Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 147/QĐ-LĐTBXH

Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC AN TOÀN LAO ĐỘNG

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25/12/2001;
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cục An toàn lao động là đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn lao động, bảo hộ lao động trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Cục An toàn lao động có nhiệm vụ

1. Nghiên cứu, xây dựng trình Bộ

a) Chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm, dự án, đề án về an toàn lao động, bảo hộ lao động;

b) Các dự án luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn lao động, bảo hộ lao động;

c) Về chế độ bảo hộ lao động

- Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động;

- Tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động;

- Bồi dưỡng bằng hiện vật;

- Bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

- Chế độ làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

d) Về an toàn lao động và quy chuẩn kỹ thuật an toàn

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động;

- Danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

- Quy định và hướng dẫn chung về thủ tục đăng ký, kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư, có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

- Ý kiến thẩm định của Bộ đối với việc ban hành của các Bộ, ngành về:

+ Quy trình kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

+ Tiêu chí, điều kiện hoạt động của các tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn;

- Quy định, hướng dẫn việc kiểm tra chất lượng các sản phẩm, hàng hóa đặc thù về an toàn lao động theo quy định của pháp luật;

- Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

- Chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động; Tuần lễ quốc gia về an toàn lao động, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ;

- Ý kiến tham gia với Bộ Y tế để ban hành danh mục bệnh nghề nghiệp;

2. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện quy định của Nhà nước, của Bộ về an toàn lao động, bảo hộ lao động theo phân công của Bộ.

3. Tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn lao động, bảo hộ lao động theo phân công của Bộ; tổ chức cập nhật, thống kê, báo cáo về tai nạn lao động.

4. Quản lý công tác huấn luyện an toàn lao động (điều kiện tổ chức hoạt động huấn luyện; tiêu chuẩn giáo viên, huấn luyện viên tham gia huấn luyện an toàn lao động; nội dung huấn luyện về an toàn lao động).

5. Phối hợp xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch viên chức chuyên ngành, chế độ chính sách đối với cán bộ công chức, viên chức trong lĩnh vực được phân công; tiêu chí xếp hạng; định mức biên chế đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực quản lý.

6. Hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động về kiểm định kỹ thuật an toàn các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động của các Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn thuộc Bộ.

7. Giúp Bộ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hội, tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong lĩnh vực an toàn lao động, bảo hộ lao động.

8. Thực hiện hợp tác quốc tế theo phân công của Bộ.

9. Thực hiện nghiên cứu khoa học; tham gia đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức về an toàn lao động, bảo hộ lao động theo phân công của Bộ.

10. Sơ kết, tổng kết, báo cáo định kỳ và đột xuất về an toàn lao động, bảo hộ lao động.

11. Quản lý cán bộ, công chức, viên chức; cơ sở vật chất, tài chính, tài sản theo quy định của pháp luật và phân cấp của Bộ.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức của Cục An toàn lao động

1. Cục An toàn lao động có Cục trưởng, các Phó Cục trưởng giúp việc;

2. Các phòng và đơn vị chức năng gồm:

- Phòng Chính sách Bảo hộ lao động;

- Phòng Quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động;

- Phòng Thông tin, tuyên truyền, huấn luyện;

- Văn phòng;

- Trung tâm Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động (đơn vị sự nghiệp).

Điều 4. Cục trưởng Cục An toàn lao động có trách nhiệm ban hành và tổ chức thực hiện quy chế làm việc và quan hệ công tác của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trực thuộc; quản lý, phân công, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức trong Cục đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Điều 5. Cục An toàn lao động có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Bãi bỏ các quy định trước đây của Bộ trái với quyết định này.

Điều 7. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 7;
- Lưu: VT, TCCB.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Kim Ngân

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Decision No. 147/QD-LDTBXH of January 22, 2008, on defining the functions, tasks, powers and organizational structure of department of occupational safety and health

  • Số hiệu: 147/QD-LDTBXH
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/01/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Kim Ngân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/01/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản