoạch.

- Vùng II: gồm toàn bộ khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn, là vùng đang phát triển, tình hình tiêu thoát nước thuận lợi hơn do đó có thể bố trí công trình để chống ngập, tiêu nước.

- Vùng III: bao gồm toàn bộ khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp, hiện tại là vùng sinh quyển nở, có thể xây dựng các công trình kiểm soát nước, quy mô lớn trong tương lai, tùy thuộc vào tình hình, diễn biến nước biển dâng và quá trình phát triển đô thị phía Nam thành phố.

2. Phương án Quy hoạch chống ngập úng khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè (vùng I):

- Hệ thống đê bao ven theo bờ hữu sông Sài Gòn (từ Bến Súc), sông Soài Rạp và bờ tả sông Vàm Cỏ Đông đến tỉnh lộ 824 (thị trấn Đức Hòa - tỉnh Long An). Tuyến đê từ Bến Súc đến Vàm Thuật được bố trí theo tuyến đê bao của dự án thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn; đoạn còn lại theo các tuyến đường giao thông hiện có ven sông.

- Hệ thống cống khép kín tuyến đê bao được đặt tại các cửa sông, rạch đổ ra sông Sài Gòn, Nhà Bè, sông Vàm Cỏ và sông Vàm Cỏ Đông. Các cống chính là: Rạch Tra, Vàm Thuật, Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Kinh Hàng, Thủ Bộ, Bến Lức, Kênh Xáng Lớn. Các cống này có nhiệm vụ khống chế mực nước và kiểm soát môi trường nước khu vực phía trong đê bao, để không cao hơn mực nước cho phép theo yêu cầu tiêu; một mặt không cản trở lớn đến giao thông thủy liên vùng; mặt khác chủ động cắt đỉnh triều; các cống không có hoặc chỉ có nhiệm vụ giao thông nội vùng làm việc với chế độ tự động hai chiều.

- Hướng thoát nước chính trong khu vực nghiên cứu là hướng Bắc - Nam, do vậy hệ thống kênh trục thoát nước chính được xác định là các kênh dọc theo hướng này. Trục kênh Rạch Tra - Thầy Cai - An Hạ - kênh Chợ Đệm được cải tạo nạo vét, mở rộng để tải nước từ vùng trũng thành phố về phía Nam. Tuyến kênh Vàm Thuật - Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ nâng cao khả năng tiêu thoát nước.

- Các “hồ điều tiết” bao gồm hệ thống ao, hồ, kênh rạch và một số khu vực đất trũng được cải tạo để có đủ dung tích dự phòng trữ lượng nước mưa tiêu ra từ trung tâm Thành phố trong thời gian triều cường.

Giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu quy hoạch mạng lưới hồ điều tiết phân tán cụ thể cho từng khu vực, từng vùng và cốt nền trên cơ sở đó điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông cho phù hợp, bảo đảm diện tích đất dành cho các hồ điều tiết không được nhỏ hơn 17% tổng diện tích toàn vùng.

3. Phương án Quy hoạch chống ngập úng khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn (vùng II), bao gồm:

- Đối với khu đô thị cần tôn nền cao trên mực nước lũ khoảng +2,5m.

- Đối với khu nhà vườn, du lịch phải có đê bao khép kín với các cống dưới đê tiêu nước khi lũ xuống thấp.

- Đối với các vùng cao như quận Thủ Đức, quận 9 cần cải tạo sông, rạch để tăng cường khả năng tiêu thoát nước.

- Để cải thiện điều kiện giao thông thủy cần nạo vét, cải tạo các trục kênh rạch, đồng thời làm giảm áp lực lũ sông Đồng Nai đối với các khu đô thị mới ven sông Sài Gòn.

- Sử dụng nước sông Đồng Nai vào cải tạo đất, môi trường.

4. Định hướng Quy hoạch chống ngập úng khu vực bờ tả sông Nhà Bè - Soài Rạp (vùng III): được xác định là vùng đệm, trong tương lai việc tiêu thoát nước sẽ được giải quyết với các công trình lớn, tùy thuộc vào tình hình nước biển dâng và quá trình phát triển đô thị ở phía Nam thành phố. Trước mắt, để chống ngập trong điều kiện hiện tại phải sử dụng hệ thống đê bao nhỏ và đê biển (đê biển sẽ được xem xét trong một quy hoạch khác).

5. Kiểm soát lũ từ thượng lưu

- Bổ sung nhiệm vụ điều tiết lũ, hoàn thiện quy trình vận hành của các hồ chứa để bảo đảm an toàn và kiểm soát lũ tạo thuận lợi để chống ngập cho vùng hạ du.

- Phối hợp vận hành xả lũ các hồ: Dầu Tiếng, Trị An, Phước Hòa và các hồ khác ở thượng lưu có xét đến chế độ thủy triều đoạn cửa sông.

- Phân lũ sông Đồng Nai sang sông Thị Vải qua sông Đồng Môn, kết hợp với cải tạo môi trường.

- Phân lũ sông Sài Gòn qua Rạch Tra. Kết hợp phân lũ với cải tạo đất, môi trường (vùng I), giảm áp lực lũ cho trung tâm thành phố.

- Ngăn và chuyển hướng tiêu thoát lũ tràn từ phía Tây vào địa bàn thành phố.

IV. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giai đoạn I: triển khai các dự án khu vực bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè

a. Đợt 1: xây dựng 6 cống lớn: Phú Xuân, Mương Chuối, sông Kinh, Kinh Lộ, Thủ Bộ, kênh Hàng và các cống nhỏ tại các rạch khác; xây dựng tuyến đê bao nối các cống; nạo vét các kênh trục tiêu thoát nước trung tâm thành phố về phía Nam.

b. Đợt 2: xây dựng 2 cống lớn Rạch Tra, Vàm Thuật và các cống nhỏ khác liên hoàn với các tiểu dự án hệ thống thủy lợi bờ hữu sông Sài Gòn; nạo vét tuyến trục Rạch Tra - An Hạ - Nam Sài Gòn và tuyến trục Vàm Thuật -Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

c. Đợt 3: xây dựng 4 cống: Bến Nghé, Tân Thuận, Bến Lức, kênh Xáng Lớn, mở thông cống An Hạ hiện hữu; xây dựng hoàn chỉnh tuyến đê bao và các cống nhỏ dưới đê khác.

Dự kiến tổng mức đầu tư các công trình trên là 10.080 tỷ đồng, trong đó đợt I là 5.600 tỷ đồng; đợt II là 2.800 tỷ đồng; đợt III là 1.680 tỷ đồng.

2. Giai đoạn II: giải quyết khu vực ngã ba sông Đồng Nai - Sài Gòn.

Dự kiến tổng mức đầu tư giai đoạn này là 1.451 tỷ đồng, trong đó hệ thống cầu và cống là 665 tỷ đồng; hệ thống đê bao là 122,0 tỷ đồng và nạo vét, cải tạo kênh mương 664,0 tỷ đồng.

3. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước hàng năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi vùng quy hoạch, các Bộ, ngành liên quan cần sắp xếp thứ tự ưu tiên, bảo đảm đầu tư đồng bộ và có hiệu quả.

- Ưu tiên các công trình thi công dở dang và đảm bảo đồng bộ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng phát huy ngay hiệu quả.

- Xây dựng các cống lớn và hoàn chỉnh tuyến đê, nạo vét các khung trục tiêu chính, kênh trục thoát nước từ trung tâm Thành phố về phía Nam.

- Hoàn thiện hệ thống đê bao và các cống nhỏ dưới đê.

- Nạo vét cải tạo hệ thống kênh rạch tăng khả năng thoát nước và phục vụ giao thông thủy.

V. TỔNG MỨC ĐẦU TƯ

Dự kiến tổng mức đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh là 11.531 tỷ đồng (Mười một ngàn năm trăm ba mươi mốt tỷ đồng). Trong đó:

1. Giai đoạn I: 10.080 tỷ đồng.

2. Giai đoạn II: 1.451 tỷ đồng.

Nguồn vốn đầu tư: ngân sách nhà nước hàng năm gồm: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn vốn ODA.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Thành lập Ban Chỉ đạo Dự án chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh do 01 lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng ban; thành viên Ban Chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo cấp Vụ, Sở, Ban, ngành của các Bộ, ngành, địa phương: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Long An.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương có liên quan thúc đẩy việc triển khai thực hiện các dự án theo Quy hoạch; chỉ đạo việc tổ chức quản lý, vận hành, theo dõi, giám sát hiệu quả công trình được đầu tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt danh sách Ban Chỉ đạo.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

a. Chỉ đạo quán triệt và phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức thực hiện quy hoạch; đồng thời cập nhật, xử lý các vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện, bảo đảm các dự án đầu tư thực hiện đúng mục tiêu và có hiệu quả.

b. Triển khai việc lập và phê duyệt đầu tư các dự án công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, gồm: Cống Mương Chuối; Cống Kinh Lộ (Rạch Giồng); Cống Thủ Bộ.

Được phép chỉ định thầu tư vấn lập dự án đầu tư, lập Thiết kế kỹ thuật - Tổng dự toán 3 công trình trên; được phép thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài thực hiện việc trợ giúp kỹ thuật trong quá trình chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện dự án.

c. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đôn đốc các địa phương có liên quan triển khai việc đầu tư xây dựng các công trình theo quy hoạch, trên phạm vi địa bàn. Chủ trì phối hợp với các địa phương thực hiện các Quy hoạch chi tiết, phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch chi tiết từng vùng, từng khu vực cho phù hợp.

d. Tổ chức việc theo dõi có hệ thống, giám sát vận hành công trình, bảo đảm hiệu quả và tính bền vững của Quy hoạch.

đ. Chủ trì phối hợp với các Bộ ngành, địa phương có liên quan, nghiên cứu, lập quy trình và triển khai phương án, quy trình xả lũ, thoát lũ của các hồ chứa thượng nguồn, tạo thuận lợi cho việc phòng chống úng ngập khu vực thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức lập quy trình điều hành hệ thống cống nhằm ngăn lũ, triều phục vụ chống ngập úng, cải tạo môi trường hệ thống kênh, rạch trong thành phố.

3. Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm:

a. Chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai thực hiện Quy hoạch bao gồm triển khai xây dựng các công trình trong Quy hoạch trên địa bàn theo sự phân cấp đầu tư (ghi tại Phụ lục I kèm theo Quyết định này) và các công trình cải tạo hệ thống tiêu thoát nước nội đô, kiểm soát việc san lấp ao hồ, vùng trũng dành dung tích điều tiết nước mưa theo Quy hoạch xác định, đảm bảo tính đồng bộ, phát huy hiệu quả đầu tư.

b. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan rà soát lại quy hoạch tiêu thoát nước nội đô, đảm bảo yêu cầu tiêu thoát nước và hiệu quả kinh tế của dự án;

c. Chỉ đạo lập, tổ chức thẩm định và phê duyệt các dự án sau khi có ý kiến thỏa thuận về kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời được phép chỉ định thầu tư vấn lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán và thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài thực hiện việc hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án theo đúng quy định;

d. Phần giao cho Ủy ban nhân dân thành phố làm chủ đầu tư, thành phố tự cân đối ngân sách và các nguồn vốn đầu tư khác để thực hiện đồng bộ hệ thống công trình chống ngập úng theo quy định.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh Long An có trách nhiệm triển khai đầu tư xây dựng các công trình trong Quy hoạch trên địa bàn (ghi tại Phụ lục I kèm theo); chỉ đạo lập, tổ chức thẩm định và phê duyệt các dự án sau khi có ý kiến thỏa thuận về kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Long An bố trí vốn đầu tư xây dựng các công trình được xác định trong Quy hoạch và hệ thống thoát nước nội đô thành phố Hồ Chí Minh.

6. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện đề tài nghiên cứu lập quy trình điều hành xả lũ liên hồ trong lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn nhằm chống ngập úng do lũ; lập quy trình điều hành hệ thống cống nhằm ngăn lũ, ngăn triều phục vụ chống úng ngập và cải tạo môi trường hệ thống kênh rạch trong thành phố Hồ Chí Minh.

7. Các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi Quy hoạch thực hiện có hiệu quả nội dung Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời xem xét điều chỉnh quy hoạch của ngành, địa phương phù hợp với nội dung Quy hoạch này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: KTTH, KGVX, ĐP, TH, TTĐT;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

PHỤ LỤC I

DANH MỤC CÔNG TRÌNH DỰ KIẾN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN I
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

Bảng 1. Các cống lớn trên tuyến đê bao

STT

Tên công trình

Quy mô

Hình thức vận hành

Chủ đầu tư dự kiến

Bề rộng (m)

Cao trình đáy (m)

1

Cống (Âu thuyền) Rạch Tra

60

-4.0

Có điều khiển

Thành phố Hồ Chí Minh

2

Cống Vàm Thuật

40

-4.0

Có điều khiển

Thành phố Hồ Chí Minh

3

Cống Bến Nghé

20

-4.0

Có điều khiển

Thành phố Hồ Chí Minh

4

Cống (Âu thuyền) Tân Thuận

60

-4.0

Có điều khiển

Thành phố Hồ Chí Minh

5

Cống Phú Xuân

60

-4.0

Có điều khiển

Thành phố Hồ Chí Minh

6

Cống (Âu thuyền) Mương Chuối

60

-6.0

Tự động

Bộ Nông nghiệp và PTNT

120

-10.0

Có điều khiển

7

Cống Sông Kinh

60

-4.0

Có điều khiển

Thành phố Hồ Chí Minh

8

Cống Kinh Lộ (rạch Giồng)

60

-6.0

Có điều khiển

Bộ Nông nghiệp và PTNT

9

Cống Kênh Hàng

120

-4.0

Có điều khiển

Tỉnh Long An

10

Cống (Âu thuyền) Thủ Bộ

80

-4.0

Tự động

Bộ Nông nghiệp và PTNT

120

-8.0

Có điều khiển

11

Cống (Âu thuyền) Bến Lức

60

-4.0

Có điều khiển

Tỉnh Long An

12

Cống kênh Xáng Lớn

20

-4.0

Có điều khiển

Tỉnh Long An

Bảng 2. Các tuyến đê bao chính

TT

Đoạn, tuyến

Chiều dài (km)

Cao trình đỉnh đê

Bề rộng mặt đê

Ghi chú

Chủ đầu tư dự kiến

1

Bến Súc - Rạch Sơn

19,735

+3,0m

7,5m

Đê bao ven sông Sài Gòn

Thành phố Hồ Chí Minh

2

Rạch Nàng Âm - TL 8

16,855

+2,8m

7,5m

Đê bao ven sông Sài Gòn

Thành phố Hồ Chí Minh

3

TL8 - Vàm Thuật

23,552

+2,5m

7,5m

Đê bao ven sông Sài Gòn

Thành phố Hồ Chí Minh

4

Vàm Thuật - Kinh Lộ

30,42

+3,0m

Theo quy mô đường giao thông

Thành phố Hồ Chí Minh

5

Kinh Lộ - Thủ Bộ

13,40

+3,0m

Theo quy mô đường giao thông

Tỉnh Long An

6

Thủ Bộ - TL824

68,29

+2,0m

Theo quy mô đường giao thông

Tỉnh Long An

 

Tổng cộng

172,252

 

 

 

 

Bảng 3. Các trục tiêu thoát chính cần cải tạo

TT

Tên sông rạch

Chiều dài (km)

Ghi chú

I

Trục thoát nước nội thành

28,1

 

1

Rạch Thủ Đào

4,434

Bề rộng đáy B = 40m,

Cao trình đáy = -4.0m

2

Rạch Bà Lớn

7,55

Bề rộng đáy B = 40m,

Cao trình đáy = -4.0m

3

Rạch Lung Mân

2,554

Bề rộng đáy B = 40m,

Cao trình đáy = -4.0m

4

Rạch Xóm Củi

7,638

Bề rộng đáy B = 40m,

Cao trình đáy = -4.0m

5

Rạch Ông Bé

3,324

Bề rộng đáy B = 40m,

Cao trình đáy = -4.0m

6

Rạch Thầy Tiêu

2,600

Bề rộng đáy B = 40m,

Cao trình đáy = -4.0m

II

Trục thoát nước Bắc Nam

80,518

 

1

Sông Cần Giuộc

11,75

Bề rộng đáy B = 100m,

Cao trình đáy = -6.0m

2

Vàm Thuật - Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên (*)

30,378

Bề rộng đáy B = 40m,

Cao trình đáy = -4.0m

3

Rạch Tra - Kênh Xáng - An Hạ - Kênh Xáng Lớn

38,39

Bề rộng đáy B = 60m,

Cao trình đáy = -4.0m

 

Tổng cộng

108,618

 

(*) Tuyến Vàm Thuật - Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên đang được xây dựng giai đoạn I theo Dự án đã được thành phố phê duyệt.

 

PHỤ LỤC II

DANH MỤC CÔNG TRÌNH DỰ KIẾN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN II
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1547/QĐ-TTg ngày 28 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

1. Đê bao:

- Đê bao ven sông Sài Gòn (bờ tả từ rạch Ông Dầu đến rạch Vĩnh Bình - kết hợp đường giao thông:

Tổng chiều dài 6.000m;

Cao trình đê: 2.5m;

Chiều rộng đê: 12m.

- Đê bao ven sông Đồng Nai, kết hợp với giao thông từ Long Phước, Long Trường, Trường Thạnh đến Phú Hữu: tổng chiều dài 13.500m; cao trình đê: 3.0 - 3.2m; chiều rộng đê: 12m.

2. Cầu giao thông: các cầu giao thông lớn trên hệ thống bờ tả sông Sài Gòn theo bảng sau:

STT

Công trình

Quy mô

Đơn vị

Ghi chú

I

Cầu (C)

 

 

 

1

Cầu Kỳ Hà

90

m

Mặt cầu rộng 12m

2

C.G.Ông Tố

135

m

Mặt cầu rộng 12m

3

C.R.Chiếc

135

m

Mặt cầu rộng 12m

4

Cầu Gò Dưa

135

m

Mặt cầu rộng 12m

5

C.Ông Dậu

45

m

Mặt cầu rộng 12m

6

C.Cầu Đập

45

m

Mặt cầu rộng 12m

7

C.R.Bà Cua

135

m

Mặt cầu rộng 12m

8

C.R.Ông Nhiêu

180

m

Mặt cầu rộng 12m

II

Đê bao

13.5

km

 

3. Cải tạo kênh rạch: nạo vét các tuyến sông rạch thoát nước và phục vụ giao thông thủy: tổng chiều dài: 83.200m; chiều rộng trung bình: 6 - 15m; chiều sâu trung bình: -2.0 ÷ -4.0m.

Các tuyến kênh rạch cần cải tạo theo bảng sau (Tài liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh)

STT

Sông, rạch

L (m)

Mặt cắt thiết kế

Cấp kỹ thuật

Ghi chú

B (m)

Ñd (m)

1

Rạch (R) Ông Nhiêu

7.500

60

-4

4

Cục bộ

2

R.Bà Cua

7.000

60

-4

4

Cục bộ

3

R.Giồng Ô.Tố

7.000

50

-3

4

Cục bộ

4

R.Chiếc - Trau Trảu

11.500

50

-3

4

Cục bộ

5

R.Gò Công

5.700

40

 

6

Cục bộ

6

R.Cây Cam

3.500

20

-3

 

P.Long Trường

7

R.Thâu

2.500

20

-2

 

P.Long Trường

8

R.Nước Đục

2.500

20

-2

 

P.Long Trường

9

Kênh Một Tấn

4.000

20

-2

 

P. Phú Hữu

10

R.Đất Sét - Bà Lang

3.000

20

-2

 

P. Phú Hữu

11

R.Ruột Ngựa

2.000

20

-2

 

P. Phú Hữu

12

R.Bà Hiện

2.000

20

-2

 

P. Phú Hữu

13

R.Gò Lớn

1.500

15

-2

 

P. Phú Hữu

14

R.Ngọn Ngang

2.500

15

-2

 

P. Phú Hữu

15

R.Ngọn Giữa

2.500

15

-2

 

P. Phú Hữu

16

R.Ngọn Tiệm

3.000

15

-2

 

P. Phú Hữu

17

Rạch Bàng

2.500

20

-2

 

P. Phú Hữu

18

R.Cá Trê Lớn

4.000

20

-2

 

P. Phú Hữu

19

R.Cầu Ô.Lập

2.000

10

-2

 

P. Phú Hữu

20

Rạch Mương

2.500

20

-2

 

P. Phú Hữu

21

R.Kỳ Hà - R.Ô.Keo

4.500

30

-2

 

P. Phú Hữu

 

Tổng

83.200

 

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decision No. 1547/QD-TTg dated October 28, 2008, approving the master plan for flood prevention in Ho Chi Minh city

  • Số hiệu: 1547/QD-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/10/2008
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản